ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1642/QĐ-UBND |
Bình Phước, ngày 07 tháng 9 năm 2022 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;
Căn cứ Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ;
Căn cứ Kết luận số 362-KL/TU ngày 25 tháng 6 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 43/TTr-SCT ngày 25 tháng 8 năm 2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Điều 2. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Công Thương; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN
2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 1642/QĐ-UBND ngày 07 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Bình Phước)
SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. Sự cần thiết xây dựng đề án
1. Sự cần thiết phải xây dựng đề án
Với định hướng phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng gia tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Để phát triển nhanh ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng bền vững, tỉnh cần có bước đột phá trong phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT). CNHT là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp cuối cùng và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa theo hướng vừa mở rộng, vừa phát triển theo chiều sâu. CNHT phát triển, sẽ hỗ trợ cho các công ty lắp ráp và những công ty sản xuất thành phẩm cuối cùng, không phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu linh kiện.
Trên địa bàn tỉnh Bình Phước, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT ngày càng mở rộng về quy mô và nâng cao công nghệ sản xuất, đóng góp lớn vào tỷ trọng phát triển công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và GRDP của địa phương. Các doanh nghiệp này đang tập trung sản xuất các dòng sản phẩm linh kiện và phụ tùng, phục vụ cho ngành công nghiệp chế tạo, tiêu dùng; từng bước hình thành được hệ thống các doanh nghiệp sản xuất hỗ trợ. Các doanh nghiệp này được tiếp nhận các hướng dẫn kỹ thuật, thiết kế sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất chính, có các hợp đồng thầu phụ với nhà sản xuất chính, các doanh nghiệp sản xuất hỗ trợ không phải đầu tư vào sản xuất từ khâu đầu đến khâu cuối, mà vẫn có thể tổ chức sản xuất các sản phẩm công nghiệp có chất lượng cao.
Để lĩnh vực CNHT của tỉnh nhà ngày càng phát triển, Bình Phước cần nghiên cứu xây dựng những giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ cho ngành này. Vì vậy, việc thiết lập Đề án phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 là rất cần thiết. Đây là một trong những giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành công nghiệp theo hướng bền vững, giá trị gia tăng cao.
2. Các căn pháp lý
- Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;
- Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ;
- Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016-2025;
- Quyết định 9082/QĐ-BCT ngày 08 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về phê duyệt Quy hoạch phát triển CNHT đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030;
- Quyết định số 2793/QĐ-BCT ngày 30 tháng 10 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT;
- Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 22 tháng 10 năm 2020 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025);
- Nghị quyết số 19/2020/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NGÀNH HÀNG VÀ SẢN PHẨM CNHT CỦA TỈNH GIAI ĐOẠN 2015-2020
I. Thực trạng phát triển lĩnh vực CNHT trên địa bàn tỉnh
Tính riêng sản phẩm CNHT trong các sản phẩm công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện đang đóng góp vào tỷ trọng GRDP của tỉnh khoảng 4%, thu ngân sách nhà nước khoảng 130 tỷ đồng và xuất khẩu sản phẩm CNHT hàng năm chiếm khoảng 14% tổng kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh (tương đương hơn 1,2 tỷ USD giai đoạn 2016-2020). Số lượng doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm CNHT hiện có khoảng 38 doanh nghiệp để sản xuất ra khoảng 114 loại sản phẩm CNHT, trong đó hơn 70% là doanh nghiệp trong nước. Trong khi nhập về tới 183 loại sản phẩm CNHT. Thị trường xuất khẩu chủ yếu Hàn Quốc (64%), Đài Loan (8%), Singapore (7%) và xuất khẩu vào các khu chế xuất để làm hàng xuất khẩu là 8%.
Để đo lường vai trò của CNHT trong nền kinh tế tỉnh, Đề án ưu tiên sử dụng đơn vị đo lường là giá trị kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu như một đơn vị đo lường thay thế.
