ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1841/QĐ-UBND |
Vĩnh Long, ngày 13 tháng 7 năm 2021 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định 3781/QĐ- BYT ngày 28/8/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành “kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2020-2025”;
Theo đề nghị tại Tờ trình số 2079/TTr-SYT ngày 28/6/2021 của Giám đốc Sở Y tế.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch hành động về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2021-2025 tỉnh Vĩnh Long (Kèm theo Kế hoạch số 2022/KH-SYT ngày 25/6/2021 của Giám đốc Sở Y tế).
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Y tế triển khai thực hiện Kế hoạch theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
UBND TỈNH VĨNH
LONG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2022/KH-SYT |
Vĩnh Long, ngày 25 tháng 6 năm 2021 |
Sức khỏe sinh sản (SKSS) và sức khỏe tình dục (SKTD) là những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định tới sự phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần của vị thành niên, thanh niên (VTN, TN). Đầu tư cho chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục là đầu tư cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Trong đó chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho phụ nữ, trẻ em gái luôn là ưu tiên cùng với việc giáo dục, phát triển nghề nghiệp, tạo cơ hội việc làm, xóa bỏ các hình thức đối xử bất công với phụ nữ, đặc biệt là trẻ em gái… Việc tổ chức mạng lưới cung cấp dịch vụ có chất lượng, phù hợp với nhóm tuổi, văn hóa của mỗi tỉnh, đặc biệt là việc giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục toàn diện bao gồm cả kỹ năng sống và sự tham gia của vị thành niên, thanh niên trong toàn bộ quá trình xây dựng chính sách, tổ chức thực hiện, theo dõi giám sát, đánh giá như là những yêu cầu ưu tiên đối với sức khỏe và sự phát triển của vị thành niên, thanh niên.
Mặc dù tỉnh Vĩnh Long đạt được những thành công nhất định trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên nhưng vẫn còn một số bất cập như kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của vị thành niên, thanh niên còn hạn chế; giáo dục về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục chưa tiếp cận được ở diện rộng; việc cung cấp thông tin, dịch vụ thân thiện về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của vị thành niên, thanh niên. Tình trạng quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn, nguy cơ lây nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục…của vị thành niên, thanh niên vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3781/QĐ-BYT ngày 28/8/2020 về việc ban hành “Kế hoạch hành động về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2020-2025”. Vì vậy, Sở Y tế xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Vĩnh Long được xây dựng nhằm đưa ra các giải pháp giải quyết những bất cập nêu trên.
Theo Quyết định số 3781/QĐ- BYT ngày 28/8/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2020-2025”.
Một số khái niệm được định nghĩa như sau:
Vị thành niên: theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới, lứa tuổi vị thành niên là từ 10-19 tuổi, và thường được chia ra làm 3 giai đoạn: VTN sớm (10-13 tuổi), VTN giữa (14-16 tuổi), và VTN muộn (17-19 tuổi).
Thanh niên: theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới, lứa tuổi thanh niên nằm trong khoảng 15-24 tuổi. Theo quy định của Luật Thanh niên Việt Nam, thanh niên là công dân từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi. Kế hoạch hành động này sử dụng kết hợp khái niệm thanh niên của Liên hợp quốc và Việt Nam với nhóm đối tượng ưu tiên là những thanh niên trong độ tuổi từ 15-24, nhóm người trẻ dưới 30 tuổi chưa hoặc đã kết hôn và là lao động tại các khu công nghiệp.
Sức khỏe sinh sản: là trạng thái hoàn toàn thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội mà không chỉ đơn thuần là không có bệnh tật hay ốm đau liên quan đến hệ thống sinh sản. SKSS do đó ngụ ý rằng mọi người có thể có một cuộc sống tình dục hài lòng và an toàn; họ có khả năng sinh sản và tự quyết định về thời điểm sinh sản.
Sức khỏe tình dục: là trạng thái hoàn toàn thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội mà không chỉ đơn thuần là không có bệnh tật hay rối loạn chức năng liên quan đến tình dục. Nó đòi hỏi một cách tiếp cận tích cực và tôn trọng đối với tình dục và các mối quan hệ tình dục, cũng như khả năng có những trải nghiệm tình dục hài lòng và an toàn, không bị ép buộc, phân biệt đối xử và bạo lực.
Dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN: hiện nay chưa có định nghĩa chính thức nào về các dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN. Thông thường, các dịch vụ này bao gồm: tư vấn/giáo dục, dự phòng và điều trị (lâm sàng và cận lâm sàng). Có nhiều cách phân loại, nhưng nhìn chung các dịch vụ thông thường bao gồm:
- Thông tin, giáo dục, và truyền thông; tư vấn (về những thay đổi thể chất và tâm lý trong lứa tuổi VTN, vấn đề tình dục, phòng tránh HIV, dự phòng các vấn đề SKSS, SKTD).
- Tư vấn về các vấn đề SKSS, SKTD cho VTN, TN.
- Chăm sóc trước sinh và sau sinh cho VTN, TN.
- Phá thai an toàn và dịch vụ sau phá thai cho VTN, TN.
- Dự phòng và điều trị BLTQĐTD, bao gồm HIV/AIDS.
- Dự phòng, điều trị và theo dõi bạo lực thể chất, tâm lý, tình dục, bạo lực trên cơ sở giới.
Giáo dục SKSS, SKTD toàn diện (CSE) phù hợp với lứa tuổi: đây là một cách tiếp cận phù hợp với văn hóa ở Việt Nam đối với lứa tuổi VTN, TN để nâng cao nhận thức, kỹ năng sống, cải thiện hành vi SKSS, SKTD và các mối quan hệ thông qua việc cung cấp các thông tin chính xác về mặt khoa học, thực tế và không phán xét. Giáo dục SKSS, SKTD trao cơ hội để VTN, TN khám phá các giá trị và thái độ của bản thân mình cũng như trang bị các kỹ năng sống (giao tiếp, ra quyết định, thương thuyết…) nhằm giảm nguy cơ ở nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề SKSS, SKTD.
