ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1418/QĐ-UBND |
Quảng Ninh, ngày 04 tháng 07 năm 2014 |
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Du lịch năm 2005; Nghị định 92/2007/NĐ-CP ngày 02/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;
Căn cứ Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;
Căn cứ Quyết định số 2163/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;
Căn cứ Quyết định số 2622/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;
Căn cứ Nghị quyết số 142/NQ-HĐND ngày 30/5/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Xét đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 1510/SVHTTDL-TTr ngày 27/6/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với những nội dung chính sau:
1. Phát triển du lịch bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả; có trọng tâm, trọng điểm; để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP của Tỉnh; góp phần quan trọng thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với chuyển đổi phương thức phát triển từ “‘nâu” sang “xanh”.
2. Phát triển du lịch dựa vào nguồn lực nội tại được xác định là chiến lược, cơ bản và lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá.
3. Phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ và phát huy tối đa các lợi thế tự nhiên, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, các giá trị văn hóa, gìn giữ cảnh quan và bảo vệ môi trường.
4. Phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế biển, góp phần tích cực, hiệu quả vào xây dựng Quảng Ninh thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng - an ninh, phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế. Phát triển du lịch phải gắn chặt với lộ trình xây dựng Khu kinh tế đặc biệt Vân Đồn và Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.
5. Phát huy tối đa tiềm năng lợi thế đặc trưng về tự nhiên, yếu tố con người, xã hội, lịch sử văn hóa Quảng Ninh và đẩy mạnh liên kết vùng cho phát triển du lịch.
1. Mục tiêu tổng quát
Xây dựng Quảng Ninh trở thành một Trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, có chất lượng cao, thương hiệu mạnh, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh, có năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế; thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và bảo đảm quốc phòng - an ninh nhằm cụ thể hóa các mục tiêu đã được xác định, định hướng trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2622/QĐ-TTg ngày 31/12/2013).
2. Mục tiêu cụ thể
- Đến năm 2020, tổng số khách du lịch đạt 10,5 triệu lượt, trong đó có 4 triệu lượt khách quốc tế; tổng doanh thu đạt 30.000 tỷ đồng; tạo việc làm cho 62.000 lao động trực tiếp;
- Đến năm 2030, tổng số khách du lịch đạt 23 triệu lượt, trong đó có 10 triệu lượt khách quốc tế; tổng doanh thu đạt 130.000 tỷ đồng; tạo việc làm cho 120.000 lao động trực tiếp;
- Hoàn thiện phát triển không gian du lịch theo 4 địa bàn du lịch trọng điểm: Hạ Long; Móng Cái - Trà Cổ; Vân Đồn - Cô Tô và Uông Bí - Đông Triều - Quảng Yên. Định hướng mở rộng không gian du lịch Hạ Long gắn với Vân Đồn - Vịnh Bái Tử Long và các vùng phụ cận, đồng thời phát triển các không gian du lịch mới ở Hoành Bồ, Cẩm Phả, Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà...Tạo ra hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng phục vụ các thị trường mục tiêu như Châu Âu, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Nam Á, Trung Đông...; hình thành và phát triển dịch vụ văn hóa - giải trí; hình thành hệ thống sản phẩm du lịch chuyên nghiệp mang tính đặc trưng tại 4 trung tâm du lịch;
- Phấn đấu đến năm 2020: xây dựng thành phố Hạ Long trở thành thành phố du lịch biển hiện đại và văn minh; đến năm 2020 Vân Đồn - Cô Tô trở thành trung tâm du lịch biển, đảo chất lượng cao, trung tâm vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế, phấn đấu đến năm 2030 trở thành trung tâm công nghiệp giải trí có đẳng cấp quốc tế; Uông Bí - Đông Triều - Quảng Yên trở thành trung tâm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh đặc sắc, có sức hấp dẫn cao.
3. Tầm nhìn đến 2030
- Là một trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế;
- Một địa bàn trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia;
- Trung tâm công nghiệp văn hóa giải trí, nghỉ dưỡng;
- Có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ, hiện đại;
- Có sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chuyên nghiệp chất lượng cao;
- Có thương hiệu mạnh và sức hấp dẫn toàn cầu;
- Có năng lực cạnh tranh quốc tế;
- Có điều kiện, năng lực liên kết, liên doanh với các hãng hàng không, các tập đoàn du lịch hàng đầu thế giới.
1. Phát triển vùng và sản phẩm du lịch
1.1. Vùng du lịch Hạ Long (tương ứng Tiểu vùng đô thị Hạ Long)
Không gian chung gồm có thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả và huyện Hoành Bồ.
