UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/2009/QĐ-UBND |
Tuyên Quang, ngày 22 tháng 10 năm 2009 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH TUYÊN QUANG ĐẾN NĂM 2010, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29/11/2005;
Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005; Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28/02/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg ngày 02/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 100/2008/QĐ-TTg ngày 15/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang đến 2020 và các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt;
Căn cứ Nghị Quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị và Bảo vệ môi trường thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước;
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tại Thông báo số 42-KL/TU ngày 18/6/2008 và ý kiến của Thường trực Tỉnh uỷ tại Thông báo số 509-TB/TU ngày 27/5/2008; ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tại văn bản số 182/HĐND16-KTNS ngày 08/9/2009.
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 321/TTr-TNMT ngày 22/9/2009 về việc đề nghị phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Tuyên Quang đến năm 2010, định hướng đến năm 2020,
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Tuyên Quang đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, với các nội dung chủ yếu sau đây:
- Bảo vệ môi trường tỉnh Tuyên Quang là trách nhiệm, nghĩa vụ của tất cả các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và của mọi người dân; công tác bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi và mọi đối tượng.
- Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Tuyên Quang phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020 và các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt.
- Các cấp, các ngành trong quá trình triển khai kế hoạch, dự án tuân thủ theo Quy hoạch bảo vệ môi trường, tích cực khắc phục ô nhiễm môi trường, trước hết ở những nơi đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái, nâng cao chất lượng môi trường.
- Tăng cường hiệu lực quản lý về bảo vệ môi trường, phát huy trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác bảo vệ môi trường, đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả các hoạt động bảo vệ môi trường, từng bước xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.
- Hội nhập cùng với xu thế phát triển của quốc gia, các nước trong khu vực và trên thế giới về bảo vệ môi trường phát triển bền vững.
2.1- Mục tiêu tổng quát
Phòng ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường do hoạt động của con người và tác động của tự nhiên gây ra. Sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học;
Tích cực khắc phục ô nhiễm môi trường, trước hết ở những nơi đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái, từng bước nâng cao chất lượng môi trường, tăng cường năng lực quản lý giám sát chất lượng môi trường;
Nâng cao khả năng phòng tránh các tác động xấu của môi trường, sự cố biến động bất lợi của khí hậu đối với môi trường, ứng cứu có hiệu quả sự cố môi trường do thiên tai gây ra.
2.2- Mục tiêu cụ thể
- Xác định mức độ ảnh hưởng, đề ra những giải pháp cho từng yếu tố trong quy hoạch, đưa ra những dự án ưu tiên và các giải pháp thiết thực trong quy hoạch để hạn chế, giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện một bước chất lượng môi trường tạo cơ sở cho các cấp, các ngành lập kế hoạch thực hiện có hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2010 phải đạt được:
100% cơ sở sản xuất mới xây dựng áp dụng công nghệ sạch, trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải.
50% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường.
50% đô thị loại III, loại IV có hệ thống xử lý nước thải.
100% khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải.
90% chất thải rắn thông thường, 60% chất thải rắn nguy hại và 100% chất thải y tế được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.
+ Đến năm 2020 phải chủ động kiểm soát được môi trường, ngăn chặn cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm, phục hồi suy thoái và nâng cao chất lượng môi trường đảm bảo phát triển bền vững, đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam và tiêu chuẩn quy định của quốc tế về môi trường.
Môi trường tỉnh Tuyên Quang được phân thành 2 vùng chức năng chính để bảo vệ:
- Vùng I: Là vùng có chức năng bảo vệ môi trường đất, nước, không khí cho Tuyên Quang và vùng Đông Bắc, phòng hộ, ngăn ngừa các sự cố môi trường (lũ lụt, lở đất, xói mòn…). Phân bố ở các huyện phía Bắc, chiếm hầu hết diện tích huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên và những phần núi cao của huyện Sơn Dương, Yên Sơn là vùng có địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, đất đai dễ bị xói mòn, lớp phủ mỏng, điều kiện phát triển giao thông, công nghiệp khó khăn; mật độ dân cư thưa.
- Vùng II: Là vùng có thể gây ô nhiễm cao do quá trình phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy cần phải có sự quan tâm và có giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung chủ yếu phần phía Nam của tỉnh, gồm thị xã Tuyên Quang, phần còn lại của huyện Yên Sơn và huyện Sơn Dương. Ở vùng này các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, xây dựng, khai thác, chế biến khoáng sản, dịch vụ, du lịch… diễn ra mạnh. Đây là nơi tập trung dân cư chủ yếu của tỉnh (trên 80% dân số toàn tỉnh).
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang 2 vùng luôn có mối quan hệ tương tác hỗ trợ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường.
Ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh phát sinh chủ yếu từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; sinh hoạt của các hộ gia đình; hoạt động của các cơ sở y tế, giao thông, nông nghiệp, dịch vụ thương mại và du lịch. Để đảm bảo chất lượng môi trường, chất lượng cuộc sống của mọi người dân trên địa bàn tỉnh theo định hướng phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020, Quy hoạch bảo vệ môi trường chú trọng triển khai thực hiện các nội dung sau:
3.2.1- Quy hoạch bảo vệ môi trường nước
- Duy trì được số lượng và chất lượng nước của 3 dòng sông lớn trên địa bàn tỉnh (sông Lô, sông Gâm, sông Phó Đáy), thực hiện đúng nội dung đã được đề ra trong Quy hoạch phân ba loại rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn theo chiến lược phát triển lâm nghiệp của tỉnh, đồng thời đến năm 2010 có phương án phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tỉnh có chung lưu vực sông tiến hành các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước và quản lý lưu vực sông Lô, sông Gâm, sông Phó Đáy.
- Quản lý chặt chẽ các nguồn nước ngầm, nghiêm cấm mọi hành vi khai thác nước ngầm, nước mặt trái quy định của pháp luật.
- Quản lý chặt chẽ sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật; các nguồn chất thải; các hoạt động giao thông trên sông, mặt hồ nước, hoạt động nuôi trồng thủy sản, đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt; các hoạt động khai thác cát, cuội sỏi trên sông. Cấm xây dựng các công trình xử lý chất thải trên khu vực đá vôi phát triển kastr.
- Đến năm 2010 đạt mục tiêu 50% đô thị loại III, loại IV có hệ thống xử lý nước thải, đối với thị xã Tuyên Quang đến năm 2010 xây dựng dự án thoát nước và xử lý nước thải. Đến năm 2020 hoàn thành hệ thống thoát nước mưa và nước thải, 100% nước thải đô thị được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trước khi xả vào các sông, suối, hồ, ao.
- Đến năm 2012 chất thải từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, xây dựng, giao thông vận tải, khai thác khoáng sản và chất thải của các hộ kinh doanh - dịch vụ phải được kiểm soát xử lý đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trước khi thải ra môi trường.
- Đến năm 2012 tất cả các cơ sở y tế phải có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trước khi đổ ra hệ thống thoát nước chung.
- Đối với khu công nghiệp Long Bình An, các cụm công nghiệp đã được phê duyệt phải thực hiện đúng đồ án quy hoạch hệ thống xử lý nước thải, đạt mục tiêu đến năm 2010: 100% khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải.
- Đối với vùng lòng hồ thủy điện Na Hang cần xây dựng vùng đệm bảo vệ nghiêm ngặt các hệ sinh thái, tài nguyên môi trường trong phạm vi ít nhất là 5km tính từ mặt nước. Khu vực hạ lưu đập thủy điện phải quy hoạch và xây dựng các công trình chống xói lở bờ sông, các giải pháp ứng phó khi đập thủy điện có sự cố (xây dựng trạm quan trắc, hệ thống cảnh báo, quy hoạch các cụm dân cư an toàn...).
- Đối với các khu vực khai thác khoáng sản, đặc biệt các khoáng sản sunfua, chì kẽm… thường có pH thấp, hàm lượng các kim loại nặng cao, nhiều độc tố ảnh hưởng đến môi trường nước, vì vậy cần phải xử lý nước thải đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn về mới được xả ra môi trường.
- Đến năm 2010 tất cả các cơ sở xả thải nước thải vào nguồn nước phải có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.
3.2.2- Quy hoạch bảo vệ môi trường không khí và tiếng ồn:
- Các khu công nghiệp Long Bình An, các cụm công nghiệp phải có vùng đệm bằng cây xanh xung quanh, phải áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại đảm bảo giảm khí thải, tiếng ồn, bụi trong hoạt động sản xuất. Các dự án trước khi đi hoạt động phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Đến năm 2010, các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng phải có phương án xử lý đối với khí thải, bụi và tiếng ồn, có tường bao ngăn cách cơ sở với môi trường xung quanh. Trước năm 2011 hoàn thành việc thay thế các lò gạch thủ công không đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường ở các huyện, thị xã; khuyến khích đầu tư sản xuất gạch bằng các lò tuynel, gạch không nung.
- Cấm các phương tiện giao thông đã quá niên hạn sử dụng; đến năm 2010 các phương tiện giao thông phát thải khí thải không đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường không được lưu hành trên đường.
- Các hoạt động gây tiếng ồn phải có giải pháp giảm thiểu đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường cho phép, nghiêm cấm các phương tiện giao thông lưu thông trong đô thị gây tiếng ồn lớn vào các giờ quy định.