Dịch vụ thân thiện với VTN, TN: các dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD được cung cấp đáp ứng các nhu cầu cụ thể, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi và mong muốn của VTN, TN. Các dịch vụ này được cung cấp đảm bảo tính thân thiện, riêng tư và không phán xét.
Bình đẳng và công bằng giới: bình đẳng giới trong y tế có nghĩa là phụ nữ và nam giới, trong suốt cuộc đời và với những đặc điểm đa dạng vốn có, họ đều cần có cùng điều kiện và cơ hội để được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng, được thực hiện đầy đủ các quyền và tiềm năng để được khỏe mạnh. Đạt được bình đẳng giới trong sức khỏe thường đòi hỏi các biện pháp cụ thể nhằm giảm thiểu các rào cản. Công bằng giới chỉ những cơ hội công bằng để mọi người đạt được tiềm năng sức khỏe đầy đủ cho dù họ có những đặc điểm nhân khẩu học, xã hội, kinh tế hay địa lý khác nhau.
Nhạy cảm về giới trong các dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD: là cách người cung cấp dịch vụ đối xử với khách hàng nam hoặc nữ trong các cơ sở cung cấp dịch vụ và do đó ảnh hưởng đến việc khách hàng tìm kiếm và tiếp tục sử dụng dịch vụ, và thực hiện các hành vi sức khỏe. Đây cũng có thể coi là một chỉ số đo lường chất lượng của một dịch vụ (ví dụ: trong dịch vụ KHHGĐ, các phương pháp dành cho nam cũng như nữ đều được cung cấp).
Vĩnh Long là tỉnh thuộc hạ lưu sông Mê Kông, nằm giữa sông Tiền, sông Hậu và ở trung tâm khu vực ĐBSCL, phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Tiền Giang và Bến Tre; Phía Đông Nam giáp tỉnh Trà Vinh; Phía Tây Nam giáp tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ; Phía Tây Bắc giáp tỉnh Đồng Tháp. Tỉnh Vĩnh Long có 08 đơn vị hành
chính, gồm 06 huyện (Bình Tân, Long Hồ, Mang Thít, Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm); thị xã Bình Minh và thành phố Vĩnh Long với với 107 xã, phường, thị trấn (87 xã, 06 thị trấn và 14 phường).
Tổng diện tích tự nhiên 152.573,3 ha. Đa phần người dân sống nghề thuần nông. Phân tích số liệu tổng điều tra dân số 2019 của tỉnh cho thấy: Nhóm VTN/TN chiếm 18.5% dân số toàn tỉnh, chia ra các nhóm tuổi như sau:
Nhóm tuổi |
Số lượng |
Tỷ lệ % so với dân số |
|||
Nam |
Nữ |
Tổng số |
Nam |
Nữ |
|
10-14 |
37.387 |
35.385 |
72.772 |
51,4 |
48,6 |
15-19 |
34.876 |
31.192 |
66.068 |
52,8 |
47.2 |
20 - 24 |
27.118 |
23.412 |
50.530 |
53,6 |
46,6 |
Tuổi trẻ Vĩnh Long luôn phát huy truyền thống của quê hương, ham học hỏi, có ý chí vươn lên, nhiệt tình, sáng tạo, năng động trong học tập và công tác, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới của quê hương, đất nước. Tuy nhiên, thanh niên Vĩnh Long cũng mang những đặc điểm chung của thanh niên Việt Nam, đó là nhận thức và kỹ năng sống còn hạn chế, cộng với những thay đổi về tâm sinh lý và mặt trái của cơ chế thị trường nên rất dễ bị lôi kéo, kích động, có nguy cơ cao đối với những vấn đề liên quan đến lối sống như: Sử dụng chất ma túy, lang thang, ham mê điện tử, bê trễ học hành hay những vấn đề về sức khỏe sinh sản (Mang thai và sinh đẻ sớm, phá thai không an toàn, nhiễm khuẩn đường sinh sản và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV…).
1. Vấn đề giáo dục và lao động, bạo hành tình dục của VTN - TN
Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo thì số học sinh bỏ học năm 2020:
- Trung học cơ sở: 499 em/tổng số 59.144 em, chiếm 0,84%
- Trung học phổ thông: 263 em/ tổng số 30.031 em, chiếm 0,87%
Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Từ năm 2016 đến 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 123 vụ với 124 đối tượng xâm hại trẻ em, gồm: Hiếp dâm người dưới 16 tuổi 32 vụ, 33 đối tượng; giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi 78 vụ, 78 đối tượng; cưỡng dâm: 01 vụ; dâm ô với người dưới 16 tuổi 11 vụ, 11 đối tượng; sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm: 01 vụ. Thủ đoạn chủ yếu là đối tượng và các em đã có quan hệ tình cảm nam nữ từ trước, thiếu sự hiểu biết, thiếu sự quản lý của gia đình nên bị xâm hại; một số trường hợp đối tượng lợi dụng người lớn không có nhà, các em ở nhà một mình để thực hiện hành vi phạm tội. Hiện toàn tỉnh có 559 trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trong đó có 37 em được nuôi dưỡng tại Trung tâm công tác bảo trợ xã hội. Trong năm 2020 tỉnh Vĩnh Long không có trẻ em bị bạo lực.
2. Vị thành niên - thanh niên với vấn đề vi phạm pháp luật, nghiện chích ma túy và tai nạn thương tích
Từ năm 2016 đến 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2.143 vụ, có 2.162 đối tượng (trẻ em dưới 16 tuổi) có liên quan đến vi phạm pháp luật. Tất cả các vụ đều được cơ quan chức năng đưa ra điều tra, xử lý theo qui định (trong đó năm 2020 số trẻ em vi phạm pháp luật là 275 vụ với 278 đối tượng; Tai nạn thương tích trẻ em độ tuổi dưới 16 là 428 trẻ, chiếm 0,2% trên tổng số trẻ em trên địa bàn tỉnh).
