ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/2016/QĐ-UBND |
Trà Vinh, ngày 21 tháng 4 năm 2016 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ ĐÊ ĐIỀU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Đê điều ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 113/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đê điều;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 34/TTr-SNN ngày 16 tháng 02 năm 2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý và bảo vệ đê điều trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Giao thông Vận tải, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành tỉnh có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN |
QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ ĐÊ ĐIỀU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
TRÀ VINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 14/2016/QĐ-UBND
ngày 21/4/2016 của UBND tỉnh Trà Vinh)
Quy định này quy định về quản lý và bảo vệ đê điều trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Quy định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có các hoạt động liên quan đến đê điều trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
1. Đê là công trình ngăn nước lũ của sông hoặc ngăn nước biển, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân loại, phân cấp theo quy định của pháp luật.
2. Đê điều là hệ thống công trình bao gồm đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê và công trình phụ trợ.
3. Đê biển là đê ngăn nước biển.
4. Đê sông là đê ngăn nước lũ của sông.
5. Đê cửa sông là đê chuyển tiếp giữa đê sông với đê biển hoặc bờ biển.
6. Đê bao là đê bảo vệ cho một khu vực riêng biệt.
7. Kè bảo vệ đê là công trình xây dựng nhằm chống sạt lở để bảo vệ đê.
8. Cống qua đê là công trình xây dựng qua đê dùng để cấp nước, thoát nước hoặc kết hợp giao thông thủy.
9. Công trình phụ trợ là công trình phục vụ việc quản lý, bảo vệ đê điều, bao gồm công trình tràn sự cố; cột mốc trên đê, cột chỉ giới, biển báo đê điều, cột thủy chí, giếng giảm áp, trạm và thiết bị quan trắc về thông số kỹ thuật phục vụ công tác quản lý đê; điếm canh đê, kho, bãi chứa vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão, trụ sở Hạt quản lý đê, trụ sở Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão; công trình phân lũ, làm chậm lũ; dải cây chắn sóng bảo vệ đê.
10. Chân đê đối với đê đất là vị trí giao nhau giữa mái đê hoặc mái cơ đê với mặt đất tự nhiên được xác định tại thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê. Chân đê đối với đê có kết cấu bằng bê tông hoặc vật liệu khác là vị trí xây đúc ngoài cùng của móng công trình.
Điều 4. Trách nhiệm bảo vệ đê điều
1. Đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý đê có trách nhiệm bảo vệ các tuyến đê, cắm mốc chỉ giới, niêm yết nội quy, lắp đặt biển báo, bảng cấm cho từng tuyến đê.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành Quy định này đối các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý; phát hiện, ngăn chặn kịp thời mọi hành vi vi phạm đến đê điều và xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền.
3. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện hành vi hoặc các tác động tự nhiên gây tổn hại hoặc đe dọa đến an toàn đê điều thì báo ngay cho Ủy ban nhân dân nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước quản lý về đê điều trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn và có biện pháp xử lý.
Điều 5. Phạm vi bảo vệ đê điều
1. Đê biển
Hành lang bảo vệ đê được tính từ chân đê trở ra:
- Đối với đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch: 05m về phía đồng và phía biển.
- Trường hợp khác: 25m về phía đồng và phía biển.
2. Đê sông, đê cửa sông
Hành lang bảo vệ đê được tính từ chân đê trở ra:
- Đối với đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch: 05m về phía đồng và phía sông.
- Trường hợp khác: 10m về phía đồng và phía sông.
3. Đê bao
Hành lanh bảo vệ đê bao được tính từ chân đê trở ra mỗi phía 05m
4. Cống qua đê
Phạm vi bảo vệ các cống thuộc hệ thống đê sông và đê biển được xác định từ giới hạn phần xây đúc cuối cùng trở ra mỗi phía:
- Cống hở có tổng chiều rộng cửa: B ≥ 10m : 50 mét ;
- Cống hở có tổng chiều rộng cửa: 10m > B ≥ 3m : 30 mét ;
- Cống hở có tổng chiều rộng cửa: B < 3m : 10 mét ;
- Cống ngầm có tổng chiều rộng cửa: B > 2m : 08 mét ;
- Cống ngầm có tổng chiều rộng cửa: B ≤ 2m : 05 mét.
5. Kè
Hành lang bảo vệ được tính từ phần xây đúc cuối cùng của kè trở ra:
- Kè bảo vệ đê biển, bờ biển: mỗi phía 50 mét.
