ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1788/QĐ-UBND |
Quảng Nam, ngày 30 tháng 7 năm 2024 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CÔNG LẬP KHÔNG CHUYÊN BIỆT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM TỪ NĂM HỌC 2025-2026
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019;
Căn cứ Văn bản hợp nhất Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông số 03/VBHN-BGDĐT ngày 03/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 133/TTr-SGDĐT ngày 19/7/2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Phương án tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông (THPT) công lập không chuyên biệt trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ năm học 2025-2026 (sau đây gọi tắt là Phương án tuyển sinh vào lớp 10), cụ thể như sau:
1. Đối tượng tuyển sinh
Người học đã tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) chương trình giáo dục phổ thông hoặc chương trình giáo dục thường xuyên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, có độ tuổi theo quy định tại Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Trong trường hợp học sinh tốt nghiệp THCS tại các cơ sở giáo dục ngoài tỉnh Quảng Nam có nguyện vọng tham gia dự tuyển, nếu có lý do chính đáng (thay đổi nơi sinh sống theo cha mẹ/người giám hộ) thì Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét quyết định.
2. Phương thức tuyển sinh
Kết hợp thi tuyển với xét tuyển dựa trên kết quả rèn luyện/hạnh kiểm và học tập/học lực trong 04 năm học ở cấp THCS của học sinh.
3. Chỉ tiêu tuyển sinh
Trên cơ sở quy mô trường lớp, đội ngũ viên chức quản lý, giáo viên, nhân viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện cần thiết khác phục vụ dạy học theo quy định và cân đối với tỷ lệ tuyển sinh chung của địa phương (cấp huyện); Sở Giáo dục và Đào tạo phân bố chỉ tiêu cho từng trường THPT công lập, đảm bảo mục tiêu về phân luồng theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền. Tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập toàn tỉnh được thực hiện theo lộ trình như sau:
- Năm học 2025-2026: Tuyển không quá 80% số học sinh tốt nghiệp THCS;
- Từ năm học 2026-2027: Chỉ tiêu được xác định trên cơ sở văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
Tỷ lệ tuyển sinh ở trên bao gồm cả học sinh thuộc đối tượng tuyển thẳng, học sinh tốt nghiệp THCS của các cơ sở giáo dục tư thục trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, các cơ sở giáo dục ngoài tỉnh Quảng Nam có nguyện vọng vào học THPT công lập và được tính sau khi đã trừ đi số học sinh trúng tuyển vào các trường THPT chuyên, Trường PTDTNT THPT tỉnh.
Đối với các trường THPT có tính chất đặc thù, trên cơ sở đề nghị của các địa phương và các trường về chỉ tiêu tuyển sinh; Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định.
4. Hồ sơ dự tuyển
- Đơn đăng ký dự tuyển;
- Bản sao giấy khai sinh hợp lệ;
- Bằng tốt nghiệp THCS (bản sao có công chứng) hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp THCS tạm thời (bản chính);
- Học bạ cấp THCS (bản sao có công chứng);
- Giấy xác nhận chế độ ưu tiên do cơ quan có thẩm quyền cấp (nếu có);
- Giấy xác nhận không trong thời gian thi hành án phạt tù; cải tạo không giam giữ hoặc vi phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cấp (đối với học sinh đã tốt nghiệp THCS trước năm học liền kề với kỳ thi);
- Giấy tờ xác nhận nơi sinh sống, làm việc của cha mẹ/người giám hộ học sinh (đối với học sinh tốt nghiệp THCS tại các cơ sở giáo dục ngoài tỉnh Quảng Nam).
5. Tuyển thẳng, chế độ ưu tiên a) Tuyển thẳng:
Thực hiện theo khoản 1 Điều 7 Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
b) Chế độ ưu tiên:
Thực hiện theo khoản 2 Điều 7 Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó:
- Cộng 1,5 điểm cho một trong các đối tượng thuộc nhóm đối tượng 1;
- Cộng 1,0 điểm cho một trong các đối tượng thuộc nhóm đối tượng 2;
- Cộng 0,5 điểm cho một trong các đối tượng thuộc nhóm đối tượng 3.
Học sinh có nhiều chế độ ưu tiên thì chỉ được hưởng một mức ưu tiên có điểm cộng cao nhất.
6. Phân tuyến tuyển sinh (địa bàn tuyển sinh) và đăng ký nguyện vọng
a) Mỗi học sinh được đăng ký tối đa 02 nguyện vọng dự tuyển vào 02 trường THPT khác nhau, trong đó:
- Nguyện vọng 1 (NV1, bắt buộc): học sinh đăng ký dự tuyển vào một trường THPT cùng địa bàn cấp huyện với trường THCS nơi học sinh tốt nghiệp THCS (đối với học sinh tốt nghiệp THCS của cơ sở giáo dục ngoài tỉnh Quảng Nam thì đăng ký dự tuyển vào một trường THPT trên địa bàn cấp huyện nơi cư trú).