3. Vấn đề mang thai, sinh đẻ ở vị thành niên - thanh niên
Vấn đề mang thai ở tuổi VTN/TN đang có chiều hướng gia tăng và là vấn đề đáng lo ngại. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, năm 2020 toàn tỉnh có 110 trường hợp VTN/TN mang thai.
4. Vị thành niên - thanh niên với vấn đề nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS
Theo số liệu của Khoa Phòng chống HIV/AIDS, tại Vĩnh Long, lây nhiễm HIV chủ yếu qua đường tiêm chích ma túy. Tình hình nhiễm HIV/AIDS năm 2020 là 144 trường hợp trong độ tuổi VTN/TN tổng số 46. Trường hợp nhiễm HIV/AIDS chiếm 31,9%; đây là một tỷ lệ khá cao.
5. Sức khỏe tâm thần vị thành niên - thanh niên
Hiện nay tình trạng VTN/TN bị căng thẳng tâm lý, trầm cảm, rối loạn tâm thần...do áp lực học tập, do hoàn cảnh gia đình, do mặt trái của cơ chế thị trường, do những thay đổi tâm sinh lý ở tuổi dậy thì dẫn đến tự tử, gây thương tích cho mình và cho người khác có xu hướng ngày càng gia tăng.
Theo số liệu từ Bệnh viện Tâm thần của tỉnh, năm 2020 có 1.322 lượt VTN/TN đến khám và điều trị bệnh tâm thần trong tổng số 28.977 lượt bệnh nhân đến khám, chiếm 4.56%, đây là con số đáng quan tâm.
6. Hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS
Hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS được kiện toàn từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Song cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu, nhất là tại tuyến xã; kiến thức, kỹ năng tư vấn, cung cấp dịch vụ thân thiện đối với VTN/TN của cán bộ y tế còn rất hạn chế. Hiện nay, mới chỉ có Khoa SKSS có góc tư vấn thân thiện về SKSS đối với VTN/TN.
2.1. Chủ trương, chính sách, chuyên môn kỹ thuật
- Trên thực tế, mặc dù việc giáo dục, tuyên truyền về sức khỏe sinh sản đã có sự cải thiện đáng kể so với trước đây nhưng cụm từ “CSSKSS” dường như còn khá xa lạ với các đối tượng tiền hôn nhân, trong đó có trẻ vị thành niên. Ở lứa tuổi này, sự hiểu biết về SKSS vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế: các bậc phụ huynh còn khá dè dặt trong việc trao đổi với con em mình về SKSS; trong khi đó, chương trình học phổ thông tuy đã có các buổi giáo dục giới tính và CSSKSS, song việc giáo dục này mới chỉ mang tính phong trào.
- Nội dung một số chính sách về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thanh niên, thanh niên tuy đã được đề cập đến nhiều, nhưng triển khai chưa đồng bộ trong nhà trường, khu công nghiệp; chưa đến gần đối tượng do thiếu hướng dẫn cung cấp dịch vụ phù hợp cho nhóm vị thanh niên, thanh niên đặc thù trong nhóm dân tộc thiểu số, người khuyết tật….
- Một số ban ngành, các đoàn thể nhận thức chưa đầy đủ tầm quan trọng, nên công tác quan tâm lãnh chỉ đạo đến công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục trong vị thành niên, thanh niên còn hạn chế.
2. Kinh phí
Thiếu kinh phí triển khai, thiếu giáo trình chuẩn khiến việc giáo dục giới tính và CSSKSS gặp nhiều hạn chế, còn quá nhiều trẻ vị thành niên, thanh niên thiếu hiểu biết các kiến thức về sinh sản đã khiến cho tình trạng mang thai ở lứa tuổi vị thành niên đang ngày một tăng. Thực trạng nói trên cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nạo phá thai vị thành niên ở nước ta nói chung và ở tỉnh ta nói riêng tăng nhanh trong những năm gần đây.
3. Cung cấp dịch vụ
Hoạt động truyền thông cung cấp thông tin chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục ngoài cộng đồng còn ít, tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa triển khai được. Việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thanh niên, thanh niên chủ yếu lồng ghép với hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản của các đơn vị, các tuyến có Khoa Sản hoặc Khoa SKSS.
4. Văn hóa- xã hội
Chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thanh niên, thanh niên là một chủ đề nhạy cảm, tâm lý ngại ngùng trước các vấn đề được xem là tế nhị, chưa có ý thức và thói quen chủ động "phòng bệnh hơn chữa bệnh" nên đang là thách thức, khó khăn trong việc tiếp cận, cung cấp và sử dụng dịch vụ sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thanh niên, thanh niên trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN giai đoạn 2021-2025 tỉnh Vĩnh Long được xây dựng dựa trên các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam từ Luật, Nghị định, Chiến lược của Chính phủ đến các Thông tư và Hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế cũng như các Bộ/Ngành liên quan, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Vĩnh Long, cụ thể:
- Luật Thanh niên số 57/2020/QH14 ngày 16/6/2020.
- Luật Trẻ em năm 2016.
- Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khoá XII về công tác Bảo vệ, Chăm sóc và Nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
- Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp
hành Trung ương khoá XII về công tác dân số trong tình hình mới.
- Nghị định số 120/2007/NĐ-CP ngày 23/7/2007 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh niên và Nghị định số 78/2017/NĐ-CP ngày 03/07/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2007/NĐ-CP .
- Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
- Quyết định số 4128/QĐ-BYT ngày 29/7/2016 phê duyệt tài liệu Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.
- Quyết định số 3781/QĐ-BYT ngày 28/8/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2020-2025”.
- Tuyên bố Nairobi 2019 của Liên Hiệp quốc 25 năm sau Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển: thúc đẩy sự cam kết của các Quốc gia trong việc thực hiện Chương trình hành động của ICPD cũng như thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững SDGs vào năm 2030.