- Kè bảo vệ bờ sông:
+ Trường hợp vị trí kè đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch: tối thiểu 05 mét.
+ Trường hợp khác: tối thiểu 10 mét.
Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Phá hoại đê điều.
2. Nổ, phá gây nguy hại đến thân đê, trừ trường hợp khẩn cấp được người có thẩm quyền quy định tại Điều 34 của Luật Đê điều năm 2006 quyết định nổ, phá nhằm phân lũ, làm chậm lũ để hộ đê.
3. Vận hành trái quy chuẩn kỹ thuật đối với công trình cống qua đê, trạm bơm trong phạm vi bảo vệ đê điều.
4. Xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt.
5. Sử dụng xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê; sử dụng xe cơ giới đi trên đê khi có biển cấm trong trường hợp đê có sự cố hoặc có lũ, lụt, bão, trừ xe kiểm tra đê, xe hộ đê, xe làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cứu thương, cứu hỏa.
6. Đổ chất thải trong phạm vi bảo vệ đê điều, ở bãi sông, lòng sông; để vật liệu trên đê, trừ vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão.
7. Chiếm dụng, sử dụng hoặc di chuyển trái phép vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão.
8. Phá hoại cây chắn sóng bảo vệ đê; trừ trường hợp khai thác cây chắn sóng trong hành lang bảo vệ đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê phải theo sự hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền quản lý đê điều.
9. Khai thác đất, đá, cát, sỏi, khoáng sản khác; đào ao, giếng trong phạm vi bảo vệ đê điều và các hoạt động khác gây cản trở dòng chảy và thoát lũ.
Điều 7. Các hoạt động trong phạm vi bảo vệ đê điều phải có giấy phép
a) Cắt xẻ đê để xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều;
b) Khoan, đào trong phạm vi bảo vệ đê điều;
c) Xây dựng cống qua đê; xây dựng công trình đặc biệt trong phạm vi bảo vệ đê điều, bãi sông, lòng sông;
d) Sử dụng đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê làm nơi neo đậu tàu, thuyền;
đ) Khai thác đất, đá, cát, sỏi, khoáng sản khác ở lòng sông;
e) Để vật liệu, khai thác đất, đá, cát, sỏi, khoáng sản khác, đào ao, giếng ở bãi sông;
g) Nạo vét luồng lạch trong phạm vi bảo vệ đê điều.
h) Xây dựng công trình ngầm; khoan, đào để khai thác nước ngầm trong phạm vi 1 kilômét tính từ biên ngoài của phạm vi bảo vệ đê điều.
Điều 8. Cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình đê điều.
1. Đối với các công trình đê điều đã đưa vào khai thác, sử dụng trước khi Quy định này có hiệu lực và chưa cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tiến hành cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình đê điều.
2. Đối với các công trình đê điều đang triển khai xây dựng hoặc đang lập dự án đầu tư, sau khi Quy định này có hiệu lực thì công trình phải thực hiện cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ và bàn giao cho tổ chức, cá nhân được giao quản lý khai thác và bảo vệ khi công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng.
Điều 9. Phân công trách nhiệm quản lý
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quản lý và bảo vệ đê điều trên địa bàn tỉnh, Chi cục Thủy lợi trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và bảo vệ các công trình đê biển, đê cửa sông, kè bảo vệ đê biển, bờ biển.
2. Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi (sau đây gọi tắt là Công ty THHH NN MTV QLKTCTTL) trực tiếp quản lý và bảo vệ các công trình đê sông, đê bao và kè bảo vệ bờ sông.
Điều 10. Trách nhiệm của các Sở, Ban, ngành
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, các cơ quan, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức triển khai, thực hiện Quy định này; đồng thời, tuyên truyền phổ biến rộng rãi các quy định về bảo vệ đê điều theo Luật Đê điều; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người làm công tác quản lý và bảo vệ công trình đê điều trên địa bàn tỉnh.
b) Theo dõi, đôn đốc Hạt Quản lý Đê điều và Công ty THHH NN MTV QLKTCTTL tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ các công trình đê điều được giao theo quy định; kiểm tra việc thực hiện và định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh công tác bảo vệ đê điều.
c) Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra về bảo vệ đê điều; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc giám sát, thanh tra kiểm tra về an toàn về đê điều và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều.
d) Tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định việc cấp, thu hồi, gia hạn giấy phép đối với các hoạt động phải có Giấy phép trong lĩnh vực đê điều theo quy định.
