THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 168/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2023 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030;
Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng, Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng, Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;
Căn cứ Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế;
Căn cứ Quyết định số 1701/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050;
Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tại Tờ trình số 212/TTr-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2022 và Báo cáo thẩm định số 190/BC-BXD ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ Xây dựng.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045 với những nội dung chủ yếu như sau:
1. Tên đồ án: Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045.
2. Phạm vi, ranh giới quy hoạch:
Ranh giới Khu kinh tế Dung Quất được giới hạn theo Quyết định số 124/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 20 tháng 01 năm 2011; quy mô diện tích khoảng 45.332 ha, trong đó phần diện tích đất liền khoảng 33.581 ha, đảo Lý Sơn 1.492 ha (gồm hiện trạng phần đảo nổi 1.039,85 ha và không gian phát triển mới) và diện tích mặt nước (vùng biển) khoảng 10.711,15 ha. Phạm vi bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của các xã: Bình Đông, Bình Thạnh, Bình Chánh, Bình Thuận, Bình Trị, Bình Hải, Bình Phước, Bình Châu, Bình Hòa, Bình Tân Phú, Bình Thanh, Bình Dương, thị trấn Châu Ổ, và một phần diện tích các xã Bình Long, Bình Nguyên, Bình Hiệp, Bình Trung thuộc huyện Bình Sơn; toàn bộ diện tích tự nhiên của xã Tịnh Phong và một phần diện tích của xã Tịnh Thọ thuộc huyện Sơn Tịnh; toàn bộ diện tích tự nhiên xã Tịnh Hòa, xã Tịnh Kỳ thuộc thành phố Quảng Ngãi; toàn bộ diện tích huyện đảo Lý Sơn và mặt biển liền kề, được giới hạn như sau:
- Phía Đông: giáp biển Đông.
- Phía Tây: giáp đường sắt Bắc Nam.
- Phía Nam: giáp thành phố Quảng Ngãi.
- Phía Bắc: giáp tỉnh Quảng Nam.
a) Tầm nhìn
Khu kinh tế Dung Quất phát triển thành một trong những trung tâm kinh tế biển năng động, với nền kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực quan trọng của quốc gia; lấy cảnh quan đô thị biển làm sức hấp dẫn, lấy nền tảng cơ sở hạ tầng phát triển để đẩy mạnh kinh tế biển, hướng đến sự thịnh vượng.
b) Tính chất
- Là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: Công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông lâm ngư nghiệp. Trong đó, trọng tâm là công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp hóa chất và công nghiệp nặng với các ngành chủ đạo: Luyện cán thép, đóng tàu biển và các ngành công nghiệp khác gắn với việc khai thác cảng nước sâu.
- Là khu vực phát triển đô thị; trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia; trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
- Là một trong các đầu mối giao thông vận tải, trao đổi hàng hóa và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
- Có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của quốc gia.
a) Quy mô dân số
- Đến năm 2030, dân số Khu kinh tế Dung Quất khoảng 347.000 người, trong đó dân số đô thị là 295.000 người, nông thôn khoảng 52.000 người. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 85%.
- Tầm nhìn đến năm 2045, dân số Khu kinh tế Dung Quất khoảng 575.000 người, trong đó dân số đô thị là 546.000 người, nông thôn khoảng 29.000 người. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 95%. b) Quy mô đất đai
- Đến năm 2030, đất xây dựng các khu, cụm công nghiệp khoảng 4.403 ha; đất xây dựng các khu dân dụng khoảng 7.183 ha; đất xây dựng các khu du lịch, dịch vụ tập trung khoảng 1.433 ha.
- Đến năm 2045, đất xây dựng các khu, cụm công nghiệp khoảng 8.040 ha; đất xây dựng các khu dân dụng khoảng 9.365 ha; đất xây dựng các khu du lịch, dịch vụ tập trung khoảng 2.901 ha.
5. Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chủ yếu
Các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật áp dụng theo yêu cầu của quy chuẩn quy hoạch xây dựng hiện hành đối với đô thị loại II cho khu vực phát triển đô thị và quy chuẩn quy hoạch xây dựng hiện hành đối với các khu chức năng khác, có xét đến các yếu tố đặc thù. Cụ thể như sau:
TT |
Hạng mục |
Đơn vị |
Chỉ tiêu |
|
Năm 2030 |
Năm 2045 |
|||
I |
Chỉ tiêu sử dụng đất dân dụng |
|
|
|
1 |
Đất đơn vị ở xây dựng mới |
m²/người |
28 - 55 |
28 - 55 |
2 |
Đất công trình dịch vụ công cộng |
m²/người |
≥ 5 |
≥ 5 |
3 |
Đất cây xanh |
m²/người |
≥ 8 |
≥ 10 |
4 |
Đất giao thông |
m²/người |
≥ 18 |
≥ 20 |
II |
Chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật |
|
|
|
1 |
Tỷ lệ đất giao thông khu vực nội thị/đất xây dựng trong khu vực nội thị |
% |
18 - 24 |
24 - 26 |
2 |
Phụ tải điện sinh hoạt |
w/người |
400 |
600 |
3 |
Cấp nước sinh hoạt |
lít/người/ngày đêm |
120 |
150 |
4 |
Tỷ lệ thu gom nước thải sinh hoạt |
% cấp nước |
≥ 90 |
≥ 95 |
5 |
Lượng chất thải rắn phát sinh |
kg/người/ngày |
1 |
1,2 |
6 |
Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom |
% |
100 |
100 |
6. Định hướng phát triển không gian, kiến trúc cảnh quan
a) Cơ cấu phân khu chức năng
Toàn khu kinh tế được chia làm 05 phân khu chức năng chính để kiểm soát phát triển gồm: (1) Phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Bắc Dung Quất; (2) Phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Châu Ổ - Bình Long; (3) Phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Nam Dung Quất; (4) Phân khu đô thị, dịch vụ Đông Nam Dung Quất; (5) Phân khu đô thị Lý Sơn.
