ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 187/QĐ-UBND |
Đà Nẵng, ngày 01 tháng 02 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG AN TOÀN TRONG THIÊN TAI GIAI ĐOẠN 2022-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045”
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045;
Căn cứ Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 4972/QĐ-UBND ngày 18 tháng 12 năm 2020 của UBND thành phố về việc ban hành Danh mục Đề án, dự án, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;
Căn cứ Quyết định số 2407/QĐ-UBND ngày 12 tháng 07 năm 2021 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc phê duyệt Đề cương và dự toán thực hiện Đề án “xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn trong thiên tai đến năm 2030”;
Căn cứ Thông báo số 370-TB/TU ngày 02 tháng 11 năm 2022 của Thành ủy Đà Nẵng về kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy tại cuộc họp ngày 25 tháng 10 năm 2022;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 4952/TTr-SNN ngày 02 tháng 12 năm 2022 và kết quả lấy ý kiến thành viên UBND thành phố bằng phiếu theo Công văn số 4912/VP-KT ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Văn phòng UBND thành phố.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn trong thiên tai giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố; Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện và Thủ trưởng các đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
ĐỀ ÁN
XÂY DỰNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG AN TOÀN TRONG THIÊN TAI GIAI ĐOẠN 2022 - 2030,
TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
(Ban hành kèm theo Quyết định số 187/QĐ-UBND ngày 01 tháng 02 năm 2023 của
UBND thành phố Đà Nẵng)
PHẦN I
TÌNH HÌNH THIÊN TAI, SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. SỰ CẦN THIẾT
Thành phố Đà Nẵng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nơi giao thoa giữa khí hậu biển và khí hậu lục địa, nằm gần ổ bão Thái Bình Dương nên thường xuyên phải đối mặt với bão, áp thấp nhiệt đới. Đồng thời là vùng hạ du của hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, một trong chín con sông lớn của Việt Nam có diện tích trên 10.000 km2 với đặc điểm chính là có chiều dài sông ngắn, độ dốc địa hình lớn, lưu vực hứng nước có dạng hình rẻ quạt, lũ về hạ du rất nhanh, thường xuyên gây ngập lụt ở vùng trung du và đồng bằng ven biển. Do đặc điểm địa hình, khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng có lượng mưa lớn so với cả nước, trung bình ở vùng đồng bằng từ 2.000 - 3.000 mm, vùng trung du và miền núi từ 3.000 - 4.000 mm, đặc biệt vùng núi Trà My và Bà Nà là hai trung tâm mưa lớn, lượng mưa bình quân năm trên 4.000 mm do vậy tình hình mưa lũ ở khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng là tương đối lớn và xuất hiện thường xuyên. Tình trạng rừng đầu nguồn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn tại một số khu vực chưa đảm bảo, khả năng giữ nước thấp làm cho tình hình lũ lụt, lũ quét ngày càng thêm trầm trọng. Ngoài ra, 2/3 (hai phần ba) diện tích tự nhiên của thành phố là vùng núi với các dãy núi cao: Bạch Mã, Cà Nhông - Khe Xương, Bà Nà, Sơn Gà, Sơn Trà, Hải Vân, các sông, suối lưu vực sông Túy Loan, Cu Đê nên Đà Nẵng là một trong những địa phương phải gánh chịu hậu quả nặng nề của lũ quét. Năm 1999 đã xảy ra lũ quét lịch sử trên cả hai sông nội địa của thành phố là Tuý Loan và Cu Đê.
Trong các năm qua, các loại hình thiên tai như bão, lũ lụt, lũ quét, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất,...thường xuyên xảy ra, trong đó bão, lũ, lụt hầu như năm nào cũng ảnh hưởng đến thành phố. Bình quân mỗi năm thành phố chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ 02 đến 03 cơn bão, từ 02 đến 03 đợt lũ, lụt lớn trên mức báo động III. Bão ở Đà Nẵng thường xuất hiện từ tháng 8 đến tháng 12, tuy nhiên một số thời điểm khác trong năm vẫn xuất hiện bão. Bão thường kèm theo mưa lớn nên gây ngập lụt. Mưa lớn, lũ, ngập lụt xuất hiện chủ yếu từ tháng 9 đến tháng 12. Theo thống kê, các loại hình thiên tai điển hình thường xảy ra hoặc có nguy cơ tác động trực tiếp và ảnh hưởng đến thành phố Đà Nẵng là lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, nước dâng, hạn hán, nắng nóng, xâm nhập mặn, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, mưa lớn, cháy rừng do tự nhiên, lốc, sét, mưa đá. Hiện nay, thành phố còn có nguy cơ đối mặt với nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm khác như: mưa lớn, sạt lở đất đá đồi núi, ngập úng đô thị.
Trong những năm gần đây, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu làm cho tần suất và đặc biệt là cường độ của các loại thiên tai như bão, lũ, hạn hán, động đất, sạt lở...ngày càng gia tăng, diễn biến bất thường, không theo quy luật và có thể trở thành thảm họa gây rủi ro lớn cho tính mạng, tài sản và kinh tế - xã hội. Điển hình như ngày càng thường xuyên xuất hiện các trận bão trên biển Đông với cường độ trên cấp 12-15, các đợt lũ trên báo động III, sạt lở đất đá, lũ quét gây sức tàn phá lớn.
Qua thực tiễn, nhận thấy trong thời gian qua việc phát triển hạ tầng giao thông, các khu đô thị, khu dân cư diễn ra rất mạnh mẽ, nhất là các khu đô thị ven sông tuy nhiên còn mang tính chất quy hoạch cục bộ, thiếu tính toán tổng thể các vấn đề thủy văn, thoát lũ dẫn đến thiếu đồng bộ trong thiết kế cao độ san nền, hệ thống tiêu thoát nước hay xâm phạm đến hành lang thoát lũ, dẫn đến tình trạng phát sinh ngập lụt khu vực đô thị và ngập sâu, kéo dài cục bộ nhiều điểm dân cư nông thôn. Hiện nay trên địa bàn vẫn tồn tại nhiều khu dân cư, điểm trường, trạm y tế nằm ở các khu vực thấp lụt, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý và triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai.
Theo dự thảo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030 đạt các mức tương ứng là 7% và 10%, trong đó: tăng trưởng dịch vụ giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030 tương ứng với các khoảng: Từ 6,5% đến 7% và từ 9% đến 9,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng là từ 7% đến 7,5% và từ 12% đến 12,5%; khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là từ 1% đến 1,5% và từ 3% đến 3,5%. Bình quân cho cả giai đoạn 2021-2030 tăng trưởng kinh tế đạt từ 9% đến 9,5%, trong đó tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt từ 8% đến 8,5%, khu vực công nghiệp và xây dựng đạt từ 9,5% đến 10% và khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt từ 2% đến 2,5%. Dự báo dân số đến 2030 khoảng 1,79 triệu người, trong đó dự báo dân số thường trú, tạm trú khoảng 1,56 triệu người, phần còn lại là quy đổi lao động thời vụ, khách vãng lai, lưu trú hay dân số tạm trú quy đổi khoảng 234.000 người. Có thể thấy, đến năm 2030 quy mô nền kinh tế của thành phố rất lớn cho nên phạm vi và đối tượng chịu tác động của thiên tai cũng gia tăng. Hàng năm, thành phố đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan cũng góp phần gia tăng tỷ lệ đối tượng chịu tác động của thiên tai.
Hạ tầng công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai đến nay cơ bản đã được đầu tư, sửa chữa, nâng cấp nhằm nâng cao hiệu quả cấp nước và an toàn với thiên tai, tuy nhiên việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào trong công tác quản lý, vận hành công trình, lắp đặt dự báo khí tượng, thủy văn chuyên dùng vẫn chưa đảm bảo.
Một số vấn đề tồn tại và thách thức về xâm nhập mặn, thiếu nước, an toàn đập: Thủy điện Đăk Mi 4 chuyển dòng sông Vu Gia về sông Thu Bồn để phát điện làm giảm khoảng 40- 50% lượng nước mùa khô về hạ du sông Vu Gia so với trước đây, trong những năm gần đây, tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước trên các sông thành phố Đà Nẵng hầu như năm nào cũng diễn ra, nhất là tại Nhà máy nước Cầu Đỏ đã gây khó khăn, gián đoạn cho việc cấp nước sinh hoạt cho người dân. Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ còn một số vấn đề tồn tại cà mùa kiệt lẫn mùa lũ đã ảnh hưởng đến việc cấp nước ổn định, hiệu quả cho khu vực hạ du. Hằng năm đập tạm tại Quảng Huế được hai địa phương là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng phối hợp đắp để tăng dòng chảy về sông Vu Gia, tuy nhiên thường xuyên bị phá hủy trong mùa mưa, lũ. Hệ thống đập dâng An Trạch - Hà Thanh được xây dựng đã lâu, đến nay đã xuống cấp, cần sửa chữa, nâng cấp; Quy trình vận hành hệ thống đập dâng An Trạch (xây dựng năm 2005) đến nay đã không còn phù hợp, cần điều chỉnh...
Nhận thức về công tác phòng chống thiên tai của cán bộ chính quyền các cấp và người dân từng bước được nâng cao, tuy nhiên vẫn tồn tại một bộ phận chưa đảm bảo kiến thức, kỹ năng và còn mang tâm lý chủ quan, ỷ lại trong phòng, chống thiên tai.
Hiện nay, lực lượng người làm công tác phòng, chống thiên tai các cấp hoạt động kiêm nhiệm, không được thường xuyên đào tạo đầy đủ, lại hay luân chuyển, dẫn đến thiếu tính kế thừa và thiếu hụt nhân lực có kinh nghiệm. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các sở, ban ngành, địa phương, đơn vị trực thuộc hoạt động kiêm nhiệm, công tác lồng ghép hoạt động đảm bảo an toàn trong thiên tai vào hoạt động của các ngành, địa phương còn chưa tốt.
Trong những năm gần đây, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống, thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thành ủy Đà Nẵng, HĐND thành phố Đà Nẵng, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn về công tác phòng, chống thiên tai mang tính chiến lược dài hạn, định hướng công tác ngày càng chuyên nghiệp, tổng thể và đồng bộ.
Có thể nói, yêu cầu của kinh tế - xã hội trong việc đảm bảo an toàn trong thiên tai để bảo vệ tính mạng, tài sản cũng như giảm nhẹ thiệt hại, duy trì sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp ngày càng đòi hỏi cao hơn. Đặt ra cho thành phố, nhất là các cấp lãnh đạo và cơ quan chuyên môn cần có những kế hoạch, chiến lược dài hạn mang tính tổng thể và giải pháp phù hợp để có thể xây dựng thành phố an toàn trong thiên tai. Từ những đặc điểm trên cũng như nhận định về diễn biến thiên tai trong thời gian đến; việc xây dựng và ban hành Đề án “Xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn trong thiên tai giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045” là rất cần thiết cho sự phát triển bền vững của thành phố.
II. CĂN CỨ PHÁP LÝ ĐỂ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013.
2. Luật Thủy lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017.
3. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020.
4. Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18 tháng 06 năm 2018 của Chính phủ về công tác phòng chống thiên tai.
5. Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
6. Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
7. Kết luận số 36-KL/TW ngày 23 tháng 6 năm 2022 của Bộ Chính trị ban hành về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước.
8. Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai”.
9. Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống thiên tai.
10. Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ Quy định về thành lập và quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai;
11. Quyết định số 1061/QĐ-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống thiên tai.
12. Quyết định số 397/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
13. Quyết định số 2901/QĐ-BTNMT ngày 16 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt và công bố kết quả phân vùng bão và xác định nguy cơ bão, nước dâng do bão cho khu vực ven biển Việt Nam.
14. Kế hoạch số 8066/KH-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2019 của UBND thành phố Đà Nẵng về triển khai thực hiện Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 03 tháng 10 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về công tác phòng chống thiên tai.
15. Kế hoạch số 133-KH/TU ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Thành ủy Đà Nẵng về triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
16. Kế hoạch số 6623/KH-UBND ngày 07 tháng 10 năm 2020 của UBND thành phố về Kế hoạch triển khai Kế hoạch số 133-KH/TU ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Thành ủy Đà Nẵng về triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
17. Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 10 tháng 12 năm 2020 của Thành ủy Đà Nẵng về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố.
18. Quyết định số 4972/QĐ-UBND ngày 18 tháng 12 năm 2020 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc ban hành Danh mục đề án, dự án nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
III. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ ÁN
1. Đối tượng
Lĩnh vực phòng, chống thiên tai thành phố Đà Nẵng.
2. Phạm vi nghiên cứu của Đề án
a) Về không gian: Toàn bộ thành phố Đà Nẵng (Bao gồm cả địa giới đất liền, quần đảo Hoàng Sa và trên biển).
b) Về thời gian: Số liệu thu thập để nghiên cứu, đánh giá được tổng hợp từ năm 1998 (sau khi thành lập thành phố Đà Nẵng) đến năm 2020; các thông tin dự báo, định hướng được tính toán đến năm 2030.
IV. CÁC LOẠI HÌNH THIÊN TAI THƯỜNG XUYÊN XẢY RA
1. Các thiên tai lớn trong thời gian qua trên địa bàn thành phố
Do vị trí địa lý, đặc điểm địa hình, địa mạo cùng với tác động biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai trên địa bàn thành phố từ 1998 đến nay có xu thế ngày càng gia tăng về số lượng, tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp và khó dự báo.
Theo thống kê, các loại hình thiên tai có nguy cơ tác động trực tiếp và ảnh hưởng đến thành phố Đà Nẵng là lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, nước dâng, hạn hán, nắng nóng, xâm nhập mặn, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, mưa lớn, cháy rừng do tự nhiên, lốc, sét, mưa đá. Hiện nay, thành phố còn có nguy cơ đối mặt với nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm khác như: mưa lớn, sạt lở đất đá đồi núi, ngập úng đô thị. Trong đó, gây thiệt hại lớn nhất vẫn là: bão, lũ, ngập lụt, ngập úng đô thị, lũ quét, sạt lở đất và hạn hán, cháy rừng.
2. Thiệt hại do thiên tai những năm qua và rủi ro thiên tai chính
a) Tổng hợp thiệt hại do thiên tai
Theo số liệu thống kê từ năm 1998 đến nay, thành phố đã chịu ảnh hưởng của 39 cơn bão, 16 áp thấp nhiệt đới và 57 đợt lũ làm 219 người chết, 226 người bị thương, 175 tàu thuyền bị chìm, cơ sở hạ tầng và nông nghiệp bị phá hủy nặng nề. Tổng thiệt hại ước tính hơn 10.000 tỷ đồng. Trong đó, đặc biệt các đợt lũ năm 1998, 1999, 2007, 2009, cơn bão số 6 năm 2006 (bão Xangsane), cơn bão số 9 năm 2009 (bão Ketsana) và cơn bão số 11 (Nari) năm 2013 đổ bộ trực tiếp đến thành phố Đà Nẵng gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
b) Rủi ro thiên tai chính của thành phố Đà Nẵng
Từ thực tiễn lịch sử thiên tai và thiệt hại, thiên tai có thể gây ra những rủi ro chết người và bị thương, hư hỏng, sập nhà, tốc mái nhà ở, sạt lở bờ sông, bờ biển, hệ thống đê, kè, kênh mương hư hỏng công trình thủy lợi, hư hỏng khu công nghiệp, hư hỏng hệ thống giao thông, hệ thống điện lưới, cơ sở hạ tầng, cơ quan công sở, thiệt hại và gián đoạn hoạt động ngành du lịch, thiệt hại sản xuất nông nghiệp, cây xanh đô thị, ô nhiễm môi trường sau thiên tai,...
3. Những khu vực nguy cơ chịu ảnh hưởng của thiên tai
Căn cứ vào đặc điểm địa hình, đặc điểm thiên tai và thiệt hại do thiên tai gây ra, có thể phân tích và nhận diện khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của từng loại hình thiên tai trên địa bàn thành phố đến hành chính cấp xã như sau:
a) Khu vực ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển:
Bão và áp thấp nhiệt đới ở Đà Nẵng thường xảy ra trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 12, tập trung chủ yếu vào tháng 10 và tháng 11. Các cơn bão và áp thấp nhiệt đới thường đi kèm với mưa to. Vì vậy, ngoài việc xuất hiện gió mạnh, trên đất liền còn bị ảnh hưởng của lũ, ngập lụt. Khu vực chịu ảnh hưởng gồm:
- Toàn vùng Biển Đông bao gồm huyện đảo Hoàng Sa, vùng ven biển chịu ảnh hưởng của ba loại hình thiên tai chính là bão, áp thấp nhiệt đới; gió mạnh trên biển;
- Khu vực đất liền và hải đảo bao gồm có 08 quận, huyện là Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa với 56 xã, phường. Mức độ bị ảnh hưởng của từng vùng là khác nhau và giảm dần khi ở cách xa bờ biển:
+ Quận Liên Chiểu: Các phường Hòa Minh, Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc.
+ Quận Thanh Khê: Các phường Tam Thuận, Xuân Hà, Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây.
+ Quận Hải Châu: Các phường Thanh Bình, Thuận Phước.
+ Quận Sơn Trà: Các phường Nại Hiên Đông, Thọ Quang, An Hải Bắc, An Hải Tây, Mân Thái, Phước Mỹ.
+ Quận Ngũ Hành Sơn: Các phường Mỹ An, Khuê Mỹ và Hòa Hải.
+ Huyện Hòa Vang: 11 xã thuộc huyện Hòa Vang.
b) Vùng bị ảnh hưởng của lũ, ngập lụt:
Từ tháng 9 đến tháng 12 hằng năm là thời kỳ mưa lũ ở Đà Nẵng, mưa lớn tập trung từ tháng 10 đến tháng 12. Có 03 loại hình thái thời tiết gây mưa lũ trên địa bàn thành phố, đó là:
- Khi có bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền hoặc ảnh hưởng trực tiếp như di chuyển dọc theo bờ biển, hoặc đổ bộ vào phía Bắc tỉnh Quảng Nam, phía Nam tỉnh Thừa Thiên Huế. Đi kèm với bão thường có các đợt mưa to trước và sau bão, áp thấp nhiệt đới.
- Khi có gió mùa Đông Bắc cường độ mạnh tràn về kết hợp với hoàn lưu của bão, áp thấp nhiệt đới. Đây là hình thái thời tiết có xu thế gây mưa to, lũ lớn trên đất liền.
- Khi dải hội tụ nhiệt đới hoạt động ở phía Nam Biển Đông, đồng thời ở phía Bắc có gió mùa hoặc tín phong Đông Bắc hoạt động và di chuyển xuống phía Nam. Hình thái thời tiết này thường gây ra mưa lớn, kéo dài nhiều ngày.
