ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 145/QĐ-UBND |
Kiên Giang, ngày 11 tháng 01 năm 2022 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn;
Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 839/TTr-STNMT ngày 07 tháng 12 năm 2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” (đính kèm Đề án).
Điều 2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan hướng dẫn, triển khai thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc (Thủ trưởng) các Sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG GIAI ĐOẠN
2022-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 145/QĐ-UBND ngày 11/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang)
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Thời gian qua, dưới sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, kinh tế của tỉnh Kiên Giang đã có những chuyển biến tích cực. Đời sống của người dân ngày một cải thiện và nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa và công nghiệp hóa không ngừng gia tăng, trong khi các giải pháp bảo vệ môi trường nói chung, chất thải rắn sinh hoạt nói riêng chưa đồng bộ, tỉnh Kiên Giang đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải. Lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều và đa dạng về chủng loại, đặc biệt là các loại rác khó xử lý nhưng chưa được phân loại, thu gom, xử lý đáp ứng các yêu cầu theo quy định về bảo vệ môi trường. Tại các khu đô thị vẫn còn tình trạng vứt rác thải không đúng quy định ở các khu vực công cộng, chất thải sinh hoạt thải trực tiếp ra biển; tại các vùng nông thôn có nhiều nơi chưa có phương án thu gom, vận chuyển, xử lý rác, tình trạng xả rác ra ao, hồ, sông, rạch còn rất phổ biến gây mất cảnh quan sinh thái, ô nhiễm môi trường.
Nguyên nhân chính là do trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt có công nghệ và quy trình kỹ thuật xử lý đáp ứng được khối lượng rác thải phát sinh hàng ngày, chủng loại rác cần được xử lý đạt quy chuẩn; phương tiện thu gom, vận chuyển chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và phân loại rác thải tại nguồn; công tác tuyên truyền các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đã được quan tâm nhưng chưa đúng mức, có lúc mang tính hình thức nên hiệu quả chưa cao; vai trò của các cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ; lực lượng cán bộ làm công tác quản lý môi trường cấp huyện và xã còn thiếu và yếu về chuyên môn nghiệp vụ; ý thức trách nhiệm và nhận thức của người dân về công tác thu gom, xử lý rác thải chưa cao.
Những nguyên nhân nêu trên là trở ngại lớn trong công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của tỉnh. Do đó, việc hoàn thiện hệ thống, cơ chế trong công tác quản lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo rác thải phải được thu gom, vận chuyển, xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, đặc biệt theo đúng quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành vào ngày 01 tháng 01 năm 2022, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh.
Để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh tổ chức xây dựng “Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2022 - 2025 định hướng đến năm 2030”, trên cơ sở đánh giá thực trạng công tác quản lý chất thải rắn trong thời gian qua, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, trong đó phân công cụ thể trách nhiệm cho các sở, ngành, đoàn thể, UBND các cấp và tổ chức, cá nhân, hộ gia đình để tổ chức thực hiện một cách đồng bộ và đạt hiệu quả cao.
II. CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
- Luật Bảo vệ môi trường năm 2020;
- Luật xây dựng năm 2014 và Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020;
- Luật Quy hoạch năm 2020;
- Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn.
- Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chiến lược quốc gia quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050;
- Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam;
- Kế hoạch số 47/KH-UBND ngày 01/4/2019 của UBND tỉnh Kiên Giang về thực hiện chiến lược quốc gia quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang;
- Kế hoạch số 133/KH-UBND ngày 10/9/2019 của UBND tỉnh Kiên Giang về thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh Kiên Giang;
- Kế hoạch số 177/KH-UBND ngày 13/11/2020 của UBND tỉnh Kiên Giang về hành động quản lý rác thải nhựa và rác thải đại dương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang;
Phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
I. HIỆN TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT
1. Cơ chế, chính sách và quy hoạch quản lý
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về quản lý tổng hợp chất thải rắn nói chung, quản lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng, nhiều cơ chế, chính sách, văn bản ở trung ương đã được hoàn thiện và ban hành như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chiến lược quốc gia quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam; Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn.
Trên cơ sở Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định, kế hoạch cụ thể hóa việc tổ chức triển khai thực hiện nhằm tăng cường công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, từng bước giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải rắn, cụ thể như sau:
- Quyết định số 1418/QĐ-UBND ngày 06/7/2012 về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh Kiên Giang đến năm 2025;
- Kế hoạch số 47/KH-UBND ngày 01/4/2019 của UBND tỉnh Kiên Giang về thực hiện chiến lược quốc gia quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 và. tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang;
- Kế hoạch số 133/KH-UBND ngày 10/9/2019 của UBND tỉnh Kiên Giang về thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh Kiên Giang;
- Kế hoạch số 177/KH-UBND ngày 13/11/2020 của UBND tỉnh Kiên Giang về hành động quản lý rác thải nhựa và rác thải đại dương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Theo Đồ án quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh Kiên Giang đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh có 56 trạm trung chuyển chất thải rắn (10 trạm đô thị và 46 trạm nông thôn), 07 khu xử lý chất thải rắn liên huyện; 07 bãi chôn lấp khu vực đô thị; 20 bãi chôn lấp khu vực nông thôn và 10 lò đốt xã đảo. Nội dung chính của quy hoạch đã đưa ra được các dự báo về khối lượng phát sinh, xác định phương thức và phân vùng thu gom, vận chuyển, xác định được vị trí, số lượng và quy mô công suất xử lý của các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhưng chưa tập trung vào các vấn đề liên quan đến phân loại rác thải tại nguồn, phương án thu gom, vận chuyển và công nghệ xử lý đáp ứng yêu cầu sau khi rác thải đã được phân loại.
2. Tổ chức bộ máy quản lý và phân công trách nhiệm
Theo quy định tại khoản 6 Điều 78 và khoản 6 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, UBND tỉnh có trách nhiệm quy hoạch, bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thực hiện việc giao đất kịp thời để triển khai xây dựng và vận hành khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; bố trí kinh phí cho việc đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hệ thống các công trình, biện pháp, thiết bị công cộng phục vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân; giá đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý; hình thức và mức giá dịch vụ hộ gia đình, cá nhân phải chi trả dựa trên khối lượng hoặc thể tích rác đã được phân loại.
Theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, địa chất, khí tượng thủy văn, môi trường và đặc biệt là quản lý chất thải rắn.
Ở các địa phương, công tác quản lý Nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt do UBND huyện, thành phố thực hiện quản lý chung và tùy tình hình thực tế, UBND huyện, thành phố sẽ giao Phòng Tài nguyên và Môi trường hoặc Phòng Kinh tế Hạ tầng hay BQL công trình công cộng tổ chức thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý hoặc chuyển đến các bãi rác. Nguồn kinh phí thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý được sử dụng từ ngân sách sự nghiệp môi trường và giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước (tuy nhiên nguồn thu hiện vẫn còn thấp).
II. HIỆN TRẠNG PHÁT SINH, THU GOM VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT (CTRSH)
1. Tình hình phát sinh và công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH đô thị
- Nguồn phát sinh CTRSH chủ yếu từ hộ gia, các khu thương mại dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, siêu thị, chợ,...), công sở (cơ quan, trường học, bệnh viện,...), khu công cộng (bến tàu, bến xe, sân bay, công viên, khu vui chơi giải trí, đường phố,...), dịch vụ công cộng (quét đường, cắt tỉa cây xanh), tại các cơ sở sản xuất, chế biến,...
- Khối lượng CTRSH đô thị phát sinh ngày càng gia tăng, tùy thuộc vào quy mô dân số của đô thị, mức sống của người dân, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa và du lịch. Theo số liệu thống kê năm 2020, tổng dân số của 27 phường và thị trấn trên địa bàn tỉnh là 528.435 người (chiếm 29,5 % dân số cả tỉnh) thì lượng CTRSH phát sinh khoảng 567 tấn/ngày.
- Công tác phân loại và phương thức thu gom, vận chuyển: hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa áp dụng nhân rộng chương trình phân loại rác thải tại nguồn. CTRSH đô thị được thu gom bằng các phương tiện thu gom tại nguồn và các phương tiện vận chuyển có tải trọng nhỏ tiến hành thu gom tại các vị trí công cộng, trên vỉa hè, đường phố, tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,... Sau khi đã đầy tải, sẽ di chuyển về trạm trung chuyển và chuyển CTRSH đến nhà máy xử lý bằng phương tiện vận chuyển có tải trọng lớn. Tần suất và tỷ lệ thu gom phụ thuộc vào các yếu tố như vị trí địa lý, thành phần và khối lượng chất thải, nguồn nhân lực và chính sách quản lý chất thải. Thời gian qua, với chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của Nhà nước, việc thu gom, vận chuyển CTRSH do doanh nghiệp công ích thực hiện. Nguồn kinh phí thực hiện hoạt động thu gom, vận chuyển CTRSH đô thị do Nhà nước bù đắp một phần từ nguồn thu phí vệ sinh trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2020, tỷ lệ thu gom đạt khoảng 90,87 %, như vậy còn lại 9,13 % khối lượng CTRSH không được thu gom và bị thải bỏ ra môi trường xung quanh. Một trong những vấn đề bức xúc của các đô thị hiện nay trong công tác thu gom CTRSH là thiếu các điểm hẹn và trạm trung chuyển rác.
- Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 01 nhà máy xử lý CTRSH đang vận hành chính thức, với công suất xử lý 200 tấn/ngày, tiếp nhận CTRSH phát sinh trên địa bàn thành phố Rạch Giá và một số huyện lân cận; khu xử lý rác thải thành phố Hà Tiên, huyện Châu Thành, Vĩnh Thuận đang hoạt động; nâng tỷ lệ xử lý, chôn lấp hợp vệ sinh đạt 44 %; 03 khu xử lý tại huyện Giồng Riềng, Giang Thành, Kiên Lương đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục.
2. Tình hình phát sinh và công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH nông thôn
- Năm 2021, toàn tỉnh có 117 xã, với tổng số dân là 1.264.114 người (chiếm 70,5 %), lượng rác thải phát sinh 707 tấn/ngày. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng xã nông thôn mới, nhiều hộ dân được hướng dẫn phân loại rác tại hộ gia đình và đang được triển khai tích cực, từ đó đã nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường ở địa phương.
- Ở một số khu vực nông thôn CTRSH được các đơn vị dịch vụ môi trường hoặc các hợp tác xã, tổ tự quản thu gom, vận chuyển đến các bãi rác lộ thiên tự phát chiếm khoảng 71 %, khoảng 16 % được xử lý tại các nhà máy sản xuất phân compost và 13 % được xử lý bằng phương pháp đốt. Tuy nhiên, do số lượng xe được trang bị vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nên một số nơi vẫn phải sử dụng xe công nông và các phương tiện thô sơ khác. Thiếu phương tiện, thời gian thu gom không đồng nhất nên tình trạng chất thải rắn sinh hoạt vẫn tồn đọng trong khu dân cư. Hầu hết ở xã vùng sâu tần suất thu gom từ 2-3 ngày/lần, có những nơi từ 4 - 5 ngày thu gom một lần. Điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt thường bố trí ở đầu xóm, mặt đường giao thông chính của xã, không che đậy kín dẫn đến ô nhiễm môi trường và làm mất cảnh quan xóm, làng.
- Đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa khó khăn về tuyến đường thu gom sẽ được người dân xử lý tại hộ gia đình, cụ thể: rác thải hữu cơ dễ phân hủy được sử dụng làm thức ăn gia súc, gia cầm, ủ phân compost; rác phế liệu (kim loại, bìa carton, giấy,...) gom bán phế liệu; chất thải khác chôn lấp hoặc đốt hoặc thải ra ao, hồ, sông, rạch.
(Chi tiết tại Phụ lục 1 đính kèm).
3. Hiện trạng tổ chức thu gom ở các tuyến huyện
Theo thống kê hiện nay trên địa bàn tỉnh có 46 xe chuyên dụng do đơn vị quản lý thu gom cấp huyện quản lý để vận chuyển rác thải đến nơi xử lý (trong đó cũng đã có nhiều xe bị hư hỏng hoặc đã cũ và thường xuyên hư hỏng); gần 950 xe cải tiến, tự chế, đẩy tay để thu gom rác thải đến điểm tập trung. Tuy nhiên, do số lượng xe được trang bị vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nên một số nơi vẫn phải sử dụng xe công nông và các phương tiện thô sơ khác. Thiếu phương tiện, thời gian thu gom không đồng nhất nên tình trạng chất thải rắn, chất thải sinh hoạt vẫn tồn đọng trong khu dân cư. Hầu hết các tuyến thu gom ở xã vùng sâu phải từ 2 đến 3 ngày/lần, thậm chí có nơi 4-5 ngày mới thu gom một lần. Điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt thường bố trí ở đầu xóm, mặt đường giao thông chính của xã, không che đậy kín dẫn đến ô nhiễm môi trường và làm xấu cảnh quan xóm, làng,...