b) Tổ chức các khu chức năng trong Khu kinh tế Dung Quất
Không gian phát triển mới của các khu chức năng trong Khu kinh tế Dung Quất được điều chỉnh, sắp xếp lại như sau:
- Trung tâm điện lực Dung Quất: Bổ sung Trung tâm điện khí, diện tích khoảng 103 ha thuộc địa bàn xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn.
- Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ có tổng diện tích khoảng 8.040 ha, với 7 khu vực phát triển công nghiệp tập trung, trong đó các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được điều chỉnh có tổng diện tích khoảng 4.215 ha (Khu công nghiệp Tây Dung Quất, khoảng 355 ha; Khu công nghiệp Đông Dung Quất, khoảng 2.205 ha; Khu công nghiệp Bình Hòa - Bình Phước I, khoảng 610 ha; Khu công nghiệp Bình Hòa - Bình Phước II, khoảng 305 ha; Khu công nghiệp Tịnh Phong, khoảng 138 ha; Khu công nghiệp VSIP, khoảng 582 ha; Cụm công nghiệp Bình Nguyên, khoảng 20 ha); quy hoạch bổ sung Cụm công nghiệp Tịnh Phong, khoảng 75 ha; Quy hoạch bổ sung các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khoảng 3.750 ha (Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Dung Quất I, khoảng 165 ha; Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Dung Quất II, khoảng 1.085 ha; Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình Thanh, khoảng 2.500 ha).
- Cảng, sân bay và các trung tâm dịch vụ hậu cần, logistic, có diện tích khoảng 608 ha, trong đó: Khu bến Dung Quất, Sa Kỳ, Tịnh Hòa - Tịnh Kỳ, Lý Sơn, diện tích khoảng 300 ha; sân bay Lý Sơn khoảng 153 ha; trung tâm dịch vụ hậu cần cảng, logistics, diện tích khoảng 155 ha.
- Các đô thị, khu đô thị có tổng diện tích khoảng 14.000 ha, gồm: Đô thị Lý Sơn (huyện Lý Sơn), đô thị Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh) và 04 khu đô thị hạt nhân của đô thị Bình Sơn (Dốc Sỏi, Châu Ổ - Bình Long, Vạn Tường, Đông Nam Dung Quất), khu đô thị Tịnh Hòa -Tịnh Kỳ (thành phố Quảng Ngãi), trong đó đất xây dựng dân dụng khoảng 9.365 ha (bao gồm đất đơn vị ở, đất công cộng, cây xanh, giao thông đô thị, và các thiết chế công đoàn lao động).
- Trung tâm nghiên cứu, đào tạo tiếp tục được nâng cấp, mở rộng tại khu đô thị Vạn Tường; quy hoạch bổ sung mới tại khu đô thị Châu Ổ - Bình Long và đô thị Tịnh Phong. Diện tích quy hoạch mới khoảng 89 ha.
- Khu du lịch, khu dịch vụ tập trung, với diện tích khoảng 713 ha: Quy hoạch 06 khu vực, gồm: Khu vực Thiên Đàng - Khe Hai thuộc xã Bình Thạnh; đầm Thuận Phước thuộc xã Bình Thuận; biển Lệ Thủy, Gành Yến thuộc xã Bình Trị và Bình Hải; biển Bình Châu thuộc xã Bình Châu và huyện đảo Lý Sơn.
- Các khu dân cư, làng xóm đô thị hóa có diện tích khoảng 4.275 ha: Các khu dân cư, làng xóm đô thị hóa được cải tạo, nâng cấp theo lộ trình phát triển đô thị, gắn với phát triển du lịch, nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao.
- Khu nông nghiệp, nông thôn: Bao gồm các khu dân cư gắn với sản xuất nông nghiệp, các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản có diện tích khoảng 9.781 ha.
c) Định hướng kiến trúc, cảnh quan
Phát triển không gian đô thị hiện đại, hấp dẫn, giàu bản sắc, dựa trên cấu trúc cảnh quan và hệ sinh thái tự nhiên, đồi núi, sông, hồ, biển, hải đảo.
- Vùng cảnh quan ven biển: Phát triển, quản lý và khai thác hợp lý diện tích rừng phòng hộ ven biển, kết hợp sử dụng vào các mục đích công cộng và hỗ trợ phát triển du lịch bền vững; thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển và từ hành lang bảo vệ bờ biển dành cho không gian công cộng.
