ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1385/QĐ-UBND |
Vĩnh Phúc, ngày 23 tháng 6 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG LƯU VỰC SÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21/6/2012;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17/11/2020;
Căn cứ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;
Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
Căn cứ Quyết định số 1989/QĐ-TTg ngày 01/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục lưu vực sông liên tỉnh;
Căn cứ Quyết định số 341/QĐ-BTNMT ngày 23/3/2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành Danh mục lưu vực sông nội tỉnh;
Căn cứ Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường;
Căn cứ Quyết định số 1757/QĐ-BTNMT ngày 11/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành Danh mục nguồn nước liên tỉnh và Danh mục nguồn nước liên quốc gia (nguồn nước mặt);
Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025;
Căn cứ Quyết định số 529-QĐ/TU ngày 11/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao chỉ tiêu nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị;
Căn cứ ý kiến thống nhất của Chủ tịch UBND tỉnh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại Phiếu xin ý kiến ngày 14/6/2023 về phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 234/TTr-STNMT ngày 26/5/2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Có Đề án chi tiết ban hành kèm theo Quyết định này).
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ và nội dung được giao trong Đề án chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo thực hiện được các mục tiêu của Đề án. Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường, vận động và huy động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia công tác thu gom rác thải, vệ sinh môi trường; chủ trì phát động và duy trì các phong trào thu gom rác thải và vệ sinh môi trường; xây dựng khu dân cư, tuyến đường tự quản về vệ sinh môi trường; xây dựng, hình thành tuyến phố, tuyến đường, tổ dân phố, khu dân cư, tự quản, văn minh “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”; xây dựng và phát triển các phong trào tự quản bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
3. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án này. Tổng hợp báo cáo định kỳ, đột xuất và tham mưu tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ quyết định thi hành./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
ĐỀ ÁN
BẢO VỆ
MÔI TRƯỜNG LƯU VỰC SÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG
ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1385/QĐ-UBND ngày 23/6/2023 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc)
Phần thứ I
SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Nước là một trong những nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, mỗi vùng lưu vực sông và mỗi địa phương.
Hoạt động bảo vệ môi trường tại mỗi vùng, địa phương và lưu lực sông được đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây, khi mà hoạt động phát triển kinh tế xã hội phát triển mạnh mẽ, tác động tiêu cực đến tự nhiên; khi mà các loại hình thiên tai và biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp. Theo Luật bảo vệ môi trường năm 2022 Bảo vệ môi trường là hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu[1]. Trong đó:
- Môi trường bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên;
- Thành phần môi trường là yếu tố vật chất tạo thành môi trường gồm đất, nước, không khí, sinh vật, âm thanh, ánh sáng và các hình thái vật chất khác.
Tỉnh Vĩnh Phúc có 12 sông suối liên tỉnh: Cà Lồ, Phụ lưu số 3 (hay Cà Lồ Cụt), Phụ lưu số 4, Đồng Đò, Sông Hồng, sông Lô, Ngòi Con, Sông Phó Đáy, Suối Khèo Sòi, Suối Cỏ, Suối Cầu Lội, Suối Nam Hiên[2]; có 9 sông suối nội tỉnh: Sông Phan, Sông Nông Trường, Phụ lưu số 1, Sông Bá, SUối Mo, Suối Sải, Suối Bò Lạc, Ngòi Lanh, Sông Đình Cả[3]. Ngoài hệ thống sông suối chính, trên địa bàn tỉnh còn có hệ thống hồ bao gồm 7 khu chứa nước chủ yếu: hồ Đại Lải, Vân Trục, Xạ Hương, Bò Lạc, Suối Sải, Đầm Vạc, Cà Lồ cụt và rất nhiều hồ lớn nhỏ khác chứa hàng triệu m3 nước. Đây là những nguồn cấp nước quan trọng cho dân sinh và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Trong những năm qua, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa đòi hỏi nhu cầu nước cho sản xuất và dân sinh ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, nhưng phát triển cũng ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường nước, đất. Nhu cầu về nước ngày càng tăng cho dân cư, cho phát triển của các ngành và địa phương dẫn đến việc khai thác sử dụng tài nguyên nước ngày càng nhiều, lượng nước thải ra các sông ngòi gia tăng cả về số lượng và mức độ rủi ro ô nhiễm.
Ngoài ra, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước trở nên phổ biến hơn. Cạnh tranh giữa sử dụng nước cho thủy điện và các nhu cầu tiêu thụ nước khác trên các sông liên tỉnh ngày càng gia tăng, dẫn đến giảm nguồn cung cho cho các mục đích sử dụng, đặc biệt cho sản xuất nông nghiệp đã xảy ra trong những năm gần đây, nhất là trong mùa khô; việc suy giảm rừng đầu nguồn, diện tích rừng không được cải thiện, chất lượng rừng kém làm giảm nguồn sinh thủy của các sông, suối, hồ chứa, cùng với nhu cầu sử dụng nước gia tăng trong khi tình trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả còn khá phổ biến.
Thêm vào đó, có thể thấy biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra sớm và mạnh hơn so với chúng ta đã từng dự báo. Tài nguyên nước chịu tác động mạnh nhất và trực tiếp nhất trước diễn biến của BĐKH, kéo theo các vấn đề về dân sinh, kinh tế và môi trường.
Chính vì vậy, cần thiết phải tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả bền vững môi trường, đặc biệt là tài nguyên nước để đảm bảo an ninh tài nguyên nước của tỉnh, nhất là trong điều kiện BĐKH khắc nghiệt như hiện nay.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường lưu vực sông, trong những năm qua, Đảng, Chính phủ, cũng như các Bộ, ngành có liên quan đã ban hành những quyết sách và hành động liên quan đến thực hiện bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh nguồn nước, cụ thể như:
Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21/01/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo kết luận số 56- KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị. Trong đó: Xác định toàn diện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Chính phủ nhằm quán triệt và chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị, hướng tới phát triển bền vững đất nước và Tiếp tục thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã được phê duyệt và xây dựng, triển khai thực hiện một số kế hoạch, chương trình, đề án, dự án mở mới giai đoạn đến năm 2025.
Như vậy, có thể khẳng định rằng việc thực hiện đề án “Đánh giá chất lượng môi trường nước và xây dựng Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về các vấn đề có liên quan đến bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh nguồn nước; trên cơ sở đó làm rõ các nội dung, kế hoạch hành động, cũng như sự vào cuộc của các cấp, các ngành có liên quan, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
- Luật Tài nguyên nước năm 2012,
- Luật Thủy lợi năm 2017;
- Luật bảo vệ môi trường năm 2020.
- Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.
- Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai.
- Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
- Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo Kết luận số 56-KL/TW ngày 23 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị.
- Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.
- Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Quyết định số 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về việc ban hành Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia.
- Quyết định 19/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về bảo đảm thoát lũ, thông thoáng dòng chảy, an toàn đê điều đối với việc xây dựng cầu qua sông có đê.
Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
- Thông tư 01/2022/TT-BTNMT ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành về việc quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Thông tư 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025;
Phần thứ II
THỰC TRẠNG VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ TÀI NGUYÊN NƯỚC
I. THỰC TRẠNG MÔI TRƯỜNG, TÀI NGUYÊN NƯỚC VÀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ
1. Tổng quan tài nguyên nước của tỉnh Vĩnh Phúc
1.1. Nước mặt
Mạng lưới sông suối Vĩnh Phúc khá dày đặc (mật độ lưới sông trung bình 0,5 - 1km/km2) với 5 con sông chính chảy qua, gồm: sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy, sông Phan, sông Cà Lồ. Lượng nước hàng năm của các sông này rất lớn, có thể cung cấp nước tưới cho 38.200 ha đất canh tác nông nghiệp, được chia làm 2 hệ thống sông chính: Hệ thống sông Hồng và hệ thống sông Phan-Cà Lồ. Chế độ thủy văn của tỉnh phụ thuộc vào chế độ thủy văn của hai hệ thống sông này và là nguồn cung cấp chủ yếu tài nguyên nước mặt của tỉnh Vĩnh Phúc.
Tài nguyên nước mặt của tỉnh được phân bố như sau:
Sông Hồng:
Sông Hồng là hợp lưu của ba con sông lớn - Sông Thao, sông Đà và sông Lô - Tổng diện tích lưu vực 63.738 km2, chiều dài 551 km, chảy qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ vào địa phận tỉnh Vĩnh Phúc tại ngã ba Bạch Hạc đến xã Nguyệt Đức (huyện Yên Lạc) dài khoảng 41 km. Xét tại trạm thủy văn Sơn Tây, sông Hồng có lưu lượng dòng chảy trung bình trong cả năm khoảng 3.375m3/s. Tháng có lưu lượng dòng chảy thấp nhất khoảng 600m3/s. Dòng chảy trung bình mùa lũ khoảng hơn 11.490m3/s.
Sông Lô:
Sông Lô là phụ lưu tả ngạn (bên trái) của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), chảy vào Việt Nam tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Điểm cuối là ngã ba Việt Trì, còn gọi là ngã ba Hạc, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nơi sông Lô đổ vào sông Hồng. Tổng diện tích lưu vực: 39.000 km², trong đó phần ở Việt Nam là 22.540 km². Sông Lô chảy qua tỉnh Vĩnh Phúc theo hướng Tây Bắc - Đông Nam với chiều dài từ ranh giới tỉnh Tuyên Quang tới ngã ba Việt Trì là khoảng 34km. Điểm đầu vào Vĩnh Phúc tại xã Bạch Lưu huyện Sông Lô; điểm cuối là đổ vào sông Hồng tại ngã ba Việt Trì.
Sông Lô có lưu lượng dòng chảy bình quân (xét tại trạm Vụ Quang từ năm 1957-2021) 1.013m3/s; về mùa mưa lũ là 1.687m3/s; Lưu lượng trung bình tháng thấp nhất là 92m3/s (xảy ra vào năm 2006). Tại Việt Trì, mực nước trung bình các tháng mùa cạn là 6,5-8m, tháng mùa lũ có mực nước trung bình tháng cao nhất là 12m. Mùa cạn, nước sông trong xanh, ít phù sa. Sông Lô còn tiếp thêm nước cho hệ thống thủy lợi Liễn Sơn qua trạm bơm Bạch Hạc.
Sông Cà Lồ :
Sông Cà Lồ là một chi lưu của sông Cầu, toàn chiều dài khoảng 89km, trong đó chiều dài chảy trên tỉnh Vĩnh Phúc là 27km, lưu lượng bình quân là 27,9m3/s. Lưu lượng lớn nhất 220m3/s, nhỏ nhất là 0,64m3/s. Sông có hai nhánh chính, một nhánh bắt nguồn từ dãy núi Tam Đảo và một nhánh bắt nguồn từ Đầm Vạc thành phố Vĩnh Yên. Sông Cà Lồ có nhiệm vụ tưới tiêu cho nhiều ha đất canh tác của các huyện như Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh (Hà Nội), Bình Xuyên (Vĩnh Phúc)…. Do sông chảy qua các khu vực có dân cư đông đúc và các vùng đất thâm canh nông nghiệp nên chất lượng nước sông bị suy giảm và rủi ro ô nhiễm cao.
Sông Phó Đáy:
Sông Phó Đáy là một chi lưu bên tả ngạn của sông Lô, với diện tích lưu vực 1.575 km2, chiều dài 188 km, có thượng lưu và trung lưu chảy trên địa bàn vùng núi và trung du phía Bắc, còn hạ lưu chảy trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Sông Phó Đáy bắt nguồn từ vùng núi Tam Tạo, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, chảy qua các huyện Yên Sơn, Sơn Dương của tỉnh Tuyên Quang; chảy vào địa phận tỉnh Vĩnh Phúc tại xã Quang Sơn thuộc huyện Lập Thạch và chảy qua các huyện Tam Đảo, Tam Dương, Vĩnh Tường của tỉnh Vĩnh Phúc; cuối cùng nhập vào sông Lô tại giữa xã Sơn Đông (Lập Thạch) và xã Việt Xuân (Vĩnh Tường) phía trên cầu Việt Trì khoảng 200m. Từ ngã ba sông Phó Đáy và sông Lô đi tiếp về phía hạ lưu của sông Lô chưa đến 2 km là ngã ba sông nơi sông Lô hợp lưu vào sông Hồng. Sông Phó Đáy có nhiều phụ lưu nhỏ. Đoạn trên địa bàn Vĩnh Phúc dài 41,5 km, tại trạm Quảng Cư, lưu lượng bình quân là 24,9m3/s. Lưu lượng cao nhất là 833m3/s; mùa khô kiệt lưu lượng trung bình tháng nhỏ nhất chỉ khoảng hơn 7,6m3/s, có quãng sông cạn có thể lội qua được, nhưng là nguồn cung cấp nước quan trọng cho hệ thống thủy nông Liễn Sơn dài 157 km, tưới cho 14.000 ha ruộng của các huyện Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên.
Nước sông Phó Đáy hiện tại cũng được sử dụng làm nguồn nước thô để xử lý phục vụ cấp nước sinh hoạt, nhưng vai trò quan trọng nhất của sông Phó Đáy là cung cấp nước cho hệ thống thủy nông Liễn Sơn dài 175 km, tưới cho khoảng 14.000 ha ruộng của các huyện Tam Dương, Tam Đảo, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên, Mê Linh (nay thuộc về Hà Nội).
Sông Phan:
Sông Phan là phụ lưu của sông Cà Lồ, nằm trong tỉnh Vĩnh Phúc, bắt nguồn từ núi Tam Đảo, thuộc địa phận các xã Hoàng Hoa, Tam Quan, Hợp Châu, chảy qua các xã Duy Phiên, Hoàng Lâu (Tam Dương), Kim Xá, Yên Lập, Lũng Hòa, Thổ Tang (Vĩnh Tường) theo hướng Đông Bắc- Tây Nam; vòng sang hướng Đông Nam qua các xã Vũ Di, Vân Xuân (Vĩnh Tường) rồi theo hướng Tây Nam - Đông Bắc qua các xã Tề Lỗ, Đồng Văn, Đồng Cương (Yên Lạc) đổ vào Đầm Vạc (Vĩnh Yên), qua xã Quất Lưu chảy về Hương Canh (Bình Xuyên) qua xã Sơn Lôi, nhập với sông Bá Hạ rồi đổ vào sông Cà Lồ ở địa phận xã Nam Viêm (Phúc Yên), có diện tích lưu vực 623km2, chiều dài sông chính là 79,53km.