Các cơn lũ lớn điển hình năm 1999, 2007, 2009, 2011, 2013, 2017, 2022 trên địa bàn thành phố đều do các hình thái kết hợp nêu trên gây ra.
Trong những năm qua, việc đầu tư phát triển các khu đô thị ven sông, hạ tầng giao thông nhu cầu và các tuyến đường[1] đã và đang xây dựng với cao độ mặt đường cao hơn nhiều so với địa hình tự nhiên, một số tuyến, đoạn chắn ngang các tuyến thoát lũ trong khi hệ thống thoát nước chưa đảm bảo thoát lũ tự nhiên, làm cho sự phân bố dòng chảy thay đổi, đặc biệt ở vùng hạ lưu sông Vu Gia:
- Từ năm 2012, khu vực huyện Hoà Vang đặc biệt là các xã Hoà Tiến, Hoà Châu được phát triển nâng cấp hạ tầng về giao thông, cầu cống; khu vực Hoà Xuân, Hoà Thọ Đông (Cẩm Lệ), Hoà Quý (Ngũ Hành Sơn) trước đây là vùng đệm thoát lũ, nay thay đổi gần như 100% địa hình, san nền, xây dựng khu dân cư, cơ sở hạ tầng đã làm thay đổi diện và mức độ ngập lụt của vùng này.
Đặc biệt với việc xây dựng đường cao tốc, đường vành đai thì ngập lụt tại các khu vực phía Tây ngày càng tăng lên[2], phạm vi ngập lụt có thể mở rộng ra đến các khu vực ven sông Yên, Túy Loan, Cu Đê. Một số công trình nâng cao trình, san nền các khu đô thị liền kề và xây dựng mới một số công trình ở những vùng trũng thấp, san lấp hệ thống sông, ao hồ tự nhiên.
- Vùng bị ảnh hưởng của lũ, ngập lụt: chủ yếu nằm ở các địa phương phía Tây Nam thành phố, bao gồm:
+ Huyện Hoà Vang: Các xã Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Liên, Hoà Phú, Hoà Bắc, Hoà Nhơn.
+ Quận Cẩm Lệ: Các phường Hòa Thọ Tây, Hòa Thọ Đông.
+ Quận Ngũ Hành Sơn: Các phường Hòa Quý, Hòa Hải.
+ Quận Liên Chiểu: Phường Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc, Hòa Minh, Hòa Khánh Nam.
c) Vùng ảnh hưởng của mưa lớn, ngập cục bộ:
Toàn địa bàn thành phố, trong đó trọng điểm:
- Khu vực ven sông các quận: Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu và huyện Hoà Vang ngập lụt khu dân cư ven sông và vùng trũng thấp.
- Khu vực trung tâm đô thị các quận: gây ngập các khu vực trũng, thấp, khu vực hệ thống thoát nước đô thị chưa đảm bảo. Qua số liệu tổng hợp, hiện thành phố còn 10 điểm thường xuyên ngập lụt và khoảng 20 điểm ngập cục bộ khi mưa cường độ lớn.
Các nguyên nhân ngập úng khá đa dạng nhưng bao gồm các vấn đề chính như: Tiết diện cống nhỏ so với yêu cầu thoát nước, cống hạ lưu nhỏ hơn thượng lưu (điển hình là khu vực Trường Chinh, Khe Cạn), đầu các cống còn bất cập (cao độ cống hạ lưu cao hơn thượng lưu), cao độ đường nơi đặt cống cao hơn nền khu dân cư, ảnh hưởng của mưa và triều kết hợp, các tuyến thoát nước chưa được kiên cố, cứng hóa dẫn đến bị bồi lắng, lấn chiếm. Nhiều tuyến cống được xây dựng từ lâu, hiện đã hư hỏng xuống cấp không đáp ứng được yêu cầu thoát nước, một số khu vực chưa có cống thoát nước.
Mật độ cống không đồng đều ở các khu vực khác nhau của thành phố, nhiều khu vực như quận Liên Chiểu, quận Ngũ Hành Sơn, chân núi Phước Tường hiện có mật độ cống rất ít.
Vai trò điều tiết của các hồ chứa chưa được xem xét, đánh giá đúng mức. Nhiều hồ có dung tích và vị trí thích hợp nhưng chưa được sử dụng cho mục đích điều tiết nước mưa. Hiện thành phố còn một số vùng trũng tập trung nước như khu vực Tôn Đản kéo dài Trường Chinh, các hồ điều tiết đã bị lấp để phát triển hạ tầng như hồ Đầm Rong, Bàu Mạc, chuỗi hồ Sân Bay, bàu Gia Hạ hoặc thay đổi lưu vực như khu Phước Lý.
d) Vùng bị ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất, đá:
- Vùng bị ảnh hưởng sạt lở đất, đá: Khu vực miền núi phía Tây, Tây Bắc thành phố có địa mạo, địa chất phức tạp, độ dốc của các sườn núi khá lớn. Khi xuất hiện mưa lớn kéo dài nhiều ngày, cùng với tác động của con người như bạt núi, mở đường, chặt phá rừng, khai thác khoáng sản,...đã gây ra sạt lở đồi núi, sườn dốc nhiều nơi, tập trung chủ yếu ở huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu và quận Sơn Trà, bao gồm 07 xã, phường:
+ Quận Liên Chiểu: Phường Hòa Hiệp Bắc phần nằm dọc sông Cu Đê, khu vực suối Lương và đường Quốc lộ 1 đoạn lên đèo Hải Vân.
+ Quận Sơn Trà: Phường Thọ Quang (Khu vực Suối Đá và đường Hoàng Sa đoạn lên núi Sơn Trà).
+ Huyện Hòa Vang: 05 xã Hòa Phú, Hòa Bắc, Hòa Sơn, Hòa Ninh, Hòa Liên
Xã Hòa Phú: Các thôn Đông Lâm, Hội Phước, Hòa Phước, An Châu và đường ĐT 604 đoạn Dốc Kiền.
Xã Hòa Bắc: Các thôn Nam Yên, Hội Yên, Nam Mỹ (tổ 1), Phò Nam (tổ 1 và 2), An Định và đường ĐT 601 đoạn từ xã Hòa Liên đi xã Hòa Bắc.
Xã Hòa Ninh: Các Thôn 1, Đông Sơn, An Sơn, An Ngãi Đông và đường ĐT 602 đoạn đèo ông Gấm, khu vực núi Bà Nà.
Xã Hoà Sơn: Khu vực núi Sọ.
Xã Hòa Liên: thôn Quan Nam 3.
- Vùng bị ảnh hưởng lũ quét:
+ Huyện Hòa Vang: Bao gồm 06 xã: Hòa Phú, Hòa Bắc, Hòa Ninh, Hoà Sơn, Hòa Nhơn, Hòa Phong và Hòa Liên nằm dọc theo 02 sông Tuý Loan, Cu Đê.
+ Quận Liên Chiểu: Phường Hòa Hiệp Bắc nằm dọc theo sông Cu Đê.
đ) Vùng ảnh hưởng của sạt lở bờ biển, xâm thực biển:
Hiện tượng xói lở bờ biển có tác động mạnh đến giao thông, hệ thống đê, kè biển, công trình và cơ sở hạ tầng dọc biển các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn. Tại cửa sông Hàn, quá trình bồi lắng có xu hướng giảm nhưng tại cửa sông Cu Đê có xu hướng tăng trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến nay.
- Vùng sạt lở có xu hướng phức tạp cả về quy mô và cường độ, bao gồm bờ biển các quận ven biển: Liên Chiểu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn với chiều dài khoảng 30km, cụ thể như sau:
+ Quận Liên Chiểu: Bờ biển các phường Hòa Minh, Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc và vùng cửa sông Cu Đê.
+ Quận Thanh Khê: Bờ biển thuộc các phường Tam Thuận, Xuân Hà, Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây.
+ Quận Sơn Trà: Vùng cửa Sông Hàn, vùng bờ các phường Nại Hiên Đông, Thọ Quang khu vực vịnh Đà Nẵng; vùng bờ biển Bãi ngang thuộc các phường Thọ Quang, Mân Thái, Phước Mỹ.
+ Quận Ngũ Hành Sơn: Bờ biển các phường Mỹ An, Khuê Mỹ và Hòa Hải
e) Vùng bị ảnh hưởng sạt lở ven sông:
Bao gồm gồm 15 xã, phường với 1.680 hộ dân nằm dọc theo các Sông Yên, sông Cu Đê, sông Túy Loan, sông Quá Giáng, sông cầu Đỏ, sông Vĩnh Điện, cụ thể:
- Huyện Hoà Vang: Bao gồm các xã Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Phú, Hòa Bắc, Hòa Liên nằm dọc theo các Sông Yên, sông Cu Đê, sông Túy Loan, sông Quá Giáng, sông Cầu Đỏ, sông Vĩnh Điện.
- Quận Cẩm Lệ: Bao gồm các phường Hòa Thọ Đông, Hòa Thọ Tây, Hòa Xuân nằm dọc theo các sông Quá Giáng, sông Cầu Đỏ, sông Vĩnh Điện.
- Quận Liên Chiểu: Bao gồm 02 phường Hoà Hiệp Bắc và Hoà Hiệp Nam nằm dọc theo sông Cu Đê.
- Quận Ngũ Hành Sơn: Bao gồm 02 phường Mỹ An và Hoà Quý nằm dọc theo sông Vĩnh Điện.
g) Vùng ảnh hưởng của sóng thần, nước biển dâng:
Bao gồm toàn bộ vùng biển, huyện đảo Hoàng Sa và các quận ven biển: Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê và Liên Chiểu với tổng diện tích ước khoảng 25,56 km2, dân số khoảng 184.000 người, cụ thể như sau:
- Biển và hải đảo:
+ Vịnh Đà Nẵng: Toàn bộ vùng biển của Vịnh.
+ Biển ngang: Vùng ảnh hưởng là vùng có độ sâu nhỏ hơn 30m; dự kiến tại đây độ cao sóng là 3,5m, chu kỳ sóng khoảng 5km (nằm trong vùng từ bờ ra đường đẳng sâu 30m; cách về phía Đông 5km đối với hòn Sơn Trà con, 7km đối với cửa Vịnh Đà Nẵng, 6km đối với mũi Đà Nẵng (Mũi Nghề); 20km đối với núi Ngũ Hành Sơn).
+ Hải đảo: Vùng nguy hiểm là toàn bộ huyện đảo Hoàng Sa.
- Khu vực đất liền:
+ Quận Liên Chiểu: Vùng đất bằng ven biển thuộc các phường Hòa Minh, Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc và vùng của sông Cu Đê có diện tích ước khoảng 4,7km2, dân số khoảng 40.000 người.
+ Quận Thanh Khê: Vùng đất bằng ven biển thuộc các phường Tam Thuận, Xuân Hà, Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây có diện tích ước khoảng 2,1km2, dân số khoảng 15.000 người.
+ Quận Hải Châu: Vùng đất bằng ven biển thuộc các phường Thanh Bình, Thuận Phước và vùng cửa Sông Hàn (bờ tả) thuộc các phường Thạch Thang, Hải Châu 1, Phước Ninh, có diện tích ước khoảng 2,8km2, dân số khoảng 19.000 người.
+ Quận Sơn Trà: Vùng ven Vịnh Đà Nẵng thuộc các phường: Nại Hiên Đông, Thọ Quang; vùng cửa Sông Hàn (bờ hữu) thuộc các phường: Nại Hiên Đông, An Hải Bắc, An Hải Tây; vùng đất bằng ven biển Bãi ngang thuộc các phường Thọ Quang, Mân Thái, Phước Mỹ có diện tích ước khoảng 8,4km2, dân số khoảng 47.000 người.
+ Quận Ngũ Hành Sơn: Các phường Mỹ An, Khuê Mỹ và Hòa Hải, có diện tích ước khoảng 8,56km2, dân số khoảng 31.000 người.
+ Du khách tắm biển (lúc cao nhất), trường học, trạm xá, ngư dân trên Vịnh Đà Nẵng và ven bờ… khoảng 32.000 người.
h) Vùng ảnh hưởng của hạn hán: Toàn địa bàn huyện Hoà Vang, phường Hoà Quý quận Ngũ Hành Sơn, phường Hoà Thọ Tây quận Cẩm Lệ. Trong đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp là chịu tác động nhiều nhất.
i) Vùng ảnh hưởng của nắng nóng, xâm nhập mặn: Xâm nhập mặn trên các sông: Cầu Đỏ, Cu Đê, Vĩnh Điện gây thiếu nguồn nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất và và nắng nóng ảnh hưởng trên toàn địa bàn thành phố.
k) Vùng ảnh hưởng của cháy rừng do tự nhiên: Chủ yếu trên địa bàn các địa phương huyện Hoà Vang, quận Liên Chiểu và quận Sơn Trà: Huyện Hoà Vang: các xã Hoà Bắc, Hoà Phú, Hoà Sơn, Hoà Ninh, Hoà Liên, Hoà Khương, Hoà Phong, Hoà Nhơn; Quận Liên Chiểu: Phường Hoà Hiệp Bắc và Quận Sơn Trà: Phường Thọ Quang.
l) Vùng ảnh hưởng của lốc, sét: Toàn địa bàn thành phố, trong đó chủ yếu là ở địa bàn huyện Hoà Vang và quận Liên Chiểu.
V. HIỆN TRẠNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI
1. Những kết quả đạt được
a) Triển khai thực hiện đầy đủ theo hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác phòng chống thiên tai: Trên cơ sở các Luật và các Nghị định về phòng, chống thiên tai; tài nguyên nước; thủy lợi và các chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thành ủy Đà Nẵng, HĐND thành phố Đà Nẵng, UBND thành phố Đà Nẵng, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố đã ban hành đầy đủ và kịp thời các văn bản triển khai, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
b) Thực hiện tốt công tác tổ chức bộ máy thực hiện công tác phòng, chống thiên tai theo hướng dẫn, thường xuyên rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố và phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên, xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động đảm bảo lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố đều nằm trong danh sách thành viên, được tiếp nhận đầy đủ, kịp thời thông tin liên quan.
c) Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai: Hằng năm, ngân sách thành phố và ngân sách quận, huyện có trích nguồn dự phòng ngân sách để chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Ngân sách các sở ngành, đơn vị, địa phương chỉ đầu tư, trang bị những điều kiện cơ bản, thiết yếu phục vụ công tác thông tin phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục sự cố theo phương châm “bốn tại chỗ”.
d) Dân cư các vùng nguy cơ cao bị ảnh hưởng thiên tai được quan tâm đầu tư các dự án, hỗ trợ kinh phí để thực hiện di dời tránh vùng thiên tai, ổn định dân cư.
đ) Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn tại Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố cấp thành phố, các đơn vị lực lượng vũ trang và sở, ban, ngành từng bước được trang bị, hiện đại hóa.
e) Đã thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội.
g) Tổ chức triển khai, tiếp nhận và tham gia nhiều dự án do các tổ chức quốc tế tài trợ, phối hợp thực hiện về lĩnh vực phòng, chống thiên tai đảm bảo kịp thời, minh bạch và hiệu quả.
h) Cơ sở hạ tầng thủy lợi và phòng, chống thiên tai được nâng cấp cơ bản đáp ứng trong công tác ứng phó.
i) Cơ sở hạ tầng các lĩnh vực đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ bản đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai.
k) Công tác quản lý trồng rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng từng bước chuyên nghiệp.
l) Nhận thức của các cấp, ngành và cộng đồng về phòng, chống thiên tai từng bước được nâng cao. Công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống thiên tai được đa dạng hóa.
m) Ứng dụng, nghiên cứu khoa học công nghệ trong công tác phòng chống thiên tai được chú trọng đầu tư, áp dụng công nghệ thông tin như hệ thống mạng internet, facebook, zalo,...để nhanh chóng nắm bắt về diễn biến thời tiết, thiên tai, tiếp nhận các Chỉ thị, Công điện, Thông báo...của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và kịp thời thông tin, tham mưu công tác phòng chống, ứng phó thiên tai đến các địa phương, cơ quan, đơn vị và trực tiếp đến người dân.
n) Công tác triển khai khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian qua cơ bản thực hiện tốt. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng đã kiện toàn Ban Cứu trợ thành phố Đà Nẵng, thực hiện tốt công tác tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối, quản lý và sử dụng tiền, hàng từ các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ.
2. Những tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống thiên tai những năm qua cũng còn bộc lộ một số vấn đề tồn tại, hạn chế:
a) Thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường, cực đoan, gây ra nhiều thiệt hại về người, tài sản và khó khăn trong công tác quản lý, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai.
b) Bộ máy tham mưu còn chưa đáp ứng đối với yêu cầu ngày càng cao của công tác phòng, chống thiên tai. Đặc biệt, đối với cán bộ địa phương cấp quận, huyện, xã, phường thường xuyên thay đổi vị trí công tác nên thiếu ổn định, không nắm bắt xuyên suốt công việc và khó phối hợp. Chính quyền và người dân thành phố trong những năm qua đã có nhiều kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm ứng phó với bão và ngập lũ vùng nông thôn hơn so với ứng phó ngập lụt đô thị diện rộng, đặc biệt là với cường độ mưa lịch sử vừa qua, vì vậy, ứng phó với tình trạng ngập lụt lớn trong đô thị có phần bị động.
c) Hoạt động phòng, chống thiên tai của các cấp, ngành chưa đồng bộ.
d) Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng thành phố chưa cao[3], chưa đáp ứng yêu cầu trước sự tàn phá của bão, lũ; trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn chưa đảm bảo, nhất là khi có các tình huống thiên tai quy mô lớn.
đ) Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai cần tiếp tục được nâng cao, nhất là liên quan đến các loại hình thiên tai nguy hiểm, sức tàn phá lớn như mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét, động đất. Công tác dự báo về lượng mưa chưa theo kịp diễn biến thực tế mưa, lũ, chưa chính xác, cụ thể về thời điểm, phạm vi mua lớn và định lượng mưa trên địa bàn.
e) Nhận thức của một bộ phận cộng đồng, người dân còn chủ quan, chưa được tập huấn thường xuyên và đầy đủ.
g) Việc lồng ghép công tác phòng, chống thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội và đầu tư cơ sở hạ tầng của một số ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức.
h) Việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ đã và đang có nguy cơ gia tăng rủi ro thiên tai đặc biệt là tình trạng ngập lụt, ngập úng cục bộ.
i) Công tác vận hành, điều tiết lũ hồ chứa thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn còn một số tồn tại, bất cập cần phải tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp, có nguy cơ gây gia tăng ngập lũ và ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước thành phố.
k) Công tác khắc phục hậu quả thiên tai (đối với các công trình) vẫn phải thực hiện theo quy trình xây dựng cơ bản, Luật Đầu tư công,...nên thường hay bị chậm trễ trong việc khắc phục, thông thường phải qua năm sau mới đầu tư, khắc phục, sửa chữa thiệt hại do thiên tai năm trước gây ra.
