BỘ
CÔNG AN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1543/QĐ-BCA-C41 |
Hà Nội, ngày 27 tháng 04 năm 2016 |
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
Căn cứ Luật Phòng, chống mua bán người ngày 29 tháng 3 năm 2011;
Căn cứ Nghị định số 106/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Căn cứ Quyết định số 2546/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020;
Xét đề nghị của đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án 5: “Hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người” thuộc Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020, với các nội dung sau:
a) Mục tiêu
Thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ nhằm giảm nguy cơ mua bán người, giảm tội phạm mua bán người, nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
b) Chỉ tiêu
- Chỉ tiêu 1: 100% số vụ, việc mua bán người có yếu tố nước ngoài phải được các cơ quan chức năng xem xét, phối hợp với lực lượng thực thi pháp luật của các nước và các tổ chức quốc tế có liên quan để giải quyết.
- Chỉ tiêu 2: 100% các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống mua bán người mà Việt Nam là thành viên được triển khai thực hiện.
- Chỉ tiêu 3: 100% các điều ước quốc tế về phòng, chống mua bán người mà Việt Nam là thành viên được sơ kết, tổng kết theo định kỳ và có kế hoạch phối hợp triển khai trong thời gian tiếp theo.
- Chỉ tiêu 4: Đến năm 2020, các hoạt động nghiên cứu, khảo sát và xác định cơ chế hợp tác, cơ quan đầu mối phòng, chống mua bán người được thực hiện ít nhất với 5 nước; ký kết điều ước, thỏa thuận hoặc văn bản hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người ít nhất với 2 nước.
2. Đối tượng thụ hưởng, phạm vi áp dụng và thời gian thực hiện
a) Đối tượng thụ hưởng
Công dân Việt Nam; người nước ngoài, người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam.
b) Phạm vi áp dụng
Đề án được thực hiện trên phạm vi cả nước và các nước hoặc vùng lãnh thổ khác theo cam kết quốc tế và pháp luật Việt Nam quy định; ưu tiên các tuyến, địa bàn trọng điểm, các tỉnh giáp biên giới với Căm-pu-chia, Lào và Trung Quốc.
c) Thời gian thực hiện: từ năm 2016 đến hết năm 2020.
3. Các nội dung hoạt động trọng tâm
a) Tăng cường hợp tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người, trao đổi thông tin, giải quyết vụ việc mua bán người, truy bắt đối tượng phạm tội, giải cứu và hồi hương nạn nhân, chia sẻ kinh nghiệm và đào tạo nâng cao năng lực phòng, chống mua bán người
Nội dung hoạt động:
- (1) Phối hợp cơ quan chức năng các nước tổ chức các chiến dịch truyền thông, trao đổi thông tin, kinh nghiệm về phòng, chống mua bán người, nhất là các nước có chung đường biên giới đất liền.
- (2) Trao đổi chính xác, kịp thời và đầy đủ thông tin đối ngoại liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người thông qua các kênh: Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự), Bộ Công an (Cục Đối ngoại) theo quy định của pháp luật.
- (3) Tiếp tục duy trì cơ chế giao ban, trao đổi thông tin, đường dây nóng giữa các cơ quan chức năng của Bộ, ngành Trung ương, địa phương của Việt Nam với các cơ quan hữu quan của các nước, nhất là với Căm-pu-chia, Lào và Trung Quốc. Phát huy có hiệu quả vai trò của hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về nạn nhân và đối tượng phạm tội mua bán người của Tổ chức INTERPOL và ASEANAPOL.
- (4) Tổ chức phối hợp giữa cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài với cơ quan chức năng nước sở tại nắm tình hình, kịp thời phát hiện và giải cứu nạn nhân, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và hồi hương công dân Việt Nam là nạn nhân bị mua bán trở về nước.
- (5) Xây dựng và tổ chức triển khai cơ chế phối hợp xác minh, giải quyết vụ việc mua bán người, truy bắt đối tượng phạm tội; giải cứu, bảo vệ và hồi hương nạn nhân bị mua bán giữa cơ quan chức năng của Việt Nam, nhất là các địa phương có biên giới với cơ quan chức năng của Căm-pu-chia, Lào và Trung Quốc.
