BỘ TÀI
CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1420/QĐ-BTC |
Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2022 |
VỀ VIỆC CÔNG BỐ CÔNG KHAI QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2020
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Nghị quyết số 53/2022/QH15 ngày 15/6/2022 của Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 343/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện công khai ngân sách nhà nước đối với các cấp ngân sách;
Căn cứ Báo cáo số 180/BC-CP ngày 14/5/2022 và Báo cáo số 196/BC-CP ngày 22/5/2022 của Chính phủ về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Công bố công khai số liệu quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 (theo các biểu kèm theo Quyết định này).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Cục trưởng Cục Kế hoạch tài chính và các Vụ, Cục, Tổng cục liên quan thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính tổ chức thực hiện Quyết định này./.
|
KT. BỘ
TRƯỞNG |
BÁO CÁO CÔNG KHAI QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2020
Dự toán NSNN năm 2020 được Quốc hội quyết định với tổng số thu là 1.512.300 tỷ đồng, tổng số chi là 1.747.100 tỷ đồng; bội chi NSNN là 234.800 tỷ đồng, tương đương 3,44%GDP, trong đó bội chi NSTW là 217.800 tỷ đồng, bội chi NSĐP là 17.000 tỷ đồng.
Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Trong nước, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường dẫn đến nhiều địa phương phải thực hiện các biện pháp giãn cách trong quý II và III, giao thông, du lịch bị đình trệ; hoạt động xuất, nhập khẩu bị tác động mạnh do đứt gãy chuỗi thương mại quốc tế, làm tăng trưởng ở nhiều lĩnh vực chậm lại. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng, đời sống của một bộ phận người lao động gặp khó khăn. Cùng với đó, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa, lũ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng và đời sống nhân dân.
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV quyết định bổ sung dự toán NSNN năm 20201, trong đó bổ sung dự toán thu là 26.753 tỷ đồng, bổ sung dự toán chi là 26.666 tỷ đồng, đồng thời cho phép tăng tối đa bội chi NSTW 133.500 tỷ đồng để đảm bảo cân đối NSNN năm 2020. Theo đó, dự toán thu NSNN năm 2020 (điều chỉnh) là 1.539.053 tỷ đồng; dự toán chi NSNN năm 2020 (điều chỉnh) là 1.773.766 tỷ đồng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội và chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đã vào cuộc đồng bộ, chủ động ứng phó với thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân”. Nhờ đó, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 vẫn đạt kết quả tích cực, với 10/12 chỉ tiêu kế hoạch đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 2,91%, mặc dù thấp hơn so với kế hoạch (6,8%), nhưng vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng dương cao nhất thế giới. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 2,31%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra (dưới 4%); các cân đối lớn cơ bản được đảm bảo; hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo vệ sức khỏe người dân được quan tâm thực hiện tốt. Kết quả trên ảnh hưởng đến hoạt động thu chi NSNN năm 2020 như sau:
Quyết toán thu NSNN đạt 1.510.579 tỷ đồng, giảm 28.474 tỷ đồng (-1,9%) so với dự toán, chủ yếu do giảm các khoản thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu. Trong đó:
a) Thu nội địa: quyết toán đạt 1.293.728 tỷ đồng, tăng 2.951 tỷ đồng (+0,2%) so với dự toán, chủ yếu là tăng từ các khoản thu về nhà đất (87.970 tỷ đồng), thu từ hoạt động xổ số kiến thiết (5.226 tỷ đồng) và thu khác ngân sách (22.229 tỷ đồng); tỷ trọng thu nội địa đạt 85,6% tổng thu NSNN, tăng so với các năm trước2. Từ cuối Quý III/2020, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, đồng thời các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân ứng phó với dịch Covid-19 đã phát huy tác dụng, kinh tế phục hồi khá, tác động tích cực đến số thu NSNN; tuy nhiên, do ảnh hưởng quá lớn của dịch bệnh, đồng thời trong năm đã thực hiện nhiều giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu NSNN nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên có 8/12 khoản thu không đạt dự toán, trong đó thu ngân sách từ 3 khu vực kinh tế không đạt dự toán (khu vực DNNN đạt 83,3%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 91,4%; khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 91,2% dự toán).
b) Thu dầu thô: quyết toán 34.598 tỷ đồng, giảm 1,7% (602 tỷ đồng) so với dự toán do giá dầu thô thanh toán bình quân đạt 45,7 USD/thùng, giảm 14,3 USD/thùng so với giá dự toán (là 60 USD/thùng); sản lượng thanh toán đạt 9,56 triệu tấn, tăng 540 nghìn tấn so với dự toán.
c) Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu: quyết toán 177.444 tỷ đồng, giảm 14,7% (30.556 tỷ đồng) so với dự toán. Năm 2020, mặc dù tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 545,4 tỷ USD, tăng 5,35% so với năm 2019, tuy nhiên, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng có thuế giảm 12,9% so với dự toán (một số mặt hàng nhập khẩu có số thu lớn giảm mạnh như ô tô nguyên chiếc, sắt thép, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, hóa chất...) làm giảm thu ngân sách trong lĩnh vực này so với dự toán.
