ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT
NAM |
Số: 1413/QĐ-UBND |
Thừa Thiên Huế, ngày 23 tháng 6 năm 2016 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2007 về Quản lý chất thải rắn;
Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định và quản lý Quy hoạch đô thị;
Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về Quản lý chất thải và phế liệu;
Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về Quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 10/2010/TT-BXD ngày 11 tháng 8 năm 2010 của Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ các loại quy hoạch đô thị;
Căn cứ Quyết định số 471/QĐ-UBND ngày 05 tháng 3 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch xử lý chất thải rắn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế tại Báo cáo thẩm định số 792/SXD-TĐ ngày 10 tháng 5 năm 2016 về Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với các nội dung chủ yếu sau:
Toàn bộ tỉnh Thừa Thiên Huế với dân số khoảng 1,1 triệu người và tổng diện tích khoảng 5 nghìn km2 bao gồm: thành phố Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và 06 huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông và A Lưới.
- Chất thải rắn thông thường (sinh hoạt, y tế, công nghiệp);
- Chất thải công nghiệp nguy hại;
- Chất thải y tế nguy hại;
- Chất thải nông nghiệp nguy hại;
- Chất thải xây dựng;
- Phân bùn bể tự hoại;
- Bùn thải thoát nước.
a) Phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế; các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất; chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, định hướng đến năm 2050 và các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn và khả năng khai thác quỹ đất;
c) Giảm thiểu phát sinh chất thải rắn tại nguồn, tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm lượng chất thải rắn chôn lấp;
d) Hướng tới phân loại chất thải rắn tại nguồn, hạn chế việc chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; chất thải rắn nguy hại được thu gom vận chuyển và xử lý theo quy định, đảm bảo không phát tán ra môi trường;
đ) Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng, tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn;
e) Từng bước đưa công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước vào sử dụng. Áp dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế, ưu tiên áp dụng công nghệ trong nước đã được cấp giấy chứng nhận và các công nghệ tiên tiến, hạn chế chôn lấp nhằm xử lý triệt để ô nhiễm môi trường và tăng hiệu quả sử dụng đất.
a) Đảm bảo xử lý triệt để, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, hạn chế chôn lấp, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tổng hợp chất thải rắn;
b) Xã hội hóa công tác quản lý chất thải rắn, khuyến khích các thành phần kinh tế, huy động các nguồn lực tham gia đầu tư các công trình xử lý và quản lý chất thải rắn;
c) Làm cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng mới; cải tạo mở rộng hệ thống thu gom; góp phần đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững các đô thị, các khu vực dân cư tập trung, đặc biệt là khu vực nông thôn và vùng đầm phá của Tỉnh;
d) Phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh chất thải tại nguồn, tăng cường tái sử dụng, tái chế nhằm giảm thiểu tối đa khối lượng chất thải rắn phải xử lý;
đ) Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, trách nhiệm cộng đồng, cải thiện môi trường sống, tạo cơ sở vững chắc cho việc thực hiện thành công chiến lược quản lý chất thải rắn.
a) Dự báo khối lượng chất thải rắn (CTR) đến năm 2030 và đến năm 2050:
* Nguồn phát sinh CTR: từ các hộ gia đình; từ các hoạt động dịch vụ thương mại (chợ, dịch vụ ăn uống, thương mại, công cộng,...); từ các công sở, trường học, viện nghiên cứu; từ đường phố, các bến xe, nhà ga, sân bay; từ bệnh viện và các khu công nghiệp, khu kinh tế.
* Dự báo tổng lượng chất thải rắn:
- Nguyên tắc dự báo:
+ Khối lượng CTR công nghiệp nguy hại được dự báo với giả định là khối lượng sẽ tăng theo tăng trưởng GDP;
+ Khối lượng CTR y tế nguy hại được dự báo thông qua tăng trưởng dân số;
+ Khối lượng CTR nông nghiệp nguy hại được dự báo với giả định là khối lượng sẽ tăng theo tăng trưởng GDP;
+ Khối lượng CTR xây dựng được dự báo với giả định là tăng cùng với tăng trưởng dân số và dựa vào khối lượng chất thải bình quân đầu người;
+ Tỷ lệ phân bùn phát sinh cơ sở bằng 0,05m3/năm/người;
+ Khối lượng bùn thải, thoát nước thông qua tăng trưởng dân số và dựa vào khối lượng bùn thải thu gom tại thành phố Huế và các khu vực lân cận.