- Quyết định số 1624/QĐ-BYT ngày 06/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế Ban hành Chương trình hành động của Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
- Kế hoạch số 19/KH-UBND ngày 16/5/2018 của UBND tỉnh Vĩnh Long Thực hiện Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày 02/01/2018 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
- Kế hoạch số 1187/KH-SYT ngày 11/6/2018 của Sở Y tế, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
2. Một số định hướng ưu tiên giai đoạn 2021 - 2025
2.1. Tăng cường nhận thức của các cấp chính quyền và nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng, bao gồm cả phụ huynh, thầy cô giáo, lãnh đạo doanh nghiệp và các cán bộ y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN.
2.2. Xây dựng chính sách, kế hoạch can thiệp cần dựa trên các bằng chứng khoa học thu được từ các cuộc điều tra, khảo sát và nghiên cứu khoa học. Tập trung các nhóm đối tượng ưu tiên: VTN lứa tuổi 10-14 tuổi; VTN, TN lứa tuổi 15-24 tuổi chưa kết hôn; VTN, TN khuyết tật; người di cư, lao động trẻ tại các khu công nghiệp và VTN, TN dân tộc thiểu số. Lựa chọn các can thiệp phù hợp với các điều kiện tự nhiên và xã hội, tôn trọng yếu tố văn hóa, tâm lý, phong tục, tập quán; huy động tối đa sự tham gia của người dân và cộng đồng trong việc triển khai công tác truyền thông và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN.
2.3. Đẩy mạnh sự tham gia tích cực, chủ động và có ý nghĩa của VTN, TN (trao quyền) trong xây dựng chính sách, chương trình, kế hoạch can thiệp, triển khai thực hiện và theo dõi, giám sát, đánh giá về cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD (Sáng kiến thanh niên làm chủ: tự thiết kế, tự thực hiện, tự đánh giá).
2.4. Đi đôi với việc tăng cường tính sẵn có và chất lượng của mạng lưới cung cấp dịch vụ, cần tăng cường mức độ sử dụng dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD của VTN, TN thông qua việc truyền thông, giáo dục sức khỏe, chú trọng giáo dục SKSS, SKTD toàn diện cho VTN, TN; hạn chế những rào cản, khó khăn khi tiếp cận đến dịch vụ CSSKSS, SKTD cho VTN, TN.
2.5. Gắn kết chặt chẽ các chương trình/dự án can thiệp về SKSS, SKTD với bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới trong nhóm VTN, TN, các chương trình y tế liên quan như chương trình DS-KHHGĐ, HIV/AIDS, … và các chương trình phát triển kinh tế-xã hội khác.
2.6. Tiếp tục củng cố hệ thống thông tin về SKSS, SKTD cho VTN, TN, trong đó bao gồm cả những thông tin từ hệ thống y tế trong và ngoài công lập, nâng cao chất lượng thu thập, báo cáo và sử dụng thông tin dữ liệu phục vụ cho công tác lập kế hoạch dựa trên bằng chứng và công tác tuyên truyền vận động chính sách, nguồn lực, cho các mục tiêu về SKSS, SKTD cho VTN, TN.
3.1. Mục tiêu
3.1.1. Mục tiêu chung
Cải thiện tình trạng SKSS, SKTD của VTN, TN; góp phần đưa VTN, TN trở thành một lực lượng lao động khỏe mạnh, phát huy hết tiềm năng để đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, hướng tới đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững.
3.1.2. Mục tiêu cụ thể
Mục tiêu cụ thể 1: Truyền thông vận động các nhà hoạch định chính sách và một số bên liên quan nhằm tạo môi trường thuận lợi cho chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN dựa trên bằng chứng.
Chỉ tiêu:
- 100% cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể các cấp từ xã, phường, thị trấn đến cấp tỉnh đưa công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của VTN/TN vào Nghị quyết, kế hoạch hàng năm của địa phương, đơn vị.
- 70% cha mẹ và thầy giáo, cô giáo bậc trung học được cung cấp thông tin và hỗ trợ cải thiện việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe VTN/TN.
Mục tiêu cụ thể 2: Tiếp tục nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về chăm sóc SKSS, SKTD của VTN, TN và các đối tượng liên quan (cha mẹ, thầy cô, cán bộ Đoàn thanh niên...) thông qua các hoạt động truyền thông, giáo dục và tư vấn phù hợp với đặc thù của các đối tượng, ưu tiên trong trường học, khu công nghiệp, khu chế xuất và một số nhóm đối tượng thiệt thòi.
Chỉ tiêu:
- 70% VTN/TN hiểu biết về thời điểm dễ thụ thai và biết về các biện pháp tránh thai.
- 70% VTN/TN ở khu vực thành thị, đồng bằng và 60% VTN/TN ở vùng sâu, vùng xa biết cách giữ gìn vệ sinh đường sinh sản, vệ sinh kinh nguyệt, phòng tránh nhiễm khuẩn đường sinh sản.
- 80% VTN/TN hiểu rõ các đường lây truyền HIV và cách phòng tránh; 70% VTN/TN hiểu biết một số hành vi nguy cơ cho sức khỏe như sử dụng chất gây nghiện, rượu, bia, thuốc lá...).
- 70% VTN/TN biết và có thể tiếp cận nơi cung cấp dịch vụ và tư vấn chuyên môn y tế cho những vấn đề về chăm sóc SKSS, tâm lý, tình cảm.
Mục tiêu cụ thể 3: Tăng cường tiếp cận và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD thân thiện cho VTN, TN.
Chỉ tiêu:
- 90% cơ sở chăm sóc SKSS thực hiện thông tin, giáo dục, tư vấn về SKSS cho VTN/TN
- 100% cán bộ cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS tuyến tỉnh, huyện được đào tạo về cung cấp dịch vụ thân thiện cho VTN/TN.
- 100% điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS có tài liệu hướng dẫn triển khai dịch vụ thân thiện với TN/TN.