* Định hướng các loại hình sản phẩm du lịch chủ yếu là:
- Du lịch tham quan biển - đảo, nghỉ dưỡng, tắm biển vui chơi giải trí trên vịnh Hạ Long, Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu và khu vực Hòn Gai - Cọc 8;
- Du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh tại khu vực trung tâm Hòn Gai với các điểm du lịch chính là: Núi Bài Thơ, chùa Long Tiên, đền thờ Đức Ông Trần Quốc Nghiễn, đồi Đặng Bá Hát, Bảo tàng Tỉnh, Thư viện Tỉnh, cung Văn hóa Việt Nhật, Nhà thờ Hòn Gai; tại Hoành Bồ với khu văn hóa người Dao, các khu dân cư...;
- Du lịch sinh thái tại các làng chài trên vịnh Hạ Long, rừng hồ Yên Lập, núi Chùa Lôi, rừng núi Đồng Sơn, Kỳ Thượng (huyện Hoành Bồ);
- Du lịch thương mại, mua sắm tại Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu và khu vực Hòn Gai - Cọc 8;
- Du lịch gắn với hội nghị, hội thảo, triển lãm…(MICE) tại Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu;
- Du lịch chữa bệnh, nghỉ dưỡng tại Quang Hanh, Cẩm Thạch (thành phố Cẩm Phả);
- Du lịch mạo hiểm, nghiên cứu trên vịnh Hạ Long;
- Du lịch tổng hợp, lễ hội;
- Du lịch phi truyền thống: Trình diễn thời trang quốc tế tại Tuần Châu.
1.2. Vùng du lịch biên giới (tương ứng với Tiểu vùng các khu kinh tế cửa khẩu với Trung Quốc)
Không gian chung gồm có thành phố Móng Cái, huyện Hải Hà, huyện Đầm Hà, huyện Bình Liêu, kết nối với huyện Tiên Yên, huyện Ba Chẽ.
* Định hướng các loại hình sản phẩm du lịch chủ yếu là:
- Du lịch biển, nghỉ dưỡng, ẩm thực tại Trà Cổ, đảo Vĩnh Thực (thành phố Móng Cái), đảo Cái Chiên (huyện Hải Hà), đảo Đá Dựng (huyện Đầm Hà);
- Du lịch biên giới - thương mại, mua sắm tại 3 cửa khẩu Móng Cái (thành phố Móng Cái), Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà) và Hoành Mô (huyện Bình Liêu);
- Du lịch MICE tại thành phố Móng Cái;
- Du lịch sinh thái tại hồ Tràng Vinh, hồ Quất Đông, hồ Phềnh Hồ, hồ Mán Thí (thành phố Móng Cái), hồ - núi Chúc Bài Sơn, đảo Cái Chiên (huyện Hải Hà), thác Khe Vằn, Bãi đá thần, núi Cao Ba Lanh (huyện Bình Liêu), Thác Trúc - Khe Lạnh, Đèo Giang, Thảo nguyên Khe Lầy, Khe Xoong, du lịch đến các trang trại trồng cây Ba Kích, Trà hoa vàng...(huyện Ba Chẽ); Hệ sinh thái rừng ngập mặn. thác Pạc Sủi, hồ Khe Táu, trạm dừng chân du lịch (huyện Tiên Yên);
- Du lịch văn hóa-tâm linh tại Móng Cái, Trà Cổ (đền, chùa, nhà thờ);
- Du lịch tổng hợp.
1.3. Vùng du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh (tương ứng với Tiểu vùng phía Tây)
Không gian chung gồm có thành phố Uông Bí, thị xã Quảng Yên và huyện Đông Triều.
* Định hướng các loại hình sản phẩm du lịch chủ yếu là:
Du lịch Văn hóa - lịch sử - tâm linh, sinh thái tại quần thể di tích danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng (thành phố Uông Bí), khu Di tích lịch sử Nhà Trần (huyện Đông Triều) và khu Di tích lịch sử Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên) là sản phẩm du lịch đặc trưng, điển hình của khu vực. Kết hợp phát triển thêm các loại hình du lịch khác, bao gồm:
- Du lịch sinh thái tại Yên Tử, rừng - hồ Yên Trung, thác Lựng Xanh (thành phố Uông Bí), thác Mơ, đầm Nhà Mạc, làng quê Hà Nam (thị xã Quảng Yên), hồ Bến Châu, làng quê Yên Đức (huyện Đông Triều);
- Du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và thể thao tại Hồ Khe Chè (huyện Đông Triều);
- Du lịch tham quan, nghiên cứu các làng nghề gốm, sứ, thủ công mỹ nghệ cổ truyền tại Mạo Khê, Đông Triều và thị xã Quảng Yên;
- Du lịch biển, nghỉ dưỡng, ẩm thực, vui chơi giải trí tại đảo Hoàng Tân (thị xã Quảng Yên);
- Du lịch tổng hợp.
1.4. Vùng du lịch Vân Đồn - Cô Tô (tương ứng với Tiểu vùng Khu kinh tế Vân Đồn và huyện đảo Cô Tô)
Không gian chính gồm có huyện Vân Đồn và huyện Cô Tô. Ngoài ra còn có thêm không gian thành phố Cẩm Phả.