- Vùng cảnh quan khu đô thị Dốc Sỏi: Khai thác tối đa lợi thế về cảnh quan ven biển và vị trí tiếp giáp phía Nam sân bay Chu Lai. Xây dựng mật độ thấp, diện tích không gian xanh lớn, hòa nhập với cảnh quan thiên nhiên. Hình thành các không gian xanh, các khoảng đệm và hành lang xanh phân tách các khu chức năng của đô thị, tạo sự đa dạng trong bố cục không gian. Khu vực có vị trí nằm tiếp giáp sân bay Chu Lai đòi hỏi yêu cầu về tĩnh không sân bay, vì vậy cần kiểm soát xây dựng những công trình cao tầng đảm bảo an toàn hàng không.
- Vùng cảnh quan khu đô thị Châu Ổ - Bình Long: Khai thác tối đa cảnh quan khu vực hai bên bờ sông Trà Bồng, sông Bi để tổ chức các không gian xanh, hành lang xanh để tạo ra các khu vực có môi trường sinh thái, tầm nhìn tốt. Các công trình cao tầng được ưu tiên xây dựng dọc tuyến đường quốc lộ 1 và dọc trục đường Dốc Sỏi - Hoàng Sa.
- Vùng cảnh quan các khu đô thị ven biển (Vạn Tường, Đông Nam Dung Quất): Là khu vực ven biển từ xã Bình Trị đến xã Bình Châu huyện Bình Sơn xây dựng với mật độ thấp. Điểm nhấn không gian là cảnh quan mở của khu vực quảng trường biển nằm tiếp giáp với tuyến đường ven biển. Các khu trung tâm Vạn Tường, Bình Châu bố trí các công trình cao tầng hiện đại, kết hợp hài hòa với các không gian mở, các lõi cây xanh, các trục đường hướng ra biển, tạo ra các không gian điểm nhấn, không gian du lịch, điểm du lịch hấp dẫn.
- Vùng cảnh quan đô thị biển đảo Lý Sơn:
+ Đảo Lớn: Phát triển các khu đô thị dọc mặt tiền bờ biển phía Nam theo hướng tiếp cận trực tiếp đường bờ biển, phát triển các khu sinh thái biển, các hoạt động vui chơi cao cấp và đặc sắc. Cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp và bảo tồn không gian phố cổ, hình thành các tuyến phố đi bộ, phố du lịch, phát triển các công trình hỗn hợp đa chức năng trên cơ sở sử dụng tiết kiệm quỹ đất trên đảo.
+ Đảo Bé: Phát triển các khu dân cư mới theo hướng kết hợp ở và khai thác phục vụ du lịch. Định hướng phát triển thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế; khai thác và sử dụng bền vững không gian và tài nguyên biển phục vụ phát triển du lịch.
- Tổ chức không gian cây xanh mặt nước:
+ Đối với tuyến đường bộ ven biển cần có khoảng lùi trồng cây xanh, tạo hành lang xanh hai bên đường, xây dựng các công viên, quảng trường biển, bãi đậu xe và các công trình dịch vụ công cộng đô thị.
+ Hình thành tuyến cảnh quan cây xanh dọc hai bờ sông, tạo dựng các không gian sinh hoạt công cộng, thể dục thể thao cho người dân. Trồng các loại cây có tác dụng chống sạt lở đất, giữ đất, đồng thời khoảng cách giữa các cây vẫn phải đảm bảo cho việc thoát lũ, thoát nước khi có lũ lụt, úng ngập.
7. Định hướng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội
a) Định hướng phát triển đô thị
- Phấn đấu đến năm 2025: huyện Lý Sơn đạt một số tiêu chí cơ bản của đô thị loại IV; toàn huyện Bình Sơn cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV, thành lập thị xã Bình Sơn trực thuộc tỉnh Quảng Ngãi; xã Tịnh Phong huyện Sơn Tịnh cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại V.
- Giai đoạn 2026 - 2035: Huyện Lý Sơn đạt tiêu chí đô thị loại IV; đô thị Bình Sơn cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại III; nâng cấp xã Tịnh Phong đạt đô thị loại V, thành lập thị trấn Tịnh Phong thuộc huyện Sơn Tịnh.
- Giai đoạn 2036 - 2045: Tập trung đầu tư hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng nâng cao cho các đô thị. Hướng tới thành lập thành phố Bình Sơn, thành phố Lý Sơn (huyện Lý Sơn) trực thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Từng bước hình thành vùng đô thị động lực phía Bắc của tỉnh Quảng Ngãi (gồm: Thành phố Quảng Ngãi, thành phố Bình Sơn, thị trấn Tịnh Phong và thành phố Lý Sơn) và của cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
b) Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế
- Tập trung nâng cao giá trị các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn (công nghiệp lọc hóa dầu, luyện cán thép, cơ khí, đóng tàu biển…); phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch; công nghiệp hỗ trợ; chế biến, chế tạo; xử lý nước thải, rác thải; năng lượng tái tạo; các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động. Đầu tư, phát triển Khu kinh tế Dung Quất trở thành một trong những trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Đẩy mạnh phát triển các mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp sinh thái.