3.2. Đối tượng can thiệp
- Vị thành niên và thanh niên, trong đó bao gồm các nhóm đối tượng ưu tiên sau: nhóm VTN trong độ tuổi từ 10 đến 14 tuổi; nhóm VTN, TN chưa kết hôn; nhóm VTN, TN khuyết tật; nhóm VTN, TN di cư; nhóm VTN, TN là người dân tộc thiểu số; nhóm thanh niên kể cả người trẻ dưới 30 tuổi lao động tại các khu công nghiệp; nhóm đồng giới (đặc biệt là đồng giới nam).
- Nhân viên y tế tại các cơ sở chăm sóc SKSS.
- Cha mẹ, thầy cô giáo, cán bộ Đoàn thanh niên.
3.3. Các giải pháp và hoạt động
3.3.1. Nhóm giải pháp tăng cường truyền thông vận động chính sách và truyền thông thay đổi hành vi
Các hoạt động về truyền thông vận động chính sách:
- Đẩy mạnh truyền thông vận động về tầm quan trọng của SKSS, SKTD đối với VTN, TN cho các Lãnh đạo Sở, ban ngành đoàn thể có liên quan.
- Huy động các Ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan truyền thông đại chúng tham gia vào vận động chính sách, nguồn lực và tạo môi trường xã hội thuận lợi cho công tác chăm sóc SKSS, SKTD của VTN, TN.
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, rà soát, cập nhật và triển khai Chương trình giáo dục SKSS/SKTD toàn diện bao gồm cả giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông và sinh viên đại học toàn tỉnh.
- Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan/phương tiện thông tin đại chúng để cải tiến phương pháp, nội dung truyền thông về sự cần thiết và nhu cầu chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN.
Các hoạt động về truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức/thái độ, thay đổi hành vi:
- Phối hợp các ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức các hoạt động truyền thông với nhiều hình thức phù hợp, nội dung chủ yếu về chăm sóc SKSS; tình bạn, tình yêu, tình dục an toàn và lành mạnh, phòng có thai ngoài ý muốn, phòng tránh HIV, tai nạn thương tích, ngăn chặn sử dụng chất gây nghiện, tác dụng của phim ảnh đồi trụy....
- Truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng: Xây dựng chuyên mục, bài viết, phóng sự ...về VTN/TN trên Báo Vĩnh Long, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; Đài Truyền thanh - Truyền hình tuyến huyện, hệ thống truyền thanh cơ sở.
- Truyền thông trong trường học: Từng bước đưa giáo dục giới tính, giáo dục kỹ năng sống vào các buổi học ngoại khóa, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, góc tư vấn về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục với nội dung phù hợp từng bậc học, ít nhất đến năm 2025 mỗi năm các em có 2 buổi ngoại khóa về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục.
- Truyền thông tại cộng đồng: Thông qua các hoạt động đoàn thể (Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên) cung cấp thông tin, nâng cao hiểu biết và thay đổi hành vi về SKSS, tâm sinh lý VTN/TN cho các đoàn viên, hội viên, nhất là các bậc cha mẹ.
- Tăng cường kỹ năng truyền thông, tư vấn cho nhân viên y tế về chăm sóc SKSS cho VTN/TN.
- Cung cấp số điện thoại đường dây nóng để các em liên hệ khi cần tư vấn, giúp đỡ.
- Đào tạo kỹ năng tư vấn và truyền thông trực tiếp cho đội ngũ người cung cấp dịch vụ ở các tuyến và truyền thông viên tại cộng đồng. Kết hợp giữa truyền thông tại cộng đồng và truyền thông tại các cơ sở cung cấp dịch vụ.
3.3.2. Nhóm giải pháp tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý, hoàn thiện cơ chế chính sách có liên quan đến chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN:
- Nâng cao sự hiểu biết của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các Sở, ban, ngành liên quan, cha mẹ, thầy cô giáo về những thách thức của việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của VTN/TN, phát triển các hoạt động xã hội, các hình thức giáo dục đối với VTN/TN.
- Đẩy mạnh huy động sự tham gia của cộng đồng, xã hội trong công tác tuyên truyền vận động, tạo sự ủng hộ đối với việc triển khai thực hiện kế hoạch hành động về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của VTN/TN trên địa bàn.
- Cung cấp thông tin và kỹ năng truyền tải thông tin về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của VTN/TN cho cán bộ lãnh các cấp ủy Đảng, chính quyền, các Sở, ban, ngành, đoàn thể và các bậc cha mẹ.
- Phát huy vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng (người cao tuổi, các vị chức sắc tôn giáo...) trong việc giáo dục lối sống lành mạnh cho VTN/TN.
- Tạo môi trường thuận lợi tiếp cận dịch vụ thân thiện cho VTV/TN bằng việc triển khai các mô hình tư vấn ngay trong môi trường sống, làm việc, học tập hàng ngày cho VTN/TN, không có thái độ kỳ thị, thiếu tôn trọng khi các em có nhu cầu được tư vấn, cung cấp dịch vụ về chăm sóc SKSS.
- Nâng cao yếu tố bảo vệ, giảm yếu tố nguy cơ môi trường bằng cách thực hiện xây dựng gia đình văn hóa ở khu dân cư, cam kết giáo dục con không nghiện hút ma túy, không hút thuốc lá, uống rượu bia, cờ bạc; không đua xe trái phép, cá độ bóng đá..., cha mẹ sống mẫu mực, làm gương cho con cái.
- Khuyến khích các hình thức giáo dục đồng đẳng như nhóm bạn, góc thân thiện tại trường học, nhà văn hóa, các điểm vui chơi hoặc thành lập các câu lạc bộ...để VTN/TN tham gia sinh hoạt, trao đổi.
3.3.3. Nhóm giải pháp đảm bảo tài chính, đổi mới phương thức chi trả nhằm tăng khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN
- Vận dụng nguồn ngân sách nhà nước bao gồm cả kinh phí trung ương và địa phương cho chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN.