Bên cạnh đó, những bất cập trong vấn đề quy hoạch các địa điểm xử lý rác còn chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng mỗi xã có một bãi rác lộ thiên, hay những bãi chôn lấp chất thải không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật vẫn phát sinh. Qua rà soát thực trạng cho thấy mỗi xã mỗi bãi rác lộ thiên đã gây những hiện tượng ô nhiễm môi trường cục bộ tại các địa phương là không tránh khỏi.
Công tác tổ chức thu gom ở các tuyến huyện nói chung, trong đó có chất thải sinh hoạt nông thôn hiện chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài ra, hiện chưa có chính sách hỗ trợ cho các hoạt động quản lý thu gom chất thải nông thôn. Công tác xã hội hóa các hoạt động thu gom chất thải rắn sinh hoạt nông thôn gặp nhiều khó khăn do nhận thức của cộng đồng còn hạn chế. Cùng với đó, ý thức người dân về thu gom, phân loại rác thải chưa tốt cũng làm khó khăn thêm cho vấn đề về thu gom rác thải nông thôn hiện nay,... trong đó, vấn đề về phương tiện thu gom cũng rất nan giải.
(Chi tiết tại Phụ lục 2 đính kèm)
4. Công tác triển khai thực hiện quy hoạch
Thực tế CTRSH phát sinh thấp hơn nhiều so với dự báo trong quy hoạch nên quy mô công suất tại các cơ sở xử lý CTR đã và đang đầu tư thấp hơn nhiều so với quy hoạch. Ví dụ, dự báo lượng CTRSH phát sinh năm 2015 là 1.803,7 tấn/ngày; năm 2020 là 2.510,1 tấn/ngày. Thực tế CTRSH phát sinh năm 2020 khoảng 1.274 tấn/ngày.
Tính đến thời điểm hiện tại, có 1/7 cơ sở xử lý CTR vùng tỉnh và vùng huyện đã đưa vào hoạt động (Nhà máy xử lý rác thải thành phố Rạch Giá), 03 cơ sở đang tiến hành đầu tư xây dựng và hoàn chỉnh hồ sơ (Giồng Riềng, Giang Thành, Kiên Lương), 01 cơ sở đã thu hồi chủ trương đầu tư (Phú Quốc) và hiện dự án đang được cải tạo để hoạt động trở lại, 01 cơ sở đang trong quá trình làm hồ sơ thủ tục để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (Phú Quốc). Còn 1 cơ sở (U Minh Thượng) chưa có nhà đầu tư. Cụ thể như sau:
Danh sách quy hoạch cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh
STT |
Cơ sở/ dự án xử lý CTR |
Tên chủ cơ sở/ dự án |
Công suất (tấn/ngày) |
Quy mô (ha) |
Hiện trạng hoạt động/ đầu tư |
01 |
Nhà máy xử lý rác thành phố Rạch Giá (Hòn Đất) |
Công ty CP ĐT - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa |
200 |
25 |
Bắt đầu hoạt động từ tháng 9/2011. Đang lập ĐTM tăng công suất lên 500 tấn/ngày |
02 |
Nhà máy xử lý rác Long Thạnh (Giồng Riềng) |
Công ty TNHH Mai Trần II |
245 |
10 ha |
Đã chạy thử nghiệm |
03 |
Nhà máy xử lý rác Tâm Hằng (Giang Thành) |
Công ty TNHH Tâm Hằng |
100 |
14,7 |
Đã được phê duyệt ĐTM |
04 |
Nhà máy xử lý rác sinh hoạt Kiên Lương |
Công ty TNHH xử lý rác thải Môi trường Xanh Kiên Lương |
100 |
17,55 |
Đã được phê duyệt ĐTM từ năm 2015. Đã hoàn thành đầu tư xây dựng và chuẩn bị vận hành thử nghiệm |
05 |
U Minh Thượng |
Chưa có nhà đầu tư |
|||
06 |
Nhà máy xử lý rác Bãi Bổn |
Công ty CP năng lượng tái tạo Toàn Cầu |
200 |
10,4 ha |
Đã thu hồi chủ trương đầu tư. Hiện dự án đang được cải tạo để hoạt động trở lại |
07 |
Nhà máy xử lý rác Phú Quốc |
(đang đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư) |
300 |
Khoảng 14 ha |
Đã xong bước sơ tuyển |
Toàn tỉnh không có bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh vận hành theo quy hoạch (trừ thành phố Hà Tiên được Chính phủ Úc tài trợ thiết kế, xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh nhưng vận hành chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật). Đến nay, các bãi rác chưa được chuyển đổi công năng thành trạm trung chuyển, chưa hình thành trạm trung chuyển chất thải theo quy hoạch.
Hiện tại, còn rất nhiều địa phương đang thu gom, vận chuyển đến các bãi rác hở, không đảm bảo công tác bảo vệ môi trường. Toàn tỉnh có 47 bãi rác (trong đó, có 33 bãi rác hở đang hoạt động với quy mô khác nhau và 14 bãi rác đã được quy hoạch nhưng chưa hoạt động).
- Hiện có 2 huyện đã được giao kinh phí đầu tư lò đốt rác (Châu Thành, Vĩnh Thuận) và đang hoạt động (đặt tại vị trí bãi rác hiện hữu của huyện) để xử lý tạm thời lượng rác phát sinh trong thời gian chờ các nhà máy xử lý rác quy hoạch theo vùng đi vào hoạt động.
- Đối với CTRSH nông thôn: tính đến thời điểm hiện nay, hầu hết các nội dung trong Quy hoạch chưa được triển khai thực hiện, ngoại trừ có 3 bãi rác được bố trí mới tại các vị trí theo quy hoạch, gồm: Tân Hiệp, An Minh, Giang Thành.
- Đối với các xã đảo, theo quy hoạch sẽ bố trí lò đốt tại các xã đảo, bao gồm: Tiên Hải (Hà Tiên), Sơn Hải và Hòn Nghệ (Kiên Lương); xã Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn và Nam Du (2 điểm) (Kiên Hải); xã Thổ Châu và xã Hòn Thơm (Phú Quốc). Hiện nay, đã có 4/9 (do giảm 01 xã: Hòn Thơm) lò đốt gồm: Tiên Hải, Lại Sơn, Nam Du, Sơn Hải, Hòn Nghệ.
Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Quy hoạch của tỉnh chậm tiến độ và chưa đạt mục tiêu. Do chậm triển khai thực hiện Quy hoạch nên một số địa phương phát sinh những bãi rác tạm thời gây ô nhiễm môi trường như: các xã đảo huyện Kiên Hải, Phú Quốc, Kiên Lương (Quy hoạch là đầu tư lò đốt). Do chậm tiến độ đầu tư 07 cơ sở xử lý chất thải rắn vùng tỉnh và vùng huyện nên công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở các địa phương cũng bị động theo.
III. TÌNH HÌNH TIẾP NHẬN XỬ LÝ VÀ ĐÓNG CỬA CÁC BÃI RÁC KHÔNG HỢP VỆ SINH GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
1. Hiện trạng
Trên địa bàn tỉnh hiện tồn tại tổng số 33 bãi rác hở lộ thiên đang hoạt động với quy mô khác nhau. Trong đó gồm: có 11 bãi rác cấp huyện có sức chứa lớn và 22 bãi rác phụ, nhỏ thuộc địa bàn xã, chia cắt khó thu gom về bãi huyện.
Trong tổng số 21 bãi rác xã đang hoạt động với hình thức bãi rác hở lộ thiên thì các xã khác cũng đang còn hoạt động với hình thức là các bãi rác đổ tạm, không quy hoạch do chưa tổ chức được các tuyến thu gom về các bãi rác huyện, vùng để xử lý.
Như vậy toàn tỉnh hiện nay có: 10 lò đốt rác thải sinh hoạt tại 10 khu bãi rác tập trung của huyện và xã (gồm 4 bãi huyện và 6 bãi xã) hiện đang hoạt động; Ngoài 01 bãi chôn lấp tại khu xử lý rác thải Hà Tiên được thiết kế chôn lấp hợp vệ sinh, 32 bãi rác còn lại là những bãi rác lộ thiên, hoạt động gây ô nhiễm môi trường, cần phải có kế hoạch đóng cửa xử lý triệt để; 14 bãi rác chưa hoạt động ở các xã vùng sâu vùng xa thuộc quy hoạch của cấp huyện.
(Chi tiết tại Phụ lục 3 đính kèm)
2. Định hướng tiếp nhận xử lý và đóng cửa các bãi rác
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 6 bãi tập trung rác thải cấp huyện nằm trong danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1707/QĐ-UBND ngày 14/8/2014, Quyết định số 2028/QĐ-UBND ngày 15/8/2013, Quyết định số 49/QĐ-UBND ngày 10/01/2014 của UBND tỉnh Kiên Giang, gồm: Bãi rác thành phố Hà Tiên, Bãi rác huyện Tân Hiệp, Bãi rác huyện Châu Thành, Bãi rác huyện An Biên, Bãi rác huyện Kiên Lương, Bãi rác phường An Thới.
Đến nay, bãi rác thải huyện An Biên đã dừng tiếp nhận rác, đang thực hiện xử lý ô nhiễm tồn đọng trước đây để đóng cửa. Bãi rác thải An Thới, Kiên Lương, Tân Hiệp, An Biên lại đang chuyển đổi phương thức xử lý rác thải hàng ngày và dự kiến sẽ hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường triệt để trong năm 2022.
Đối với bãi rác huyện Châu Thành sẽ thực hiện quy trình đóng cửa sau khi nhà máy xử lý rác vùng được đặt tại huyện Giồng Riềng sau khi đi vào hoạt động ổn định.
Đối với 11 bãi rác cấp huyện và 22 bãi rác cấp xã có ô nhiễm, sau khi hoàn thành việc đầu tư các lò đốt CTRSH theo quy hoạch vùng. UBND các huyện, thành phố sẽ tiến hành xử lý, lập hồ sơ đóng cửa theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Theo đó, UBND các huyện, thành phố phải nghiên cứu, rà soát, xây dựng phương án, dự kiến kinh phí thực hiện, lộ trình cụ thể để đóng cửa tất cả các bãi rác và đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn quản lý; hoàn thiện phương án và gửi báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/12 hàng năm để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
III. NHẬN XÉT VÀ ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Kết quả đạt được
Thời gian qua, được sự quan tâm của các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, các cấp chính quyền địa phương, cùng với nhận thức về bảo vệ môi trường của Nhân dân đã được nâng lên, công tác thu gom, xử lý rác thải tại các khu vực đô thị và nông thôn trên địa bàn các huyện, thành phố đã có những chuyển biến. Các huyện, thành phố đã quan tâm đến công tác thu gom, xử lý rác thải khu vực nông thôn, đã hình thành các tổ thu gom rác thải, đã bố trí bãi chôn lấp rác thải để tập kết rác thải. Một số địa phương đã đầu tư xây dựng lò đốt rác thải; Công tác thu phí vệ sinh môi trường ở một số địa phương đã được triển khai hiệu quả nhằm duy trì hoạt động của các tổ, đội vệ sinh môi trường và xử lý rác thải, đã góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra.
Công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đã từng bước đi vào nề nếp; các công trình xử lý rác thải sinh hoạt quy mô cấp xã, xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp sử dụng lò đốt trước mặt đã giảm thiểu được tình trạng xả rác thải bừa bãi ra sông, kênh, mương, khu vực công cộng; cảnh quan môi trường nông thôn đã được cải thiện rõ rệt.
Công tác thu gom, xử lý rác thải tại khu vực nông thôn, thành thị được chính quyền cấp huyện, xã đặc biệt quan tâm chỉ đạo, Nhân dân ủng hộ, tham gia nhiệt tình, ý thức bảo vệ môi trường của mọi tầng lớp trong xã hội đã từng bước được nâng cao. Xã hội hóa trong công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt được khuyến khích; trên địa bàn tỉnh có nhiều đơn vị tham gia công tác thu gom xử lý rác thải và vận hành có hiệu quả.
2. Tồn tại, hạn chế
- Việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt chưa được áp dụng theo phương thức quản lý tổng hợp, chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu trong sinh hoạt; việc áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, kiểm soát chất thải trong sản xuất còn hạn chế.
- Việc quy hoạch, đầu tư, bố trí các điểm tập kết, trung chuyển rác thải nông thôn trên địa bàn các huyện chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
- Hầu hết các bãi chôn lấp rác thải nông thôn trên địa bàn các huyện đều không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường, chủ yếu là bãi chứa tạm thời.
- Việc phân loại rác thải tại nguồn chưa hiệu quả; phương tiện, trang thiết bị cho việc thu gom, vận chuyển chất thải còn thiếu (chủ yếu là phương tiện thủ công, thô sơ hoặc đã cũ kỹ,...), chưa đồng bộ, chưa phù hợp với từng loại chất thải sau khi rác thải đã được phân loại tại nguồn.
3. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế
- Các cấp, các ngành chưa thực sự quan tâm, chưa đầu tư đúng mức đối với công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nông thôn. Chưa bố trí đầy đủ nguồn lực cho công tác thu gom, xử lý rác thải; kinh phí bố trí còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; năng lực quản lý CTRSH tại nhiều địa phương còn hạn chế;
- Chưa có các cơ chế ưu đãi, thu hút đầu tư phù hợp nên hầu hết công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH đô thị do Công ty Môi trường Đô thị thực hiện. Mô hình quản lý CTRSH khu vực nông thôn cũng như nguồn lực thực hiện chưa được quan tâm đầu tư thích đáng, chủ yếu do chính quyền cấp xã, cộng đồng tự tổ chức thực hiện nên manh mún, thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất và con người thực hiện. Việc lựa chọn địa điểm xây dựng các khu xử lý chất thải rắn tập trung thường không nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân địa phương do sợ bị ảnh hưởng, tác động ô nhiễm môi trường từ các khu này.
- Nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường và thu gom, xử lý rác thải tuy đã được nâng lên nhưng không thể hiện được trách nhiệm trong việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường.
- Công tác xã hội hóa trong bảo vệ môi trường còn chậm do kinh phí đầu tư lớn trong khi cơ chế tài chính hỗ trợ cho vận hành các công trình chưa hấp dẫn nhà đầu tư; kinh phí cho hoạt động xử lý rác thải sinh hoạt rất lớn, việc thu phí từ các hộ dân, cơ quan, tổ chức chỉ đáp ứng cho việc thu gom, vận chuyển, chưa có kinh phí xử lý.
- Việc triển khai thực hiện các quy hoạch khu xử lý chất thải rắn còn chậm. Các dự án xử lý chất thải rắn tuy đã có chủ trương như chậm triển khai theo cam kết thỏa thuận khi chủ đầu tư xin chủ trương đầu tư.
- Huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách còn khó khăn, các nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực này do lợi nhuận thấp, rủi ro cao.
- Nguồn thu chính là phí vệ sinh và ngân sách Nhà nước bù đắp nên việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực quản lý CTRSH còn nhiều hạn chế, đặc biệt là khu vực nông thôn, nơi mà nguồn kinh phí cho công tác này còn thiếu.
PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
Thực hiện Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, đặt mục tiêu đến năm 2025, có 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; 80% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tự xử lý, xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường,... Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, các địa phương cần đẩy nhanh việc xây dựng kế hoạch và từng bước triển khai có hiệu quả chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và năng lực quản lý chất thải rắn của địa phương; huy động mọi nguồn lực đầu tư, tăng cường xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Xây dựng lộ trình giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương bảo đảm chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển tiến tới bù đắp chi phí xử lý, giảm dần hỗ trợ tài chính từ ngân sách Nhà nước cho các hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tổ chức thí điểm thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng chất thải,...
Dự báo đến năm 2030, rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh không thay đổi nhiều về đặc trưng, tính chất mà chủ yếu là thay đổi về khối lượng do thay đổi cơ cấu kinh tế, mức sống và sự gia tăng dân số.
Theo một số nghiên cứu, định mức phát sinh rác thải sinh hoạt đến năm 2030 đối với khu vực đô thị loại I và loại II (Tp Rạch Giá, Hà Tiên và Phú Quốc) là khoảng 1,2-1,4 kg/người.ngày; đô thị loại III và loại IV (thị xã Kiên Lương,...) là 1,0-1,2 kg/người.ngày, đô thị loại V (các thị trấn) là 0,8-1,0 kg/người.ngày và khu vực nông thôn là 0,4 - 0,5 kg/người.ngày. Trên cơ sở định mức phát thải, dự báo khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh đến năm 2025 là khoảng 1.700 tấn/ngày (tăng so với năm 2020 là 500 tấn/ngày), trong đó: Rác thải sinh hoạt ở khu vực đô thị là 950 tấn/ngày, rác thải ở khu vực nông thôn là 750 tấn/ngày. Dự báo đến năm 2030 là khoảng 2.000 tấn/ngày, Trong đó: Rác thải sinh hoạt ở khu vực đô thị là 1.100 tấn/ngày, rác thải ở khu vực nông thôn là 900 tấn/ngày.
Như vậy, quá trình đô thị hóa cùng với sự gia tăng về dân số, sự phát triển kinh tế xã hội, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao thì lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều, áp lực lên môi trường sống ngày càng cao. Vì vậy, việc đầu tư hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn toàn tỉnh là nhu cầu cấp bách đảm bảo môi trường, chất lượng cuộc sống của người dân.
1. Phương hướng chung
- Tập trung sự lãnh đạo, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành; tăng cường sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ hệ thống quản lý, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh nhằm kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái, sức khỏe người dân, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
- Xác định công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt là trách nhiệm chung của toàn xã hội, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền các cấp và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
- Nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ người dân sống gần các cơ sở xử lý CTRSH để khuyến khích người dân ủng hộ việc xây dựng nhà máy xử lý và đồng thuận.
- Thực hiện đấu thầu lựa chọn đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo hướng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư có áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; có từ 01 - 02 cơ sở xử lý CTRSH đáp ứng các yêu cầu, điều kiện phù hợp với công tác phân loại rác thải tại nguồn; xây dựng và thực hiện quy trình, chính sách liên quan đến công tác giải tỏa, đền bù xây dựng các khu xử lý CTRSH.
- Quản lý rác thải sinh hoạt phải từng bước hướng đến nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát
- Nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn nhằm cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững.
- Nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư, hình thành lối sống thân thiện với môi trường. Thiết lập các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng, tài chính và nguồn nhân lực cho quản lý tổng hợp chất thải rắn sinh hoạt.
- Xây dựng hệ thống quản lý chất thải rắn hiện đại, theo đó chất thải rắn phải được phân loại tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến và phù hợp phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, hạn chế tối đa lượng chất thải phải chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất và hạn chế gây ô nhiễm môi trường.
b) Mục tiêu cụ thể
* Mục tiêu đến năm 2025: 90 % tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị loại I, II, III, IV; 85 % tổng chất thải rắn tại các đô thị loại V và 80% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm dân ở nông thôn được thu gom, xử lý hoặc tự xử lý để đảm bảo môi trường; 35 % tổng số hộ trong khu vực đô thị và 25 % số hộ khu vực nông thôn thực hiện biện pháp giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; sử dụng 100% túi nilon thân thiện với môi trường tại các Trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy; 90 - 95% các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất; việc đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20 %.
* Mục tiêu đến năm 2030: 95 % tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị loại I, II, III, IV; 90 % tổng chất thải rắn tại các đô thị loại V và 85 % tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm dân cư nông thôn được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường; 60 % tổng số hộ trong khu vực đô thị và 50 % số hộ khu vực nông thôn thực hiện biện pháp giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; 100 % các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường phải được cải tạo và xử lý ô nhiễm.
1. Phân loại, lưu giữ và chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt
Thực hiện phân loại, lưu giữ và chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020.
2. Tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt
a) Giai đoạn 2022 - 2025
* Thành phố Rạch Giá
- Chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Rạch Giá được tổ chức phân loại, thu gom, vận chuyển về Nhà máy Xử lý rác thải thành phố Rạch Giá tại thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất để xử lý bằng biện pháp đốt ở nhiệt độ cao. Bố trí thêm phương tiện để đảm bảo việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đô thị đạt tỷ lệ 100% theo quy định.
- Tiếp tục đầu tư và vận hành nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ xử lý plasma với công suất xử lý rác từ 160 - 240 tấn/ngày.
* Thành phố Phú Quốc
- Chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Phú Quốc được tổ chức phân loại, thu gom, vận chuyển về Nhà máy Xử lý rác thải Phú Quốc tại xã hàm Ninh và để xử lý bằng biện pháp đốt.
- Xử lý dứt điểm việc đóng cửa bãi rác và đảm bảo môi trường tại thị trấn An Thới, thành phố Phú Quốc.
- Xã đảo Thổ Châu và Khu phố Hòn Rỏi thuộc thị trấn An Thới: Lập dự án đầu tư lò đốt và đưa vào hoạt động theo đúng lộ trình. Đảm bảo đến năm 2023 có 100% lượng rác của xã phải được thu gom và xử lý đúng quy định.
* Thành phố Hà Tiên
- Chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Tiên được phân loại, thu gom, vận chuyển về Khu xử lý tập trung để xử lý bằng biện pháp chôn lấp hợp vệ sinh.
- Phối hợp với huyện Giang Thành rà soát, kiểm tra tình hình triển khai dự án Nhà máy xử lý rác thải tại xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành sớm đưa vào hoạt động. Đảm bảo đến năm 2024 phải đảm bảo đưa 50% rác thải từ thành phố Hà Tiên về nhà máy rác tại huyện Giang Thành để xử lý bằng phương pháp đốt.
- Xã đảo Tiên Hải: Cải tạo, nâng cấp, sửa chữa và vận hành hệ thống lò đúng quy trình. Đảm bảo đến năm 2022 có 100% lượng rác của xã phải được thu gom và xử lý đúng quy định.
* Huyện Giang Thành
- Chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Giang Thành được phân loại, thu gom, vận chuyển về Khu xử lý rác tập trung tại xã Phú Mỹ để xử lý đúng quy định. Đối với những nơi xe chuyên dụng không đi đến thu gom được, UBND các xã phải tổ chức thực hiện tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân phân loại rác thải tại nguồn, tận dụng tối đa chất thải hữu cơ để tái sử dụng tại chỗ, số còn lại được xử lý theo phương pháp đốt tại các lò đốt được bố trí ở điểm dân cư tập trung hoặc phải chôn lấp tại khu vực đất vườn nhà. Nghiêm cấm mọi trường hợp vứt rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường.
- Khẩn trương rà soát, kiểm tra tình hình triển khai dự án “Nhà máy xử lý rác thải và sản xuất sản phẩm năng lượng tái tạo từ rác - công suất 100 tấn/ngày” của Công ty TNHH Bất động sản Tâm Hằng để đảm bảo tiến độ và công nghệ thực hiện, các hạng mục công trình chính, công trình phụ trợ, ô chôn lấp sau đốt, hệ thống xử lý nước thải, cây xanh cách ly,... phấn đấu đến hết quý 2 năm 2022 nhà máy phải đi vào hoạt động để tiếp nhận, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho 02 huyện, thành phố. Phải đảm bảo đến năm 2023, nhà máy đi vào hoạt động ổn định. Trường hợp Công ty TNHH Bất động sản Tâm Hằng không có năng lực, chậm đầu tư thì phải tiến hành thu hồi chủ trương và đồng thời kêu gọi nhà đầu tư khác có năng lực để thực hiện dự án nhà máy xử lý rác (ưu tiên công nghệ hiện đại, công nghệ đốt kết hợp phát điện), nhằm sớm giải quyết dứt điểm việc ô nhiễm môi trường do rác thải trên địa bàn huyện.
* Huyện Kiên Lương
- Chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Kiên Lương phải được phân loại, thu gom, vận chuyển về Khu xử lý rác sinh hoạt tập trung Kiên Lương tại thị trấn Kiên Lương để xử lý bằng phương pháp đốt đúng quy định, thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 01/03/2022.
- Các xã đảo Sơn Hải, Hòn Nghệ: Phải khẩn trương rà soát việc lập các dự án đầu tư lò đốt, vị trí quy hoạch lắp đặt lò đốt và đưa vào hoạt động theo đúng lộ trình. Đảm bảo đến năm 2023 có xử lý 100% lượng rác của xã phải được thu gom và xử lý đúng quy định.
* Huyện Hòn Đất
Chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Hòn Đất được phân loại, thu gom, vận chuyển về Khu xử lý rác thải tại thị trấn Sóc Sơn để xử lý bằng phương pháp đốt.
* Huyện Tân Hiệp
- Chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Tân Hiệp được phân loại, thu gom, vận chuyển về Khu xử lý rác thải tại thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất để xử lý bằng biện pháp đốt.
- Các xã vùng sâu vùng xa (bị ngăn cách bởi sông rạch) như Tân Hiệp A, Tân An: Lập đề án thu gom, vận chuyển và dự án đầu tư lò đốt. Đảm bảo đến năm 2025 phải xử lý 50 % lượng rác của các xã được xử lý theo phương pháp đốt. Số còn lại được tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng làm phân hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân hữu cơ để sử dụng tại chỗ.