PHẦN II
NỘI DUNG XÂY DỰNG THÀNH PHỐ AN TOÀN TRONG THIÊN TAI ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
I. NHẬN ĐỊNH CHUNG VỀ NGUY CƠ THIÊN TAI CÓ THỂ XẢY RA TRONG THỜI GIAN ĐẾN
1. Kịch bản biến đổi khí hậu đến năm 2030 khu vực thành phố Đà Nẵng
Theo Kịch bản biến đổi khí hậu cập nhật năm 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì diễn biến biến đổi khí hậu tại Đà Nẵng đến năm 2030 như sau:
a) Về nhiệt độ:
Theo kịch bản trung bình RCP4.5 (nồng độ khí nhà kính đại diện “Representative Concentration Pathways - RCP), nhiệt độ trung bình năm khu vực thành phố Đà Nẵng có xu thế tăng so với trung bình thời kỳ cơ sở (1986- 2005). Theo kịch bản trung bình RCP4.5, giữa thế kỷ tăng khoảng 1,4°C; đến cuối thế kỷ tăng khoảng 1,9°C. Theo kịch bản cao RCP8.5, giữa thế kỷ tăng khoảng 1,9°C; đến cuối thế kỷ tăng khoảng 3,2°C.
Theo kịch bản RCP4.5, đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ tối cao và tối thấp trung bình năm có xu thế tăng từ 1,9 đến 2,0°C. Theo kịch bản cao RCP8.5, mức tăng có thể đến 3,4°C.
Vào giữa thế kỷ 21 số ngày nắng nóng (ngày nhiệt độ cao nhất Tx ≥ 35°C) có xu thế tăng, với mức tăng từ 30 đến 40 ngày so với thời kỳ cơ sở. Đen cuối thế kỷ 21, số ngày nắng nóng tăng từ 40 đến 80 ngày.
b) Về lượng mưa:
Theo kịch bản trung bình RCP4.5, lượng mưa năm có xu thế tăng. Giữa thế kỷ tăng 22,7%; đến cuối thế kỷ tăng khoảng 25,5%. Theo kịch bản cao RCP8.5, giữa thế kỷ tăng 22,0%; đến cuối thế kỷ tăng khoảng 20,8%.
Lượng mưa một ngày lớn nhất và 5 ngày lớn nhất đều được dự tính có xu thế tăng trong thế kỷ 21 theo các kịch bản trung bình và kịch bản cao[4]. Đến cuối thế kỷ 21, theo kịch bản trung bình RCP4.5, mức tăng của lượng mưa 1 ngày lớn nhất có thể tăng từ 60 đến 70%; lượng mưa 5 ngày liên tiếp lớn nhất có thể tăng từ 50 đến 70%.
c) Về hạn hán:
Kết quả dự tính cho thấy, lượng mưa mùa đông, mùa xuân có xu thế giảm và nhiệt độ tăng cao khiến bốc hơi tăng, dẫn đến nguy cơ hạn hán sẽ nghiêm trọng hơn vào các tháng mùa đông, mùa xuân ở khu vực thành phố Đà Nẵng.
d) Về mực nước biển dâng:
Theo kịch bản trung bình (RCP4.5), đến cuối thế kỷ 21 nước biển có khả năng dâng thêm khoảng 54cm; theo kịch bản cao (RCP8.5): 73cm.
Mực nước biển dâng khu vực ven bờ thành phố Đà Nẵng và khu vực quần đảo Hoàng Sa có thể xảy ra là 13 cm. Nếu mực nước biển dâng 100 cm, khoảng 1,13% diện tích của thành phố Đà Nẵng có nguy cơ bị ngập, trong đó quận Liên Chiểu (4,92% diện tích), Ngũ Hành Sơn (4,6% điện tích) có nguy cơ cao nhất.
đ) Về nguy cơ ngập vì nước biển dâng do biến đổi khí hậu:
Nếu mực nước biển dâng 100cm sẽ ảnh hưởng 1,13% diện tích của thành phố Đà Nẵng, bị ảnh hưởng nhiều nhất là quận Liên Chiểu (4,92% diện tích), Ngũ Hành Sơn (4,6% diện tích).
e) Về bão, áp thấp nhiệt đới: Đà Nẵng thuộc phân vùng bão số V, trung bình có 1-1,5 cơn bão/năm ảnh hưởng đến vùng này. Lượng mưa ngày lớn nhất do bão đã xảy ra là 593mm; tổng lượng mưa trung bình một cơn bão đã xảy ra là 150-200mm; cấp gió mạnh nhất do bão đã xảy ra là cấp 13, giật cấp 14, cấp 15.
Trên phạm vi toàn biển Đông: Kết quả tính toán từ mô hình cho thấy hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có xu thế dịch chuyển về cuối mùa bão (tháng 10, 11, 12), thời kỳ mà bão hoạt động chủ yếu ở phía Nam, cường độ bão có khả năng tăng khoảng 2-11%, mưa trong khu vực bán lánh 100km từ tâm bão có khả năng tăng khoảng 20% trong thế kỷ 21.
Nước dâng do bão cao nhất có thể xảy ra là 230cm. Mực nước tổng cộng[5] trong bão có thể xảy ra là là 330-350cm. Nước dâng do bão đặc biệt nguy hiểm khi xuất hiện đúng vào thời kỳ triều cường[6], mực nước tổng cộng dâng cao, kết hợp với sóng to có thể tràn vào khu dân cư gây thiệt hại người về người và tài sản.
Bão đổ bộ kết hợp vào lúc triều cường (thời điểm thủy triều dâng cao nhất) thì có nguy cơ cao gây ngập vùng ven bờ, điển hình là cơn bão Xangsane năm 2006 (bão số 6) đổ bộ vào thời điểm triều cường gây thiệt hại nghiêm trọng cho thành phố Đà Nẵng.
g) Về nước biển dâng: Mực nước biển dâng khu vực ven bờ thành phố Đà Nẵng và khu vực quần đảo Hoàng Sa có thể xảy ra là 13 cm. Nếu mực nước biển dâng 100 cm, khoảng 1,13% diện tích của thành phố Đà Nẵng có nguy cơ bị ngập, trong đó quận Liên Chiểu (4,92% diện tích), Ngũ Hành Sơn (4,6% diện tích) có nguy cơ cao nhất.
2. Thách thức trong công tác phòng, chống thiên tai những năm đến
Do tác động của biến đổi khí hậu nên các loại hình thiên tai tác động đến thành phố Đà Nẵng đều tiếp tục có xu hướng gia tăng về cường độ, tần suất và tính chất diễn biến ngày càng phức tạp. Trong các năm gần đây cấp bão trên Biển Đông thường xuyên ở cấp 12, thậm chí đã có bão cấp 15, 16 (bão Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng năm 2006 cấp 13). Lượng mưa trong mùa khô có năm suy giảm đến 40%, dòng chảy mùa lũ xu hướng tăng lên, một số thời điểm đạt lũ đặc biệt lớn, lũ lịch sử hoặc vượt tần suất thiết kế công trình do đó nguy cơ gây vỡ hồ đập hoặc gia tăng ngập lụt hạ du lớn.
Thành phố Đà Nẵng là trung tâm của khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, có cơ sở hạ tầng hiện đại, hoàn chỉnh, nhiều khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, khách du lịch đông nên nguy cơ thiệt hại về người, tài sản rất lớn khi bị tác động của các đợt thiên tai, đặc biệt là thảm họa, siêu bão, lũ lịch sử, đặc biệt lớn.
Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030 đạt các mức tương ứng là 7% và 10% dẫn theo đó hoạt động xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông, các khu công nghiệp, đô thị dân sinh, hậu cần du lịch phát triển, sẽ mở rộng phạm vi ảnh hưởng và gia tăng mức độ rủi ro thiên tai.
Nguyên nhân chính gây lũ, ngập lụt trên địa bàn thành phố là do lũ trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, mà diện tích nằm phần lớn (trên 80%) ở tỉnh Quảng Nam, nên việc điều tiết, kiểm soát lũ, ngập lụt còn phụ thuộc vào việc quản lý, điều tiết, vận hành của các sở, ngành thuộc tỉnh Quảng Nam và các nhà máy thủy điện.
Việc kiểm soát việc gia tăng vùng nguy cơ thiên tai đặc biệt là lũ, ngập lụt trở nên khó khăn và nghiêm trọng khi việc triển khai các dự án hạ tầng chưa liên tục và đồng bộ do nguồn lực chưa đảm bảo, đồng thời gặp khó khăn trong công tác bố trí tái định cư. Không gian chứa lũ giảm, ngập lụt, úng gia tăng nhanh chóng, các công trình tiêu thoát không còn phù hợp, thời gian ngập, độ sâu ngập tăng.
3. Thời cơ trong công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian tới
Từ sau Luật Phòng chống thiên tai được ban hành (năm 2013), công tác phòng, chống thiên tai ngày càng được triển khai đồng bộ bài bản từ hệ thống văn bản pháp luật, Nghị định, Thông tư hướng dẫn triển khai công tác phòng chống, thiên tai một cách bài bản, toàn diện từ các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án và dự án.
Hợp tác quốc tế trong công tác phòng ngừa, ứng phó với những tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng mở rộng, Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, nên sẽ được hưởng lợi từ các chương trình, dự án của các tổ chức Quốc tế.
Khoa học công nghệ trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai ngày càng phát triển, từ mô hình, công nghệ dự báo, thiết bị quan trắc đến phương thức truyền tải thông tin đến cộng đồng rất thuận lợi.
Công tác chuyển đổi số đang được áp dụng mạnh mẽ trong quản lý nhà nước nói chung và trong công tác phòng chống thiên tai nói riêng, sẽ nâng cao hiệu quả trong công tác quản trị thông tin, dữ liệu, hỗ trợ trong công tác ra quyết định, xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai ngày càng hiệu quả.
Nhận thức của người dân đã được nâng cao một cách rõ rệt, đời sống ngày càng nâng cao với nhiều tiện ích công nghệ, sẵn sàng tiếp nhận thông tin, chỉ đạo điều hành từ chính quyền địa phương các cấp.
II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG
1. Quan điểm
a) Xây dựng thành phố có khả năng chống chịu trước thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu; đánh giá đầy đủ hiện trạng, vấn đề tồn tại và đề xuất giải pháp linh hoạt, đồng bộ và dài hạn, đảm bảo phát triển đô thị xanh, thông minh, bền vững.
b) Tăng cường, chủ động phòng chống thiên tai theo hướng kiểm soát rủi ro thiên tai đối với từng ngành, lĩnh vực, địa phương; kiểm soát từ các quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư xây dựng công trình phải đánh giá đầy đủ các nguy cơ làm gia tăng rủi ro thiên tai.
c) Hoạt động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu phải dựa vào tự nhiên, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể để phát triển bền vững. Kết hợp giải pháp công trình và phi công trình theo hướng thích nghi, thuận thiên, đa mục tiêu; khôi phục, tái thiết sau thiên tai đảm bảo tính bền vững và yêu cầu xây dựng lại tốt hơn.
d) Khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp, người dân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, xã hội hóa vào công tác phòng, chống thiên tai; tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kết hợp với kế thừa những kinh nghiệm truyền thống.
đ) Xử lý triệt để, nghiêm minh các hành vi, vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung
Chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản của Nhân dân và Nhà nước; từng bước xây dựng thành phố Đà Nẵng đảm bảo khả năng quản lý rủi ro thiên tai; cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, đặc biệt về người, nhà ở và cơ sở hạ tầng thiết yếu; tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng.
b) Mục tiêu cụ thể
- Hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách về phòng, chống thiên tai tiếp tục được hoàn thiện, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho quản lý, chỉ đạo, điều hành và triển khai công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.
- Giai đoạn 2021-2030, giảm thiệt hại về người chết do chủ quan, đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2010-2020.
- 100% dân cư các quận ven biển có nhà ở kiên cố; 100% dân cư khu vực ngập lụt được sơ tán đến nơi an toàn khi có mưa lũ lớn.
- 100% chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình trên địa bàn thành phố được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai; 100% dân cư vùng bị ảnh hưởng thiên tai được tiếp cận, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản phòng chống thiên tai.
- Phấn đấu 100% lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến đầy đủ kỹ năng, kiến thức về phòng, chống thiên tai và trang thiết bị cần thiết.
- Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hệ thống chỉ đạo, chỉ huy, điều hành phòng chống thiên tai đảm bảo tính tập trung, đủ thẩm quyền; tổ chức, lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai được kiện toàn theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; phương tiện, trang thiết bị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được đầu tư tiên tiến, hiện đại nhằm sẵn sàng ứng phó, khắc phục hậu quả nhanh chóng, lập thời, hiệu quả.
- Tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn thành phố đạt 45%.
- Năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai được đầu tư, nâng cao, tự động hoá.
- Cơ sở dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai được hình thành theo hướng đồng bộ, liên thông, theo thời gian thực; 100% cơ quan chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai cấp quận, huyện được hoàn thiện cơ sở dữ liệu phòng chống thiên tai; 100% khu vực trọng điểm, xung yếu phòng chống thiên tai được lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát; 100% tàu cá đánh bắt vùng khơi và vùng lộng được lắp đặt hệ thống giám sát, bảo đảm thông tin liên lạc.
- Người dân được bảo đảm an toàn trước thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lờ đất, lũ quét. Khả năng chống chịu của nhà ở, cơ sở hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai được nâng cao, đảm bảo an toàn trước thiên tai theo mức thiết kế, không làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Triển khai hệ thống văn bản, chính sách về phòng, chống thiên tai bảo đảm đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi
a) Triển khai các quy định có liên quan như pháp luật về đê điều, thủy lợi, tài nguyên nước, cứu hộ cứu nạn, vận động, quyên góp, cứu trợ,...rà soát, xây dựng các chính sách liên quan đến công tác phòng chống thiên tai, phòng cháy, chữa cháy rừng,...bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, phù hợp với thực tiễn.
b) Cập nhật những yêu cầu kỹ thuật đặc thù về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, các quy định về bảo đảm yêu cầu phòng chống thiên tai, nhất là tiêu chuẩn tiêu thoát nước ở các đô thị, phòng, chống bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đối với cơ sở hạ tầng, công trình công cộng, cũng như nhà ở của người dân.
c) Xây dựng và ban hành bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp quận/huyện, xã/phường làm cơ sở đánh giá, nâng hạng xếp loại tiêu chí đánh giá cấp thành phố.
d) Xây dựng hướng dẫn và triển khai lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào Kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội trung hạn và hằng năm của thành phố theo hướng dẫn tại Thông tư số 10/2021/TT-BKHĐT 22 tháng 12 năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội.
đ) Xây dựng cơ chế huy động nguồn lực ngoài ngân sách, xã hội hóa trong công tác phòng, chống thiên tai; khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đầu tư cho phòng, chống thiên tai.
e) Nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ hộ gia đình chính sách xây dựng nhà ở chống chịu với bão, lũ.
g) Nghiên cứu, đề xuất cơ chế để huy động hàng hóa, quản lý bình ổn thị trường; nghiêm cấm hành vi lợi dụng khan hiếm hàng hóa do thiên tai, bão lũ để tăng giá; sử dụng nguồn dự trữ của các tổ chức, doanh nghiệp cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai.
h) Hoàn thiện chế độ chính sách, đảm bảo quyền lợi cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.
i) Nghiên cứu, chính sách ưu tiên, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực và bảo hiểm rủi ro thiên tai.
k) Quy định trách nhiệm đóng góp tài chính nhằm hỗ trợ phục hồi, ổn định đời sống và sản xuất vùng bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai đối với các hoạt động làm gia tăng rủi ro thiên tai; các chế tài đảm bảo thực thi pháp luật trong các hoạt động phòng, chống thiên tai.
l) Xây dựng chính sách hỗ trợ thiệt hại về nông nghiệp, khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai; chính sách hỗ trợ di dời, sắp xếp bố trí lại dân cư vùng bị thiên tai.
2. Tăng cường năng lực cho đội ngũ người làm công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
a) Tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp.
b) Tổ chức diễn tập về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho các lực lượng vũ trang, các ngành và các quận, huyện; xã, phường.
c) Rà soát, đánh giá địa điểm đóng quân của các lực lượng vũ trang đảm bảo ổn định, an toàn tránh nằm ở vùng thấp trũng, nguy cơ sạt lở cao.
d) Tăng cường tập huấn, kiểm tra, giám sát hoạt động chấp hành pháp luật về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng đối với địa phương, đơn vị, chủ rừng, đặc biệt là những đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh trong rừng, gần rừng.
đ) Nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp, hiện đại, có đủ trang thiết bị và năng lực xử lý hiệu quả các tình huống khẩn cấp. Tăng cường năng lực xử lý các tình huống khẩn cấp của các lực lượng, địa phương như ứng phó với sạt lở đất, đá, đường giao thông, vỡ hồ, đập, động đất, sóng thần, lũ quét, mưa lớn, ngập lụt đô thị, nước chảy xiết,...
3. Nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tham mưu chỉ đạo phòng chống thiên tai
a) Đầu tư mua sắm, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động cho Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các cấp và các lực lượng phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.
b) Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và các công cụ, phần mềm phục vụ điều hành, hỗ trợ các cấp chính quyền ra quyết định
c) Đầu tư trang thiết bị chuyên dùng phục vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để đáp ứng với các kịch bản thiên tai.
d) Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, phương tiện vật tư trong phòng, chống cháy rừng và rà soát những vị trí có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng để có biện pháp xử lý kịp thời.
4. Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng
a) Tập trung triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030” trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 theo Kế hoạch số 151/KH-UBND ngày 10 tháng 8 năm 2021 của UBND thành phố Đà Nẵng và một số nội dung:
- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách về phòng, chống thiên tai; hướng dẫn, phổ biến kỹ năng phòng, chống thiên tai, nhất là kỹ năng ứng phó khi xảy ra tình huống thiên tai lớn, phức tạp cho các cấp chính quyền cơ sở, người dân và doanh nghiệp để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, giảm thiệt hại.
- Tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cộng đồng trong quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phòng chống thiên tai, hoạch định chính sách, đề xuất và thực hiện các chương trình, dự án, hoạt động liên quan đến phòng chống thiên tai, chú trọng sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong việc lập kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai cấp xã.
- Phổ biến, vận động các doanh nghiệp hoạt động thương mại - dịch vụ chủ động rà soát khả năng chống chịu trước thiên tai của hệ thống cơ sở vật chất, trụ Sở cơ quan, nhà làm việc, nhà xưởng,...; hướng dẫn các biện pháp gia cố, phòng tránh nhằm giảm thiểu tối đa những thiệt hại về người và tài sản khi có thiên tai.
- Tổ chức và hướng dẫn tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai, tai nạn thương tích hàng năm cho các cấp, ngành; tập huấn hướng dẫn lồng ghép quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trong lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.
- Tuyên truyền, hướng dẫn nông dân, ngư dân ứng phó hiệu quả với thiên tai trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản; phổ biến kiến thức phòng chống bão, nghiệp vụ đảm bảo an toàn đi biển, kỹ năng sơ cấp cứu và các quy định về báo hiệu phòng chống bão và tìm kiếm cứu nạn để ngư dân liên lạc khi có sự cố xảy ra; tuyên truyền, giám sát chủ tàu, thuyền trưởng đảm bảo trang bị đủ thiết bị thông tin liên lạc, phao cứu sinh; xây dựng chính sách hỗ trợ lắp đặt giám sát hành trình và mua bảo hiểm cho các thuyền viên và tàu cá,...
b) Đối với ngành Giáo dục: Tập huấn về quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng, kỹ năng sơ cứu cho đội ngũ giáo viên; lồng ghép bổ sung, kiến thức chương trình đào tạo các cấp và hoạt động ngoại khóa trong một số cấp học, bậc học; xây dựng sổ tay trường học an toàn trước thiên tai; phát động phong trào thi đua tuyên truyền phòng chống thiên tai trong nhà trường về phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng chống thiên tai; tổ chức các cuộc thi tuyên truyền về phòng chống thiên tai; tổ chức hưởng ứng tuần lễ Quốc gia về phòng, chống thiên tai; tổ chức dạy bơi cho học sinh;...Đảm bảo học sinh nắm bắt về đặc điểm thiên tai của thành phố và các kiến thức, kỹ năng cần thiết.
c) Đối với ngành Y tế phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý, cán bộ y tế dự phòng và các cơ sở khám chữa bệnh, tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai; giáo viên trong các trường học.
d) Đối với ngành Lâm nghiệp: Nâng cao năng lực bảo vệ rừng, phòng, chống thiên tai cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động: Tăng cường công tác thông tin truyền thông, truyền tải thông tin chính xác; tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức hiểu biết kiến thức về phòng chống thiên tai cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và cộng đồng, doanh nghiệp trong lĩnh vực lâm nghiệp.
5. Nâng cao công tác thông tin, truyền thông về phòng chống thiên tai
a) Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức cộng đồng về pháp luật và kỹ năng phòng chống thiên tai:
- Tuyên truyền trên tất cả các loại hình báo chí (báo hình, báo nói, báo in và báo điện tử); hệ thống thông tin cơ sở (hệ thống truyền thanh cấp quận, huyện, xã, phường); hệ thống thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và tuyên truyền qua mạng xã hội: Facebook, Zalo,...
- Tuyên truyền trực quan: Pa-nô, băng-rôn, cờ phướn, bảng điện tử...và các hoạt động triển lãm, văn hóa, văn nghệ. Tuyên truyền qua các hình thức xuất bản ấn phẩm (tranh ảnh, áp - phích, poster, tờ gấp, tờ rơi, sổ tay...).
- Lồng ghép tại các hội nghị, hội thảo, cuộc thi, tập huấn, các triển lãm, trưng bày giới thiệu kết quả nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai.
b) Nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin, truyền thông đảm bảo an toàn trước gió bão:
- Tổ chức rà soát, đánh giá hằng năm hệ thống mạng lưới trạm thu phát sóng viễn thông, truyền hình đảm bảo cho hạ tầng và khu vực dân cư.
- Triển khai phát triển hạ tầng viễn thông đồng bộ, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh trong các lĩnh vực quản lý đô thị.
- Đầu tư, nâng cấp hệ thống thông tin, liên lạc, đảm bảo kết nối thông suốt trước, trong và sau các đợt thiên tai, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, chỉ huy và cứu hộ cứu nạn của các cấp, các ngành và người dân.
c) Thành lập đầu mối tiếp nhận, kết nối thông tin cứu hộ, cứu nạn và hướng dẫn phòng tránh và ứng phó thiên tai (Hiện nay đã có các đầu mối tiếp nhận thông tin như Tổng đài 1022, số điện thoại Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố và các quận huyện, các số liên lạc khẩn cấp như 113, 114, 115,...).
6. Tăng cường quan trắc, năng lực dự báo, giám sát và cảnh báo thiên tai
a) Lập đánh giá, phân vùng và xây dựng hệ thống quan trắc, dự báo, giám sát, cảnh báo, phòng, chống mưa lớn, lũ, lụt, bão, sạt lở,... cho vùng nguy cơ cao.
b) Xây dựng hệ thống, biển báo cảnh báo ngập lụt, sạt lở đất đá, ngầm tràn, cháy rừng,...tại vùng nguy cơ cao; lập dự án xây dựng hệ thống cảnh báo lũ quét.
c) Xây dựng hệ thống thông tin, liên lạc, giám sát và quản lý thiên tai theo thời gian thực trong phòng, chống thiên tai.
d) Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dự báo, trong đó nghiên cứu dự báo được chính xác cụ thể thời điểm, khu vực, phạm vi xảy ra thiên tai và mức độ thiên tai, định lượng mưa nhất là các loại hình thiên tai nguy hiểm, diễn biến nhanh và sức tàn phá lớn như mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, đá, sóng thần,... đồng thời thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân trước khoảng thời gian theo quy định để kịp thời triển khai ứng phó và phòng tránh.
đ) Hoàn chỉnh hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn cơ bản và chuyên dùng theo hướng tự động, hiện đại và tích hợp tổng thể vào 01 hệ thống; tăng cường công tác chia sẻ số liệu khí tượng thủy văn chuyên dùng; đầu tư nâng cấp mạng lưới trạm quan trắc khí tượng, thủy văn, địa chấn; xây mới trạm quan trắc hải văn và diễn biến xói lở tại bờ biển Đà Nẵng. Xây dựng hệ thống giám sát, quan trắc chuyên dùng phục vụ phòng, chống thiên tai, giám sát, cảnh báo ở các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai ngập sâu, sạt lở đất, lũ quét,...
e) Triển khai mạnh mẽ công tác tập huấn khai thác và sử dụng số liệu đến cấp xã, phường và cộng đồng dân cư để chủ động trong công tác phòng ngừa thiên tai.
g) Tổ chức xây dựng, ban hành quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ tại các vị trí trên các sông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
h) Tăng cường công tác chuyển đổi số, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cộng đồng và phối hợp truyền tin cảnh báo thiên tai; nâng cấp mạng lưới thông tin liên lạc đảm bảo độ chính xác và tính kịp thời của các số liệu và các thông tin cảnh báo thiên tai, phục vụ cho công tác ứng phó theo thời gian thực, tích hợp vào hệ thống thông tin phòng chống thiên tai trong đề án xây dựng thành phố thông minh.
i) Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu khí tượng, thủy văn hiện đại, lưu trữ, quản lý và khai thác hiệu quả. Nâng cao chất lượng điều tra cơ bản phục vụ cho các mô hình dự báo khí tượng, thủy văn.
7. Quy hoạch, kế hoạch và phương án ứng phó thiên tai
a) Hoàn thiện các quy hoạch theo quy định về công tác phòng, chống thiên tai; lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cũng như các quy hoạch chuyên ngành liên quan nhằm từng bước nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với thiên tai.
b) Quản lý chặt chẽ cao độ nền các khu dân cư:
- Đối với những khu vực đô thị cũ như Hải Châu, Thanh Khê và những khu vực đô thị mới đã được xây dựng (thuộc các quận Liên Chiểu, Nam Cẩm Lệ, Hòa Xuân, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn): Giữ lại cao trình hiện trạng, có giải pháp nâng cao độ các kè hiện trạng dọc sông Hàn, sông Cổ Cò, Cẩm Lệ, Cu Đê, Vĩnh Điện lên đến cao độ mực nước khống chế kết hợp với giải pháp bố trí trạm bơm và hồ điều tiết.
- Đối các khu vực dân cư giữ lại chỉnh trang và khu vực quy hoạch đô thị mới thuộc huyện Hòa Vang định hướng giải pháp bố trí đê bao dọc các sông Túy Loan, sông Yên, sông Cu Đê, sông Vĩnh Điện. Cao trình đỉnh đê, kè cao hơn mực nước ứng với tần suất P=1%, có xét đến biến đổi khí hậu. Khu vực trong đê, kè, cốt nền xây dựng tối thiểu P=5% kết hợp giải pháp bố trí hồ điều tiết kết hợp trạm bơm chống ngập. Riêng đối với các khu vực đồi núi cao thì cao độ cơ bản bám theo địa hình hiện trạng, tránh đào sâu, phá vỡ cảnh quan tự nhiên.
- Độ dốc nền quy hoạch từ 0,1% đến 0,2%. Kiểm soát quy hoạch đô thị có phương án giảm diện tích bê tông hoá nhằm tăng hệ số thấm của đất đảm bảo cho thoát nước mặt đô thị nhằm giảm thiểu ngập úng.
c) Hằng năm rà soát cập nhật phương án ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai đối với 07 kịch bản thiên tai (bão và bão mạnh, bão rất mạnh và siêu bão, lũ, lũ quét, vờ hồ chứa, sóng thần) và bổ sung phương án ứng phó các kịch bản ngập lụt đô thị cho phù hợp với điều kiện và thực tiễn tại địa phương, đảm bảo toàn diện, theo phương châm “4 tại chỗ”, trong đó lấy người dân, đối tượng dễ bị tổn thương là trung tâm; tổng hợp số liệu đầy đủ, khoanh vùng cụ thể các điểm ngập cục bộ, xác thực từ cụm dân cư, tổ dân phố để đảm bảo công tác ứng phó, cứu hộ nhất là các tình huống thiên tai cực đoan.
d) Tăng cường giải pháp chống lũ trong quy hoạch: Xác định tiêu chuẩn chống lũ cho hạ du các sông Hàn, Cẩm Lệ, Vĩnh Điện, Túy Loan, sông Yên phải chống với lũ 1% năm để chọn quy mô các tuyến kè sông đảm bảo; tăng cường nạo vét chính trị sông, khảo sát, quan trắc mức độ bồi lắng và xói lở sông, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với biến động của sông nhất là sau các đợt lũ lớn.
đ) Phối hợp tỉnh Quảng Nam và các đơn vị liên quan xây dựng quy chế phối hợp và điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và phương án ứng phó khẩn cấp phù hợp với tình hình thiên tai của địa phương.
e) Lập, rà soát bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai, bản đồ ngập lũ theo cấp độ rủi ro thiên tai và cấp báo động lũ đến cấp thôn, xã.
g) Nghiên cứu quy hoạch, xây dựng, khu neo đậu trú mới tránh bão cho tàu cá kết hợp phương án điều tiết tàu cá.
h) Rà soát, bổ sung quy hoạch phòng chống lũ, quy hoạch thủy lợi, đê, kè, cấp nước sạch đến năm 2030; xây dựng hành lang thoát lũ và ban hành pháp lý về quản lý hành lang thoát lũ đảm bảo không phát sinh, gia tăng vùng rủi ro ngập lụt mới do phát triển cơ sở hạ tầng, dân cư.
i) Tăng cường công tác kiểm tra, xây dựng phương án và kế hoạch sửa chữa, gia cố đảm bảo an toàn công trình y tế, giáo dục, thể thao, du lịch, công trình kiến trúc quan trọng về văn hóa, di tích lịch sử, danh thắng,...
k) Rà soát hiện trạng cây xanh, xây dựng phương án trồng, chằng chống, cắt tỉa đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
l) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý công trình, nhà ở, đổ chất thải lấn chiếm không gian thoát nước, chứa nước.
8. Bố trí, sắp xếp dân cư vùng thường xuyên xảy ra thiên tai
a) Tập trung triển khai Quyết định số 2146/QĐ-UBND ngày 13 tháng 08 năm 2022 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình bố trí dân cư vùng thiên tai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
b) Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân tại các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai: Thực hiện việc bố trí, sắp xếp lại dân cư tại các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, nhất là nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông gắn với xây dựng nông thôn mới; những nơi chưa thể di dời được cần lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cảnh báo để kịp thời sơ tán, giảm thiểu rủi ro khi xảy ra thiên tai, kết hợp xây dựng công trình phòng, chống thiên tai.
9. Đầu tư cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai
a) Về nhà ở:
- Nghiên cứu chính sách hỗ trợ hộ gia đình chính sách xây dựng nhà ở chống chịu với bão, lũ.
- Triển khai chương trình nhà ở; xây dựng, hướng dẫn, phổ biến các mô hình nhà mẫu an toàn trước gió bão, lũ; hướng dẫn, tập huấn công tác sửa chữa, gia cố nhà ở đảm bảo an toàn;
- Xây dựng bổ sung công trình kết hợp sơ tán dân cho các khu vực dân cư nằm trong vùng ngập lũ; khu vực tập trung nhà chưa kiên cố.
- Kiểm soát hoạt động xây dựng mới, nâng cấp phải trên nguyên tắc tuân thủ theo quy hoạch, đảm bảo kiên cố và không làm gia tăng rủi ro thiên tai.
b) Về công trình phòng chống thiên tai:
- Hệ thống hồ, đập tiếp tục được kiên cố bảo đảm an toàn với tần suất thiết kế, được lắp đặt hệ thống quan trắc chuyên dùng.
- Tiến hành nâng cấp và xây dựng mới hệ thống kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển, đảm bảo theo tiêu chuẩn thiết kế và các kịch bản biến đổi khí hậu. Đê, kè biển chịu được sóng do bão trên cấp 12 và tần suất P=1%, đồng thời có tính đến hiện tượng nước biển dâng. Nâng cấp và xây dựng mới hệ thống kè sông, đảm bảo phòng chống lũ tần suất P=1%;
- Xây dựng công trình phòng chống lũ quét, sạt lở đất và cơ sở hạ tầng phục vụ di dời dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở (tập trung vùng đồi núi huyện Hòa Vang, các tuyến đường lên bán đảo Sơn Trà, Nam Hải Vân, Bà Nà - Suối Mơ,...)
- Đầu tư xây dựng nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới đường quản lý và cứu hộ cứu nạn các hồ chứa.
- Đầu tư nâng cấp mạng lưới trạm quan trắc khí tượng, thủy văn, địa chấn; xây mới trạm quan trắc hải văn và diễn biến xói lở tại bờ biển Đà Nẵng.
- Đầu tư xây dựng, nâng cấp công trình chống úng, chống hạn và kiên cố hóa kênh mương vùng sản xuất nông nghiệp huyện Hòa Vang;
- Xây dựng, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại Âu thuyền Thọ Quang,...
- Đầu tư xây dựng hệ thống công trình, nhà sinh hoạt đa năng,… kết hợp sơ tán dân tại các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai.
c) Về chống ngập lụt đô thị:
- Nghiên cứu đầu tư, xây dựng mới hệ thống thoát và chống ngập mới; nghiên cứu phương án chống ngập tại khu vực sân bay Đà Nẵng, trong đó mở rộng hồ điều tiết trong sân bay.
- Xây dựng công trình chống ngập đô thị cho thành phố, nạo vét, khai thông các trục tiêu; xây dựng đê bao các khu đô thị bị ảnh hưởng bởi ngập lụt và thủy triều,...
d) Đẩy mạnh trồng cây chắn sóng, cát, bảo vệ công trình ven bờ biển; trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng 45% và nâng cao chất lượng rừng.
đ) Nghiên cứu, đầu tư xây dựng các hồ chứa nước (bậc thang) trên lưu vực sông Cu Đê, Túy Loan; xây dựng các đập dâng trên các tuyến sông, kênh tiêu nước kết hợp thoát lũ để sử dụng hiệu quả nguồn nước.
e) Đầu tư, nâng cấp hệ thống thông tin, liên lạc, mạng lưới trạm thu phát sóng viễn thông, truyền hình đảm bảo an toàn trước gió bão và phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, chỉ huy và cứu hộ cứu nạn của các cấp, các ngành và người dân, đảm bảo kết nối được thông suốt, nhất là thời gian trong và sau thiên tai.
g) Triển khai hiệu quả các dự án công nghệ thông tin, kết hợp ứng dụng trong công tác phòng, chống thiên tai: Dự án xây dựng Trung tâm tích hợp kiểm soát khả năng phục hồi đô thị xanh và thông minh (Trung tâm ENSURE); triển khai các tiểu dự án thuộc Đề án thành phố thông minh: Trung tâm giám sát và điều hành (IOC); trung tâm dữ liệu (DC),...
10. Kiểm soát an toàn thiên tai và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu
a) Quản lý tàu thuyền, đầu tư trang thiết bị liên lạc, cứu nạn cho các tàu thuyền đánh cá; khuyến khích và nhân rộng các mô hình tổ đội ngư dân sản xuất trên trong khai thác hải sản. Xây dựng phương án điều tiết tàu cá tránh trú tại các khu vực an toàn khi có gió bão và tránh quá tải tại Âu thuyền Thọ Quang; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khi tàu xuất bến, đăng kiểm và không đảm bảo các điều kiện an toàn theo quy định; hướng dẫn đảm bảo an toàn đối với các hoạt động du lịch trên biển, trên sông.
b) Đối với việc đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp khu đô thị, điểm dân cư nông thôn và công trình hạ tầng kỹ thuật phải đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống thiên tai, bao gồm: Hạn chế đến mức thấp nhất hoặc không làm tăng nguy cơ rủi ro thiên tai và bảo đảm tính ổn định của công trình trước thiên tai; tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, về xây dựng và về quy hoạch đô thị và phải được thẩm định nội dung về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong hồ sơ dự án trước khi phê duyệt dự án.
c) Tăng cường rà soát, đánh giá các công trình giao thông, khu đô thị, dân cư lấn sông, lấn chiếm hành lang thoát lũ, chắn ngang các tuyến thoát lũ để có giải pháp khắc phục (như đường ADB5 Hòa Tiến - Hòa Phong, đường vành đai phía Nam Hòa Tiến - Hòa Phong, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường vành đai phía Tây,...).
d) Kiểm soát nguy cơ sạt lở đất, đá:
- Rà soát các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi đóng quân của các đơn vị, tổ chức có nguy cơ cao[7] xảy ra sạt lở đất đá, đồi núi, lũ quét,...và chủ động di dời, sơ tán ngay người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn.
