ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1626/QĐ-UBND |
Đắk Nông, ngày 06 tháng 10 năm 2022 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG GIAI ĐOẠN 2022 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Hợp tác xã ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Nghị Quyết số 20/NQ-TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới;
Căn cứ Kết luận số 70-KL/TW ngày 9/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể;
Căn cứ Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025;
Căn cứ Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12/03/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1505/TTr-SNN ngày 12 tháng 9 năm 2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, gồm các nội dung chủ yếu như sau:
1. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu tổng quát
- Tiếp tục củng cố, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực nông nghiệp mà trọng tâm là hợp tác xã cả về số lượng, quy mô thành viên, quy mô sản xuất, kinh doanh, chất lượng hoạt động và đa dạng về loại hình gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể; thu hút nông dân, hộ kinh tế cá thể, cá nhân và nhiều tổ chức tham gia kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ số vào quản lý cũng như hoạt động sản xuất và kinh doanh của HTX, đảm bảo nâng cao thu nhập cho thành viên tham gia, cộng đồng sản xuất nông nghiệp ổn định, bền vững.
- Phát triển mạnh Tổ hợp tác (THT) trên các địa bàn, ở mọi ngành hàng nông nghiệp phù hợp và tạo môi trường thuận lợi để THT liên kết với HTX hoặc liên kết THT với nhau phát triển thành HTX nông nghiệp, tham gia các dự án và các tổ chức kinh doanh khác. Chú trọng phát triển mô hình HTX mới, HTX ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn việc phát triển HTX nông nghiệp trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
- Khắc phục tình trạng thành lập HTX nông nghiệp gia đình, thành lập HTX nông nghiệp theo mệnh lệnh hành chính.
2.2. Mục tiêu cụ thể
* Giai đoạn 2022 - 2025
- Phấn đấu đến năm 2025: Có 216 HTX nông nghiệp với 9.764 thành viên, bình quân có 45 thành viên/HTX nông nghiệp và 259 THT nông nghiệp với 5.750 thành viên, bình quân có 22 thành viên/THT nông nghiệp (tương ứng tốc độ tăng trưởng bình quân số HTX nông nghiệp đạt 12,26%/năm, số thành viên HTX nông nghiệp đạt 18%/năm và tăng trưởng bình quân số thì đạt 4,38%/năm, số thành viên THT nông nghiệp đạt 9,7%/năm; so với năm 2021 tăng 80 HTX nông nghiệp, 7.444 thành viên) và tăng 50 THT, 1.780 thành viên); củng cố phát triển 3 Liên hiệp HTX nông nghiệp hiện có với 20 HTX nông nghiệp thành viên; Xử lý 60% trở lên các HTX nông nghiệp ngừng hoạt động, chờ giải thể.
- Tăng trưởng doanh thu bình quân hàng năm của các HTX nông nghiệp đạt 12%/năm, THT nông nghiệp đạt 22,78%/năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX nông nghiệp tăng bình quân 14,71%/năm. Đến năm 2025, số lượng HTX nông nghiệp đạt loại khá, tốt đạt trên 50%; không còn HTX nông nghiệp yếu kém.
- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 100% cán bộ quản lý điều hành HTX nông nghiệp các kỹ năng chuyên môn đáp ứng yêu cầu phát triển của HTX; 100% tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp được tổ chức tập huấn, giới thiệu các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đến năm 2025, tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã tốt nghiệp chuyên môn từ trung cấp trở lên đạt ít nhất 25%, khoảng 50% Giám đốc HTX nông nghiệp qua đào tạo sơ cấp nghề giám đốc.
- Thực hiện việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (công nghệ số, công nghệ thông minh, công nghệ sinh học, tự động hóa...), phấn đấu đến năm 2025, có 30% trở lên HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong quản lý, sản xuất, tiêu thụ nông sản và thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản và 50% trở lên HTX nông nghiệp tham gia các hội thảo, khóa đào tạo, tập huấn để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, được kết nối với các doanh nghiệp cung cấp nền tảng chuyển đổi số.
- Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và HTX nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025, có trên 60% HTX nông nghiệp có hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, trong đó có trên 25% HTX nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh.
* Giai đoạn 2026 - 2030
- Phấn đấu đến năm 2025 có 291 HTX nông nghiệp với 24.735 thành viên, bình quân có 85 thành viên/HTX nông nghiệp và 319 THT nông nghiệp với 9.450 thành viên, bình quân có 30 thành viên/THT nông nghiệp (tương ứng tốc độ tăng trưởng bình quân số HTX nông nghiệp đạt 6,14%/năm, số thành viên HTX nông nghiệp đạt 20,43%/năm và tăng trưởng bình quân số THT đạt 4%/năm, số thành viên THT đạt 10,45%/năm; so với năm 2025 tăng 75 HTX, 14.971 thành viên) và tăng 56 THT, 3.700 thành viên); phát triển thêm 2 Liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp với 10 hợp tác xã thành viên trở lên, lũy kế đến năm 2030 có 05 liên hiệp hợp tác xã với 30 hợp tác xã thành viên trở lên; Xử lý dứt điểm 100% các HTX nông nghiệp ngừng hoạt động, chờ giải thể.