- Phát triển ngành dịch vụ đa dạng, hiện đại, bền vững; phát triển cả dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội và dịch vụ công; trong đó tập trung phát triển đột phá một số dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ngành dịch vụ có sức cạnh tranh cao, đưa Khu kinh tế Dung Quất trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, vận tải, kho bãi, logistic, thương mại của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; hình thành và phát triển khu du lịch quốc gia (Lý Sơn - Bình Châu - Mỹ Khê), đưa dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng; tiếp tục ưu tiên phát triển ngành dịch vụ thiết yếu; khuyến khích phát triển các loại dịch vụ mới gắn với quá trình đô thị hóa trên địa bàn, đầu tư phát triển hệ thống chợ đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
- Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đô thị gắn với sự kiện, lễ hội, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái biển; du lịch vui chơi giải trí cao cấp; kết hợp với du lịch tham quan, thưởng ngoạn cảnh quan biển đảo, công viên địa chất và tìm hiểu, khám phá các sản phẩm hàng hóa lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp của Khu kinh tế. Đẩy mạnh kết nối du lịch Khu kinh tế Dung Quất với các trung tâm du lịch trọng điểm quốc gia và khu vực bằng hệ thống mạng lưới đường bộ cao tốc, đường bộ ven biển, đường thủy, đường biển, đường hàng không. Hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, vui chơi giải trí hiện đại, đẳng cấp mang tầm quốc tế tại khu vực bãi tắm Khe Hai, đầm Thuận Phước, Lệ Thủy, Gành Yến, Bình Châu, Lý Sơn. Xây dựng, cải tạo, nâng cấp đồng bộ kết cấu hạ tầng du lịch, từng bước hình thành khu du lịch trọng điểm quốc gia Lý Sơn - Bình Châu - Mỹ Khê.
- Quy hoạch và phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái kết hợp phát triển du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có năng suất chất lượng cao, tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên, quỹ đất của khu kinh tế. Phát triển vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại các xã Bình Phước, Bình Chánh, Bình Dương và huyện Lý Sơn; đầu tư nâng cấp hệ thống cảng cá và các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá.
- Phát triển, quản lý và khai thác hợp lý diện tích rừng phòng hộ ven biển, kết hợp sử dụng vào các mục đích công cộng và hỗ trợ phát triển du lịch bền vững.
c) Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng xã hội
- Phát triển hệ thống cơ quan, công trình hành chính cấp huyện, xã, thị trấn gắn với các đô thị trong khu kinh tế; phù hợp với yêu cầu, xu thế phát triển tổ chức hành chính mới và định hướng phát triển không gian tổng thể khu kinh tế; dài hạn, xây mới trung tâm hành chính đô thị Bình Sơn và trung tâm hành chính mới đô thị Tịnh Phong huyện Sơn Tịnh.
- Xây dựng và phát triển hệ thống các công trình văn hóa hiện đại gắn với đô thị và các khu dân cư. Bố trí đầy đủ các thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã, thị trấn. Tôn tạo, bảo vệ các công trình có giá trị nghệ thuật, các di tích cách mạng, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển kinh tế - du lịch của Khu kinh tế Dung Quất.
- Xây dựng, nâng cấp hệ thống trường đào tạo nghề theo tiêu chuẩn quốc tế tại Khu đô thị Vạn Tường, Châu Ổ - Bình Long, Tịnh Phong. Hoàn thiện, bổ sung mạng lưới giáo dục phổ thông theo các cấp học.
- Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị y tế, cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật đối với các cơ sở khám chữa bệnh hiện có. Hoàn thiện, nâng cao chất lượng cơ sở y tế cấp cơ sở.
- Xây dựng trung tâm thể dục thể thao cấp đô thị tại Khu đô thị Châu Ổ - Bình Long, Vạn Tường; nâng cấp hệ thống công trình thể dục thể thao hiện hữu, xây dựng các công trình luyện tập thể thao cấp đô thị, cấp khu ở hiện đại, tiêu chuẩn chất lượng. Các khu cây xanh tập trung: Công viên trung tâm tại đô thị Châu Ổ - Bình Long bên bờ sông Trà Bồng, sông Bi; công viên văn hóa Bình Châu thuộc xã Bình Châu; công viên quảng trường biển tại khu đô thị Vạn Tường, Đông Nam Dung Quất…
- Phát triển, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng nhà ở, đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư. Kiểm soát phát triển các khu vực làng xóm đô thị hóa. Cải thiện chất lượng nhà ở nông thôn. Tại khu vực trung tâm đô thị, khuyến khích xây dựng mô hình nhà ở kết hợp thương mại, dịch vụ, văn phòng.