- Tiến hành điều tra cơ bản về lũ quét, sạt lở đất, hiện trạng về dân cư, cơ sở hạ tầng ở bãi sông, ven sông, khu vực đồi núi.
- Lập bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro trượt lở đất đá tỷ lệ lớn tùy theo nguy cơ từng vùng.
d) Về công tác ứng phó với mưa lớn và ngập lụt đô thị:
- Về công tác dự báo: Nâng cao công tác dự báo, dự báo được chính xác cụ thể thời điểm, lượng mưa, khu vực, phạm vi xảy ra và mức độ thiên tai.
- Về công tác truyền thông về thiên tai: Tăng cường, đẩy mạnh công tác truyền thông; đầu tư, nâng cấp hệ thống thông tin, liên lạc, đảm bảo kết nối thông suốt trước, trong và sau các đợt thiên tai.
- Về phương án phòng, chống mưa lớn, ngập lụt:
+ Rà soát, xây dựng phương án ngập lụt đô thị, ngập lũ ven sông; tổ chức đánh dấu vết lũ sau các đợt mưa, ngập lớn (mực nước ngập cao nhất), lập bản đồ vùng ngập thấp trũng; tổ chức khảo sát, xác định cụ thể, các vị trí, điểm ngập, độ sâu ngập, thời gian ngập tại các khu vực, khu dân cư; đánh giá mức độ ngập và khả năng chịu đựng tối đa của các khu dân cư, khu vực trũng thấp đối với từng trận mưa.
+ Nghiên cứu giải pháp tổng thể chống ngập trước mắt và lâu dài. Đánh giá lại tổng thể hiện trạng, quy hoạch hệ thống thoát nước, tiêu thoát lũ của thành phố và các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình thoát nước với khả năng thoát của các trận mưa lớn theo lịch sử xảy ra,...; nghiên cứu đầu tư, xây dựng mới hệ thống thoát và chống ngập mới; nghiên cứu phương án chống ngập tại khu vực sân bay Đà Nẵng.
+ Nghiên cứu khoanh vùng và lập bản đồ vùng ngập thấp trũng để cập nhật vào phương án ứng phó của địa phương. Xây dựng phần mềm cảnh báo ngập nước (theo thời gian thực) tại các khu dân cư và tuyến giao thông trên địa bàn các quận của thành phố.
- Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền người dân không bịt cửa, cống thu nước gây cản trở dòng chảy và chung tay với chính quyền trong công tác khơi thông dòng chảy khi có mưa lớn xảy ra. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xây dựng trên địa bàn, xử lý nghiêm trường hợp đổ chất thải xây dựng vào hệ thống thoát nước.
- Về trang bị các trang thiết bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn: Rà soát số lượng, tình hình sử dụng hiện có và đề xuất đầu tư, trang bị các trang thiết bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn cho các ngành, địa phương với từng loại hình thiên tai nguy hiểm, đặc biệt là với ngập lụt đô thị và ngập lũ nông thôn khi có ngập sầu, dòng chảy xiết.
e) Về đảm bảo hành lang thoát lũ trên các tuyến sông, suối:
- Trong công tác quy hoạch và thẩm định các dự án theo hướng không được xâm phạm, lấn chiếm hành lang thoát lũ trên các tuyến sông, suối, đồng thời phải ưu tiên dành quỹ đất để bố trí, mở rộng hành lang thoát lũ, hình thành các hồ điều hòa và tăng diện tích hành lang xanh, mảng xanh đô thị, hạn chế tối đa việc bê tông hóa nếu không thật sự cần thiết; không san lấp, lấn chiếm không gian sông, suối, ao hồ, tuyến thoát lũ, tuyến tiêu thoát nước,...Các công trình cơ sở hạ tầng phải tính đến yếu tố an toàn trước thiên tai khi đầu tư, xây dựng.
- Thường xuyên rà soát các công trình giao thông, khu đô thị, dân cư lấn sông, lấn chiếm hành lang thoát lũ, chắn ngang các tuyến thoát lũ để có giải pháp khắc phục.
- Rà soát, cập nhật, xây dựng hành lang thoát lũ các tuyến sông trên địa bàn thành phố, trong đó xác định không gian thoát lũ bao gồm khu vực lòng sông, bãi sông cho các sông: Yên, Túy Loan, Cầu Đỏ - Cẩm Lệ, Vĩnh Điện, Cổ Cò và Cu Đê.
g) Tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá các đập, hồ (hồ thủy lợi, hồ điều tiết, hồ nuôi trồng thủy sản, hồ cảnh quan, sinh thái...), nhất là các hồ, đập nằm ở vị trí trên cao, đồi, núi, có nguy cơ sạt lở, vỡ hồ, đập ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của dân cư vùng hạ du, đánh giá năng lực chủ thể quản lý và công tác quản lý an toàn hồ, đập theo quy định. Lập bổ sung, điều chỉnh phương án ứng phó tình huống khẩn cấp các đập, hồ chứa.
h) Triển khai chương trình bảo vệ rừng phòng hộ và trồng, chăm sóc rừng phòng hộ, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng phòng hộ, trồng rừng thay thế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, xây dựng cơ sở hạ tầng bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, xây dựng chương trình khuyến khích người dân thực hiện trồng cây gỗ lớn, cây phân tán, rừng kinh tế. Quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện có, phục hồi và nâng cao chất lượng rừng.
i) Giám sát, quản lý, điều tra, đo đạc và bổ sung danh mục hệ thống ao hồ không được san lấp theo Quyết định số 4001/QĐ-UBND ngày 14 tháng 12 năm 2021 của UBND thành phố Đà Nẵng về phê duyệt danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Hạn chế tối đa việc san lấp ao, hồ, sông, suối.
k) Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cộng đồng và phối hợp truyền tin cảnh báo thiên tai; nâng cấp mạng lưới thông tin liên lạc đảm bảo độ chính xác và tính kịp thời của các số liệu và các thông tin cảnh báo thiên tai, phục vụ cho công tác ứng phó theo thời gian thực.
I) Đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Nghiên cứu khai thác nguồn nước trên sông Thu Bồn để cấp nước ổn định cho vùng hạ du sông Vu Gia; xem xét, đánh giá, điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn để đảm bảo phù hợp hiệu quả chống lũ, cấp nước cho hạ du; nghiên cứu xây dựng hồ chứa nước trên sông Vu Gia (hạ lưu các thủy điện) nhằm trữ nước cho sinh hoạt khu vực hạ du Đà Nẵng, Quảng Nam
11. Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ
Tổ chức thực hiện các nghiên cứu về đánh giá tác động của các loại hình thiên tai đến thành phố, cung cấp luận cứ khoa học phục vụ công tác quy hoạch, điều chỉnh hệ thống tiêu chuẩn quy hoạch, thiết kế thích ứng biến đổi khí hậu.
a) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, tự động hóa, viễn thám trong quan trắc, theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai phục vụ công tác quản lý rủi ro thiên tai.
b) Nghiên cứu, ứng dụng vật liệu mới, công nghệ tiên tiến trong xây dựng công trình phòng chống thiên tai đảm bảo bền vững, thân thiện với môi trường.
c) Nghiên cứu đầu tư phát triển, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và định hướng hoạt động nông nghiệp của thành phố.
d) Ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác quản lý bảo vệ và giám sát rừng, phòng chống thiên tai. Tích hợp, kết nối vào hệ thống quản trị dữ liệu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
đ) Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho các vùng rau, cây ăn quả trên địa bàn thành phố để giúp tiết kiệm nguồn nước và nâng cao năng suất cây trồng trong điều kiện thời tiết khô hạn. Ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến theo hướng tiết kiệm chi phí đầu vào (giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật ...) để giảm mức độ phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường.
12. Hợp tác quốc tế
Thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế để tranh thủ các nguồn lực thực hiện các nội dung, chương trình phòng, chống thiên tai, đặc biệt là các hoạt động: ứng dụng công nghệ, khoa học vào công tác dự báo, cảnh báo sớm phòng chống thiên tai; nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý thiên tai tại địa phương các cấp; quản lý nguồn nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; hệ thống chỉ huy điều hành; công cụ, phương tiện, trang thiết bị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; quản lý và hạn chế tình trạng sạt lở đất đá, đồi núi, bờ sông, bờ biển,...
13. Tăng cường nguồn lực tài chính phòng, chống thiên tai
Ưu tiên bố trí nguồn lực cho hoạt động phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn (từ ngân sách nhà nước, Quỹ Phòng, chống thiên tai và các nguồn vốn hợp pháp khác và huy động nguồn lực từ xã hội hóa):
a) Hằng năm rà soát danh mục, ưu tiên nguồn lực bố trí hoạt động xây dựng chính sách, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, các hoạt động phi công trình trong phòng chống thiên tai, trong đó tập trung: nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, các công cụ hỗ trợ quyết định, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai và phương tiện cứu hộ, cứu nạn; nâng cao nhận thức cho chính quyền các cấp và cộng đồng trong phòng chống thiên tai,...Nghiên cứu bảo hiểm rủi ro thiên tai và chính sách thu hút nguồn lực xã hội hóa trong công tác phòng chống thiên tai.
b) Xây dựng, nâng cấp, sửa chữa công trình và các giải pháp xử lý khẩn cấp phòng chống thiên tai; bố trí nguồn lực khắc phục kịp thời thiệt hại do thiên tai gây ra và tái thiết bền vững theo các quy định hiện hành.
14. Các nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần triển khai trong thời gian đến
a) Tăng cường quan trắc, năng lực dự báo, giám sát và cảnh báo thiên tai:
- Lập đánh giá, phân vùng và xây dựng hệ thống quan trắc, dự báo, giám sát, cảnh báo, phòng chống mưa lớn, lũ, lụt, bão, sạt lở,... cho vùng nguy cơ cao.
- Xây dựng hệ thống thông tin, liên lạc, giám sát và quản lý thiên tai theo thời gian thực trong phòng, chống thiên tai.
- Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dự báo, trong đó nghiên cứu dự báo được chính xác cụ thể thời điểm, khu vực, phạm vi xảy ra thiên tai và mức độ thiên tai, định lượng mưa nhất là các loại hình thiên tai nguy hiểm, diễn biến nhanh và sức tàn phá lớn như mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, đá, sóng thần,...đồng thời thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân trước khoảng thời gian theo quy định để kịp thời triển khai ứng phó và phòng tránh.
b) Công tác thông tin, truyền thông và nâng cao nhận thức và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng:
- Tập trung triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030” trên địa bàn thành phố giai đoạn 202N2025 theo Kế hoạch số 151/KH-UBND ngày 10 tháng 8 năm 2021 của UBND thành phố Đà Nẵng.
- Đẩy mạnh công tác truyền thông về công tác phòng chống thiên tai bao gồm về pháp luật và kỹ năng phòng chống thiên tai trên tất cả các loại hình báo chí; hệ thống thông tin cơ sở; hệ thống thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và tuyên truyền qua mạng xã hội: facebook, zalo,... ; tuyên truyền trực quan và lồng ghép tại các hội nghị, hội thảo, cuộc thi,...
- Nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin, truyền thông đảm bảo an toàn trước gió bão, đảm bảo kết nối thông suốt trước, trong và sau các đợt thiên tai, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, chỉ huy và cứu hộ cứu nạn của các cấp, các ngành và người dân.
- Thành lập đầu mối tiếp nhận, kết nối thông tin cứu hộ, cứu nạn và hướng dẫn phòng tránh và ứng phó thiên tai.
c) Thực hiện việc bố trí, sắp xếp lại dân cư tại các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai: Tập trung triển khai Quyết định số 2146/QĐ-UBND ngày 13 tháng 08 năm 2022 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình bố trí dân cư vùng thiên tai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
d) Hằng năm rà soát cập nhật phương án ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai đối với 07 kịch bản thiên tai (bão và bão mạnh, bão rất mạnh và siêu bão, lũ, lũ quét, vỡ hồ chứa, sóng thần) và bổ sung phương án ứng phó các kịch bản ngập lụt đô thị cho phù hợp với điều kiện và thực tiễn tại địa phương.
đ) Về nhiệm vụ mua sắm trang thiết bị hằng năm và theo giai đoạn:
- Về trang thiết bị phòng chống thiên tai: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, rà soát, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định việc đầu tư, mua sắm, cấp phát trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai;
- Về trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn: Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố tổng hợp, rà soát, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định việc đầu tư, mua sắm, cấp phát trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự. Trong đó, rà soát số lượng, tình hình sử dụng hiện có và đề xuất đầu tư, trang bị các trang thiết bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn cho các ngành, địa phương với từng loại hình thiên tai nguy hiểm, đặc biệt là với ngập lụt đô thị và ngập lũ nông thôn khi có ngập sâu, dòng chảy xiết.
- Hằng năm, trên cơ sở các trang thiết bị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp và kho dự trữ của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố để tham mưu cho UBND thành phố cấp phát cho các sở, ngành, địa phương để sẵn sàng ứng phó với thiên tai.
e) Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố và Ủy ban Mặt trận tổ quốc, các ngành, hội đoàn thể trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn:
- Tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức và xây dựng lực lượng phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cấp thành phố theo hướng chuyên trách và phù hợp với tình hình điều kiện của thành phố; thường xuyên tổ chức, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác phòng chống thiên tai các cấp, đồng thời bổ sung nguồn nhân lực có trình độ và chuyên môn đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới để triển khai đồng bộ công tác phòng, chống; thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Trong đó, để đảm bảo hoạt động kịp thời hiệu quả, nghiên cứu thành lập bộ máy chuyên trách phòng chống thiên tai thành phố Đà Nẵng để tham mưu cho Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân thành phố.
- Hằng năm rà soát và kiện toàn các thành viên của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự theo hướng tinh gọn và đủ thành phần tham mưu; hoàn thiện quy chế tổ chức hoạt động theo hướng nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, phân công nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, địa phương, từng thành viên theo đúng chức năng nhiệm vụ (tránh bỏ sót nhiệm vụ), gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cấp, quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “04 tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả của các cấp, các ngành và bảo đảm nguyên tắc phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, có hiệu quả sau thiên tai.
- Đầu tư mua sắm, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống cơ sở dữ liệu và các công cụ phần mềm phục vụ hoạt động và công tác tham mưu cho Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các cấp.
PHẦN III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện
a) Các sở, ban, ngành, địa phương:
- Theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác phòng, chống thiên tai theo lĩnh vực, địa bàn quản lý; thực hiện lồng ghép kế hoạch phòng, chống thiên tai vào kế hoạch thực hiện của ngành, địa phương đảm bảo có hiệu quả, đồng bộ.
- Căn cứ vào tình hình điều kiện thực tế, theo chức năng, nhiệm vụ, khả năng cân đối ngân sách và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, các sở, ngành, địa phương chủ trì, phối hợp xây dựng, phê duyệt hoặc trình cấp thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch triển khai chi tiết các nội dung về biện pháp công trình và phi công trình theo nội dung của Nhiệm vụ, giải pháp, phụ lục của Đề án này và báo cáo, đề xuất UBND thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện theo đúng quy định.
- Các sở, ban, ngành, đơn vị và UBND các quận, huyện báo cáo định kỳ kết quả thực hiện Đề án về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố (trong báo cáo định kỳ nêu rõ kết quả đạt được, những khó khăn và tồn tại cần giải quyết) trước ngày 15 tháng 11 hằng năm.
b) Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố; Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn:
- Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố tổ chức đánh giá, giám sát việc thực hiện Đề án.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Đề án của các sở, ban, ngành, đơn vị và UBND các quận, huyện; tổng hợp, báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện trước ngày 30 tháng 11 hằng năm. Trong quá trình triển khai Đề án, cần thường xuyên cập nhật, bám sát diễn biến, tình hình để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.
c) Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an thành phố triển khai nhiệm vụ của Đề án:
- Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan và các lực lượng cứu hộ của các Bộ, ngành, Trung ương tổ chức tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, sơ tán, ứng cứu người và tài sản, khắc phục hậu quả khi có thiên tai, thảm họa xảy ra.
- Chủ động triển khai công tác phối hợp hiệp đồng, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng đứng chân trên địa bàn trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; thường xuyên tổ chức và phối hợp tổ chức các khóa huấn luyện, tập huấn, diễn tập sát thực tế, đảm bảo xử lý hiệu quả các tình huống sự cố, thiên tai.
- Đầu tư, mua sắm phương tiện, trang thiết bị ứng phó thiên tai và cứu hộ, cứu nạn phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị để nâng cao hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn.
d) Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính
- Sở Kế hoạch và Đầu tư: chủ trì tổng hợp, đề xuất UBND thành phố bố trí nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án (đối với nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản) được phê duyệt.
- Sở Tài chính: hằng năm trên cơ sở đề nghị của các sở, ban, ngành, đơn vị và UBND các quận, huyện về kinh phí thực hiện phòng, chống thiên tai theo lĩnh vực, địa bàn quản lý, Sở Tài chính (đối với nhiệm vụ chi thường xuyên) căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách và các nguồn kinh phí hợp pháp, báo cáo UBND thành phố, trình Hội đồng Nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt đúng quy định của pháp luật về Ngân sách Nhà nước.
e) UBND các quận, huyện
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành triển khai thực hiện các nội dung, công việc được giao trong Đề án trên địa bàn; chủ động bố trí ngân sách địa phương để lồng ghép các nguồn lực triển khai.
- Triển khai, giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án trên địa bàn và hằng năm báo cáo kết quả thực hiện về UBND thành phố, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố để theo dõi, chỉ đạo.
g) Sở Thông tin và Truyền thông
- Chỉ đạo theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện việc thông tin, truyền thông về phòng, chống thiên tai; phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân kiến thức về phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu; tiếp nhận, giải đáp thông tin cho người dân về phòng, chống thiên tai thông qua Tổng đài dịch vụ công;
- Đầu tư, nâng cấp hệ thống thông tin, liên lạc, đảm bảo kết nối thông suốt trước, trong và sau các đợt thiên tai, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, chỉ huy và cứu hộ cứu nạn của các cấp, các ngành và người dân.
h) Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố, các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn thành phố
- Thực hiện các quy định về truyền tin cảnh báo, thông tin đầy đủ và kịp thời các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai; phổ biến các Chỉ thị, Công điện, chỉ đạo,... của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Thành ủy, UBND thành phố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố và các cơ quan có thẩm quyền về công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
- Tăng cường, đẩy mạnh công tác truyền thông về thiên tai; phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng các chương trình để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, bổ sung kiến thức cơ bản về phòng, chống thiên tai cho Nhân dân, kinh nghiệm điển hình trong công tác phòng, chống thiên tai.