Hệ thống hồ, đầm:
Ngoài hệ thống sông suối chính, trên địa bàn tỉnh còn có hệ thống hồ bao gồm 7 khu chứa nước chủ yếu: hồ Đại Lải, Vân Trục, Xạ Hương, Bò Lạc, Suối Sải, Đầm Vạc, Cà Lồ cụt và rất nhiều hồ lớn nhỏ khác chứa hàng triệu m3 nước, tạo nên nguồn dự trữ nước mặt phong phú đảm bảo phục vụ tốt cho hoạt động kinh tế và dân sinh. Trong đó các hồ lớn nhỏ có khả năng cung cấp nước tưới cho 33.500 ha đất canh tác nông nghiệp. Các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi quản lý 8 hồ chứa với tổng dung tích 67 triệu m3 nước, nhân dân địa phương tự quản lý các hồ chứa còn lại, với tổng dung tích là 15,6 triệu m3 nước, đảm bảo tưới cho trên 1.000 ha đất nông nghiệp. Các hồ tự nhiên gồm: Đầm Vạc (Vĩnh Yên), Đầm Sổ, Đầm Nhị Hoàng (Tam Dương), Đầm Dưng, Vực Xanh, vực Quảng Cư, đầm Ngũ Kiên (Vĩnh Tường), đầm Cốc Lâm (Yên Lạc), đầm Quất Lưu (Bình Xuyên), đầm Diệu (Phúc Yên) ...Các hồ nhân tạo gồm: hồ Đại Lải (Phúc Yên), hồ Xạ Hương, hồ Làng Hà (xã Hồ Sơn, H. Tam Đảo), hồ Bò Lạc, hồ Suối Sải (Sông Lô), hồ Vân Trục, hồ Đá Ngang, hồ Khuôn (Lập Thạch),....Có tác dụng trữ nước tưới, nuôi trồng thủy sản, điều hòa khí hậu, tạo cảnh quan môi trường sinh thái, phục vụ du lịch, điều tiết lũ cho tiểu vùng trong mùa mưa lũ.
Hệ thống hồ đầm tỉnh Vĩnh Phúc có thể chia thành 03 loại theo dung tích hồ như:
i. Loại hồ có dung tích lớn hơn 5 triệu m3 gồm:
- Hồ Xạ Hương: Thuộc xã Minh Quang huyện Tam Đảo do công ty Tam Đảo quản lý, dung tích hồ 12,73 triệu m3, diện tích lưu vực 24,0 km2, đảm bảo cung cấp nước tưới 1800 ha đồng ruộng.
- Hồ Thanh Lanh: Có dung tích 9,89 triệu m3F, diện tích lưu vực 23,0 km2 do công ty Tam Đảo quản lý tưới cho khoảng 1.100 ha khu vực xã Trung Mỹ, Bá Hiến, Thiện Kế (Bình Xuyên).
- Hồ Đại Lải: Là hồ nhân tạo, dung tích chứa khoảng 28,8 triệu m3, diện tích lưu vực là 1236ha. Đảm bảo cung cấp nước tưới 1800 ha cho huyện Bình Xuyên, TP Phúc Yên, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Hồ được cung cấp nước bởi 3 nhánh suối là suối Đồng Câu, Đại Lải và suối Thanh Cao với tổng lưu vực là 60,1 km²:
+ Suối Đồng Câu có diện tích lưu vực là 960 ha, bắt nguồn từ Đèo Nhe, cao 559m, dài 13 km về đến chân đập, lưu lượng cung cấp trung bình năm là 0,72m³/s.
+ Suối Đại Lải có diện tích lưu vực là 1.650 ha (kể cả mặt hồ Đại Lải 550ha), bắt nguồn từ dãy núi Ba Tương có độ cao 374m chảy về hồ Đại Lải với chiều dài 66 km, lưu lượng trung bình năm 0,38 m³/s.
+ Suối Thanh Cao nằm ở phía Đông Bắc hồ. Diện tích lưu vực là 1.360 ha, bắt nguồn từ Đèo Bụt, cao 225 m chảy vào hồ Đồng Tâm và chảy vào hồ Đại Lải qua đập tràn với chiếu dài 9 km, lưu lượng trung bình năm 0,31m³/s.
- Hồ Đồng Mồ: Thuộc xã Liễn Sơn huyện Lập Thạch có dung tích hồ 5,3 triệu m3, diện tích lưu vực 17,5 km2.
- Hồ Vân Trục: Thuộc huyện Lập Thạch do Công ty Thủy Lợi Lập Thạch quản lý, dung tích hồ 7,6 triệu m3, diện tích lưu vực 19,0 km, đảm bảo cung cấp nước tưới 1865 ha đồng ruộng.
- Hồ Bản Long: thuộc xã Quang Minh huyện Tam Đảo tỉnh Vĩnh Phúc có dung tích hồ 5,3 triệu m3, diện tích lưu vực 9,1 km2, tưới cho 350 ha đất canh tác.
ii. Loại hồ có dung tích từ 0,5 - 3 triệu m3 gồm:
- Hồ Vĩnh Thành: thuộc xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo tỉnh Vĩnh Phúc có dung tích hồ 2,37 triệu m3, diện tích lưu vực 19 km2, tưới cho trên 400 ha đất canh tác.
- Hồ Làng Hà: thuộc xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo tỉnh Vĩnh Phúc có dung tích hồ 2,55 triệu m3, diện tích lưu vực 10,5 km2, cấp nước tưới tự chảy cho trên 450 ha đất canh tác.
- Hồ Gia Khâu: thuộc thôn Gia Khâu xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc có dung tích hồ 0,77 triệu m3, diện tích lưu vực 1,7 km2, cấp nước tưới tự chảy cho trên 250 ha đất canh tác.
- Hồ Bò Lạc: nằm giữa khe núi của xã Sáng Sơn và Đồng Quế, huyện Sông Lô tỉnh Vĩnh Phúc có dung tích hồ 2,5 triệu m3, diện tích lưu vực 8,6 km2.
- Hồ Suối Sải: thuộc thôn Thành Công, xã Lãng Công, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc có dung tích hồ 2,6 triệu m3, diện tích lưu vực 9,1 km2, cấp nước tưới cho 4 xã Lãng Công, Nhân Đạo, Quang Yên, Hải Lựu.
- Hồ Thanh Cao: thuộc xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc có dung tích hồ 0,6 triệu m3, diện tích lưu vực 13,63 km2.
- Hồ Khuân: thuộc xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc có dung tích hồ 1,07 triệu m3, diện tích lưu vực 0,5 km2.
- Hồ Lập Đinh: thuộc xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc có dung tích hồ 1,7 triệu m3, diện tích lưu vực 8,5 km2.
- Hồ Đa Mang: thuộc xã Văn Quán, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc có dung tích hồ 1,18 triệu m3, diện tích lưu vực 0,7 km2.
- Hồ Rừng Gia: thuộc xã Hợp Hòa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc có dung tích hồ 0,63 triệu m3, diện tích lưu vực 1,2 km2.
iii. Loại hồ có dung tích nhỏ hơn 0,5 triệu m3 gồm:
- Hồ Trại trâu: thuộc xã Ngọc Thanh, Thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc có dung tích hồ 0,33 triệu m3, diện tích lưu vực 4,1 km2.
Ngoài ra còn nhiều hồ khác có dung tích nhỏ hơn 0,5 triệu m3 như:
Bảng 1. Hồ chứa có dung tích nhỏ hơn 0,5 triệu m3
TT |
Tên hồ |
Xã/Phường |
TP/Huyện |
Diện tích mặt nước ứng với MNDBT (ha) |
Dung tích 106 m3 |
Dung tích toàn bộ (106m3) |
1 |
Hồ Lý Đặng |
Quang Sơn |
Lập Thạch |
|
|
0,0056 |
2 |
Hồ Thùng Lùng |
Quang Sơn |
|
|
0,005 |
|
3 |
Hồ Ngọc Hoa |
Ngọc Mỹ |
7,9 |
2,77 |
0,55 |
|
4 |
Hồ Giếng Giát |
Quang Sơn |
|
|
0,006 |
|
5 |
Hồ Ngọc Đá |
Yên Thạch |
|
|
0,612 |
|
6 |
Hồ Thạch Soạn |
Quang yên |
Sông Lô |
|
|
0,56 |
7 |
Hồ Mả Sảng |
Quang yên |
|
|
0,4 |
|
8 |
Chằm Vàng |
Xã Liên Hòa |
Lập Thạch |
5,6 |
1,9 |
|
9 |
Chua Me |
Liễn Sơn |
1,6 |
0,062 |
|
|
10 |
Ao Bầu |
Liễn Sơn |
1 |
0,06 |
|
|
11 |
Ao Dài |
Liễn Sơn |
1,7 |
0,037 |
|
|
12 |
Nhà Thị |
Liễn Sơn |
1 |
0,03 |
|
|
13 |
Đồng Thiếc |
Liễn Sơn |
1,4 |
0,031 |
|
|
14 |
Đốc Đá |
Liễn Sơn |
1,21 |
0,035 |
|
|
15 |
Ngả Trám |
Bản Giản |
2 |
0,005 |
|
|
16 |
Đồi Bìa |
Đồng Ích |
10,8 |
0,13 |
|
|
17 |
Ao Làng |
Bản Giản |
2,7 |
0,061 |
|
|
18 |
Ba Gò |
Đạo Tú |
Tam Dương |
3,3 |
0,126 |
|
19 |
Dộc Vừng |
Đạo Tú |
3 |
0,081 |
|
|
20 |
Đồng Giềng |
Thanh Vân |
9,7 |
0,266 |
|
|
21 |
Trứng Rồng |
Duy Phiên |
0,16 |
0,08 |
|
|
22 |
Thôn Cao |
Hợp Hòa |
0,7 |
0,07 |
|
|
23 |
Hồ Cây Vình |
Hoàng Hoa |
|
0,013 |
|
|
24 |
Hồ Só Dủ |
Tam Quan |
Tam Đảo |
|
0,162 |
|
25 |
Hồ Đồng Nhập |
Tam Quan |
|
0,178 |
|
|
26 |
Hồ Dộc Chuối |
Đại Đình |
|
0,013 |
|
|
27 |
Hồ Sang Kén |
Yên Dương |
|
0,322 |
|
|
28 |
Hồ Đồng Thụt |
Yên Dương |
|
0,056 |
|
|
29 |
Hồ Đồng Ơn |
Yên Dương |
|
0,15 |
|
|
30 |
Hồ Cây Sậu |
Thiện Kế |
Bình Xuyên |
|
0,082 |
|
31 |
Hồ Gốc Gạo |
Thiện Kế |
|
0,112 |
|
|
32 |
Hồ Hương Đà |
Kế Thiện |
|
0,495 |
|
Loại hồ, đầm, ao nhỏ có dung tích nhỏ hơn 0,5 triệu m3 gồm rất nhiều hồ nhỏ có dung tích từ 1.000m3 đến 500.000m3 góp phần làm phong phú cho nguồn nước mặt của tỉnh.
1.2. Nước dưới đất.
Nước dưới đất là nguồn quan trọng hiện nay đang được sử dụng làm nguồn chính cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (có tới khoảng 80% hộ dân trong tỉnh đảng sử dụng nguồn nước dưới đất làm nước sinh hoạt). Trữ lượng nước dưới đất tầng Pleistocen có tiềm năng khai thác phục vụ cấp nước tập trung trên địa bàn khá lớn, vào loại giàu nước, chiều dày trung bình từ 20- 30m và diện tích phân bố khoảng 200km2. Tiềm năm khai thác tiềm nước dưới đất trên địa bàn toàn tỉnh là khoảng 1,3 triệu m3/ngày.
2. Hiện trạng khai thác, sử dụng nước của các ngành, lĩnh vực
Hiện nay, hệ thống cấp nước của tỉnh Vĩnh Phúc đang chủ yếu sử dụng nguồn nước dưới đất (với trữ lượng khoảng 1,3 triệu m3/ngày) phục vụ cho cấp nước các đô thị và khu công nghiệp. Tuy nhiên, để bảo tồn nguồn nước dưới đất trong tương lai, chủ trương của tỉnh là ưu tiên sử dụng nguồn nước mặt phục vụ cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Đến 2030, tầm nhìn đến 2050, cần thiết đáp ứng tổng công suất của cả hệ thống cấp nước đô thị Vĩnh Phúc và khu vực phụ cận đến năm 2020 là 299.000 m3/ngày và đến năm 2030 là 757.000 m3/ngày[4].
Hiện nay, tổng công suất khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh phục vụ cấp nước tập trung là khoảng 50.500 m3/ngày, chủ yếu cấp cho các khu vực đô thị lõi (bao gồm 2 nhà máy cấp cho TP Vĩnh Yên với 20.000 m3/ngày; 3 nhà máy cấp cho TP. Phúc Yên với công suất 23.600 m3/ngày; ngoài ra các nhà máy khác cấp cho Bình Xuyên, Hương Canh, Yên Lạc, Vĩnh Tường.
Theo kết quả ghi nhận được một cách hệ thống tại 24 điểm quan trắc trữ lượng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh cho thấy, nhìn chung trữ lượng nước dưới đất suy giảm tại các điểm quan trắc, đặc biệt là tại các điểm tập trung đông dân cư và khu công nghiệp. Ngoại trừ một vài trường hợp cá biệt có trữ lượng nước ghi nhận được tăng trong các năm gần đây.
Chủ trương phát triển hệ thống của tỉnh Vĩnh Phúc là hạn chế khai thác tài nguyên nước dưới đất và ưu tiên sử dụng nguồn nước mặt.
