ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1818/QĐ-UBND |
Tuyên Quang, ngày 16 tháng 12 năm 2022 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP TRỰC THUỘC SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH TUYÊN QUANG
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Thông tư số 15/2021/TT-BGTVT ngày 30 tháng 07 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Căn cứ Quyết định số 10/2022/QĐ-UBND ngày 26 tháng 4 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Giao thông vận tải tỉnh Tuyên Quang;
Căn cứ Quyết định số 261/QĐ-UBND ngày 28 tháng 4 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang quy định cơ cấu tổ chức của Sở Giao thông vận tải tỉnh Tuyên Quang;
Căn cứ Quyết định số 688/QĐ-UBND ngày 16 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh Tuyên Quang;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 188/TTr- SGTVT ngày 07 tháng 12 năm 2022 và của Giám đốc Sở Nội vụ tại Báo cáo số 495/BC-SNV ngày 13 tháng 12 năm 2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh Tuyên Quang như sau:
1. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý bảo trì đường bộ
a) Vị trí, chức năng:
Ban Quản lý bảo trì đường bộ (sau đây gọi tắt là Ban) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Giao thông vận tải, có chức năng tham mưu, phối hợp thực hiện công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ ủy thác, hệ thống đường địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang do Sở Giao thông vận tải được giao quản lý; tham mưu và tổ chức thực hiện công tác quản lý dự án do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư giao cho Ban thực hiện.
Ban có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự quản lý toàn diện, trực tiếp của Sở Giao thông vận tải; đồng thời chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giao thông vận tải.
b) Nhiệm vụ, quyền hạn:
- Tham mưu tổ chức quản lý, sử dụng và quyết toán nguồn vốn các dự án sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, nguồn kinh phí quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ từ nguồn vốn ngân sách nhà nước (sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ) và từ các nguồn vốn khác theo quy định do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư hoặc được giao quản lý.
- Phối hợp kiểm tra, giám sát, tuần kiểm, nghiệm thu công tác quản lý, bảo trì đường bộ các tuyến quốc lộ và các tuyến đường bộ được giao quản lý.
- Tham mưu, phối hợp kiểm tra, đôn đốc nhà thầu bảo trì thực hiện khắc phục bão lụt, tai nạn giao thông và các sự cố bất khả kháng khác; phối hợp thực hiện phương án phân luồng giao thông khi cần thiết theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
- Phối hợp, tổ chức quản lý các dự án công trình sửa chữa đường bộ, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa thường xuyên, xử lý điểm đen, công trình an toàn giao thông, khắc phục hậu quả lụt bão bước 1, bước 2 và các công trình khác do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án đến khi công trình hết bảo hành theo các quy định hiện hành.
- Tham mưu, phối hợp thực hiện công tác nghiệm thu, hoàn công, bảo hành công trình theo đúng các quy định của Nhà nước.
- Quản lý bộ máy, nhân sự, tài chính, tài sản của Ban theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Giao thông Vận tải giao và theo quy định của pháp luật hiện hành.
c) Cơ cấu tổ chức
- Lãnh đạo Ban, gồm: Trưởng ban, 01 Phó Trưởng ban.
- Các phòng thuộc Ban (phòng có từ 07 người làm việc trở lên):
+ Phòng Kế hoạch, tổng hợp: Cơ cấu tổ chức gồm: Trưởng phòng, 01 Phó Trưởng phòng, viên chức chuyên môn nghiệp vụ, hỗ trợ, phục vụ, nhân viên và hợp đồng lao động.
+ Phòng Quản lý dự án, tuần kiểm: Cơ cấu tổ chức gồm: Trưởng phòng, 01 Phó Trưởng phòng, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ và hợp đồng lao động.
2. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bến xe khách thành phố Tuyên Quang
a) Vị trí, chức năng:
Bến xe khách thành phố Tuyên Quang (sau đây gọi tắt là Bến xe khách) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Giao thông vận tải, có chức năng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ vận tải hành khách đường bộ và công cộng, hoạt động theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý và khai thác bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và các dịch vụ khác theo quy định.
Bến xe khách có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, chịu sự quản lý toàn diện, trực tiếp của Sở Giao thông vận tải; đồng thời chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giao thông vận tải.
b) Nhiệm vụ, quyền hạn:
- Thực hiện việc ký kết hợp đồng với các đơn vị vận tải trước khi tổ chức hoạt động kinh doanh vận tải tại Bến xe; nhận ủy thác bán vé và đại lý bán vé cho các đơn vị vận tải theo hợp đồng đã ký kết; cho thuê địa điểm bán vé, văn phòng đại diện và các dịch vụ liên quan khác.
- Cung cấp các dịch vụ phục vụ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, hành khách, phương tiện khi ra vào Bến xe và các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.
