ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1893/QĐ-UBND |
Phú Yên, ngày 27 tháng 10 năm 2017 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội;
Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP;
Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;
Căn cứ Quyết định số 863/QĐ-BKHCN ngày 25/04/2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phê duyệt kinh phí, cơ quan chủ trì, cơ quan chuyển giao công nghệ và thời gian thực hiện của các dự án do Trung ương quản lý thuộc chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011 - 2015” bắt đầu thực hiện từ năm 2014;
Căn cứ Nghị quyết số 95/NQ-HĐND ngày 21/9/2017 của HĐND tỉnh ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 923/QĐ-UBND ngày 17/06/2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ tỉnh để thực hiện dự án NTMN cấp nhà nước “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhà nuôi chim yến và quy hoạch vùng, làng nghề nuôi chim yến tại Phú Yên”;
Căn cứ Quyết định số 2707/QĐ-UBND ngày 10/11/2016 của UBND tỉnh về việc thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng, làng nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Phú Yên;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (tại Tờ trình số 61/TTr-SKHCN ngày 28/7/2017, Văn bản số 398/SKHCN-TTƯD ngày 8/9/2017) và đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (tại Báo cáo thẩm định số 579/BC-SKHĐT ngày 8/8/2017, Văn bản sô 1640/SKHĐT-THQH ngày 18/9/2017); kèm Biên bản họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch ngày 16/2/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch vùng, làng nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 như sau:
I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU QUY HOẠCH
1. Quan điểm
Phát triển bền vững nghề nuôi chim yến đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tại Phú Yên, phát triển nghề nuôi chim yến gắn với bảo vệ môi trường, giải quyết lao động, chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp tại một số vùng có năng suất sản xuất thấp.
Tận dụng các mặt thuận lợi về điều kiện tự nhiên (môi trường sinh sống, vùng thức ăn đa dạng và phong phú...), về tổng số đàn chim yến hiện có, về điều kiện kinh tế xã hội và định hướng phát triển nghề nuôi chim yến trong tương lai.
Hình thành chính sách của địa phương xác định nghề nuôi chim yến là một trong những ngành kinh tế quan trọng, đóng góp nhiều cho ngân sách.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu tổng quát
Quy hoạch các vùng, làng nghề nuôi chim yến tập trung để đáp ứng nhu cầu phát triển, phát huy tiềm năng của nghề nuôi chim yến, bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại hiệu quả kinh tế và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
2.2. Mục tiêu cụ thể
Phát triển các vùng, làng nghề nuôi chim yến đảm bảo môi trường sinh thái, phát triển bền vững, khoa học và đảm bảo phát triển tổng thể về kinh tế xã hội, góp phần quản lý các nhà yến đang nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Phát triển nghề mới, nghề nuôi chim yến trong nhà gắn liền với phát triển bền vững và bảo vệ quần thể chim yến mang tính hiệu quả cao, tạo sản phẩm hàng hóa yến sào, tạo nguồn thu và giải quyết công ăn việc làm cho cộng đồng xã hội.
Định hướng nuôi chim yến tập trung, đảm bảo phát triển phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh trong giai đoạn hiện nay đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 mang tính bền vững.
Ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, quy trình công nghệ nuôi chim yến phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu tại Phú Yên.
Trên cơ sở về đặc điểm sinh học sinh sản, hiện trạng phân bố, điều kiện tự nhiên, dự báo sự phát triển quần thể chim yến nuôi trong nhà, vùng kiếm ăn và khảo sát thực tế tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Công tác quy hoạch vùng, làng nghề nuôi chim yến kết hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch nông thôn mới tại các địa phương cũng như những quan điểm, mục tiêu quy hoạch phát triển nghề nuôi chim yến tại Phú Yên... Quy hoạch vùng, làng nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 như sau:
1. Quy hoạch 04 vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến năm 2020
Thôn Phú Liên, xã An Phú, Thành phố Tuy Hòa diện tích 56,52 ha.
Thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa diện tích 10,26 ha.
Thôn Tân Định, thôn Hội Sơn, xã An Hòa, huyện Tuy An diện tích 87,62 ha.
Thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa diện tích 6,19 ha.
2. Quy hoạch 02 làng nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến năm 2020
Thôn Tân Định, xã An Hòa, huyện Tuy An, quy mô 3,538ha.