* Định hướng các loại hình sản phẩm du lịch chủ yếu là:
- Du lịch biển đảo cao cấp có casino;
- Du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, ẩm thực, tắm biển vui chơi giải trí trên vịnh Bái Tử Long;
- Du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh tại Đền Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả), chùa Cái Bầu, đình Quan Lạn (huyện Vân Đồn);
- Du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long, trên các đảo đất của huyện Vân Đồn, vịnh Bái Tử Long và Cô Tô;
- Du lịch MICE tại Vân Đồn;
- Du lịch chữa bệnh, nghỉ dưỡng tại Quang Hanh, Cẩm Thạch (thành phố Cẩm Phả);
- Du lịch mạo hiểm, nghiên cứu trên vịnh Bái Tử Long;
- Du lịch tổng hợp, lễ hội.
1.5. Khu du lịch Cô Tô
Giới hạn trong một không gian nhỏ hơn so với Vùng du lịch Vân Đồn - Cô Tô (tương ứng với Tiểu vùng Khu kinh tế Vân Đồn và huyện đảo Cô Tô)
* Định hướng phát triển các loại hình sản phẩm du lịch chủ yếu:
- Du lịch nghỉ dưỡng, ẩm thực;
- Du lịch tắm biển, vui chơi giải trí cao cấp;
- Du lịch sinh thái, trải nghiệm;
- Du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh;
- Du lịch phi truyền thống.
2. Định hướng giai đoạn phát triển đột phá
- Giai đoạn từ nay đến 2020: 2 điểm đột phá là Hạ Long và Yên Tử.
- Giai đoạn 2021 đến 2030: 2 điểm đột phá là Vân Đồn (Vịnh Bái Tử Long) - Cô Tô và Móng Cái.
3. Định hướng đầu tư, xây dựng
3.1. Vùng du lịch Hạ Long: có 3 khu vực cần được định vị là 3 vùng động lực chính gồm: Tuần Châu, Bãi Cháy và Hòn Gai.
* Tại Tuần Châu, cần đầu tư phát triển:
- Ưu tiên số 1 là hoàn thiện cảng tàu du lịch quốc tế, đảm bảo năng lực tập kết, trung chuyển các loại tàu thuyền du lịch cho toàn khu vực và kết nối với các vùng du lịch khác (Bái Tử Long, Vân Đồn, Cát Bà - Hải Phòng và tàu thuyền du lịch quốc tế);
- Tiếp tục thu hút đầu tư phát triển các công trình, dự án theo quy hoạch đã được phê duyệt;
- Tổ chức tuyến xe điện 2 chiều kết nối giữa Tuần Châu và Bãi Cháy.
* Tại Bãi Cháy, cần đầu tư phát triển:
- Hệ thống khách sạn cao cấp có thương hiệu quốc tế;
- Khu nghỉ dưỡng biển cao cấp tại đảo Rều;
- Nhóm nhà hàng cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế;
- Khu mua sắm phức hợp, chuỗi cửa hàng dịch vụ;
- Tuyến đi bộ và cấp dịch vụ đêm;
* Khu vực Hòn Gai, cần đầu tư phát triển:
- Bảo tàng Hải dương học;
- Tuyến đi bộ leo núi Bài Thơ và hệ thống chiếu sáng;
- Tuyến xe điện du lịch từ cầu Bãi Cháy theo đường bao biển đến Cọc 8;
- Hệ thống nhà hàng và chuỗi cửa hàng dịch vụ dọc theo đường bao biển.
- Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trình diễn ca múa nhạc về đêm dọc theo đường bao biển;
- Nhóm tàu - nhà hàng nổi di động có phục vụ ca nhạc, hành trình ven bờ biển từ Bãi Cháy đến Cọc 8;
3.2. Vùng du lịch Móng Cái - Trà Cổ: hình thành 2 khu vực động lực chính là Móng Cái và Trà Cổ.
* Tại Móng Cái, cần đầu tư phát triển:
- Khu thương mại riêng biệt bán hàng Việt Nam kèm theo những tiêu chuẩn chuyên nghiệp dành cho khách du lịch Trung Quốc;
- Khu thương mại bán hàng Trung Quốc vào mọi thời điểm dành cho khách du lịch Việt Nam;
- Tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí và các dịch vụ về đêm;
- Hệ thống xe điện thường xuyên kết nối 2 chiều Móng Cái và Trà Cổ.
* Tại khu vực Trà Cổ cần tập trung đầu tư phát triển:
- Hoàn thiện hệ thống dịch vụ du lịch tại Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ;
- Cảng tàu du lịch kết nối với Vân Đồn - Bái Tử Long và Vịnh Hạ Long;
- Quy hoạch phát triển hệ thống nhà hàng phục vụ đặc sản biển đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh, môi trường.
3.3. Vùng du lịch Vân Đồn - Cô Tô: Vân Đồn được xác định là vùng trung tâm của cụm điểm du lịch này, ưu tiên tập trung các nguồn lực đầu tư, phát triển các dự án lớn sau:
- Sân bay quốc tế Vân Đồn;
- Cầu cảng cho các loại tàu du lịch;
- Các khu nghỉ dưỡng và hệ thống khách sạn cao cấp;
- Casino quốc tế và tổ hợp vui chơi giải trí;
- Trung tâm mua sắm và sân golf.