Bảng các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất chính của Khu kinh tế Dung Quất theo các giai đoạn quy hoạch:
TT |
Danh mục |
Đến năm 2030 |
Đến năm 2045 |
||
Diện tích (ha) |
Tỷ lệ (%) |
Diện tích (ha) |
Tỷ lệ (%) |
||
1 |
Đất phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ |
4.403 |
9,71 |
8.040 |
17,74 |
2 |
Đất cảng, trung tâm logistic và dịch vụ hậu cần cảng, hậu cần sân bay |
454 |
1,00 |
454 |
1,00 |
3 |
Đất phát triển du lịch |
533 |
1,17 |
713 |
1,57 |
4 |
Đất xây dựng các khu dân dụng |
7.183 |
15,85 |
9.365 |
20,66 |
5 |
Đất thương mại, dịch vụ |
250 |
0,55 |
473 |
1,04 |
6 |
Đất trung tâm nghiên cứu, đào tạo |
89 |
0,20 |
89 |
0,20 |
7 |
Đất phát triển hỗn hợp |
650 |
1,43 |
1.717 |
3,79 |
8 |
Đất giao thông đối ngoại |
2.900 |
6,40 |
3.200 |
7,06 |
9 |
Đất hạ tầng kỹ thuật |
406 |
0,89 |
636 |
1,40 |
10 |
Đất an ninh, quốc phòng |
152 |
0,34 |
152 |
0,34 |
11 |
Đất tôn giáo, tín ngưỡng |
53 |
0,12 |
53 |
0,12 |
12 |
Đất nông, lâm nghiệp |
16.152 |
35,63 |
8.588 |
18,95 |
13 |
Đất cây xanh chuyên đề |
605 |
1,33 |
1.210 |
2,67 |
14 |
Đất cây xanh cách ly |
100 |
0,22 |
170 |
0,38 |
15 |
Đất khác (sông suối, mặt nước…) |
11.403 |
25,15 |
10.473 |
23,10 |
|
Tổng |
45.332 |
100,00 |
45.332 |
100,00 |
Cơ cấu sử dụng đất quy hoạch nêu trên nhằm mục tiêu quản lý, thu hút đăng ký đầu tư vào Khu kinh tế. Quy mô sử dụng đất cụ thể theo từng giai đoạn phát triển được thực hiện theo chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phân bổ và kế hoạch sử dụng đất của tỉnh.
9. Định hướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật
a) Chuẩn bị kỹ thuật
- San nền: Cao độ nền xây dựng tuân thủ theo định hướng của đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 được phê duyệt tại Quyết định số 124/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 20 tháng 01 năm 2011; các đồ án quy hoạch cốt nền và thoát nước mưa cho các đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; giải pháp san nền cho từng khu vực cơ bản kế thừa theo giai đoạn trước và có tính đến mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu.
- Thoát nước mưa: Tổ chức mạng lưới thoát nước mưa phù hợp với điều kiện địa hình của khu vực đảm bảo nguyên tắc tự chảy. Các khu chức năng được chia thành các lưu vực nhỏ để thu gom và dẫn nước theo hệ thống thoát nước ra các sông, suối của khu vực và ra biển.
b) Định hướng phát triển hệ thống giao thông
- Giao thông đường bộ:
+ Cao tốc Quảng Nam - Quảng Ngãi (CT22): Điểm cuối tuyến trùng với quốc lộ 24C giao với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Đoạn còn lại đi trùng với quốc lộ 24C, là đường đô thị tốc độ cao.
+ Quốc lộ 1; quốc lộ 24B: Quy mô tối thiểu 4 làn xe, đoạn qua đô thị theo quy mô mặt cắt đô thị; quốc lộ 24C (đường Võ Văn Kiệt): đường đô thị tốc độ cao với 6 làn xe và làn đường gom 2 bên, Bn = 60,5 m.
+ Xây dựng 02 bến xe đạt tiêu chuẩn loại I, 01 trạm dừng nghỉ tại nút giao Trì Bình, 01 bãi đỗ xe tải cho khu bến cảng Dung Quất.
- Giao thông đường sắt: Cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có, nâng cấp cải tạo và mở rộng 2 ga chính là ga Trì Bình và ga Bình Sơn; xây mới tuyến đường sắt chuyên dùng và tuyến đường sắt đô thị (vận chuyển hành khách khối lượng lớn).
- Hàng hải:
+ Cảng Dung Quất: Các khu bến cảng tiếp tục được đầu tư nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch được duyệt, tuân thủ theo quy hoạch ngành quốc gia; là khu bến tổng hợp, bến container, bến chuyên dụng, phục vụ Khu kinh tế Dung Quất và vùng phụ cận.
+ Cảng Sa Kỳ: Tiếp tục được đầu tư nâng cấp thành cảng tổng hợp.
+ Bến Vạn Tường và bến Bình Châu được xây dựng với chức năng là bến tàu khách du lịch.
+ Khu cảng Lý Sơn được xây dựng, nâng cấp đồng bộ gồm: cảng tổng hợp Lý Sơn và An Bình; cảng hành khách An Vĩnh và cảng hành khách Quốc tế (phía Nam sân bay Lý Sơn).
. Tiếp tục sử dụng cảng Bến Đình hiện nay, dài hạn điều chỉnh, nâng cấp phù hợp định hướng phát triển không gian toàn đảo phục vụ đa mục tiêu vận tải hàng hoá, hành khách, cung cấp dịch vụ hạ tầng nghề biển...
. Bố trí các khu vực neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, cứu nạn cứu hộ trên biển kết hợp phục vụ an ninh quốc phòng trên Đảo Lớn.