Chi tiết từng phân ngành sản xuất sản phẩm CNHT như sau:
1. Sản phẩm CNHT trong Ngành dệt - may
Giai đoạn 2016-2020, ngành này đóng góp khoảng 56% giá trị kim ngạch xuất khẩu của lĩnh vực CNHT, chủ yếu đóng góp từ các sản phẩm vải (91 ngàn tấn), sợi và chỉ (731 ngàn tấn), tương đương khoảng 688 triệu USD.
Tuy nhiên, các sản phẩm này chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành dệt - may trong tỉnh. Do đó, các doanh nghiệp của tỉnh phải nhập khẩu các loại vải (10 ngàn tấn), sợi và chỉ (gần 3,6 ngàn tấn) mà trong nước chưa sản xuất được hoặc còn thiếu để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành dệt - may.
2. Sản phẩm CNHT trong Ngành da - giày
Ngành này đóng góp khoảng 24% giá trị kim ngạch xuất khẩu của lĩnh vực CNHT, chủ yếu đóng góp từ các sản phẩm phụ kiện của giày như đế giày, dây giày, ruy băng trang trí, khoen, tem nhãn, tấm lót, sợi, vải dệt các loại, tương đương khoảng 293 triệu USD giai đoạn 2016-2020.
Tuy nhiên, các sản phẩm này chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành da - giày trong tỉnh. Do đó, các doanh nghiệp của tỉnh phải nhập khẩu đế giày, dây giày, sợi, vải dệt các loại phục vụ ngành da - giày mà trong nước chưa sản xuất được hoặc còn thiếu để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành dệt - may.
3. Sản phẩm CNHT trong Ngành điện tử - điện tử
Trên địa bàn tỉnh Bình Phước ngành này đóng góp khoảng 13% giá trị kim ngạch xuất khẩu của lĩnh vực CNHT, chủ yếu đóng góp từ các sản phẩm ắc quy, máy phát điện, tương đương khoảng 161 triệu USD giai đoạn 2016-2020.
4. Sản phẩm CNHT trong Ngành sản xuất lắp ráp ô tô
Trên địa bàn tỉnh Bình Phước chủ yếu tập trung các sản phẩm CNHT xuất khẩu, gồm: đèn, còi, đồng hồ đo các loại phục vụ xuất khẩu để lắp ráp ô tô đóng góp khoảng 7% giá trị kim ngạch xuất khẩu của lĩnh vực CNHT, tương đương khoảng 84 triệu USD giai đoạn 2016-2020.
5. Sản phẩm CNHT trong Ngành cơ khí chế tạo
Ngành này đóng góp giá trị kim ngạch xuất khẩu của lĩnh vực CNHT khoảng 0,6 triệu USD giai đoạn 2016-2020, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong giá trị sản xuất của lĩnh vực CNHT, chủ yếu tập trung các sản phẩm ống nối dẫn dầu.
6. Sản phẩm CNHT trong Ngành sản xuất sản phẩm CNHT cho công nghiệp công nghệ cao
Trên địa bàn tỉnh thì ngành này chưa hình thành. Tỉnh Bình Phước mới chỉ dự kiến thành lập 01 Khu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với kết cấu hạ tầng đồng bộ đề thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao, các cơ sở đào tạo, các cơ sở nghiên cứu KHCN, các hoạt động đổi mới sáng tạo, nhằm thu hút ngành này, hứa hẹn đóng góp cao trong giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn sau năm 2025.
II. Những kết quả đạt được, các hạn chế và nguyên nhân của hạn chế
1. Những kết quả đạt được
- Ngoài những kết quả đạt được về số lượng sản phẩm CNHT và kim ngạch xuất khẩu của mỗi sản phẩm thì phần lớn sản phẩm CNHT của tỉnh (trừ sản phẩm CNHT cho công nghiệp công nghệ cao) trong thời gian qua được xuất khẩu là chính. Bình Phước đã bắt đầu hình thành những nền tảng cho sự phát triển CNHT, đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp cuối cùng và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa trên địa bàn theo hướng vừa mở rộng vừa phát triển theo chiều sâu.