- Tuyên truyền, tổ chức trợ giúp, tư vấn công nghệ cho các nhà máy xí nghiệp tiết kiệm nguyên nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
3.2.3- Quy hoạch bảo vệ môi trường đối với việc thu gom chất thải rắn:
- Đến năm 2010, hoàn tất việc chọn địa điểm xây dựng các bãi chôn lấp chất thải cấp huyện, thiết kế các bãi chôn lấp chất thải đáp ứng yêu cầu bãi chôn lấp chất thải hợp vệ sinh. Đầu tư xây dựng bãi rác của thị xã Tuyên Quang theo quy hoạch tại xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn; thiết kế tổng thể cho khu liên hiệp xử lý chất thải (tuân thủ theo đúng quy định tại Thông tư 01/2001/TTLT-BKHCNMT-BXD ngày 18/01/2001 Thông tư liên tịch Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường và Bộ Xây dựng).
- Đến năm 2012 hoàn thành việc xây dựng các bãi chôn lấp chất thải và đưa vào vận hành tốt, kể cả thiết bị đốt rác thải y tế; tăng cường các trang thiết bị thu gom; hoàn thiện công tác tổ chức thu gom và xử lý.
- Đánh giá cụ thể các hoạt động quản lý, thu gom rác thải trên địa bàn tỉnh củng cố hoạt động của các tổ chức đã có, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thu gom, xử lý chất thải, với nguyên tắc tất cả các thị trấn phải có tổ chức, cá nhân thực hiện công tác thu gom. Thực hiện cơ chế khuyến khích theo hướng xã hội hoá ngày càng cao đối với các hoạt động bảo vệ môi trường.
- Ưu tiên các dự án đầu tư thu gom, xử lý chất thải (đặc biệt là chất thải y tế), phấn đấu đến năm 2010 tất cả các cơ sở y tế trong toàn tỉnh thực hiện tốt quy chế quản lý chất thải y tế; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn quốc gia do Bộ Y tế ban hành.
- Các khai trường khai thác khoáng sản, đặc biệt các khoáng sản chứa sulphur, chì, kẽm, thiếc,... đều phải xây dựng bãi chứa chất thải.
3.2.4- Quy hoạch bảo vệ môi trường các đô thị
- Phấn đấu đến năm 2010 đạt các mục tiêu:
+ Kiểm soát, giám sát bảo vệ môi trường không khí, bụi, ồn, môi trường nước, đất, đa dạng sinh học trong quá trình triển khai cải tạo, mở rộng các đô thị. Khống chế mức ô nhiễm hàng năm thấp nhất.
+ 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
+ 50% các cơ sở sản xuất kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc Chứng chỉ ISO 14001.
+ 40% các khu đô thị có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường, thu gom 90% chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và dịch vụ, xử lý trên 60% chất thải nguy hại và 100% chất thải bệnh viện.
+ Cơ bản hoàn thành việc cải tạo và nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước mưa và nước thải ở các đô thị hiện nay.
+ Cải tạo 50% các kênh mương, ao, hồ, các đoạn sông chảy qua các thị trấn.
+ 95% dân số đô thị được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
+ 90% đường phố trong thị trấn có cây xanh; nâng tỷ lệ đất công viên ở các thị trấn lên gấp 2 lần so với năm 2000;
+ 90% các cơ sở sản xuất kinh doanh tại thị trấn đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn lao động và có cây trong khuôn viên thuộc khu vực sản xuất.
- Phấn đấu đến năm 2012 chấm dứt hiện tượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà máy, xí nghiệp thải nước trực tiếp xuống sông Lô, sông Phó Đáy, sông Gâm và các thủy vực của sông Lô, sông Phó Đáy, sông Gâm.
- Đối với các khu đô thị mới qui hoạch phải đảm bảo tỷ lệ cây xanh 12-14% (theo quy định tại Quy chuẩn xây dựng 1996).
- Quy hoạch các lò giết mổ gia súc tập trung và thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường đảm bảo vệ sinh môi trường đối với các lò giết mổ gia súc. Xây dựng, đầu tư trang bị các thiết bị tiên tiến, hiện đại cho lò giết mổ gia súc tập trung tại các đô thị có thị trường phát triển, phấn đấu đến năm 2012 không còn lò giết mổ gia súc tư nhân.