3.4. Vùng du lịch Uông Bí - Đông Triều - Quảng Yên: Trung tâm du lịch của vùng được xác định là khu vực Yên Tử. Các nội dung cần quan tâm đầu tư cho khu vực này là:
- Hoàn thiện đầu tư phát triển quần thể di tích danh thắng Yên Tử (thành phố Uông Bí), khu Di tích lịch sử Nhà Trần (huyện Đông Triều) và khu di tích lịch sử Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên) theo các quy hoạch đã được duyệt;
- Tổ chức tuyến xe điện du lịch kết nối 2 chiều từ quốc lộ 18A vào bến xe trung tâm tại chân núi Yên Tử để phục vụ mọi đối tượng khách du lịch;
- Hoàn thiện hệ thống biển báo chỉ dẫn bằng tiếng Anh tại các điểm đến;
- Tăng cường thực hiện chiến lược quảng bá xúc tiến du lịch Yên Tử bằng các hình thức chuyên nghiệp nhằm vào các thị trường quốc tế.
4. Phân khúc thị trường
- Cụm điểm du lịch 1: Du lịch “Mới lạ và Sang trọng” (Vân Đồn, Vịnh Bái Tử Long, Vịnh Hạ Long) hướng tới các khách du lịch hạng sang từ Châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) và Châu Âu, Bắc Mỹ.
- Cụm điểm du lịch 2: Du lịch khám phá vẻ đẹp Việt Nam (Thành phố Hạ Long, Đông Triều, Uông Bí, Vịnh Hạ Long, Vân Đồn) hướng tới khách du lịch Châu Âu, Bắc Mỹ với chi phí trung bình và thấp muốn trải nghiệm vẻ đẹp tự nhiên, văn hóa của Việt Nam.
- Cụm điểm du lịch 3: Du lịch khách phương Bắc (Móng Cái, Vân Đồn, Thành phố Hạ Long, Vịnh Hạ Long) tập trung vào phân khúc khách du lịch Trung Quốc với chi phí thấp và trung bình đến Quảng Ninh qua cửa khẩu Móng Cái.
- Cụm điểm du lịch 4: Du lịch tâm linh Việt Nam tập trung vào thị trường khách du lịch trong nước đến các di tích lịch sử tại Quảng Ninh.
- Chiến lược tổng quan: Tập trung vào các phân khúc khách du lịch mục tiêu quan trọng nhất và phát triển các dịch vụ du lịch phù hợp với các phân khúc trong bốn trung tâm du lịch trọng điểm.
- Chiến lược cụ thể: Trong giai đoạn phát triển mới, Quảng Ninh cần tập trung vào 3 phân khúc chính: khách du lịch Châu Âu, Bắc Mỹ; khách du lịch Trung Quốc và khách du lịch có thu nhập cao.
5. Liên kết không gian du lịch
5.1. Trong nước
- Kết nối du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng, sinh thái: Tuyến du lịch Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng;
- Kết nối các tuyến, điểm du lịch Văn hóa, tâm linh: Tuyến du lịch Quảng Ninh - Hà Nội - Ninh Bình - Nam Định;
- Kết nối các tuyến, điểm du lịch biên giới, thương mại cửa khẩu và du lịch tổng hợp; kết nối 4 địa bàn trọng điểm du lịch của Tỉnh.
5.2. Quốc tế
- Kết nối Quảng Ninh - Trung Quốc qua 3 cửa khẩu quốc tế: xây dựng 3 tuyến du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng, sinh thái trên cơ sở 3 cửa khẩu quốc tế sau đây:
+ Tuyến du lịch Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh;
+ Tuyến du lịch Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh;
+ Tuyến du lịch Móng Cái (Quảng Ninh) - Hải Phòng - Hà Nội;
- Kết nối Quảng Ninh với thị trường Đông - Bắc Á: Tăng cường khai thác các thị trường truyền thống như: Nhật Bản và Hàn Quốc là một hướng ưu tiên đối với du lịch Quảng Ninh.
- Tuyến du lịch Quảng Ninh, Việt Nam - Đảo Jeju - Tỉnh Gangwon, Hàn Quốc (thành viên EATOF).
- Tuyến du lịch Quảng Ninh, Việt Nam - Tỉnh Tottori, Nhật Bản (thành viên EATOF).
- Kết nối Quảng Ninh với thị trường Đông - Nam Á, đặc biệt là Singapore, Malaysia, Thailand và Indonesia. Với Lào và Campuchia: Quảng Ninh quan tâm khai thác các phân khúc thị trường đến các di sản thế giới (đền Ăng-co và cố đô Luangprabang).
- Kết nối Quảng Ninh với thị trường Nga;
- Kết nối Quảng Ninh với thị trường Châu Âu và Bắc Mỹ;
- Hình thành 5 tuyến du lịch hàng không đến Cảng hàng không Vân Đồn gồm:
+ Tuyến du lịch hàng không nội địa: kết nối sân bay Vân Đồn với Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh…;
+ Tuyến du lịch hàng không Vân Đồn với các cảng hàng không của Châu Âu như Nga, Pháp, Anh, Tây Ban Nha…;
+ Tuyến du lịch hàng không Vân Đồn với các quốc gia Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Macao...;
+ Tuyến du lịch hàng không Vân Đồn với các nước ở khu vực ASEAN gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Campuchia, Philiipines...;
+ Tuyến du lịch hàng không Vân Đồn với các tỉnh trong nội địa Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Trùng Khánh...
IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Nhu cầu vốn đầu tư
- Tổng mức đầu tư với 56 dự án đề xuất là: 3,2 tỷ USD đến 6,5 tỷ USD (tương đương 68.000 tỷ VND đến 136.000 tỷ VND).
- Trong đó tổng mức đầu tư với 13 dự án ưu tiên là: 2,9 tỷ USD đến 6 tỷ USD (tương đương 60.000 tỷ VND đến 125.000 tỷ VND).
2. Nguồn lực đầu tư
Phần lớn các khoản đầu tư vào các dự án liên quan tới du lịch sẽ được huy động từ khu vực tư nhân. Do đó phải tăng sức hấp dẫn đầu tư để thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng lớn, đặc biệt là những nhà đầu tư nước ngoài và thực hiện các giải pháp sau đây:
- Đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan tới việc thành lập và đầu tư vào các hoạt động kinh doanh liên quan tới du lịch;
- Tăng cường tính cạnh tranh trong quảng bá cơ hội đầu tư;
- Đảm bảo cơ sở hạ tầng phù hợp hỗ trợ phát triển của ngành du lịch;
- Giảm suy thoái môi trường ở khu vực du lịch trọng điểm của Quảng Ninh - Vịnh Hạ Long;
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
3. Sử dụng đất
Thực hiện tốt “Quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015)” đã được phê duyệt trên nguyên tắc ưu tiên triển khai theo mục đích sử dụng đất hiệu quả hơn nhằm đảm bảo những dự án ưu tiên sẽ không bị chậm trễ.
4. Các nhóm giải pháp quy hoạch
4.1. Nhóm giải pháp về tiếp thị quảng bá và xây dựng thương hiệu
- Thành lập cơ quan tiếp thị điểm đến Quảng Ninh;
- Tăng cường nguồn lực và nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch;
- Xây dựng chiến lược về thị trường khách để phát triển du lịch một cách ổn định và mang tính bền vững;
- Xác lập và phát triển các mối quan hệ hợp tác quan trọng;
- Xây dựng khẩu hiệu và biểu tượng cho du lịch Quảng Ninh;
- Xây dựng các điểm đặc trưng cho mỗi thành phố, thôn làng của Quảng Ninh để phục vụ du lịch;
- Triển khai các công cụ kỹ thuật số mới;
4.2. Nhóm giải pháp về sản phẩm du lịch mới
- Phát triển mạng lưới đường mòn dạo bộ ở các khu vực đồi núi trên địa bàn Tỉnh; xây dựng địa điểm cắm trại trên các đảo;
- Tạo điều kiện thuận lợi để thành lập các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm du lịch mới tại khu vực vịnh Hạ Long và khu vực lân cận nhằm kéo dài hành trình tham quan vịnh Hạ Long;
- Tạo điều kiện cần thiết để thu hút khách du lịch đến thành phố Hạ Long, nhất là các hoạt động dành cho khách du lịch về đêm;
- Xây dựng quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp du lịch chuyên nghiệp để phát triển thêm các điểm thu hút du lịch văn hóa;
- Kêu gọi tổ chức tư vấn chuyên về phát triển vui chơi giải trí để thúc đẩy phát triển khu vui chơi phức hợp có casino ở Vân Đồn;
- Tiến hành xây dựng hệ thống sân golf, bảo tàng, khu phức hợp mua sắm cao cấp có giảm giá..;
- Xây dựng các hoạt động tổ chức quanh năm và lịch tổ chức các sự kiện.
4.3. Nhóm giải pháp về các dự án hạ tầng giao thông vận tải
- Tiến hành xây dựng sân bay Vân Đồn, mở rộng hệ thống cảng hành khách tại Vân Đồn;
- Đẩy nhanh tiến độ dự án nâng cấp các tuyến đường bộ quan trọng; cải thiện cơ sở hạ tầng dịch vụ xe khách, xe buýt;
- Xây dựng các cảng khách phục vụ du lịch tàu biển quốc tế, các bến du thuyền, phát triển dịch vụ bay thuê chuyến như dịch vụ bay trực thăng, thủy phi cơ..;
4.4. Nhóm giải pháp về dự án hạ tầng du lịch, bao gồm các cơ sở lưu trú, nâng cấp các điểm du lịch và tăng cường các hoạt động du lịch
- Gia tăng nguồn cung khách sạn cao cấp và tìm kiếm mối quan hệ đối tác với những khách sạn có thương hiệu quốc tế;
- Nâng cao chất lượng và tính thống nhất của cơ sở lưu trú trong việc hoàn thiện hệ thống xếp hạng sao khách sạn;
- Phát triển các khu du lịch sinh thái trên các đảo thuộc huyện Vân Đồn;
- Phát triển hệ thống quản lý hành trình cho tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long; quy định mức tối đa số tàu thuyền hoạt động trên Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long;
- Tạo điều kiện dễ dàng tiếp cận hơn cho khách du lịch nước ngoài tới các điểm du lịch văn hóa trọng điểm;
- Hỗ trợ thành lập cơ sở đào tạo nghề nấu ăn và kinh doanh nhà hàng; thiết lập khu tập trung phục vụ bán thức ăn đường phố;
- Tăng cường cập nhật biển báo đường dây nóng và xếp hạng độ an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống.
