ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1936/QĐ-UBND |
Hà Nội, ngày 07 tháng 6 năm 2022 |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 ngày 15/11/2017;
Căn cứ Nghị định 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng;
Căn cứ Nghị định 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 158/2018/NĐ-CP ngày 22/11/2018 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính;
Căn cứ Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV ngày 25/3/2015 của liên Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nội vụ, ban hành hướng dẫn chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về Nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và Thông tư 15/2015/TT-BNNPTNT ngày 26/3/2015 của Bộ Nông nghiệp & PTNT Hướng dẫn nhiệm vụ các Chi cục và các tổ chức sự nghiệp trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND ngày 19/11/2021 của UBND thành phố Hà Nội ban hành Quy định về quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội;
Căn cứ Quyết định số 4042/QĐ-UBND ngày 27/8/2021 của UBND Thành phố về phê duyệt Phương án sắp xếp, kiện toàn các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc Thành phố;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tại Tờ trình số 162/TTr-SNN ngày 20/4/2022 và Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 1192/TTr-SNV ngày 09/5/2022 về việc phê duyệt đề án tổ chức lại Chi cục Kiểm lâm Hà Nội thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như sau:
1. Vị trí, chức năng
a) Chi cục Kiểm lâm Hà Nội là tổ chức hành chính thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giúp Giám đốc Sở tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành và tổ chức thực thi pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.
b) Chi cục Kiểm lâm Hà Nội có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản theo quy định của pháp luật; chịu sự chỉ đạo, quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật và UBND Thành phố Hà Nội; đồng thời chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Tổng cục Lâm nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn
a) Về quản lý rừng:
- Tham mưu, giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế - kỹ thuật về chuyên ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý;
- Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế - kỹ thuật về lâm nghiệp đã được phê duyệt; thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chuyên ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý;
- Trình Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản về chuyên ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.
b) Về phát triển rừng:
- Hướng dẫn, kiểm tra thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án về trồng rừng, cải tạo rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, nuôi dưỡng, làm giàu rừng;
- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế - kỹ thuật về trồng rừng, cải tạo rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, nuôi dưỡng và làm giàu rừng;
- Thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các dự án bảo vệ, phát triển rừng, các mô hình khuyến lâm, phát triển lâm sản ngoài gỗ theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện công tác trồng cây phân tán trên địa bàn thành phố;
- Theo dõi, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện các dự án bảo vệ và phát triển rừng.
c) Về giống cây lâm nghiệp:
- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch và phát triển hệ thống vườn giống, rừng giống cây lâm nghiệp trên địa bàn thành phố;
- Tham mưu cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý giống, các nguồn giống, vườn giống cây trồng lâm nghiệp; tổ chức việc bình tuyển và công nhận cây mẹ, cây đầu dòng và rừng giống trên địa bàn thành phố. Xây dựng phương án, biện pháp, hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm về sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định.
d) Về sử dụng rừng:
- Tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện phương án điều chế rừng tự nhiên, phương án quản lý rừng bền vững, kế hoạch khai thác gỗ, lâm sản khác và chế biến lâm sản;
- Thẩm định, trình Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt hồ sơ thiết kế khai thác gỗ rừng tự nhiên, khai thác, tỉa thưa gỗ rừng trồng, khai thác nhựa thông theo quy định;
- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch về chi trả dịch vụ môi trường rừng.
đ) Bảo tồn thiên nhiên:
- Hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng hệ thống rừng đặc dụng và rừng phòng hộ trên địa bàn;
- Tham mưu quản lý các khu rừng đặc dụng, bảo tồn đa dạng sinh học, các loài thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật;
- Hướng dẫn, kiểm tra việc xử lý vi phạm trong hoạt động gây nuôi, trồng cấy nhân tạo động vật, thực vật hoang dã và bảo vệ môi trường rừng theo quy định của pháp luật;
- Hướng dẫn, kiểm tra về bảo tồn thiên nhiên; giáo dục môi trường gắn với cộng đồng tại các khu bảo tồn thiên nhiên.
e) Bảo vệ rừng:
- Tham mưu cho Giám đốc Sở trình cấp có thẩm quyền huy động các đơn vị vũ trang; huy động lực lượng, phương tiện khác của các tổ chức, cá nhân đóng trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn, ứng cứu cháy rừng và phá rừng nghiêm trọng trong những tình huống cần thiết và cấp bách;
- Tổ chức thực hiện các biện pháp chống chặt, phá rừng trái phép và các hành vi trái pháp luật xâm hại đến rừng và đất lâm nghiệp;
- Dự báo nguy cơ cháy rừng; xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng chuyên ngành; thống kê, kiểm kê rừng và đất lâm nghiệp; tham gia phòng, trừ sâu bệnh hại rừng;
- Tổ chức bảo vệ các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thuộc địa phương quản lý;
- Phối hợp hoạt động bảo vệ rừng đối với lực lượng bảo vệ rừng của các chủ rừng và lực lượng bảo vệ rừng của cộng đồng dân cư trên địa bàn.
g) Bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương:
- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn;
- Tổ chức thực hiện các hoạt động xử lý, xử phạt vi phạm hành chính; khởi tố, điều tra hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản theo quy định của pháp luật;
- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ rừng khi rừng bị xâm hại.
h) Xây dựng lực lượng và tuyên truyền:
- Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, chế độ, chính sách và pháp luật cho công chức, viên chức ngành lâm nghiệp và các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến lâm nghiệp trên địa bàn;
- Cấp phát, quản lý trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, cờ hiệu, thẻ kiểm lâm, vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị chuyên dùng của kiểm lâm địa phương; ấn chỉ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản theo quy định pháp luật.
i) Tổ chức thực hiện các dịch vụ kỹ thuật lâm nghiệp theo quy định pháp luật; tổ chức hoạt động du lịch sinh thái phải phù hợp với quy hoạch khu rừng đặc dụng và quy định của pháp luật.
k) Thực hiện hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
l) Thực hiện thanh tra chuyên ngành về lâm nghiệp theo quy định của pháp luật. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực lâm nghiệp; thực hiện việc báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định.
m) Tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính; quản lý tổ chức, biên chế công chức, vị trí việc làm, công chức, viên chức, tài chính, tài sản và nguồn lực khác được giao theo phân cấp của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và quy định của pháp luật.
n) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định pháp luật và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao.
3. Cơ cấu tổ chức
a) Lãnh đạo Chi cục:
- Chi cục có Chi cục trưởng và không quá 02 Phó Chi cục trưởng.
- Chi cục trưởng là người đứng đầu Chi cục, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trước Chủ tịch UBND Thành phố và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Chi cục;
- Phó Chi cục trưởng là người giúp việc Chi cục trưởng chỉ đạo một hoặc một số mặt công tác do Chi cục trưởng phân công, chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng và pháp luật về kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công; khi Chi cục trưởng vắng mặt, một phó Chi cục trưởng được Chi cục trưởng ủy nhiệm điều hành hoạt động của Chi cục.
- Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo được quyết định theo quy định hiện hành về phân cấp quản lý công tác cán bộ.
b) Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Chi cục gồm 05 phòng:
- Phòng Hành chính - Tổng hợp;
- Phòng Thanh tra - pháp chế;
- Phòng Quản lý, bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên;
- Phòng Sử dụng và phát triển rừng;
- Phòng Tổ chức, tuyên truyền và xây dựng lực lượng.
c) Các đơn vị trực thuộc Chi cục gồm 14 đơn vị:
- Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng số 1;
- Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng số 2;
- Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng số 3;
- Trạm Kỹ thuật dự báo phòng cháy và chữa cháy rừng;
- Hạt Kiểm lâm số 1;
- Hạt Kiểm lâm số 2;
- Hạt Kiểm lâm số 3;
- Hạt Kiểm lâm số 4;
- Hạt Kiểm lâm số 5;
- Hạt Kiểm lâm số 6;
- Hạt Kiểm lâm số 7;
- Hạt Kiểm lâm số 8;
- Hạt Kiểm lâm số 9;
- Hạt Kiểm lâm số 10.
Số lượng biên chế công chức tối thiểu và số lượng cấp phó phòng, trạm, hạt thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
4. Biên chế
Biên chế của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội được giao trên cơ sở vị trí việc làm gắn với chức năng nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và nằm trong tổng biên chế hành chính được UBND Thành phố giao hàng năm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội.
Năm 2022, biên chế giao cho Chi cục Kiểm lâm Hà Nội là biên chế được giao cho Chi cục tại Quyết định số 5199/QĐ-UBND ngày 10/12/2021 của UBND Thành phố về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 của thành phố Hà Nội; cụ thể: 192 người: Công chức: 121 chỉ tiêu; 44 chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và 27 chỉ tiêu hợp đồng lao động làm công tác bảo vệ trong các cơ quan hành chính theo Thông tư số 03/2019/TT-BNV .
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các quy định trái với quy định tại Quyết định này đều bị bãi bỏ.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở: Nội vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính; Thủ trưởng các Sở, ban ngành Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.