ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1410/QĐ-UBND |
Kiên Giang, ngày 11 tháng 6 năm 2021 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 12 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 1092/TTr-STP ngày 02/6/2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình), với nội dung chính như sau:
1. Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; phòng ngừa rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.
2. Khắc phục tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin pháp luật. Đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp. Đáp ứng nhu cầu hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.
3. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận, sử dụng thông tin đăng tải trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, được giải đáp pháp luật, cung cấp văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý của Nhà nước có liên quan.
4. Xác định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời nâng cao năng lực của các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Đối tượng áp dụng
a) Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Kiên Giang (gọi tắt là doanh nghiệp).
b) Các cơ quan, tổ chức có liên quan.
2. Phạm vi điều chỉnh
Chương trình được triển khai trên toàn tỉnh, trong đó cần tập trung triển khai cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ hơn; doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh; doanh nghiệp có sử dụng lao động là hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật hoặc doanh nghiệp có tiêu thụ sản phẩm của hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật (tỷ lệ tối thiểu là 20% lao động hoặc doanh số tiêu thụ); doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; doanh nghiệp tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển.
3. Thời gian thực hiện
Thời gian triển khai thực hiện Chương trình từ năm 2021 đến năm 2025.
III. HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG HỖ TRỢ PHÁP LÝ
1. Xây dựng, cập nhật và khai thác cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp
a) Sở Tư pháp có trách nhiệm
- Cập nhật và đăng tải lên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành liên quan đến doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Cập nhật và đăng tải lên Trang thông tin điện tử của cơ quan các văn bản quy phạm pháp luật do Trung ương, địa phương ban hành và các văn bản hướng dẫn có liên quan đến doanh nghiệp.
- Tiếp nhận các quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp được phép công khai, có hiệu lực thi hành mà Ủy ban nhân dân tỉnh là một bên có liên quan; các văn bản trả lời của Ủy ban nhân dân tỉnh đối với các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp trong quá trình áp dụng chung về pháp luật do các ngành và đơn vị cung cấp; gửi về Sở Thông tin và Truyền thông cập nhật và đăng tải lên cổng thông tin điện tử của tỉnh và gửi Bộ Tư pháp theo quy định.
b) Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm
- Xây dựng chuyên mục hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của tỉnh.
- Tiếp nhận, cập nhật và đăng tải lên cổng thông tin điện tử của tỉnh các quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp được phép công khai, có hiệu lực thi hành mà Ủy ban nhân dân tỉnh là một bên có liên quan; các văn bản trả lời của Ủy ban nhân dân tỉnh đối với các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp trong quá trình áp dụng chung về pháp luật do Sở Tư pháp cung cấp.
Thời hạn đăng tải các văn bản trả lời của Ủy ban nhân dân tỉnh đối với vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp là 15 ngày kể từ ngày văn bản được ký ban hành.
- Tiếp nhận, cập nhật và đăng tải lên cổng thông tin điện tử của tỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn do Trung ương, địa phương ban hành liên quan đến doanh nghiệp; các thông tin về kế hoạch, chương trình, dự án, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; thông tin về chỉ dẫn kinh doanh, thông tin về tín dụng thị trường, sản phẩm, công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp và các thông tin khác theo nhu cầu của doanh nghiệp do các ngành liên quan cung cấp.
c) Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh
- Gửi các quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp được phép công khai, có hiệu lực thi hành mà Ủy ban nhân dân tỉnh là một bên có liên quan; các văn bản trả lời của Ủy ban nhân dân tỉnh đối với các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp trong quá trình áp dụng chung về pháp luật về Sở Tư pháp để tổng hợp, gửi Sở Thông tin và Truyền thông đăng tải lên cổng thông tin điện tử của tỉnh và gửi Bộ Tư pháp theo quy định.
- Gửi các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn do trung ương, địa phương ban hành liên quan đến doanh nghiệp; thông tin về kế hoạch, chương trình, dự án, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; thông tin về chỉ dẫn kinh doanh, thông tin về tín dụng thị trường, sản phẩm, công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp và các thông tin khác theo nhu cầu của doanh nghiệp về Sở Thông tin và Truyền thông để cập nhật, đăng tải lên Cổng thông tin điện tử tỉnh.