* Huyện Giồng Riềng
- Chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Giồng Riềng được phân loại, thu gom, vận chuyển về khu xử lý rác tập trung tại xã Long Thạnh để xử lý bằng phương pháp đốt. Đảm bảo đến năm 2025 phải đạt 60 % lượng rác của các xã được xử lý theo phương pháp đốt. Số còn lại được thu gom, xử lý hoặc tự xử lý để đảm bảo môi trường. Số còn lại được tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng làm phân hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân hữu cơ để sử dụng tại chỗ.
- Khẩn trương rà soát, kiểm tra tình hình triển khai dự án Nhà máy xử lý rác Long Thạnh, công suất 245 tấn/ngày của Công ty TNHH Mai Trần II. Trường hợp không đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, kiến nghị quyết định thu hồi dự án và kêu gọi nhà đầu tư xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ hiện đại (ưu tiên công nghệ đốt kết hợp phát điện), tiên tiến đảm bảo đầy đủ các hạng mục công trình chính, công trình phụ trợ, ô chôn lấp sau đốt, hệ thống xử lý nước thải, cây xanh cách ly,... đến năm 2025 đi vào hoạt động để tiếp nhận, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho 03 huyện (Giồng Riềng, Gò Quao và một phần của huyện Châu Thành).
* Huyện Gò Quao
Chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Gò Quao được phân loại, thu gom, vận chuyển về bãi rác tại xã Vĩnh Hòa Hưng Nam để chôn chắp hợp vệ sinh. Năm 2024, toàn bộ lượng rác phát sinh được chuyển về Nhà máy xử lý rác Long Thạnh tại xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng để xử lý bằng biện pháp đốt.
* Huyện Châu Thành
- Chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Châu Thành được phân loại, thu gom, vận chuyển 01 (một) phần về bãi rác của huyện để xử lý bằng phương pháp đốt, 01 (một) phần về bãi rác huyện Hòn Đất để xử lý bằng biện pháp đốt.
- Sau khi Nhà máy xử lý rác Long Thạnh tại xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng đi vào hoạt động chính thức thì toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh được vận chuyển về nhà máy để xử lý bằng biện pháp đốt.
* Huyện An Biên
- Chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện An Biên trước mắt được phân loại, thu gom, vận chuyển về Khu xử lý rác thải tại thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất. Sau khi Nhà máy xử lý rác Long Thạnh tại xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng và Nhà máy xử lý rác xã Thạnh Yên, huyện U Minh Thượng đi vào hoạt động thì rác thải được đưa về 2 khu nhà máy trên để tiếp tục xử lý bằng biện pháp đốt.
- Các xã vùng sâu vùng xa (bị ngăn cách bởi sông rạch) như Tây Yên, Tây Yên A, Nam Thái, Nam Thái A: Lập đề án thu gom, vận chuyển và dự án đầu tư lò đốt liên xã. Đảm bảo đến năm 2025 phải xử lý 50 % lượng rác của các xã được xử lý theo phương pháp đốt. Số còn lại được tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng làm phân hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân hữu cơ để sử dụng tại chỗ.
* Huyện An Minh
- Tiếp tục triển khai dự án “Đầu tư Khu xử lý chất thải rắn và phát điện An Minh, công suất 200 tấn/ngày” do Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An làm chủ dự án tại xã Đông Hưng B, huyện An Minh.
- Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn phải được phân loại, thu gom, vận chuyển về bãi rác tại xã Đông Hưng B để xử lý bằng biện pháp chôn lấp hợp vệ sinh. Đến năm 2025, một phần lượng rác phát sinh được chuyển về Nhà máy xử lý rác của huyện để xử lý bằng biện pháp đốt.
- Các xã vùng sâu, vùng xa (bị ngăn cách bởi sông rạch) như Vân Khánh, Vân Khánh Đông, Vân Khánh Tây, Tân Thạnh, Thuận Hòa: Lập kế hoạch và tổ chức phân loại, thu gom và vận chuyển về Khu xử lý rác tại ấp Vàm Xáng, xã Đông Hưng B của huyện An Minh để tiếp tục xử lý. Đảm bảo đến năm 2025 phải được xử lý hơn 50% lượng rác phát sinh, số còn lại được tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng làm phân hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân hữu cơ để sử dụng tại chỗ.
* Huyện U Minh Thượng
- Chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện U Minh Thượng được phân loại, thu gom, vận chuyển về bãi rác tại xã Thuận Yên để xử lý bằng phương pháp đốt. Các xã vùng sâu vùng xa phải được tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng làm phân hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân hữu cơ để sử dụng tại chỗ. Năm 2025, một phần lượng rác phát sinh được chuyển về Nhà máy xử lý rác để xử lý bằng biện pháp đốt.
- Khẩn trương phối hợp với các Sở ngành của tỉnh rà soát việc quy hoạch Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Vùng U Minh Thượng. Tiến hành lập dự án đầu tư và kêu gọi nhà đầu tư xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ hiện đại (ưu tiên công nghệ đốt kết hợp phát điện), tiên tiến và đảm bảo đầy đủ các hạng mục công trình chính, công trình phụ trợ, ô chôn lấp sau đốt, hệ thống xử lý nước thải, dãi cây xanh cách ly,... phấn đấu đến năm 2025 đi vào hoạt động để tiếp nhận, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho 04 huyện (U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, An Minh và An Biên).
* Huyện Vĩnh Thuận
- Chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận được phân loại, thu gom, vận chuyển về bãi rác tại xã Bình Minh để xử lý bằng phương pháp đốt. Đồng thời, phải hoàn thành việc xây dựng đầy đủ các hạng mục công trình chính, công trình phụ trợ, ô chôn lấp sau đốt, hệ thống xử lý nước thải, dãi cây xanh cách ly,... khu vực dự án bãi rác trong năm 2022
- Sau năm 2025, một phần lượng rác phát sinh được chuyển về Nhà máy xử lý rác xã Thạnh Yên, huyện U Minh Thượng để xử lý bằng biện pháp đốt. Bãi rác hiện hữu tại xã Bình Minh được chuyển công năng là trạm trung chuyển rác cho toàn huyện.
* Huyện Kiên Hải
- Phải khẩn trương cải tạo, nâng cấp, sửa chữa và vận hành hệ thống lò đúng quy trình.
- Tiếp tục rà soát việc lập các dự án đầu tư lò đốt, vị trí quy hoạch lắp đặt lò đốt tại các xã và đưa vào hoạt động theo đúng lộ trình. Đảm bảo đến quý 4 năm 2022 phải có 100% lượng rác của các xã được thu gom và xử lý đúng quy định.
b) Định hướng giai đoạn 2026 - 2030
- Giai đoạn 2026 - 2030, trên địa bàn tỉnh phải hoàn thiện và đi vào hoạt động 07 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung theo vùng. Mỗi khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung phải bố trí quỹ đất để đảm bảo đầy đủ các hạng mục công trình chính, công trình phụ trợ, ô chôn lấp sau đốt, hệ thống xử lý nước thải, cây xanh cách ly,... được xây dựng đúng quy định.
- Các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong Khu xử lý tập trung được hoàn thiện theo công nghệ tiên tiến với định hướng như sau:
+ Khu xử lý rác thải tập trung công suất 700 tấn/ngày tại thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất, phải đảm bảo 2 nhà máy xử lý rác đi vào hoạt động theo công nghệ đốt và công nghệ plasma.
+ Khu xử lý rác thải tập trung công suất 500 tấn/ngày tại xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng phải đảm bảo đi vào hoạt động theo công nghệ đốt.
+ Khu xử lý rác thải tập trung công suất 150 tấn/ngày tại xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành phải đảm bảo đi vào hoạt động theo công nghệ đốt và sản xuất sản phẩm năng lượng tái tạo từ rác.
+ Khu xử lý rác thải tập trung công suất 300 tấn/ngày tại thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương phải đảm bảo đi vào hoạt động theo công nghệ đốt.
+ Khu xử lý rác thải tập trung công suất 400 tấn/ngày tại xã Thạnh Yên- huyện U Minh Thượng phải đảm bảo đi vào hoạt động theo công nghệ đốt.
+ Khu xử lý rác thải tập trung công suất 400 tấn/ngày tại xã Hàm Ninh, thành phố Phú Quốc phải đảm bảo đi vào hoạt động theo công nghệ đốt và có phát điện.
3. Lộ trình cải tạo, phục hồi môi trường các khu xử lý rác tạm và xóa tên các khu xử lý rác ra khỏi danh sách cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh
Lộ trình khắc phục ô nhiễm môi trường, xoá tên các khu xử lý rác ra khỏi danh sách cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và cải tạo, phục hồi các khu xử lý rác tạm, ngoài quy hoạch trên địa bàn tỉnh.
(Chi tiết tại Phụ lục 4 và Phụ lục 5 đính kèm)
IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Nhiệm vụ
- Xây dựng và triển khai phương án quản lý tổng thể chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh;
- Xây dựng kế hoạch và từng bước triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, ưu tiên tập trung triển khai tại thành phố Rạch Giá, Hà Tiên và Phú Quốc, tại các khu vực công cộng, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, khu du lịch, chợ, trung tâm thương mại, khu vui chơi, giải trí;
- Huy động mọi nguồn lực đầu tư, tăng cường xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; triển khai có hiệu quả đề án thu gom, vận chuyển rác thải gắn với giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn các huyện, thành phố;
- Ưu tiên lựa chọn các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; thúc đẩy giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn kết hợp với thu hồi năng lượng nhằm tiết kiệm tài nguyên, hạn chế gây ô nhiễm môi trường do chất thải gây ra;
- Xây dựng các mô hình xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn; triển khai, áp dụng các mô hình điển hình, tiên tiến đem lại hiệu quả cao trong công tác thu gom và xử lý;
- Thực hiện có hiệu quả Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020; hạn chế và tiến tới loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy tại các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam;
- Rà soát quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt để có phương án điều chỉnh, bổ sung theo hướng xử lý chất thải cho cả vùng đô thị và nông thôn, ưu tiên quy hoạch khu xử lý ở các khu vực biển, hải đảo;
- Đóng cửa các bãi chôn lấp đã hết công suất; đầu tư cải tạo, nâng cấp hoặc đóng cửa đối với các bãi chôn lấp đang có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; ngăn chặn kịp thời việc hình thành các bãi chôn lấp tự phát, không để phát sinh sau năm 2025;
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về phòng ngừa, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn, hình thành lối sống thân thiện với môi trường.
2. Giải pháp thực hiện
a) Về chính sách và nguồn nhân lực
- Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý môi trường ở các cấp, các ngành đảm bảo đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý chất thải rắn nói riêng;
- Xây dựng chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với các dự án đầu tư thu gom, vận chuyển, xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt tiên tiến phù hợp với từng loại rác thải đã được phân loại tại nguồn; các hoạt động tái sử dụng, tái chế và sử dụng sản phẩm tái chế từ chất thải;
- Xây dựng quy định về việc phân loại CTRSH tại nguồn, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trên địa tỉnh;
- Xây dựng quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
b) Về khoa học công nghệ
- Tăng cường nghiên cứu, áp dụng công nghệ tiên tiến về tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải rắn, đặc biệt ưu tiên phát triển công nghệ thu hồi năng lượng, phát điện từ chất thải rắn;
- Nghiên cứu cải tiến và ứng dụng các trang thiết bị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt bảo đảm mỹ quan, hiệu quả sử dụng và phù hợp với chương trình phân loại rác thải tại nguồn;
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu các công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện tự nhiên trên địa bàn tỉnh.
c) Về công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức
- Xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu, phân loại tại nguồn, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, thải bỏ chất thải rắn đúng nơi quy định;
- Xây dựng chương trình giáo dục về môi trường với nội dung và thời lượng phù hợp với nhận thức của từng lứa tuổi tại các cấp học phổ thông;
- Đưa nội dung quản lý chất thải rắn bao gồm ngăn ngừa, giảm thiểu phát sinh chất thải rắn, sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường; phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn theo đúng quy định vào chương trình tập huấn, bồi dưỡng đào tạo cán bộ tại các cơ quan, đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
d) Hoàn thiện mạng lưới thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt và xây dựng, triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn khu vực nông thôn.
- Kiện toàn mạng lưới và xây dựng bản đồ hiện trạng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh;
- Đầu tư hoàn thiện hệ thống các trạm trung chuyển rác tại khu vực đô thị và vận chuyển bằng xe chuyên dùng về cơ sở xử lý tập trung;
- Đối với khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa: xây dựng phương án thu gom, vận chuyển và triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn phù hợp với đặc điểm từng vùng.
- Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ các nguồn: ngân sách địa phương (ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện) theo phân cấp hiện hành hoặc huy động từ nguồn hỗ trợ từ Trung ương, từ các nguồn xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân và các nguồn hợp pháp khác.
- Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố được phân công thực hiện các nhiệm vụ trong Đề án này có trách nhiệm chủ động lập dự toán kinh phí vào dự toán hàng năm của ngân sách cấp mình, trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định để triển khai thực hiện.