Tính đến 2030 tầm nhìn đến 2050, cùng với tốc độ phát triển các đô thị và KCN, nhu cầu dùng nước là rất cao. Mục tiêu xây dựng hệ thống cấp nước an toàn; hạn chế sử dụng nước dưới đất (duy trì như hiện trạng) để bảo tồn nguồn nước dưới đất; tận dụng hệ thống cấp nước hiện có. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có nguồn nước mặt dồi dào đủ khả năng cung cấp để xử lý thành nước sạch cấp cho nhu cầu các đô thị và khu công nghiệp hiện tại và lâu dài.
Hiện tại, ngoài một số trạm cấp nước có quy mô nhỏ sử dụng nguồn nước mặt đã hoạt động, sử dụng nguồn nước sông Lô, hồ Xanh,... trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có hai công trình cấp nước sử dụng nguồn nước mặt quy mô lớn đang được xây dựng, gồm: (i) nhà máy nước sông Lô sử dụng nguồn nước sông Lô, đặt tại xã Việt Xuân huyện Vĩnh Tường, với công suất giai đoạn 1 là 30.000 m3/ngày (tổng công suất theo quy hoạch là 90.000 m3/ngày); và (ii) nhà máy nước Tam Dương sử dụng nguồn nước sông Phó Đáy, đặt tại xã Đồng Tĩnh huyện Tam Dương, có công suất giai đoạn 1 là 20.000 m3/ngày. Ngoài ra còn một trạm cấp nước sử dụng nước mặt từ các hồ Đại Lải (công suất giai đoạn 1 là 5.000 m3/ngày, với tổng công suất cả 2 giai đoạn là 10.000 m3/ngày); hồ Xạ Hương... khác cũng đang được xây dựng.
Do đó, nguồn nước mặt sẽ được ưu tiên lựa chọn và ngày càng đóng vai trò quan trọng để làm nguồn nước thô phục vụ cấp nước cho đô thị Vĩnh Phúc nói riêng và cho toàn tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.
2.1. Cấp nước sinh hoạt (đô thị, nông thôn).
a) Cấp nước nông thôn:
Nguồn nước cấp cho sinh hoạt tại khu vực nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc chủ yếu từ các nguồn nước mặt, nước mưa và nước dưới đất. Loại công trình cấp nước chủ yếu đang sử dụng bao gồm công trình cấp nước nhỏ lẻ và công trình cấp nước tập trung:
Công trình cấp nước nhỏ lẻ có:
- Giếng đào khai thác nước dưới đất tầng nông.
- Giếng khoan khai thác nước dưới đất tầng nông và trung bình có sử dụng bơm tay hoặc bơm điện.
- Bể, lu chứa nước mưa và nước suối cho các hộ gia đình vùng núi (tập trung ở một số xã huyện Tam Đảo, huyện Lập Thạch, vùng bãi của huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc).
Công trình cấp nước tập trung: có hai hình thức là bơm dẫn và tự chảy, khai thác nguồn nước dưới đất và nước mặt, tùy thuộc vào đặc tính thủy văn của mỗi vùng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 45 công trình nước sạch nông thôn, tính đến năm 202, Vĩnh Phúc có 105 xã, với tổng số hộ dân là 226.125 hộ; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch đạt QCVN năm 2021 là 66,09% (Trong đó: Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung là 38.847 hộ (đạt 17,18%) tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước nhỏ lẻ 110.598 hộ (đạt 48.91%)).
b) Cấp nước đô thị:
Hiện nay có 17 nhà máy cấp nước tập trung cung cấp nước sạch cho các đô thị, khu cụm công nghiệp và một số khu vực lân cận đô thị trên địa bàn 9 huyện, thành thị. Tổng công suất cấp nước thiết kế là 148.000m3/ngđ, công suất khai thác khoảng 94.795 m3/ngđ (đạt 64,05% công suất thiết kế). Tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch (thị trấn, thành phố) đạt khoảng 74% (tính riêng thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên đạt 92,5%); mức cấp nước toàn tỉnh bình quân đạt 115lít/người/ngđ; tỷ lệ thất thoát nước sạch là 15%.
c) Về bảo đảm chất lượng nước cấp:
Tình hình cấp nước cụ thể tại các khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh:
Thành phố Vĩnh Yên: Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 13.180 người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh (chiếm tỷ lệ 86,78%). Các nguồn nước hợp vệ sinh chủ yếu sử dụng từ các công trình cấp nước nhỏ lẻ. Trong đó, giếng đào hợp vệ sinh 951 cái, giếng khoan hợp vệ sinh 1.462 cái.
Thành phố Phúc Yên: Trên địa bàn thị xã hiện có 23.390 người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh (chiếm 61,58%). Các nguồn nước hợp vệ sinh chủ yếu sử dụng từ các công trình cấp nước nhỏ lẻ. Trong đó, giếng đào hợp vệ sinh 1.362 cái, giếng khoan hợp vệ sinh 3.963 cái.
Huyện Vĩnh Tường: Huyện Vĩnh Tường có 129.951 người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh (chiếm 79,81%), các nguồn nước hợp vệ sinh chủ yếu sử dụng từ các công trình cấp nước nhỏ lẻ hộ gia đình: giếng đào hợp vệ sinh 1.186 cái, giếng khoan hợp vệ sinh 28.248 cái;
Huyện Yên Lạc: Trên địa bàn huyện có 111.831 người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh (chiếm tỷ lệ 85,76%), các nguồn nước hợp vệ sinh chủ yếu sử dụng từ các công trình cấp nước nhỏ lẻ. Trong đó, giếng đào hợp vệ sinh 318 cái, giếng khoan hợp vệ sinh 24.427 cái, lu bể chứa nước mưa hợp vệ sinh 852 cái.
Huyện Bình Xuyên: Huyện Bình Xuyên có 52.514 người được sử dụng nước hợp vệ sinh (chiếm tỷ lệ 70,69%), các nguồn nước hợp vệ sinh chủ yếu sử dụng từ các công trình cấp nước nhỏ lẻ. Trong đó, giếng đào hợp vệ sinh 6.605 chiếc, giếng khoan hợp vệ sinh 6.492 chiếc.
Huyện Tam Dương : Toàn vùng nông thôn huyện có 66.838 người được sử dụng nước hợp vệ sinh (chiếm tỷ lệ 74,85%), các nguồn nước hợp vệ sinh chủ yếu sử dụng từ các công trình cấp nước nhỏ lẻ: giếng đào hợp vệ sinh 10.094 cái, giếng khoan hợp vệ sinh 4.511 cái;
Huyện Lập Thạch: Trên địa bàn huyện có 76.347 người được sử dụng nước hợp vệ sinh (chiếm 69,73%), các nguồn nước hợp vệ sinh chủ yếu sử dụng từ các công trình cấp nước nhỏ lẻ: giếng đào hợp vệ sinh 15.470 cái, giếng khoan hợp vệ sinh 2.418 cái.
Huyện Sông Lô: Trên địa bàn toàn huyện có 59.399 người được sử dụng nước hợp vệ sinh (chiếm 66,35%), các nguồn nước hợp vệ sinh chủ yếu sử dụng từ các công trình cấp nước nhỏ lẻ: giếng đào hợp vệ sinh 12.583 cái, giếng khoan hợp vệ sinh 1.623 cái, nước mưa hợp vệ sinh 152 cái.
Huyện Tam Đảo: Tổng số người được sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn huyện là 43.437 người (đạt 63,50%), các nguồn nước hợp vệ sinh chủ yếu sử dụng từ các công trình cấp nước nhỏ lẻ: giếng đào hợp vệ sinh 9.368 cái, giếng khoan hợp vệ sinh 1.063 cái.
Mạng lưới truyền tải phân phối nước hầu hết chưa được vận hành tự động hóa, việc quản lý chủ yếu mang tính thủ công; chất lượng đường ống không đồng đều, nhiều tuyến ống cũ đã xuống cấp nghiêm trọng cũng là những nguyên nhân dẫn tới việc chưa bảo đảm chất lượng nước cấp đến các đối tượng sử dụng nước.
2.2. Khai thác, sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp
a) Sản xuất nông lâm thủy sản:
Bình quân giai đoạn 2016- 2020, tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 1,9%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi từ 51,1% năm 2015 lên 52,2% năm 2020, giảm tỷ trọng trồng trọt từ 41,7% năm 2015 xuống còn 35,5% năm 2020; cơ cấu ngành lâm nghiệp, thủy sản, dịch vụ nông nghiệp cơ bản ổn định, trong đó lâm nghiệp chiếm 1,1%, thủy sản chiếm 7,0% và dịch vụ chiếm 5,3%. Kết quả cụ thể các lĩnh vực như sau[5]:
Về sản xuất trồng trọt:
Trong những năm qua chuyển dịch mạnh cơ cấu giống, cây trồng, mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với điều kiện các vùng sinh thái và địa phương trong tỉnh; Tốc độ tăng giá trị sản xuất trồng trọt bình quân giai đoạn 2016-2020 (giá SS 2010) đạt 0,37%/năm.
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm giảm bình quân 2,44%/năm do chuyển đổi một phần diện tích để xây dựng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông, dịch vụ... Năng suất hầu hết các loại cây trồng đều tăng nhờ áp dụng các tiến bộ mới về giống, kỹ thuật canh tác, trong đó năng suất lúa tăng 0,98%/năm, ngô tăng 2,13%/năm, rau các loại tăng 1,96%/năm...
Ước đến hết năm 2020 tỷ lệ giống lúa chất lượng đạt trên 75% tổng diện tích gieo trồng lúa trên toàn tỉnh, tăng 38,5% so với năm 2015. Cơ giới hóa trong khâu làm đất chiếm 95% tổng diện tích, thu hoạch lúa bằng máy đạt trên 70%. Diện tích trồng cây lâu năm giảm nhẹ, bình quân giảm 0,15%/năm, dao động ở diện tích 8.240 - 8.310 ha; diện tích của một số cây trồng có giá trị như: thanh long ruột đỏ, bưởi, na,... tăng dần qua các năm. Giai đoạn 2016-2020 đã chuyển đổi được trên 6.300 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau, củ, quả cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác đạt trên 145 triệu đồng/ha, tăng trên 6,0% so với năm 2015; thu nhập đạt khoảng 65 triệu đồng/ha đất canh tác, tăng 7,5% so với năm 2015.
Về sản xuất chăn nuôi :
Sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có thời điểm gặp khó khăn, giá một số sản phẩm bấp bênh, không ổn định; đặc biệt, đầu năm 2019 bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra và lây lan nhanh trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi lợn. Nhưng, nhìn chung cả giai đoạn 2016-2020 ngành chăn nuôi của tỉnh có sự phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt chăn nuôi lợn, bò sữa và gia cầm đã trở thành thế mạnh của tỉnh, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi được áp dụng rộng rãi, nhiều giống gia súc, gia cầm có năng suất, chất lượng tốt được đưa vào sản xuất, đã nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản xuất, tăng giá trị gia tăng. Công tác phòng bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được thực hiện chủ động. Công tác quản lý, giám sát dịch bệnh được thực hiện chặt chẽ từ cơ sở. Giai đoạn 2016-2020, giá trị sản xuất chăn nuôi (giá SS 2010) tăng bình quân 3,23%/năm. Tỷ trọng ngành chăn nuôi trong giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ước chiếm 54,5% và chiếm 51,1% trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông lâm thủy sản, đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung ngành nông nghiệp của tỉnh.
Quy mô tổng đàn trâu và đàn lợn giảm (đàn trâu giảm bình quân 2,79%/năm, đàn lợn giảm 4,9%/năm); đàn bò, bò sữa và đàn gia cầm tăng mạnh (đàn bò tăng 0,3%/năm trong đó bò sữa tăng 11,1%/năm, đàn gia cầm tăng 6,7%/năm). Sản lượng thịt hơi các loại tăng bình quân 1,32%/năm (trong đó sản lượng thịt trâu và thịt lợn giảm, thịt bò, thịt gia cầm tăng), sản lượng trứng tăng 7,7%/năm, sữa tươi tăng 20,2%/năm.
Về thủy sản:
Sản xuất thủy sản tiếp tục phát triển, từng bước đa dạng hóa về chủng loại nuôi trồng; diện tích nuôi thâm canh được mở rộng. Đã xuất hiện nhiều điển hình nuôi cá có hiệu quả cho lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha, gấp 2-3 lần so với mô hình nuôi cá truyền thống theo phương thức quảng canh cải tiến. Việc phát triển nuôi các đối tượng đặc sản như: cá Tầm, Ba Ba, nuôi trai nước ngọt lấy ngọc... cung được người dân quan tâm đầu tư. Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản (giá SS 2010) đạt 3,0%/năm. Giá trị sản phẩm nuôi trồng thủy sản trên 1 ha năm 2020 ước đạt 170 triệu đồng/ha, tăng 11,3% so với năm 2015 (152,74 triệu đồng/ha).
Diện tích nuôi trồng thủy sản giảm nhẹ, bình quân giảm 0,18%/năm. Ước năm 2020 tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt 6.829 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện như: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên. Sản lượng thủy sản tăng bình quân 2,8%/năm, trong đó sản lượng nuôi trồng tăng bình quân 3,2%/năm, bình quân đạt 19,0 ngàn tấn/năm, chiếm khoảng 90,4% tổng sản lượng thủy sản của tỉnh. Sản lượng cá giống tăng dần qua các năm, bình quân đạt 2,74 tỷ con các loại/năm, tăng bình quân 1,8%/năm, đảm bảo nhu cầu con giống trong tỉnh và cung cấp cho các tỉnh khác như: Lào Cai, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Nội, Hưng Yên…
Về lâm nghiệp:
Sản xuất lâm nghiệp phát triển ổn định, giai đoạn (2016-2020) tốc độ tăng giá trị sản xuất (giá SS 2010) đạt 3,97%/năm. Diện tích rừng trồng tập trung bình quân ước đạt 673,4 ha/năm, tăng 0,56%/năm; diện tích trồng cây phân tán đạt 1.255,4 ha/năm, tăng bình quân 25,5%/năm; khoán quản lý bảo vệ rừng duy trì mức 9,56 ngàn ha/năm; sản lượng gỗ khai thác đạt bình quân 39,9 nghìn m3/năm, tăng bình quân 4,19%/năm; gieo ươm cây giống đạt 4,1 triệu cây hàng năm; tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 24% năm 2015 lên 25% năm 2020.
b) Hiệu quả sử dụng nước nước đối với ngành nông nghiệp
- Về hiệu quả sử dụng nước
Nông nghiệp là ngành sử dụng nước lớn nhất và hiệu quả sử dụng nước của ngành này sẽ quyết định nguồn cung nước cho các mục tiêu sử dụng khác trong nền kinh tế. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng nước trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta hiện nay, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, còn thấp. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) năm 2018[6], hiệu suất sử dụng nước cho nông nghiệp của Việt Nam tuy có cải thiện qua các giai đoạn nhưng vẫn ở mức thấp, chỉ đạt 0,2 USD/m3. Theo đánh giá của WB năm 2019, nước sử dụng trong nông nghiệp chiếm 81% tổng lượng nước của Việt Nam nhưng hiện chỉ tạo ra 17-18% GDP và tạo việc làm cho 45% lực lượng lao động[7].