- Đường thủy nội địa: Cảng Tịnh Hòa và cảng Tịnh Kỳ là cảng cá kết hợp khu neo đậu tàu thuyền trú bão, đáp ứng nhu cầu của dân cư hoạt động trong lĩnh vực đánh bắt thủy sản; cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền tránh bão Sa Cần tại xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn; cảng cá sông Trà Bồng tại xã Bình Đông, huyện Bình Sơn.
- Giao thông đường hàng không: Xây dựng sân bay trên đảo Lý Sơn là sân bay lưỡng dụng kết hợp giữa sân bay quân sự và sân bay dân dụng cấp 4C, năng lực khai thác từ 3 triệu đến 3,5 triệu hành khách/năm.
- Tổ chức các trục kết nối với giao thông đối ngoại:
+ Các tuyến trục ngang: Đường N1: Bn = 31 m; đường Bình Long - Bình Trị (N2): Bn = 40 m; đường N3: Bn = 40 m; đường N4: Bn = 55 m; đường Bắc Tịnh Phong - Bình Châu (N5): Bn = 55 m; đường N6: Bn = 46 m; đường Nam Tịnh Phong - Bình Châu (N7): Bn = 27 - 40 m.
+ Các tuyến trục dọc: Đường Châu Ổ - Tịnh Phong nhánh Tây (D1): Bn = 31 m; đường Châu Ổ - Tịnh Phong nhánh Đông (D2): Bn = 15,25 - 40 m; đường Dốc Sỏi - Hoàng Sa (D3): Bn = 80 m; đường trục kinh tế phía Đông (D4): Bn = 60,5 m; đường D5: Bn = 40 m; đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh (D6): Bn = 55 m.
- Bãi đỗ xe: Xây dựng 06 bãi đỗ xe tập trung trên địa bàn khu kinh tế. Chỉ tiêu diện tích bãi đỗ xe đạt tối thiểu 4 m²/người.
- Định hướng giao thông công cộng: Tổ chức các tuyến xe buýt vận chuyển hành khách liên đô thị kết hợp với tuyến đường sắt đô thị và các loại hình giao thông công cộng khác.
c) Cấp nước
- Dự kiến nhu cầu cấp nước đã qua xử lý đến năm 2030 khoảng 153.000 m³/ngày đêm, đến năm 2045 khoảng 300.000 m³/ngày đêm; nhu cầu cấp nước thô đến năm 2030 khoảng 525.000 m³/ngày đêm, đến năm 2045 khoảng 725.000 m³/ngày đêm.
- Nguồn nước cấp đã qua xử lý chủ yếu từ các nhà máy nước trên địa bàn Khu kinh tế và thành phố Quảng Ngãi.
- Nguồn nước thô cấp chính cấp cho Khu kinh tế từ các sông Trà Bồng, Trà Khúc và hệ thống thủy lợi Thạch Nham thông qua kênh Chính Bắc và kênh B7.
- Mạng lưới đường ống cấp nước: Sử dụng hệ thống mạng vòng kết hợp với mạng cấp nước chữa cháy.
d) Cấp điện
- Tổng nhu cầu công suất cấp điện dự kiến đến năm 2045 khoảng 1.387MW.
- Nguồn điện:
+ Xây dựng nhà máy Điện khí Dung Quất có quy mô 4x750 MW.
+ Nguồn điện 500KV: Mở rộng, nâng công suất trạm 500kV Dốc Sỏi: 500/220/110kV- 2x600+900MW.
+ Nguồn điện 220KV: Nâng công suất các trạm biến áp: Trạm 220kV Dốc Sỏi: (125+25)MVA lên (2x250) MVA; trạm 220kV Dung Quất từ (1x125)MVA lên (125+250)MVA; xây dựng trạm 220kV nhà máy Thép (Dung Quất 2), quy mô công suất (2x250)MVA.
+ Nguồn và lưới điện 110KV: Nâng cấp và xây dựng mới các trạm biến áp 110KV phù hợp với nhu cầu phát triển của phụ tải và quy hoạch chuyên ngành trên địa bàn khu kinh tế và vùng phụ cận.
- Lưới điện:
+ Lưới điện cao thế 500KV, 220KV, 110KV đi qua khu kinh tế được thực hiện theo quy hoạch chuyên ngành.
+ Lưới điện trung thế và hạ thế: Các tuyến điện trung thế 35KV, 22KV, 0,4KV được cải tạo, nắn tuyến theo đường quy hoạch, chuyển thành đi ngầm đối với khu xây dựng mới và đưa về sử dụng cấp điện áp chuẩn 22KV.
+ Lưới điện chiếu sáng: Đảm bảo tất cả các tuyến đường giao thông được chiếu sáng theo đúng quy chuẩn.
đ) Thông tin liên lạc
Đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc, đảm bảo cung cấp đầy đủ các loại hình dịch vụ viễn thông. Ngầm hóa hệ thống cáp thông tin liên lạc tại khu vực trung tâm đô thị, các khu đô thị mới và khu vực công trình công cộng đô thị. Từng bước hạ ngầm cáp thông tin liên lạc tại các khu đô thị hiện hữu.
e) Thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang
- Tổng lượng nước thải sinh hoạt phát sinh đến năm 2045 khoảng 100.000 m³/ngày đêm. Khu vực phát triển đô thị sử dụng hệ thống thoát nước riêng hoàn toàn. Khu vực dân cư hiện hữu trước mắt sử dụng hệ thống thoát nước chung, giai đoạn sau từng bước cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng. Xây dựng các trạm xử lý nước thải sinh hoạt cho toàn bộ các đô thị phát triển có công suất trạm xử lý từ 2.000 m³/ngày đến 17.600 m³/ngày, được phân chia theo từng lưu vực thoát nước. Nước thải sinh hoạt các công trình độc lập và các khu vực dân cư mật độ thấp khó kết nối vào hệ thống chung toàn khu vực được xử lý cục bộ bằng các bể tự hoại hợp quy cách tại các công trình, sau đó thoát ra hệ thống thoát nước chung.