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì tổng kết, đánh giá, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng và trình ban hành quy định về việc phân loại CTRSH tại nguồn, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trên địa tỉnh.
- Xây dựng và trình ban hành quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
- Phối hợp với UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan xây dựng bản đồ hiện trạng phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; cập nhật định kỳ hàng năm.
- Hỗ trợ, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố xây dựng phương án, lộ trình đóng cửa, cải tạo, phục hồi môi trường đối với các khu xử lý rác tạm theo đúng thời gian đã đề ra tại đề án này.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra việc khắc phục ô nhiễm môi trường đối với các khu xử lý rác trên địa bàn tỉnh, thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh xóa tên các cơ sở đã hoàn thành việc khắc phục ô nhiễm môi trường ra khỏi danh sách ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thanh tra, kiểm tra, giám sát các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ trên địa bàn và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì xây dựng, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh mục dự án kêu gọi đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh (ngoài khu kinh tế).
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra tình hình triển khai dự án nhà máy xử lý rác thải theo quy định pháp luật về đầu tư:
+ Đối với dự án Nhà máy xử lý rác thải và sản xuất sản phẩm năng lượng tái tạo từ rác - công suất 100 tấn/ngày” của Công ty TNHH Bất động sản Tâm Hằng, thời gian hoàn thành trước ngày 30/4/2022.
+ Đối với dự án Nhà máy xử xử lý rác thải sinh hoạt Kiên Lương của Công ty TNHH xử lý rác thải Môi Trường Xanh Kiên Lương, thời gian hoàn thành trước ngày 01/02/2022.
+ Tham mưu UBND tỉnh kêu gọi xã hội hóa đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt vùng tại huyện U Minh Thượng theo công nghệ tiên tiến, hiện đại (ưu tiên công nghệ đốt rác phát điện), phấn đấu đến năm 2025 đi vào vận hành chính thức.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư nhà máy xử lý CTRSH theo công nghệ tiên tiến, hiện đại (ưu tiên công nghệ đốt rác phát điện) trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét. Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố hoặc các đơn vị được UBND tỉnh phân công tổ chức thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhà máy xử lý; lựa chọn đơn vị quản lý vận hành các nhà máy được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước; lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
- Hướng dẫn và thực hiện các thủ tục liên quan để UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị được UBND tỉnh phân công và nhà đầu tư tổ chức thực hiện các dự án đầu tư quản lý và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Xây dựng
- Chỉ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện tiến hành rà soát vị trí quy hoạch khu xử lý rác thải quy mô vùng trên địa bàn toàn tỉnh (đặc biệt khu xử lý rác (thải Vùng U Minh Thượng).
- Nghiên cứu, góp ý phương án phát triển các khu xử lý chất thải liên huyện theo Luật Quy hoạch đảm bảo kịp thời, phù hợp với quy hoạch tỉnh.
4. Sở Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí thực hiện các nội dung đề án “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” trong khả năng cân đối ngân sách và các nguồn tài chính hợp pháp khác.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thẩm định trình ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành phương án giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải (thu gom từ trong cộng đồng dân cư vận chuyển về khu xử lý rác của xã hoặc các khu xử lý rác tập trung) để thu của các đối tượng hộ gia đình, cá nhân và các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tổ chức trên địa bàn tỉnh bảo đảm bù đắp chi phí, duy trì hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt.
- Đề xuất ưu tiên cân đối, bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường hàng năm của tỉnh, của địa phương hỗ trợ cho các hoạt động phân loại chất thải rắn tại hộ gia đình; thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; cải tạo, phục hồi môi trường các khu xử lý rác tạm, xử lý các khu xử lý rác tự phát phù hợp với khả năng cân đối ngân sách.
- Rà soát, cân đối ngân sách hàng năm để bố trí cho các địa phương trang bị mới thêm phương tiện vận chuyển, sửa chữa thiết bị vận chuyển cũ còn hạn sử dụng để thực hiện tốt công tác thu gom, vận chuyển rác thải đến nơi xử lý đúng quy định.
5. Sở Khoa học và Công nghệ
- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan thẩm định công nghệ và quản lý hoạt động chuyển giao công nghệ trong các dự án đầu tư về xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường giám sát công nghệ, thiết bị trong quá trình thực hiện dự án đầu tư về xử lý chất thải rắn sinh hoạt của doanh nghiệp; tham mưu UBND tỉnh lựa chọn, ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp.
- Đề xuất, chuyển giao công nghệ và triển khai thực hiện và các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học về xử lý CTRSH.
6. Sở Công Thương
Chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, lựa chọn, hướng dẫn áp dụng công nghệ xử lý rác thải đối với các khu dân cư không tập trung, vùng sâu, vùng xa phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương góp phần bảo vệ môi trường
7. Sở Giáo dục và Đào tạo
Thực hiện lồng ghép nội dung giáo dục về bảo vệ môi trường, trong đó đưa nội dung phân loại rác thải tại nguồn, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và thu hồi năng lượng vào các chương trình giáo dục và đào tạo ở nhiều cấp học với hình thức phù hợp, hiệu quả.
8. Sở Nội vụ
- Rà soát, xem xét, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung chỉ tiêu, biên chế đối với các đơn vị còn thiếu nguồn nhân lực làm công tác quản lý môi trường nói chung và chất thải rắn nói riêng theo đề xuất của các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
- Tổ chức thực hiện lồng ghép nhiệm vụ thực hiện công tác thu gom, xử lý rác thải vào nội dung thi đua của các đơn vị trên địa bàn tỉnh. Có hình thức tuyên dương, khen thưởng tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác thu gom, xử lý rác thải; đồng thời cũng có biện pháp xử lý các tập thể, cá nhân có tồn tại, vi phạm trong việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.
9. Sở Thông tin và Truyền thông
Chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Kiên Giang thực hiện thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là về công tác phân loại CTRSH tại hộ gia đình, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm tổ chức, cá nhân đối với công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
10. Công an tỉnh
Tăng cường hoạt động đấu tranh, phòng chống tội phạm về môi trường, xử lý nghiêm các sai phạm, nhất là đối với cơ sở, doanh nghiệp, cá nhân xả chất thải không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường.
11. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Kiên Giang
Thường xuyên xây dựng phóng sự tuyên truyền, ghi hình, đưa tin về các hoạt động thu gom, phân loại, xử lý rác thải, chất thải và bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình cơ sở kịp thời phản ánh, động viên những nơi làm tốt, đồng thời công khai, phê phán những đơn vị địa phương làm không tốt.
12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh
- Theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, đề nghị chủ động tham gia, giám sát hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng Nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường và quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Vận động Nhân dân thực hiện có hiệu quả công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, các hoạt động tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải và thu hồi năng lượng.
- Phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, sáng tạo tự quản của Nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường; theo dõi, phát hiện đánh giá các mô hình làm tốt, kinh nghiệm hay, cách làm có hiệu quả của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường, mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, các hoạt động tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải... để phổ biến, nhân rộng ra toàn tỉnh.
13. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Xây dựng kế hoạch và kinh phí hàng năm để thực hiện công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn đúng theo quy định, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nội dung của đề án và phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội cụ thể của địa phương.
- Tổ chức tuyên truyền, nâng cao năng lực, nhận thức và trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân về quản lý CTRSH và bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý, hướng dẫn người dân thực hiện phân loại CTRSH tại hộ gia đình, hạn chế sử dụng túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần; thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải rắn hình thành lối sống thân thiện với môi trường.
- Tổ chức thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn đúng theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và đảm bảo hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phân loại rác thải tại hộ gia đình để triển khai theo lộ trình theo quy định. Đảm bảo đến năm 2025 phải đạt tỷ lệ 35 % tổng số hộ thuộc khu vực đô thị và 25 % tổng số hộ thuộc khu vực nông thôn thực hiện biện pháp giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
- Xây dựng kế hoạch đóng cửa các bãi rác tạm cấp xã, cải tạo phục hồi môi trường và điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất sau khi đóng cửa bãi rác tạm.
- Rà soát, điều chỉnh việc quy hoạch sử dụng đất, xây dựng hạ tầng,... đối với các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác đã có chủ trương của tỉnh. Thực hiện tốt công tác hỗ trợ các thủ tục pháp lý chưa hoàn chỉnh nhằm sớm đưa các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác đi vào hoạt động.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng quy chế quản lý, hương ước, quy ước nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt và bảo vệ môi trường nông thôn; kiểm tra, rà soát thường xuyên nhằm không để các bãi rác mới, các bãi rác tạm phát sinh trên địa bàn quản lý. Xây dựng kế hoạch thu gom, xử lý rác thải cấp xã phường nhằm đảm bảo tiêu chí đặt ra.
- Tăng cường công tác lập hồ sơ và tổ chức xã hội hóa về việc thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt đến nơi xử lý theo đúng quy định.
- Triển khai các dự án xử lý ô nhiễm môi trường, cải thiện, phục hồi môi trường và đóng cửa các khu xử lý rác tạm hiện hữu trên địa bàn; lập hồ sơ đề nghị xóa tên các khu xử lý rác hoàn thành việc khắc phục ô nhiễm môi trường gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trinh Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định xóa tên ra khỏi danh sách cơ sở ô nhiễm nghiêm, trọng theo đúng thời gian đã đề ra của đề án này.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn quản lý và các tổ chức, cá nhân có phát sinh lượng, chất thải lớn; có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, quản lý CTRSH.
- Theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện, hoạt động của các dự án xử lý rác trên địa bàn (nếu có).
- Báo cáo định kỳ kết quả thực hiện đề án gửi UBND tỉnh trước ngày 30/11 hàng năm (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường).
14. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn, hạn chế sử dụng túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần, thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đến đúng nơi quy định; tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường khu công cộng và khu dân cư.
- Ban hành quy chế quản lý, hương ước, quy ước nhằm huy động sự tham gia hiệu quả, tích cực của cộng đồng trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt và bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn quản lý.
- Tổ chức thực hiện kế hoạch đóng cửa các bãi rác tạm cấp xã và cải tạo phục hồi môi trường sau khi đóng cửa bãi rác tạm.
- Theo dõi, kiểm tra, việc tuân thủ quy định của pháp luật trong việc phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quản lý; kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, nộp phí vệ sinh theo quy định; xem xét, giải quyết kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân và kịp thời xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo thẩm quyền.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
15. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phát sinh rác thải
- Thực hiện phân loại, thu gom, lưu giữ rác thải sinh hoạt trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa phù hợp; không được để chung rác thải sinh hoạt với chất thải nguy hại; không được đổ chất thải ra đường giao thông, vỉa hè, sông, hồ, ao, suối và các khu vực công cộng khác.
- Phối hợp với các đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải trong việc bảo vệ môi trường.
- Chấp hành việc chi trả tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải theo quy định.
- Tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải; tố giác các hành vi xả rác thải không đúng quy định.
16. Các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải
a) Đơn vị thu gom, vận chuyển
- Thực hiện tốt công tác tiếp nhận phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt trên địa bàn được giao;
- Tăng cường trang, thiết bị, phương tiện để nâng cao năng lực đảm bảo thu gom triệt để lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, đảm bảo các yêu cầu và quy trình kỹ thuật trong công tác thu gom, không để tồn đọng, không để phát tán mùi, rơi vãi trên đường vận chuyển gây ô nhiễm môi trường xung quanh; thực hiện phân loại chất thải không đốt được, chất thải nguy hại trước khi vận chuyển về Nhà máy xử lý, báo cáo UBND cấp huyện để thực hiện xử lý các vướng mắc theo quy định.
- Thông báo bằng văn bản cho chính quyền địa phương để phổ biến đến các tổ chức, hộ gia đình cá nhân có liên quan các thông tin về thực hiện dịch vụ: thời gian, tần suất thu gom rác thải của từng khu vực trong phạm vi thực hiện,...
b) Đơn vị vận hành cơ sở xử lý rác thải
- Chỉ được tiếp nhận và xử lý CTRSH sau khi hiện xây dựng hoàn thành các hạng mục công trình chính, công trình phụ trợ, ô chôn lấp sau đốt, hệ thống xử lý nước thải, cây xanh cách ly,... đúng theo nội dung giấy phép môi trường. Đảm bảo xử lý chất thải một các hiệu quả và tuyệt đối không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình vận hành xử lý.
- Quản lý, vận hành cơ sở xử lý theo đúng quy trình công trình công nghệ đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận, đảm bảo hoạt động an toàn và vệ sinh môi trường.
- Tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, các biện pháp phòng ngừa, xử lý ô nhiễm. Định kỳ báo cáo, cung cấp thông tin về công tác quản lý, xử lý rác thải cho chính quyền địa phương và các ngành có liên quan để giám sát thực hiện.
- Phối hợp chính quyền địa phương giữ gìn an ninh trật tự, an toàn của khu vực xử lý và xung quanh cơ sở xử lý rác thải do đơn vị quản lý, vận hành.
Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022- 2025, định hướng 2030 được xây dựng trên cơ sở thực tiễn, phù hợp với quy hoạch quản lý chất thải rắn của tỉnh nhằm từng bước giải quyết những vấn đề bức xúc về môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, góp phần đảm bảo thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Ủy ban nhân dân tỉnh kính đề nghị:
- Ban thường vụ Tỉnh ủy xem xét, có chỉ đạo và quán triệt đảng bộ, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện nghiêm túc các nội dung đề án; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và giảm thiểu phát sinh rác thải sinh hoạt, thực hiện trách nhiệm người xả thải theo đúng quy định.
- Công tác xử lý rác thải sinh hoạt là nhiệm vụ cần thực hiện liên tục và tốn nhiều kinh phí. Vì vậy, kính đề nghị HĐND tỉnh xem xét, phân, bổ kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm lớn hơn 1% tổng ngân sách để phù hợp việc duy trì hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý đảm bảo yêu cầu. Đồng thời, tạo mọi điều kiện để có chính sách thu hút các tổ chức, cá nhân tích cực đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường./.
THỐNG KÊ THU GOM, VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ CHẤT
THẢI RẮN SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG GIAI ĐOẠN 2022-2025, ĐỊNH HƯỚNG
NĂM 2030
(Kèm theo Đề án tại Quyết định số 145/QĐ-UBND ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Kiên Giang)
STT |
Huyện, thành phố |
Năm 2020 |
Năm 2025 |
Năm 2030 |
|||||||||||||
Dân số (người) |
Khối lượng rác đô thị phát sinh (tấn/ ngày) |
Khối lượng rác nông thôn phát sinh (tấn/ ngày) |
Tổng lượng rác tiếp nhận tại các bãi chôn lấp hoặc đốt (tấn/ngày) |
Đô thị |
Nông thôn |
Dự kiến khối lượng phát sinh (tấn/ ngày) |
Dự kiến thu gom (tấn/ ngày) |
Tỷ lệ thu gom (%) |
Dự kiến khối lượng phát sinh (tấn/ ngày) |
Dự kiến thu gom (tấn/ ngày) |
Tỷ lệ thu gom (%) |
||||||
Thực tế thu gom (tấn/ ngày) |
Tỷ lệ thu gom (%) |
Thực tế thu gom (tấn/ ngày) |
Tỷ lệ thu gom (%) |
Đô thị |
Nông thôn |
Đô thị |
Nông thôn |
||||||||||
1 |
Tp Rạch Giá |
227.733 |
220 |
45 |
244 |
209 |
95 |
35 |
78 |
426,8 |
415,9 |
100 |
85 |
687,3 |
681,5 |
100 |
95 |
2 |
Tp Phú Quốc |
170.480 |
120 |
95 |
174 |
108 |
90 |
66 |
70 |
250 |
238 |
95 |
95 |
300 |
300 |
100 |
100 |
3 |
Thành phố Hà Tiên |
51.673 |
89,23 |
15,06 |
97 |
84,5 |
94,7 |
12,5 |
83,12 |
115 |
105,4 |
95,5 |
84 |
119,9 |
113,9 |
96,5 |
85 |
4 |
Huyện Kiên Lương |
79.351 |
26,7 |
32,3 |
52,21 |
25,35 |
95 |
26,86 |
83,16 |
64,3 |
60,6 |
85 |
60 |
67,4 |
63,7 |
100 |
65 |
5 |
Huyện Hòn Đất |
156.273 |
22,80 |
87,53 |
12,0 |
6,30 |
27,64 |
5,20 |
5,94 |
138,8 |
115,3 |
85 |
60 |
174,6 |
160,7 |
100 |
65 |
6 |
Huyện Giang Thành |
29.308 |
- |
23.4 |
3 |
- |
- |
3 |
13 |
30 |
24 |
85 |
80 |
35 |
27 |
100 |
85 |
7 |
Huyện Tân Hiệp |
161.230 |
18,1 |
76,2 |
6 |
15 |
82,9 |
9,1 |
10,6 |
130 |
50 |
90 |
20 |
150 |
80 |
98 |
40 |
8 |
Huyện Châu Thành |
156.736 |
30,86 |
126 |
72 |
21,6 |
70 |
50,4 |
40 |
188 |
108 |
80 |
50 |
225,6 |
135,5 |
80 |
50 |
9 |
Huyện Giồng Riềng |
225.805 |
16,0 |
64,5 |
32,2 |
8,5 |
53,1 |
23,7 |
36,7 |
89,9 |
76,4 |
90 |
60 |
98,6 |
88,7 |
95 |
65 |
10 |
Huyện Gò Quao |
133.776 |
8,10 |
57,90 |
57,80 |
3,56 |
44 |
7,82 |
13,5 |
76,4 |
73,34 |
100 |
80 |
84,71 |
83,86 |
100 |
98 |
11 |
Huyện An Biên |
115.238 |
3.78 |
2899 |
0 |
2,5 |
66,13 |
5,0 |
33,26 |
41 |
15 |
85 |
30 |
45 |
25 |
90 |
45 |
12 |
Huyện An Minh |
116.737 |
5,45 |
54,96 |
6,5 |
4,5 |
90 |
02 |
3,6 |
62,99 |
51,97 |
100 |
65 |
70 |
15 |
100 |
75 |
13 |
Huyện Vĩnh Thuận |
81.889 |
10 |
21.8 |
11 |
6.5 |
65 |
4.5 |
20.64 |
40 |
25 |
85 |
80 |
45 |
28 |
90 |
80 |
14 |
Huyện U Minh Thượng |
63.616 |
|
35,6 |
04 |
|
|
04 |
11,23 |
40 |
32 |
|
80 |
45 |
38 |
|
85 |
15 |
Huyện Kiên Hải |
17.591 |
0 |
17 |
12,6 |
0 |
0 |
12,6 |
74,12 |
20 |
16 |
0 |
80 |
24 |
20 |
0 |
83,33 |
THỐNG KÊ PHƯƠNG TIỆN THU GOM CỦA CÁC HUYỆN,
THÀNH PHỐ
(Kèm theo Đề án tại Quyết định số 145/QĐ-UBND ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Kiên Giang)
STT |
Huyện thành |
Số lượng |
Tên thiết bị |
Công suất /trọng tải |
Năm sản xuất |
Ghi chú |
1 |
TP Rạch Giá |
0 |
|
|
|
|
2 |
TP Hà Tiên |
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
15 tấn |
2013 |
Hoạt động ít do hư hỏng |
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
16 tấn |
2021 |
Xe mới |
||
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
4,5 tấm |
2000 |
Đã hỏng |
||
3 |
TP Phú Quốc |
5 |
Xe ép rác SAMCO |
6,5 tấn |
2005 |
Hoạt động bình thường |
4 |
Xe ép rác HINO |
10,45 tấn |
2017 |
Hoạt động bình thường |
||
2 |
Xe ép rác HINO |
3,8 tấn |
2009 |
Hoạt động bình thường |
||
1 |
Xe ép rác HINO |
7,5 tấn |
2016 |
Hoạt động bình thường |
||
100 |
Xe đẩy tay |
0,66 m3 |
2020 |
Hoạt động bình thường |
||
2 |
Xuồng composite YAMAR 4JHYE |
3,25 tấn |
2017 |
Hoạt động bình thường |
||
4 |
Huyện Châu Thành |
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
9 tấn |
2016 |
Hư hỏng nặng, đang sửa chữa |
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
6,5 tấn |
2007 |
Hư hỏng thường xuyên |
||
5 |
Huyện Giồng Riềng |
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
6 tấn |
2020 |
Hoạt động bình thường |
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
8 tấn |
2008 |
Hoạt động bình thường |
||
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
8 tấn |
2014 |
Hoạt động bình thường |
||
09 |
Xe thu gom rác tự chế |
1,5 tấn |
2018 |
Thường xuyên bị hư |
||
05 |
Xe thu gom rác tự chế |
1,5 tấn |
2020 |
Thường xuyên bị hư |
||
6 |
Huyện Gò Quao |
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
2,3 tấn |
2005 |
Đang hoạt động (65%) |
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
3 tấn |
2009 |
Đang hoạt động (85%) |
||
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
4 tấn |
2016 |
Đang hoạt động (95%) |
||
7 |
Huyện Tân Hiệp |
01 |
Xe ép rác thải HINO |
1,5 tấn |
2011 |
Hư hỏng nặng, ngưng hoạt động |
01 |
Xe ép rác thải ISUZU |
3,4 tấn |
2013 |
Đang hoạt động |
||
01 |
Xe ép rác thải HINO |
3,5 tấn |
2017 |
Đang hoạt động |
||
01 |
Xe ép rác thải HINO |
6.6 tấn |
11/2021 |
Đang hoạt động |
||
8 |
Huyện Hòn Đất |
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
3,0 tấn |
2015 |
Đang hoạt động |
9 |
Huyện Kiên Lương |
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
2,3 tấn |
2005 |
Thường xuyên bị hư hỏng |
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
3 tấn |
2009 |
Hiện đang hoạt động, cần đại tu sửa chữa thiết bị |
||
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
3,5 tấn |
2016 |
Hoạt động tốt |
||
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
4,5 tấn |
2017 |
Hoạt động tốt |
||
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
4,5 tấn |
2013 |
Hoạt động tốt |
||
10 |
Huyện Giang Thành |
01 |
Xe ép rác chuyên dùng (Mitubishi) |
2,4 tấn |
2012 |
Xe đang hỏng không hoạt động |
01 |
Xe ép rác chuyên dùng (HINO) |
3,4 tấn |
2021 |
Xe mới đang hoạt động |
||
11 |
Huyện An Biên |
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
3,05 tấn |
2015 |
Hoạt động bình thường |
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
6,1 tấn |
2016 |
Hoạt động bình thường |
||
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
2,4 tấn |
2008 |
Hoạt động bình thường |
||
12 |
Huyện An Minh |
01 |
Xe ép rác chuyên dùng MITSUBISHI |
2,5 tấn |
2012 |
Còn hoạt động nhưng đã cũ |
13 |
Huyện U Minh Thượng |
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
7.3 tấn |
2017 |
Hoạt động bình thường |
01 |
Xe ép rác chuyên dùng |
16 tấn |
2021 |
Hoạt động bình thường |
||
14 |
Huyện Vĩnh Thuận |
01 |
Xe ô tô chuyên dụng ép rác |
3 tấn |
2013 |
Hoạt động bình thường |
01 |
Xe ô tô chuyên dụng ép rác |
3 tấn |
2018 |
Bị hư (chưa sửa chữa được) |
||
15 |
Huyện Kiên Hải |
03 |
Xe ô tô chuyên dụng ép rác |
1.15 tấn |
2016 |
vẫn còn hoạt động |
THỐNG KÊ HIỆN TRẠNG CÁC BÃI RÁC HỞ TẠI
CÁC HUYỆN, THÀNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG
(Kèm theo Đề án tại Quyết định số 145 /QĐ-UBND ngày 11 tháng 01 năm 2022 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang)
STT |
Huyện/thành phố |
Số lượng |
Tên bãi rác |
Vị trí |
Diện tích (m2) |
Năm đưa vào sử dụng |
Ước diện tích đã lấp đầy |
Ghi chú |
1 |
Tân Hiệp |
03 |
Khu xử lý rác tập trung huyện Tân Hiệp |
ấp kinh 9, TT Tân Hiệp |
25.000 |
2013 |
34% |
Có trong QH (PL2) Quyết định số 1418/QĐ-UBND ngày 06/7/2012 của UBND tỉnh |
Bãi rác xã Tân Hiệp A |
Ấp Tân Quới, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp, KG |
560 |
2021 |
11% |
Quyết định số 714/QĐ-UBND ngày 20/3/2020 của UBND tỉnh |
|||
Bãi rác xã Tân Thanh |
Ấp Tân Tiến, xã Tân Thành, huyện Tân Hiệp, KG |
300 |
2010 |
95% |
|
|||
2 |
Giồng Riềng |
11 |
Bãi rác huyện Giồng Riềng |
ấp Xẻo Chác, xã Long Thạnh |
8.060 |
2007 |
|
Có trong QH (PL1) |