- Tăng trưởng doanh thu bình quân hàng năm của các HTX nông nghiệp đạt 6,4%/năm, THT nông nghiệp đạt 14,87%/năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX nông nghiệp tăng bình quân 17%/năm; đến năm 2030, số lượng HTX nông nghiệp đạt loại khá, tốt trên 70%; không có HTX nông nghiệp yếu kém.
- Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu đạt trên 60% HTX ứng dụng công nghệ cao trong quản lý, sản xuất và tiêu thụ nông sản. Phấn đấu 100% HTX nông nghiệp được tham gia các hội thảo, khóa đào tạo, tập huấn để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, được kết nối với các doanh nghiệp cung cấp nền tảng chuyển đổi số. Đến năm 2030, tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã tốt nghiệp chuyên môn từ trung cấp trở lên đạt ít nhất 35%, khoảng 50% giám đốc hợp tác xã nông nghiệp qua đào tạo sơ cấp nghề giám đốc.
- Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030, có trên 80% HTX nông nghiệp có hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, trong đó có trên 35% HTX nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh.
3. Nhiệm vụ chính
- Phát triển về số lượng các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp.
- Phát triển về chất lượng các tổ chức kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Nâng cao năng lực, nhận thức trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn.
- Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ (công nghệ cao, công nghệ số, các công nghệ tiên tiến,...) cho phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Đẩy mạnh xây dựng liên kết giữa tổ chức kinh tế tập thể với các doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
- Đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Hỗ trợ đầu tư hạ tầng và chế biến sản phẩm.
- Khắc phục tình trạng thành lập HTX nông nghiệp gia đình, thành lập HTX nông nghiệp theo mệnh lệnh hành chính.
4. Giải pháp chính
- Giải pháp về tuyên truyền, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho các Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp.
- Giải pháp về cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp.
- Giải pháp về hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao (công nghệ số, công nghệ thông minh,...), hỗ trợ xây dựng các mô hình nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
- Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước cũng như nâng cao vai trò của đoàn thể nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp.
- Giải pháp về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác lĩnh vực nông nghiệp.
- Giải pháp về huy động các nguồn lực xã hội, hỗ trợ đầu tư hạ tầng và chế biến sản phẩm đối với các Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
5. Kinh phí thực hiện
a) Nguồn kinh phí thực hiện
- Ngân sách Nhà nước (NSNN): Bố trí theo các cơ chế, chính sách quy định của Trung ương và địa phương và lồng ghép từ các chương trình/dự án/đề án có liên quan.
- Ngân sách ngoài nhà nước (ngoài NSNN): Vốn đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức/cá nhân (vốn tự có và vốn tín dụng).
b) Dự kiến nhu cầu kinh phí khái toán
Tổng kinh phí dự kiến: 205.450 triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 153.747 triệu đồng (chiếm 74,8%). Bao gồm: Ngân sách Trung ương là 69.708 triệu đồng, ngân sách địa phương là 84.039 triệu đồng, cụ thể:
- Giai đoạn 2022 - 2025: 129.995 triệu đồng (chiếm 63,27%), trong đó ngân sách nhà nước là 102.140 triệu đồng (chiếm 78,57% tổng nhu cầu kinh phí). Bao gồm: Ngân sách Trung ương là 55.226 triệu đồng, ngân sách địa phương là 46.914 triệu đồng.
- Giai đoạn 2026 - 2030: 75.455 triệu đồng (chiếm 36,73%), trong đó ngân sách nhà nước là 51.607 triệu đồng (chiếm 68,39% tổng nhu cầu kinh phí). Bao gồm: Ngân sách Trung ương là 14.482 triệu đồng, ngân sách địa phương là 37.125 triệu đồng.
5. Tổ chức thực hiện: Phân công trách nhiệm của các cơ quan trong công tác tổ chức thực hiện cụ thể như nội dung tại phần thứ tư của Đề án, bao gồm các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính; Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông; Liên minh Hợp tác xã tỉnh; Hội Nông dân tỉnh; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; các Sở, ban, ngành khác có liên quan; UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa; Tổ chức chính trị xã hội và các thành phần kinh tế tập thể, hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn.
(Chi tiết theo Đề án đính kèm)
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.