- Đối với các cơ sở có tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường: Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Nhà máy đường Tuyên Quang, Nhà máy chế biến thức ăn gia súc, nhà máy nghiền bột Barít Hòa An, nhà máy giấy tại Nông Tiến, nhà máy sản xuất bột kẽm tại Tràng Đà, cơ sở chế biến lâm sản phường Minh Xuân, phải xây dựng kế hoạch, lộ trình di rời để sau năm 2010 di dời ra khỏi nội thị, thị xã Tuyên Quang đến địa điểm mới và khu, cụm công nghiệp tập trung. Đến năm 2012 trên địa bàn thị xã không còn cơ sở gây ô nhiễm (Chi tiết kèm theo Phụ biểu 01).
- Phấn đấu đến năm 2020 ngăn chặn về cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm, phục hồi suy thoái và nâng cao chất lượng môi trường, bảo đảm phát triển bền vững của các đô thị, đảm bảo cho mọi người dân được sống trong môi trường có chất lượng tốt về không khí, đất, nước, cảnh quan và các nhân tố môi trường tự nhiên khác đạt chuẩn mực do Nhà nước quy định.
3.2.5- Quy hoạch bảo vệ môi trường do các hoạt động giao thông
- Tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
- Bảo vệ, quản lý, ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với phương tiện giao thông cơ giới, các hoạt động vận tải đường sông. Đến năm 2010 áp dụng lắp đặt các bộ lọc khí thải trong ống xả khí các phương tiện giao thông để giảm thiểu ô nhiễm (đáp ứng quy định tại Quyết định 249/2005/QĐ-TTg ngày 10/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải với xe cơ giới đường bộ).
- Đến năm 2010 các phương tiện giao thông phát thải khí thải không đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường không được lưu thông trên đường.
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng khí thải, tiếng ồn của các phương tiện giao thông. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường.
3.2.6- Quy hoạch bảo vệ môi trường nông thôn
- Các trung tâm cụm xã đều phải có quy hoạch xây dựng bãi rác đảm bảo xử lý và chôn lấp rác thải hợp vệ sinh.
- Phát triển mô hình nhà tiêu 2 ngăn ủ phân tại chỗ, nhà tiêu chìm có ống thông hơi, nhà tiêu thấm dội nước, nhà tiêu tự hoại, xây dựng chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh,... tuân thủ theo đúng quy định tại Điểm 4 Điều 46 Luật bảo vệ môi trường năm 2005, Quyết định số 352/2007/QĐ-UBND ngày 05/9/2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về việc phê duyệt quy hoạch điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2020.
- Đến năm 2010 giải quyết cơ bản vấn đề cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn trong điều kiện nền kinh tế nông thôn và các cơ sở hạ tầng nông thôn được phát triển theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.
- Hàng năm tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ môi trường, thiết kế, xây dựng hệ thống thu gom nước thải vệ sinh, phát động phong trào thu gom rác thải, vệ sinh hàng ngày.
- Đến năm 2010 đạt các mục tiêu cụ thể:
+ 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
+ 85% các hộ nông dân có nhà xí hợp vệ sinh.
+ 80% các cụm dân cư lớn có bãi rác.
- Phấn đấu đến năm 2020:
+ Ngăn chặn gia tăng ô nhiễm và nâng cao chất lượng môi trường, bảo đảm cho mọi người dân đều được sống trong môi trường có chất lượng tốt về không khí, đất, nước, cảnh quan và các các nhân tố môi trường tự nhiên khác đạt chuẩn mực do Nhà nước quy định.
+ 100% sản phẩm, hàng hoá xuất khẩu và 50% hàng hoá tiêu dùng trong nội địa được ghi nhãn môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14021
+ Đảm bảo 95% dân số nông thôn được sử dụng đủ nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
3.2.7- Quy hoạch bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch:
- Quản lý và bảo vệ chặt chẽ đối với các di tích văn hóa, lịch sử và danh lam thắng cảnh.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch hành động bảo vệ môi trường trong các hoạt động du lịch.
- Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường đối với cán bộ, nhân viên, du khách trong các khu du lịch, các cơ sở du lịch.
- Quy định trách nhiệm bảo vệ môi trường của Ban quản lý khu, điểm du lịch.
3.2.8- Quy hoạch bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng trồng:
- Thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ các giống loài động vật, thực vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng trong danh mục cần bảo vệ, bảo vệ và chống thất thoát các nguồn gen bản địa quý hiếm; ngăn chặn sự xâm hại của sinh vật ngoại lai, sinh vật biến đổi gen gây ảnh hưởng xấu đến con người và môi trường.
- Kết hợp với các viện nghiên cứu, tổ chức trong và ngoài nước nghiên cứu tính đa dạnh sinh học và khả năng bảo tồn thiên nhiên của các khu rừng đặc dụng Tân Trào (Sơn Dương), Cham Chu (Hàm Yên), khu bảo tồn thiên nhiên Tát kẻ- Bản Bung (Na Hang), vùng đệm vườn quốc gia Tam Đảo (Sơn Dương).