- Khuynh hướng đang tăng dần tỷ trọng đóng góp của các sản phẩm CNHT phù hợp với chương trình quốc gia về phát triển CNHT. Việc này gián tiếp thúc đẩy thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh vào tỉnh, thu hút sự quan tâm của các nhà phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và cả khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Lĩnh vực CNHT tiếp tục phát triển góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của tỉnh Bình Phước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Về cơ chế, chính sách: Chính phủ đã chỉ đạo triển khai xuyên suốt chính sách công về phát triển lĩnh vực CNHT trên phạm vi cả nước, cụ thể như Nghị Quyết số 115/NQ-CP ngày 08/6/2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT. Nghị Quyết đã đề ra các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển CNHT, đảm bảo phù hợp với bối cảnh tình hình mới.
2. Các hạn chế chính
- Phát triển CNHT trong thời gian qua vẫn có sự mất cân đối quy mô giữa các phân ngành (80% đóng góp từ dệt - may và da - giày) và trong mỗi phân ngành thiếu sản phẩm chất lượng cao với giá trị gia tăng lớn. Chính vì vậy sản phẩm CNHT trên địa bàn tỉnh chưa đa dạng về chủng loại, chưa thay thế được số lượng sản phẩm và chất lượng sản phẩm nhập khẩu nên chưa đáp ứng được nhu cầu nội địa hóa ngày càng cao. Cụ thể như sản phẩm CNHT là vải, sợi, chỉ, hoạt động nhuộm, phụ kiện của giày chưa cung cấp đủ nguyên liệu và chất lượng phục vụ cho ngành may mặc, da - giày; sản phẩm cơ khí chế tạo còn giới hạn ở các dòng van phục vụ ngành dầu khí.
- Số lượng các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển chưa nhiều. Những sản phẩm nằm trong Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển lại chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu sản xuất. Bởi vậy, các doanh nghiệp sản xuất, chế tạo trong nước vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu các sản phẩm CNHT từ nước ngoài. Điển hình ở Bình Phước đó là thủ phủ của cây cao su, nhưng đến nay vẫn chưa có công nghiệp hỗ trợ chế biến các sản phẩm từ cao su tự nhiên như: vỏ xe, cao su giảm chấn, cao su đệm, đai truyền lực, phớt, ống cao su thủy lực,...
- CNHT phân ngành dệt - may, da - giày vẫn thâm dụng lao động. Do đó, trong thời gian qua tạo gánh nặng trong việc cung ứng nguồn lao động và đảm bảo hạ tầng xã hội (nhà ở công nhân, hệ thống giáo dục, y tế, thiết chế văn hóa,...). Nguồn nhân lực có kỹ năng, kiến thức và tay nghề cao hiện nay đang thiếu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tỉnh nhà còn phải đối mặt với sự cạnh tranh trong thu hút nguồn nhân lực từ các tỉnh trong khu vực. Vì vậy, nguồn nhân lực hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu cung ứng lao động cho các lĩnh vực CNHT ngày càng phát triển.
3. Nguyên nhân của hạn chế
- Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong tỉnh còn thấp. Các doanh nghiệp CNHT có quy mô nhỏ và vừa, trình độ công nghệ còn kém; năng lực về vốn, trình độ công nghệ hạn chế nên dẫn đến tình trạng đầu tư thường manh mún, quy mô sản xuất nhỏ; không có doanh nghiệp đầu đàn sản xuất sản phẩm CNHT.
- Các doanh nghiệp CNHT tỉnh gần như không có khả năng nghiên cứu thiết kế, phát triển sản phẩm mới. Đại bộ phận sản phẩm CNHT được sản xuất theo mẫu mã do doanh nghiệp lắp ráp, chế tạo đặt hàng, vì vậy, sản phẩm chủ yếu là các linh kiện giản đơn, có giá trị thấp và giá trị gia tăng không cao.
- Nhiều nhà đầu tư cam kết đầu tư vào tỉnh với hoạt động CNHT có trình độ công nghệ cao (ví dụ: in vải, nhuộm vải và sợi tiết kiệm nước thay thế cho nhuộm thông thường) nhưng tiến độ thực hiện còn chậm.