+ Khu, cụm công nghiệp sử dụng hệ thống thoát nước riêng hoàn toàn. Xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung theo từng loại hình công nghiệp: Khu công nghiệp Tây Dung Quất khoảng 8.000 m³/ngày đêm; Khu công nghiệp phía Đông Dung Quất khoảng 33.000 m³/ngày đêm; Khu công nghiệp Bình Hòa - Bình Phước khoảng 22.500 m³/ngày đêm; Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Bình Thanh khoảng 37.500 m³/ngày đêm; Khu công nghiệp VSIP khoảng 15.000 m³/ngày đêm; Khu công nghiệp Tịnh Phong 2.000 m³/ngày đêm; Cụm công nghiệp Tịnh Phong 2.000 m³/ngày đêm; các cơ sở sản xuất kinh doanh nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp có phát sinh nước thải sản xuất, đều phải được xử lý đạt tiêu chuẩn hiện hành trước khi thải ra nguồn tiếp nhận theo quy định.
+ Nước thải của các bệnh viện phải được xử lý riêng và khử trùng trước khi thải ra hệ thống thoát nước chung.
- Quản lý chất thải rắn: Nhu cầu thu gom, xử lý chất thải rắn toàn khu kinh tế đến năm 2045 khoảng 2.690 tấn (trong đó chất thải rắn sinh hoạt khoảng 335 tấn, chất thải rắn công nghiệp khoảng 2.000 tấn). Chất thải rắn sau khi được thu gom, được đưa về xử lý tại các khu xử lý chất thải rắn theo quy hoạch tỉnh. Xây dựng mới Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Dung Quất có công nghệ hiện đại, quy mô diện tích khoảng 70 - 100 ha tại xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh (phía Tây núi Đồng Lụa).
- Quy hoạch nghĩa trang, nhà tang lễ:
+ Mở rộng các nghĩa trang: Nghĩa trang Đồng Có lên 12 ha, nghĩa trang Bình Hoà lên 18,19 ha, Nghĩa trang Động Doan lên 10 ha.
+ Xây dựng nghĩa trang Bình Đông khoảng 6,7 ha, nghĩa trang Bình Phước khoảng 10,5 ha, nghĩa trang Phố Tinh khoảng 5,8 ha. Xây dựng nghĩa trang Núi Răm 20 - 30 ha để phục vụ nhu cầu chôn cất, di dời nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất.
+ Hoàn thiện xây dựng các nghĩa trang Phượng Hoàng 40,5 ha, Sơn Viên Lạc Cảnh 56,2 ha phục vụ cho Khu kinh tế Dung Quất và vùng phụ cận.
Các nghĩa trang hiện có giữ lại được cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang đảm bảo cách ly an toàn vệ sinh theo quy định.
+ Nhà tang lễ: Xây dựng các nhà tang lễ trong Khu kinh tế Dung Quất, có thể kết hợp với các Bệnh viện đa khoa tại khu vực (Châu Ổ - Bình Long, Vạn Tường và Đảo Lớn Lý Sơn).
10. Đánh giá môi trường chiến lược
a) Các giải pháp chính về bảo vệ môi trường
Sử dụng năng lượng tái tạo; khuyến khích sử dụng công nghệ thân thiện môi trường trong các lĩnh vực sản xuất và sinh hoạt; sử dụng, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản, nguồn nước, đảm bảo các quy định về môi trường. Lồng ghép các giải pháp phát triển đô thị xanh, phát triển tập trung để quản lý thoát nước và xử lý nước thải tốt nhất. Xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát định kỳ về môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, khu khai thác khoáng sản, khu vực làng nghề và các khu vực khác có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
b) Các giải pháp chủ yếu đối với từng khu vực
- Khu vực sông Trà Bồng, sông Cà Ninh, sông Châu Me: phục hồi thông qua các dự án cải tạo môi trường nước mặt, nạo vét lòng sông, khơi thông cống rãnh... chất thải rắn cần được thu gom và đưa đi xử lý đúng nơi quy định. Từng bước công viên hóa các không gian cảnh quan ven sông theo hướng sinh thái, phi công trình để gia tăng không gian công cộng cho cư dân trong khu kinh tế.