- Phấn đấu đến năm 2010 củng cố năng lực quản lý khu bảo tồn thiên nhiên, khu du lịch sinh thái; tổ chức tập huấn ngắn ngày, hội thảo trong tỉnh và cử người đi học tại các cơ sở bảo vệ đa dạng sinh học ở trong và ngoài tỉnh về lĩnh vực chuyên môn, quản lý, kỹ thuật; xây dựng kế hoạch và các phương thức lập báo cáo về đa dạng sinh học; xây dựng mạng lưới cơ sở dữ liệu cấp tỉnh về đa dạng sinh học.
- Trong giai đoạn 2010 - 2015: Hình thành hệ thống quan trắc đa dạng sinh học tại khu rừng đặc dụng Tân Trào, Cham Chu, khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung; xây dựng các biện pháp giảm thiểu tác động đối với môi trường từ các hoạt động du lịch; xây dựng mô hình sử dụng bền vững các sản phẩm rừng, các loài cây dược liệu,…
- Trong giai đoạn 2010 - 2020: Xây dựng các dự án ưu tiên thực hiện kế hoạch hành động bảo vệ đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.
- Bảo vệ nghiêm ngặt các khu rừng đầu nguồn của 3 lưu vực sông (sông Gâm, sông Lô, sông Phó Đáy), khu rừng đặc dụng Tân Trào (Sơn Dương), Cham Chu (Hàm Yên), khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung (Na Hang), vùng đệm vườn quốc gia Tam Đảo (Sơn Dương).
3.2.9- Quy hoạch bảo vệ môi trường do phát triển sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả và cây lương thực:
- Ngăn chặn gia tăng ô nhiễm và nâng cao chất lượng môi trường, đảm bảo các sản phẩm sản xuất ra đều là sản phẩm sạch.
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm, kiểm soát an toàn thực phẩm theo đúng các quy định pháp luật.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
- Khuyến khích sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc thực vật.
- Tăng cường bảo vệ tính đa dạng sinh học và phát triển các loài sinh vật có ích.
- Phấn đấu đến năm 2010 tất cả các hoá chất bảo vệ thực vật đều được kiểm soát, đặc biệt là hoá chất có mức độ độc hại cao; việc sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường được hạn chế tối đa, tăng cường sử dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp.
3.2.10- Quy hoạch bảo vệ môi trường do các hoạt động công nghiệp, khai thác chế biến khoáng sản:
- Đến năm 2010 phải đảm bảo 100% cơ sở sản xuất xây dựng mới phải có công nghệ tiên tiến với các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường được phê duyệt.
- Các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản đến năm 2010 phải có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, cam kết xử lý ô nhiễm môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường và bản cam kết bảo vệ môi trường.
- Đối với các cơ sở có tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao đang hoạt động và dự kiến hoạt động thời gian tới phải có các giải pháp ngăn ngừa, xử lý chất thải đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về môi trường (Chi tiết kèm theo Phụ biểu 02).
- Phấn đấu đến năm 2020 đạt một số chỉ tiêu sau: 100% đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc Chứng chỉ ISO 14001; 100% sản phẩm, hàng hoá xuất khẩu và 50% hàng hoá tiêu dùng trong nội địa được ghi nhãn môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14021; hình thành và phát triển ngành công nghiệp tái chế chất thải để tái sử dụng, phấn đấu 30% chất thải thu gom được tái chế.
- Thực hiện nghiêm túc việc cải tạo hoàn thổ, phục hồi môi trường và ký quỹ phục hồi môi trường theo Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Hàng năm tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường của các cơ sở, kịp thời đưa ra các giải pháp xử lý, xử phạt theo quy định của pháp luật.
3.2.11- Quy hoạch hệ thống quan trắc môi trường:
- Đến năm 2012:
+ Xây dựng trạm quan trắc môi trường chuẩn quốc gia ở Na Hang;
+ Xây dựng và triển khai thực hiện quan trắc môi trường theo mạng lưới các điểm quan trắc môi trường tỉnh Tuyên Quang (Chi tiết kèm theo Phụ biểu 03).
- Phấn đấu trước năm 2020 đưa vào hoạt động hệ thống thiết bị quan trắc điện tử, nối mạng.
- Phấn đấu đến năm 2012 các công trình thuỷ điện, mạng lưới điện cao áp, hệ thống các trạm thu phát sóng điện tử viễn thông có các trạm quan trắc theo dõi, kiểm soát, giám sát môi trường để có cơ sở dự báo các sự cố do tai biến địa chất, ảnh hưởng của điện từ trường, sóng điện từ... đến sức khoẻ con người, các tác động đến môi trường sinh thái.
