THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1454/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 25 tháng 9 năm 2020 |
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CƠ CHẾ TÀI CHÍNH ĐẶC THÙ CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC VIỆT NHẬT
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 141/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục đại học;
Căn cứ Nghị định số 186/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về Đại học Quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 26/2014/QĐ-TTg ngày 26 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học Quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên;
Căn cứ Quyết định số 1186/QĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường Đại học Việt Nhật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội;
Căn cứ Quyết định số 391/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Việt Nhật;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
QUYẾT ĐỊNH:
Trường Đại học Việt Nhật (sau đây gọi tắt là Trường) là cơ sở giáo dục đại học công lập, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Trường thực hiện Quy chế tổ chức và hoạt động ban hành kèm theo Quyết định số 391/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ và cơ chế tài chính đặc thù quy định tại Quyết định này.
Các nội dung khác liên quan không được quy định tại Quyết định này thì thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 2. Các nguồn tài chính và nội dung chi
1. Nguồn tài chính của Trường, gồm:
a) Kinh phí do ngân sách nhà nước cấp, bao gồm:
- Kinh phí hoạt động thường xuyên:
Ngân sách nhà nước đảm bảo hỗ trợ 50% kinh phí hoạt động thường xuyên hàng năm trong giai đoạn 2021 - 2025 (không tính phần hỗ trợ của phía Nhật Bản). Mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước trong các năm tiếp theo sẽ được xem xét dựa trên sự cần thiết và đánh giá hiệu quả hoạt động của giai đoạn 2021 - 2025; cân đối chung với Trường Đại học Việt Đức và Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Trường Đại học Việt Pháp).
Căn cứ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và giá dịch vụ đào tạo cho từng giai đoạn, thông qua Hội đồng Trường và trình Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính.
Đối với đào tạo theo đặt hàng của các tổ chức, doanh nghiệp, Trường tự đảm bảo chi phí đào tạo từ nguồn thu học phí theo nguyên tắc thu học phí đủ bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên và tiến tới có tích lũy.
- Kinh phí đầu tư phát triển hoặc kinh phí có tính chất đầu tư nhằm tăng cường cơ sở vật chất, tăng cường năng lực giảng dạy, nghiên cứu, bao gồm: vốn vay ODA, vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt và giao kế hoạch theo quy định.
- Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ các cấp do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Kinh phí các nhiệm vụ khác được cấp có thẩm quyền giao.
b) Các nguồn thu sự nghiệp, bao gồm:
- Thu từ các nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu được cấp có thẩm quyền giao theo quy định.
- Thu từ hoạt động cung ứng dịch vụ; thu từ hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hợp đồng chuyển giao công nghệ; thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; thu sự nghiệp khác (nếu có).
c) Vốn tài trợ, viện trợ, quà biếu, tặng của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Các khoản tài trợ, viện trợ, quà biếu, tặng của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan chính phủ trong và ngoài nước (kể cả của Nhật Bản) được coi là nguồn thu của trường và phải được tiếp nhận, quản lý và hạch toán theo quy định của pháp luật.
d) Nguồn tài chính khác, bao gồm: vốn khấu hao tài sản cố định; thu thanh lý tài sản được để lại theo quy định; vốn từ nguồn thu để lại; vốn huy động và các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật (nếu có).
2. Nội dung chi:
- Chi hoạt động thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao (bao gồm cả chi học bổng khuyến khích học tập, chi tiền lương, tiền công cho cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên của Trường).
- Chi cho các hoạt động dịch vụ (kể cả chi thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, trích khấu hao tài sản cố định theo quy định, chi trả vốn, trả lại tiền vay theo quy định của pháp luật).
- Chi thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
- Chi thực hiện chương trình đào tạo bồi dưỡng cán bộ, viên chức.
- Chi thực hiện các nhiệm vụ do Nhà nước đặt hàng.
- Chi vốn đối ứng thực hiện các dự án có nguồn vốn nước ngoài theo quy định.
- Chi thực hiện các nhiệm vụ đột xuất được cấp có thẩm quyền giao.
- Chi đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị, sửa chữa lớn tài sản cố định thực hiện các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Chi cho các hoạt động liên doanh, liên kết.
- Các khoản chi khác theo quy định (nếu có).