- Chỉ tiêu quy hoạch:
Loại CTR |
Chỉ tiêu |
Năm 2015 |
Năm 2020 |
Năm 2025 |
Năm 2030 |
Năm 2050 |
CTR sinh hoạt |
CTR phát sinh (tấn/ngày) |
422 |
502 |
586 |
677 |
1.093 |
CTR thu gom (tấn/ngày) |
406 |
492 |
580 |
677 |
1.093 |
|
CTR được xử lý (tấn/ngày) |
406 |
483 |
561 |
643 |
1.038 |
|
CTR nguy hại |
CTR công nghiệp nguy hại (tấn/năm) |
506 |
773 |
1.039 |
1.306 |
2.372 |
CTR y tế nguy hại (tấn/năm) |
394 |
414 |
433 |
453 |
531 |
|
CTR nông nghiệp nguy hại (tấn/năm) |
11 |
17 |
23 |
29 |
52 |
|
CTR khác |
CTR xây dựng (tấn/ngày) |
207 |
216 |
224 |
232 |
265 |
Phân bùn bể tự hoại (tấn/ngày) |
215 |
225 |
236 |
246 |
289 |
|
Bùn thải thoát nước (tấn/ngày) |
14 |
14 |
15 |
16 |
18 |
|
CTR từ mưa lũ |
98 tấn trong một vài ngày sau mưa lớn, với lượng mưa > 120mm/ngày |
* Nhu cầu sử dụng đất cho các cơ sở cần xây dựng:
- Cơ sở xử lý CTR sinh hoạt (ngoại trừ CTR xây dựng):
+ Khu xử lý chất thải rắn tập trung Phú Sơn, thị xã Hương Thủy: khoảng 40ha;
+ Khu xử lý chất thải rắn tập trung Hương Bình, thị xã Hương Trà: khoảng 40ha;
+ Khu chôn lấp phía Tây Nam xã A Roàng, huyện A Lưới: khoảng 02ha;
+ Khu xử lý chất thải rắn Đông Sơn, huyện A Lưới: khoảng 15 - 20ha;
+ Khu xử lý rác Hương Phú, huyện Nam Đông: khoảng 7ha.
- Cơ sở xử lý chất thải rắn xây dựng: khoảng 9ha.
b) Quy hoạch phân vùng xử lý chất thải rắn
* Nguyên tắc phân vùng:
- Hình thành các khu xử lý tập trung có quy mô phù hợp đáp ứng phục vụ nhu cầu trước mắt và lâu dài;
- Cự ly vận chuyển và tuyến vận chuyển hợp lý;
- Phù hợp với định hướng điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
* Nội dung phân vùng:
- Chất thải rắn sinh hoạt (SH):
+ Vùng 1SH: Khu vực phía Nam, bao gồm: các huyện Phú Vang, Phú Lộc, thị xã Hương Thủy và thành phố Huế;
+ Vùng 2SH: Khu vực phía Bắc, bao gồm các huyện Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Trà;
+ Vùng 3SH: Khu vực miền núi: gồm huyện Nam Đông, huyện A Lưới: quản lý chất thải độc lập.
- Chất thải rắn y tế nguy hại (NH):
+ Vùng 1NH: thành phố Huế, thị xã Hương Trà, Hương Thủy;
+ Vùng 2NH: các huyện Phong Điền, Quảng Điền;
+ Vùng 3NH: các huyện Phú Vang, Phú Lộc;
+ Vùng 4NH: huyện A Lưới;
+ Vùng 5NH: huyện Nam Đông.
c) Phân loại, thu gom và vận chuyển chất thải rắn
* Phân loại:
- Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn theo 3 phương án:
+ Phương án 1: Phân loại CTR hữu cơ;
+ Phương án 2: Phân loại CTR hữu cơ và nhựa;
+ Phương án 3: Phân loại CTR tái chế.
Trong đó phương án 01 và 02 sẽ áp dụng trong tương lai. Hiện tại, chỉ xây dựng năng lực thu hút sự tham gia của cộng đồng thông qua phương án 03.
- CTR công nghiệp, y tế, nông nghiệp được phân thành 02 loại (CTR công nghiệp, y tế, nông nghiệp thông thường và CTR công nghiệp, y tế, nông nghiệp nguy hại).
* Thu gom, vận chuyển chất thải rắn:
- Chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn y tế, công nghiệp, nông nghiệp thông thường được thu gom mở rộng ra toàn bộ tỉnh Thừa Thiên Huế theo các tần suất sau:
+ Các phường có mật độ dân số cao (trên 2.500 người/km2) tại thành phố Huế: thu gom hàng ngày;
+ Các phường có mật độ dân số thấp (dưới 2.500 người/km2) tại thành phố Huế: tối thiểu thu gom 2-3 lần/tuần;
+ Các phường của thị xã hoặc huyện: tối thiểu thu gom 2 lần/1 tuần;
+ Các xã của thị xã hoặc huyện: tối thiểu 01 lần/01 tuần.
