THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1452/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 2021 |
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG MA TÚY GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy ngày 30 tháng 3 năm 2021;
Căn cứ Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy;
Căn cứ Quyết định số 1001/QĐ-TTg ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: |
KT. THỦ TƯỚNG |
PHÒNG, CHỐNG MA TÚY GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Kèm theo Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày
31 tháng 8 năm 2021 của Thủ
tướng Chính phủ)
1. Mục tiêu chung
Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân; tăng cường chỉ đạo làm chuyển biến nhận thức về nhiệm vụ và trách nhiệm, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong phòng, chống ma túy, nhất là vai trò của người đứng đầu. Triển khai đồng bộ các giải pháp, lấy phòng ngừa là chính, đấu tranh ngăn chặn ma túy từ xa, từ sớm là quan trọng để giải quyết tổng thể cả về giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy.
2. Mục tiêu cụ thể
- Phấn đấu kiềm chế tỷ lệ gia tăng số người nghiện ma túy và số xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy dưới 1% so với năm trước.
- Trên 80% số người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.
- Số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ hàng năm tăng từ 5% so với năm trước; trên 90% số vụ án ma túy được giải quyết, xét xử; 100% các vụ việc có thông tin về vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường biển, hàng không, chuyển phát nhanh được xác minh làm rõ.
- Số điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy được triệt xóa tăng từ 5% so với năm trước; không để hình thành các điểm, tụ điểm phức tạp mới. Phấn đấu đến năm 2025 triệt xóa trên 80% số “điểm nóng” về ma túy.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các kiến thức phòng, chống ma túy với các hình thức, thời lượng và nội dung phù hợp tại 100% số xã, phường, thị trấn, trường học, khu công nghiệp, khu chế xuất. Chất lượng, số lượng tin, bài, sản phẩm truyền thông về phòng, chống ma túy tăng hàng năm.
- Kiểm soát chặt chẽ 100% các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; xóa bỏ cơ bản và bền vững việc trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy.
- Tăng cường hợp tác đấu tranh với tội phạm ma túy xuyên quốc gia. Trước hết là hợp tác nâng cao hiệu quả phối hợp phòng, chống ma túy với các nước có chung đường biên giới.
1. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả, đảm bảo đúng mục tiêu, yêu cầu, nội dung Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Quyết định số 291/QĐ-TTg ngày 21 tháng 02 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW; gắn kết chặt chẽ, lồng ghép nội dung chương trình phòng, chống ma túy với phòng, chống tội phạm, phòng chống HIV/AIDS và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác ở các bộ, ngành, địa phương.
2. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống ma túy. Xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2021; các Nghị định, Thông tư và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến ma túy theo hướng đồng bộ, hiệu quả, thống nhất, phù hợp với luật pháp quốc tế và thực tiền công tác phòng, chống ma túy ở Việt Nam.
3. Tập trung chỉ đạo làm tốt công tác phòng ngừa, xác định đây là giải pháp chiến lược, lâu dài. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm, tệ nạn ma túy. Thường xuyên cập nhật và phổ biến thông tin cho nhân dân về tác hại của ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp cũng như phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy, xây dựng chương trình giáo dục, tuyên truyền chuyên biệt cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao; kịp thời phát hiện và động viên những mô hình, cá nhân tiêu biểu trong phòng, chống và kiểm soát ma túy.
4. Tích cực triển khai hiệu quả công tác chuyển hóa địa bàn, không để phát sinh hoặc phức tạp trở lại; tổ chức phát hiện và triệt xóa những điểm, tụ điểm sản xuất, điều chế, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Hàng năm củng cố và giữ vững số xã, phường, thị trấn không có tội phạm và tệ nạn ma túy; phấn đấu giảm dần số xã, phường, thị trấn trọng điểm phức tạp về tệ nạn ma túy.
5. Tổ chức rà soát, thống kê, phân loại, quản lý, đánh giá chính xác tình hình người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy; hỗ trợ và tổ chức cai nghiện ma túy bằng các hình thức phù hợp với từng loại đối tượng, địa bàn; xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các hình thức cai nghiện.
Kiện toàn tổ chức bộ máy, tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác cai nghiện ma túy nhằm nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai. Nghiên cứu xây dựng và triển khai các mô hình cai nghiện, quản lý sau cai; mô hình tư vấn, chuyển gửi với sự tham gia của Tòa án; các mô hình phòng ngừa ma túy tại trường học, nơi làm việc, gia đình, cộng đồng. Tăng cường đầu tư đổi mới, nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung nguồn lực cho các cơ sở cai nghiện ở địa phương. Xây dựng và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin về việc cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy, xây dựng đường dây nóng tư vấn cai nghiện ma túy.