4.5. Nhóm giải pháp về dự án xây dựng và bồi dưỡng nhân lực
- Phát triển đội ngũ nhân lực du lịch đủ về số lượng dự báo, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, bảo đảm về chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch;
- Xây dựng cơ sở đào tạo ngoại ngữ tại Quảng Ninh đạt chất lượng;
- Tài trợ cho các khóa thực tập của học viên ngành du lịch;
4.6. Nhóm giải pháp về dự án bảo vệ môi trường
- Giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của tài nguyên và môi trường đối với hoạt động du lịch;
- Tăng cường công tác thực thi quản lý môi trường, ưu tiên nguồn lực cho quản lý, thu gom, xử lý xác thải, chất thải;
- Chia sẻ thông tin để triển khai chương trình kiểm tra hiện trạng môi trường;
- Thúc đẩy dự án thí điểm dán nhãn sinh thái Cánh buồm xanh cho tàu du lịch;
4.7. Nhóm giải pháp về quản trị công và hợp tác
- Triển khai thực hiện triệt để cơ chế “một thẩm định, một phê duyệt” đối với tất cả các thủ tục hành hành chính tại trung tâm hành chính công các cấp để giải quyết các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp du lịch;
- Có chính sách thị thực mở dành cho nhân viên ngành du lịch;
- Xây dựng phong cách làm việc chủ động và chặt chẽ với nhà đầu tư và doanh nghiệp;
- Đảm bảo sự phối hợp hiệu quả giữa các bên liên quan trong lĩnh vực đầu tư du lịch tại Quảng Ninh.
4.8. Nhóm các giải pháp khác
- Tăng cường cải thiện dự báo thời tiết;
- Tăng cường công tác thống kê du lịch;
- Quản lý hoạt động du lịch MICE.
V. DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ (có phụ lục kèm theo)
Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch:
1. Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch của Tỉnh:
Chỉ đạo các hoạt động của sở, ban, ngành của Tỉnh và các địa phương trong tỉnh trong việc giải quyết những vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng giữa các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện Quy hoạch.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Là cơ quan chủ trì triển khai thực hiện quy hoạch có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ sau:
-Tổ chức công bố, phổ biến đến các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh.
- Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh thực hiện các nhiệm vụ liên quan trong mọi hoạt động du lịch;
- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hành động phát triển du lịch theo nội dung Quy hoạch;
- Hướng dẫn, phối hợp với các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện; hàng năm sơ kết, đánh giá, đề xuất các chính sách, giải pháp thực hiện điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với thực tế, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
a. Sở Kế hoạch và Đầu tư: thực hiện chức năng nhiệm vụ liên quan tới việc xác định nhiệm vụ đầu tư Nhà nước cho du lịch, cơ chế chính sách đầu tư cho du lịch, tạo các cân đối về vốn và nguồn lực khác, huy động các nguồn tài trợ trong và ngoài nước cho phát triển du lịch. Nghiên cứu đề xuất cơ chế hợp tác công - tư trong hoạt động du lịch.
b. Sở Tài chính: thực hiện chức năng nhiệm vụ liên quan về cơ chế, chính sách về tài chính; bảo đảm tỷ lệ ngân sách nhà nước chi cho triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch.
c. Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng: thực hiện chức năng nhiệm vụ liên quan tới phát triển kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông; lồng ghép nội dung phát triển hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển du lịch vào quy hoạch ngành giao thông; triển khai, rà soát, bổ sung quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị phù hợp với mục tiêu phát triển du lịch trên địa bàn Tỉnh đã được xác định trong Quy hoạch này.
d. Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ban xây dựng nông thôn mới: thực hiện nhiệm vụ liên quan đến phát triển, sản xuất và tiêu thụ hàng hóa phục vụ phát triển du lịch; triển khai có hiệu quả việc sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm địa phương phục vụ mục đích phát triển du lịch mua sắm; bảo tồn và phát triển bền vững các làng nghề.
e. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế: thực hiện chức năng nhiệm vụ liên quan tới quy hoạch quỹ đất cho hoạt động du lịch; bảo vệ môi trường du lịch; các tiêu chuẩn, quy chuẩn về du lịch và liên quan tới du lịch, vệ sinh an toàn thực phẩm.
f. Sở Ngoại vụ, Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh: thực hiện chức năng nhiệm vụ liên quan tới thủ tục xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại, an ninh, an toàn và đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch ở nước ngoài. Phối hợp với ngành du lịch trong việc khai thác phát triển tài nguyên du lịch gắn với giữ vững quốc phòng, an ninh đặc biệt là khu vực biên giới, hải đảo.