Thôn Ân Niên, xã Hòa An, huyện Phú Hòa, quy mô 4,053ha.
3. Quy hoạch 10 vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021 đến năm 2030
Thôn Quảng Đức, xã An Thạch, huyện Tuy An diện tích 20,93 ha.
Thôn Phú Hạnh, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An diện tích 14,17 ha.
Thôn Phong Hậu, xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa diện tích 76,86ha.
Thôn Triều Sơn, xã Xuân Thọ 2, thị xã Sông Cầu diện tích 37,77 ha.
Thôn Phước lộc, xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân diện tích 13,86 ha.
Thôn Long Hòa, xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân diện tích 5,38 ha
Thôn Liên Sơn, xã Sơn Xuân, huyện Sơn Hòa diện tích 35,65 ha.
Buôn Dành B, xã Ea Bia, huyện Sông Hinh diện tích 46,13 ha.
Thôn Bình Thắng, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa diện tích 60,84 ha.
Thôn Tân Đạo, xã Hòa Tân Đông, huyện Đông Hòa diện tích 68,36 ha.
4. Định hướng cho các nhà yến đã có trước khi quy hoạch, nằm ngoài vùng quy hoạch đến 2020 và định hướng đến năm 2030
Các nhà yến trên địa bàn tỉnh đã xây dựng trước khi quy hoạch này có hiệu lực thì được bảo tồn, không phát triển diện tích nuôi, đưa vào diện quản lý cho phép tồn tại, chịu sự kiểm tra, giám sát về an toàn sinh học, vệ sinh thú y, môi trường theo quy định trong Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/7/2013 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các quy định hiện hành.
5. Định hướng quy hoạch nuôi chim yến tại các khu vực ngoài vùng, làng nghề quy hoạch
Ngoài các vùng quy hoạch nêu trên, những điểm vùng (có vị trí thuận lợi về điều kiện tự nhiên và sinh thái để nuôi chim yến, tiểu vùng nhỏ không đủ diện tích đưa vào vùng quy hoạch) nhưng thỏa mãn rất tốt về điều kiện nuôi chim yến như: Có điều kiện thổ nhưỡng lý tưởng, môi trường sống vĩ mô rất tốt, quần đàn chim đi ăn thường xuyên, không ảnh hưởng bởi các yếu tố tác động bất lợi cho đàn chim yến…, đảm bảo các điều kiện của Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/7/2013 và Thông tư số 04/2010/TT-BNNPTNT ngày 15/01/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định 66/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ. Tùy tình hình tại địa phương, UBND cấp huyện, thị xã, thành phố có thể xem xét tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức đầu tư xây mới nuôi chim yến ở dạng nhỏ lẻ, quy mô vừa phải.
6. Các vùng không khuyến khích nuôi chim yến
Tại các vùng quy hoạch đã được phê duyệt, trong quá trình cấp phép xây dựng nhà nuôi chim yến cần đảm bảo an toàn sinh học, khoảng cách tối thiểu 100 m từ nhà yến đến các công trình sinh hoạt cộng đồng như trường học, trạm y tế,...
Các vùng không khuyến khích nuôi như: Gần khu công nghiệp, nhà máy, bệnh viện, trường học, cơ sở y tế, khu hành chính, khu nội thị của thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ, khu dân cư đông đúc,…
7. Định hướng quy hoạch vấn đề thu mua, chế biến tổ yến và phát triển nghề nuôi chim yến
Thành lập Hiệp hội yến sào, Trung tâm yến sào Phú Yên để hỗ trợ người nuôi yến về kỹ thuật nuôi, liên kết với nhau nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm, quy định chất lượng sản phẩm, nhãn mác xuất xứ chỉ dẫn địa lý sản phẩm.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp có đủ năng lực xây dựng cơ sở chế biến yến sào tạo nhiều dòng sản phẩm giá trị gia tăng cao hơn bán yến thô.
8. Kinh phí và nguồn kinh phí thực hiện quy hoạch
Kinh phí thực hiện quy hoạch: Huy động nguồn vốn xã hội hóa, tổ chức, doanh nghiệp,…
Giai đoạn 2017-2030: 54 tỷ đồng. Trong đó:
- Giai đoạn 2017-2020: 25 tỷ đồng.
- Giai đoạn 2021-2030: 29 tỷ đồng.