6. Tập trung đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy từ nước ngoài vào nội địa; triệt phá, bóc gỡ triệt để các đường dây tội phạm ma túy lớn, hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia, không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế. Nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm ma túy; tăng cường các hoạt động xác minh, làm rõ nguồn gốc tài sản bị can sử dụng vào việc phạm tội, nguồn tài sản bị can có được do thực hiện hành vi phạm tội để xử lý theo quy định của pháp luật. Làm tốt công tác vận động đầu thú và bắt giữ đối tượng truy nã; chú trọng công tác xét xử lưu động phục vụ tuyên truyền, giáo dục, răn đe tội phạm. Quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm và xử lý đúng quy định của pháp luật, không để lợi dụng mua bán, tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy.
7. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất trong xuất nhập khẩu và sản xuất kinh doanh, không để tội phạm ma túy lợi dụng vào việc sản xuất, mua bán trái phép các chất ma túy. Kịp thời phát hiện, triệt xóa diện tích trồng cây có chứa chất ma túy.
8. Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy. Rà soát, tổng kết việc thực hiện các điều ước quốc tế, các hiệp định, thỏa thuận mà Việt Nam ký kết, tham gia; nghiên cứu, đề nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; đề xuất ký kết các hiệp định, thỏa thuận, biên bản ghi nhớ mới. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các nước có vai trò ảnh hưởng lớn, các quốc gia và vùng lãnh thổ trên tuyến vận chuyển, nơi sản xuất, nguồn cung cấp ma túy nhằm chia sẻ thông tin, phối hợp đấu tranh ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới; mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế, tranh thủ nguồn lực về tài chính, kỹ thuật công nghệ và kỹ năng nghiệp vụ phòng, chống ma túy.
9. Tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực của các cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả gắn liền với trách nhiệm của các tập thể, cá nhân thực hiện nhiệm vụ tại các địa bàn biên giới, cửa khẩu, trên biển và nội địa, trong đó, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đóng vai trò nòng cốt; ngành Lao động - Thương binh và Xã hội có vai trò quan trọng trong công tác phòng ngừa nghiện ma túy, cai nghiện và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng. Đẩy mạnh xã hội hóa và khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia và đóng góp cho công tác phòng, chống ma túy.
1. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước về công tác phòng, chống ma túy
- Phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống ma túy; huy động sức mạnh của toàn xã hội, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế - xã hội và toàn dân tham gia hoạt động phòng, chống ma túy; xác định rõ cơ chế và xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền, Công an, các đơn vị nghiệp vụ, chức năng, cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội các cấp để xảy ra tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy phức tạp kéo dài trên địa bàn; lấy hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn được giao phụ trách là một chỉ tiêu đánh giá, xếp loại cán bộ.
- Rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy. Nghiên cứu, đề xuất, bổ sung quy định liên quan đến tổ chức hoạt động, chế độ, chính sách đối với các lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy.
- Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các cấp cho phù hợp với thực tiễn ở các bộ, ngành, địa phương. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy và đội ngũ cán bộ chuyên trách, trực tiếp tham gia phòng, chống ma túy, đặc biệt là cấp cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
- Thường xuyên, kịp thời nghiên cứu, cập nhật, bổ sung danh mục các chất ma túy và tiền chất mới. Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề dễ bị tội phạm ma túy lợi dụng thực hiện hoạt động phạm tội; sửa đổi quy định của pháp luật về xử lý hành chính theo hướng tăng cường các biện pháp xử phạt nghiêm khắc, nhằm ngăn chặn triệt để các cơ sở kinh doanh có điều kiện để xảy ra những vi phạm liên quan đến ma túy.
- Có chính sách hỗ trợ về vốn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thay thế; tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
2. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy
- Đẩy mạnh và không ngừng đa dạng hóa các nội dung, hình thức phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy. Tập trung vào phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, trong đó coi trọng phòng ngừa ngay tại cơ sở, nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội, tập trung vào khung giờ thích hợp, nội dung dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Chú trọng xây dựng và triển khai các chương trình giáo dục phòng, chống ma túy cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên.