- Xây dựng phương án giá dịch vụ, tổ chức dịch vụ và thu giá dịch vụ xe ra vào Bến xe và các dịch vụ khác khi được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Quản lý bộ máy, nhân sự, tài chính, tài sản của Bến xe khách theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Giao thông vận tải giao và theo quy định của pháp luật hiện hành.
c) Cơ cấu tổ chức:
- Lãnh đạo, gồm: Trưởng Bến, không quá 02 Phó Trưởng Bến.
- Các phòng thuộc Bến xe khách (phòng có từ 07 người làm việc trở lên) :
+ Phòng Hành chính - Tổng hợp, cơ cấu tổ chức gồm: Trưởng phòng, 01 Phó Trưởng phòng, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, hỗ trợ, phục vụ, nhân viên và người lao động.
+ Phòng Kế hoạch - Điều vận, cơ cấu tổ chức gồm: Trưởng phòng, 01 Phó Trưởng phòng, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ và hợp đồng lao động.
3. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải
a) Vị trí, chức năng:
Trung tâm Đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải (sau đây gọi tắt là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Giao thông vận tải, có chức năng kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật các loại phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa, thiết bị chuyên dùng gắn trên phương tiện giao thông vận tải đường bộ, cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và một số hoạt động dịch vụ được Nhà nước cho phép, các nhiệm vụ khác phù hợp với năng lực chuyên môn khi có yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, chịu sự quản lý toàn diện, trực tiếp của Sở Giao thông vận tải; đồng thời chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giao thông vận tải.
b) Nhiệm vụ, quyền hạn:
- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển, kế hoạch đăng kiểm các phương tiện vận tải cơ giới dài hạn, trung hạn và hàng năm phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và ngành giao thông vận tải.
- Tổ chức thực hiện công tác đăng kiểm chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới, xe máy chuyên dùng, phương tiện thủy nội địa.
- Kiểm tra, nghiệm thu và cấp Giấy chứng nhận An toàn kỹ thuật và Bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
- Tham gia các hội đồng giám định trạng thái kỹ thuật phương tiện giao thông vận tải, xe máy chuyên dùng, phương tiện thủy nội địa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tham gia giám định sự cố, tai nạn giao thông liên quan đến kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng, phương tiện thủy nội địa theo yêu cầu của các cơ quan chức năng.
- Thực hiện cung cấp các dịch vụ khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ khi được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
- Thu phí bảo trì đường bộ; lệ phí cấp Giấy chứng nhận An toàn kỹ thuật và Bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới, xe máy chuyên dùng, phương tiện thủy nội địa, xe cơ giới cải tạo; phí dịch vụ đăng kiểm theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
- Quản lý bộ máy, nhân sự, tài chính, tài sản của Trung tâm theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Giao thông Vận tải giao và theo quy định của pháp luật hiện hành.
c) Cơ cấu tổ chức:
- Lãnh đạo Trung tâm, gồm: Giám đốc, không quá 02 Phó Giám đốc.
- Các phòng thuộc Trung tâm (phòng có từ 07 người làm việc trở lên):
+ Phòng Hành chính - Tổng hợp, cơ cấu tổ chức gồm: Trưởng phòng, 01 Phó Trưởng phòng, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, hỗ trợ, phục vụ, nhân viên và hợp đồng lao động.
+ Phòng Kiểm định, cơ cấu tổ chức gồm: Trưởng phòng, 01 Phó Trưởng phòng, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ và hợp đồng lao động.
4. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Dạy nghề - Sát hạch lái xe
a) Vị trí, chức năng
Trung tâm Dạy nghề - Sát hạch lái xe (sau đây gọi tắt là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Giao thông vận tải, có chức năng dạy nghề lái xe chuyên dụng lĩnh vực vận tải, đào tạo lái xe cơ giới đường bộ và bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật về cơ sở vật chất, phương tiện và trang thiết bị theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để phục vụ công tác sát hạch lái xe cơ giới đường bộ đối với mô tô, ô tô và thực hiện các dịch vụ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn, khả năng của Trung tâm theo quy định của pháp luật.
Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, chịu sự quản lý toàn diện, trực tiếp của Sở Giao thông vận tải; đồng thời chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giao thông vận tải.
b) Nhiệm vụ, quyền hạn:
- Xây dựng kế hoạch, chương trình và thực hiện dạy nghề lái xe chuyên dụng lĩnh vực vận tải, đào tạo lái xe cơ giới đường bộ mô tô hai bánh hạng A1, ô tô hạng: B1, B2, C được cấp có thẩm quyền cấp phép đào tạo theo quy định.
- Tổ chức phục vụ các kỳ sát hạch lái xe cơ giới đường bộ mô tô hai bánh hạng A1, ô tô hạng: B1, B2, C theo quy định.
- Cung cấp các dịch vụ thuê sân, xe tập lái mô tô hai bánh hạng A1, ô tô hạng: B1, B2, C theo quy định.