- Trong thời gian qua, tỉnh Bình Phước chưa xây dựng Chương trình xúc tiến đầu tư riêng biệt cho lĩnh vực CNHT. Chính sách thu hút, khuyến khích đầu tư cho lĩnh vực CNHT chưa thật sự hoàn thiện và đủ sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
- Tỉnh chưa có một chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong ngành CNHT một cách toàn diện và dài hạn. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn chưa gắn kế hoạch phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu phát triển sản xuất của đơn vị, nên nguồn nhân lực hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu cung ứng lao động cho các lĩnh vực CNHT ngày càng phát triển.
III. Bối cảnh tỉnh, vùng và quốc tế để phát triển CNHT
- Giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm CNHT của tỉnh tương đương giá trị kim ngạch nhập khẩu nhưng cơ bản khác nhau về dòng sản phẩm. Vì vậy, đầu tư sản xuất sản phẩm CNHT để thay thế sản phẩm nhập khẩu đầu vào (ít nhất 50% nhu cầu nhập khẩu) là động lực để thu hút các doanh nghiệp CNHT.
- Dưới tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc; sự đứt gẫy chuỗi cung ứng do tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 đã đòi hỏi các tập đoàn lớn cần đa dạng hóa nguồn cung cấp sản phẩm CNHT. Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp CNHT của Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng đã cung ứng được sản phẩm cho những tập đoàn đa quốc gia lớn, cùng các doanh nghiệp FDI đã có mặt tại Việt Nam như: Canon, Samsung, Toyota, Honda,... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp CNHT cũng đã xuất khẩu sản phẩm trực tiếp cho các đối tác trên thế giới, đem lại doanh thu rất lớn. Đây sẽ cơ hội cho doanh nghiệp tỉnh Bình Phước tiếp thu các công nghệ sản xuất hiện đại, dần dần nội địa hóa các sản phẩm hỗ trợ cho các ngành điện, điện tử, lắp ráp ô tô, cơ khí chính xác,...
- Dòng vốn FDI đầu tư vào CNHT tại Việt Nam có xu hướng tăng mạnh để tranh thủ cơ hội khi Việt Nam đã thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA). Vì vậy, các công ty, tập đoàn lớn của nước ngoài đã thiết lập nhiều nhà máy chế tạo và lắp ráp tại Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng để hưởng được các lợi thế từ FTA. Theo đó, nó sẽ tạo cơ hội lớn cho các nhà cung cấp phụ tùng trong nước phát triển sản xuất.
- Ngành may mặc, da - giày, điện - điện tử trên thế giới trong thời gian qua luôn tăng trưởng cao. Sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 được kiểm soát và thích ứng nên xuất khẩu hàng dệt - may, da - giày; điện điện tử của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng; bên cạnh đó nhu cầu nội địa hóa ngành lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo ngày càng cao;... Vì vậy, đây sẽ là tiền đề để tỉnh phát triển lĩnh vực CNHT phục vụ cho ngành may mặc, da - giày, điện - điện tử, và lắp ráp ô tô trong thời gian tới.
Trước bối cảnh phát triển CNHT của tỉnh nhà gắn liền với bối cảnh chung của Việt Nam và quốc tế, số lượng các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT, cơ cấu sản phẩm và giá trị gia tăng sản phẩm CNHT được sản xuất trên địa bàn tỉnh dự báo ngày càng tăng để đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực của 06 phân ngành nêu trên. Tỉnh sẽ có đà phát triển dựa trên cơ hội thu hút đầu tư và đẩy mạnh thương mại sản phẩm CNHT, tỉnh nhà cần có những quan điểm, mục tiêu và giải pháp để phát triển lĩnh vực CNHT với hiệu quả cao nhất.
- CNHT đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa theo hướng vừa mở rộng về quy mô, vừa chú trọng chất lượng, hiệu quả, tính bền vững.
- Tập trung thu hút toàn diện nhưng có thứ tự ưu tiên các phân ngành, doanh nghiệp trong phân ngành có công nghệ cao, suất đầu tư cao, sản phẩm thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, sản xuất các sản phẩm đa dạng, chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu nội địa hóa của tỉnh nhà cũng như của cả nước.
- Phát triển CNHT phù hợp với quy hoạch của Quốc gia, của vùng miền Đông Nam Bộ, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phát triển công nghiệp của tỉnh, nhằm góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.
