ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/2017/QĐ-UBND |
Vĩnh Phúc, ngày 06 tháng 6 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
TỔ CHỨC LẠI TRUNG TÂM GIÁO DỤC - LAO ĐỘNG XÃ HỘI TỈNH VĨNH PHÚC THÀNH CƠ SỞ CAI NGHIỆN MA TÚY TỈNH VĨNH PHÚC TRỰC THUỘC SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012;
Căn cứ Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28/06/2012 của Chính Phủ quy định về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 94/2009/NĐ-CP ngày 26/10/2009 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy; Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ về quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Nghị định số 136/2016/NĐ-CP Ngày 09/9/2016 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ về quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 21/2008/TTLT-BLĐTBXH-BNV ngày 08/10/2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức và định mức biên chế của Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục - Lao động xã hội;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 28/2010/TTLT-BLĐTBXH-BNV ngày 16/9/2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Trung tâm quản lý sau cai nghiện ma túy;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 257/TTr-SNV ngày 19/5/2017 về việc tổ chức lại Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh Vĩnh Phúc thành Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Tổ chức lại Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh Vĩnh Phúc thành Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc.
Điều 2. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn
1. Vị trí: Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc (viết tắt là Cơ sở) là đơn vị sự nghiệp công lập có thu trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc; có tư cách pháp nhân, con dấu và được mở tài khoản theo quy định; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, bộ máy, biên chế và công tác của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Trụ sở đặt tại: Thôn Gô - xã Kim Long - huyện Tam Dương - tỉnh Vĩnh Phúc.
2. Chức năng: Tiếp nhận, quản lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ; tổ chức việc điều trị nghiện cho người nghiện chấp hành Quyết định xử lý vi phạm hành chính đưa vào cai nghiện bắt buộc của Toà án nhân dân cấp huyện; cai nghiện tự nguyện; tổ chức điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, nhằm ổn định tâm lý, sức khỏe, phòng chống tái nghiện. Tổ chức dạy văn hóa, lao động trị liệu, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho người cai nghiện, chuẩn bị các điều kiện tái hòa nhập cộng đồng. Hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật về điều trị cho các điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng.
3. Nhiệm vụ:
a) Tiếp nhận, điều trị cho người cai nghiện tự nguyện vào điều trị, phân loại, tổ chức chữa bệnh, cai nghiện, phục hồi sức khoẻ, chăm sóc, tư vấn cho học viên cai nghiện bắt buộc theo Quyết định của Toà án nhân dân theo quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ được giao;
b) Sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện để xây dựng và thực hiện kế hoạch cai nghiện phù hợp. Tư vấn tâm lý, tổ chức sinh hoạt giúp người nghiện thay đổi hành vi, nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết tình huống gặp phải trong quá trình cai nghiện và kỹ năng phòng, chống tái nghiện;
c) Điều trị cắt cơn, giải độc điều trị rối loạn tâm thần và điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, tuân thủ theo quy định pháp luật về khám, chữa bệnh;
d) Lập sổ theo dõi sức khỏe, định kỳ 6 tháng khám, kiểm tra sức khỏe học viên;
đ) Tiếp sóng các chương trình thời sự trên hệ thống truyền thanh, truyền hình để học viên được tiếp cận các thông tin cần thiết hàng ngày; tổ chức cho học viên tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đọc sách, báo, xem truyền hình và các hoạt động vui chơi giải trí khác ngoài thời gian học tập và lao động;
e) Tổ chức lao động trị liệu giúp học viên nhận thức giá trị của lao động, rèn luyện tay nghề và phục hồi kỹ năng lao động bị suy giảm do nghiện ma túy. Phân công công việc phù hợp với sức khỏe, độ tuổi và giới tính của học viên;
f) Tư vấn tái hòa nhập cộng đồng: các chế độ chính sách, các dịch vụ y tế liên quan đến cai nghiện ma túy và dự phòng lây nhiễm HIV; hỗ trợ tạo việc làm; các câu lạc bộ sau cai, Tổ công tác cai nghiện, Đội công tác xã hội tình nguyện, Nhóm tự lực tại địa phương nơi học viên cư trú;
g) Tổ chức điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại cơ sở theo quy định hiện hành;
h) Tiếp nhận và điều trị cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma tuý không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ để phân loại xử lý chuyển về gia đình, cộng đồng hoặc chuyển Toà án nhân dân xem xét, quyết định đưa vào cai nghiện bắt buộc;
i) Tiếp nhận, điều trị cho người tự nguyện vào điều trị;
j) Nghiên cứu thực nghiệm mô hình cai nghiện, chữa trị, phục hồi; phương pháp, quy trình chữa bệnh, giáo dục, dạy nghề và tổ chức lao động;
k) Tiếp nhận, tổ chức học tập, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, hướng nghiệp cho người sau cai nghiện; liên doanh, liên kết hoặc phối hợp với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để tổ chức lao động sản xuất, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện. Bảo đảm các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt vui chơi, giải trí cho người sau cai nghiện theo quy định;
l) Tổ chức tuyên truyền quản lý, chăm sóc, tư vấn điều trị, hỗ trợ người sau cai nghiện; thông tin, giáo dục truyền thông và triển khai các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS; theo dõi, đánh giá quá trình học tập, rèn luyện, phục hồi hành vi nhân cách đối với người sau cai nghiện; định kỳ hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra, xét nghiệm các chất ma túy đối với người sau cai nghiện;
m) Hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật về điều trị cho các điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng;
n) Hợp tác quốc tế thuộc lĩnh vực được giao. Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, chuyên môn, nâng cao năng lực cho viên chức và nhân viên nghiệp vụ. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, viên chức và lao động hợp đồng, thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, viên chức và lao động hợp đồng. Quản lý tài chính, tài sản, phương tiện, trang thiết bị, hồ sơ và tài liệu theo quy định hiện hành;
o) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh giao.
Điều 3. Cơ cấu, tổ chức và biên chế
1. Lãnh đạo: Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh có Giám đốc và không quá 03 Phó Giám đốc.
a) Giám đốc là người đứng đầu Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. Phó Giám đốc là người giúp Giám đốc phụ trách một số lĩnh vực công tác và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công;
b) Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, từ chức, khen thưởng, kỷ luật điều động, luân chuyển và thực hiện chế độ chính sách đối với các chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý cán bộ của Tỉnh.
2. Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ:
a) Phòng Tổ chức - Hành chính;
b) Phòng Y tế - Phục hồi sức khỏe;
c) Phòng Tư vấn - Giáo dục - Quản lý sau cai (sáp nhập 02 phòng: Phòng Tư vấn - Quản lý sau cai và Phòng Giáo dục - Hòa nhập cộng đồng;
d) Phòng Dạy nghề - Lao động sản xuất;
đ) Phòng Bảo vệ - Quản lý học viên.
3. Biên chế: Biên chế của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh là biên chế sự nghiệp và lao động hợp đồng nằm trong tổng biên chế sự nghiệp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh được Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh giao hàng năm.
Điều 4. Giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác các phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh theo quy định hiện hành.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Sửa đổi cụm từ “Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh” thành “Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh” tại Điểm d Khoản 3 Điều 3 Quyết định số 20/2016/QĐ-UBND ngày 07/4/2016 của UBND tỉnh về việc Quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc; và thay thế Quyết định số 1934/QĐ-UBND ngày 29/7/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ quản lý sau cai nghiện ma túy cho Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh;
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở: Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.