- Phát động phong trào toàn dân tham gia phòng, chống ma túy, nêu cao tinh thần cảnh giác của mọi người dân, phát hiện, tố giác với chính quyền, Công an về đối tượng hoạt động phạm tội, các điểm, tụ điểm mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; vận động nhân dân, nhất là tại các địa bàn miền núi, khu vực biên giới, vùng dân tộc thiểu số không trồng cây có chứa chất ma túy, không tham gia mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
- Tổ chức tuyên truyền, vận động toàn dân thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống ma túy. Thường xuyên cập nhật và phổ biến thông tin cho người dân về tác hại của ma túy, phương thức, thủ đoạn của tội phạm, tạo sức “đề kháng”, chủ động phòng tránh ma túy thâm nhập vào đời sống, đặc biệt là nhận thức đúng về tính nguy hiểm và tác hại của các loại ma túy tổng hợp.
- Xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống ma túy; hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện và cai nghiện ma túy; thực hiện tốt công tác biểu dương, khen thưởng nhằm động viên kịp thời những điển hình tiêu biểu trong công tác phòng, chống ma túy.
3. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy, công tác cai nghiện và quản lý sau cai
- Tổ chức rà soát, thống kê chính xác, lập danh sách người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy theo những tiêu chí cụ thể, thống nhất; có biện pháp quản lý chặt chẽ, không để người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy vi phạm pháp luật, nhất là các đối tượng bị ảo giác, loạn thần cấp do sử dụng ma túy có hành vi phạm tội; tích cực thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Tăng cường đầu tư, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa nghiện ma túy, cai nghiện ma túy và hỗ trợ người nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng; lựa chọn hình thức cai nghiện phù hợp, có hiệu quả, chú trọng xã hội hóa công tác cai nghiện; quan tâm giới thiệu, tạo việc làm, các hoạt động hỗ trợ khác và môi trường sống lành mạnh cho người sau cai.
- Xây dựng các tiêu chí xác định mức độ lạm dụng, nghiện ma túy và phác đồ diều trị nghiện với từng loại ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp để áp dụng tại các cơ sở cai nghiện và cơ sở y tế; tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp thực hiện công tác tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy.
4. Nâng cao năng lực, hiệu quả phòng, chống tội phạm ma túy của các lực lượng chuyên trách
- Nắm, phân tích, dự báo và đánh giá đúng tình hình tội phạm về ma túy, nhất là khu vực biên giới; xác định rõ vai trò chủ trì, chủ công, nòng cốt của lực lượng Công an, tham mưu trực tiếp cho cấp ủy, chính quyền, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ các lực lượng trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về ma túy, nhất là các biện pháp phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ.
- Tập trung triệt phá các băng nhóm, tổ chức, đường dây tội phạm về ma túy, nhất là các tổ chức, đường dây hoạt động xuyên quốc gia, các băng nhóm tội phạm có vũ trang vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới; tổ chức đấu tranh đồng bộ, liên hoàn trên các địa bàn trọng điểm, bắt giữ cả đường dây, đối tượng cầm đầu, truy nguyên nguồn gốc ma túy. Phát hiện và kịp thời đấu tranh ngăn chặn hoạt động lợi dụng xuất, nhập khẩu để vận chuyển trái phép chất ma túy qua cửa khẩu, cảng biển. Ngăn chặn không để tội phạm ma túy lợi dụng Việt Nam làm địa bàn sản xuất, tàng trữ, trung chuyển ma túy quốc tế; làm tốt công tác vận động đầu thú và bắt giữ đối tượng truy nã phạm tội về ma túy.
- Tiến hành theo đúng quy định của pháp luật trong các hoạt động điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ công tác truy tố, xét xử kịp thời, đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, không để xảy ra oan sai.
- Nâng cao hiệu quả phối hợp đấu tranh giữa các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy từ trung ương đến địa phương. Kịp thời rút kinh nghiệm việc thực hiện các kế hoạch phối hợp nhằm bổ sung các nội dung, biện pháp phù hợp để triển khai có hiệu quả các kế hoạch này.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong phòng, chống và kiểm soát ma túy, phối hợp quản lý, giám sát chặt chẽ không để tội phạm ma túy lợi dụng hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất để sản xuất, điều chế ma túy. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự, nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh hành vi mua bán, tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép ma túy. Kịp thời phát hiện, triệt phá diện tích trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy.
- Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ và kỹ thuật hiện đại phục vụ công tác phòng, chống ma túy; sửa chữa nâng cấp, bổ sung các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thông tin liên lạc cần thiết, hiện đại để phục vụ công tác, chiến đấu... đảm bảo an toàn, hiệu quả cho các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy.
5. Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy
- Đánh giá đúng thực trạng công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy của Việt Nam trong thời gian qua, nhất là việc thực hiện các cam kết và nghĩa vụ quốc tế trong phòng, chống và kiểm soát ma túy; kết quả đạt được thông qua các chương trình, kế hoạch phối hợp phòng, chống ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm ở cả nội địa và biên giới. Tăng cường hợp tác xác lập các chuyên án chung để tập trung phát hiện, đấu tranh triệt phá các đường dây ma túy quốc tế, bắt giữ, xử lý các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, bóc gỡ tận gốc các đường dây ma túy liên vận quốc tế.
- Tiếp tục thực hiện có trách nhiệm và hiệu quả các Công ước quốc tế về kiểm soát ma túy, các Hiệp định và Thỏa thuận song phương, đa phương về hợp tác phòng, chống ma túy mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Tăng cường hợp tác, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các quốc gia và vùng lãnh thổ, nhất là các nước, địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy có liên quan đến Việt Nam và có tiềm lực về tài chính, khoa học, kỹ thuật công nghệ, kinh nghiệm hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống ma túy, phòng ngừa nghiện ma túy và cai nghiện ma túy.
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy. Nghiên cứu xây dựng mới, bổ sung Hiệp định phòng, chống ma túy với các nước, các cơ quan, tổ chức quốc tế thường xuyên hợp tác có hiệu quả với Việt Nam.
1. Bộ Công an
a) Chủ trì hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai, thực hiện Chương trình ở trung ương và địa phương.
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng cơ chế, chính sách và hướng dẫn cho các bộ, ngành, địa phương để có căn cứ thực hiện Chương trình.
c) Chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ trì, phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan tổ chức tập huấn nâng cao năng lực hoạt động nghiệp vụ phòng, chống ma túy cho cán bộ, chiến sỹ các lực lượng chuyên trách.
d) Chủ trì xây dựng, tổ chức thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án:
- Dự án 1: “Phòng, chống và kiểm soát ma túy qua biên giới”, gồm:
+ Tiểu dự án 1: “Xây dựng hệ thống phòng ngừa nghiệp vụ phục vụ kiểm soát, ngăn chặn ma túy trên các tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia và các trạm kiểm soát ma túy công khai”.
+ Tiểu dự án 2: “Mua sắm trang bị, phương tiện, thiết bị nghiệp vụ đặc thù, chuyên dụng để nâng cao năng lực phòng, chống ma túy cho lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy”.
+ Tiểu dự án 3: “Mua sắm trang thiết bị chuyên dụng, phân tích chuyên sâu để truy nguyên nguồn gốc và phát hiện ma túy mới cho lực lượng kỹ thuật hình sự về ma túy”.
Cơ quan phối hợp: Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Dự án 2: “Đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy tại các địa bàn, tuyến trọng điểm”.
- Dự án 3: “Giải quyết điểm, tụ điểm và chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy tại xã, phường, thị trấn”.
- Dự án 4: “Hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy”.
2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Chỉ đạo và quản lý thống nhất việc tổ chức phòng ngừa nghiện ma túy, cai nghiện, tổ chức giáo dục, dạy nghề, cho vay vốn, tạo việc làm, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng đã cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy. Nghiên cứu, đề xuất các chế độ, chính sách ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác cai nghiện ma túy tại các Cơ sở cai nghiện ma túy.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các bộ, ban, ngành có liên quan tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng ngừa nghiện ma túy, cai nghiện ma túy, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ sau cai khác.
c) Chủ trì xây dựng, tổ chức thẩm định, phê duyệt và triển khai dự án: “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và phòng ngừa nghiện ma túy đối với nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy”.
Dự án bao gồm:
(1) Tiểu dự án 1: “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai và hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma túy”.
(2) Tiểu dự án 2: “Phòng ngừa nghiện ma túy đối với nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy”.
3. Bộ Quốc phòng
a) Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng phòng, chống ma túy của Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển:
- Chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp với lực lượng Công an, Hải quan trong phòng, chống tội phạm về ma túy ở khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Tăng cường hợp tác quốc tế về kiểm soát và đấu tranh với tội phạm ma túy qua biên giới.