- Lấy doanh nghiệp lớn làm đầu tàu dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm CNHT; đồng thời, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp CNHT và các nhà sản xuất sản phẩm cuối cùng nhằm góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp trong cơ cấu GRDP của tỉnh.
II. Mục tiêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
1. Mục tiêu chung
- Phát triển CNHT được xây dựng trên cơ sở chọn lọc một số ngành công nghiệp chủ lực, dựa trên tiềm năng, thế mạnh của Bình Phước, từng bước cung ứng nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, qua đó, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp của tỉnh theo hướng vừa mở rộng, vừa phát triển theo chiều sâu.
- Ưu tiên đầu tư phát triển ngành CNHT theo hướng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất các phân ngành CNHT điện - điện tử, lắp ráp ô tô và cơ khí chế tạo để bổ trợ phát triển các ngành công nghiệp của tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025
- Đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm CNHT đạp 1 tỷ USD, tương đương 20% giá trị đóng góp của CNHT trong kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (5 tỷ USD).
- Trong giai đoạn này, sản lượng sản phẩm CNHT hàng năm trên địa bàn tỉnh sẽ thay thế từ 35% đến 40% sản lượng nhập khẩu CNHT với cùng yêu cầu chất lượng. Sản phẩm CNHT của tỉnh phải đảm bảo cung ứng mạnh mẽ và cạnh tranh đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
- Thu hút các doanh nghiệp đầu tư các dự án lớn, có công nghệ tiên tiến và suất đầu tư cao. Tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực điện, điện tử, lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo và sản xuất các sản phẩm từ cao su thiên nhiên (vỏ, ruột xe, vòng đệm,...).
Mục tiêu phát triển từng phân ngành CNHT đến năm 2025
Đơn vị tính: Triệu USD
Stt |
Sản phẩm CNHT theo thứ tự ưu tiên phát triển |
Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016 - 2020 |
2021 |
2022 |
2023 |
2024 |
2025 |
I |
Phân ngành điện tử |
161 |
48 |
113 |
146 |
182 |
210 |
II |
Phân ngành dệt - may |
688 |
206 |
248 |
297 |
329 |
400 |
III |
Phân ngành sản xuất lắp ráp ô tô |
85 |
27 |
68 |
94 |
117 |
145 |
IV |
Phân ngành da - giày |
293 |
84 |
97 |
110 |
128 |
125 |
V |
Phân ngành cơ khí chế tạo |
1 |
1 |
15 |
23 |
34 |
100 |
VI |
Phân ngành sản phẩm CNHT cho công nghiệp công nghệ cao |
0 |
0 |
0 |
0 |
10 |
20 |
Tổng cộng |
1.228 |
367 |
540 |
670 |
800 |
1.000 |
3. Mục tiêu đến năm 2030
- Đến năm 2030, sản lượng sản phẩm CNHT hàng năm trên địa bàn tỉnh sẽ thay thế từ 50% đến 60% sản lượng nhập khẩu CNHT với cùng yêu cầu chất lượng.
- Ưu tiên phát triển các phân ngành CNHT theo thứ tự như sau: (1) điện tử; (2) sản xuất lắp ráp ô tô, (3) dệt - may, (4) da - giày, (5) cơ khí chế tạo và (6) sản phẩm CNHT cho công nghiệp công nghệ cao.
III. Định hướng lựa chọn các sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển đến năm 2025
1. Sản phẩm CNHT trong phân ngành Điện tử
Ưu tiên thu hút nhà đầu tư lớn, có thương hiệu, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, tự động hóa,... Đến từ các thị trường mục tiêu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, các nước thuộc EU,... Sản phẩm thu hút ngay là pin, ắc quy phục cho tích trữ năng lượng tái tạo; phục vụ cho xe điện; linh kiện điện tử - quang điện tử cơ bản; dây và cáp điện, đèn led, tai nghe điện thoại và loa; màn hình các loại.