g. Sở Nội vụ: thực hiện những nội dung liên quan đến hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về du lịch; tăng cường năng lực cho cơ quan xúc tiến du lịch.
h. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: thực hiện chức năng nhiệm vụ liên quan tới phát triển nguồn nhân lực du lịch, tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo du lịch.
i. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh và truyền hình Tỉnh, Báo Quảng Ninh: thực hiện các chức năng nhiệm vụ liên quan đến quản lý nhà nước về thông tin, tuyên truyền du lịch; quản lý ứng dụng công nghệ thông tin và tuyên truyền trong hoạt động du lịch. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền du lịch, xúc tiến thu hút đầu tư, quảng bá tiềm năng và cơ hội phát triển du lịch của Tỉnh; nâng cao nhận thức về du lịch.
k. Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện kêu gọi thu hút đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đầu tư các dự án phát triển du lịch.
4. Các địa phương trên địa bàn tỉnh
Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Chủ động triển khai, mở rộng liên kết trong công tác xúc tiến, quảng bá để thu hút khách du lịch và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch;
- Thực hiện xã hội hóa phát triển du lịch, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư, hợp tác phát triển du lịch, khuyến khích xây dựng các sản phẩm đặc trưng của địa phương
- Căn cứ nội dung Quy hoạch để xây dựng quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch và dự án đầu tư phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch.
- Chỉ đạo, quản lý việc bảo vệ tài nguyên du lịch, môi trường du lịch và giáo dục quần chúng nhân dân giữ gìn và phát huy giá trị tài nguyên du lịch hướng tới mục tiêu phát triển bền vững;
5. Doanh nghiệp, Hiệp hội du lịch và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội khác:
- Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh, các doanh nghiệp chủ động bố trí nguồn kinh phí thực hiện quy hoạch cụ thể các khu, điểm du lịch và đầu tư xây dựng dự án phát triển du lịch.
- Hiệp hội du lịch và các tổ chức xã hội khác theo phạm vi chức năng hoạt động nắm bắt mục tiêu, quan điểm, định hướng trong Quy hoạch để cụ thể hóa thành chương trình hành động của mình.
- Các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với ngành du lịch và chính quyền các địa phương trên địa bàn Tỉnh trong việc quảng bá hình ảnh du lịch; vận động, tuyên truyền, giáo dục quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức về du lịch, về quy hoạch du lịch và ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch.
- Cộng đồng dân cư tích cực tham gia vào các hoạt động du lịch, cung ứng dịch vụ du lịch cộng đồng và các hoạt động bảo tồn, khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường du lịch.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện thị xã, thành phố và cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2015-2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1418/QĐ-UBND ngày 04/7/2014 của Ủy ban nhân
dân tỉnh Quảng Ninh)
1. Những dự án khởi động từ năm 2015
(Tổng mức đầu tư từ 3.158 triệu USD đến 6.261 triệu USD, tương đương từ 66.327 tỷ VND đến 131.484 tỷ VND)
Stt |
TÊN DỰ ÁN |
1 |
Dự án nâng cấp các tuyến quốc lộ trọng yếu (2015 - 2020+1) |
2 |
Dự án sân bay Vân Đồn (2015 - 2020+) |
3 |
Dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng có casino (2015 - 2017) |
4 |
Dự án khu nghỉ dưỡng sinh thái (2015 - 2019) |
5 |
Khuyến khích các nhà phát triển lập quan hệ đối tác với các nhà điều hành khách sạn quốc tế (2015 - 2020) |
6 |
Xây dựng Cơ quan tiếp thị điểm đến du lịch Quảng Ninh (QNDMA) (2015 - 2019) |
7 |
Xây dựng phong cách làm việc chủ động và chặt chẽ với nhà đầu tư và doanh nghiệp (2015 - 2016) |
8 |
Đảm bảo sự phối hợp hiệu quả hơn giũa các Sở ban ngành và các tỉnh trong lĩnh vực liên quan (2015 - 2016) |
9 |
Cải thiện và thực thi công tác quản lý môi trường (2015 - 2016) |
10 |
Thành lập một trung tâm ngoại ngữ tại Quảng Ninh (2015) |
11 |