- Xây dựng phương án và thu giá dịch vụ đào tạo, sát hạch lái xe, dịch vụ thuê xe, sân tập lái theo quy định.
- Cung cấp các dịch vụ phục vụ học viên học lái xe, phương tiện khi ra vào Trung tâm và các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.
- Quản lý bộ máy, nhân sự, tài chính, tài sản của Trung tâm theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Giao thông Vận tải giao và theo quy định của pháp luật hiện hành.
c) Cơ cấu tổ chức:
- Lãnh đạo Trung tâm có: Giám đốc, không quá 02 Phó Giám đốc.
- Các phòng thuộc Trung tâm (phòng có từ 07 người làm việc trở lên) :
+ Phòng Hành chính - Tổng hợp, cơ cấu tổ chức gồm: Trưởng phòng, 01 Phó Trưởng phòng, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, hỗ trợ, phục vụ, nhân viên và hợp đồng lao động.
+ Phòng Kỹ thuật - Tài vụ, cơ cấu tổ chức gồm: Trưởng phòng, 01 Phó Trưởng phòng, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ và hợp đồng lao động.
+ Phòng Dạy nghề, đào tạo lái xe, cơ cấu tổ chức gồm: Trưởng phòng, 01 phó Trưởng phòng, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ và hợp đồng lao động.
5. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đoạn Quản lý và sửa chữa đường bộ
a) Vị trí, chức năng:
Đoạn Quản lý và Sửa chữa đường bộ là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Giao thông vận tải, có chức năng thực hiện nhiệm vụ quản lý đường bộ theo quy định của Bộ Giao thông vận tải trên hệ thống đường Quốc lộ do Trung ương ủy thác quản lý, hệ thống đường bộ địa phương theo phân cấp quản lý của tỉnh và đảm nhận các công việc sửa chữa thường xuyên, sửa chữa vừa, xây dựng cơ bản công trình giao thông có quy mô vừa không yêu cầu cao về kỹ thuật.
Đoạn Quản lý và Sửa chữa đường bộ có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, chịu sự quản lý toàn diện, trực tiếp của Sở Giao thông vận tải; đồng thời chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giao thông vận tải.
b) Nhiệm vụ, quyền hạn:
- Tổ chức tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn vốn ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư cho công tác quản lý duy tu, sửa chữa các công trình giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh khi được giao.
- Thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên, bảo đảm giao thông các tuyến đường bộ đơn vị được giao quản lý; sửa chữa vừa, xây dựng cơ bản công trình giao thông có quy mô vừa, không yêu cầu cao về kỹ thuật; thực hiện cung cấp các dịch vụ khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ khi được sự cho phép của Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa p hương, các đoàn thể và cơ quan thông tin đại chúng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ các công trình giao thông và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ.
- Tham gia công tác kiểm tra, kiểm định, nghiệm thu chất lượng các công trình giao thông, đồng thời tổ chức tiếp nhận quản lý và khai thác công trình giao thông khi được ủy quyền.
- Quản lý bộ máy, nhân sự, tài chính, tài sản của đơn vị theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Giao thông Vận tải giao và theo quy định của pháp luật hiện hành.
c) Cơ cấu tổ chức:
- Lãnh đạo gồm có Giám đốc, không quá 02 Phó Giám đốc.
- Các phòng chuyên môn (03 phòng): Phòng Kế toán - Vật tư; Phòng Tổ chức - Hành chính; Phòng Kế hoạch - Kỹ thuật. Cơ cấu mỗi phòng chuyên môn, gồm: Trưởng phòng, 01 phó trưởng phòng và viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, hợp đồng lao động.
- Các Đội sản xuất: Đội sửa chữa đường bộ số 1, Đội sửa chữa đường bộ số 2, Đội sửa chữa đường bộ số 3, Đội sửa chữa đường bộ số 4, Đội sửa chữa đường bộ số 5, Đội sửa chữa đường bộ số 6 và đội xe máy thiết bị. Cơ cấu tổ chức mỗi đội gồm: Đội trưởng, 01 đội phó và nhân viên trực tiếp, công nhân lao động.
Điều 2. Trách nhiệm thực hiện
1. Giám đốc Sở Giao thông vận tải:
a) Tổ chức thực hiện các quy định tại Quyết định này; rà soát, sửa đổi các quy chế, quy định khác có liên quan bảo đảm cho công tác điều hành, hoạt động của Sở đúng theo quy định của pháp luật.
b) Chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở: Rà soát, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; phê duyệt vị trí việc làm, số lượng người làm việc tương ứng với vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật; phê duyệt số lượng người làm việc của đơn vị và từng phòng thuộc đơn vị bảo đảm tiêu chí thành lập phòng theo quy định.
2. Giám đốc Sở Nội vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Quyết định này theo quy định.
Điều 3. Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.