2. Sản phẩm CNHT trong phân ngành Dệt - may
Ưu tiên thu hút nhà đầu tư lớn, có thương hiệu, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, tự động hóa, ít thâm dụng lao động,... Đến từ các thị trường mục tiêu như Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, các nước thuộc Châu Âu,... Sản phẩm thu hút ngay là sợi, vải và chỉ cao cấp như sợi dệt kim, sợi dệt thoi, sợi Polyester có độ bền cao, sợi Spandex, nylon có độ bền cao; vải kỹ thuật, vải không dệt, vải dệt kim, vải dệt thoi; chỉ khâu làm từ xơ staple tổng hợp; cúc, mex, khóa kéo, băng chun, nhãn dệt các loại.
3. Sản phẩm CNHT trong phân ngành Sản xuất lắp ráp ô tô
Ưu tiên thu hút nhà đầu tư lớn, có thương hiệu, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, tự động hóa sản xuất sản phẩm và cung ứng dịch vụ phục vụ lắp ráp ô tô,... Đến từ các thị trường mục tiêu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Sri Lanka (như hãng Sun-tws), các nước thuộc EU,... Sản phẩm thu hút ngay là lốp cao su cho ô tô (như thương hiệu Kumho, Michelin), xe, máy công cụ; vành bánh xe bằng hợp kim nhôm; hệ thống phanh; máy phát điện; dây điện, đầu nối, cầu chì, các loại cảm biến, thiết bị tự động điều khiển, bộ xử lý; đèn, còi, đồng hồ đo các loại; ống xả; linh kiện nhựa; linh kiện cao su, vật liệu giảm chấn; cần gạt nước, ghế xe,...
4. Sản phẩm CNHT trong phân ngành Da - giày
Ưu tiên thu hút nhà đầu tư lớn, có thương hiệu, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, ít thâm dụng lao động,... Đến từ các thị trường mục tiêu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,... Sản phẩm thu hút ngay là phụ kiện cho giày như đế giày, mũi giày, dây giày, tem, vật liệu trang trí giày.
5. Sản phẩm CNHT trong phân ngành Cơ khí chế tạo
Ưu tiên thu hút nhà đầu tư lớn, có thương hiệu, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, tự động hóa,... Đến từ các thị trường mục tiêu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan,... Sản phẩm thu hút ngay là linh kiện và phụ tùng máy động lực, máy nông nghiệp; chi tiết máy: bu lông cường độ cao, ốc vít cường độ cao, ổ bi, bạc lót, bánh răng, van, khớp các loại, vỏ máy, chi tiết đột dập, hộp biến tốc, xi lanh thủy lực.
6. Sản phẩm CNHT trong phân ngành sản xuất sản phẩm CNHT cho công nghiệp công nghệ cao
Khuyến khích phát triển và chờ tín hiệu của thị trường cho các sản phẩm: tấm Module năng lượng mặt trời, mô-tơ rung điện thoại di động, mô tơ chổi than, sản phẩm phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao như phần mềm, thiết bị điều khiển từ xa hoặc tự động điều khiển.
1. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực CNHT là giải pháp trọng yếu, được thực hiện thông qua các chương trình thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, phát triển hệ thống quản lý và đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp, áp dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế và ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, hoàn thiện hạ tầng xã hội (trường học, thiết chế văn hóa, hệ thống thương mại, nhà ở, chung cư,...) để thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao. Qua đó, tăng khả năng cạnh tranh trong thu hút nguồn nhân lực từ các tỉnh trong khu vực.
2. Hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng. Tận dụng lợi thế của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ và chi phí thuê đất có giá cạnh tranh so với các tỉnh trong khu vực.
3. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, cập nhật chính sách ưu đãi đầu tư phát triển sản phẩm CNHT trên địa bàn tỉnh theo định hướng phát triển các phân ngành có thứ tự ưu tiên trong từng giai đoạn nêu trên; Bố trí nguồn ngân sách tỉnh để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển CNHT; Khai thác tối đa ưu đãi phát triển của Chính phủ dành cho CNHT khi phát triển thêm sản phẩm mới và thêm thị trường mới.
4. Xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư cụ thể cho từng nhóm sản phẩm CNHT, vào từng thị trường và vào từng nhóm nhà đầu tư cụ thể. Trước mắt, tiếp xúc và kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, hiện có các nhà máy sản xuất CNHT trên địa bàn tỉnh tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư mới các nhà máy sản xuất với nhiều sản phẩm mới, đa dạng hóa các sản phẩm CNHT.
5. Phát triển nguồn vốn ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT nhằm phát triển nhiều sản phẩm CNHT phục vụ phát triển công nghiệp của tỉnh.
6. Từng bước hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở nghiên cứu ứng dụng, tiếp nhận đặt hàng và nhận chuyển giao công nghệ để phát triển sản phẩm CNHT.
1. Phân ngành điện - điện tử
- Hình thành một số cơ sở sản xuất CNHT đủ lớn, có khả năng đào tạo, nghiên cứu, có năng lực dẫn dắt ngành điện - điện tử trong tương lai. Xây dựng hạ tầng cho việc tăng tốc thu hút các dự án đầu tư FDI trong các sản phẩm then chốt.
- Tăng cường thu hút vốn đầu tư và công nghệ mới của các công ty, tập đoàn đa quốc gia, phát triển sản xuất linh phụ kiện cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
- Hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp SME trong công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới, xây dựng và nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu phát triển sản phẩm mới.
2. Phân ngành dệt - may, da - giày
- Phân bố các CNHT phân ngành dệt - may, da - giày tập trung vào các khu, cụm công nghiệp. Khuyến khích đầu tư tập trung tại các KCN diện tích lớn, với hệ thống xử lý chất thải đã hoàn thiện.
- Phát triển sản xuất các loại vải cho may xuất khẩu, một số loại hóa chất, chất trợ nhuộm, các chất làm mềm; các loại chất giặt, tẩy; các loại hồ dệt có nguồn gốc tinh bột; hồ hoàn tất tổng hợp; các loại phụ liệu may khác.
- Ngành dệt - may đẩy nhanh khả năng cung ứng các loại vải dệt để sản xuất da - giày, đặc biệt là giày vải xuất khẩu. Nhanh chóng sắp xếp và phát triển lĩnh vực thiết kế mẫu mã, sản xuất nguyên vật liệu da và giả da cung cấp cho sản xuất giày dép xuất khẩu.
- Thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là từ khối EU vào sản xuất nguyên liệu mũ giày (giả da PVC, giả da PU,...). Tập trung đầu tư bổ sung một số máy móc thiết bị ở khâu hoàn tất, nâng cao trình độ chuyên môn và quản lý nhằm khai thác tốt hơn năng lực thuộc da hiện có, nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa các mặt hàng da thuộc.
3. Phân ngành sản xuất và lắp ráp ô tô
- Tập trung phát triển sản phẩm CNHT ngành ô tô theo cụm công nghệ gồm: (1) Khung xe, vỏ và ruột xe; (2) sản phẩm phụ kiện, các chi tiết ô tô như: sản xuất đèn xe, còi xe, ống dây, cuộn dây xoăn, ron giấy, ron cao su, nắp, vỏ bọc, ghế đệm, lái, gương kính, sản phẩm nhựa và gia công sơn mạ ô tô. Phát triển có chọn lựa một số loại động cơ, hộp số, bộ truyền động và phụ tùng với số lượng lớn phục vụ lắp ráp ô tô trong nước và tham gia xuất khẩu. Phát triển sản xuất đáp ứng nhu cầu các chi tiết hỗ trợ thông dụng, có thể sử dụng cho nhiều mác xe như ắc quy, bugi, pha đèn, kính, săm lốp, hệ thống dây điện, còi, giảm xóc,...
- Tăng cường khả năng liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp để chuyên môn hóa sản xuất các linh kiện, phụ tùng với khối lượng lớn, bảo đảm yêu cầu chất lượng của nhà lắp ráp, tiến tới hoàn thiện các mẫu sản phẩm mang thương hiệu của tỉnh.
- Khuyến khích hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ với các tập đoàn đa quốc gia vào sản xuất linh phụ kiện ôtô. Các công nghệ mới cần được lựa chọn để đảm bảo không lạc hậu tối thiểu sau 10 năm.