- Vận động chính sách, nguồn lực và tạo môi trường xã hội thuận lợi để chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN, trong đó đưa hoạt động tư vấn SKSS, SKTD cho VTN, TN vào gói dịch vụ được chi trả.
- Vận động các tổ chức chính trị xã hội, các nhà tài trợ, hỗ trợ nguồn lực và kỹ thuật để chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN.
3.3.4. Nhóm giải pháp đảm bảo nguồn nhân lực chuyên ngành và nâng cao năng lực chuyên môn SKSS, SKTD của VTN, TN cho y tế các tuyến
- Biên soạn/cập nhật Bộ tài liệu đào tạo chăm sóc SKSS, SKTD đối với VTN, TN có lồng ghép các nội dung về giới, bạo lực giới và phòng chống bạo lực giới, hướng đến cung cấp dịch vụ thân thiện dựa trên các thực hành tốt trong nước và quốc tế khuyến nghị.
- Tổ chức đào tạo liên tục nhằm nâng cao năng lực cho nhân viên y tế đang làm công tác chăm sóc SKSS, SKTD đối với VTN, TN.
- Tổ chức đào tạo tại chỗ, đào tạo theo nhu cầu, chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên cho tuyến dưới theo phương pháp cầm tay chỉ việc về nội dung chăm sóc SKSS, SKTD đối với VTN, TN.
3.3.5. Nhóm giải pháp về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc thiết yếu, khoa học, công nghệ
- Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chăm sóc SKSS, SKTD hướng tới dịch vụ thân thiện có chất lượng cho VTN, TN tại các tuyến.
- Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ mới, phù hợp trong chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN, đồng thời đánh giá các mô hình, giải pháp can thiệp nhằm rút kinh nghiệm cho việc nhân rộng.
3.3.6. Nhóm giải pháp nhằm nâng cao tính sẵn có và chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN
- Phổ biến và rà soát cập nhật các tài liệu, hướng dẫn chuyên môn như Hướng dẫn cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD thân thiện với VTN, TN; giáo dục SKSS, SKTD toàn diện cho VTN, TN, lưu ý tới các nhóm đối tượng ưu tiên.
- Đẩy mạnh sự tham gia của VTN, TN trong xây dựng, triển khai, theo dõi Giám sát - đánh giá các mô hình điểm về cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN.
- Tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD thân thiện với VTN, TN, ưu tiên các nhóm đối tượng ưu tiên.
- Mở rộng áp dụng các cách tiếp cận mới trong cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN thông qua các dự án cộng đồng (như phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, khởi nghiệp/hỗ trợ sinh kế, sức khỏe cộng đồng, .v.v.), các ứng dụng công nghệ thông tin/trí tuệ nhân tạo, .v.v. nhằm tăng cường tiếp cận thông tin và sử dụng dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD ở VTN, TN; nâng cao chất lượng thông tin/dịch vụ và cải thiện sự hài lòng của người sử dụng dịch vụ.
- Đẩy mạnh thực hiện liên kết trong cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN trên cơ sở huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội từ ngân sách nhà nước, cơ sở y tế tư nhân, các tổ chức phi chính phủ/phi lợi nhuận và các nguồn lực hợp pháp khác.
3.3.7. Nhóm giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và cải thiện chất lượng báo cáo thống kê y tế.
- Áp dụng bộ chỉ số, công cụ theo dõi, đánh giá về chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN theo các nhóm: độ tuổi, dân tộc, khu vực, trình độ học vấn, kinh tế …và lồng ghép vào hệ thống thống kê báo cáo cũng như cơ sở dữ liệu về sức khỏe sinh sản; huấn luyện/đào tạo cho đội ngũ làm công tác thống kê, báo cáo nhằm nâng cao chất lượng báo cáo.
- Cải thiện quy trình quản lý thông tin về SKSS, SKTD cho VTN, TN (bao gồm: thu thập, phân tích, lưu trữ thông tin) trên nền tảng hệ thống thống kê báo cáo và cơ sở dữ liệu về sức khỏe sinh sản hiện có.
- Tăng cường thu thập, phân tích dữ liệu và sử dụng các các thông tin đã phân tích theo độ tuổi, giới, trình độ, nơi học tập/làm việc, tôn giáo, vùng địa lý và loại hình dịch vụ liên quan tới SKSS, SKTD của VTN, TN.
3.4. Kết quả và đầu ra mong đợi
3.4.1. Các hoạt động vận động chính sách, truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức, thái độ và thay đổi hành vi được triển khai có hiệu quả
- Tổ chức được 1 - 2 đợt truyền thông vận động/năm về tầm quan trọng và sự cần thiết của chương trình chăm sóc SKSS, SKTD đối với VTN, TN cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo và các đại biểu dân cử.
- Các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia vào vận động chính sách, nguồn lực và môi trường xã hội thuận lợi cho chăm sóc SKSS, SKTD đối với VTN, TN.
- Các tài liệu truyền thông (tờ rơi, áp phích, tranh lật, tranh ảnh…) được nhân bản và cung cấp tới các đối tượng VTN, TN, phụ huynh, thầy cô giáo, cán bộ y tế.
- Các video clip được nhân bản và phát trên các phương tiện truyền thông đại chúng: truyền hình, truyền thanh.
- Số lượng truy cập của khách hàng tới các trang thông tin phục vụ chương trình chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN.
- Số lượng tin nhắn (trực tuyến, điện thoại, .v.v.) được phát triển cho các đối tượng VTN, TN, phụ huynh, thầy cô giáo, cán bộ y tế.
3.4.2. Năng lực và hiệu quả quản lý, cơ chế chính sách có liên quan đến chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN được cải thiện.
- Đề án cấp tỉnh về chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN được xây dựng và ban hành.
- Kế hoạch hành động/Đề án cấp tỉnh về chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN được xây dựng và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Các văn bản quy phạm pháp luật, các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN và tổ chức triển khai.
- Tổ chức các hội thảo chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và phối hợp hành động triển khai các mô hình can thiệp hiệu quả.