- Nguyện vọng 2 (NV2, không bắt buộc): học sinh đăng ký vào một trường THPT bất kỳ trên địa bàn tỉnh khác với trường đã đăng ký NV1. b) Cách thức đăng ký NV1, NV2:
Học sinh đăng ký NV1, NV2 theo một trong hai cách thức sau:
- Cách thức 1: Học sinh chỉ đăng ký NV1. Sau khi có kết quả trúng tuyển đợt 1, nếu học sinh không trúng tuyển thì được đăng ký NV2 vào một trường THPT bất kỳ trên địa bàn tỉnh còn chỉ tiêu để tiếp tục xét trúng tuyển đợt 2. Học sinh đã trúng tuyển NV1 (đợt 1) thì không được đăng ký NV2 (đợt 2).
- Cách thức 2: Học sinh đăng ký đồng thời NV1 và NV2. NV1 và NV2 của các học sinh đăng ký cùng trường sẽ được xét trúng tuyển cùng nhau, trong đó điểm xét trúng tuyển của NV2 phải cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1.
Nhằm đảm bảo cân bằng về thí sinh đăng ký dự tuyển giữa các trường và phù hợp với nguyện vọng của cha mẹ học sinh, giao Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất một trong hai cách thức nêu trên và mức điểm chênh lệch để xét trúng tuyển NV2 so với điểm chuẩn trúng tuyển NV1 (nếu đề xuất cách thức 2) trong kế hoạch tuyển sinh hằng năm, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
c) Trong quá trình đăng ký NV1, NV2, yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên cập nhật, công khai trên Cổng thông tin điện tử của Sở số lượng hồ sơ đăng ký của mỗi trường THPT để học sinh được biết; trước 10 ngày tổ chức thi, cho phép học sinh điều chỉnh nguyện vọng để đăng ký vào trường THPT phù hợp với học sinh.
7. Lịch thi, môn thi, đề thi, điểm bài thi, hệ số điểm bài thi
Tất cả học sinh tốt nghiệp THCS, đúng đối tượng, nếu có nguyện vọng học lớp 10 công lập đều phải tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập (học sinh lớp 9 của các trường PTDTNT huyện được tuyển sinh vào lớp 10 theo quy định riêng). Đối với học sinh có nguyện vọng vào học lớp 10 trường THPT chuyên, PTDTNT tỉnh thì thực hiện theo quy định tuyển sinh vào trường THPT chuyên, PTDTNT tỉnh.
a) Lịch thi: Dự kiến nửa đầu tháng 6 hằng năm (ngày thi cụ thể do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định, đảm bảo thời gian phù hợp với Kỳ thi tốt nghiệp THPT).
b) Môn thi: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh.
c) Đề thi: Nội dung thi, hình thức thi, thời gian làm bài thực hiện theo văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo về nội dung chương trình, cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10.
d) Điểm bài thi: Là tổng điểm thành phần của từng câu trong đề thi, được chấm theo thang điểm 10, điểm lẻ đến 0,25.
đ) Hệ số điểm bài thi: Hệ số 1.
8. Công tác đề thi
a) Yêu cầu đối với nội dung đề thi:
Nội dung đề thi nằm trong chương trình THCS (Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018), chủ yếu là chương trình lớp 9.
b) Khu vực ra đề thi, in sao đề thi và các yêu cầu bảo mật:
- Đề thi, đáp án chưa công khai thuộc tài liệu cần phải đảm bảo tính bảo mật. Đề thi dự bị chưa sử dụng tự giải mật sau khi kết thúc công tác coi thi của kỳ thi.
- Việc ra đề thi, in sao đề thi (gọi chung là làm đề thi) được thực hiện tại một địa điểm an toàn, biệt lập và được lực lượng công an kiểm tra về an ninh, an toàn, bảo vệ nghiêm ngặt suốt thời gian làm đề thi cho đến hết thời gian thi môn cuối cùng của kỳ thi, có đầy đủ phương tiện bảo mật, phòng ngừa lộ lọt thông tin, phòng cháy, chữa cháy.
c) Nhân sự tham gia công tác làm đề thi:
- Là công chức của Sở Giáo dục và Đào tạo, giáo viên của các trường trung học trên địa bàn tỉnh có năng lực chuyên môn tốt và đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập Ban/Hội đồng ra đề thi.
- Các thành viên tham gia làm đề thi được cách ly triệt để với bên ngoài.
9. Công tác coi thi
a) Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ số lượng thí sinh đăng ký dự thi của mỗi trường THPT và điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ để quyết định thành lập các Điểm thi đặt tại trường THPT đó. Trong trường hợp trường THPT không đủ điều kiện tổ chức thi hoặc không bố trí đủ số lượng phòng thi thì bổ sung các Điểm thi đặt tại trường THCS và các cơ sở giáo dục khác trên cùng địa bàn đáp ứng được các yêu cầu tổ chức thi.
b) Thí sinh dự thi tại Điểm thi đặt tại trường thí sinh đăng ký dự thi (ưu tiên) hoặc tại trường THCS, cơ sở giáo dục khác trên cùng địa bàn cấp huyện.
c) Những người làm công tác coi thi tại Điểm thi là cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của trường THPT, các cơ sở giáo dục khác trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường THCS (trong trường hợp cần thiết) theo quyết định điều động của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.