- Đối với chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải rắn y tế thông thường được thu gom từ nơi phát sinh đến điểm trung chuyển (xuồng) hoặc thu gom và vận chuyển trực tiếp về các khu xử lý chất thải rắn theo quy hoạch của từng vùng.
- Chất thải rắn thông thường ở nông thôn, được thu gom vận chuyển theo tần suất nêu trên đến các khu xử lý (các bãi chôn lấp chất thải rắn bị ô nhiễm sẽ được xử lý đóng cửa hoặc cải tạo nâng cấp và về lâu dài toàn bộ sẽ đóng cửa khi các khu xử lý tập trung theo quy hoạch đi vào hoạt động).
- Chất thải rắn xây dựng: Chủ đầu tư công trình chịu trách nhiệm ký hợp đồng với đơn vị có chức năng cung ứng dịch vụ thực hiện việc thu gom, vận chuyển đến các bãi xử lý chất thải xây dựng bảo đảm an toàn vệ sinh, môi trường.
- Phân bùn bể phốt được đơn vị chuyên trách thu gom từ nơi phát sinh vận chuyển về các khu xử lý chất thải rắn.
- Chất thải rắn y tế nguy hại và chất thải rắn công nghiệp nguy hại phải được phân loại, bảo quản, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn vệ sinh môi trường và theo quy định về quản lý chất thải rắn nguy hại. Chủ nguồn thải có trách nhiệm ký hợp đồng với đơn vị có chức năng hành nghề thu gom, vận chuyển chất thải rắn nguy hại và được xử lý tại các khu xử lý chất thải rắn nguy hại.
d) Lò đốt
Các lò đốt chất thải rắn (công nghiệp, y tế, sinh hoạt) phải tuân thủ theo các Quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành hiện hành. Riêng các lò đốt đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã gây ô nhiễm môi trường hoặc có công suất nhỏ hơn quy định thì từng bước đóng cửa để phù hợp với lộ trình đầu tư xây dựng các khu xử lý tập trung.
đ) Các trạm trung chuyển chất thải rắn
Thực hiện vận chuyển trực tiếp từ nơi thu gom đến cơ sở xử lý chất thải rắn, không xây dựng trạm trung chuyển trên địa bàn toàn tỉnh.
e) Quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn
* Vùng 1SH: Khu xử lý tập trung Phú Sơn (xây mới):
- Vị trí: tại xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy;
- Phạm vi phục vụ: các huyện Phú Lộc, Phú Vang, thị xã Hương Thủy và thành phố Huế;
- Công nghệ chủ yếu: xử lý chất thải rắn thành phân hữu cơ; đốt; chôn lấp hợp vệ sinh;
- Diện tích toàn bộ khu xử lý khoảng 40 ha;
- Bãi chôn lấp: sức chứa 447.000m3;
- Cơ sở sản xuất phân hữu cơ và đốt: công suất 360 tấn/ngày.
* Vùng 2SH: Khu xử lý tập trung Hương Bình (xây mới):
- Vị trí: tại xã Hương Bình, thị xã Hương Trà;
- Phạm vi phục vụ: các huyện Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Trà và một số phường của thành phố Huế (có vị trí địa lý tiếp giáp với thị xã Hương Trà);
- Công nghệ chủ yếu: Xử lý chất thải rắn thành phân hữu cơ; đốt; chôn lấp hợp vệ sinh;
- Diện tích toàn bộ khu xử lý khoảng 40 ha, có thể mở rộng trong tương lai;
- Bãi chôn lấp: sức chứa 228.000m3;
- Cơ sở sản xuất phân hữu cơ và đốt: công suất 360 tấn/ngày.
* Vùng 3SH:
- Khu chôn lấp phía Tây Nam xã A Roàng, huyện A Lưới: khoảng 02ha;
- Khu xử lý chất thải rắn Đông Sơn, huyện A Lưới quy mô khoảng 15 - 20ha;
- Phạm vi phục vụ: toàn huyện A Lưới;
- Công nghệ chủ yếu: chôn lấp hợp vệ sinh;
- Sức chứa bãi chôn lấp: 136.000m3.