1. Giải pháp về bảo tồn, phát triển quần thể chim yến
Tổ chức bảo vệ các nhà yến có số lượng bầy đàn lớn khỏi các nguy cơ về thiên địch, bệnh dịch trên đàn chim yến để bảo tồn và phát triển quần đàn chim yến cho các vùng, làng nghề nuôi chim yến.
Sử dụng phương pháp ấp nở nhân tạo và nuôi chim con qua các giai đoạn phát triển đến khi chim tập bay ghép đàn, gây nuôi vào nhà yến cần bổ sung giống chim yến; phương pháp di đàn chim yến trưởng thành từ nhà yến có số lượng quần đàn chim ổn định sang nhà yến mới; phương pháp dẫn dụ chim yến (về âm thanh, tạo mùi dẫn dụ, tạo môi trường sống lý tưởng cho chim yến trong nhà) để thu hút và dẫn dụ chim yến về sinh sống và làm tổ.
2. Giải pháp phát triển nguồn thức ăn và môi trường sinh thái
Duy trì giữ ổn định diện tích đất nông nghiệp, vùng trồng lúa, cây nông nghiệp, hoa màu và tăng độ che phủ rừng.
Khuyến khích các hộ đầu tư theo kiểu mô hình trang trại với mật độ cây xanh ít nhất từ 40% trở lên, xa khu vực dân cư tập trung trong các vùng quy hoạch trên địa bàn tỉnh.
Tạo thức ăn nhân tạo tại nhà nuôi yến hoặc xung quanh nhà nuôi yến, bằng cách trồng các loại cây như táo nhơn, chuối, cây sung, xoài, thảm cỏ,…
3. Giải pháp về chính sách đầu tư, thuế và huy động vốn
Thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư xây dựng các cơ sở nuôi chim yến trong các vùng nuôi đã quy hoạch, phát triển cơ sở nuôi yến tập trung theo mô hình làng nghề là chủ đạo và kết hợp nuôi yến theo quy mô hộ gia đình để khai thác lợi thể, nguồn lực trong dân cư tại chỗ.
Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất kinh doanh tổ yến, các sản phẩm từ tổ yến và các vật tư phục vụ cho nghề nuôi chim yến.
Chính sách ưu đãi đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực tham gia đầu tư xây dựng làng nghề, giải quyết công ăn việc làm và góp phần phát triển kinh tế địa phương; hỗ trợ cho hộ nông dân lao động và có đất làm nhà yến tại vùng, làng nghề quy hoạch được vay vốn từ các nguồn vốn tín dụng ngắn hạn, trung hạn và dài hạn,...Các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà được hưởng các ưu đãi về thuế theo các quy định hiện hành.
Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho các vùng, làng nghề chim yến tập trung; nghiên cứu khoa học, tiếp nhận công nghệ dẫn dụ chim yến, công nghệ mới về ấp nuôi nhân tạo chim con; đào tạo nguồn nhân lực, khuyến nông và tuyên truyền phát triển nghề nuôi yến. Thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài thông qua các dự án được đầu tư vào phát triển công nghệ và chuyển giao công nghệ phục vụ nghề nuôi chim yến.
4. Giải pháp về đất đai
Diện tích quy hoạch vùng, làng nghề nuôi chim yến tập trung vào quy hoạch sử dụng đất. Chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp sang đất xây dựng trang trại nuôi chim yến lấy tổ mà không cần chuyển đổi sang đất xây dựng nhà ở hoặc đất phi nông nghiệp.
Xem các công trình nhà nuôi yến là dạng nông trại chăn nuôi gia cầm, nên cần cấp phép xây dựng nhà yến chuyên dụng xây trên đất nông nghiệp (vận dụng Điều 10, khoản 1, điểm h của Luật đất đai năm 2013).
5. Giải pháp về môi trường
Quy định các nhà yến phát âm thanh dẫn dụ trong khoảng thời gian từ 6h - 11h và từ 14h - đến 19h, cường độ âm thanh không vượt quá 70dBA, đảm bảo vệ sinh thú y và môi trường.
Các nhà nuôi yến phải dọn vệ sinh phân, xử lý và rắc vôi, phun thuốc sát trùng xung quanh nhà yến định kỳ 2 tuần/lần nhằm hạn chế tối đa sự ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ dân xung quanh. Cơ sở nuôi yến phải có cam kết bảo vệ môi trường theo quy định.