- Về cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt cho các công trình thủy lợi
So với các hoạt động khai thác, sử dụng nước cho các ngành, lĩnh vực khác (như: công nghiệp, sinh hoạt,…), tỷ lệ cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt của các công trình thủy lợi trên toàn quốc còn rất thấp.
Cấp phép khai thác, sử dụng nước là một trong những công cụ quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước; là cơ sở để thực hiện việc điều hoà, phân bổ nguồn nước; giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước,…Nhất là việc không được cấp phép ở những công trình này sẽ gây thất thu ngân sách nhà nước thông qua việc không tính và phê duyệt được tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với mục đích sử dụng phi nông nghiệp. Tình trạng chậm cấp phép khai thác, sử dụng nước cho các công trình thủy lợi cũng gây ra những khó khăn cho công tác quản lý tài nguyên nước.
2.3. Khai thác, sử dụng nước cho sản xuất công nghiệp
Tỉnh Vĩnh Phúc có 19 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về quy hoạch phát triển khu công nghiệp với tổng diện tích 5.487,31ha (gồm các KCN: Kim Hoa, Khai Quang, Bình Xuyên, Bá Thiện, Bình Xuyên II, Bá Thiện II, Thăng Long Vĩnh Phúc, Tam Dương I, Tam Dương II, Sơn Lôi, Sông Lô I, Sông Lô II, Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa, Nam Bình Xuyên, Lập Thạch I, Lập Thạch II, Phúc Yên, Chấn Hưng, Đồng Sóc); đến nay có 15/19 KCN đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích là 2.903,69 ha; trong đó diện tích đất công nghiệp là 2.123,93 ha, diện tích đất đã cho thuê và dự kiến cho thuê là 1.101,68 ha;
Trong số 15 KCN được chấp thuận chủ trương đầu tư có 09 KCN đã đi vào hoạt động (KCN: Kim Hoa, Khai Quang, Bình Xuyên, Bá Thiện, Bình Xuyên II-GĐ1, Bá Thiện II, Thăng Long Vĩnh Phúc, Tam Dương II-Khu A, Sơn Lôi) và có 06 KCN mới được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư (Gồm các KCN: Sông Lô I (177,36), Sông Lô II (165,65), Tam Dương I- Khu vực 2 (162,33), Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (145,27), Nam Bình Xuyên (295,74), KCN Phúc Yên (111,3376 ha); còn lại 06 khu công nghiệp đang thực hiện công tác thiết kế xây dựng, bồi thường GPMB để đầu tư theo dự án được chấp thuận.
Ngoài các khu công nghiệp đã được thành lập, hiện nay một số KCN đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định chủ trương đầu tư: KCN Đồng Sóc, KCN Chấn Hưng, KCN Bình Xuyên II (Giai đoạn II), KCN Lập Thạch I, KCN Lập Thạch II.
Hầu hết các ngành công nghiệp đều có nhu cầu sử dụng nước. Tùy thuộc vào từng loại ngành nghề mà lượng nước tiêu thụ nhiều hay ít. Ví dụ, nếu sản xuất ra 1 tờ giấy cần 10 lít nước, sản xuất 500g nhựa cần 91 lít nước, sản xuất 1,5 tấn thép cần 300.000 lít nước, 1 tấn nhựa tổng hợp cần 2 triệu lít nước,...
Các KCN đi vào hoạt động đều được cấp nước đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ sản xuất, cụ thể là 11 KCN: KCN Kim Hoa, KCN Phúc Yên, KCN Bình Xuyên, KCN Bả Thiện II, KCN Bá Thiện - Phân khu 2, KCN Khai Quang, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, KCN Bình Xuyên II, KCN Tam Dương II, KCN Sông Lô II và KCN Bá Thiện - Phăn khu I.
Hiện tại trên địa bàn tỉnh đã có 7 KCN xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế là 21.800m3/ ngđ trong đó: KCN Kim Hoa 1.000m3/ngđ (Công ty Honda Việt Nam); Khai Quang tổng 02 modul 5.800 m3/ngày đêm; Bình Xuyên 3.000 m3/ngđ; Bá Thiện 5.000 m3/ngđ; Bình Xuyên II 1.000m3/ngày đêm; Bá Thiện II 3.000 m3/ngày đêm và KCN KCN Thăng Long 3.000m3/ngđ.
Tuy lượng nước sử dụng cho ngành công nghiệp là không lớn so với các ngành khác, chỉ chiếm 5 - 6% tổng lượng nước được khai thác, sử dụng, nhưng công nghiệp lại là ngành làm phát sinh lượng nước thải lớn có khả năng gây ô nhiễm cao, phần lớn từ hóa chất và khó xử lý. Trong khi tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc tuần hoàn, tái sử dụng nước thải được tăng cường khuyến khích và thậm chí là yêu cầu bắt buộc đối với một số loại hình ngành sản xuất để giảm thiểu lượng nước thải xả ra môi trường và giảm áp lực đối với nguồn nước thì ở Việt Nam nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng, tỷ lệ tuần hoàn, tái sử dụng nước thải trong sản xuất công nghiệp vẫn còn chưa cao, chưa hiệu quả.
2.4. Về phát triển làng nghề
Làng nghề và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đã và đang tiếp tục góp phần quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa, tạo việc làm và thu nhập cho một bộ phận dân cư của tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 77 làng nghề và làng có nghề, trong đó đã công nhận được 25 làng nghề đạt đủ tiêu chí theo quy định (19 làng nghề truyền thống và 06 làng nghề), trong đó nhiều làng nghề phát triển mạnh như Mộc Thanh Lãng (Bình Xuyên), Bích Chu (An Tường - huyện Vĩnh Tường), Minh Tân (Huyện Yên Lạc), rắn Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường)... Các làng nghề đã giải quyết việc làm cho gần 60 ngàn lao động, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn trong tỉnh.
3. Chất lượng nước môi trường
Kết quả quan trắc môi trường năm 2021 cho thấy[8]:
3.1. Môi trường nước mặt
Chất lượng nước mặt trên lưu vực các sông, suối, hồ, đầm trên địa bàn tỉnh năm 2021 có chuyển biến tốt hơn so với năm 2020. Số lượng các điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt tăng 4%, số điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác giảm 7%.
Chất lượng nước tại điểm quan trắc trên lưu vực sông Lô, hồ Thanh Lanh, hồ Xạ Hương có chất lượng tốt nhất với 83% có chất lượng nước tốt sử dụng cho mục đích sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp; 17% có chất lượng nước tốt sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Chất lượng nước sông Phan có chất lượng nước kém nhất với 56% có chất lượng sử dụng cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác; 44% có chất lượng nước tốt sử dụng cho mục đích sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp.
Năm 2021 ghi nhận vượt QCCP 08 thông số phân tích: TSS, NO2-, NH4+, PO43-, COD, BOD5, Fe, tổng dầu mỡ. Có cùng số thông số vượt QCCP so với năm 2020. Cụ thể:
- Thông số NH4+ vượt QCCP 46/47 điểm quan trắc tại các đợt quan trắc năm 2021, chỉ có vị trí NM31 không có giá trị vượt QCCP tại tất cả các đợt quan trắc.
- Thông số NO2- vượt QCCP 35/47 điểm quan trắc, sông Phan 06/06 điểm quan trắc, sông Bến Tre 07/07 điểm, sông Cà Lồ 09/09 điểm, sông Phó Đáy 05/07 điểm, sông Mây (đợt 6), suối Tam Đảo (03/06 đợt), sông Lô 01/04 điểm (NM32 - đợt 6), các thủy vực tĩnh 05/12 điểm quan trắc (NM37, NM39, NM42, NM43, NM45).
- Thông số TSS vượt QCCP 04/47 điểm quan trắc: Sông Cà Lồ 01/09 điểm (NM7 - đợt 4), thủy vực tĩnh 03/12 điểm (NM39, NM40, NM42).
- Thông số PO43- vượt QCCP 02/47 điểm: Sông Cà Lồ 01/09 điểm (NM5 - đợt 1), thủy vực tĩnh 01/12 điểm (NM43 - đợt 2).
- Thông số COD vượt QCCP 10/47 điểm quan trắc: Sông Cà Lồ 02/09 điểm (NM1, NM9), sông Phan 02/06 điểm (NM10, NM14), sông Bến Tre 01/07 điểm (NM20 đợt 4), sông Phó Đáy 01/07 điểm (NM25 - đợt 3), thủy vực tĩnh 04/12 điểm (NM38, NM39, NM40, NM42)
- Thông số BOD5 vượt QCCP 06 điểm quan trắc: Sông Cà Lồ 01/09 điểm (NM1 đợt 4), sông Bến Tre 01/07 điểm (NM20 đợt 4), thủy vực tĩnh 04/12 điểm NM40, NM42)
- Thông số Fe vượt QCCP vị trí sông Lô (05/07 vị trí quan trắc đợt 6), NM42 (đợt 4), NM16 (đợt 1, đợt 4).
- Thông số Tổng dầu mỡ vượt QCCP vị trí NM40 (đợt 1) với giá trị 1,1 (mg/l).
Kết quả tính toán, dự tính sức chịu tải trên các sông chính cho thấy:
- Nhìn chung sức chịu tải của sông đối với các thông số ô nhiễm có khả năng giảm sút.
- Đặc biệt các thông số về Amoni và TSS đã có xu hướng quá sức chịu tải của các sông chính, ngoài ra các thông số về Phosphate và COD cũng có nguy cơ vượt quá khả năng chịu tải của sông nếu không có các biện pháp xử lý và giảm thiểu nguồn thải một cách kịp thời và thích hợp.
- Theo tính toán hiện trạng và dự báo tương lai, sông Phan có nhiều nguy cơ ô nhiễm khí tại một vài điểm lấy mẫu đã cho thấy nhiều thông số ô nhiễm vượt quá mức chịu tải (Amoni, Nitrate, BOD5, COD, Coliform). Đây là con sông chảy qua thành phố Vĩnh Yên và huyện Bình Xuyên tập trung lượng lớn dân cư và các khu công nghiệp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm.
3.2. Môi trường nước dưới đất
Chất lượng nước dưới đất năm 2021 có sự biến động nhưng không nhiều so với năm 2020: Thông số Mn vượt QCCP 10/30 điểm quan trắc, tăng 02 vị trí. Thông số coliform vượt QCCP 19/30 điểm quan trắc, có cùng số điểm vượt QCCP. Thông số NH4+ vượt QCCP 08/30 điểm quan trắc, giảm 01 điểm. Năm 2021 vượt QCCP thông số NO2- 03/30 điểm quan trắc, năm 2020 thông số Fe vượt QCCP NN19 02 đợt quan trắc. Vì vậy, để có thể sử dụng nguồn nước trên cho mục đích sinh hoạt thì cần phải có biện pháp xử lý phù hợp.
3.3. Môi trường không khí
Qua kết quả phân tích chất lượng môi trường không khí xung quanh năm 2021 cho thấy, tất cả các thông số giám sát tại các vị trí quan trắc đều có kết quả dưới giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng không khí xung quanh.
3.4. Môi trường đất
Năm 2021, giá trị các thông số trong môi trường đất có sự biến động nhưng không nhiều so với năm 2020, các kết quả ghi nhận được đều trong ngưỡng an toàn, chất lượng đất đảm bảo cho mục đích sử dụng sản xuất nông nghiệp.
4. Rủi ro, tác hại, tai biến liên quan đến nước
4.1. Lũ, ngập lụt
- Trong những năm gần đây do sự điều tiết của các hồ thủy điện thượng lưu nên trên hệ thống các sông chảy qua địa bàn tỉnh ít xuất hiện lũ. Tuy nhiên lịch sử trên sông Hồng đã ghi nhận được nhiều trận lũ lớn trên BĐIII (1969, 1996, trận lũ lịch sử năm 1971 mực nước lũ trên sông Hồng vượt BĐIII từ 2,0 ÷ 2,5 m duy trì trong nhiều ngày; gần đây đợt lũ các năm 1998, 1999 và lũ 2001 gây tràn đê tả sông Phó Đáy địa bàn xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương với chiều dài trên 1,5 km và gây vỡ đê hữu sông Phó Đáy thuộc địa bàn xã Đồng Ích, huyện Lập thạch).
- Do vùng đồng bằng phía nam tỉnh Vĩnh Phúc thấp trũng nên việc tiêu thoát nước nội đồng là tự chảy chỉ tiêu thoát lũ qua sông Cà Lồ đổ ra sông Cầu nên tình trạng ngâp lụt hàng năm vẫn xảy ra, nhất là những đợt mưa lớn như năm 2008, 2012, 2013, 2016 làm ngập hàng ngàn ha lúa và hoa màu, thủy sản của nhân dân trong tỉnh, thiệt hại lên đến hàng trăm tỉ đồng.
- Cấp độ rủi ro cao nhất ghi nhân được do lũ: Cấp 3.
- Vùng bị ảnh hưởng do lũ, ngập lụt: Toàn tỉnh.