- Hương Phú Nam Đông: khoảng 7ha;
- Phạm vi phục vụ: toàn huyện Nam Đông;
- Công nghệ chủ yếu: chôn lấp hợp vệ sinh;
- Sức chứa bãi chôn lấp: 82.000m3.
* Cơ sở xử lý chất thải rắn xây dựng: khoảng 9ha (mỗi đơn vị cấp huyện có 01 bãi xử lý CTR xây dựng khoảng 01ha).
g) Một số công việc ưu tiên triển khai đến năm 2020
- Thúc đẩy sản xuất phân hữu cơ tại cộng đồng;
- Thúc đẩy 3R thông qua các hoạt động phối hợp với các cơ sở kinh doanh;
- Thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn;
- Phát triển cơ sở xử lý tại xã Phú Sơn và Hương Bình;
- Phối hợp nhà máy xi măng trong việc sử dụng rác thải làm chất đốt tại các lò đốt và chuyển tro xỉ từ các lò đốt chất thải rắn đến các nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh;
- Xây dựng “Sách trắng”;
- Áp dụng hệ thống tài chính toàn diện.
6. Khái toán và nguồn vốn đầu tư
a) Khái toán: Tổng nhu cầu vốn cho toàn bộ Quy hoạch chất thải rắn đến năm 2030 ước khoảng 1.191 tỷ đồng, trong đó chi phí cho các khu liên hợp xử lý được xây dựng tại Phú Sơn, Hương Bình ước khoảng 500 tỷ đồng.
b) Nguồn vốn đầu tư:
- Vốn ngân sách nhà nước;
- Vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước;
- Vốn hỗ trợ nước ngoài;
- Vốn vay;
- Các nguồn vốn hợp pháp khác.
Khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư, xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn, các công trình phụ trợ thông qua các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư thực hiện theo các quy định hiện hành.
a) Sở Xây dựng:
- Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định về Quy định quản lý và tổ chức thực hiện Quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
- Tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo Quản lý chất thải rắn tổng hợp;
- Tổ chức công bố quy hoạch và hướng dẫn các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện quy hoạch đảm bảo tiến độ, mục tiêu đề ra;
- Chủ trì tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện quy hoạch và là đầu mối phối hợp với các Sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hàng năm thực hiện quy hoạch này;
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương hướng dẫn, kiểm tra đột xuất và định kỳ hàng quý, năm về chất lượng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật;
- Định kỳ tổng hợp tình hình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng theo quy định.
b) Sở Tài nguyên Môi trường:
- Chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất thải rắn nguy hại trên địa bàn tỉnh;
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, địa phương hướng dẫn các doanh nghiệp, thực hiện việc xin giao đất làm dự án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn theo quy định;
- Chủ trì, tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư xây dựng các điểm tập trung chất thải rắn, nhà máy xử lý chất thải rắn, khu liên hợp xử lý chất thải rắn;
- Trong phạm vi, chức năng nhiệm vụ được giao, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường và phát triển bền vững.
c) Sở Khoa học và Công nghệ:
- Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng thẩm định công nghệ của các dự án đầu tư thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.
d) Sở Y tế:
- Chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh;
- Hướng dẫn việc phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại có xuất xứ từ các cơ sở khám chữa bệnh.
đ) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất thải rắn nông nghiệp trên địa bàn tỉnh;
- Hướng dẫn việc phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn nông nghiệp nguy hại.
e) Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Hướng dẫn việc cấp chứng nhận đầu tư cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên cơ sở Quy hoạch chất thải rắn được phê duyệt;
- Chủ trì, phối hợp với Sở, ban, ngành liên quan xây dựng chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư cho các tổ chức tham gia thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn toàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định;
- Đề xuất bố trí vốn ngân sách cho các dự án, chương trình, kế hoạch quản lý chất thải rắn đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
g) Sở Tài chính:
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí nguồn vốn cho các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn đã được phê duyệt. Hướng dẫn các nhà đầu tư các cơ chế, chính sách tài chính;
- Chủ trì thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt khung giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.
h) UBND thành phố Huế, các thị xã, các huyện; Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh:
- Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành và các đơn vị liên quan thực hiện công tác quản lý Nhà nước theo quy định hiện hành về quản lý chất thải rắn trên địa bàn;
- Lập kế hoạch 05 năm, hàng năm để triển khai Quy hoạch chất thải rắn trên địa bàn mình quản lý;
- Tuyên truyền thông tin, thúc đẩy việc nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc quản lý chất thải rắn;
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải để giải quyết kịp thời các vấn đề xảy ra trên địa bàn.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên Môi trường, Khoa học Công nghệ, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế; Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh; Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.