THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1513/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 03 tháng 09 năm 2015 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Càn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 2471/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Đề án) với các nội dung chủ yếu sau đây:
I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU
1. Quan điểm
a) Bảo đảm phù hợp với các quan điểm, định hướng, mục tiêu và giải pháp phát triển xuất khẩu hàng hóa trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030.
b) Góp phần xây dựng và tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam với các hệ thống phân phối nước ngoài, tạo kênh phân phối ổn định, vững chắc và sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
c) Thông qua xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, nắm bắt kịp thời nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng ở nước ngoài cũng như các yêu cầu, quy định về chất lượng hàng hóa, quy trình quản lý và kiểm soát chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế; qua đó xây dựng định hướng, kế hoạch đầu tư, sản xuất, xuất khẩu phù hợp, hiệu quả.
d) Khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu - trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài trên cơ sở phát huy các thế mạnh và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
đ) Góp phần thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu có chất lượng cao, ổn định; mang lại giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu, nhất là hàng hóa có thương hiệu, đã qua chế biến và có giá trị gia tăng cao.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung
Thực hiện tập trung, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài nhằm đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp hàng hóa của Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài của các tập đoàn phân phối đa quốc gia; tăng quy mô kim ngạch, đa dạng chủng loại các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại các hệ thống phân phối nước ngoài; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài trên tổng giá trị xuất khẩu của cả nước tăng dần qua từng năm.
b) Mục tiêu cụ thể
- Tăng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài, trước mắt là các hệ thống phân phối đã có hiện diện tại Việt Nam và tiếp đến là các hệ thống phân phối lớn khác.
- Tăng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài theo từng năm của những nhóm hàng xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh (như dệt may, da giầy, thủy sản, cà phê, chè, rau quả, đồ gỗ...).
- Phấn đấu đến năm 2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp vào tất cả các hệ thống phân phối lớn tại khu vực Châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc Á, tại các quốc gia ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu
a) Tập hợp, xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chính xác, đầy đủ về các hệ thống phân phối nước ngoài, chú trọng tại các thị trường trọng điểm như Châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
b) Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam để cung cấp cho khách hàng nhập khẩu.
c) Xây dựng chuyên mục trong Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương về đầu mối nhập khẩu hàng hóa Việt Nam trong các hệ thống phân phối nước ngoài để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu, khai thác.
d) Tuyên truyền, phổ biến đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu để kịp thời cập nhật, có những điều chỉnh cần thiết về cơ cấu, năng lực sản xuất đáp ứng yêu cầu xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài.
đ) Phối hợp với các tập đoàn phân phối nước ngoài phổ biến, hướng dẫn cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam áp dụng các quy trình sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế, cung cấp hàng hóa đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn, kỹ thuật, chất Lượng của các hệ thống phân phối nước ngoài. Trước mắt, ưu tiên đối với các ngành hàng xuất khẩu có thế mạnh, có tiềm năng xuất khẩu vào các hệ thống phân phối lớn tại các thị trường trọng điểm.
2. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và kết nối với các hệ thống phân phối nước ngoài
a) Hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, phát triển mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng hóa xuất khẩu phù hợp với yêu cầu của các hệ thống phân phối nước ngoài.
b) Ưu tiên thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối với các hệ thống phân phối nước ngoài trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia theo quy định của pháp luật.
c) Tăng cường hoạt động của các Thương vụ, văn phòng xúc tiến thương mại ở nước ngoài trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tìm hiểu, kết nối và xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài.
d) Tổ chức Chương trình Tuần hàng Việt Nam tại các hệ thống phân phối nước ngoài; trước mắt tập trung tại các hệ thống phân phối lớn tại Châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc Á đã có hiện diện thương mại tại Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mang hàng hóa trưng bày, giới thiệu tại các Chương trình Tuần hàng Việt Nam theo quy định của pháp luật.