10. Công tác làm phách bài thi, chấm thi, phúc khảo bài thi
Vận dụng Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và mục tiêu của kỳ thi tuyển sinh.
11. Điểm xét trúng tuyển và nguyên tắc xét trúng tuyển
a) Điểm xét trúng tuyển:
Điểm xét trúng tuyển |
= |
Tổng điểm thi của 03 bài thi môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh |
+ |
Tổng điểm kết quả rèn luyện/hạnh kiểm, học tập/học lực trong 4 năm học ở THCS |
+ |
Điểm ưu tiên (nếu có) |
Trong đó, tổng điểm kết quả rèn luyện/hạnh kiểm, học tập/học lực trong 4 năm học ở THCS tối đa là 10 điểm, mỗi năm học tối đa là 2,50 điểm. Cụ thể như sau:
TT |
Kết quả đánh giá, xếp loại rèn luyện/hạnh kiểm, học tập/học lực của học sinh trong mỗi năm học ở THCS (lớp 6, lớp 7, lớp 8 và lớp 9) |
Điểm |
1 |
Rèn luyện mức Tốt, học tập mức Tốt (Hạnh kiểm Tốt, học lực Giỏi) |
2,50 điểm |
2 |
Rèn luyện mức Khá, học tập mức Tốt; hoặc rèn luyện mức Tốt, học tập mức Khá (Hạnh kiểm Khá, học lực Giỏi; hoặc hạnh kiểm Tốt, học lực Khá) |
2,25 điểm |
3 |
Rèn luyện mức Khá, học tập mức Khá (Hạnh kiểm Khá, học lực Khá) |
2,00 điểm |
4 |
Rèn luyện mức Đạt, học tập mức Tốt; hoặc rèn luyện mức Tốt, học tập mức Đạt (Hạnh kiểm Trung bình, học lực Giỏi; hoặc hạnh kiểm Tốt, học lực Trung bình) |
1,75 điểm |
5 |
Rèn luyện mức Khá, học tập mức Đạt; hoặc rèn luyện mức Đạt, học tập mức Khá (Hạnh kiểm Khá, học lực Trung bình; hoặc hạnh kiểm Trung bình, học lực Khá) |
1,50 điểm |
6 |
Các trường hợp còn lại |
1,25 điểm |
* Ghi chú:
- Đối với Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006: Đánh giá, xếp loại hạnh kiểm của học sinh theo 4 loại: Tốt, Khá, Trung bình, Yếu. Đánh giá, xếp loại học lực của học sinh theo 5 loại: Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu, Kém.
- Đối với Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018: Đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh theo 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.
b) Nguyên tắc xét trúng tuyển:
- Xét trúng tuyển theo từng trường THPT.
- Chỉ xét trúng tuyển đối với thí sinh dự thi đủ 03 bài thi theo quy định và không có bài thi nào bị điểm 0 (không).
- Căn cứ điểm xét trúng tuyển, xét từ cao xuống thấp để tuyển đủ chỉ tiêu (chỉ tiêu bao gồm cả số học sinh thuộc diện tuyển thẳng).
- Khi xét đến chỉ tiêu cuối cùng, nếu có 02 thí sinh trở lên có điểm xét tuyển bằng nhau thì xét chọn trúng tuyển theo các tiêu chí ưu tiên. Sở Giáo dục và Đào tạo quy định các tiêu chí ưu tiên (chú trọng đến tiêu chí kết quả xếp giải trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh THCS và kết quả học tập các năm học ở cấp THCS của thí sinh) trong kế hoạch tuyển sinh hằng năm, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
12. Tuyển sinh bổ sung
a) Trường được tuyển sinh bổ sung: Các trường còn thiếu chỉ tiêu so với chỉ tiêu được giao sau khi đã hoàn thành xét tuyển NV1, NV2.
b) Đối tượng tuyển sinh bổ sung: Học sinh đã thi đủ các bài thi theo quy định, không có bài thi nào bị điểm 0 (không); không trúng tuyển NV1, NV2.
c) Đăng ký tuyển sinh bổ sung: Học sinh nộp đơn đăng ký tuyển sinh bổ sung vào bất kỳ trường nào trên địa bàn tỉnh còn chỉ tiêu tuyển sinh.
d) Nguyên tắc xét trúng tuyển bổ sung: Thực hiện theo điểm b khoản 11 Điều 1 Quyết định này.
Điều 2. Phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên biệt trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được triển khai thực hiện kể từ kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025-2026. Trên cơ sở Phương án này, Sở Giáo dục và Đào tạo lập kế hoạch tuyển sinh vào các trường mầm non, phổ thông hằng năm, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Trong quá trình triển khai công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên biệt, Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, tham mưu điều chỉnh nội dung trong Phương án tuyển sinh vào lớp 10 để đảm bảo đúng quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh; trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại kế hoạch tuyển sinh vào các trường mầm non, phổ thông hằng năm.
Điều 3. Kinh phí tổ chức thi ngân sách tỉnh đảm bảo và bố trí trong dự toán kế hoạch hàng năm của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Hiệu trưởng các trường THCS, THPT công lập trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.