3.4.3. Tài chính cho chăm sóc SKSS, SKTD đối với VTN, TN được đảm bảo
Đề xuất bố trí ngân sách để triển khai Kế hoạch hành động/Đề án về chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN của địa phương giai đoạn 2021-2025 theo đúng các quy định pháp luật hiện hành (ngân sách nhà nước, ngân sách vận động từ các tổ chức, các nhà tài trợ trong nước, quốc tế và các nguồn hợp pháp khác).
3.4.4. Có đủ nhân lực được đào tạo phục vụ cho chương trình chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN.
- Khảo sát nhu cầu đào tạo nhân lực phục vụ cho chương trình chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN được thực hiện vào đầu kỳ, giữa kỳ, cuối kỳ trong giai đoạn 2021-2025.
- Các chương trình, tài liệu đào tạo liên tục về chăm sóc SKSS, SKTD đối với VTN, TN được rà soát, cập nhật, chuẩn hóa.
- Đào tạo lại bổ sung đội ngũ cán bộ về cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD thân thiện cho VTN, TN
3.4.5. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, khoa học và công nghệ được nâng cấp, trang bị đủ để triển khai chương trình chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN.
- Các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên được đầu tư, nâng cấp để tổ chức phòng khám riêng hoặc lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD thân thiện với VTN, TN.
- Công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và ứng dụng công nghệ mới và hợp tác quốc tế trong chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN được triển khai có hiệu quả, đồng thời đánh giá hiệu quả của các mô hình can thiệp, tiến đến nhân rộng mô hình.
3.4.6. Tính sẵn có và chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN được đảm bảo.
- Các hướng dẫn chuyên môn về cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD thân thiện với VTN, TN được rà soát, xây dựng, bổ sung và cập nhật, lưu ý các nhóm đối tượng ưu tiên.
- Ít nhất 2 mô hình điểm về cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN tại các khu công nghiệp và nhóm thiệt thòi được xây dựng và triển khai với sự tham gia của VTN, TN.
- Số lượng các dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD thân thiện với VTN, TN được cung cấp; Số lượt VTN, TN tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD thân thiện, đặc biệt là các nhóm đối tượng ưu tiên.
- Số lượng chương trình chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN có áp dụng các cách tiếp cận mới trong cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN thông qua các dự án cộng đồng (như phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, khởi nghiệp/hỗ trợ sinh kế, sức khỏe cộng đồng, .v.v.), các ứng dụng công nghệ thông tin/trí tuệ nhân tạo, .v.v.; Số lượt VTN, TN tiếp cận được các chương trình chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN có áp dụng các cách tiếp cận mới nói trên.
- Số lượng các chương trình chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN thực hiện liên kết với các cơ sở y tế tư nhân, các tổ chức phi chính phủ/phi lợi nhuận và các cá nhân.
3.4.7. Hệ thống ghi nhận thông tin, theo dõi và giám sát về chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN được tích hợp trong hệ thống thông tin, giám sát hiện có và hoạt động hiệu quả.
- Bộ chỉ số, công cụ theo dõi, đánh giá về chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN theo các nhóm: độ tuổi, dân tộc, khu vực, trình độ học vấn, kinh tế, … và hoàn thiện.
- Thông tin về chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN cần bao gồm thông tin từ cơ sở y tế tư và lồng ghép vào trong hệ thống thông tin sẵn có.
- Hoạt động theo dõi và giám sát được tăng cường, bao gồm cả giám sát lồng ghép và hỗ trợ sau đào tạo trong triển khai mở rộng.
3.5. Quản lý điều hành và tổ chức thực hiện
3.5.1. Sở Y tế
- Chủ trì xây dựng kế hoạch và triển khai các nội dung của Kế hoạch; phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể trong việc triển khai Kế hoạch cũng như lồng ghép với các Chương trình dự án liên quan trên địa bàn.
- Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch trên.
- Chủ trì, phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch; đồng thời theo dõi, giám sát, đánh giá và định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh và Bộ Y tế theo quy định.
- Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đơn vị đầu mối triển khai thực hiện Kế hoạch có trách nhiệm căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể hàng năm (bao gồm cả kế hoạch kinh phí) trình Sở Y tế thẩm định, phê duyệt (trước khi phê duyệt cần lấy ý kiến của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính); tham mưu tổ chức đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện.
- Chỉ đạo Phòng Kế hoạch Tài chính Sở Y tế tham mưu tổng hợp các Kế hoạch, Đề án, Dự án của ngành y tế giai đoạn 2021-2025 để xác định cụ thể tổng nguồn vốn thực hiện của từng năm và từng giai đoạn, từ đó phối hợp với Sở Tài chính đề xuất tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí theo khả năng cân đối ngân sách, chỉ đạo đơn vị bố trí, sắp xếp các dự án ưu tiên để phân bổ nguồn thực hiện cho phù hợp.
- Riêng các đơn vị ngành Y tế, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tập trung thực hiện các nội dung:
+ Thành lập nhóm hỗ trợ kỹ thuật gồm cán bộ y tế (sản khoa, nhi khoa, y tế cộng đồng, truyền thông...), các chuyên gia tâm lý, khoa học xã hội và những người có kinh nghiệm về VTN/TN trên địa bàn tỉnh.
+ Kết hợp và lồng ghép các hoạt động, chương trình, dự án liên quan đến bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của VTN/TN như: Chương trình chăm sóc SKSS; Làm mẹ an toàn; Phòng, chống HIV/AIDS; Phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục; Dân số - KHHGĐ; Phòng, chống tai nạn thương tích; Triển khai điểm cung cấp dịch vụ tư vấn thân thiện cho VTN/TN tại các cơ sở chăm sóc SKSS.
3.5.2. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ theo phân cấp phù hợp với khả năng cân đối ngân sách hàng năm để thực hiện kế hoạch. Về nguồn kinh phí thực hiện hàng năm: Sở Tài chính sẽ phối hợp với Sở Y tế bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch trên cơ sở chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan có thẩm quyền quy định.