6. Giải pháp về khoa học công nghệ
Phối hợp các đơn vị chuyên ngành có kinh nghiệm về nghề nuôi chim yến để tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật mới như ấp nở nhân tạo, di đàn, nhân đàn, công nghệ tạo nguồn thức ăn, công nghệ bảo quản và chế biến các sản phẩm sau thu hoạch từ tổ yến... để phát triển nghề nuôi yến tại Phú Yên.
Xây dựng các mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong nuôi chim yến gắn với bảo vệ môi trường, mô hình làng nghề nuôi chim yến trình diễn để chuyển giao công nghệ và nhân rộng tại địa phương.
Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật nhà nuôi chim yến, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm tổ yến.
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả của các đơn vị, cá nhân về thành quả nghiên cứu khoa học, các bí quyết ngành nghề.
7. Giải pháp về thị trường
Tổ chức giới thiệu, quảng bá thị trường tiêu thụ sản phẩm yến sào qua các hội chợ thương mại trong nước hàng năm.
Các cơ sở nuôi khai thác yến sào trên địa bàn tỉnh cần đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm, truy xuất nguồn gốc để tạo độ tin cậy và uy tín cao.
Tạo dựng thương hiệu để hướng đến xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như Hồng Kông, Trung Quốc, Đài Loan, Ma Cao, Mỹ,…
Đa dạng hóa sản phẩm từ tổ yến, nâng cao sức cạnh tranh bền vững của thương hiệu yến sào Việt Nam.
8. Giải pháp về đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, lao động kỹ thuật
Tăng cường về năng lực và cơ sở vật chất - kỹ thuật của các đơn vị thực hiện công tác quản lý nghề nuôi chim yến.
Phối hợp với các đơn vị chuyên môn đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu, quản lý và kỹ thuật... để phát triển nghề nuôi chim yến tại Phú Yên.
9. Giải pháp tổ chức sản xuất, vận động tuyên truyền người nuôi chim yến
Khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư, tổ chức sản xuất tạo đa dạng sản phẩm từ tổ yến, việc nuôi yến phải gắn liền bảo vệ môi trường sinh thái.
Chính sách ưu đãi, thu hút các doanh nghiệp có đủ năng lực đầu tư xây dựng làng nghề nuôi chim yến, tổ chức sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Thành lập Hiệp hội nuôi chim yến, Trung tâm yến sào Phú yên để tổ chức sản xuất, nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm, hỗ trợ đầu ra cho người nuôi.
Tuyên truyền vận động người nuôi chim yến nằm trong khu đô thị, dân cư đông đúc di dời cơ sở nuôi yến ra các vùng nuôi đã quy hoạch.
Tuyên truyền các cơ sở nuôi chim yến phải tuân theo các quy định: mùi, thời gian và cường độ âm thanh từ hoạt động dẫn dụ, chất thải chim yến, vệ sinh thú y, khoảng cách cơ sở nuôi đến khu dân cư,...
Tuyên truyền, giáo dục người dân ý thức bảo vệ đàn chim yến, bảo vệ môi trường sinh thái, kết hợp thực hiện công tác phát triển nguồn lợi của đàn chim yến nhà.
10. Giải pháp liên kết, hợp tác phát triển nghề nuôi chim yến với các tỉnh
Hợp tác liên kết với các tỉnh có thế mạnh về nuôi chim yến lâu đời như Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam…hình thành chuỗi giá trị và thương hiệu mạnh cho yến sào Việt Nam.
Liên kết, hợp tác với Công ty TNHH nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa xây dựng làng nghề nuôi yến, hình thành nghề mới và phát triển nghề nuôi yến tại tỉnh Phú Yên.
Chi tiết theo Báo cáo tổng hợp Quy hoạch vùng, làng nghề nuôi chim yến trên địa bàn Phú Yên đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương tổ chức thực hiện quy hoạch.
Thống kê, rà soát các hộ nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh đưa vào quy chế báo cáo, quản lý theo quy định Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/7/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến và Quyết định số 2655/QĐ-BNN-PC ngày 29/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc bãi bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh.