4.2. Lũ quét, sạt lở đất
- Lũ quét chỉ xảy ra tại khu vực các xã ven chân núi Sáng Sơn, Tam Đảo thuộc các huyện Tam Đảo, Sông Lô, Lập Thạch, Bình Xuyên và thành phố Phúc Yên (Trong quá khứ lũ quét từng xảy ra tại các xã sườn núi của dãy núi Tam Đảo như các trận lũ quét xảy ra vào tháng 7/2000 tại xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo và tháng 7/2011 tại xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch). Vùng bị ảnh hưởng do lũ quét: Vùng núi, sườn núi Tam Đảo; huyện Sông Lô, Lập Thạch; phía bắc thành phố Phúc Yên và huyện Bình Xuyên.
Sạt lở đất, sụt lún thường xảy ra khi có mưa to hoặc dòng chảy mạnh. Sạt lở, sụt lún thường diễn ra ở các vùng sườn núi, sườn đồi dốc, nền đất yếu không ổn định; các tuyến đường giao thông có địa hình cao (sạt lở đất đã xảy ra tại khu vực sườn núi Tam Đảo khi có mưa to xuất hiện vào các năm: 2008, 2012, 2013). Vùng thường bị ảnh hưởng: Các xã miền núi thuộc các huyện Tam Đảo, Sông Lô, Lập Thạch, Bình Xuyên và thành phố Phúc Yên.
Cấp độ rủi ro thiên tai ghi nhân được: Cấp 1.
4.3. Hạn hán
Hạn hán thường xảy ra vào các tháng mùa khô trong năm như: Các tháng đầu năm từ tháng 1, 2, 3 và các tháng cuối năm từ tháng 10,11, 12. (Trên địa bàn tỉnh hạn hán đã xảy ra vào cuối các năm 1998, 2003, 2004, 2009 với lượng mưa rất thấp, độ thiếu hụt nước trên 50% xảy ra trong 3 tháng liên tục - tương ứng với cấp độ 1). Cấp độ rủi ro thiên tai ghi nhận được do hạn hán: Cấp 1. Vùng bị ảnh hưởng trên phạm vi toàn tỉnh.
5. Bảo vệ và phát triển rừng
Thảm phủ rừng, nhân tố giữ vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn sinh thủy tự nhiên, điều tiết nguồn nước, giữ đất, phòng chống sạt lở đất và giảm thiểu các tác động bất lợi do BĐKH và thiên tai do nước gây ra. Tùy thuộc từng loại rừng, mức độ lưu giữ nước khác nhau, trung bình giữ khoảng từ 20% - 30% tổng lượng mưa, trong đó rừng tự nhiên có khả năng chứa nước cao hơn rừng trồng, đất trống và những thảm thực vật nông nghiệp từ 20 đến 60%. Mặt khác, những hệ thống gốc rễ của cây rừng có tác dụng giữ nước, điều hòa và duy trì lưu lượng dòng chảy, làm giảm bớt tốc độ dòng nước, hạn chế được tốc độ dồn nước tập trung gây lũ lụt nhanh. Những năm qua do sự gia tăng dân số và áp lực về phát triển kinh tế ở nhiều vùng nên nhiều diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đã bị suy giảm.
6. Quy định pháp luật về quản lý tài nguyên nước
Việc quản lý tài nguyên nước được thực hiện chủ yếu theo quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật bảo vệ môi trường. Việc sản xuất nước sạch, phân phối, tiêu thụ nước sạch được lại thực hiện theo quy định của Nghị định về sản xuất, cung cấp nước sạch do Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo hoặc thêm quy định tại Luật Thủy lợi nếu việc khai thác nước này nằm trong hệ thống công trình thủy lợi. Việc quản lý, giám sát chất lượng nước sạch sau quá trình sản xuất cho đến cấp nước các hộ dân được thực hiện theo quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt của Bộ Y tế. Do vậy, còn nhiều khó khăn, giao thoa trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước sinh hoạt.
6.1. Pháp luật về tài nguyên nước:
Tập trung quy định các nội dung mang tính nguyên tắc về bảo vệ tài nguyên nước như: quy hoạch, chiến lược, điều tra cơ bản; chuyển nước, điều hòa và phân bổ tài nguyên nước; kiểm soát, phòng chống ô nhiễm, bảo vệ chất lượng nước; cơ chế phân phối điều tiết nước giữa các ngành kinh tế, giữa các lưu vực sông; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cá nhân trong bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Bên cạnh các quy định chung để quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên nước,... Luật đã quy định các yêu cầu cụ thể đối với từng mục đích khai thác, sử dụng tài nguyên nước từ khâu quy hoạch, đầu tư xây dựng đến vận hành công trình, trong đó có công trình thủy lợi, thủy điện; những vấn đề về phân phối tài nguyên nước, chuyển nước trên các lưu vực sông... đã thể hiện nguyên tắc công bằng, hợp lý giữa các đối tượng khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
6.2. Pháp luật về thủy lợi
Tập trung quy định về quy hoạch, chiến lược thủy lợi; xây dựng công trình thủy lợi (CTTL) đảm bảo phục vụ nhu cầu sử dụng nước cho các ngành kinh tế; cho phòng chống thiên tai; quản lý khai thác vận hành các CTTT bảo đảm hiệu quả kinh tế, bảo đảm an toàn công trình; bảo vệ CTTL, bảo đảm chất lượng nước trong các công trình cho các mục đích sử dụng; cung cấp sản phẩm dịch vụ về nước; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong hoạt động này.
6.3. Quản lý nguồn nước được thực hiện theo Luật Tài nguyên nước năm 2012
Luật Tài nguyên nước năm 2012 nhấn mạnh nguyên tắc quản lý thống nhất, tổng hợp tài nguyên nước. Tài nguyên nước phải được quản lý đảm bảo thống nhất, tổng hợp theo lưu vực sông, theo nguồn nước, kết hợp với quản lý theo địa bàn hành chính. Đồng thời, tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng nước; giữa nước mặt và nước dưới đất; nước trên đất liền và nước vùng cửa sông, nội thủy, lãnh hải; giữa thượng lưu và hạ lưu, kết hợp với quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác.
Theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về tài nguyên nước, hiện nay trong lĩnh vực tài nguyên nước có quy hoạch ngành quốc gia (quy hoạch tài nguyên nước quốc gia), quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành gồm: quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh; quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước. Theo đó, để đảm bảo thống nhất quản lý, Luật đã quy định các quy hoạch về thủy lợi, thủy điện, cấp nước, giao thông đường thủy nội địa và các quy hoạch khác có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước do Bộ, ngành, địa phương lập phải phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước.
6.4. Vấn đề sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch cho mục đích sinh hoạt
Hiện nay, việc sản xuất, phân phối, tiêu thụ nước sạch được thực hiện theo quy định của Nghị định về sản xuất, cung cấp nước sạch do Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân các cấp chỉ đạo. Việc quản lý, giám sát chất lượng nước sạch sau quá trình sản xuất đến cấp nước cho các hộ dân được thực hiện theo quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt của Bộ Y tế. Còn việc quản lý việc khai thác nước, bảo vệ nguồn nước nói chung được thực hiện theo quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật bảo vệ môi trường.
Trong đó, ngoài những quy định về bảo vệ nguồn nước nói chung, Luật Tài nguyên nước còn có các quy định riêng đối với việc bảo vệ chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất nước cho sinh hoạt. Theo đó, đơn vị khai thác nước phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước do mình trực tiếp khai thác, thường xuyên theo dõi, quan trắc chất lượng nguồn nước, bảo đảm chất lượng nước do mình khai thác,... đồng thời Luật cũng quy định Ủy ban nhân cấp tỉnh, huyện, xã có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn.
II. MỘT SỐ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC
1. Về thể chế, chính sách
Luật Tài nguyên nước năm 2012 và Luật bảo vệ môi trường 2020 đã tiếp tục thể chế hóa quan điểm hiện đại của thế giới về bảo vệ môi trường và quản lý tổng hợp tài nguyên nước; coi tài nguyên nước là tài sản, là nguồn lực chung của quốc gia và phải được quản lý thống nhất; đưa các quy định về bảo vệ các thành phần môi trường lên đầu, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, coi đây là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách bảo vệ môi trường khác.
Luật Tài nguyên nước đã bổ sung nhiều biện pháp, chế tài để bảo vệ tài nguyên nước, gắn bảo vệ tài nguyên nước với khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước và phòng, chống các tác hại do nước gây ra; bảo vệ tài nguyên nước gắn với bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ các dòng sông, định hướng áp dụng cơ chế thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước,… Đến nay, về cơ bản các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước đã được hoàn chỉnh, tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.
Luật Bảo vệ môi trường đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án, bao gồm: Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường (ĐTM), giấy phép môi trường và đăng ký môi trường. Lần đầu tiên, Luật Bảo vệ môi trường 2020 thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về bảo vệ môi trường có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội.
Thực hiện quy định của Luật Tài nguyên nước, tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt “Danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”. Nhằm có biện pháp hữu hiệu để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, hạn chế tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn, tỉnh cũng đã giao cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ Điều tra, đánh giá hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước, thống kê các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Bên cạnh các quy định chung để quản lý, khai thác, bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên nước,... Luật đã quy định các yêu cầu cụ thể đối với từng mục đích khai thác, sử dụng tài nguyên nước từ khâu quy hoạch, đầu tư xây dựng đến vận hành công trình, trong đó có công trình thủy lợi, thủy điện; những vấn đề về phân phối tài nguyên nước, chuyển nước trên các lưu vực sông,... đã thể hiện nguyên tắc công bằng, hợp lý giữa các đối tượng khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã bổ sung “cộng đồng dân cư" vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng nhằm khẳng định vị trí, vai trò của nhóm đối tượng quan trọng này trong công tác bảo vệ môi trường cũng như thực hiện một trong những mục tiêu xuyên suốt của Luật là bảo vệ sức khỏe người dân, đảm bảo người dân được sống trong môi trường trong lành.
Vấn đề quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nước đã được cụ thể hóa bằng các quy định trong Luật và các văn bản dưới Luật, cụ thể đã xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản về KTTV, Môi trường và TNN, trong đó:
Có 14 Nghị định của Chính phủ (Nghị định số 201/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TNN; Nghị định số 43/2015/NĐ-CP quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; Nghị định số 54/2015/NĐ-CP quy định về ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; Nghị định số 60/2016/NĐ-CP quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Nghị định số 167/2018/NĐ-CP quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất; Nghị định số 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản (thay thế Nghị định số 33/2017/NĐ-CP); Nghị định số 41/2021/NĐ-CP ngày 30/3/2021 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 82/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Nghị định 08/2022/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định 38/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật khí tượng thủy văn; Nghị quyết số 76/NQ-CP về công tác phòng, chống thiên tai; Nghị định số 65/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; Nghị định số 67/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi).
Có 04 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày 23/01/2014 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2014-2020 và Quyết định số 459/QĐ-TTg ngày 02/4/2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước; Quyết định số 148/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về việc ban hành Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia; Quyết định 19/2021/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về bảo đảm thoát lũ, thông thoáng dòng chảy, an toàn đê điều đối với việc xây dựng cầu qua sông có đê).
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành theo thẩm quyền 35 thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực tài nguyên nước, trong đó có: Thông tư 24/2016/TT-BTNMT quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; Thông tư 17/2021/TT-BTNMT quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Thông tư 64/2017/TT-BTNMT quy định về xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu các hồ chứa, đập dâng; Thông tư 75/2017/TT-BTNMT quy định về bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất; Thông tư 76/2017/TT- BTNMT quy định về đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ; Thông tư số 72/2017/TT-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2017 quy định về việc xử lý, trám lấp giếng không sử dụng; Thông tư số 04/2020/TT-BTNMT quy định kỹ thuật quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh; Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT Quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu; Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Thông tư số 73/2017/TT-BTNMT Ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành tài nguyên và môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định 1354/QĐ-BTNMT ngày 12 tháng 7 năm 2021 về việc công bố giá trị dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa, đập dâng của các công trình thủy lợi, thủy điện theo đó đã công bố dòng chảy tối thiểu sau 555 hồ chứa, đập dâng.
Nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác và sử dụng nước bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả; ngăn ngừa, hạn chế tình trạng suy thoái, cạn kiện nguồn nước trên địa bàn tỉnh đảm bảo cho sự phát triển bền vững, trong những năm qua, tỉnh cũng đã tập trung đẩy mạnh việc ban hành các văn bản cụ thể hóa các quy định của pháp luật về tài nguyên nước như: Quyết định số 2485/QĐ-UBND ngày 11/9/2014 phê duyệt Quy hoạch phân bổ bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 587/QĐ-UBND ngày 21/02/2017 Phê duyệt Danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 1674/QĐ-UBND ngày 08/6/2017 Phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 1687/QĐ-UBND ngày 20/9/2022 Phê duyệt Danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 2036/QĐ-UBND ngày 04/11/2022 Phê duyệt Danh mục nguồn nước mặt nội tỉnh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
2. Quản lý môi trường, hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước
Luật Tài nguyên nước quy định mọi tổ chức cá nhân khai thác sử dụng nước cho các mục đích đều phải được cấp phép (trừ các trường hợp không phải đăng ký, không phải xin phép).