Số hoàn thuế giá trị gia tăng theo thực tế phát sinh là 137.019 tỷ đồng, tăng 7.019 tỷ đồng so với dự toán. Công tác hoàn thuế GTGT được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đúng đối tượng và thực tế phát sinh, không gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoàn thuế, kết hợp với tăng cường thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm.
d) Thu viện trợ không hoàn lại: quyết toán 4.808 tỷ đồng, giảm 268 tỷ đồng so với dự toán.
Ngoài ra, thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội3, trong năm 2020, Chính phủ đã thực hiện miễn, giảm nghĩa vụ thuế và một số khoản thu ngân sách, qua đó giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, từng bước thích ứng với trạng thái bình thường mới, được dư luận đánh giá cao. Theo đó, tổng số thuế, phí, tiền thuê đất đã miễn, giảm là 16.307 tỷ đồng; số gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, TNDN, TTĐB và tiền thuê đất là 97.259 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, quản lý, điều hành chi NSNN năm 2020 chủ động, đảm bảo chặt chẽ, đúng chính sách, chế độ, tăng cường kỷ luật tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN. Theo đó, kết quả chi NSNN như sau:
Quyết toán chi NSNN là 1.709.524 tỷ đồng, giảm 64.242 tỷ đồng, bằng 96,4% dự toán. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện chi ngân sách bám sát mục tiêu, dự toán được giao; rà soát, cắt giảm mạnh các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai; tập trung nguồn lực cho chi phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngoài ra, một số nhiệm vụ chi NSNN năm 2020 đạt thấp so với dự toán hoặc không thực hiện, phải hủy dự toán theo quy định. Theo đó, quyết toán chi NSNN thấp hơn so dự toán.
Quyết toán chi NSNN theo các lĩnh vực chi chủ yếu như sau:
a) Chi đầu tư phát triển: Quyết toán 576.432 tỷ đồng, đạt 115,5% dự toán, tăng 77.161 tỷ đồng.
b) Chi trả nợ lãi: Quyết toán 106.466 tỷ đồng, bằng 90,1% dự toán, chủ yếu do trong điều hành đã bám sát tiến độ giải ngân vốn đầu tư để phát hành trái phiếu Chính phủ, qua đó giảm số thực huy động trong năm, kết hợp với lãi suất phát hành thấp hơn dự kiến, làm giảm chi phí vay cho ngân sách.
c) Chi thường xuyên (bao gồm cả nguồn cải cách tiền lương): quyết toán 1.013.449 tỷ đồng, bằng 90,8% so với dự toán.
Năm 2020, NSNN đã chi 21.685 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, góp phần kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội.
Nhìn chung, trong năm 2020, công tác điều hành chi NSNN được thực hiện chủ động, đảm bảo chặt chẽ, bám sát dự toán được giao; kỷ luật tài chính được tăng cường, hiệu quả sử dụng NSNN có tiến bộ. Các nhiệm vụ chính trị quan trọng được đảm bảo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và từng địa phương và có thêm nguồn lực xử lý kịp thời các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh về đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh.
Quyết toán số bội chi NSNN là 216.406 tỷ đồng, giảm 18.394 tỷ đồng so với dự toán đầu năm, bằng 3,44% GDP thực hiện4, thấp hơn rất nhiều so với mức bội chi Quốc hội cho phép điều chỉnh theo Nghị quyết số 128/2020/QH14 (5,41%GDP kế hoạch5); trong đó bội chi NSTW là 213.089 tỷ đồng, giảm 4.711 tỷ đồng so với dự toán, bội chi NSĐP là 3.317 tỷ đồng, giảm 13.683 tỷ đồng so với dự toán.
4. Tổng mức vay của NSNN và nợ công
Tổng mức vay của NSNN Quốc hội quyết định là 488.921 tỷ đồng; quyết toán 436.060 tỷ đồng, giảm 52.861 tỷ đồng, bằng 89,2% so với dự toán.
Theo đó, tính đến ngày 31/12/2020, tổng số nợ công là 3.520.601 tỷ đồng, bằng 55,94% GDP, nằm trong giới hạn được Quốc hội cho phép không quá 65% GDP./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.