- Tham gia tuyên truyền phòng, chống ma túy, xây dựng địa bàn trong sạch không có tội phạm và tệ nạn ma túy ở khu vực biên giới.
b) Chủ trì xây dựng, tổ chức thẩm định, phê duyệt và triển khai Dự án “Mua sắm, trang bị phương tiện, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm về ma túy của lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy thuộc Bộ Quốc phòng”.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế phục vụ cho công tác phòng, chống ma túy.
5. Bộ Tài chính
a) Tổng hợp kinh phí chi thường xuyên để thực hiện Chương trình trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của các bộ, ngành trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
b) Chỉ đạo lực lượng Hải quan tăng cường năng lực, hiệu quả phòng, chống ma túy, kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy và tiền chất. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Quân đội thực hiện các nội dung Chương trình. Hàng năm, trang bị thêm các thiết bị, phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ hiện đại phục vụ công tác phòng, chống ma túy của lực lượng Hải quan.
c) Tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ, kiến thức chính trị, pháp luật cho công chức chuyên trách phòng, chống ma túy. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng, chống ma túy tại các địa bàn hoạt động của lực lượng Hải quan.
d) Tăng cường hợp tác quốc tế với các đối tác liên quan đến công tác phòng, chống ma túy của lực lượng Hải quan.
6. Bộ Y tế
a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương liên quan tổ chức hướng dẫn thực hiện phác đồ điều trị cắt cơn, giải độc, trị liệu, hồi phục cho người tham gia cai nghiện ma túy dưới các hình thức. Nâng cao hiệu quả điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone/ buprenorphine.
b) Chủ trì, phối hợp thực hiện xác định tình trạng nghiện đối với người nghiện, phân loại người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy.
7. Bộ Thông tin và Truyền thông
a) Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở đổi mới cách thức tuyên truyền, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy theo nội dung Chương trình.
b) Tiếp tục duy trì thời lượng, chuyên trang, chuyên mục, chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện, phối hợp lồng ghép công tác truyền thông phòng, chống ma túy với truyền thông về các chương trình kinh tế - xã hội khác.
c) Chủ trì xây dựng, tổ chức thẩm định, phê duyệt và triển khai Dự án “Tuyên truyền về phòng, chống ma túy trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở giai đoạn 2021 - 2025”.
8. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Chủ trì, chỉ đạo tổ chức sản xuất, phát hành các sản phẩm tuyên truyền về tác hại của ma túy và các mô hình phòng, chống ma túy.
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy; lồng ghép công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch với các chương trình kinh tế - xã hội khác.
9. Bộ Giáo dục và Đào tạo
a) Chỉ đạo, thống nhất, đồng bộ trong ngành Giáo dục việc tăng cường giảng dạy trong Chương trình chính khóa và tổ chức lồng ghép tuyên truyền, phổ biến giáo dục thông qua các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa các nội dung giáo dục về phòng ngừa ma túy cho học sinh, sinh viên ở các cấp học.
b) Chủ trì xây dựng, thẩm định, phê duyệt và triển khai Dự án “Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2025”.
10. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương, phối hợp với Công an và các ngành chức năng, kiểm tra, phát hiện, tổ chức triệt phá diện tích cây trồng có chứa chất ma túy; tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, vận động người dân không trồng cây có chứa chất ma túy.
b) Triển khai các chương trình, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thay thế cây có chứa chất ma túy tại các địa bàn có nguy cơ trồng và tái trồng cao; lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội và dự án khuyến nông, khuyến lâm để thực hiện.
c) Chủ trì xây dựng, tổ chức thẩm định, phê duyệt và triển khai Dự án: “Hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến nghị các vật nuôi, cây trồng mới thay thế cây có chứa chất ma túy”.
11. Bộ Công Thương
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý, sử dụng tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại.
b) Quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu và sử dụng tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp quản lý đến sản phẩm cuối cùng nhằm phòng tránh thất thoát vào sản xuất trái phép ma túy.
12. Bộ Tư pháp
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy; nghiên cứu, đề xuất theo hướng hoàn thiện các chế tài xử lý hành chính, hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến ma túy.
13. Bộ Ngoại giao
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan mở rộng hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống ma túy, đặc biệt với các nước có chung đường biên giới, các nước có nhiều người Việt Nam định cư, sinh sống, các quốc gia và vùng lãnh thổ phức tạp về ma túy ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, các nước có nhiều kinh nghiệm về công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện và điều trị cho người nghiện ma túy.