2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các Hội, Đoàn thể thành phố Đà Nẵng
a) Phối hợp với các sở, ban ngành và các địa phương, đơn vị liên quan trong công tác triển khai nhiệm vụ Đề án, trong đó tập trung các hoạt động truyền truyền, tập huấn, diễn tập, nâng cao nhận thức cộng đồng, hoạt động truyền tin, cảnh báo thiên tai.
b) Phối hợp, chỉ đạo các tổ chức, Hội thành viên thực hiện quy định pháp luật về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ Nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai và các quy định của pháp luật.
3. Đề nghị Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ
a) Cung cấp kịp thời bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai đến Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố, Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố và các đơn vị liên quan.
b) Tiếp tục tăng cường, nâng cao công tác dự báo, cảnh báo, trong đó nghiên cứu dự báo được chính xác cụ thể thời điểm, khu vực, phạm vi xảy ra thiên tai và mức độ thiên tai, định lượng mưa, nhất là các loại hình thiên tai nguy hiểm, diễn biến nhanh và sức tàn phá lớn như mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, đá,... đồng thời thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động triển khai phòng tránh và ứng phó.
c) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ban, ngành, địa phương, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm và quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn, dự báo, cảnh báo thiên tai; tham gia tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức về dự báo, khí tượng thủy văn cho chính quyền các cấp và cộng đồng, người dân.
II. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Tổng kinh phí thực hiện
Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện các hoạt động của Đề án Xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn trong thiên tai giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 dự kiến là: 5.249,611 tỷ đồng, cụ thể:
Stt |
Nội dung |
Tổng cộng (triệu đồng) |
Giai đoạn |
||
2022-2025 |
2026-2030 |
||||
1 |
Hoạt động phi công trình giai đoạn 2022-2030 (Phụ lục 1) |
305.840 |
145.240 |
160.600 |
|
2 |
Danh mục đầu tư công các công trình phòng chống thiên tai giai đoạn 2021- 2025 (Phụ lục 2) |
666.109 |
666.109 |
- |
|
3 |
Danh mục các dự án, đầu tư công trình phòng chống thiên tai giai đoạn 2026- 2030 (Phụ lục 3) |
|
|
Ưu tiên 1 |
Ưu tiên 2 |
4.044.000 |
- |
2.582.000 |
1.462.000 |
||
4 |
Kinh phí thực hiện các dự án bố trí dân cư vùng nguy cơ cao giai đoạn 2022-2025 (Phụ lục 4) |
233.662 |
233.662 |
- |
|
|
Tổng cộng |
5.249.611 |
1.045.011 |
4.204.600 |
2. Nguồn kinh phí thực hiện
Ngân sách nhà nước (bao gồm: Ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương), Quỹ Phòng, chống thiên tai và các nguồn huy động hợp pháp khác.
a) Ngân sách nhà nước, vốn vay (ODA,...):
Chi cho công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn thành phố. Tập trung đầu tư các dự án bảo vệ, phát triển rừng, trồng cây xanh; dự án bố trí sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai; xây dựng, sửa chữa các công trình thủy lợi, công trình nước sinh hoạt nông thôn, công trình phòng chống thiên tai, sạt lở, công trình nạo vét, chính trị; xây dựng, nâng cấp công trình giao thông có xem xét đến yếu tố phòng chống thiên tai; thực hiện các nhiệm vụ phòng chống thiên tai; mua sắm phương tiện, trang thiết bị phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, hệ thống thông tin liên lạc, dự báo, cảnh báo, giám sát phục vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra,...
Ngân sách dự phòng của địa phương: Xử lý các yêu cầu ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, phục vụ cho phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong trường hợp cần thiết, cấp bách.
b) Quỹ phòng chống thiên tai (gồm hỗ trợ từ Quỹ Phòng chống thiên tai Trung ương, Quỹ Phòng chống thiên tai tỉnh, Quỹ Phòng chống thiên tai cấp huyện, xã được giữ lại):
Chi hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ phòng chống thiên tai cấp bách; chi cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ các hoạt động ứng phó thiên tai, hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa theo đúng quy định hiện hành.
c) Nguồn kinh phí các tổ chức, cá nhân đóng góp do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng tiếp nhận, huy động:
Hỗ trợ nhân dân vùng bị thiên tai để khắc phục thiệt hại, giảm bớt khó khăn và ổn định cuộc sống, sinh kế từ việc huy động trong xã hội Nguồn kinh phí các tổ chức, cá nhân đóng góp do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng huy động, hỗ trợ gia đình có người chết, bị thương để mai táng, điều trị; nhà sập, nhà bị hư hỏng nặng để xây cất lại; cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu, hỗ trợ sinh kế nhằm sớm ổn định cuộc sống người dân.
d) Vốn đầu tư, xã hội hoá từ khối tư nhân, các nguồn vốn hợp pháp khác:
Vận động khối tư nhân đầu tư theo các chính sách hỗ trợ đầu tư, vay vốn; xây dựng, nâng cấp công trình phòng chống thiên tai, thủy lợi phối, kết hợp đa mục tiêu, phục vụ tham quan, dịch vụ, du lịch, quảng bá sản phẩm, hình ảnh,...; khuyến khích người dân đầu tư nâng cấp nhà ở bảo đảm an toàn với thiên tai.
Các nguồn vốn hợp pháp khác phục vụ cho công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
đ) Tùy vào tình hình và điều kiện thực tế tại địa phương, các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ sẽ kiểm tra, rà soát, cụ thể hóa các nhiệm vụ và đề xuất dự toán kinh phí, nghiên cứu khả năng cân đối ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để tham mưu, đề xuất UBND thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện theo đúng quy định.
III. THỜI GIAN THỰC HIỆN
Thời gian thực hiện Đề án từ năm 2022 đến năm 2030 và được cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tiễn và tình hình phát triển kinh tế xã hội của thành phố, tầm nhìn đến năm 2045.
Các nhiệm vụ, chương trình, dự án được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và trình bày tại các Phụ lục đính kèm. Các sở, ban, ngành, đơn vị, UBND các cấp được giao chủ trì tổ chức thực hiện lập kế hoạch chi tiết và tiến độ triển khai từng nhiệm vụ, chương trình, dự án theo đúng quy định của pháp luật./.
PHỤ LỤC I
DANH MỤC CÁC HOẠT ĐỘNG LĨNH VỰC PHI CÔNG TRÌNH GIAI ĐOẠN 2022-2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 187/QĐ-UBND ngày 01 tháng 02 năm 2023 của
UBND thành phố Đà Nẵng)
Triệu đồng
TT |
Nội dung hoạt động |
Kinh phí |
Giai đoạn |
Cơ quan chủ trì |
Cơ quan phối hợp |
|
2022 - 2025 |
2026 - 2030 |
|||||
|
Tổng cộng |
305.840 |
145.240 |
160.600 |
|
|
I |
HOÀN THIỆN HỆ THỐNG VĂN BẢN PHÁP LUẬT, CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH |
640 |
240 |
400 |
|
|
1 |
Triển khai các quy định, rà soát, xây dựng các chính sách liên quan đến công tác phòng chống thiên tai, phòng cháy chữa cháy rừng,... |
300 |
100 |
200 |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các sở, ngành, lực lượng vũ trang, UBND các quận, huyện, xã, phường |
2 |
Xây dựng và ban hành bộ chỉ số đánh giá công tác phòng chống thiên tai cấp quận/huyện, xã/phường |
40 |
20 |
20 |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các sở, ngành, lực lượng vũ trang, UBND các quận, huyện, xã, phường |
3 |
Lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội của các cấp, ngành |
20 |
10 |
10 |
Sở Kế hoạch và Đầu tư |
|
4 |
Xây dựng cơ chế huy động nguồn lực ngoài ngân sách, xã hội hóa trong công tác phòng, chống thiên tai; khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đầu tư cho phòng chống thiên tai |
20 |
10 |
10 |
Sở Tài chính |
Sở Kế hoạch đầu tư và các sở, ngành, lực lượng vũ trang, UBND các quận, huyện, xã, phường |
5 |
Nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ hộ gia đình chính sách xây dựng nhà ở chống chịu với bão, lũ |
30 |
10 |
20 |
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội |
Sở Xây Dựng, các sở, ngành, lực lượng vũ trang, UBND các quận, huyện, xã, phường |
6 |
Hoàn thiện chế độ chính sách, đảm bảo quyền lợi cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã |
30 |
0 |
30 |
Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các sở, ngành, lực lượng vũ trang, UBND các quận, huyện, xã, phường |
7 |
Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân triển khai xây dựng công trình đảm bảo an toàn trước thiên tai |
100 |
50 |
50 |
Sở Xây dựng |
Các sở, ngành, lực lượng vũ trang, UBND các quận, huyện, xã, phường |
8 |
Nghiên cứu, chính sách ưu tiên, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm rủi ro thiên tai |
30 |
10 |
20 |
Sở Tài chính |
Bảo hiểm Xã hội thành phố Đà Nẵng; các sở, ngành, lực lượng vũ trang, UBND các quận, huyện, xã, phường |
9 |
Nghiên cứu, đề xuất cơ chế để huy động hàng hóa, quản lý bình ổn thị trường do thiên tai |
30 |
10 |
20 |
Sở Công Thương |
Các sở, ngành, UBND các quận, huyện, xã, phường |
10 |
Xây dựng, cập nhật chính sách hỗ trợ thiệt hại về nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai |
20 |
10 |
10 |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện |
11 |
Tham mưu thực hiện chương trình bố trí dân cư vùng thiên tai |
20 |
10 |
10 |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện |
II |
TỔ CHỨC, BỘ MÁY VÀ TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC |
136.000 |
78.700 |
57.300 |
|
|
1 |
Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp. |
3.500 |
500 |
3.000 |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các sở, ngành, lực lượng vũ trang, UBND các quận, huyện, xã, phường |
2 |
Đầu tư mua sắm trang thiết bị, công cụ hỗ trợ công tác trực ban cho Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy các cấp; trang thiết bị chuyên dùng phòng chống thiên tai |
40.000 |
30.000 |
10.000 |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Các lực lượng vũ trang; UBND các quận huyện; |
|
3 |
Đầu tư mua sắm, cấp phát trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự cho các cấp, ngành, địa phương, đơn vị |
70.000 |
40.000 |
30.000 |
Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng |
Các đơn vị lực lượng vũ trang, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, xã, phường |
4 |
Tổ chức diễn tập (cơ chế và thực binh) phòng, chống, ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương, các ngành các đơn vị lực lượng vũ trang |
15.000 |
5.000 |
10.000 |
Các đơn vị lực lượng vũ trang, các sở, ngành, UBND các cấp |
Các đơn vị lực lượng vũ trang, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, xã, phường |
5 |
Đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, khai thác công trình thủy lợi |
500 |
200 |
300 |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng, UBND các quận, huyện, xã, phường |
6 |
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và các công cụ phần mềm phục vụ điều hành, hỗ trợ các cấp chính quyền ra quyết định |
5.000 |
2.000 |
3.000 |
Sở Thông tin và Truyền thông |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành, lực lượng vũ trang, UBND các quận, huyện, xã, phường |
7 |
Diễn tập phòng chống, chữa cháy rừng |
2.000 |
1.000 |
1.000 |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các sở, ngành, lực lượng vũ trang, UBND các quận, huyện, xã, phường |
III |
NÂNG CAO NHẬN THỨC, KIẾN THỨC, KỸ NĂNG CHO CỘNG ĐỒNG |
21.500 |
4.700 |
16.800 |
|
|
1 |
Triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” |
18.000 |
3.000 |
15.000 |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Thủy lợi) |
Các sở, ngành, Hội đoàn thể, lực lượng vũ trang, UBND các quận, huyện, xã, phường |
2 |
Tập huấn phổ biến pháp luật, kiến thức về phòng chống thiên tai và kỹ năng sơ cấp cứu cho đội ngũ giáo viên các cấp; xây dựng sổ tay trường học an toàn trong thiên tai và hướng dẫn chương trình ngoại khóa, hội thi,... về kỹ năng ứng phó thiên tai |
2.000 |
1.000 |
1.000 |
Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Thủy lọi) |
Lực lượng vũ trang; Hội đoàn thể; UBND các quận, huyện |
3 |
Củng cố, nâng cao năng lực lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp phường/xã |
1.500 |
700 |
800 |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Thủy lợi) |
Lực lượng vũ trang; Hội đoàn thể; UBND các quận, huyện |
IV |
LẬP, RÀ SOÁT VÀ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH, QUY HOẠCH |
36.400 |
17.200 |
19.200 |
|
|
1 |
Đề án phòng chống sạt lở bờ sông |
1.000 |
1.000 |
0 |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện |
2 |
Xây dựng quy chế phối hợp và điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn |
500 |
200 |
300 |
Sở Tài nguyên và Môi trường |
UBND tỉnh Quảng Nam; các sở, ngành, lực lượng vũ trang, UBND các quận, huyện, xã, phường |
3 |
Lập bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro trượt lở đất đá tỷ lệ lớn tùy theo nguy cơ từng vùng |
5.000 |
3.000 |
2.000 |
Sở Tài nguyên và Môi trường |
Sở Giao thông vận tải, Các sở, ngành, lực lượng vũ trang, UBND các quận, huyện, xã, phường |
4 |
Triển khai xây dựng, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai cấp thành phố (hằng năm) |
2.000 |
1.000 |
1.000 |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các sở, ngành, Hội đoàn thể, lực lượng vũ trang, UBND các quận, huyện, xã, phường |
5 |
Triển khai xây dựng, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai cấp cấp quận, huyện |
3.000 |
1.000 |
2.000 |
UBND các quận, huyện |
Các sở, ngành, Hội đoàn thể, lực lượng vũ trang, UBND các quận, huyện, xã, phường |
6 |
Xây dựng phương án chống ngập lụt đô thị |
5.000 |
3.000 |
2.000 |
Sở Xây dựng |
Các sở, ngành, Hội đoàn thể, lực lượng vũ trang, UBND các quận, huyện, xã, phường |
7 |
Lập, rà soát bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai với các loại hình thiên tai chính (bão, lũ, lũ quét,...); bản đồ ngập lũ theo cấp độ rủi ro thiên tai và cấp báo động lũ đến cấp thôn, xã |
5.000 |
2.000 |
3.000 |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các sở, ngành, UBND các quận, huyện |
8 |
Rà soát, bổ sung quy hoạch thủy lợi, đê, kè đến năm 2030 |
3.000 |
2.000 |
1.000 |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các sở, ngành, UBND các quận, huyện |
9 |