3.5.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp Sở Y tế tổng hợp các dự án đầu tư công về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của vị thành niên, thanh niên (nếu có) của địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.
3.5.4. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ban ngành, đoàn thể thực hiện giáo dục sức khỏe sinh sản cho VTN/TN trong trường học, bồi dưỡng cho giáo viên kiến thức, kỹ năng tổ chức các hoạt động về giáo dục giới tính, SKSS cho VTN/VTN.
- Chỉ đạo các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông xây dựng “Góc tư vấn thân thiện”, tủ sách.
3.5.5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Quản lý, chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh: Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật,…
- Triển khai các biện pháp ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phối hợp với các ngành liên quan thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, tránh tai nạn, thương tích ở trẻ em.
- Phối hợp với Sở Y tế lồng ghép hoạt động tuyên truyền vận động, truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức, thái độ và thay đổi hành vi trong chăm sóc SKSS/SKTD cho VTN, TN tại các cơ quan, đơn vị, khu công nghiệp, các trường Cao đẳng...
3.5.6. Cục Thống kê:
Phối hợp với Sở Y tế thu thập, xử lý, cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của VTN/TN.
3.5.7. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Báo Vĩnh Long, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh:
- Phối hợp với Sở Y tế xây dựng các chương trình truyền thông, các chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của VTN/TN.
- Xây dựng các điểm, khu vui chơi giải trí cho thanh thiếu niên.
- Lồng ghép chương trình chăm sóc sức khỏe VTN/TN vào các buổi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật ở vùng sâu, vùng xa.
3.5.8. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn và các tổ chức xã hội khác:
Phối hợp với Sở Y tế đưa nội dung bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe VTN/TN vào kế hoạch, chương trình hoạt động của đơn vị, triển khai đến các cấp hội cơ sở và hội viên; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo giáo dục kỹ năng sống cho VTN/TN trong trường học.
Phối hợp với các cơ quan chức năng với Nhà trường, Đoàn Thanh niên, với các tổ chức xã hội khác đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa về công tác CSSKSS, về giới tính, tình dục, các biện pháp bảo vệ bản thân với trẻ vị thành niên; giúp các bạn trẻ cởi mở hơn, nhằm xóa bỏ tâm lý rụt rè, e ngại để các bạn trẻ mạnh dạn tự chăm lo CSSKSS của bản thân.
3.5.9. UBND huyện, thị xã, thành phố
- Căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ nội dung của Kế hoạch của tỉnh và tình hình, đặc điểm của địa phương chỉ đạo TTYT huyện, thị, thành phố tham mưu xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đạt mục tiêu đề ra. Cân đối, bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương phù hợp với các quy định hiện hành về Luật Ngân sách Nhà nước để đảm bảo thực hiện kế hoạch hoạt động của địa phương mình.
- Tăng cường đôn đốc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các mục tiêu và nội dung của Kế hoạch.
3.6. Tiến trình thực hiện
* Năm 2021:
Đây là giai đoạn chuẩn bị và thử nghiệm, mục tiêu chính là nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện chương trình của cán bộ tuyến tỉnh, nâng cao nhận thức và tạo sự ủng hộ của cộng đồng và toàn xã hội đối với chương trình, cụ thể:
- Phổ biến, triển khai kế hoạch cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, các Sở, ban ngành, đoàn thể và các đơn vị trong ngành Y tế.
- Triển khai các hoạt động tuyên truyền vận động nhằm nâng cao nhận thức và ủng hộ của xã hội và cộng đồng, tạo môi trường thuận lợi triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch.
- Xây dựng mô hình điểm cung cấp “Dịch vụ tư vấn thân thiện”, “Tiền hôn nhân, “Câu lạc bộ VTN - TN”, “Góc bạn hữu”, ”Góc tư vấn thân thiện” tại tuyến tỉnh và huyện (Khoa Chăm sóc SKSS, Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh” Chi cục Dân số - KHHGĐ, một số trường học...)
- Nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng tư vấn cho cán bộ cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS các tuyến, các thầy giáo, cô giáo về chăm sóc SKSS VTN, TN.
- Tăng cường các hoạt động truyền thông, tư vấn.
* Định hướng hoạt động giai đoạn 2022-2025:
- Đẩy mạnh giáo dục sức khỏe, truyền thông thay đổi hành vi.
- Mở rộng mô hình cung cấp dịch vụ thân thiện toàn diện (cung cấp thông tin, tư vấn, dịch vụ lâm sàng).
- Nâng cao kỹ năng giám sát, đánh giá của tuyến tỉnh, huyện để hỗ trợ cho việc bổ sung, cập nhật chính sách cũng như điều chỉnh các can thiệp.
- Tăng cường xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của VTN/TN.
3.7. Kinh phí thực hiện
- Ngân sách Trung ương (nếu có).
- Ngân sách địa phương bảo đảm theo khả năng cân đối ngân sách và theo phân cấp ngân sách hiện hành hành, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của đơn vị, cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện Chương mục tiêu Y tế - Dân số, lồng ghép trong các Chương trình, Dự án theo quy định luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy định pháp luật hiện hành.
- Huy động sự tham gia, đóng góp hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước (nếu có).
- Các nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có).
Trên đây là Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Vĩnh Long.
Trong quá trình thực hiện Kế hoạch, Sở Y tế đề nghị các Sở, ban ngành, Hội, Đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức chính trị xã hội theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình phối hợp chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này và báo cáo về Sở Y tế (đầu mối tham mưu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật).
Yêu cầu các đơn vị trực thuộc Sở Y tế theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình đôn đốc, theo dõi chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện và báo cáo về Sở Y tế (đầu mối tham mưu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật) tổng hợp để báo cáo Bộ Y tế và UBND tỉnh./.
|
KT. GIÁM ĐỐC |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.