đ) Xây dựng kế hoạch đầu tư nâng cấp, duy tu, sửa chữa các công trình đê điều trên địa bàn tỉnh.
e) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí hàng năm để đầu tư nâng cấp, duy tu, sửa chữa các công trình đê điều trên địa bàn tỉnh.
g) Công ty THHH NN MTV QLKTCTTL, Hạt Quản lý Đê điều thực hiện:
- Có trách nhiệm trực tiếp bảo vệ công trình đê điều; thường xuyên kiểm tra, phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm gây mất an toàn đê điều; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện trong việc xử lý các hành vi vi phạm và áp dụng các biện pháp cần thiết khôi phục hiện trạng ban đầu, bảo đảm an toàn cho công trình.
- Kết hợp với các địa phương tổ chức cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ các công trình đê điều được giao quản lý.
- Thường xuyên kiểm tra, theo dõi báo cáo kịp thời tình trạng đê điều, các diễn biến hư hỏng, sự cố đê điều; lập hồ sơ lưu trữ và cập nhật thường xuyên các dữ liệu về đê điều; quản lý vật tư dự trữ chuyên dùng phục vụ công tác phòng, chống lũ, lụt, bão; phát hiện, có biện pháp ngăn chặn kịp thời và kiến nghị xử lý hành vi vi phạm pháp luật vê đê điều.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường: Thẩm định nhu cầu sử dụng đất để thu hồi đất, giao đất trong phạm vi bảo vệ đê điều theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt; phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan thực hiện việc quản lý và sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ đê điều theo quy định.
3. Sở Xây dựng: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và các đơn vị có liên quan, tổ chức lập quy hoạch và phối hợp kiểm tra việc thực hiện theo quy hoạch xây dựng bảo đảm phù hợp với quy hoạch đê điều; thực hiện cấp phép xây dựng đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo vệ đê điều; phối hợp kiểm tra xử lý, giải quyết các hoạt động xây dựng vi phạm có liên quan đến phạm vi bảo vệ đê điều.
4. Sở Giao thông Vận tải: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tổ chức thực hiện quy hoạch mạng lưới giao thông gắn với hệ thống đê điều bảo đảm phù hợp với quy hoạch và an toàn đê điều; Xác định phạm vi lộ giới gắn với phạm vi bảo vệ đê điều đối với những công trình đê điều kết hợp với giao thông; phối hợp cắm mốc chỉ giới đảm bảo an toàn giao thông cũng như an toàn đê điều theo quy định hiện hành; khi nâng cấp, sửa chữa công trình giao thông (kết hợp đê điều) phải đảm bảo đúng quy chuẩn kỹ thuật về đê điều.
5. Sở Công thương: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, Ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thực hiện quy hoạch lưới điện bảo đảm phù hợp với các quy định về an toàn đê điều
6. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo việc ngăn chặn các hành vi phá hoại, bảo đảm an toàn đê điều và khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố.
Điều 11. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Tổ chức thực hiện việc quản lý, bảo vệ, tu bổ, nâng cấp, kiên cố hóa đê điều và hộ đê trên địa bàn quản lý;
2. Chỉ đạo các đơn vị chức năng lập kế hoạch xây dựng hành lang bảo vệ đê; thu hồi, giao đất hành lang bảo vệ đê trong địa phương theo sự phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Tổng hợp quản lý thông tin, dữ liệu về đê điều trên địa bàn quản lý.
4. Chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đê điều trên địa bàn quản lý.
5. Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về đê điều và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều; giải quyết theo thẩm quyền khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật về đê điều trong phạm vi địa phương theo quy định của pháp luật.
6. Phối kết hợp với Công ty THHH NN MTV QLKTCTTL, Hạt Quản lý đê điều tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý và bảo vệ đê điều, đảm bảo an toàn đê điều bảo vệ sản xuất, tài sản và tính mạng của Nhân dân.
7. Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về tình hình vi phạm và công tác xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ đê điều trên địa bàn.
Điều 12. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Tổ chức thực hiện việc quản lý, bảo vệ đê điều và hộ đê trên địa bàn.
2. Huy động lực lượng tại địa phương, phối hợp với lực lượng chuyên trách quản lý đê điều để tuần tra, canh gác, bảo vệ đê điều trong mùa lũ, lụt, bão trên các tuyến đê thuộc địa bàn quản lý.
3. Quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền quyết định việc huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để hộ đê, khắc phục hậu quả do lũ, lụt, bão gây ra đối với đê điều.
4. Ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều.
5. Xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đê điều theo thẩm quyền, trường hợp vượt quá thẩm quyền báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý.
6. Tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về đê điều.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc các Sở, Ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, đề xuất trình Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.