Rà soát, xây dựng hành lang thoát lũ (các sông Cầu Đỏ - Cẩm Lệ, Yên, Túy Loan, Quá Giáng, Vĩnh Điện, Cổ Cò và Cu Đê) |
10.000 |
3.000 |
7.000 |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các sở, ngành, UBND các quận, huyện |
10 |
Quy hoạch khu tái định cư vùng thiên tai, lũ quét, ngập sâu, sạt lở bờ sông, sạt trượt đất đá,...trên địa bàn thành phố Đà Nẵng |
1.000 |
500 |
500 |
UBND các quận, huyện |
Sở Xây dựng; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài nguyên và Môi trường |
11 |
Rà soát hiện trạng cây xanh, xây dựng phương án trồng, chằng chống, cắt tỉa đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão |
500 |
300 |
200 |
Sở Xây dựng |
Các sở, ngành, UBND các quận, huyện |
12 |
Đề án xây dựng, sửa chữa, nâng cấp nhà trú ẩn đa năng cộng đồng trên địa bàn huyện Hòa Vang, các quận |
200 |
100 |
100 |
UBND huyện Hòa Vang, các quận |
Các sở, ngành, UBND các quận, huyện |
13 |
Triển khai xây dựng Kế hoạch phòng chống thiên tai cấp quận/ huyện/giai đoạn 2022- 2025; 2025- 2030 |
200 |
100 |
100 |
UBND huyện Hòa Vang, các quận |
Các sở, ngành, UBND các quận, huyện |
V |
PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY RỪNG |
10.000 |
3.000 |
7.000 |
|
|
1 |
Xây dựng cơ sở hạ tầng bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng |
10.000 |
3.000 |
7.000 |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các sở, ngành, lực lượng vũ trang, UBND các quận, huyện |
VI |
TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC KIỂM SOÁT THIÊN TAI VÀ XÂY DỰNG HỆ THỐNG CƠ SỞ DỮ LIỆU |
17.300 |
7.700 |
9.600 |
|
|
1 |
Quản lý tàu thuyền, đầu tư trang thiết bị liên lạc, cứu nạn cho các tàu thuyền đánh cá |
2.000 |
1.000 |
1.000 |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng |
Các sở, ngành, lực lượng vũ trang, UBND các quận, huyện |
2 |
Rà soát, kiểm tra, đánh giá, kiểm định đề xuất giải pháp đảm bảo an toàn các đập An Trạch Hà Thanh, hồ chứa nước thủy lợi |
8.000 |
3.000 |
5.000 |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các sở, ngành, lực lượng vũ trang, UBND các quận, huyện |
3 |
Rà soát, kiểm tra, đánh giá đề xuất giải pháp đảm bảo an toàn các hồ điều tiết, hồ hình thành sau khai thác khoáng sản |
2.000 |
1.000 |
1.000 |
Sở Tài Nguyên và Môi Trường, Sở Xây dựng |
Các sở, ngành, lực lượng vũ trang, UBND các quận, huyện |
4 |
Rà soát quy hoạch, nâng cấp hệ thống công trình nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng cấp thôn tổ kết hợp sơ tán thiên tai |
300 |
200 |
100 |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các sở, ngành, UBND các quận, huyện |
5 |
Nghiên cứu đưa ra các giải pháp trữ lũ, điều tiết lũ chống ngập khi đầu tư các dự án, khu dân cư mới trên địa bàn thành phố |
3.000 |
1.500 |
1.500 |
Sở Xây dựng |
Các sở, ngành, UBND các quận, huyện |
6 |
Nghiên cứu Quy hoạch đô thị có phương án giảm diện tích bê tông hoá nhằm tăng hệ số thấm của đất đảm bảo cho thoát nước mặt đô thị nhằm giảm thiểu ngập úng. |
1.000 |
500 |
500 |
Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện (theo phân cấp) |
Các sở, ngành, UBND các quận, huyện |
7 |
Rà soát tổng thể và xây dựng phương án thoát nước, chống ngập của các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện Hòa Vang (theo chỉ đạo của UBND thành phố tại Công văn số 7268/UBND-SGTVT, 05/11/2020) |
1.000 |
500 |
500 |
UBND huyện Hòa Vang và Ban QLDA ĐTXD các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các sở, ngành, lực lượng vũ trang. |
VII |
HOÀN THIỆN VÀ HIỆN ĐẠI HÓA HỆ THỐNG THÔNG TIN LIÊN LẠC, QUAN TRẮC VÀ CẢNH BÁO THIÊN TAI |
52.000 |
18.200 |
33.800 |
|
|
1 |
Nghiên cứu và lắp đặt, hệ thống quan trắc, giám sát và cảnh báo thiên tai |
20.000 |
5.000 |
15.000 |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ; Các sở, ngành, UBND các quận, huyện |
2 |
Đầu tư, nâng cấp hệ thống thông tin, liên lạc, đảm bảo kết nối thông suốt trước, trong và sau các đợt thiên tai |
15.000 |
8.000 |
7.000 |
Sở Thông tin và Truyền thông |
Các sở, ngành, UBND các quận, huyện |
3 |
Xây dựng phần mềm quản lý và cảnh báo ngập lụt đô thị theo thời gian thực |
5.000 |
3.000 |
2.000 |
Sở Xây dựng |
Các sở, ngành, lực lượng vũ trang, UBND các cấp |
4 |
Xây dựng hệ thống, biển báo cảnh báo ngập lụt, sạt lở đất đá, ngầm tràn, cháy rừng... tại vùng nguy cơ cao |
3.000 |
700 |
2.300 |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các sở, ngành, lực lượng vũ trang, UBND các cấp |
5 |
Lắp đặt hệ thống quan trắc chuyên dùng đảm bảo an toàn công trình hồ, đập |
4.000 |
500 |
3.500 |
Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Đà Nẵng |
Các sở, ngành, UBND các quận, huyện |
6 |
Xây dựng hệ thống phòng chống sét cho vùng nguy cơ cao |
5.000 |
1.000 |
4.000 |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Thủy lợi) |
Các sở, ngành, UBND các quận, huyện |
VIII |
HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ |
32.000 |
15.500 |
16.500 |
|
|
1 |
Nghiên cứu, ứng dụng vật liệu mới, công nghệ tiên tiến trong xây dựng công trình phòng chống thiên tai |
20.000 |
10.000 |
10.000 |
Sở Khoa học Công nghệ |
Sở Xây dựng, các sở, ngành, UBND các quận, huyện |
2 |
Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và định hướng hoạt động nông nghiệp của thành phố |
3.000 |
1.000 |
2.000 |
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn |
Các sở, ngành, UBND các quận, huyện |
3 |
Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác phòng chống thiên tai, thủy lợi |
2.000 |
1.000 |
1.000 |
Chi cục Thủy lợi (Văn phòng thường trực BCH PCTT, TKCN và PTDS) |
Sở Thông tin và Truyền thông; các sở, ngành, UBND các quận, huyện |
4 |
Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác quản lý bảo vệ, giám sát rừng |
2.000 |
1.000 |
1.000 |
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm) |
Sở Thông tin và Truyền thông; các sở, ngành, UBND các quận, huyện |
5 |
Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm trong sản xuất nông nghiệp |
3.000 |
1.500 |
1.500 |
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn |
Sở Thông tin và Truyền thông, Các sở, ngành, UBND các quận, huyện |
6 |
Kiểm tra, tính toán khả năng thoát nước, thoát lũ của các công trình giao thông trên địa bàn huyện Hòa Vang và đề xuất giải pháp đảm bảo tiêu, thoát |
2.000 |
1.000 |
1.000 |
Sở Xây dựng |
Sở Giao thông vận tải; UBND huyện Hòa Vang. |
PHỤ LỤC II
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI THỰC HIỆN ĐẦU
TƯ MỚI TRONG GIAI ĐOẠN 2021 - 2035 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 187/QĐ-UBND ngày 01 tháng 02 năm 2023 của
UBND thành phố Đà Nẵng)
Triệu đồng
TT |
Danh mục dự án |
Số QĐ; ngày, tháng, năm |
Kế hoạch trung hạn 2021-2025 điều chỉnh theo NQ số 36/NQ-HĐND ngày 14/7/2022 |
Ghi chú |
||
Tổng số |
Trong đó |
|||||
Xây lắp |
Đền bù |
|||||
|
TỔNG CỘNG |
|
666.109 |
618.452 |
47.657 |
|
I |
GIAO THÔNG |
|
142.487 |
107.000 |
35.487 |
|
1 |
Khớp nối giao thông, thoát nước với Tuyến mương thoát nước Khe Cạn |
3168/QĐ-UBND 27/8/2020 |
26.000 |
26.000 |
- |
Đang triển khai. |
2 |
Tuyến kênh thoát nước từ khu tái định cư Hòa Nhơn ra sông Túy Loan |
333/NQ-HĐND 09/12/2020 |
115.487 |
80.000 |
35.487 |
Đang lập QH chi tiết 1/500, chưa phê duyệt DA, chưa bố trí KHV21 và 22. |
3 |
Tu sửa, xử lý khẩn cấp sụt lún vỉa hè phía sau tường kè tại khu vực ngã ba đường Võ Nguyên Giáp - Lê Văn Thứ; khu vực bãi tắm Sơn Thủy, quận Ngũ Hành Sơn và đoạn sạt lở lớn dọc bờ kè gần ngã ba đường Võ Nguyên Giáp - Nguyễn Văn Thoại |
CV1863/UBND-SNN 2/04/2021 |
1.000 |
1.000 |
|
Đang triển khai. |
II |
DU LỊCH |
|
400 |
400 |
- |
|
1 |
Xử lý sạt lở tại khu vực bãi tắm Sơn Thủy, cửa xả Mỹ An |
1499/QĐ-UBND 17/9/2019 |
400 |
400 |
- |
|
III |
NÔNG NGHIỆP, LÂM NGHIỆP, THỦY LỢI, THỦY SẢN... |
|
392.032 |
382.532 |
9.500 |
|
1 |
Kè khẩn cấp chống sạt lở sông Quá Giáng |
3995/QĐ-UBND 09/9/2019 |
52.669 |
49.969 |
2.700 |
Đang triển khai. |
2 |
Đầu tư nâng cấp các kè khẩn cấp trên địa bàn TPĐN (bờ sông Túy Loan đoạn qua thôn Phú Túc, Hòa Phước, Hội Phước, bờ tả thượng lưu cầu Diêu Phong, thôn Duy Phong, bờ sông Vĩnh Điện khu vực bờ sông Giáng Nam 1) |
4885/QĐ-UBND 30/10/2019 |
19.000 |
18.100 |
900 |
Đang triển khai. |
3 |
Đầu tư xây dựng sửa chữa, nâng cấp đập dâng An Trạch - Hà Thanh |
223/NQ-HĐND 17/5/2019 |
96.676 |
96.676 |
- |
Chưa bố trí KHV21&22. |
4 |
Kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Yên (đoạn từ hạ lưu đập An Trạch cầu sông Yên - ngã ba sông Cẩm Lệ) |
227/NQ-HĐND ngày 17/5/2019 |
35.767 |
30.767 |
5.000 |
DA đã được bố trí NSTW kế hoạch vốn trung hạn 21- 25. |
5 |
Công trình thủy lợi để thay thế tuyến kênh thủy lợi của hồ chứa nước Hòa Trung đi qua Khu phụ trợ phục vụ dự án Khu Công nghệ cao Đà Nẵng |
2032/QĐ-UBND 10/6/2021 |
10.300 |
10.300 |
- |
Đang triển khai. |
6 |
Tuyến mương thoát nước dọc đường số 4 Khu công nghiệp Hòa Khánh |
1899/QĐ-UBND 02/6/2021 |
9.900 |
9.900 |
- |
Giảm KHV theo QĐ phê duyệt DA. Đang triển khai. |
7 |
Kè chống sạt lở bờ tả sông Vĩnh Điện, đoạn qua KDC Liêm Lạc |
2483/QĐ-UBND 13/7/2020 |
14.000 |
13.600 |
400 |
Đang triển khai. |
8 |
Kè chống sạt lở bờ tả sông Túy Loan, đoạn qua thôn Ninh An, Khu vực nhà cổ Tích Thiện Đường và Khu vực thôn Thạch Nham, xã Hòa Nhơn |
3012/QĐ-UBND 17/8/2020 |
14.900 |
14.700 |
200 |
Đang triển khai. |
9 |
Cống thoát nước và bê tông nền đường K382 Núi Thành và K382/H37 Núi Thành |
4369/QĐ-UBND 31/12/2021 |
2.847 |
2.847 |
- |
DA đã được phê duyệt CTĐT và Báo cáo KTKT. |
10 |
Kè khẩn cấp chống sạt lở sông Cu Đê (bờ tả - xã Hòa Liên) giai đoạn 2 |
2618/QĐ-UBND 23/7/2020 |
14.900 |
14.750 |
150 |
Đã hoàn thành. |
11 |
Kè khẩn cấp chống sạt lở sông Lỗ Đông |
2656/QĐ-UBND 24/7/20 |
11.000 |
10.850 |
150 |
Đang triển khai. |
12 |
Kiên cố hóa các tuyến kênh mương thủy lợi trên địa bàn xã Hòa Phong |
2879/QĐ-UBND 07/8/2020 |
12.000 |
12.000 |
- |
Đang triển khai. |
13 |
Kiên cố hóa các tuyến kênh mương thủy lợi trên địa bàn xã Hòa Khương |
2904/QĐ-UBND 10/8/2020 |
13.000 |
13.000 |
- |
Đang triển khai. |
14 |
Kênh chính trạm bơm Đông Lâm; kênh chính hồ Hố Cau, kênh N1 hồ Hố Cau, kênh chính hồ Diêu Phong |
1950/QĐ-UBND 04/6/2020 |
6.100 |
6.100 |
- |
Đang triển khai. |
15 |
Đập dâng Para Phước Hưng |
1951/QĐ-UBND 04/6/2020 |
2.050 |
2.050 |
- |
Đang triển khai. |
16 |
Tuyến kênh N5, N5-1, N5-2 trạm bơm An Trạch |
1952/QĐ-UBND 04/6/2020 |
2.700 |
2.700 |
- |
Đang triển khai. |
17 |
Tuyến kênh N2-B, N4, N8-1 trạm bơm An Trạch |
1953/QĐ-UBND 04/6/2020 |
7.660 |
7.660 |
- |
Đang triển khai. |
18 |
Hỗ trợ đầu tư phát triển trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng KH 2020-2025 thuộc giai đoạn 2019-2030 |
309/QĐ-SNN ngày 06/9/2021 |
10.663 |
10.663 |
|
Đang triển khai. |
19 |
Nâng cấp Vườn ươm Trạm lâm sinh và phát triển giống lâm nghiệp |
1634/QĐ-UBND 16/6/2022 |
5.900 |
5.900 |
|
DA đã phê duyệt CTĐT, đảm bảo quy định bố trí KHV trung hạn 2021-2025. |
20 |
Nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang (giai đoạn 2) |
4398/QĐ-BNN-TCTS 12/11/2021 |
50.000 |
50.000 |
|
Bộ NN đã phê duyệt CTĐT QĐ 4398/QĐ-BNN-KH ngày 12/11/2021, vốn NSTW: 200 tỷ, NSTP đối ứng 50 tỷ. |
IV |
CẤP NƯỚC, THOÁT NƯỚC |
|
30.653 |
28.098 |
2.555 |
|
1 |
Các mương thoát nước trên địa bàn quận Liên Chiểu |
|
|
|
|
Đang triển khai. |
|
- Mương thoát nước tổ 29, 36 phường Hòa Hiệp Nam |
2484/QĐ-UBND 13/7/2020 |
950 |
950 |
- |
Đang triển khai. |
|
- Mương thoát nước tổ 36, 39 phường Hòa Hiệp Nam |
2484/QĐ-UBND 13/7/2020 |
590 |
590 |
- |
Đang triển khai. |
|
- Mương thoát nước tổ 66, 67 phường Hòa Khánh Nam |
2484/QĐ-UBND 13/7/2020 |
700 |
700 |
- |
Đang triển khai. |
|
- Mương thoát nước tổ 67 phường Hòa Khánh Nam |
2484/QĐ-UBND 13/7/2020 |
800 |
800 |
- |
Đang triển khai. |
|
- Mương thoát nước tổ 198 phường Hòa Minh |
2484/QĐ-UBND 13/7/2020 |
1.000 |
1.000 |
- |
Đang triển khai. |
|
- Mương thoát nước sau nhà khu vực Hòa Phú, phường Hòa Minh |
2484/QĐ-UBND 13/7/2020 |
570 |
570 |
- |
Đang triển khai. |
|
- Mương thoát nước chống ngập úng kiệt K264 Hoàng Văn Thái, phường Hòa Khánh Nam |
2484/QĐ-UBND 13/7/2020 |
900 |
900 |
- |
Đang triển khai. |
|
- Mương thoát nước kiệt đường Nguyễn Phước Chu, phường Hòa Hiệp Bắc |
2484/QĐ-UBND 13/7/2020 |
990 |
990 |
- |
Đang triển khai. |
2 |
Xử lý tuyến cống thoát nước đi dưới nhà các hộ dân số 42, 44, 46 đường Yết Kiêu |
554/BC-SKHĐT 14/9/2020 |
3.390 |
835 |
2.555 |
Đang triển khai. |
3 |
Đầu tư nâng cấp Mương thoát nước tuyến đường Lạc Long Quân |
408/QĐ-UBND - 05/02/2021 |
9.700 |
9.700 |
- |
Đang triển khai. |
4 |
Cấp nước PCCC rừng tại Khu di tích Huyện ủy Hòa Vang, Ngầm Đôi thuộc địa bàn xã Hòa Phú, khu vực Núi Sọ thuộc địa bàn xã Hòa Sơn |
4939/QĐ-UBND 31/10/2019 |
4.300 |
4.300 |
|
Đang triển khai. |
5 |
Công trình cấp nước PCCC rừng tại khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa thuộc địa bàn xã Hòa Ninh và Hòa Bắc |
4937/QĐ-UBND 31/10/2019 |
5.700 |
5.700 |
|
Đang triển khai. |
6 |
Sửa chữa tuyến kênh phía Bắc đường số 2 Khu công nghệ cao (xử lý gia cố đáy kênh đoạn Km1+675,71-Km2+298,53) |
QĐ 1555/QĐ-UBND 07/5/2021 |
1.063 |
1.063 |
- |
Đang triển khai (tên cũ: Sửa chữa tuyến kênh phía Bắc đường số 2). |
V |
MÔI TRƯỜNG |
|
93.537 |
93.537 |
- |
|
1 |
Đầu tư các trạm quan trắc môi trường tự động trên địa bàn thành phố |
210/NQ-HĐND 19/12/2018 |
73.000 |
73.000 |
- |
|
2 |
Đầu tư 02 hệ thống quan trắc môi trường nước tự động, liên tục trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn |
3222/QĐ-UBND 22/7/2019 |
11.647 |
11.647 |
- |
|
3 |
Xây dựng CSDL và hệ thống thông tin quản lý kho tư liệu Tài nguyên và Môi trường |
1075/QĐ-UBND 31/3/2021 |
8.890 |
8.890 |
|
Đang triển khai. |
VI |
XÃ HỘI |
|
7.000 |
6.885 |
115 |
|
1 |
Xử lý chống sạt lở khu vực đồi Lệ Mỹ tại thôn Quan Nam 3 thuộc xã Hòa Liên |
316/BC-SKHĐT 30/6/2022 |
7.000 |
6.885 |
115 |
DA cấp bách, phê duyệt CTĐT trước kỳ họp HĐND TP giữa năm, trùng với thời điểm thông qua KHV trung hạn 2021-2025; giao KHV trung hạn sau khi DA được phê duyệt CTĐT theo quy định của Luật Đầu tư công. |
Ghi chú:
- Theo Quyết định số: 1885/QĐ-UBND ngày 15 tháng 7 năm 2022 của UBND thành phố Đà Nẵng
- Không tính những công trình hoàn thành và đã bàn giao đưa vào sử dụng.
