ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/2015/QĐ-UBND |
Bà Rịa, ngày 06 tháng 3 năm 2015 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Quyết định số 30/2008/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Nghị quyết số 48/2014/NQ-HĐND ngày 18 tháng 12 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khóa V, kỳ họp thứ chín về việc phê chuẩn đề án chính sách trợ cấp thu hút nguồn nhân lực cho ngành y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2015-2020;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 396/TTr-SYT ngày 26 tháng 02 năm 2015 về việc trình dự thảo quyết định ban hành đề án chính sách trợ cấp thu hút nguồn nhân lực cho ngành y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, giai đoạn 2015-2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này đề án chính sách trợ cấp thu hút nguồn nhân lực cho ngành y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, giai đoạn 2015-2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Y tế, Tài chính, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
CHÍNH SÁCH TRỢ CẤP THU HÚT
NGUỒN NHÂN LỰC CHO NGÀNH Y TẾ TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU, GIAI ĐOẠN 2015 – 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 14/2015/QĐ-UBND ngày 06 tháng 3 năm 2015 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)
Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân Bà Rịa-Vũng Tàu trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực: Trình độ cán bộ y tế đã từng bước được nâng cao thông qua đào tạo, tập huấn; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho chẩn đoán, điều trị đã được quan tâm đầu tư từ ngân sách nhà nước và hoạt động xã hội hóa. Ngành y tế cũng đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai thực hiện đưa những dịch vụ kỹ thuật y tế đến gần dân, góp phần thực hiện công bằng và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Tuy nhiên, chất lượng khám, chữa bệnh vẫn chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân; nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu hụt đội ngũ bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ có trình độ cao, chuyên môn sâu;
Tính đến thời điểm 30/9/2014 toàn ngành y tế có 3.188 công chức, viên chức; trong đó: Trình độ sau đại học là 234 (trong đó có 225 Bác sĩ, 04 Dược sĩ), đại học 585 (trong đó có 244 Bác sĩ, 44 Dược Sĩ), cao đẳng 95 (trong đó có 62 chuyên ngành y), trung cấp 1.918 (trong đó có 1.491 chuyên ngành y), Sơ cấp 356. Số lượng Bác sĩ có trình độ sau đại học là 225, trong đó có 01 Tiến sĩ, 31 Chuyên khoa II, 18 Thạc sĩ, 175 Chuyên khoa I. Trong số 225 Bác sĩ có trình độ sau đại học trên, có 65 Bác sĩ (tỉ lệ 28,9%) làm công tác quản lý và 160 Bác sĩ (tỉ lệ 71,1%) làm công tác chuyên môn.
Đến cuối tháng 09/2014, nhu cầu Bác sĩ trong các cơ quan, đơn vị y tế công lập toàn tỉnh cần khoảng 694 bác sĩ nhưng hiện chỉ có khoảng 499 bác sĩ, do đó còn thiếu khoảng 195 bác sĩ; trong thời gian tới nhu cầu bác sĩ còn tiếp tục tăng để đáp ứng cho sự phát triển của ngành Y tế tỉnh nhà. Để khắc phục tình trạng này, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã triển khai nhiều biện pháp để vượt qua khó khăn về nguồn nhân lực như: Đào tạo bằng nhiều hình thức; có chế độ đãi ngộ, giữ chân; tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc tuyển dụng bác sĩ; trong đó có giải pháp hỗ trợ kinh phí trong quá trình học tập cho sinh viên đại học y, dược của tỉnh để sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương. Các giải pháp này đã giải quyết một phần tình trạng thiếu hụt bác sĩ trong thời gian vừa qua, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu thực tế của tỉnh và đây cũng là khó khăn, trăn trở của ngành y tế, của lãnh đạo địa phương, nhất là trong giai đoạn sắp tới Ngành y tế tỉnh sẽ tiếp nhận bệnh viện Bà Rịa mới 700 giường, trong đó có việc triển khai một số chuyên khoa mới như: ung bướu, lão khoa tim mạch, kỹ thuật xạ trị, thực hành ung thư…. Vì vậy nhu cầu có thêm bác sĩ là rất cần thiết để đáp ứng cho hoạt động chuyên môn của bệnh viện Bà Rịa và của toàn ngành y tế.
1. Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực là một trong những giải pháp để hoàn thiện và phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thời gian qua được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị của các đơn vị y tế đã được đầu tư đủ đáp ứng với nhu cầu hiện nay, tuy nhiên nguồn nhân lực vẫn còn thiếu, tỉ lệ bác sỹ /10.000 dân của tỉnh đến thời điểm cuối năm 2013 khoảng 6,1, trong khi đó cả nước khoảng 7,4 (Theo Quyết định số 3722/QĐ-UBND ngày 05 tháng 11 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2015 là 6,5/10.000 dân, đến năm 2020 là 8/10.000 dân; Theo Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: có trên 7 bác sĩ/10.000 dân vào năm 2010 và trên 8 bác sĩ/10.000 dân vào năm 2020). Như vậy, số lượng bác sĩ tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu còn rất thấp so với cả nước và còn thiếu rất nhiều so với thực tế, số lượng bác sĩ thiếu nhiều nhất xảy ra tại 02 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, cụ thể bệnh viện Bà Rịa 700 giường thiếu khoảng 88 bác sĩ, bệnh viện Lê Lợi 420 giường thiếu khoảng 42 bác sĩ.
Theo quy hoạch của tỉnh, trong thời gian tới sẽ thành lập một số cơ sở y tế mới như: bệnh viện Y học cổ truyền, bệnh viện Phụ sản, bệnh viện Lao và bệnh phổi, bệnh viện Ung thư. . . nên tình trạng thiếu bác sĩ càng tăng.
2. Trong nhiều năm nay, mặc dù tỉnh đã có triển khai một số chế độ đãi ngộ nhưng số bác sĩ đăng ký tuyển dụng mới rất hạn chế. Trong khi đó, việc chế tài các bác sĩ theo quy định pháp luật hiện nay chỉ có bồi thường chi phí đào tạo thì nhiều bác sĩ sẵn sàng bỏ tiền ra đền bù và xin nghỉ việc, trong khi đó đã có không ít Bác sĩ sau khi ra trường đã không tiếp nhận công tác ở tỉnh mà chấp nhận làm không hưởng lương, làm trình dược viên, trái ngành nghề ở những bệnh viện lớn, thành phố lớn, một số Bác sĩ xin nghỉ việc để làm tư nhân hoặc chuyển đến nơi khác có thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, không ít những bác sĩ thuộc diện có thâm niên công tác lâu năm, chuyên môn vững, sau thời gian làm việc với cường độ, áp lực cao, môi trường độc hại, trách nhiệm lớn đã xin chuyển công tác hoặc xin nghỉ để làm các công việc khác ngoài ngành y tế nhẹ nhàng hơn và có thu nhập cao hơn. Đó chính là những trở ngại không nhỏ đối với công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong tỉnh. Theo số liệu tổng hợp từ năm 2003 đến tháng 09/2014, bằng mọi hình thức toàn tỉnh tuyển được 90 bác sĩ (trong đó: tuyển mới 68, từ nơi khác đến 22), nhưng lại có 97 bác sĩ chuyển ra khỏi ngành (trong đó: Nghỉ việc: 71 người, chuyển công tác: 26 người), như vậy đã giảm đi 07 bác sĩ.
3. Từ năm 2009, Tỉnh đã có chủ trương đào tạo bác sĩ theo địa chỉ bằng nguồn kinh phí của địa phương và đến nay đã thu hút được 82 đối tượng học Đại học Y hệ chính quy và 54 đối tượng học Đại học Y hệ liên thông; bằng giải pháp này đã giải quyết được một phần tình trạng thiếu bác sĩ, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của tỉnh.
Qua những nhận xét, đánh giá trên cho thấy tình trạng thiếu bác sĩ tại tỉnh cho đến hiện nay vẫn chưa được giải quyết triệt để, một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là do chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế trong hệ thống y tế công lập còn quá thấp, do đó đời sống gặp không ít khó khăn, không kích thích được khả năng làm việc của cán bộ y tế, không thu hút được cán bộ y tế nơi khác về, không giữ chân được cán bộ đang công tác. Vì vậy, xây dựng chính sách thu hút trong thời điểm hiện nay là cần thiết nhằm ổn định nguồn lực, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong tỉnh.
1. Mục tiêu chung:
Thu hút nguồn nhân lực trong và ngoài tỉnh phục vụ ở các cơ sở y tế trong tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhằm khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ ở các tuyến, nhất là hai bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, đáp ứng nhu cầu khám và chữa bệnh cho nhân dân.
2. Mục tiêu cụ thể:
- Mỗi năm thu hút tối thiểu 22 cán bộ y tế có trình độ từ bác sĩ trở lên.