3.2.12- Quy hoạch bảo vệ môi trường đối với kho đạn dược, hoá chất, vật liệu nổ, nhà máy sản xuất, kho chứa đạn dược, vật liệu nổ:
Ngoài các định hướng quy hoạch bảo vệ môi trường theo các lĩnh vực hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang còn có một số kho đạn dược, hoá chất, vật liệu nổ, nhà máy sản xuất đạn dược.
- Các khu vực thuộc Quốc phòng cần rà soát, đánh giá xác định vùng an toàn và xây dựng biện pháp xử lý hoặc di chuyển đối với các kho, nhà máy có tiềm ẩn nguy cơ hiểm họa, gây sự cố ảnh hưởng tới môi trường và cộng đồng dân cư.
- Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan xây dựng kế hoạch, có giải pháp quản lý bảo vệ vành đai an toàn đối với kho đạn dược, cơ sở sản xuất vật liệu nổ theo đúng quy định của Chính phủ tại Nghị định số 148/2006/NĐ-CP ngày 04/12/2006 và Thông tư số 25/2008/TT-BQP ngày 06/3/2008 của Bộ Quốc phòng quy định về quy hoạch xây dựng, quản lý và bảo vệ vành đai an toàn các kho đạn dược, vật liệu nổ, nhà máy sản xuất vật liệu nổ, đạn dược do Bộ Quốc phòng quản lý.
4.1- Làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về môi trường
4.1.1- Nâng cao nhận thức môi trường trong cộng đồng
- Tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân; tăng cường các buổi phát thanh, truyền hình về môi trường; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiên thông tin đại chúng nhằm tạo điều kiện và khuyến khích người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường; tổ chức các chiến dịch truyền thông trực tiếp với nhiều loại hình phong phú như: đội truyên truyền, câu lạc bộ, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về môi trường,… duy trì thường xuyên các phong trào hưởng ứng ngày môi trường thế giới, tuần lễ Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, ngày đa dạng sinh học, chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, …
- Lồng ghép các hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường gắn với các chương trình, hoạt động phát triển kinh tế- xã hội của các cấp, ngành, các tổ chức kinh tế, xã hội và cộng đồng dân cư.
- Quán triệt đến mọi tổ chức, cá nhân hiểu rõ về tác hại đối với môi trường bị suy thoái; với phương châm mọi tổ chức, cá nhân đều biết, đều hiểu về ý thức và trách nhiệm của mình đối với việc bảo vệ môi trường; tạo nhiều mô hình tổ chức, cá nhân làm tốt, hiệu quả và thân thiện với môi trường.
4.1.2- Tổ chức đào tạo, tập huấn cán bộ chủ chốt các cấp
Đào tạo, tập huấn cán bộ chủ chốt về kiến thức và kỹ năng lập kế hoạch bảo vệ môi trường, kỹ năng tuyên truyền, vận động, truyền thông hướng dẫn các chương trình kỹ thuật bảo vệ môi trường,…
4.1.3- Giáo dục nâng cao nhận thức môi trường trong nhà trường
- Xây dựng các nguyên tắc, chương trình giáo dục môi trường và mô hình giáo dục trong các trường mầm non, các trường tiểu học, trung học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.
- Xây dựng các chương trình học tập phù hợp.
- Giáo dục trẻ yêu thiên nhiên, có ý thức giữ gìn vệ sinh.
- Tổ chức hướng dẫn, giáo dục ngoại khóa cho học sinh về môi trường.
4.1.4- Giáo dục nâng cao nhận thức đa dạng sinh học
- Đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ hiểu biết về đa dạng sinh học, giáo dục nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học phù hợp với từng vùng.
- Tập huấn, hướng dẫn, nâng cao nhận thức đa dạng sinh học đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất, các hoạt động kinh tế, khai thác, chế biến, nuôi trồng, buôn bán, kinh doanh các sản phẩm sinh học.
- Tổ chức tuyên truyền chương trình nâng cao nhận thức đa dạng sinh học đến quần chúng nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép các chương trình nâng cao nhận thức đa dạng sinh học đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Biểu dương mọi sáng kiến của cá nhân, tập thể trong công tác giáo dục và truyền thông về bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng hợp lý tài nguyên sinh vật.
- Đưa nội dung bảo vệ đa dạng sinh học vào chương trình chính khóa hoặc lồng ghép với các môn học khác trong chương trình giảng dạy của các trường thuộc các cấp đào tạo và các trường dạy nghề.
4.2- Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về môi trường
4.2.1- Củng cố mạng lưới quản lý môi trường địa phương (tỉnh, huyện, cấp xã).