Cấp phép trong lĩnh vực tài nguyên nước bao gồm: cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển, nước dưới đất, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất và được phân cấp cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Hầu hết các hồ chứa thủy lợi chưa được cấp phép, quản lý theo quy định của Luật Tài nguyên nước do một số nguyên nhân, như: công trình thủy lợi đã được xây dựng từ lâu nên bị xuống cấp qua nhiều năm khai thác, không được duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa đúng mức; tài liệu về hạ tầng chưa được lưu trữ một cách hệ thống, các tài liệu bị thất lạc và có độ chính xác không cao; các công trình thủy lợi chưa có quy trình vận hành hoặc đã có nhưng chưa được sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung để theo kịp với biến động của nguồn nước, thay đổi quy luật xâm nhập mặn, ngập lũ và đối tượng phục vụ,... Trong khi đó, theo quy định, các công trình khai thác, sử dụng thuộc quy mô phải có giấy phép thì phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác, sử dụng và việc cấp giấy phép không phụ thuộc vào việc cải tạo, nâng cấp hay duy tu sửa chữa của các công trình này.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường thông qua thể chế hóa chính sách phát triển dựa trên quy luật tự nhiên, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế; bảo vệ môi trường không chỉ là phòng ngừa, kiểm soát, xử lý chất thải; các hoạt động sản xuất, phát triển phải hài hòa với tự nhiên, khuyến khích bảo vệ và phát triển tự nhiên. Đồng thời, Luật cũng đặt ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm người dân Việt Nam được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước trên thế giới và cũng, hài hòa với quy định của quốc tế để góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Lần đầu tiên, Luật tiếp cận phương pháp quản lý môi trường xuyên suốt, khoa học đối với dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí môi trường; sàng lọc, không khuyến khích các dự án không tuân theo quy luật tự nhiên, chiếm dụng lớn diện tích rừng, đất lúa, tác động đến các di sản thiên nhiên, khu bảo tồn; áp dụng công cụ quản lý môi trường phù hợp theo từng giai đoạn từ việc xây dựng chiến lược, quy hoạch đến thực hiện dự án đầu tư.
Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương đã đẩy mạnh triển khai công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất; xử lý các vi phạm của các cơ sở có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép và không chấp hành các quy định pháp luật về tài nguyên nước có liên quan theo quy định tại Nghị định số 33/2017/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản (ngày 24/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản thay thế Nghị định số 33/2017/NĐ-CP , Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/5/2020).
Trên tinh thần đó, công tác cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo đúng quy hoạch, đảm bảo quy trình, thủ tục và các quy định của pháp luật tài nguyên nước. Công tác thanh, kiểm tra cũng đã được cơ quan chuyên môn và các cấp, các ngành tích cực thực hiện nhằm ngăn chặn các trường hợp khai thác, sử dụng nước, xả nước thải trái phép.
Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên nước phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước, bước đầu nâng cao nhận thức của xã hội về bảo vệ và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước.
Nghị định 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Đây là lần đầu tiên và là bước tiến quan trọng trong lĩnh vực tài nguyên nước là có khoản thu từ khai thác nguồn nước. Việc bảo vệ lưu thông dòng chảy, bảo vệ các nguồn nước, bảo vệ lòng bờ bãi sông thông qua các chính sách (Nghị định 43/2015/NĐ-CP , Nghị định 23/2020/NĐ-CP), đã phân cấp cho các địa phương. Chính sách này đã góp phần phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; lấn, chiếm đất ven nguồn nước; bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, giá trị về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng liên quan đến nguồn nước là cấp thiết nhằm bảo vệ, duy trì nguồn nước.
Để tăng cường công tác giám sát khai thác, sử dụng nước, năm 2021 Bộ Tài nguyên và môi trường đã ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BTNMT quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước cũng hết sức quan trọng, theo đó quy định các chủ hồ phải lắp đặt thiết bị, camera giám sát, truyền thông tin, dữ liệu hồ chứa như mực nước hồ, lưu lượng xả nước, lưu lượng xả dòng chảy tối thiểu để cung cấp kịp thời thông tin, số liệu vận hành phục vụ công tác quản lý, giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với các hồ chứa thủy lợi, thủy điện.
3. Kiểm soát, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước
Xác định được tầm quan trọng của nguồn nước đối với sự phát triển của các địa phương, những năm gần đây các chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên nước được đổi mới, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển, sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Luật tài nguyên nước, Luật bảo vệ môi trường cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã được ban hành hoặc đang trong quá trình soạn thảo đều có những quy định nhằm bảo vệ các dòng sông một cách khá toàn diện và được thể hiện trong một số nội dung chủ yếu sau:
- Quản lý tài nguyên nước phải trên nguyên tắc tổng hợp, thống nhất giữa chất lượng và số lượng. Đồng thời, bảo vệ tài nguyên nước là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân và phải lấy phòng ngừa là chính, bảo vệ chất lượng nước và các hệ sinh thái thủy sinh, hạn chế khắc phục ô nhiễm nguồn nước;
- Nghiêm cấm các hành vi đổ chất thải, rác thải, đổ hoặc làm rò rỉ các chất độc hại vào nguồn nước và các hành vi khác gây ô nhiễm nguồn nước; xả nước thải, đưa các chất thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào nguồn nước; xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước; xả nước thải vào lòng đất thông qua các giếng khoan, giếng đào và các hình thức khác nhằm đưa nước thải vào trong lòng đất; gian lận trong việc xả nước thải; xả nước thải trái phép vào nguồn nước;
- Điều tra, hiện trạng xả nước thải, chất thải vào nguồn nước; phân loại nguồn nước theo mức độ ô nhiễm; xác định khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước; đánh giá, cảnh báo, dự báo diễn biến bất thường về chất lượng nguồn nước là những hoạt động của điều tra cơ bản tài nguyên nước để thực hiện các nội dung về đánh giá tình hình ô nhiễm nguồn nước mặt, nước dưới đất, nước biển;
- Bảo vệ tài nguyên nước là một trong những thành phần của quy hoạch tài nguyên nước, bao gồm việc xác định các khu vực bị ô nhiễm; đánh giá diễn biến chất lượng nước, phân vùng chất lượng nước; xác định phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm để bảo đảm chức năng của nguồn nước; xác định hệ thống giám sát chất lượng nước, giám sát xả nước thải vào nguồn nước;
- Các nguồn nước cần được thiết lập hành lang để bảo vệ để thực hiện các chức năng về bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước; phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước; bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tư nhiên ven nguồn nước. Theo đó, trong hành lang bảo vệ nguồn nước không được xây mới hoặc mở rộng quy mô bệnh viện, cơ sở y tế điều trị bệnh truyền nhiễm, nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải, cơ sở sản xuất hóa chất độc hại, cơ sở sản xuất, chế biến có nước thải nguy hại. Đối với cơ sở đang hoạt động thì phải có biện pháp xử lý, kiểm soát, giám sát chặt chẽ chất lượng nước thải, chất thải trước khi thải ra đất, nguồn nước; cơ sở đang hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước phải có giải pháp để khắc phục; trường hợp không khắc phục được thì bị đình chỉ hoạt động hoặc di dời theo quy định của pháp luật. Quy định này cũng đã được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 43/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về lập hành lang bảo vệ nguồn nước;
- Phải có phương án phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước khi xây dựng các khu kinh tế, KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung, khu du lịch, vui chơi, giải trí tập trung, tuyến giao thông đường thủy, đường bộ, công trình ngầm, công trình cấp, thoát nước, công trình khai thác khoáng sản, nhà máy điện, khu chứa nước thải và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các công trình khác có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước;
- Mọi cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khai khoáng và các hoạt động sản xuất khác không được xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào nguồn nước; trường hợp sử dụng hóa chất độc hại thì phải có biện pháp bảo đảm an toàn, không được để rò rỉ, thất thoát dẫn đến gây ô nhiễm nguồn nước;
- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ra sự cố ô nhiễm nguồn nước phải xây dựng phương án, trang bị các phương tiện, thiết bị cần thiết và thực hiện các biện pháp để kịp thời ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước do mình gây ra; đồng thời buộc các tổ chức, cá nhân gây ra sự cố ô nhiễm nguồn nước, ngoài việc chấp hành xử phạt vi phạm theo quy định của pháp luật còn có trách nhiệm khắc phục hậu quả ô nhiễm nguồn nước trước mắt, cải thiện, phục hồi chất lượng nước về lâu dài và bồi thường thiệt hại do mình gây ra;
- Hoạt động xả nước thải của các tổ chức, cá nhân được quản lý chặt chẽ, thông qua việc cấp giấy phép xả nước thải, trừ trường hợp xả nước thải với quy mô nhỏ và không chứa hóa chất độc hại, chất phóng xạ vào nguồn nước.
- Nội dung sức khỏe môi trường tuy không có quy định riêng nhưng đã được định chế trong toàn bộ Luật Bảo vệ môi trường 2020, thông qua việc bảo vệ các thành phần môi trường, qua đó bảo vệ sức khỏe người dân, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành. Luật đã bổ sung nội dung quản lý các chất ô nhiễm có tác động trực tiếp đến sức khỏe con người; quy định rõ trách nhiệm của Bộ Y tế, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh trong theo dõi, kiểm soát, phòng ngừa các chất ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe con người cũng như đánh giá mối quan hệ giữa sức khỏe môi trường với sức khỏe con người, đặc biệt là mối quan hệ giữa ô nhiễm môi trường với các loại bệnh dịch mới.
- Riêng ô nhiễm không khí và môi trường nước mặt đang là vấn đề bức xúc tại các lưu vực sông và đô thị lớn. Để giải quyết vấn đề bức xúc nêu trên, Luật đã quy định việc lập và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt, môi trường không khí nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ các thành phần môi trường; đồng thời quy định về tiêu chí và phân loại khu vực ô nhiễm môi trường đất, quy định nội dung về xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất.
4. Bảo vệ các nguồn nước quan trọng, phòng, chống sạt, lở bờ, bãi sông và đảm bảo lưu thông dòng chảy, hành lang thoát lũ
Việc bảo vệ lưu thông dòng chảy, bảo vệ các nguồn nước thông qua các chính sách (Nghị định 43/2015/NĐ-CP), đã phân cấp cho các địa phương. Chính sách này đã góp phần phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống việc lấn chiếm đất ven nguồn nước; bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước, giá trị về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng liên quan đến nguồn nước là cấp thiết nhằm bảo vệ, duy trì nguồn nước.
Đồng thời, trên cơ sở kế thừa kết quả Danh mục lưu vực sông liên tỉnh (được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1989/QĐ-TTg ngày 01/11/2010) và Danh mục lưu vực sông nội tỉnh (được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành tại Quyết định số 341/QĐ-BTNMT ngày 23/3/2012), Bộ Tài và Môi trường đã ban hành Danh mục nguồn nước liên tỉnh và Danh mục nguồn nước liên quốc gia (nguồn nước mặt) tại Quyết định 1757/QĐ-BTNMT ngày 11 tháng 8 năm 2020. Đến nay, tỉnh chưa ban hành Danh mục nguồn nước mặt nội tỉnh (Cả nước đã có 8/63 tỉnh đã ban hành Danh mục nguồn nước mặt nội tỉnh).
Trong thời gian vừa qua tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung đẩy mạnh hoạt động điều tra cơ bản, quy hoạch, quan trắc, giám sát tài nguyên nước và giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước. Cụ thể: Đã tiến hành lập, công bố, công khai và tổ chức thực hiện Quy hoạch phân bổ bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030; Ban hành quy định về phân vùng đối với nước thải, khí thải trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 54/2017/QĐ-UBND , theo đó đối với các nguồn thải thải vào nhưng thủy vực lớn, quan trọng bắt buộc phải xử lý đạt loại A của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải.
Hoạt động cải tạo lòng, bờ, bãi sông, xây dựng công trình thủy, khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hồ không được gây sạt, lở, làm ảnh hưởng xấu đến sự ổn định lòng, bờ, bãi sông, hồ. Đồng thời, quy định đối với những dòng sông, đoạn sông bị sạt, lở hoặc có nguy cơ bị sạt, lở bờ, bãi sông, cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước cấp tỉnh có trách nhiệm xác định nguyên nhân gây sạt, lở, đề xuất các giải pháp để ngăn ngừa, khắc phục và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác. Quy định này cũng đã được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, theo đó, quy định cụ thể một số nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước về tài nguyên nước theo trọng tâm.
Hiện nay, tỉnh cũng đang thực hiện nhiệm vụ Khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Điều tra, đánh giá, xác định và công bố Giá trị dòng chảy tối thiểu trên hệ thống sông, suối nội tỉnh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc...
5. Một số kết quả triển khai các dự án liên quan đến tài nguyên nước
5.1. Về cung cấp nước sạch
Tính đến hết năm 2022, 94% khu vực đô thị từ cấp III trở lên, các cơ sở sản xuất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được cung cấp nước sạch để phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Để đáp ứng nhu cầu phát triển và phục vụ đời sống nhân dân, tỉnh đang tiếp tục triển khai dự án mở rộng hệ thống cấp nước tại thành phố Vĩnh Yên với tổng vốn đầu tư trên 524,8 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ODA Nhật Bản.
Đối với khu vực nông thôn, tỉnh đã đầu tư nhiều công trình cấp nước sạch (hiện có 16 công trình đang hoạt động ở khu vực nông thôn) để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, các cụm công nghiệp, làng nghề. Do đó, đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ gia đình ở khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn là 76,64%.
5.2. Về thoát nước và xử lý nước thải
Ở khu vực đô thị: Khu vực thành phố Vĩnh Yên đã đầu tư 01 hệ thống xử lý nước thải tập trung giai đoạn 1 công suất 5.000m3/ngày đêm; hiện nay đang chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2 thêm 1 modul xử lý công suất 10.000m3/ngày đêm, nâng tổng công suất của hệ thống xử lý nước thải thành phố lên 15.000m3/ngày đêm. Ngoài ra, đang chuẩn bị đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải ở thành phố Phúc Yên theo Quy hoạch phân khu C2 có công suất khoảng 17.000 m3/ngày đêm.
Thực hiện Quyết định số 1682/QĐ-TTg ngày 30/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc, hiện nay Ban QLDA vốn vay nước ngoài đang triển khai các hợp phần xử lý nước thải gồm: Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Vĩnh Yên - giai đoạn II công suất ; Hệ thống thu gom và xử lý nước thải của các thị trấn Thổ Tang (công suất 2.000 m3/ngày đêm, Yên Lạc (2.500 m3/ngày đêm), Tam Hồng (2.500 m3/ngày đêm), huyện Yên Lạc; xây dựng hệ thống thu gom nước thải thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên; Xây dựng 14 điểm điểm xử lý nước thải phân tán dọc sông Phan.