Quản lý nguồn rác thải tốt hơn (2015 - 2016) |
12 |
Giảm thiểu ô nhiễm môi trường (2015 - 2016) |
13 |
Thực hiện công tác thống kê trong ngành du lịch (2015) |
14 |
Tổ chức các giải đấu golf đẳng cấp quốc tế (2015 - 2017) |
15 |
Mở rộng hệ thống cảng hành khách tại Vân Đồn (2015) |
16 |
Xây dựng bảo tàng sinh thái khoa học tự nhiên (2015 - 2017) |
17 |
Tăng cường cho hoạt động của bảo tàng Quảng Ninh (2015) |
18 |
Hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm du lịch (2015 - 2016) |
19 |
Lập quan hệ đối tác với những khách sạn có thương hiệu nổi tiếng (2015 - 2020) |
20 |
Xây dựng hệ thống quản lý hành trình tàu du lịch (2015) |
21 |
Xây dựng hệ thống đường dẫn đến các điểm du lịch văn hóa quan trọng (2015 - 2018) |
22 |
Xây dựng những hành trình dài hơn (2015 - 2016) |
23 |
Xây dựng chương trình thu gom và xử lý rác thải cho Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long (2015) |
24 |
Đưa các thủ tục của Quảng Ninh lên website thủ tục Việt Nam (2015) |
25 |
Tạo cơ chế “một cửa” nhằm phê duyệt giấy phép cho các doanh nghiệp du lịch quy mô nhỏ (2015) |
26 |
Khuyến khích các chính sách thị thực mở dành cho tất cả cán bộ ngành du lịch (2015) |
27 |
Xây dựng những khu cắm trại trên đảo (2015) |
28 |
Tổ chức các lễ hội (2015) |
29 |
Xây dựng mạng lưới đường mòn dạo bộ (2015) |
30 |
Nâng cao năng lực dự báo khí tượng thủy văn (2015) |
31 |
Xây dựng các đường dây nóng phục vụ du lịch (2015) |
32 |
Xây dựng biểu tượng và khẩu hiệu cho Quảng Ninh (2015) |
33 |
Triển khai khởi động các đại lý du lịch và thực hiện chiến dịch truyền thông thông tin du lịch (2015 - 2016) |
34 |
Thu hút thêm khách và nâng mức chi tiêu từ các công ty du thuyền (2015) |
35 |
Thiết lập hệ thống xếp hạng sao khách sạn (2015 - 2017) |
36 |
Áp mức trần cho các tàu thuyền hoạt động trên Vịnh Bái Tử Long và Vịnh Hạ Long (2015). |
37 |
Lấp đầy khoảng cách về nguồn nhân lực cho du lịch Quảng Ninh đến năm 2020 và những năm tiếp theo (2015 - 2020) |
2. Những dự án khởi động năm 2016 - 2017
(Tổng mức đầu tư từ 4.5 triệu USD đến 14.3 triệu USD, tương đương từ 95 tỷ VND đến 301 tỷ VND)
Stt |
TÊN DỰ ÁN |
1 |
Khởi động thực hiện công cụ tiếp thị kỹ thuật số (2016 - 2017) |
2 |
Xây dựng trung tâm mua sắm cao cấp kinh doanh hàng hóa giảm giá (2016 - 2018) |
3 |
Thu hút khách dùng máy bay thuê bao (2016 - 2017) |
4 |
Xây dựng thêm các điểm du lịch văn hóa (2016 - 2017) |
5 |
Thu hút thực tập sinh tham gia vào ngành du lịch bằng học bổng hấp dẫn do chính phủ tài trợ (2016) |
6 |
Xuất bản báo “50 điều nên làm ở Quảng Ninh” (2016) |
7 |
Thúc đẩy du lịch mùa thấp điểm bằng cách tổ chức thêm các hoạt động vào mùa đông và có lịch tổ chức các sự kiện quanh năm (2016) |
8 |
Xây dựng chương trình đào tạo hướng dẫn viên du lịch là sinh viên (2016-2017) |
9 |
Tăng cường kế hoạch chương trình kiểm tra tình trạng môi trường 2016-2017) |
10 |
Xúc tiến chương trình quảng bá “Nhãn Sinh thái Cánh buồm xanh” (2016) |
11 |
Thành lập trường dạy nấu ăn và kinh doanh nhà hàng (2016) |
12 |
Xây dựng khu tập trung thử thức ăn đường phố của địa phương (2016) |
13 |
Xây dựng chương trình thanh tra và cấp chứng nhận nhà hàng (2016) |
14 |
Có dịch vụ dịch thực đơn thức ăn cho các nhà hàng (2016) |
15 |
Xây dựng các điểm đặc trưng cho mỗi thành phố, thị xã của Quảng Ninh (2016) |
16 |
Nâng cấp hệ thống bến xe khách (2016) |
3. Những dự án khởi động từ năm 2018 đến 2020
(Tổng mức đầu tư từ 82 triệu USD đến 205 triệu USD, tương đương từ 1.722 tỷ VND đến 4.305 tỷ VND)
Stt |
TÊN DỰ ÁN |
1 |
Phát triển dịch vụ bay trực thăng (2018) |
2 |
Phát triển dịch vụ bay thủy phi cơ (2018) |
3 |
Công tác quản lý thu hút nhiều sự kiện MICE (2018) |
4 |
Tổ chức giải đấu golf tour du lịch Châu Á (Asian Tour) (2018-2020) |
4. Từ năm 2020 trở đi
(Các giải pháp sau đây sẽ được khởi động trước năm 2020 nhưng việc thực hiện sẽ kéo dài đến sau năm 2020):
Stt |
TÊN DỰ ÁN |
1 |
Đảm bảo nâng cấp các tuyến quốc lộ trọng yếu (2016 - 2020+) |
2 |
Xây dựng sân bay Vân Đồn (2016 - 2020+) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.