- Củng cố mạng lưới quản lý tài nguyên và môi trường từ tỉnh đến huyện và các xã, phường, thị trấn; tăng cường đào tạo nhân lực, đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác quản lý môi trường.
- Ổn định bộ máy tổ chức nhà nước, nâng cao nghiệp vụ quản lý nhà nước về môi trường, chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ môi trường cấp tỉnh, huyện, xã. Từng bước ổn định và phát huy hiệu lực trong công tác quản lý về bảo vệ môi trường ở địa phương.
- Đầu tư xây dựng hệ thống quản lý thông tin, dữ liệu về tài nguyên môi trường.
- Tăng cường năng lực chuyên môn cho các cán bộ trong các tổ chức quản lý và bảo vệ môi trường.
+ Thường xuyên mở các lớp tập huấn cho các cán bộ trong các tổ chức quản lý và bảo vệ môi trường.
+ Xây dựng các chương trình hợp tác làm việc theo nhóm với các thành viên của các cơ quan khác khi thực thi nhiệm vụ, các chương trình công tác liên ngành, phân công rõ trách nhiệm giữa cơ sở có chức năng tương tự như cơ quan y tế, cơ quan công an phòng cháy chữa cháy, trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chi cục bảo vệ thực vật,…
+ Tổ chức hướng dẫn giáo dục ngoại khóa.
4.2.2- Thành lập, củng cố các doanh nghiệp hoạt động về môi trường, các tổ chức, dịch vụ thu gom rác, phế thải, xử lý chất thải, chăm sóc cây xanh đô thị.
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thu gom, xử lý chất thải, xây dựng cơ chế khuyến khích theo hướng “xã hội hoá” đối với các hoạt động bảo vệ môi trường đô thị.
- “Xã hội hóa” công tác thu gom phế thải, đảm bảo vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Phát triển mô hình theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm.
4.2.3- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường
- Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường của ngành tài nguyên và môi trường.
- Tăng cường, củng cố lực lượng cảnh sát môi trường địa phương, đảm bào hoàn thành tốt nhiệm vụ.
- Xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi xâm hại và vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.
- Nâng cao ý thức tự kiểm tra, giám sát của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường.
4.2.4- Triển khai có hiệu quả việc xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường:
- Các cơ sở nằm trong Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thực hiện việc rà soát, đánh giá, xây dựng phương án, lộ trình thời gian, tiến độ xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động trong các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác bảo vệ môi trường, kịp thời phát hiện xử lý triệt để đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
- Di dời ra khỏi địa bàn thị xã Tuyên Quang đối với các cơ sở đang hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao đến địa điểm mới hoặc khu, cụm công nghiệp tập trung.
- Các dự án đầu tư mới phải áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có thiết bị giảm thiểu ô nhiễm môi trường, kiên quyết loại bỏ những dự án có những tác động xấu, tác động nghiêm trọng đến môi trường.
4.2.5- Tăng cường cơ sở vật chất cho các tổ chức quản lý và bảo vệ môi trường
- Đầu tư các thiết bị cần thiết cho công tác bảo vệ môi trường như xe thu gom rác, xe vận chuyển chất thải nguy hại, xe quét đường, xe tưới đường, máy vét bùn, xép cuốn ép rác,…
- Đầu tư các thiết bị cần thiết cho việc quản lý môi trường như các thiết bị đo, máy phân tích nhanh, thiết bị thí nghiệm, phương tiện xử lý thông tin, các phần mềm liên quan, các thiết bị thông tin liên lạc, cứu hộ, cứu nạn,…
- Đầu tư các dụng cụ, phương tiện làm việc phục vụ công tác bảo vệ và quản lý môi trường như các thùng chứa rác, các container đựng rác,…Quy hoạch xây dựng các địa điểm trung chuyển chất thải,…
4.3- Giải pháp về vốn
- Các giải pháp đầu tư về vốn cho công tác bảo vệ môi trường:
+ Áp dụng việc đa dạng hóa nguồn vốn
+ Tăng cường công tác xã hội hóa trong việc bảo vệ môi trường, huy động sự hỗ trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
+ Thu hút vốn đầu tư của các tổ chức quốc tế.
- Những dự án, công trình bảo vệ môi trường đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước chỉ tập trung vào các dự án công ích, nhân đạo, mang tính xã hội, cộng đồng như: bãi rác, bệnh viện và các dự án về tuyên truyền giáo dục pháp luật.
- Những dự án liên quan đến hoạt động phát triển của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp sẽ do chính các cơ sở, doanh nghiệp đó đầu tư (các công trình xử lý chất thải của các khu công nghiệp, nhà máy, kinh phí quan trắc, giám sát môi trường…). Ngoài ra tùy từng trường hợp cụ thể có thể có sự hỗ trợ (hoặc cho vay vốn) từ Quỹ bảo vệ môi trường.