- Đến hết năm 2020 cơ bản đáp ứng nhu cầu bác sĩ tại các bệnh viện tuyến tỉnh.
- Phấn đấu đạt được các chỉ tiêu cơ bản là đến năm 2015 đạt 6,5 bác sĩ/10.000 dân; đến năm 2020 đạt 8 bác sĩ/10.000 dân theo Quyết định số 3722/QĐ-UBND ngày 05 tháng 11 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
1. Đối tượng áp dụng: Các đối tượng sau đây tình nguyện đến làm việc tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp y tế công lập thuộc tỉnh sẽ được hưởng chính sách thu hút:
a) Đối tượng thứ nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao: Là những người có học hàm, học vị là giáo sư, phó giáo sư; Bác sĩ nội trú, Bác sĩ có trình độ chuyên môn sau đại học (Tiến sĩ, Chuyên khoa II, Chuyên khoa I, Thạc sĩ) được đào tạo tại các trường: Đại học y Hà Nội, Đại học y dược Huế, Đại học y dược thành phố Hồ Chí Minh, Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch - thành phố Hồ Chí Minh, Đại học y dược Cần Thơ; có uy tín trong ngành Y, có kinh nghiệm công tác từ 10 năm trở lên;
b) Đối tượng thứ hai là Bác sĩ có trình độ sau đại học (Tiến sĩ, Chuyên khoa II, Chuyên khoa I, Thạc sĩ) được đào tạo tại các trường: Đại học y Hà Nội, Đại học y dược Huế, Đại học y dược thành phố Hồ Chí Minh, Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch - thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Y dược Cần Thơ; có kinh nghiệm công tác từ 05 năm đến dưới 10 năm;
c) Đối tượng thứ ba là Bác sĩ tốt nghiệp đại học hệ chính quy các tại trường: Đại học y Hà Nội, Đại học Y dược Huế, Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Y dược Cần Thơ.
Đối với những bác sĩ trước đây đã làm việc tại các cơ sở y tế công lập thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, sau đó chuyển đến bệnh viện khác của tỉnh, chuyển ra ngoài tỉnh hoặc các bệnh viện tư nhân, nay có nguyện vọng trở về tùy theo đơn vị tiếp nhận hoặc những Bác sĩ đào tạo theo địa chỉ của tỉnh đã được hưởng chính sách tại Quyết định số 67/2009/QĐ-UBND ngày 26 tháng 8 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về việc ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo bác sĩ, dược sĩ đại học cho ngành y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu từ nay đến năm 2020 và Quyết định số 45/2014/QĐ-UBND ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về việc ban hành “Chính sách hỗ trợ đào tạo bác sĩ, dược sĩ đại học cho ngành y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu từ nay đến năm 2020 và thực hiện đến năm 2026” thì những đối tượng này không thuộc đối tượng được hưởng chính sách thu hút.
2. Mức hỗ trợ:
2.1. Chế độ hỗ trợ một lần khi đến nhận việc:
a) Đối với đối tượng thứ nhất:
Giáo sư, Phó giáo sư; Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II: mức 350.000.000 đồng
Bác sĩ nội trú, Bác sĩ chuyên khoa I, Thạc sỹ: mức 300.000.000 đồng
b) Đối với đối tượng thứ hai:
Bác sĩ có trình độ sau đại học: mức 250.000.000 đồng.
c) Đối với đối tượng thứ ba:
Bác sĩ thu hút về công tác tại y tế tuyến xã, phường, thị trấn: mức 200.000.000 đồng.
2.2. Chế độ hỗ trợ hàng tháng trong 02 năm đầu (áp dụng cho tất cả các đối tượng): Được hỗ trợ tiền thuê nhà bằng 1,0 x mức lương cơ sở/người/tháng.
3. Điều kiện hưởng chính sách:
Có đủ sức khỏe để đảm nhận nhiệm vụ;
Còn trong độ tuổi lao động từ 05 năm trở lên và cam kết phục vụ tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tối thiểu là 05 năm (áp dụng cho tất cả các trình độ);
Không trong thời gian chịu kỷ luật dưới bất kỳ hình thức nào; không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế…;
Đối với Bác sĩ (đối tượng thứ 3) phải chấp thuận công tác tại tuyến y tế xã, phường, thị trấn.
4. Nghĩa vụ và trách nhiệm vật chất của người được thu hút
Người được thu hút về công tác tại ngành Y tế tỉnh có nghĩa vụ thực hiện đúng thời hạn cam kết phục vụ; chịu sự quản lý và phân công, bố trí công tác của cơ quan có thẩm quyền.