- Khu vực đảo Lý Sơn: Kiểm soát các hoạt động xây dựng, giữ gìn và bảo vệ tối đa hệ sinh thái tự nhiên biển đảo, duy trì hệ sinh thái đa dạng, phục hồi hệ sinh thái biển đảo và khai thác phát triển du lịch bền vững. Phục hồi rong tảo biển, san hô và hệ sinh thái biển; thường xuyên thực hiện các chiến dịch làm sạch môi trường biển vùng triều; điều chỉnh Quy hoạch khu bảo tồn biển Lý Sơn phù hợp không gian phát triển mới của đảo, đảm bảo an toàn môi trường trong các hoạt động khai thác thủy hải sản, dịch vụ du lịch (lặn biển ngắm san hô, các hoạt động vui chơi giải trí trên biển, các bến tàu khách du lịch...).
- Khu vực phát triển đô thị: Xây dựng đồng bộ hệ thống thu gom, xử lý nước thải và chất thải rắn; duy trì và phát triển hệ thống cây xanh cảnh quan, hồ điều hòa.
- Khu, cụm công nghiệp, cảng, kho bãi: Áp dụng hệ thống quản lý và bảo vệ môi trường theo Bộ tiêu chuẩn ISO 14000. Phân vùng quy hoạch xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng hợp lý, nhằm đạt hiệu quả về kinh tế, giảm thiểu tối đa chi phí, thời gian đầu tư, phát huy ưu thế chung của tổng thể khu kinh tế cũng như để quản lý tốt hơn các chất thải và các sự cố môi trường phát sinh. Quy hoạch phát triển hành lang xanh rừng phòng hộ kết hợp đê kè ven sông, ven biển hạn chế ảnh hưởng bão, nước biển dâng, đặc biệt đối với các khu công nghiệp. Cần có hạ tầng phục vụ công tác sơ tán khi có thiên tai xảy ra, kịch bản phòng ngừa rủi ro, sự cố môi trường cho nhà máy lọc dầu, kho xăng dầu, tổ hợp gang thép Hòa Phát...
- Khu vực nông thôn: Đầu tư hệ thống thiết bị cho việc phân loại và thu gom rác thải sinh hoạt; xây dựng hệ thống thoát nước hợp vệ sinh; áp dụng các quy trình sản xuất công nghệ cao, sạch trong sản xuất nông nghiệp.
c) Các giải pháp thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu:
Nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng, thích ứng với biến đổi khí hậu; lồng ghép vấn đề thích ứng biến đổi khí hậu vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị của khu vực chịu ảnh hưởng trong điều kiện biến đổi khí hậu. Hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu; kiên cố hóa nhà ở, công trình chịu gió bão, ngập lụt; xây dựng đồng bộ và kiên cố hóa đường ven đê, ven sông. Tăng cường không gian xanh thẩm thấu tập trung và cục bộ trong các khu đô thị, duy trì và tăng cường hệ thống rừng phòng hộ, cấu trúc không gian phù hợp địa hình đặc biệt bảo vệ khu vực thoát nước tự nhiên; duy trì không gian mặt nước, thiết kế thích ứng chống chịu gió bão, thiết kế lưu vực giữ nước phòng chống hạn hán phục vụ tưới tiêu, vật liệu chịu úng, vật liệu thẩm thấu cho lưu vực giữ nước. Mở các vùng ngập lũ bằng cách tăng cường khu chứa nước kết hợp với vùng ngập nước tự nhiên và nông nghiệp dọc sông Trà Bồng, sông Cà Ninh, sông Châu Me...
11. Các dự án ưu tiên đầu tư xây dựng
a) Các dự án do trung ương đầu tư trên địa bàn: Dự án trung tâm Điện lực Dung Quất; dự án mở rộng, nâng công suất Nhà máy lọc dầu Dung Quất; dự án nâng cấp quốc lộ 1, quốc lộ 24C, quốc lộ 24B, tuyến đường cao tốc Quảng Nam - Quảng Ngãi (CT22) và các nút giao Bình Long, Trì Bình, Tịnh Thọ với tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi…
b) Các dự án do tỉnh quản lý: Tiếp tục đầu tư hoàn thiện các khu dân cư, tái định cư để phục vụ giải phóng mặt bằng xây dựng các khu chức năng; đầu tư hoàn thiện hệ thống nghĩa trang theo quy hoạch; hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển; cải tạo nâng cấp các tuyến đường tỉnh, xây mới các tuyến trục liên khu chức năng, khớp nối các khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch theo quy hoạch; hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
c) Các dự án kêu gọi đầu tư: Dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và các dự án sản xuất công nghiệp của nhà đầu tư thứ cấp; các dự án đầu tư đô thị - dịch vụ, khu du lịch biển, công viên và khu vui chơi giải trí,… dự án đầu tư xây dựng, khai thác bến xe khách, xe buýt, bến tàu phục vụ du lịch, đường sắt đô thị; dự án cảng hàng không Lý Sơn; dự án chợ đầu mối Tịnh Phong; dự án cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp, xây dựng mới một số tuyến đường giao thông đô thị; dự án phát triển nhà ở (gồm nhà ở xã hội); dự án đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải các khu công nghiệp; dự án nâng cấp hệ thống cấp nước; nhà máy xử lý và tái chế rác thải theo công nghệ hiện đại.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi: công bố công khai đồ án quy hoạch; tổ chức lập quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng, thiết kế đô thị cho các khu chức năng trong khu kinh tế; xây dựng và ban hành Quy chế quản lý kiến trúc theo quy định bảo đảm tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
KT. THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.