Bãi rác xã Bàn Thạch |
ấp Giồng Đá, xã Bàn Thạch, GR |
3.656 |
2008 |
50% |
|
|||
Bãi rác xã Bàn Tân Định |
ấp Nguyễn Tấn Thêm, xã Bàn Tân Định, GR |
4.495 |
2009 |
50% |
|
|||
Bãi rác xã Vĩnh Thạnh |
ấp Nguyễn Hưởng, xã Vĩnh Thạnh, GR |
3.958 |
2013 |
50% |
|
|||
Bãi rác xã Ngọc Chúc |
ấp Ngọc An, xã Ngọc Chúc, GR |
4.913 |
2009 |
50% |
|
|||
Bãi rác xã Ngọc Hòa |
ấp Chín Gì, xã Ngọc Hòa, GR |
5.626 |
2007 |
50% |
|
|||
Bãi rác xã Ngọc Thuận |
ấp Vinh Bắc, xã Ngọc Thuận, GR |
3.907 |
2009 |
50% |
|
|||
Bãi rác xã Ngọc Thành |
ấp Ngã Năm, xã Ngọc Thành, GR |
3.870 |
2009 |
50% |
|
|||
Bãi rác xã Thạnh Bình |
ấp Trà Rào, xã Thạnh Bình, GR |
3.657 |
2011 |
45% |
|
|||
Bãi rác xã Thạnh Phước |
ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Phước, GR |
4.822 |
2007 |
46% |
|
|||
Bãi rác xã Thạnh Lộc |
ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Lộc |
4.548 |
2009 |
46% |
|
|||
Bãi rác Kinh Ranh- xã Thạnh Lộc |
ấp Thạnh Thới, xã Thạnh Lộc, GR |
3.498 |
2011 |
48% |
|
|||
Bãi rác xã Hòa An |
ấp Cây Huệ, xã Hòa An, GR |
4.402 |
2011 |
48% |
|
|||
Bãi rác xã Hòa Hưng |
ấp Hòa Mỹ, xã Hòa Hưng, GR |
6.826 |
2006 |
47% |
|
|||
Bãi rác xã Hòa Lợi |
ấp Hòa B, xã Hòa Lợi, GR |
4.665 |
2006 |
47% |
|
|||
3 |
Gò Quao |
01 |
Bãi rác Lục Phi |
Ấp 6, xã VHH Nam |
14.100 |
2003 |
70% |
Quyết định số 2279/QĐ-UBND ngày 11/8/2006 của UBND huyện Gò Quao |
4 |
Phú Quốc |
03 |
Bãi rác Đồng Cây Sao |
Xã Cửa Dương |
20.000 |
2019 |
143% |
Đang HĐ |
Bãi rác xã Hàm Ninh |
Xã Hàm Ninh |
2.000 |
2009 |
100% |
Ngưng HĐ |
|||
Bãi rác xã Thổ Châu |
Thổ Châu |
3.000 |
2007 |
100% |
Đang HĐ |
|||
5 |
Kiên Hải |
08 |
Hòn Tre (bãi tạm) |
Xã Hòn Tre |
1.000 |
2016 |
50% |
Không có trong QH, phát sinh do chưa xây dựng lò đốt. Xã Lại Sơn, An Sơn đã được đầu tư lò đốt năm 2019 |
Lại Sơn (bãi tạm) |
Xã Lại Sơn |
518,6 |
2017 |
90% |
||||
An Sơn (bãi tạm) |
Xã An Sơn |
1.538,3 |
2017 |
90% |
||||
Bãi rác Hòn Tre |
Ấp III, xã Hòn Tre |
34.000 |
Chưa hoạt động |
|
Quyết định số 1364/QĐ-UBND ngày 01/7/2015 của UBND tỉnh Kiên Giang |
|||
Bãi rác Lại Sơn |
Ấp Thiên Tuế, xã Lại Sơn |
30.000 |
Chưa hoạt động |
|
||||
Bãi rác An Sơn |
Ấp Bãi Ngự, xã An Sơn |
10.000 |
Chưa hoạt động |
|
||||
Lò đốt rác Hòn Ngang |
Ấp An Phú, xã Nam Du |
600 |
Chưa hoạt động |
|
Quyết định số 1809/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND tỉnh Kiên Giang |
|||
Lò đốt Hòn Mấu |
Ấp Hòn Mấu, xã Nam Du |
300 |
Chưa hoạt động |
|
||||
6 |
Châu Thành |
01 |
Bãi rác huyện Châu Thành |
Áp Gò Đất, xã Bình An |
22.270 |
1990 |
60% - 70% |
Đã được đầu tư 1 lò đốt công suất 6.4 tấn/ngày |
7 |
An Biên |
00 |
00 |
00 |
00 |
00 |
00 |
|
8 |
An Minh |
06 |
Bãi rác tập trung huyện An Minh |
ấp 11A, xã Đông Hưng B, huyện An Minh |
75.000 |
2015 |
6.67% |
Theo QĐ số 2508/QĐ-UBND ngày 15/11/2010 của UBND tỉnh Kiên Giang |
Bãi chôn lấp CTR khu vực nông thôn ấp Xèo Đôi |
ấp Xèo Đôi xã Đông Hưng A |
2.000 |
Chưa hoạt động |
|
Theo QĐ số 677/QĐ-UBND ngày 17/3/2020 của UBND tỉnh Kiên Giang |
|||
Bãi chôn lấp CTR khu vực nông thôn ấp Vàm Xáng |
ấp Vàm Xáng xã Đông Hing B |
3.100 |
Chưa hoạt động |
|
||||
Bãi chôn lấp CTR khu vực nông thôn ấp Xẻo Nhàu |
ấp Xco Nhàu, xã Tân Thạnh |
2.000 |
Chưa hoạt động |
|
||||
Bãi chôn lấp CTR khu vực nông thôn ấp |
ấp Mương Đào B xã Vân Khánh |
1.980 |
Chưa hoạt động |
|
||||
Bãi chôn lấp CTR xã Đông Hưng |
xã Đông Hưng |
2.000 |
Chưa hoạt động |
|
||||
9 |
U Minh Thượng |
01 |
Bãi xử lý rác SH huyện |
ấp Đặng Văn Do, xã Thạnh Yên |
34.000 |
Chưa sử dụng |
|
Có trong QH (PL1) |
10 |
Vĩnh Thuận |
01 |
Bãi rác Kênh Năm Trăm |
Ấp Bời Lời, xã Bình Minh |
9.412 |
2006 |
65% |
Đã được đầu tư 1 lò đốt |
11 |
Rạch Giá |
00 |
00 |
00 |
00 |
00 |
00 |
|
12 |
Hà Tiên |
02 |
Bãi rác Mương Đào |
KP 3, P. Đông Hồ |
100.000 |
2010 |
97,5% |
Có trong QH, đến 2020 chuyển thành trạm trung chuyển |
Bãi rác xã Tiên Hải |
ấp Hòn Tre, xã Tiên Hải |
1.271 |
2017 |
30,11% |
Đã đầu tư được 1 lò đốt |
|||
13 |
Giang Thành |
01 |
Bãi rác huyện Giang Thành |
Ấp Trà Phô, xã Phú Mỹ |
157.000 |
2013 |
2,6% |
Có trong QH (PL1) |
14 |
Kiên Lương |
01 |
Bãi rác huyện Kiên Lương |
KP Tám Thước, TT Kiên Lương |
175.500 |
1999 |
11,4% |
Vị trí trùng với QH (PL1) |
15 |
Hòn Đất |
08 |
Bãi rác Hòn Đất |
Thị trấn Sóc Sơn |
250.000 |
2011 |
30% |
Vị trí trùng với QH (PL1) |
Bãi rác xã Bình Giang |
Ấp kinh 4, xã Bình Giang |
5.035 |
2009 |
14% |
|
|||
Bãi rác xã Bình Sơn |
Ấp Thuận Hòa, xã Bình Sơn |
5.000 |
2009 |
24,6% |
|
|||
Bãi rác kênh 6 - xã Mỹ Phước |
Ấp Phước Tân, xã Mỹ Phước |
5.000 |
2003 |
10% |
|
|||
Bãi rác kênh 2.5- xã Mỹ Phước |
Ấp Phước Thạnh, xã Mỹ Phước |
3.800 |
Chưa sử dụng |
0 |
|
|||
Bãi rác xã Mỹ Thái |
Ấp Mỹ Thái, xã Mỹ Thái |
6.669 |
Chưa sử dụng |
0 |
|
|||
Bãi rác xã Mỹ Hiệp Sơn |
Ấp Hiệp Bình, xã Mỹ Hiệp Sơn |
3.000 |
2008 |
16,67% |
|
|||
Bãi rác xã Mỹ Thuận |
Ấp Cản Đất, xã Mỹ Thuận |
7.000 |
Chưa sử dụng |
0 |
|
LỘ TRÌNH XÓA TÊN CÁC BÃI RÁC RA KHỎI DANH
SÁCH CƠ SỞ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG NGHIÊM TRỌNG CÒN TỒN ĐỌNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN
GIANG
(Kèm theo Đề án tại Quyết định số 145/QĐ-UBND ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Kiên Giang)
STT |
Tên cơ sở |
Quyết định cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng |
Biện pháp xử lý triệt để |
Tiến độ thực hiện |
Đơn vị thực hiện xử lý triệt để |
Thời gian hoàn thành |
Kinh phí thực hiện (tỷ đồng) |
1 |
Bãi rác thành phố Hà Tiên |
1707/QĐ-UBND ngày 14/8/2014 |
- Xử lý nước thải, nước rỉ rác - Xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh đạt chuẩn |
2022- 2025 |
UBND Tp Hà Tiên |
2025 |
(ngân sách thành phố) |
2 |
Bãi rác huyện Châu Thành |
1707/QĐ- UBND ngày 14/8/2014 |
- Xử lý nước thải, nước rỉ rác - Xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh đạt chuẩn |
2022-2024 |
UBND huyện Châu Thành |
2024 |
(ngân sách huyện) |
3 |
Bãi rác huyện Tân Hiệp |
1707/QĐ-UBND ngày 14/8/2014 |
- Cải tạo thành Trạm tập trung, trung chuyển rác để vận chuyển về nhà máy xử lý tại huyện Hòn Đất tiếp tục xử lý. |
2022- 2023 |
UBND huyện Tân Hiệp |
2023 |
(ngân sách huyện) |
4 |
Bãi rác huyện An Biên |
1707/QĐ-UBND ngày 14/8/2014 |
- Cải tạo thành Trạm tập trung, trung chuyển rác để vận chuyển về nhà máy xử lý tại huyện Hòn Đất tiếp tục xử lý. |
2022- 2023 |
UBND huyện An Biên |
2023 |
(ngân sách huyện) |
5 |
Bãi rác huyện Kiên Lương |
2028/QĐ-UBND ngày 15/8/2013 |
- Đầu tư nhà máy xử lý rác thải bằng phương pháp đốt - Lập hồ sơ đề nghị xóa tên ra khỏi danh sách ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định trình UBND tỉnh quyết định. |
2022- 2023 |
Công ty TNHH xử lý rác thải Môi Trường Xanh Kiên Lương |
2022 |
(ngân sách huyện) |
6 |
Bãi rác Phường An Thới, thành phố Phú Quốc |
49/QĐ-UBND ngày 10/01/2014 |
- Đào, xúc, ép, đốt, xử lý mùi hôi, thu dọn sạch bãi rác và xử lý đạt chuẩn môi trường. - Cải tạo và tái sử dụng đất theo quy hoạch |
2022- 2023 |
Công ty CP ĐTXD DL và Kinh doanh bất động sản Hưng Phát Phú Quốc |
2022 |
(ngân sách thành phố) |
LỘ TRÌNH CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG CÁC
BÃI RÁC TẠM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG
(Kèm theo Đề án tại Quyết định số 145/QĐ-UBND ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Kiên Giang)
STT |
Tên Bãi rác |
Hiện trạng |
Giải pháp xử lý |
Thời gian hoàn thành |
Đơn vị thực hiện |
|
Tân Hiệp |
||||
1 |
Khu xử lý rác tập trung huyện Tân Hiệp |
Bãi lộ thiên, không chống thấm đáy và vách, không xử lý nước rỉ rác. Định kỳ phun xịt hóa chất khử mùi và diệt côn trùng |
- Lập phương án đóng cửa, cải tạo, phục hồi môi trường. Rác cũ lưu tồn tại bãi được cải tạo, bổ sung vi sinh để sản xuất phân Compost. - Cải tạo một phần diện tích bãi rác thành Trạm tập trung, trung chuyển rác để chuyển về nhà máy xử lý tại huyện Hòn Đất tiếp tục xử lý. Một phần thanh bãi chôn lấp của huyện theo Quyết định 1158/QĐ-UBND ngày 11/5/2021 của tỉnh tỉnh Kiên Giang. - Định kỳ phun xịt hóa chất khử mùi, giám sát và quản lý đảm bảo không để phát sinh vấn đề ô nhiễm khu vực xung quanh. - Lập hồ sơ đề nghị xóa tên ra khỏi danh sách ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định trình UBND tỉnh quyết định. |
2023 |
UBND huyện Tân Hiệp |
|
Bãi rác xã Tân Thanh |
Bãi lộ thiên, không chống thấm đáy và vách, không xử lý nước rỉ rác. |
- Lập phương án đóng cửa, cải tạo, phục hồi môi trường. Rác cũ lưu tồn tại bãi được cải tạo, bổ sung vi sinh để sản xuất phân Compost. - Cải tạo diện tích bãi rác thành Trạm trung chuyển rác để chuyển về Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung huyện để tiếp tục xử lý. - Định kỳ phun xịt hóa chất khử mùi, giám sát và quản lý đảm bảo không để phát sinh vấn đề ô nhiễm khu vực xung quanh. |
2022 |
|
|
Giồng Riềng |
||||
2 |
Bãi rác huyện Giồng Riềng |
Bãi lộ thiên, không chống thấm đáy và vách, không xử lý nước rỉ rác |