Trong thời gian thực hiện cam kết nếu cá nhân có nguyện vọng chuyển công tác hợp lý sẽ được xem xét giải quyết và cá nhân phải bồi hoàn lại 100% số tiền trợ cấp thu hút đã được hưởng.
Trong thời gian cam kết phục vụ mà tự ý bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc, chuyển công tác mà không được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền, không hoàn thành nhiệm vụ theo đánh giá của cơ quan công tác trong thời gian 02 năm liên tiếp hoặc các trường hợp khác do lỗi chủ quan của người được thu hút thì phải bồi hoàn 100% số tiền trợ cấp thu hút đã nhận. Thời hạn hoàn trả là 03 tháng kể từ khi có quyết định của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền. Nếu không hoàn trả trong thời hạn quy định, ngành Y tế sẽ lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
5. Hồ sơ xét cho hưởng chính sách thu hút:
Đơn xin việc và đơn xin được hưởng chính sách thu hút.
Bằng tốt nghiệp phù hợp với chuyên ngành xin việc do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp.
Bản cam kết chấp hành sự phân công, điều động về công tác tại cơ sở y tế trong tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Các hồ sơ khác có liên quan.
6. Quy trình tuyển chọn nhân lực cho hưởng chính sách thu hút:
Các cá nhân có hộ khẩu trong và ngoài tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có tâm huyết phục vụ lâu dài trong ngành y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 5 mục này.
Hội đồng xét chọn đối tượng được hưởng chính sách thu hút của tỉnh xem xét quyết định nhu cầu, thẩm định hồ sơ đối tượng và quyết định cho tuyển chọn.
Giám đốc các cơ quan, đơn vị thuộc Sở Y tế thực hiện thủ tục tiếp nhận và tuyển dụng theo quy định pháp luật và báo cáo danh sách về Sở Y tế.
Sở Y tế quản lý, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện chính sách thu hút, định kỳ báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh.
Đề án được thực hiện trong thời gian 06 năm kể từ năm 2015 đến năm 2020.
1. Kinh phí dự kiến:
Dự kiến tổng kinh phí thực hiện trong 06 năm khoảng 36.343.200.000 đồng (ba mươi sáu tỷ, ba trăm bốn mươi ba triệu, hai trăm ngàn đồng).
2. Nguồn kinh phí:
Kinh phí thực hiện chính sách trợ cấp thu hút do ngân sách tỉnh cấp cho ngành Y tế ngoài định mức kinh phí sự nghiệp y tế.
1. Sở Y tế phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Hội đồng xét chọn đối tượng được hưởng chính sách thu hút của tỉnh. Thành phần hội đồng có từ 7 - 9 thành viên, gồm: Đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh làm Chủ tịch; Giám đốc Sở Y tế là Phó Chủ tịch thường trực; các thành viên là đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, Sở Tài chính, lãnh đạo các bệnh viện, các phòng chuyên môn liên quan thuộc Sở Y tế.
2. Trách nhiệm của Sở Y tế:
Triển khai thực hiện đề án; Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị y tế trực thuộc thực hiện các thủ tục tiếp nhận và tuyển dụng đối với các đối tượng tham gia đề án.
Vào tháng 12 hàng năm, Sở Y tế tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện đề án, đánh giá kết quả thực hiện đề án cho Ủy ban nhân dân tỉnh; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện đề án và báo cáo, đề xuất, kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.
3. Trách nhiệm của Sở Tài chính.
Bố trí nguồn kinh phí để thực hiện đề án theo khả năng cân đối ngân sách hàng năm.
Hướng dẫn đơn vị lập dự toán và thanh quyết toán kinh phí theo quy định hiện hành.
4. Trách nhiệm của Sở Nội vụ:
Phối hợp với Sở Y tế thực hiện các nội dung thuộc trách nhiệm của Sở Nội vụ.
5. Các đơn vị tiếp nhận đối tượng tham gia đề án:
Thực hiện thủ tục tiếp nhận và tuyển dụng các đối tượng tham gia đề án theo quy định pháp luật.
Phân công và tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tham gia đề án thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn.
Vào thời điểm tháng 12 hàng năm, báo cáo tình hình thực hiện đề án; đánh giá kết quả thực hiện đề án tại cơ quan, đơn vị mình; kịp thời báo cáo, đề xuất những phát sinh trong quá trình thực hiện đề án về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.