Điều 3. Quyền tự chủ tài chính của Trường
Trường được tự chủ và tự chịu trách nhiệm về quản lý và sử dụng nguồn tài chính, cụ thể:
1. Về nguồn sự nghiệp:
Trường được tự chủ xây dựng và quy định các mức thu (học phí, lệ phí tuyển sinh) phù hợp với chất lượng đào tạo, dịch vụ. Căn cứ chi phí đào tạo tính toán dựa trên định mức kinh tế - kỹ thuật, Hiệu trưởng Trường tổ chức xây dựng các mức thu, trình Hội đồng Trường thông qua và báo cáo Đại học Quốc gia Hà Nội xem xét, phê duyệt. Trường có trách nhiệm công khai mức thu học phí và lệ phí tuyển sinh theo quy định.
Đối với các khoản thu học phí, lệ phí tuyển sinh và thu sự nghiệp khác, Trường quản lý và sử dụng theo quy định hiện hành. Trường được quyết định sử dụng các khoản thu này để chi cho các hoạt động của Trường trên cơ sở Quy chế chi tiêu nội bộ, đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả.
2. Về nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước đặt hàng:
Trường được quyết định việc sử dụng kinh phí được giao để thực hiện các nhiệm vụ trên cơ sở Quy chế chi tiêu nội bộ, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và tiến độ thực hiện nhiệm vụ.
3. Về nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên:
Trường được quyết định các nội dung và mức chi (bao gồm cả chi trả học bổng khuyến khích học tập đối với người học, chi trả tiền lương, tiền công đối với cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên của Trường) trên cơ sở Quy chế chi tiêu nội bộ trong phạm vi nguồn tài chính của Trường đảm bảo đúng chế độ, công khai, minh bạch và hiệu quả. Trong đó:
a) Đối với tiền lương cho người lao động mang quốc tịch nước ngoài:
- Trên cơ sở cam kết của Chính phủ Việt Nam, cam kết của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc cam kết của Trường với các đối tác trong và ngoài nước, Trường thực hiện chi trả theo hợp đồng ký kết với người lao động mang quốc tịch nước ngoài, căn cứ vào chất lượng, số lượng công việc và đảm bảo tính hài hòa, cân đối về khối lượng công việc với viên chức và người lao động Việt Nam tại Trường, phù hợp với mức sống, điều kiện làm việc ở môi trường Việt Nam. Hiệu trưởng Trường có trách nhiệm xác định tiêu chuẩn, tiêu chí lựa chọn người lao động mang quốc tịch nước ngoài làm việc, giảng dạy tại Trường phù hợp với nhu cầu của Trường vào từng thời điểm; trực tiếp quản lý, giám sát và chịu trách nhiệm về hiệu quả làm việc của các cán bộ, giảng viên người nước ngoài.
- Người lao động mang quốc tịch nước ngoài làm việc tại Trường có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ về thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam và được hưởng các ưu đãi, miễn trừ theo quy chế về chuyên gia nước ngoài thực hiện các chương trình, dự án ODA do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
b) Đối với tiền lương, tiền công cho cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên người Việt Nam:
- Trong giai đoạn 2021 - 2025, căn cứ vào trình độ, năng lực chuyên môn, kết quả làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ và khả năng cân đối nguồn tài chính của Trường, Trường thực hiện chi trả tiền lương, tiền công cho cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên người Việt Nam thêm một lần trên cơ sở tiền lương ngạch bậc, chức vụ theo quy định hiện hành của Nhà nước. Khoản chi trả tiền lương này được tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của Trường.
- Trường thông báo công khai, minh bạch việc chi trả tiền lương đối với cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên của Trường (bao gồm cả người mang quốc tịch nước ngoài và người Việt Nam).
c) Chi đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ tại Trường; các khoản chi này thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan và được hạch toán vào chi phí hợp lý của Trường.
4. Trích lập các quỹ từ kết quả chênh lệch thu - chi:
Hàng năm, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản chi phí hợp lý, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật, phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại (nếu có), Trường trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp tối thiểu 25% và trích lập các quỹ khác theo quy định hiện hành.
5. Các Quỹ hỗ trợ sinh viên:
Chi học bổng khuyến khích học tập và chi miễn, giảm học phí phần chênh lệch giữa mức hỗ trợ của Nhà nước theo quy định với mức học phí của Trường; chi hỗ trợ sinh viên có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và gia đình sinh viên có khó khăn về kinh tế và thực hiện chính sách miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên, các hoạt động hỗ trợ khác cho sinh viên.