- (6) Tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng thực hiện cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người.
- (7) Đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ ngoại giao trước khi nhận nhiệm vụ đi làm việc tại cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài về công tác phòng, chống mua bán người.
Phân công thực hiện:
- Bộ Công an chủ trì thực hiện các hoạt động tại tiết (2), (5), (6), hoạt động tại tiết (3) khu vực nội địa và phối hợp với Bộ Ngoại giao thực hiện hoạt động tại tiết (2), phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện hoạt động tại tiết (3).
- Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) chủ trì thực hiện hoạt động tại tiết (3) tại khu vực biên giới, biển và hải đảo.
- Bộ Ngoại giao chủ trì thực hiện các hoạt động tại tiết (4), (7) và phối hợp với Bộ Công an thực hiện hoạt động tại tiết (2).
- Đề nghị Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thực hiện hoạt động tại tiết (1).
- Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Công an thực hiện các hoạt động tại tiết (3), (5) và (6).
b) Thi hành các điều ước quốc tế và cam kết quốc tế về phòng, chống mua bán người mà Việt Nam là thành viên
Nội dung hoạt động:
(1) Hoàn thiện thủ tục, trình cấp có thẩm quyền phê chuẩn và tổ chức triển khai thực hiện Công ước ASEAN và Kế hoạch hành động ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
- (2) Tổ chức triển khai thực hiện những nội dung tại Quyết định số 605/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước TOC) và Nghị định thư về ngăn ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; Tuyên bố chung các nước Tiểu vùng sông Mê-Kông (Tuyên bố COMMIT) và Kế hoạch phối hợp hành động COMMIT về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2015 - 2018 tại Việt Nam.
- (3) Triển khai thực hiện các hiệp định hợp tác song phương đã ký kết giữa Việt Nam với Căm-pu-chia, Lào, Thái Lan và Trung Quốc về phòng, chống mua bán người, trọng tâm là thực hiện các hoạt động ưu tiên hợp tác đã được Cơ quan chức năng hai nước thống nhất thông qua giai đoạn 2016 - 2020 hoặc kế hoạch, chương trình thường niên.
- (4) Theo dõi, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế, cam kết quốc tế về phòng, chống mua bán người mà Việt Nam là thành viên.
Phân công thực hiện:
- Bộ Công an là Cơ quan chủ trì Đề án chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các hoạt động trên.
- Đề nghị các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp thực hiện.
c) Sơ kết, tổng kết các điều ước, thỏa thuận hoặc văn bản hợp tác quốc tế đã ký kết giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế về phòng, chống mua bán người
Nội dung hoạt động:
- (1) Định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết công tác tổ chức triển khai các điều ước, thỏa thuận hoặc văn bản hợp tác quốc tế và phối hợp với cơ quan hữu quan của các nước tổ chức hội nghị thường niên hoặc hội nghị sơ kết, tổng kết, trọng tâm là tổng kết 10 năm thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam - Căm-pu-chia (2005 - 2015), Việt Nam - Thái Lan (2008 - 2018), Việt Nam - Lào (2011-2020) và Việt Nam - Trung Quốc (2011 - 2020).
- (2) Nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các điều ước quốc tế, nhất là các hiệp định song phương về phòng, chống mua bán người giữa Việt Nam với Căm-pu-chia, Lào, Thái Lan và Trung Quốc sau khi cơ quan chức năng hai nước tổ chức sơ kết, tổng kết thống nhất các hoạt động thực hiện trong thời gian tiếp theo; đồng thời, kiện toàn nhóm công tác liên ngành thực hiện hiệp định.