- Rà soát, điều chỉnh việc quy hoạch sử dụng đất, xây dựng hạ tầng và các thủ tục pháp lý khác sớm đưa nhà máy xử lý rác huyện Giồng Riềng đi vào hoạt động. - Cải tạo phần đất của bãi rác cũ thành trạm tập trung, trung chuyển rác vào nhà máy và dãy vành đai cây xanh cách ly giữa nhà máy rác với dân cư xung quanh. |
2022 |
UBND huyện Giồng Riềng |
Bãi rác xã Bàn Thạch |
- Bãi lộ thiên, không chống thấm đáy và vách, không xử lý nước rỉ rác - Định kỳ phun xịt hóa chất khử mùi và diệt côn trùng. |
- Lập phương án đóng cửa, cải tạo, phục hồi môi trường. Rác cũ lưu tồn tại bãi được cải tạo, bổ sung vi sinh để sản xuất phân Compost. - Cải tạo diện tích bãi rác thành Trạm trung chuyển rác để chuyển về Nhà máy xử lý chất rải sinh hoạt tập trung huyện Giồng Riềng để tiếp tục xử lý. - Định kỳ phun xịt hóa chất khử mùi, giám sát và quản lý đảm bảo không để phát sinh vấn đề ô nhiễm khu vực xung quanh. |
2022 - 2024 |
UBND huyện Giồng Riềng |
|
Bãi rác xã Bàn Tân Định |
2022 - 2024 |
||||
Bãi rác xã Vĩnh Thạnh |
2022 - 2024 |
||||
Bãi rác xã Ngọc Chúc |
2022 - 2024 |
||||
Bãi rác xã Ngọc Hòa |
2022 - 2024 |
||||
Bãi rác xã Ngọc Thành |
2022 - 2024 |
||||
Bãi rác xã Thành Lộc |
2022 - 2024 |
||||
Bãi rác xã Kinh Ranh, xã Thạnh Lộc |
2022 - 2024 |
||||
Bãi rác xã Hòa An |
2022 - 2024 |
||||
Bãi rác xã Hòa Hưng |
2022 - 2024 |
||||
Bãi rác xã Hòa Lợi |
2022 - 2024 |
||||
|
Gò Quao |
||||
3 |
Bãi rác Lục Phi - huyện Gò Quao |
Bãi lộ thiên, không chống thấm đáy, có vách, không xử lý nước rỉ rác. Định kỳ phun xịt hóa chất khử mùi và diệt côn trùng |
- Lập phương án đóng cửa, cải tạo, phục hồi môi trường khi nhà máy xử lý rác tại huyện Giồng Riềng hoạt động. Rác cũ lưu tồn tại bãi được cải tạo, bổ sung vi sinh để sản xuất phân Compost. - Cải tạo diện tích bãi rác thành Trạm tập trung, trung chuyển rác để chuyển về nhà máy xử lý tại huyện Giồng Riềng tiếp tục xử lý. - Định kỳ phun xịt hóa chất khử mùi, giám sát và quản lý đảm bảo không để phát sinh vấn đề ô nhiễm khu vực xung quanh. |
2022 - 2023 |
UBND huyện Gò Quao |
4 |
Phú Quốc |
||||
Bãi rác Đồng Cây Sao |
Bãi lộ thiên, không chống thấm đáy, có vách, không xử lý nước rỉ rác. Định kỳ phun xịt hóa chất khử mùi và diệt côn trùng |
- Lập phương án đóng cửa, cải tạo, phục hồi môi trường. - Cải tạo diện tích bãi rác thành Trạm tập trung, trung chuyển rác để chuyển về nhà máy xử lý tại Bãi Bổn - Hàm Ninh tiếp tục xử lý bằng phương pháp đốt. - Định kỳ phun xịt hóa chất khử mùi, giám sát và quản lý đảm bảo không để phát sinh vấn đề ô nhiễm khu vực xung quanh. |
2022- 2023 |
UBND thành phố Phú Quốc |
|
Bãi rác xã Thổ Châu |
Bãi lộ thiên, không chống thấm đáy và vách, không xử lý nước rỉ rác |
- Lập hồ sơ xã hội hóa trong công tác thu gom rác thải trên địa bàn toàn xã. - Đầu tư lò đốt rác để xử lý toàn bộ lượng rác phát sinh trên địa bàn xã |
2022- 2023 |
UBND thành phố Phú Quốc |
|
5 |
Kiên Hải |
||||
Hòn Tre (bãi tạm) |
Bãi lộ thiên, không chống thấm đáy và vách, không xử lý nước rỉ rác |
- Lập hồ sơ xã hội hóa trong công tác thu gom rác thải trên địa bàn toàn xã. - Đầu tư lò đốt rác để xử lý toàn bộ lượng rác phát sinh trên địa bàn xã |
2022- 2023 |
UBND huyện Kiên Hải |
|
Lại Sơn (bãi tạm) |
Bãi lộ thiên, không chống thấm đáy và vách, không xử lý nước rỉ rác |
- Lập hồ sơ xã hội hóa trong công tác thu gom rác thải trên địa bàn toàn xã. - Đầu tư lò đốt rác để xử lý toàn bộ lượng rác phát sinh trên địa bàn xã |
2022- 2023 |
UBND huyện Kiên Hải |
|
An Sơn (bãi tạm) |
Đã đầu tư 1 lò đốt và nhà che chứa rác |
- Lập hồ sơ xã hội hóa trong công tác thu gom rác thải trên địa bàn toàn xã. - Vận hành lò đốt rác để xử lý toàn bộ lượng rác phát sinh trên địa bàn xã |
2022- 2023 |
UBND huyện Kiên Hải |
|
6 |
Châu Thành |
||||
Bãi rác huyện Châu Thành |
Bãi lộ thiên, không chống thấm đáy và vách, không xử lý nước rỉ rác. Hiện đã đầu tư 01 lò đốt công suất 450kg/giờ |
- Lập phương án đóng cửa, cải tạo, phục hồi môi trường. Rác cũ lưu tồn tại bãi được cải tạo, bổ sung vi sinh để sản xuất phân Compost. - Cải tạo diện tích bãi rác thành Trạm tập trung, trung chuyển rác để chuyển về nhà máy xử lý tại huyện Hòn Đất tiếp tục xử lý. Sau khi nhà máy xử lý rác thải huyện Giồng Riềng đi vào hoạt động thì thu gom và chuyển về nhà máy để tiếp tục xử lý. - Định kỳ phun xịt hóa chất khử mùi, giám sát và quản lý đảm bảo không để phát sinh vấn đề ô nhiễm khu vực xung quanh. - Lập hồ sơ đề nghị xóa tên ra khỏi danh sách ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định trình UBND tỉnh quyết định |
2023- 2025 |
UBND huyện Châu Thành |
|
7 |
An Biên |
||||
Bãi rác huyện An Biên |
Bãi lộ thiên, không chống thấm đáy và vách, không xử lý nước rỉ rác Hiện đang đóng cửa |
- Lập phương án đóng cửa, cải tạo, phục hồi môi trường. - Cải tạo diện tích bãi rác thành Trạm tập trung, trung chuyển rác để chuyển về nhà máy xử lý tại huyện Hòn Đất tiếp tục xử lý. Sau khi nhà máy xử lý rác thải huyện U Minh Thượng đi vào hoạt động thì thu gom và chuyển về nhà máy để tiếp tục xử lý. - Định kỳ phun xịt hóa chất khử mùi, giám sát và quản lý đảm bảo không để phát sinh vấn đề ô nhiễm khu vực xung quanh. - Lập hồ sơ đề nghị xóa tên ra khỏi danh sách ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định trình UBND tỉnh quyết định. |
2022- 2023 |
UBND huyện An Biên |
|
8 |
An Minh |
||||
Bãi rác tập trung xã Đông Hưng B |
Bãi lộ thiên, không chống thấm đáy và vách, không xử lý nước rỉ rác. Định kỳ phun xịt hóa chất khử mùi và diệt côn trùng |
- Xây dựng phương án chôn lấp rác thải của huyện để đảm bảo quy chuẩn môi trường theo quy định. - Tiếp tục tiếp nhận và xử lý theo phương pháp chôn lấp cho đến khi nhà máy xử lý rác thải huyện An Minh đi vào hoạt động. - Đình kỳ giám sát chất lượng các thành phần môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. - Định kỳ phun xịt hóa chất khử mùi, giám sát và quản lý đảm bảo không để phát sinh vấn đề ô nhiễm khu vực xung quanh. - Lập hồ sơ đề nghị xóa tên ra khỏi danh sách ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định trình UBND tỉnh quyết định. |
2022- 2025 |
UBND huyện An Minh |
|
9 |
U Minh Thượng |
||||
Bãi rác huyện U Minh Thượng |
Bãi lộ thiên, không chống thấm đáy và vách, không xử lý nước rỉ rác. |
- Lập phương án đóng cửa, cải tạo, phục hồi môi trường. Rác cũ lưu tồn tại bãi được cải tạo, bổ sung vi sinh để sản xuất phân Compost. - Đình kỳ giám sát chất lượng các thành phần môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. - Định kỳ phun xịt hóa chất khử mùi, giám sát và quản lý đảm bảo không để phát sinh vấn đề ô nhiễm khu vực xung quanh. |
2024- 2025 |
UBND huyện U Minh Thượng |
|
10 |
Vĩnh Thuận |
||||
Bãi rác Kênh Năm Trăm |
Bãi lộ thiên, không chống thấm đáy và vách, không xử lý nước rỉ rác. Hiện đã đầu tư 01 lò đốt công suất 650kg/giờ |
- Lập phương án đóng cửa, cải tạo, phục hồi môi trường. Rác cũ lưu tồn tại bãi được cải tạo, bổ sung vi sinh để sản xuất phân Compost. - Cải tạo diện tích bãi rác thành Trạm tập trung, trung chuyển rác để chuyển về nhà máy xử lý tại huyện Hòn Đất tiếp tục xử lý. Sau khi nhà máy xử lý rác thải huyện U Minh Thượng đi vào hoạt động thì thu gom và chuyển về nhà máy để tiếp tục xử lý. - Định kỳ phun xịt hóa chất khử mùi, giám sát và quản lý đảm bảo không để phát sinh vấn đề ô nhiễm khu vực xung quanh. |
2024-2025 |
UBND huyện Vĩnh Thuận |
|
11 |
Hà Tiên |
||||
Bãi rác Mương Đào |
Bãi lộ thiên một phần lộ thiên, một phần được chôn lấp nhưng chưa đảm bảo chống thấm đáy và vách, không xử lý nước rỉ rác. |
- Lập phương án đóng cửa, cải tạo, phục hồi môi trường. Rác cũ lưu tồn tại bãi được cải tạo, bổ sung vi sinh để sản xuất phân Compost. - Cải tạo diện tích bãi rác thành Trạm tập trung, trung chuyển rác để chuyển về nhà máy xử lý tại huyện Hòn Đất tiếp tục xử lý. Sau khi nhà máy xử lý rác thải huyện Giang Thành đi vào hoạt động thì thu gom và chuyển về nhà máy để tiếp tục xử lý. - Định kỳ phun xịt hóa chất khử mùi, giám sát và quản lý đảm bảo không để phát sinh vấn đề ô nhiễm khu vực xung quanh. |
2024- 2025 |
UBND thành phố Hà Tiên |
|
12 |
Hòn Đất |
||||
Bãi rác xã Bình Giang |
- Bãi lộ thiên, không chống thấm đáy và vách, không xử lý nước rỉ rác - Định kỳ phun xịt hóa chất khử mùi và diệt côn trùng. |
- Lập phương án đóng cửa, cải tạo, phục hồi môi trường. Rác cũ lưu tồn tại bãi được cải tạo, bổ sung vi sinh để sản xuất phân Compost. - Cải tạo diện tích bãi rác thành Trạm trung chuyển rác để chuyển về Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung huyện Giồng Riềng để tiếp tục xử lý. - Định kỳ phun xịt hóa chất khử mùi, giám sát và quản lý đảm bảo không để phát sinh vấn đề ô nhiễm khu vực xung quanh. |
2022- 2024 |
UBND huyện Hòn Đất |
|
Bãi rác xã Bình Sơn |
2022- 2024 |
||||
Bãi rác kênh 6 - xã Mỹ Phước |
2022- 2024 |
||||
Bãi rác xã Mỹ Hiệp Sơn |
2022- 2024 |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.