4. Phân ngành cơ khí chế tạo
- Tăng cường đầu tư chiều sâu các cơ sở cơ khí chế tạo hiện có để nâng cao năng lực đúc, rèn, tạo phôi lớn, nhiệt luyện, xử lý bề mặt, cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm tiêu chuẩn để chế tạo chi tiết, phụ tùng cho sản xuất 03 nhóm sản phẩm cơ khí chính là thiết bị đồng bộ, máy công cụ, máy móc xây dựng.
- Thu hút đầu tư nước ngoài vào các quá trình sản xuất công nghệ cao, vào những khâu cơ bản như đúc, rèn, tạo phôi lớn, nhiệt luyện, xử lý bề mặt kim loại, sản xuất chi tiết quy chuẩn chất lượng cao.
5. Phân ngành sản xuất sản phẩm CNHT cho công nghiệp công nghệ cao
- Phát triển CNHT phân ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đắc lực nhiệm vụ tái cơ cấu công nghiệp, góp phần xây dựng nền công nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững.
- Thành lập Khu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với kết cấu hạ tầng đồng bộ để thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao, các cơ sở đào tạo, các cơ sở nghiên cứu KHCN, các hoạt động đổi mới sáng tạo.
- Phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; liên kết với các vùng và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ứng dụng công nghệ cao để sản xuất ra các sản phẩm CNHT theo hướng hàng hóa, có hiệu quả kinh tế cao và khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế.
1. Sở Công Thương
Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn, tổ chức thực hiện Đề án. Xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện Đề án cả giai đoạn và từng năm; định kỳ thực hiện kiểm tra, giám sát việc triển khai Đề án và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong đó tập trung:
- Tham mưu cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển CNHT của tỉnh trong thời gian tới;
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư lập danh mục kêu gọi đầu tư phát triển sản phẩm CNHT theo hướng cụm ngành; lập danh mục xúc tiến thương mại hàng năm cho các sản phẩm của Đề án.
2. Ban Quản lý Khu kinh tế
Có trách nhiệm phối hợp Sở Công Thương bố trí quỹ đất cho các dự án thuộc lĩnh vực CNHT trong các KKT và KCN, lồng ghép các chương trình xúc tiến đầu tư thuộc lĩnh vực CNHT vào kế hoạch hoạt động hàng năm.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực CNHT theo quy định của Chính phủ và các quy định khác có liên quan.
- Xây dựng Danh mục dự án kêu gọi đầu tư. Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho xúc tiến đầu tư; tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội phát triển CNHT.
4. Sở Tài chính
Hàng năm căn cứ khả năng cân đối ngân sách, có trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh nguồn kinh phí triển khai Đề án tiết kiệm, hiệu quả và quyết toán đúng quy định.
5. Sở Khoa học và Công nghệ
- Có trách nhiệm chủ trì các chương trình nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, hợp tác chuyển giao về khoa học, công nghệ nhằm phát triển các lĩnh vực CNHT tại địa phương.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành trong việc tham mưu thành lập Khu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thẩm định công nghệ, lập hồ sơ trình Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận doanh nghiệp Công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.
6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Có trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các cơ chế, chính sách đào tạo nghề, chuyển đổi nghề và thu hút nguồn lao động phục vụ nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT.
7. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Phước
Có trách nhiệm chỉ đạo các Tổ chức tín dụng trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT.
8. Cục Hải Quan, Cục Thuế
Có trách nhiệm nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện các thủ tục hành chính, nhằm tạo môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu làm thủ tục khai báo tại tỉnh.
9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
Có trách nhiệm phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện Đề án thông qua việc đưa các nội dung của Đề án vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
10. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch tỉnh, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, các hội của doanh nghiệp và các đơn vị liên quan
Có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả Đề án. Trong quá trình thực hiện Đề án các sở, ban ngành, địa phương tiếp tục rà soát các nội dung nhiệm vụ có liên quan của Đề án để chủ động lồng ghép vào các chương trình, đề án có liên quan do cơ quan, đơn vị được giao chủ trì, quản lý. Nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh bằng văn bản về Sở Công Thương để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.