- (3) Nghiên cứu, rà soát, hệ thống hóa các điều ước quốc tế, cam kết quốc tế về phòng, chống mua bán người mà Việt Nam là thành viên để hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp luật cho phù hợp với quy định pháp luật quốc tế. Trường hợp nội dung các văn bản trái với các quy định pháp luật hiện hành, đề xuất cấp có thẩm quyền trao đổi, thống nhất với cơ quan hữu quan các nước tổ chức nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và đàm phán, ký kết, triển khai thực hiện cho phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người.
Phân công thực hiện:
- Bộ Công an chủ trì tổ chức thực hiện các hoạt động trên.
- Đề nghị các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp thực hiện.
d) Tổ chức nghiên cứu, khảo sát tình hình hoạt động tội phạm và tìm hiểu chính sách pháp luật về phòng, chống mua bán người tại một số nước.
Nội dung hoạt động:
- (1) Nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền của Việt Nam và phối hợp, trao đổi với cơ quan chức năng các nước, nhất là một số nước, hoặc vùng lãnh thổ có nhiều người Việt Nam là nạn nhân như: Đài Loan (thuộc Trung Quốc), Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a, Liên bang Nga, Xin-ga-po, Vương quốc Anh, Úc... thành lập đoàn tổ chức khảo sát tình hình hoạt động tội phạm và tìm hiểu chính sách, pháp luật về công tác phòng, chống mua bán người.
- (2) Trao đổi, thống nhất với cơ quan hữu quan các nước về cơ quan đầu mối; cơ chế phối hợp trong trao đổi thông tin; giải quyết vụ việc mua bán người; giải cứu, bảo vệ và hồi hương nạn nhân, bắt giữ đối tượng phạm tội; đào tạo nâng cao năng lực về phòng, chống mua bán người… trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tôn trọng độc lập, chủ quyền.
- (3) Nghiên cứu, chọn lọc kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế để hoàn thiện cơ chế, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Phân công thực hiện:
- Bộ Công an chủ trì tổ chức thực hiện các hoạt động trên.
- Đề nghị các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp thực hiện.
đ) Nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng, đàm phán, ký kết, gia nhập và tổ chức triển khai các điều ước, thỏa thuận quốc tế hoặc văn bản hợp tác về phòng, chống mua bán người
Nội dung hoạt động:
- (1) Nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng, đàm phán, ký kết, gia nhập và tổ chức triển khai thực hiện các điều ước quốc tế song phương về phòng, chống mua bán người với các nước khác trong khu vực hoặc có đông nạn nhân là người Việt Nam bị mua bán như: Hiệp định giữa Việt Nam và Ma-lai-xi-a, Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Vương quốc Anh...
- (2) Nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng, đàm phán, ký kết, gia nhập và tổ chức triển khai thực hiện các điều ước quốc tế song phương, đa phương trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, dẫn độ người phạm tội, chuyển giao người bị kết án, trong đó, có tội phạm mua bán người.
- (3) Xây dựng, đàm phán, ký kết các thỏa thuận, văn bản hợp tác, kế hoạch phối hợp hành động theo chuyên đề lĩnh vực giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam với các cơ quan hữu quan nước ngoài, nhất là với Căm-pu-chia, Lào và Trung Quốc trong phòng, chống mua bán người.
- (4) Nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng, đàm phán, ký kết và tổ chức triển khai thực hiện các dự án với các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ, cá nhân nước ngoài về phòng, chống mua bán người phù hợp với các quy định của pháp luật.
Phân công thực hiện:
- Bộ Công an chủ trì tổ chức thực hiện các hoạt động trên, riêng đối với hoạt động tại tiết (2) phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện.
- Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì thực hiện các hoạt động tại tiết (2).
- Đề nghị các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp thực hiện.
e) Tổ chức các đoàn ra và đón đoàn vào để trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người; tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế về phòng, chống mua bán người tại Việt Nam
Nội dung hoạt động;
- (1) Hàng năm, xây dựng chương trình, kế hoạch, bố trí điều kiện đảm bảo và báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt tổ chức thành lập đoàn ra, đón đoàn vào nhằm trao đổi, tham quan, chia sẻ, học tập kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người.