14. Ủy ban Dân tộc
a) Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, tự giác chấp hành pháp luật, trong đó có pháp luật phòng, chống ma túy trong đồng bào dân tộc thiểu số; vận động nhân dân không tham gia trồng cây có chứa chất ma túy, không nghe xúi giục, lôi kéo tham gia các hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép ma túy. Lồng ghép, vận dụng kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho các hoạt động phòng, chống ma túy.
b) Chủ trì, xây dựng, tổ chức thẩm định, phê duyệt và triển khai Dự án: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm về ma túy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.
15. Văn phòng Chính phủ
Phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan giúp Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện Chương trình.
16. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
Các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống ma túy ở cơ quan, đơn vị, đồng thời có trách nhiệm tham gia phối hợp triển khai, thực hiện các nội dung của Chương trình trong phạm vi nhiệm vụ được giao.
17. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao
a) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thuộc Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án về ma túy; áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy; xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe để người nghiện, người sử dụng ma túy phạm tội, vi phạm pháp luật và phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan thực hiện các nhiệm vụ khác thuộc Chương trình.
b) Tham gia nghiên cứu rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy.
c) Phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ, báo cáo Quốc hội nghiên cứu có chính sách đặc thù đối với đối tượng truy nã về tội phạm ma túy là người dân tộc thiểu số ra đầu thú.
d) Tòa án nhân dân tối cao chủ trì xây dựng, tổ chức thẩm định, phê duyệt và triển khai Dự án: “Nâng cao năng lực xét xử của Tòa án nhân dân các cấp trong công tác xét xử các vụ án ma túy và áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”.
18. Đề nghị Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên
a) Tăng cường công tác phối hợp, hướng dẫn tổ chức các hoạt động phòng, chống ma túy tại cộng đồng; phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống ma túy” trong xã hội.
b) Gắn kết hiệu quả công tác phòng, chống ma túy với phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và phòng, chống tội phạm, các tệ nạn xã hội trong việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua tại cơ sở.
c) Chủ trì xây dựng, tổ chức thẩm định, phê duyệt và triển khai Dự án: “Phát động phong trào toàn dân tham gia phòng, chống ma túy”.
19. Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, tổ chức thẩm định, phê duyệt và triển khai Dự án “Tăng cường phòng, chống ma túy cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”.
20. Đề nghị Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, thẩm định, phê duyệt và triển khai Dự án “Tăng cường phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên”.
21. Đề nghị Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
Chủ trì xây dựng, tổ chức thẩm định, phê duyệt và triển khai Dự án: “Tăng cường quản lý, giáo dục con em trong gia đình không tham gia tội phạm và tệ nạn ma túy”.
22. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
a) Xây dựng kế hoạch, trong đó xác định chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình hàng năm và cả giai đoạn gửi Bộ Công an - Cơ quan quản lý Chương trình để tổng hợp chung.
b) Thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án liên quan lĩnh vực phòng, chống ma túy do địa phương quản lý theo quy định. Tổ chức lồng ghép việc thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống ma túy với các Chương trình kinh tế - xã hội khác.
c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế của địa phương và khả năng cân đối ngân sách trình Hội đồng nhân dân cùng cấp bố trí kinh phí thực hiện Chương trình cho các cơ quan, đơn vị ở địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; tổ chức huy động các nguồn lực tài chính hợp pháp khác để thực hiện Chương trình; đồng thời chịu trách nhiệm sử dụng kinh phí của Chương trình đúng mục đích, hiệu quả.
d) Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện; báo cáo kết quả với Bộ Công an - Cơ quan quản lý Chương trình về tình hình thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình thuộc thẩm quyền quản lý trên địa bàn theo nội dung và thời gian quy định.
1. Bộ Công an - Cơ quan thường trực phòng, chống ma túy của Chính phủ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện Chương trình; xây dựng báo cáo kết quả thực hiện; kịp thời báo cáo đề xuất điều chỉnh các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình cho phù hợp với tình hình thực tế; tham mưu Thủ tướng Chính phủ tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện Chương trình và đề xuất nhiệm vụ thời gian tiếp theo.
2. Các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình; tổ chức xây dựng và phối hợp triển khai các Dự án trong Chương trình. Định kỳ (6 tháng và hàng năm), sơ kết giữa kỳ (năm 2023) và tổng kết có báo cáo về Bộ Công an để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Kinh phí thực hiện Chương trình do ngân sách nhà nước bảo đảm theo khả năng cân đối, được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các bộ, ngành, địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành và các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu và các nguồn hợp pháp khác. Việc quản lý và sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.