2. Hoạt động cung cấp thông tin pháp luật
a) Doanh nghiệp được cung cấp các thông tin pháp luật và các chính sách của ngành, lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp (nếu có).
b) Khi có nhu cầu cung cấp thông tin pháp luật, doanh nghiệp gửi yêu cầu trực tiếp đến các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để được giải đáp hoặc doanh nghiệp gửi yêu cầu cung cấp thông tin đến Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh với các nội dung chính: Tên doanh nghiệp; ngành nghề kinh doanh; địa chỉ; tên người đại diện, số chứng minh nhân dân (hoặc căn cước công dân); thông tin cần được cung cấp, trong đó nêu rõ tên văn bản (nếu xác định được), mục đích yêu cầu cung cấp thông tin. Trường hợp doanh nghiệp gửi văn bản yêu cầu cung cấp thông tin đến Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thì:
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chuyển yêu cầu cung cấp thông tin pháp luật của doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có liên quan đến thông tin được yêu cầu cung cấp.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành chuyển kết quả đến Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh để chuyển thông tin cho doanh nghiệp gửi yêu cầu.
3. Hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật
a) Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
b) Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang, Báo Kiên Giang xây dựng chuyên mục pháp luật giới thiệu văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để tuyên truyền, giới thiệu cho các doanh nghiệp các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
4. Hoạt động tư vấn pháp luật
a) Đối thoại doanh nghiệp
- Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các sở, ngành có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, đề xuất, phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Tăng cường củng cố mối quan hệ mật thiết giữa các cơ quan chức năng với cộng đồng doanh nghiệp; phát huy và mở rộng tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức đối với cộng đồng doanh nghiệp.
- Cơ quan được phân công chủ trì tổ chức đối thoại doanh nghiệp có trách nhiệm:
+ Xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức đối thoại; chuẩn bị nội dung đối thoại đảm bảo ngắn gọn, dễ hiểu. Phát hành phiếu lấy ý kiến đến các doanh nghiệp để nắm tình hình, các đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp trước khi tổ chức đối thoại để phản ánh đúng các vấn đề doanh nghiệp quan tâm.
+ Trước buổi đối thoại, tổng hợp các kiến nghị khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và mời các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có liên quan họp để phân công tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp.
+ Theo dõi việc giải quyết các kiến nghị khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tại buổi đối thoại gần nhất.
b) Giải quyết các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp
- Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh là cơ quan đầu mối tiếp nhận các yêu cầu giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận yêu cầu, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh có trách nhiệm chuyển yêu cầu đến cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp.
- Trường hợp yêu cầu bằng văn bản của doanh nghiệp được gửi trực tiếp đến các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thì các cơ quan này có trách nhiệm tiếp nhận yêu cầu và giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận yêu cầu và doanh nghiệp cung cấp đủ thông tin có liên quan đến yêu cầu giải đáp pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành của tỉnh phải giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp bằng văn bản và gửi cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh để theo dõi.
Đối với các trường hợp phức tạp hoặc nội dung liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực thì thời hạn trả lời là 30 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận yêu cầu và doanh nghiệp cung cấp đủ thông tin có liên quan đến yêu cầu giải đáp pháp luật. Trường hợp không giải đáp pháp luật thì cơ quan được yêu cầu giải đáp phải nêu rõ lý do.
- Hình thức giải đáp pháp luật được thực hiện bằng văn bản.
- Việc giải đáp pháp luật không áp dụng đối với yêu cầu của doanh nghiệp về những trường hợp cụ thể liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
1. Phân công trách nhiệm
a) Sở Tư pháp
- Chủ trì tổ chức thực hiện Chương trình; phối hợp các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có liên quan triển khai các kế hoạch, chương trình có liên quan đến hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Tổ chức tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết.
b) Sở Tài chính có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, bố trí kinh phí thực hiện Chương trình này từ ngân sách nhà nước trong dự toán chi thường xuyên hàng năm và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
c) Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tư pháp lồng ghép các hoạt động của Chương trình vào các đề án, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
d) Các sở, ban, ngành có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức thực hiện, hỗ trợ các hoạt động của Chương trình trong phạm vi, lĩnh vực mình quản lý.
đ) Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quy định tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện các hoạt động của Chương trình.
2. Kinh phí thực hiện Chương trình
a) Kinh phí thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước; nguồn kinh phí tài trợ, hỗ trợ của các doanh nghiệp (nếu có).
b) Các cơ quan thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm lập dự toán ngân sách gửi Sở Tài chính trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
3. Chế độ báo cáo
Định kỳ hàng năm (trước ngày 15/10) các sở, ngành, cơ quan có liên quan báo cáo kết quả thực hiện Chương trình về Sở Tư pháp để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp theo quy định.
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch; Liên minh Hợp tác xã tỉnh; Báo Kiên Giang; Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.