Đối với xử lý nước thải tại các khu công nghiệp: Đến nay có 7/9 khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường đạt tỷ lệ 66,67% (trong đó có 01 KCN - Bá Thiện đang cải tạo nâng cấp trạm xử lý nước thải để đi vào hoạt động; 02 KCN - Tam Dương II Khu A và KCN Thái Hòa, Liễn Sơn, Liên Hòa mới chỉ có 1 số cơ sở sản xuất gạch ốp lát và thực hiện tuần hoàn tái sử dụng nước thải, chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung). Dự kiến đến năm 2025 sẽ hoàn thành được chỉ tiêu 100% các KCN trên địa bàn có hệ thống xử lý nước thải tập trung đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Đối với các cụm công nghiệp, đến nay mới có 1/9 cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, đạt tỷ lệ 11,1%.
Nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu khắc phục và cải thiện môi trường lưu vực sông Cầu, trong những năm qua, Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều hoạt động giảm thiểu và xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường với nhiều chương trình, dự án hỗ trợ về BVMT như: Dự án hỗ trợ nhân rộng mô hình hầm biogas để xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi; thực hiện các chương trình hỗ trợ BVMT nông thôn theo Nghị quyết 27/2011/NQ-HĐND (cải tạo xây dựng hạ tầng kỹ thuật nghĩa trang nhân dân, hệ thống xử lý nước thải khu dân cư nông thôn, rãnh thoát nước thải, xử lý chất thải làng nghề, xây dựng hệ thống xử lý nước sinh hoạt quy mô nhỏ...); Nghị quyết số 38/2019/NQ-HĐND ngày 15/7/2019 về hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, cải tạo cống, rãnh thoát nước và nạo vét các thủy vực tiếp nhận nước thải, khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; hỗ trợ xây dựng lò đốt chất thải sinh hoạt nông thôn…
Đến hết năm 2022, UBND tỉnh đã hỗ trợ 102,709 tỷ đồng để triển khai 78 dự án cải tạo, nạo vét thủy vực (theo Nghị quyết số 38/2019/NQ-HĐND ngày 15/7/2019), góp phần cải thiện chất lượng môi trường khu vực nông thôn. Dự kiến đến hết năm 2023, sẽ hoàn thành việc cải tạo, nạo vét 137 thủy vực bị ô nhiễm trên địa bàn tỉnh, nhằm tăng khả năng lưu chứa, tự làm sạch của các thủy vực.
Đến nay đã hoàn thành giai đoạn 1 dự án nạo vét khơi thông dòng chảy sông Phan đoạn từ cầu Vàng đến cầu Thượng Lạp với kinh phí khoảng 168 tỷ đồng. Triển khai các dự án cải tạo, nạo vét, kè bờ đầm Vạc, nâng cấp, cải tạo một số trạm bơm điều tiết ra sông Phan như trạm bơm Đại Phùng I, Đại Phùng II, trạm bơm Đầm Láng. Xây dựng kè bờ một số đoạn của sông Cà Lồ tại xã Nam Viêm, thị xã Phúc Yên. Triển khai xây dựng hồ Đồng Mỏ, xã Đạo Trù huyện Tam Đảo, kè bờ hồ Đại Lải, thị xã Phúc Yên… Đồng thời, tiến hành triển khai Dự án cải tạo, nạo vét sông Phan, đoạn từ cầu Thượng Lạp đến điều tiết Vĩnh Sơn với tổng mức đầu tư của dự án khoảng 250 tỷ đồng.
Ngoài ra, để khắc phục tình trạng ngập úng, tiêu thoát nước của hệ thống sông Phan, sông Cà Lồ và ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh Vĩnh Phúc tập trung triển khai các dự án: (1) Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt tỉnh Vĩnh Phúc, vay vốn WB; (2) Dự án chương trình phát triển các đô thị loại II (đô thị xanh) - dự án thành phần tỉnh Vĩnh Phúc, vay vốn ADB; (3) Dự án cầu đầm Vạc, vay vốn OFID với tổng kinh phí gần 7.000 tỷ đồng.
5.3. Về xây dựng hệ thống giám sát môi trường nước
Tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng và triển khai mạng lưới quan trắc môi trường, trong đó có quan trắc chất lượng môi trường nước mặt, môi trường nước dưới đất theo Quyết định số 465/QĐ-UBND ngày 01/02/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh Vĩnh Phúc.
Đến nay đã đầu tư 02 trạm quan trắc môi trường tự động liên tục đối với chất lượng nước sông Phan, sông Cà Lồ, đồng thời đã đầu tư tăng cường năng lực trang thiết bị quan trắc phân tích môi trường, nâng cao trình độ, năng lực cán bộ thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường, tiếp tục đầu tư mở rộng các trạm quan trắc tự động và xây dựng cơ chế quản lý vận hành các hệ thống quan trắc để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, đến nay đã có 07/9 KCN hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
III. TỒN TẠI VÀ THÁCH THỨC
1. Hiệu quả trong công tác quản lý và thực thi
Việc thực thi chính sách pháp luật, quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, gây tâm lý bức xúc trong nhân dân. Nhất là hoạt động khai thác trái phép, vận chuyển đất san lấp; tình trạng thu gom, vận chuyển, đổ trộm chất thải ở một số địa phương.
Thể chế hóa các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện của tỉnh chưa được hoàn thiện: Thiếu quy định về quản lý các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp thông thường; bùn thải (bùn thải công nghiệp; bùn bể tự hoại); hoạt động tái chế phế liệu trên địa bàn;
Thiếu các quy định về bảo vệ môi trường đối với hoạt động đầu tư, cho thuê nhà xưởng dư thừa; quy định về bảo vệ môi trường tại các khu du lịch; quy định về bố trí vị trí ngành nghề sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nằm trong các khu dân cư, đô thị; thiếu tiêu chí, định hướng cụ thể về việc hạn chế thu hút các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; quy định hạn chế bố trí các cơ sở sản xuất nằm ngoài, khu, cụm công nghiệp,...
Công tác phối phợp giữa các cơ quan, ngành có liên quan và UBND các cấp để giải quyết, thẩm định hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản chưa được chặt chẽ, đặc biệt là UBND cấp xã cho đây là nhiệm vụ của cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện; Quy hoạch thăm dò khai thác, sử dụng khoáng sản cát sỏi còn manh mún và thiếu đồng bộ, công tác quản lý còn chồng chéo:
- Hiện tượng khai thác trái phép đất san lấp vẫn còn tồn tại ở một số địa nhưng vẫn chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời; tình trạng khai thác nước ngầm chưa được cấp phép vẫn còn diễn ra, đặc biệt là khai thác sử dụng nước của hộ gia đình, cá nhân phục cho sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
- Hiện nay Tỉnh Vĩnh Phúc chưa có Quy hoạch khoáng sản theo quy định của Luật Quy hoạch (quy hoạch khoáng sản phải được tích hợp chung vào quy hoạch tỉnh) do vậy việc giới thiệu địa điểm, cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đang gặp vướng mắc. Công tác đóng cửa mỏ đối với các điểm mỏ khai thác cát, sỏi lòng sông do giấy phép hết hiệu lực còn đang gặp nhiều khó khăn do đã dừng hoạt theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận đối với công tác triển khai các dự án, đề án liên quan đến bảo vệ môi trường (ủng hộ triển khai các dự án nhà máy xử lý rác thải tập trung, bảo vệ hành lang sông hồ, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để triển khai các dự án) chưa thực sự hiệu quả, chưa có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
2. Hiệu quả khai thác, sử dụng nước trong các ngành còn thấp
Tỷ lệ thất thoát nước cho cấp nước đô thị và nông thôn còn ở mức cao (theo đánh giá chung khoảng 25%), công suất khai thác nước thực tế còn thấp hơn rất nhiều so với năng lực thiết kế nhất là khai thác nước trong thủy lợi, nông nghiệp.
Các đô thị ngày càng tăng trong khi tình trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả vẫn còn phổ biến.
Đối với hệ thống thủy lợi, hệ thống kênh mương dẫn nước mới chỉ bê tông hóa các hạng mục đầu mối quan trọng, hầu hết hệ thống đấu nối ra đồng ruộng là các kênh đất, được xây dựng từ khá lâu, trình độ khoa học công nghệ còn thấp nên thất thoát nước còn lớn và rất khó kiểm soát. Hầu hết hệ thống kênh dẫn đang sử dụng hiện nay là kênh hở nên việc bốc hơi nước trong điều kiện mùa khô là cao. Nhiều hồ được xây từ rất lâu nên công nghệ sử dụng lạc hậu, chủ yếu là đập đất; hạ tầng đấu nối đi kèm không thể tương thích cũng làm giảm hiệu quả hoạt động của công trình; Hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi đã được đầu tư xây dựng từ lâu đã xuống cấp, nhiều công trình thủy lợi không phát huy hết năng lực so với thiết kế; các trạm bơm tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp được đầu tư xây dựng từ lâu, đa số là máy bơm cũ, hiệu suất thấp không còn phù hợp. Theo đánh giá chung hầu hết các hệ thống công trình thủy lợi đều chưa khai thác đạt năng lực thiết kế mà chỉ ở mức từ 50 đến 90%. Trong khi, việc điều tiết nước, hiệu quả sử dụng nước thấp, chưa tiết kiệm, thất thoát nước còn lớn (trong thủy lợi khoảng 30%).
3. Áp lực phát triển kinh tế - xã hội, ô nhiễm nguồn nước gia tăng
3.1. Tình hình phát triển kinh tế
Quy mô kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục mở rộng với xu hướng tăng trưởng ổn định, duy trì mức tăng trưởng cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước và vượt mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020. Tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2020 đạt 123.575 tỷ đồng, cao gấp 2,89 lần GRDP năm 2010 (42.686 tỷ đồng) theo giá hiện hành, và cao gấp 1,57 lần so với quy mô của nền kinh tế năm 2015 (đạt 78.644 tỷ đồng), đạt mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 đặt ra (gấp 1,5-2 lần). Đây là thành tích thể hiện sự nỗ lực rất đáng ghi nhận của toàn tỉnh trong 10 năm qua.
Có thể thấy trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã bùng phát trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các lĩnh vực, dẫn đến tình trạng suy thoái kinh tế thế giới nghiêm trọng nhất kể từ sau đại khủng hoảng 1929-1933. Với tỷ trọng khu vực vốn đầu tư nước ngoài cao, đã và đang hội nhập sâu rộng, có độ mở lớn, nhưng tính tự chủ và khả năng chống chịu còn hạn chế, nền kinh tế của tỉnh đã chịu ảnh hưởng rất mạnh bởi đại dịch, do đó tăng trưởng năm 2020 ước chỉ đạt 2,79%. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020 ước tăng 7,02%/năm, cao hơn mức tăng bình quân 6,1%/năm của Tỉnh giai đoạn 2011 - 2015, cao hơn tốc độ tăng trung bình của cả nước (đạt 6,01%) và đạt mục tiêu đã đề ra (tăng 7-7,5%/năm).
Kết quả tăng trưởng kinh tế của Tỉnh chủ yếu do đóng góp của nhóm ngành công nghiệp và xây dựng.
Hình 1: Tốc độ tăng trưởng kinh tế các nhóm ngành trên địa bàn Tỉnh, 2011 - 2020 (Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc)
* Tăng trưởng khu vực NLTS thấp do chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh. Tăng trưởng của khu vực này có dấu hiệu không ổn định trong cả giai đoạn 2011 - 2020 và đặc biệt chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh trong năm 2019. Tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2016-2020 đạt 1,96%/năm, thấp hơn so với giai đoạn 2011-2015 là 3,18%/năm và không đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra là 3,5-4%/năm.
* Tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng đạt kết quả tích cực, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng kinh tế. Khu vực công nghiệp và dịch vụ tiếp tục xu hướng đạt kết quả tăng trưởng cao trong giai đoạn 2011-2020, mức tăng trưởng bình quân ước đạt 10,41%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10,35%/năm cao hơn mức 10,15%/năm của giai đoạn 2011-2015. Kết quả tăng trưởng của khu vực CN&XD vượt xa mục tiêu kế hoạch đề ra là 7-7,5%/năm.
* Khu vực dịch vụ đóng vai trò then chốt thứ hai trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhưng tăng trưởng chậm chạp và không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Tăng trưởng của khu vực dịch vụ giai đoạn 2011-2020 đạt 6,63%/năm; giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 6,56%/năm, thấp hơn so với mức tăng trưởng 6,67%/năm giai đoạn 2011-2015, và thấp hơn nhiều so với mục tiêu kế hoạch đề ra là 10,5- 11%/năm. Nguyên nhân là do:
(1) Nhìn chung, hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại vẫn còn trong giai đoạn định hình và vẫn ở tình trạng kém phát triển so với các tỉnh khác;
(2) Hoạt động dịch vụ du lịch chưa phát huy được lợi thế so sánh của tỉnh, do chất lượng dịch vụ còn kém, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách;
(3) Các hoạt động dịch vụ khác đều gặp khó khăn, do mạng lưới cơ sở hạ tầng còn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng.
Có thể thấy rằng, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế vượt bậc, quá trình đô thị hóa nhanh, các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, gia tăng các hoạt động xả nước thải nhất là các loại hình nước thải không được xử lý đúng quy chuẩn, kỹ thuật,… đã và đang tác động và gây sức ép ngày càng lớn, trầm trọng đến cả về số lượng và chất lượng nguồn nước các các sông, suối và các tầng chứa nước, đặc biệt là các nguồn nước phục vụ để sản xuất nước sạch cấp cho mục đích sinh hoạt. Hầu hết các đoạn sông chảy qua khu vực tập trung đông dân cư và các KCN, các làng nghề đều đã và đang bị ô nhiễm với các mức độ khác nhau. Đặc biệt, mức độ ô nhiễm tăng cao vào mùa khô, khi lượng nước chảy vào các con sông giảm. Bên cạnh đó, còn tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật về tài nguyên nước và môi trường, đã làm cho tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm không ngừng gia tăng về cả mức độ lẫn quy mô. Nhìn chung, nước thải từ đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư, chất thải nông nghiệp, thủy sản đều đổ xuống hệ thống kênh mương, gây nên tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng.