- (2) Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn, diễn đàn quốc tế, lễ phát động...theo hình thức luân phiên, cam kết quốc tế hoặc trách nhiệm của Việt Nam về phòng, chống mua bán người.
- (3) Tham dự các kỳ họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn, diễn đàn khu vực và quốc tế ... về phòng chống mua bán người do Liên hợp quốc, các nước, các tổ chức quốc tế tổ chức có mời Việt Nam tham gia.
- (4) Huy động nguồn lực tài chính và kỹ thuật từ các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ và cá nhân người nước ngoài hỗ trợ thực hiện các hoạt động liên quan đến hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người.
Phân công thực hiện:
- Bộ Công an chủ trì tổ chức thực hiện các hoạt động trên, riêng đối với hoạt động tại tiết (3), các Bộ, ngành có liên quan chủ động thực hiện khi được mời tham gia.
- Đề nghị các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp thực hiện.
4. Các giải pháp thực hiện Đề án
a) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực phòng, chống mua bán người trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tôn trọng độc lập, chủ quyền. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, công tác nghiệp vụ đối ngoại trong thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người, nhất là giải quyết các vụ việc mua bán người qua biên giới. Định kỳ hàng năm có kế hoạch chỉ đạo triển khai và thực hiện công tác giám sát, đánh giá Đề án.
b) Xây dựng, hoàn thiện pháp luật có liên quan đến hợp tác quốc tế, nhất là đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận, kế hoạch phối hợp hành động giữa Việt Nam với các nước có nhiều nạn nhân là người Việt Nam bị mua bán.
c) Duy trì thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp liên ngành trong chỉ đạo, điều hành thực hiện Đề án, tăng cường công tác truyền thông, cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin, giải quyết vụ việc mua bán người, truy bắt đối tượng phạm tội, giải cứu và hồi hương nạn nhân giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam với các nước.
d) Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, tư vấn chuyên môn kỹ thuật của các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ và cá nhân người nước ngoài trong thực hiện công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người.
a) Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của các Bộ, ngành và địa phương. Ngoài ra, được huy động từ Quỹ phòng, chống tội phạm, viện trợ quốc tế và huy động nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
b) Căn cứ nhiệm vụ được phân công theo quy định tại Quyết định này, hàng năm, các Bộ, ngành, địa phương lập dự toán chi ngân sách, bảo đảm các hoạt động của Đề án và trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Điều 2. Tổ chức thực hiện Đề án
1. Cơ chế điều hành
a) Kiện toàn Ban Chủ nhiệm Đề án, thành viên là đại diện lãnh đạo cấp vụ, cục thuộc các Bộ, ngành: Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các vụ, cục nghiệp vụ có liên quan thuộc Bộ Công an, do một đồng chí lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an làm Chủ nhiệm.
Ban Chủ nhiệm Đề án có trách nhiệm: Ban hành Quy chế hoạt động và kế hoạch triển khai thực hiện Đề án. Định kỳ 06 tháng, một năm, Ban Chủ nhiệm Đề án tổ chức họp để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công và xác định chương trình, kế hoạch công tác cho thời gian tiếp theo.
b) Cơ quan Thường trực Ban Chủ nhiệm Đề án đặt tại Cục Tham mưu Cảnh sát, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an và có trách nhiệm giúp Ban Chủ nhiệm xây dựng kế hoạch chỉ đạo thực hiện Đề án, tổ chức các cuộc họp của Ban Chủ nhiệm, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Đề án về Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP).
2. Phân công trách nhiệm
a) Bộ Công an chủ trì thực hiện Đề án, có trách nhiệm thực hiện các hoạt động đã phân công tại mục 3, Điều 1, Quyết định này.
b) Đề nghị các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào Quyết định số 2546/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020 và trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người đã phân công tại mục 3, Điều 1, Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Giao Tổng cục Cảnh sát có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Đề án và định kỳ tổng hợp tình hình, kết quả trình Bộ trưởng Bộ Công an để báo cáo Chính phủ.
Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Cục trưởng Cục Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.