đ) Đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu, chú trọng hoạt động truyền thông quốc tế và đổi mới phương thức truyền thông theo hướng đưa thông tin trực tiếp trên các kênh truyền thông, báo chí của nước ngoài.
e) Xây dựng các đầu mối nhập khẩu, bán hàng tại các thị trường mục tiêu để tăng cường khả năng cung ứng hàng hóa trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài; mở các cơ sở, địa điểm bảo hành sản phẩm để hỗ trợ cho xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài.
g) Nghiên cứu, đề xuất, đàm phán với các hệ thống phân phối nước ngoài các thỏa thuận, cam kết về số lượng, chủng loại sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam được phân phối trong mạng lưới của các hệ thống phân phối nước ngoài.
3. Thúc đẩy doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực phân phối tham gia đầu tư sản xuất để xuất khẩu hàng hóa vào hệ thống phân phối ở nước ngoài
a) Tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực phân phối nhằm tăng cường hợp tác và tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu thông qua hệ thống cơ sở, chi nhánh bán lẻ của các hệ thống phân phối nước ngoài.
b) Khuyến khích, hỗ trợ các tập đoàn phân phối đa quốc gia và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh phân phối đang hoạt động tại Việt Nam đầu tư, liên kết, hợp tác với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất trong nước để phát triển nguồn hàng cho hệ thống phân phối toàn cầu của tập đoàn, doanh nghiệp đó.
4. Khuyến khích, tạo điều kiện thành lập kho ngoại quan để cung ứng hàng hóa kịp thời cho các hệ thống phân phối nước ngoài
Nghiên cứu, xác định địa điểm phù hợp để thành lập kho ngoại quan hàng hóa Việt Nam ở các khu vực thị trường nước ngoài dựa trên các yếu tố về chính sách ưu đãi, tiềm năng thị trường, khoảng cách tới các địa bàn lân cận, vị trí địa lý trên các tuyến đường vận tải quốc tế nhằm nâng cao khả năng cung ứng hàng hóa kịp thời, thuận lợi vào các hệ thống phân phối nước ngoài.
5. Nâng cao năng lực các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam đáp ứng yêu cầu của các hệ thống phân phối nước ngoài
a) Hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, công nghệ, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của các hệ thống phân phối nước ngoài.
b) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, tư vấn và đào tạo cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu về các quy trình quản lý, tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa của các hệ thống phân phối nước ngoài.
6. Về chính sách
a) Rà soát, xây dựng chính sách khuyến khích các tập đoàn phân phối nước ngoài có hiện diện tại Việt Nam hợp tác đưa hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nhất là hàng hóa có thương hiệu, vào hệ thống phân phối của các tập đoàn tại các nước.
b) Nghiên cứu, xây dựng chính sách phù hợp (về vốn, thuế, cung cấp thông tin thị trường, ngoại hối...) để hỗ trợ đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án thành lập cơ sở chế biến, phân phối sản phẩm hàng hóa Việt Nam, kho ngoại quan, cơ sở bảo hành sản phẩm tại nước ngoài.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Phân công thực hiện
a) Bộ Công Thương:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Đề án.
- Tổ chức, tuyên truyền, phổ biến Đề án đến các hiệp hội, doanh nghiệp và chỉ đạo, đôn đốc thực hiện.
b) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương bảo đảm kinh phí thực hiện Đề án theo đúng quy định của pháp luật.
c) Các Bộ, ngành, địa phương
- Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc từ các doanh nghiệp để kịp thời đề xuất, kiến nghị những chính sách hỗ trợ, giải pháp tháo gỡ.
- Chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách trong phạm vi lĩnh vực, địa bàn phụ trách để khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài.
d) Các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng
- Cung cấp, cập nhật số liệu về tình hình xuất khẩu trực tiếp của doanh nghiệp vào các hệ thống phân phối nước ngoài.
- Đề xuất Bộ Công Thương lựa chọn những mặt hàng trọng điểm xuất khẩu để xây dựng bộ quy trình quản lý chất lượng phù hợp với mục tiêu, yêu cầu xuất khẩu vào các hệ thống phân phối nước ngoài.
- Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc phát sinh và đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền những chính sách hỗ trợ, giải pháp tháo gỡ.
2. Kính phí thực hiện Đề án
a) Kinh phí thực hiện Đề án được đảm bảo từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn tự chủ của doanh nghiệp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
b) Căn cứ nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án này, các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan lập dự toán nhu cầu kinh phí hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
KT. THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.