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc: Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở nuôi chim yến phù hợp với quy hoạch, đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và môi trường sinh thái; đồng thời tổ chức thanh kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
Phối hợp đơn vị chuyên môn bồi dưỡng đội ngũ chuyên viên quản lý, kỹ thuật về công nghệ gây nuôi, dẫn dụ, phòng trừ thiên địch, dịch bệnh, phát triển vùng thức ăn.
Đề xuất UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích để phát triển nghề nuôi chim yến bền vững.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Hướng dẫn trình tự thủ tục tổ chức thực hiện; thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt các dự án đầu tư liên quan đến quy hoạch này.
3. Sở Tài chính: Phối hợp với các đơn vị, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện quy hoạch theo chức năng, nhiệm vụ của mình.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường
Thẩm định và trình UBND tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư nuôi chim yến.
Tham mưu UBND tỉnh thẩm định và phê duyệt các báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định.
Chủ trì phối hợp các ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành việc quản lý tiếng ồn, mức độ, thời gian hoạt động của âm thanh dẫn dụ chim yến và thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với hoạt động nuôi chim yến.
5. Sở Xây dựng: Hướng dẫn các quy định về cấp giấy phép xây dựng cho các cơ sở nuôi chim yến. Phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương tổ chức thanh kiểm tra và xử lý các vi phạm về xây dựng.
6. Sở Khoa học và Công nghệ
Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đánh giá, thẩm định công nghệ, thiết bị liên quan đến việc dẫn dụ, nuôi chim yến, thu hoạch và chế biến tổ yến; với các sở, ngành liên quan triển khai tốt Đề án Hợp tác phát triển và khai thác quần thể chim yến hàng tại tỉnh Phú Yên đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ nuôi chim yến và khai thác, chế biến yến sào đạt hiệu quả, an toàn vệ sinh thực phẩm.
7. Sở Y tế
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống các bệnh lây nhiễm từ động vật qua con người.
Xây dựng hệ thống cảnh báo thực phẩm không an toàn và dự báo nguy cơ ô nhiễm thực phẩm đối với sản phẩm chim yến.
8. Sở Công Thương
Tổ chức giới thiệu, quảng bá thị trường tiêu thụ sản phẩm tổ yến được nuôi tại Phú Yên tại các hội chợ thương mại.
Tăng cường công tác khuyến công, triển khai các chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ đầu tư, tổ chức sản xuất và chế biến các sản phẩm tổ yến; các hoạt động xúc tiến thương mại, nghiên cứu khảo sát thị trường, thuế, hàng rào kỹ thuật, xu thế tiêu dùng, tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm tổ yến.
Phối hợp với các đơn vị chuyên môn đào tạo các vấn đề bảo quản, chế biến sản phẩm tổ yến.
9. Đài Phát thanh -Truyền hình Phú Yên, Báo Phú Yên
Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, quy định của nhà nước liên quan đến hoạt động dẫn dụ, gây nuôi chim yến, thu hoạch và chế biến tổ yến.
Phối hợp với các sở, ngành chức năng liên quan tuyên truyền có hiệu quả các chủ trương, chính sách liên quan đến Quy hoạch vùng, làng nghề nuôi chim yến tỉnh Phú Yên đến năm 2020 định hướng đến năm 2030.
10. UBND các huyện, thị xã, thành phố
Phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng tổ chức triển khai tốt các nội dung quy hoạch trên địa bàn quản lý; kiểm tra các quy định về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y đối với các cơ sở nuôi chim yến, khai thác và chế biến tổ yến. Thống kê, đánh giá và quản lý các cơ sở nuôi chim yến trên địa bàn.
Tuyên truyền, vận động các cơ sở nuôi chim yến không nằm trong vùng quy hoạch di dời đến nơi quy hoạch và các cơ sở nuôi tuân thủ các quy định về môi trường.
11. Chủ cơ sở nuôi chim yến
Chấp hành các chủ trương, chính sách nhà nước về hoạt động nuôi chim yến.
Tuân thủ các quy định về sử dụng âm thanh và thời gian dẫn dụ, vệ sinh thú y và phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường.
Phối hợp các cơ quan chuyên môn trong việc lấy mẫu, kiểm tra định kỳ, hoặc đột xuất khi có yêu cầu.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Y tế; Đài phát thanh và truyền hình Phú Yên; Báo Phú Yên; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.