Việc lập các Quỹ hỗ trợ sinh viên thực hiện theo quy định hiện hành.
6. Về chi trả thu nhập tăng thêm:
Sau khi đã trừ tất cả các khoản chi phí hợp lý, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước theo quy định của pháp luật và trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp theo quy định, Trường được tự quyết định việc sử dụng kinh phí còn lại để chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên tùy thuộc vào nội dung, kết quả công việc và chính sách đãi ngộ theo Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường.
7. Về cơ chế tài chính thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ: Thực hiện chế độ khoán chi theo quy định hiện hành.
Điều 4. Quản lý tài chính và tài sản
1. Lập dự toán, chấp hành dự toán, quyết toán và chế độ báo cáo
Trường thực hiện chế độ kế toán đối với đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện lập dự toán và quyết toán hàng năm với Đại học Quốc gia Hà Nội.
a) Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch hoạt động của Trường và các mục tiêu, nhiệm vụ đã cam kết với Đại học Quốc gia Hà Nội, kết quả đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ của năm báo cáo và hướng dẫn xây dựng kế hoạch và lập dự toán ngân sách của Đại học Quốc gia Hà Nội, Hiệu trưởng Trường xây dựng kế hoạch và lập dự toán ngân sách của Trường trong năm kế hoạch (trong đó phân bổ chi tiết theo từng nhiệm vụ được giao) gửi Đại học Quốc gia Hà Nội để tổng hợp vào dự toán ngân sách năm kế hoạch của Đại học Quốc gia Hà Nội và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.
Kế hoạch và dự toán ngân sách của Trường bao gồm cả phần kinh phí do ngân sách nhà nước cấp và các khoản tài trợ của phía Nhật Bản (nếu có).
b) Trường có trách nhiệm quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách; định kỳ thực hiện báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán, báo cáo đột xuất với Đại học Quốc gia Hà Nội và các cơ quan liên quan theo đúng quy định hiện hành. Trường thực hiện chế độ kế toán đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn.
Trường hợp có thay đổi trong kế hoạch hoạt động cần phải điều chỉnh dự toán ngân sách, Hiệu trưởng Trường báo cáo Đại học Quốc gia Hà Nội để xem xét, xử lý theo quy định.
2. Quản lý tài chính và tài sản
a) Các nguồn tài chính, các nội dung chi, mức chi và các vấn đề liên quan đến quản lý tài chính, tài sản của Trường phải được thể hiện trong Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường.
Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường là căn cứ để Đại học Quốc gia Hà Nội và các cơ quan quản lý nhà nước khác theo dõi, giám sát và là căn cứ để Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch kiểm soát chi hoạt động thường xuyên của Trường.
Đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản: Việc kiểm soát và thanh toán thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính.
Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường do Hiệu trưởng Trường tổ chức xây dựng trên cơ sở trao đổi công khai, minh bạch trong toàn Trường, trình Hội đồng trường thông qua và báo cáo Đại học Quốc gia Hà Nội trước khi thực hiện.
b) Trường thực hiện quản lý, sử dụng tài sản được Nhà nước giao theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; sử dụng nguồn tài trợ theo đúng nội dung thỏa thuận giữa Chính phủ hai nước và thỏa thuận với nhà tài trợ (nếu có); thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa bảo vệ tài sản theo chế độ quy định; lập và quản lý hồ sơ tài sản nhà nước; hạch toán, ghi chép tài sản, báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản được giao theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
c) Trường thực hiện nghĩa vụ tài chính (học phí và thuế) theo quy định của pháp luật Việt Nam.
3. Kiểm toán, báo cáo và công khai tài chính
a) Trường thực hiện kiểm toán độc lập hàng năm. Kết quả kiểm toán được gửi cho Hội đồng trường, Đại học Quốc gia Hà Nội và đối tác liên quan phía Nhật Bản.
b) Trường thực hiện chế độ báo cáo và công khai tài chính theo quy định của pháp luật Việt Nam.
1. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
2. Đại học Quốc gia Hà Nội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả việc thực hiện cơ chế tài chính của Trường; trường hợp cần thiết, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung cơ chế tài chính của Trường đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
THỦ
TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.