- Những dự án lớn có ý nghĩa cộng đồng sẽ huy động vốn đầu tư của toàn xã hội (hệ thống thu gom, xử lý nước thải, trồng cây xanh bảo vệ môi trường).
4.4- Giải pháp về công nghệ
- Tập trung tăng cường đầu tư thiết bị công nghệ quan trắc, giám sát môi trường tiên tiến, hiện đại. Nhất là công nghệ quan trắc tai biến địa chất, những biến động môi trường của các đập thủy điện trên địa bàn tỉnh (đặc biệt thuỷ điện Tuyên Quang).
- Khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu, cụm công nghiệp đầu tư phát triển công nghệ sạch, thân thiện môi trường, tiết kiệm nguyên nhiên liệu.
- Đầu tư các công nghệ xử lý chất thải theo hướng tái chế, xử lý chất thải đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
- Sử dụng các phương pháp quản lý tiên tiến, phù hợp với thực tế của địa phương.
5. Các dự án ưu tiên thực hiện
Bao gồm 15 dự án thuộc 8 nhóm: (Chi tiết kèm theo Phụ biểu 04)
5.1- Nhóm dự án về chương trình giáo dục - tuyên truyền nâng cao nhận thức:
- Dự án tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ môi trường.
- Dự án giáo dục nâng cao nhận thức đa dạng sinh học.
5.2- Nhóm dự án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong ngành y tế:
- Dự án đầu tư hệ thống xử lý nước thải bệnh viện tuyến huyện.
- Dự án đầu tư trang thiết bị thu gom rác thải ngành y tế tỉnh và kiểm soát An toàn bức xạ các phòng X quang.
5.3- Các dự án xử lý nước thải:
- Dự án quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại các đô thị.
- Dự án quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải cho các khu, cụm công nghiệp tập trung.
5.4- Nhóm dự án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị:
- Dự án đầu tư xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải rắn thị xã Tuyên Quang tại xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn.
- Dự án đầu tư xây dựng các bãi rác cấp huyện.
- Dự án quy hoạch lò giết mổ gia súc tập trung cho các huyện.
5.5- Dự án, nhiệm vụ nâng cao năng lực quản lý môi trường:
- Dự án tăng cường đầu tư tiềm lực cho Trung tâm Quan trắc Môi trường.
- Dự án đầu tư xây dựng trạm quan trắc cảnh báo các biến động đập Thủy điện Na Hang.
5.6- Các dự án và nhiệm vụ bảo vệ môi trường vùng nông thôn:
- Dự án xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng của các khu vực bị ô nhiễm môi trường.
- Dự án xây dựng mô hình vệ sinh môi trường cụm dân cư tái định cư.
5.7- Dự án bảo vệ đa dạng sinh học: Dự án đầu tư xây dựng các trạm quan trắc, phòng chống cháy rừng.
5.8- Dự án và nhiệm vụ bảo vệ môi trường an ninh quốc phòng: Dự án điều tra đánh giá và xác định mức độ tiềm ẩn ảnh hưởng các kho quân sự đến môi trường và sự an toàn cộng đồng dân cư.
Điều 2. Tổ chức thực hiện Quy hoạch
1. Các cấp, các ngành triển khai nhiệm vụ quy hoạch bảo vệ môi trường của tỉnh đảm bảo hiệu quả bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai và hàng năm đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch môi trường, định ký báo cáo, đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh.
3. Các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã theo chức năng nhiệm vụ tổ chức thực hiện các nội dung quy hoạch đã được duyệt.
4. Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường, các cấp, các ngành chức năng có trách nhiệm thường xuyên cập nhật các thông tin về công tác bảo vệ môi trường kịp thời báo cáo, đề xuất các giải pháp xử lý phù hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã; tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH |
(Ban hành kèm theo Quyết định số 17/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang)
TT |
Tên cơ sở |
Kế hoạch di chuyển |
1 |
Bệnh viện lao và bệnh phổi |
Các cơ sở chủ động xây dựng kế hoạch di chuyển để sau năm 2010 di chuyển ra khỏi địa bàn thị xã đến địa điểm mới và khu công nghiệp tập trung. |
2 |
Nhà máy nghiền bột barít Hòa An |
|
3 |
Nhà máy giấy Nông Tiến |
|
4 |
Nhà máy sản xuất bột kẽm Tràng Đà |
|
5 |
Cơ sở chế biến lâm sản phường Minh Xuân |
|
6 |
Nhà máy đường Tuyên Quang |
|
7 |
Nhà máy chế biến thức ăn gia súc |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.