PHỤ LỤC III
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN, ĐẦU TƯ CÔNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI THỰC HIỆN TRONG
GIAI ĐOẠN 2026 - 2030 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 187/QĐ-UBND ngày 01 tháng 02 năm 2023 của
UBND thành phố Đà Nẵng)
* Ghi chú: Đây là danh mục dự án dự kiến, sẽ điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế khi lập kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030
Đơn vị tính: Tỷ đồng
TT |
Danh mục dự án |
Kinh phí |
Nguồn kinh phí |
Ghi chú |
|
Tổng cộng |
4.044 |
|
|
I |
GIẢI PHÁP NÂNG CẤP, ĐẢM BẢO AN TOÀN CƠ SỞ HẠ TẦNG PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI |
2.405 |
|
|
1 |
Nâng cấp đảm bảo an toàn hồ Đồng Nghệ giai đoạn 2. |
30 |
Ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 2 |
2 |
Nâng cấp đảm bảo an toàn hồ Hòa Trung giai đoạn 2. |
20 |
Ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 2 |
3 |
Nạo vét chống bồi lấp và tăng dung tích chứa của 19 hồ chứa thủy lợi nhỏ: Hóc Khế, Đồng Tréo, Hồ Câu, Trường Loan, Hố Gáo, Bàu Tràm, Hòa Khê, hồ bơi Quân sự QK5, Hòa Phong 1, Hòa Phong 2, An Nhơn, Hố Trảy, Phú Túc, Hố Lăng, Tân An, Diêu Phong, Hóc Gối, Hố Thung, Hố Cái. |
20 |
Ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 1 |
4 |
Xây dựng, nâng cấp, sửa chữa đập dâng An Trạch và Hà Thanh. |
160 |
Ngân sách Trung ương và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 1 |
5 |
Kiên cố hóa hệ thống kênh mương chính và kênh nội đồng: |
|
|
|
5.1 |
Giai đoạn 2026-2028 (chiều dài 30km) |
30 |
Ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 1 |
5.2 |
Giai đoạn 2028-2030 (chiều dài 20km) |
20 |
Ưu tiên 1 |
|
6 |
Chương trình quản lý tưới tiêu tự động và ngầm hóa hệ thống kênh tưới nội đồng. |
30 |
Ngân sách Trung ương, Ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 2 |
7 |
Dự án đầu tư, gia cố hệ thống kè dọc tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Trường Sa - Võ Nguyên Giáp (dài gần 2.000 m). |
180 |
Ngân sách Trung ương và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 1 |
8 |
Xây dựng, nâng cấp các nhà cộng đồng trú tránh thiên tai tại các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai. |
45 |
Ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 1 |
9 |
Xây dựng, củng cố, nâng cấp mở rộng cảng cá Thọ Quang kết hợp với dịch vụ hậu cần nghề cá. |
400 |
Ngân sách Trung ương và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 1 |
10 |
Tu bổ, củng cố, nâng cấp hệ thống kè biển và khu vực cửa sông; Xây dựng các tuyến kè chống sạt lở bờ các sông Yên, Túy Loan, Cầu Đỏ - Cẩm Lệ, Cổ Cò, Cu Đê,... giai đoạn 2026-2028 |
650 |
Ngân sách Trung ương và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 1 |
11 |
Tu bổ, củng cố, nâng cấp hệ thống kè biển và khu vực cửa sông; Xây dựng các tuyến kè chống sạt lở bờ các sông Vĩnh Điện, Quá Giáng 2028-2030 |
200 |
Ngân sách Trung ương và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 2 |
12 |
Đầu tư trang thiết bị quan trắc an toàn đập và trang thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng mưa, mực nước, lưu lượng lũ đến hồ phục vụ công tác quản lý, vận hành và xử lý tình huống khẩn cấp của hai hồ chứa lớn Đồng Nghệ và Hòa Trung |
10 |
Ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 1 |
13 |
Đầu tư trang thiết bị quan trắc an toàn đập và trang thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng mưa, mực nước, lưu lượng lũ đến hồ phục vụ công tác quản lý, vận hành và xử lý tình huống khẩn cấp của các hồ chứa vừa và nhỏ |
10 |
Ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 2 |
14 |
Đầu tư xây dựng nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới đường quản lý và cứu hộ cứu nạn các hồ chứa. |
50 |
Ngân sách Trung ương, ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 2 |
15 |
Xây dựng công trình phòng chống lũ quét, sạt lở đất và cơ sở hạ tầng phục vụ di dời dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở |
|
Ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
|
15.1 |
Giai đoạn 2026-2028 |
60 |
Ưu tiên 1 |
|
15.2 |
Giai đoạn 2028-2030 |
40 |
Ưu tiên 2 |
|
16 |
Xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ di dời dân cư thường xuyên chịu ảnh hưởng lũ, ngập lụt đến nơi an toàn |
|
Ngân sách Trung ương, ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
|
16.1 |
Giai đoạn 2026-2028 |
30 |
Ưu tiên 1 |
|
16.2 |
Giai đoạn 2028-2030 |
20 |
Ưu tiên 2 |
|
17 |
Xây dựng các hệ thống giám sát, cảnh báo sớm thiên tai tại những khu vực thường xuyên xảy ra các loại hình thiên tai nguy hiểm, sức tàn phá lớn như lũ, lũ quét, sạt lở, giai đoạn 2026-2028 |
10 |
Ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 1 |
18 |
Xây dựng các hệ thống trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng, quan trắc tự động giai đoạn 2028-2030 |
10 |
Ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 2 |
19 |
Dự án Nâng cấp, sửa chữa, xây mới cột mốc báo lũ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (huyện Hòa Vang) |
6 |
Ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 2 |
20 |
Dự án Nâng cấp, sửa chữa, xây mới cột mốc báo lũ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (các quận khác) |
4 |
Ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 2 |
21 |
Dự án kiên cố hóa đường Hoàng Sa - khu vực bán đảo Sơn Trà |
300 |
Ngân sách Trung ương, ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 1 |
22 |
Xây dựng, nâng cấp hệ thống công trình nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng cấp thôn tổ kết hợp sơ tán thiên tai. |
50 |
Ngân sách Trung ương, ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 2 |
23 |
Triển khai thực hiện giải pháp về công trình sau khi Sở Xây dựng tính toán đảm bảo thoát nước, thoát lũ các trục đường giao thông trên địa bàn huyện Hòa Vang |
20 |
Ngân sách Trung ương, ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 1 |
II |
GIẢI PHÁP ĐẢM BẢO AN NINH NGUỒN NƯỚC |
529 |
|
|
1 |
Đầu tư xây dựng hồ chứa lưu vực sông Cu Đê (04 hồ). |
80 |
Ngân sách Trung ương, ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 2 |
2 |
Đầu tư xây dựng hồ chứa Khe Lâm lưu vực sông Túy Loan (01 hồ). |
30 |
Ngân sách Trung ương, ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 2 |
3 |
Tiếp tục thực hiện xây dựng đập tạm hàng năm trong mùa khô đập Quảng Huề. |
15 |
Ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 1 |
4 |
Nâng cấp, sửa chữa các đập dâng nhỏ phục vụ tưới cho sản xuất nông nghiệp (15 đập dâng). |
50 |
Ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 2 |
5 |
Nạo vét chống bồi lấp và tăng dung tích chứa hồ chứa nước lớn và vừa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (Ưu tiên các hồ: Đồng Nghệ, Hòa Trung và Trước Đông, Bàu Tràm). |
30 |
Ngân sách Trung ương, ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 2 |
6 |
Dự án nạo vét, chính trị khôi phục dòng chảy, kè kiên cố và xây dựng các đập dâng trên các sông, trục tiêu thoát lũ để tái sử dụng nước, cấp nước, tiêu thoát lũ và đảm bảo cảnh quan, môi trường trục tiêu thoát nước sông Tây Tịnh xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang; |
114 |
Ngân sách Trung ương, ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 1 |
7 |
Nạo vét khơi thông dòng chảy trên các hệ thống kênh tiêu, thoát lũ Cầu Mùn, xã Hoà Khương - Hoà Phong; cầu Hói, xã Hoà Phong; Bầu Thị - Sông Yên, xã Hoà Phong; đoạn khe suối Thôn 1, xã Hoà Ninh,... Kè kênh tiêu thoát lũ Giáng Nam 2, xã Hoà Phước (đoạn chợ mới 3 xã) đến sông Tứ Câu, các trục tiêu thoát nước xã Hòa Châu và Hòa Khương, huyện Hòa Vang; |
50 |
Ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 2 |
8 |
Dự án Nâng cấp, sửa chữa Cải tạo, sửa chữa 3 trạm bơm lớn An Trạch, Bích Bắc, Túy Loan và các trạm bơm nhỏ phục vụ tưới cho sản xuất nông nghiệp (18 trạm bơm). |
30 |
Ngân sách Trung ương, ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 2 |
9 |
Dự án Xây dựng hệ thống cấp nước, tưới tiên tiến tiết kiệm nước trong sản xuất nông - lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản. |
20 |
Ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 2 |
10 |
Xây dựng, nâng cấp các công trình kiểm soát, phòng mặn. |
30 |
Ngân sách Trung ương, ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 2 |
11 |
Đầu tư xây dựng đập sông Bắc hỗ trợ đập Nam Mỹ |
80 |
Ngân sách Trung ương, ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 2 |
III |
GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC BẢO VỆ RỪNG |
150 |
|
|
1 |
Xây dựng cơ sở hạ tầng bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. |
20 |
Ngân sách Trung ương, ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 1 |
2 |
Xây dựng mới trụ sở các đơn vị |
|
|
|
2.1 |
Ban Quản lý rừng đặc dụng; Bà Nà - Núi Chúa, Trạm Kiểm lâm Nam Hải Vân, Trạm Kiểm lâm cửa rừng Phú Túc |
7 |
Ngân sách Trung ương, ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 2 |
2.2 |
Hạt kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn |
3 |
Ưu tiên 1 |
|
3 |
Đầu tư thiết kế xây dựng đường ranh cản lửa. |
20 |
Ngân sách Trung ương, ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 2 |
4 |
Tăng cường công tác bảo vệ nghiêm ngặt từng Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà bằng biện pháp xây dựng thiết lập hàng rào tại các khu vực vùng lõi, vùng trọng điểm, dễ bị tác động, xâm hại dự kiến khoảng 50km. |
70 |
Ngân sách Trung ương, ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 2 |
5 |
Xây dựng hệ thống, mạng lưới cấp nước phục vụ phòng cháy chữa cháy rừng tại các khu vực có nguy cơ cháy cao. |
|
|
|
5.1 |
Giai đoạn 2026-2028 |
15 |
Ngân sách Trung ương, ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 1 |
5.2 |
Giai đoạn 2028-2030 |
15 |
Ưu tiên 2 |
|
IV |
GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG CHỐNG NGẬP VÙNG ĐÔ THỊ |
560 |
|
|
1 |
Xây dựng công trình phòng chống ngập đô thị cho thành phố |
|
|
|
1.1 |
Giai đoạn 2026-2028 |
300 |
Ngân sách Trung ương, ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 1 |
1.2 |
Giai đoạn 2028-2030 |
200 |
Ưu tiên 2 |
|
2 |
Dự án Nạo vét, khơi thông trục tiêu bàu An Ngãi xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang |
10 |
Ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 2 |
3 |
Dự án đê bao khu đô thị bị ảnh hưởng ngập lụt và thủy triều (với các hạng mục chính: đê bao với hình thức tường bao bê tông mỏng, thấp; hệ thống cống tiêu thoát và trạm bơm tiêu nước,..). |
|
|
|
3.1 |
Phía Đông và Nam của hai phường Hòa Cường Nam và Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu |
15 |
Ngân sách Trung ương, ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 1 |
3.2 |
Khu đô thị khu vực cửa sông Hàn (đường Như Nguyệt, Lê Văn Duyệt,...) |
15 |
Ưu tiên 1 |
|
4 |
Nghiên cứu giải pháp chống ngập tại khu vực thấp trũng, ngập sâu khu vực trung tâm tại các quận (Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Thanh Khê, Hải Châu...) |
20 |
Ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 1 |
V |
GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU VÙNG NGẬP LỤT KHU VỰC HẠ DU LƯU VỰC SÔNG VU GIA |
400 |
|
|
1 |
Dự án tăng khẩu độ thoát lũ qua Quốc lộ 1A từ Hòa Phước đến Cầu Đỏ |
50 |
Ngân sách Trung ương, ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 2 |
2 |
Dự án xây dựng cầu Đa Cô thay thế cho cống tăng khả năng thoát lũ, chống ngập khu vực Hòa Khánh Nam và Hòa Minh |
100 |
Ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 2 |
3 |
Dự án tăng khả năng thoát lũ sông Vĩnh Điện qua đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa |
100 |
Ngân sách Trung ương, ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 2 |
4 |
Dự án tăng khả năng thoát lũ sông Yên qua đường ADB5 Hòa Tiến - Hòa Phong, đường vành đai phía Nam Hòa Phước - Hòa Khương và cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Tăng khả năng thoát lũ và lũ quét sông Túy Loan qua hai đường vành đai phía Tây,... |
150 |
Ngân sách Trung ương, ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí khác |
Ưu tiên 1 |
PHỤ LỤC IV
TỔNG HỢP NHU CẦU DI DÂN VÙNG THIÊN TAI GIAI ĐOẠN 2022 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG
ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 187/QĐ-UBND ngày 01 tháng 02 năm 2023 của
UBND thành phố Đà Nẵng)
Triệu đồng
TT |
Tên dự án |
Địa điểm |
Khu tái định cư (dự kiến) |
Số hộ (hộ) |
Kinh phí tạm tính |
Thời gian thực hiện |
||
Tổng |
Trung ương |
Địa phương |
||||||
I |
HUYỆN HÒA VANG (1 + 2 + 3) |
654 |
191.649 |
|
|
|
||
1 |
Di dời khẩn cấp ở các vùng có nguy cơ sạt lở đất tại Hòa Sơn và Hòa Bắc |
Cốc xã: Hòa Bắc, Hòa Sơn. |
- Hòa Sơn: Khu tái định cư số 6. - Hòa Bắc: khu tái định cư Phò Nam (mở rộng); khu tái định cư Tà Lang - Giàn Bí (mở rộng); khu tái định cư Nam Yên. |
125 |
81.279 |
|
81.279 |
2022 - 2023 |
2 |
Di dời khẩn cấp ở các vùng có nguy cơ sạt lở đất tại Hòa Phú và Hòa Bắc |
Các xã: Hòa Phú, Hòa Bắc |
- Khu tái định cư trên địa bàn xã Hòa Phú; Hòa Bắc. |
62 |
96.750 |
|
96.750 |
2023 - 2025 |
3 |
Hỗ trợ ổn định phòng, chống thiên tai tại chỗ |
Các xã: Hòa Châu; Hòa Tiến; Hòa Phong; Hòa Khương; Hòa Phú; Hòa Nhơn; Hòa Liên; Hòa Bắc |
(3.1 +3.2+ 3.3) |
467 |
13.620 |
10.000 |
3.620 |
2022 - 2025 |
3.1 |
Hỗ trợ ổn định phòng, chống thiên tai tại chỗ năm 2023 |
Không có |
152 |
4.560 |
3.500 |
1.060 |
2023 |
|
3.2 |
Hỗ trợ ổn định phòng, chống thiên tai tại cho năm 2024 |
Các xã: Hòa Châu; Hòa Tiến; Hòa Phong; Hòa Khương; Hòa Phú; Hòa Nhơn; Hòa Liên; Hòa Bắc |
Không có |
165 |
4.560 |
3.500 |
1.060 |
2024 |
3.3 |
Hỗ trợ ổn định phòng, chống thiên tai tại chỗ năm 2025 |
150 |
4.500 |
3.000 |
1.500 |
2025 |
||
II |
QUẬN CẨM LỆ |
|
|
17 |
42.013 |
|
|
|
|
Dự án di dời dân phòng chống sạt lở khu vực xung quanh taluy Đài liệt tưởng niệm liệt sỹ Hòa Vang kết hợp công viên cây xanh (Phạm vi giữa chân taluy Đài liệt tưởng niệm Liệt sỹ Hòa Vang và Đường nối từ Hòa Thọ Tây đi Khu dân cư Phong Bắc) |
Phường Hòa Thọ Tây |
Chưa xác định |
17 |
42.013 |
- |
42.013 |
2023 - 2025 |
|
Tổng cộng (I + II) |
671 |
233.662 |
10.000 |
223.662 |
|
[1] Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, ADB5 Hòa Tiến - Hòa Phong, Vành đai phía nam Hòa Phước - Hòa Khương, Vành đai phía Tây,...
[2] Đề tài Đánh giá ảnh hưởng các tuyến giao thông hiện trạng (i) đường Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Chênh lệch mực nước thượng lưu và hạ lưu khi chưa có đường rất nhỏ, từ 0,05 đến 0,2 m là do độ dốc của địa hình; Sau khi có đường lớn hơn, từ 0,4 đến hơn 1m tùy từng vị trí; (ii) Đối với đường ADB5: Khi có đường ADB5 thì mực nước ở thượng và hạ lưu đường đều cao hơn khi chưa có đường, sau khi có đường mức độ tăng ờ thượng lưu lớn hơn cụ thể có vị trí tăng đến 1,5m, phía hạ lưu tăng ít hơn nhưng có nơi cùng tăng đến 0,5m. Chênh lệch giữa thượng và hạ lưu đường lên đến hơn 1m. Có thể thấy ảnh hưởng ngập lụt của tuyến đường này khá lớn; (iii) Đối với đường Hòa Phước - Hòa Khương: Khi có đường thì thượng và hạ lưu đường mực nước ngập lớn nhất đều cao hơn khi chưa có đường, Mức độ tăng cao hơn trường hợp chưa có đường khoảng 0,5 mét. Tuy nhiên chênh lệch mực nước thượng hạ lưu của đường này thay đổi không nhiều.
[3] Hệ thống thoát nước thành phố đảm bảo khả năng thoát nước khoảng từ 30-50 mm/01 giờ tùy theo từng vị trí và ảnh hưởng của triều, với cường độ trận mưa như ngày 14/10/2022 đúng thời điểm triều cường (đạt đỉnh 1,4 m vào lúc 23 giờ 00 ngày 14/10, lưu ý lũ tại Cẩm Lệ báo động I là 1,0 m, báo động II là 1,8m) thì hệ thống thoát nước của thành phố không thể đáp ứng được dẫn đến ngập sâu trên diện rộng.
[4] Theo thống kê đợt mưa từ 06 giờ 00 phút ngày 14/10/2022 đến 03 giờ 00 phút ngày 15/10 (trong 21 giờ) lớn nhất là 787 mm (Sơn Trà) đã vượt lượng mưa lịch sử năm 2018 (từ 19 giờ ngày 9/12 đến 19h ngày 10/12) là 635 mm đo được tại trạm Đà Nẵng và lũ đặc biệt lớn năm 1999, mưa ngày lớn nhất tại trạm Đà Nẵng là 592 mm; trong đó lượng mưa 01 giờ cao nhất là 165 mm và 03 giờ cao nhất là 417 mm (trạm Suối Đá - Sơn Trà) là vượt rất xa lượng mưa giờ lịch sử năm 2018, mưa 01 giờ cao nhất là 108,9mm (trạm Đà Nẵng); mưa 03 giờ cao nhất là 247 mm (trạm Đà Nẵng); lại xảy ra vào đúng thời điểm triều cường (đạt đỉnh 1,4 m vào lúc 23 giờ 00 ngày 14/10, lưu ý 10 tại Cẩm Lệ báo động I là 1,0 m, báo động II là 1,8m) với hạ tầng thoát nước hiện nay (khả năng thoát nước của các cống khoảng từ 30-50 mm/1 giờ tùy theo từng vị trí và ảnh hưởng của triều). Đây là lần thứ 2 trong vòng 4 năm đã xảy ra trận mưa cực đoan, sau trận mưa năm 2018, cho thấy mức độ mưa lớn ngày càng tăng và tần suất dày hơn.
[5] Mực nước tổng cộng bao gồm nước biển dâng, nước dâng do bão, thủy triều, do mưa lớn, nước sông đổ ra.
[6] Vùng biển ven bờ thành phố Đà Nẵng có chế độ nhật triều không đều với biên độ triều cao nhất là 90cm, thuộc nhóm biên độ triều thấp trong chế độ triều của Việt Nam. Độ cao thủy triều lớn nhất thường xuất hiện từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau.
[7] Chú ý các khu vực đồi núi tại huyện Hoà Vang (các xã Hoà Sơn, Hoà Phú, Hoà Bắc, Hoà Liên, Hoà Ninh, đường lên đỉnh Bà Nà...), đường ĐT 601, đường QL 14G, bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang), Nam Hải Vân (phường Hoà Hiệp Bắc).
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.