Đến nay, chưa hình thành và đưa vào hoạt động được các nhà máy xử lý rác thải tập trung theo quy hoạch đã phê duyệt. Tỷ lệ rác thải đem chôn lấp và đốt bằng các lò đốt quy mô cấp xã chiếm số lượng lớn. Trong khi đó, hầu hết các bãi chôn lấp rác đều đã quá tải, không hợp vệ sinh, các lò đốt rác cỡ nhỏ không đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường.
Đầu tư cho hạ tầng thu gom, xử lý nước thải đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, việc kêu gọi đầu tư xã hội hóa còn khó khăn. Việc triển khai các hợp phần xử lý nước thải của dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc (vay vốn WB); dự án thành phố xanh (vay vốn ADB),.. còn chậm do vướng mắc các quy định của pháp luật (Luật Ngân sách, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công,..) và do phải điều chỉnh quy mô, thiết kế các hạng mục của dự án.
Hạ tầng thu gom, xử lý nước thải đô thị, cụm công nghiệp, làng nghề, chưa được đầu đồng bộ, hoàn chỉnh. Đến nay, tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị loại IV trở lên được xử lý mới đạt 15,2%; 100% làng nghề chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung; 03/13 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải song chưa thể đi vào hoạt động[9]; 12/23 cơ sở y tế công lập (52,2%) có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường,..
Bảo vệ môi trường nông thôn tuy đã được cải thiện, song còn thiếu tính bền vững, nhất là về thu gom, xử lý rác thải, nước thải chăn nuôi; chưa có giải pháp đột phá để duy trì và nâng cao chất lượng của tiêu chí môi trường trong giai đoạn mới.
3.2. Ô nhiễm sinh hoạt
Tỉnh Vĩnh Phúc đã lập và phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2020 tại Quyết định số 673/QĐ-UBND ngày 11/03/2014 của UBND tỉnh. Trong quá trình thực hiện, đã điều chỉnh bổ sung tại các Quyết định số 95/QĐ- UBND ngày 15/01/2015 và Quyết định số 778/QĐ-UBND ngày 10/3/2016. Bên cạnh đó UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành các quyết định, kế hoạch để cụ thể hóa việc tổ chức triển khai thực hiện công tác quản lý CTR như: Quyết định số 2793/QĐ-UBND ngày 08/11/2018 của UBND tỉnh về ban hành đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 55/2017/QĐ-UBND ngày 22/12/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 673/QĐ-UBND ngày 11/03/2014 về việc phê duyệt Quy hoạch quản lý CTR tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020; Chỉ thị số 08/CT- UBND ngày 21/4/2016 về việc tăng cường công tác quản lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Kế hoạch số 2903/KH-UBND ngày 12/5/2016 của UBND tỉnh về triển khai công tác vệ sinh môi trường nông thôn và quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Đến nay, trên địa bàn đã có 01 nhà máy xử lý rác thải: nhà máy tại thị trấn Hợp Hòa - huyện Tam Dương công suất 150 tấn/ngày (đang hoạt động ở giai đoạn I với công suất là 75 tấn/ngày.đêm); 01 nhà máy xử lý rác thải Tam Hồng, Yên Lạc 120 tấn/ngày.đêm; 01 cơ sở xử lý rác thải công suất 30 tấn/ngày tại thị trấn Hương Canh huyện Bình Xuyên bằng hình thức xã hội hóa, đồng thời đã hỗ trợ lắp đặt và đưa vào hoạt động được 33 lò đốt rác quy mô cấp xã, thị trấn để xử lý rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn, góp phần giải quyết những khó khăn, bức xúc ở các địa phương.
* Chất thải rắn sinh hoạt
Theo thống kê, tổng lượng chất thải rắn (viết tắt là CTR) sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc phát sinh trong năm 2018 khoảng 830 tấn/ngày. Trong đó khu vực đô thị (bao gồm thành phố Vĩnh Yên và thành phố Phúc Yên) khoảng 260,35 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt 92%; khu vực nông thôn khoảng 569,65 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom khoảng 71%. Phương pháp xử lý CTR sinh hoạt chủ yếu hiện nay vẫn là chôn lấp thông thường chưa đảm bảo vệ sinh và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường. Đối với các đô thị, việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt được thực hiện thông qua hợp đồng dịch vụ công ích, tại thành phố Vĩnh Yên do Công ty Cổ Phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên thực hiện, tại thành phố Phúc Yên do Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Phúc Yên thực hiện. Đối với khu vực nông thôn, đã có 100% xã, thị trấn thành lập được các HTX hoặc tổ dịch vụ vệ sinh môi trường, thực hiện thu gom, vận chuyển về xử lý tại các bãi rác của từng xã, thị trấn.
* Chất thải rắn thông thường
Theo thống kê, CTR thông thường phát sinh khoảng 165.000 tấn, tỷ lệ thu gom, xử lý đạt khoảng 90%.
Hiện nay, hầu hết các đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh đã có ý thức, trách nhiệm trong công tác quản lý CTR. CTR được các đơn vị sản xuất thu gom, phân loại tại cơ sở, sau đó tái sử dụng hoặc ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý theo quy định (như: Trung tâm tái chế phế thải và xử lý chất thải của Công ty TNHH môi trường công nghiệp xanh, Công ty TNHH Song Tinh, Công ty TNHH Thương Mại - Dịch vụ môi trường Nguyệt Minh 2…).
Đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư triển khai 230 bãi chôn lấp rác thải tạm thời với tổng diện tích 283.656,2 m2, trong đó có 41 bãi tập kết rác thải không nằm trong quy hoạch. Cụ thể: Thành phố Vĩnh Yên có 02 bãi rác với tổng diện tích 34.000m2 (không nằm trong quy hoạch); Thành phố Phúc Yên có 02 bãi rác với tổng diện tích 9.300m2 (trong đó có 01 bãi rác không nằm trong quy hoạch);
Huyện Yên Lạc có 59 bãi rác với tổng diện tích 51.255,5m2 (trong đó có 15 bãi rác không nằm trong quy hoạch); Huyện Tam Đảo có 05 bãi rác với tổng diện tích 4.200m2 (trong đó có 01 bãi rác không nằm trong quy hoạch); Huyện Vĩnh Tường có 42 bãi rác với tổng diện tích 84.634,0m2; Huyện Sông Lô có 12 bãi rác với tổng diện tích 26.650,0 m2; Huyện Lập Thạch có 35 bãi rác với tổng diện tích 25.903,3 m2 (trong đó có 02 bãi rác không nằm trong quy hoạch); Huyện Tam Dương có 42 bãi rác với tổng diện tích 14.249,4m2 (trong đó có 18 bãi rác không nằm trong quy hoạch); Huyện Bình Xuyên quy hoạch 08 bãi rác với tổng diện tích 33.464,0m2 (trong đó có 02 bãi rác không nằm trong quy hoạch).
Lò đốt rác quy mô cấp xã hoặc liên xã: Toàn tỉnh đã đầu tư 35 lò đốt rác quy mô cấp xã, cụ thể như sau: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hỗ trợ đầu tư lắp đặt 33 lò đốt rác công suất nhỏ tại địa bàn nông thôn, hiện đã có 29 lò được bàn giao cho các xã, thị trấn quản lý, vận hành, 04 lò đang trong quá trình hoàn thiện hạ tầng. UBND huyện Bình Xuyên, UBND xã Bá Hiến đầu tư, hỗ trợ lắp đặt 01 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt tại xã Bá Hiến, công suất 15 tấn/ngày đêm, hiện đã bàn giao cho UBND xã đi vào hoạt động ổn định. 01 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt tại thị trấn Hương Canh - huyện Bình Xuyên hoạt động theo hình thức xã hội hóa do Công ty Cổ phần Xây dựng Century Vina làm chủ đầu tư, công suất xử lý 15 tấn/ngày đêm, hiện đã đi vào hoạt động ổn định.
Tuy nhiên thực trạng “rác lấn đường” còn xuất hiện ở nhiều địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc. Không khó để bắt gặp trên nhiều tuyến đường, nhất là ở địa bàn nông thôn những bãi rác tự phát vừa gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sức khỏe của người dân, vừa làm xấu cảnh quan môi trường. Để xảy ra tình trạng này, ngoài nguyên nhân một bộ phận người dân thiếu ý thức bảo vệ môi trường, xả rác bừa bãi còn bắt nguồn từ việc nhiều bãi rác tập trung ở các địa phương đã và đang quá tải nên việc thu gom, tập kết rác rất khó khăn. Với lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều như hiện nay, trong khi các bãi rác tập trung rất khó mở rộng vì người dân phản đối thì việc quá tải chỉ là vấn đề thời gian...
Bảng 2: Diện tích và danh sách các bãi rác tạm
STT |
Địa phương |
Điểm tập kết (bãi rác) đã triển khai |
Phạm vi tiếp nhận |
|
Số lượng |
Diện tích (m2) |
|||
I |
Huyện Sông Lô |
12 |
26.650 |
|
1 |
Xã Lãng Công |
1 |
6.500 |
Xã Lãng Công |
2 |
Xã Đức Bác |
1 |
2.000 |
Xã Đức Bác |
3 |
Xã Đôn Nhân |
1 |
600 |
Xã Đôn Nhân |
4 |
Xã Như Thụy |
1 |
710 |
Xã Như Thụy |
5 |
Xã Tân Lập |
1 |
2.500 |
Xã Tân Lập |
6 |
Xã Nhạo Sơn |
1 |
8.200 |
Xã Nhạo Sơn |
7 |
Xã Yên Thạch |
1 |
400 |
Xã Yên Thạch |
8 |
Xã Quang Yên |
1 |
1.500 |
Xã Quang Yên |
9 |
Xã Cao Phong |
1 |
600 |
Xã Cao Phong |
10 |
Xã Nhân Đạo |
1 |
1.500 |
Xã Nhân Đạo |
11 |
Xã Bạch Lưu |
1 |
1.500 |
|
12 |
Xã Phương Khoan |
1 |
640 |
|
II |
Huyện Lập Thạch |
35 |
25.903 |
|
1 |
Xã Bắc Bình |
2 |
1.000 |
Xã Bắc Bình |
2 |
Thị trấn Hoa Sơn |
1 |
2.943 |
Thị trấn Hoa Sơn |
3 |
Xã Sơn Đông |
1 |
500 |
Xã Sơn Đông |
4 |
Xã Đình Chu |
2 |
998 |
Xã Đình Chu |
5 |
Xã Vân Trục |
2 |
800 |
Xã Vân Trục |
6 |
Xã Ngọc Mỹ |
2 |
682 |
Xã Ngọc Mỹ |
7 |
Xã Quang Sơn |
3 |
948 |
Xã Quang Sơn |
8 |
Xã Xuân Lôi |
1 |
1.931 |
Xã Xuân Lôi |
9 |
Xã Bàn Giản |
1 |
375 |
Xã Bàn Giản |
10 |
Xã Triệu Đề |
3 |
1.067 |
Xã Triệu Đề |
11 |
Xã Tiên Lữ |
3 |
1.220 |
Xã Tiên Lữ |
12 |
Thị trấn Lập Thạch |
1 |
8.000 |
Thị trấn Lập Thạch |
13 |
Xã Liên Hòa |
3 |
1.500 |
Xã Liên Hòa |
14 |
Xã Hợp Lý |
2 |
500 |
Xã Hợp Lý |
15 |
Xã Tử Du |
1 |
1.339 |
Xã Tử Du |
16 |
Xã Đồng Ích |
7 |
2.100 |
Xã Đồng Ích |
III |
Huyện Tam Dương |
42 |
14.249 |
|
1 |
Xã Hoàng Hoa |
3 |
1.338 |
Xã Hoàng Hoa |
2 |
Xã Hướng Đạo |
3 |
1.060 |
Xã Hướng Đạo |
3 |
Xã Kim Long |
2 |
693 |
Xã Kim Long |
4 |
Xã Đồng Tĩnh |
1 |
475 |
Xã Đồng Tĩnh |
5 |
Xã An Hòa |
3 |
2.500 |
Xã An Hòa |
6 |
Xã Hoàng Đan |
4 |
637 |
Xã Hoàng Đan |
7 |
Xã Hoàng Lâu |
5 |
3.257 |
Xã Hoàng Lâu |
8 |
Xã Vân Hội |
3 |
900 |
Xã Vân Hội |
9 |
Xã Hợp Thịnh |
2 |
1.368 |
Xã Hợp Thịnh |
10 |
Xã Duy Phiên |
2 |
742 |
Xã Duy Phiên |
11 |
Xã Đạo Tú |
1 |
100 |
Xã Đạo Tú |
12 |
Xã Thanh Vân |
13 |
1.179 |
Xã Thanh Vân |
IV |
Huyện Yên Lạc |
59 |
51.256 |
|
1 |
Xã Tề Lỗ |
3 |
2.450 |
Xã Tề Lỗ |
2 |
Xã Trung Nguyên |
8 |
4.250 |
Xã Trung Nguyên |
3 |
Xã Đồng Cương |
4 |
4.405 |
Xã Đồng Cương |
4 |
Xã Bình Định |
4 |
3.240 |
Xã Bình Định |
5 |
Xã Hồng Châu |
4 |
1.850 |
Xã Hồng Châu |
6 |
Xã Trung Hà |
2 |
2.500 |
Xã Trung Hà |
7 |
Xã Trung Kiên |
1 |
1.000 |
Xã Trung Kiên |
8 |
Xã Nguyệt Đức |
2 |
2.000 |
Xã Nguyệt Đức |
9 |
Xã Văn Tiến |
3 |
3.300 |
Xã Văn Tiến |
10 |
Thị trấn Yên Lạc |
3 |
4.859 |
Thị trấn Yên Lạc |
11 |
Xã Đại Tự |
2 |
2.472 |
Xã Đại Tự |
12 |
Xã Đồng Văn |
|
|
|
13 |
Xã Hồng Phương |
2 |
1.000 |
Xã Hồng Phương |
14 |
Xã Liên Châu |
2 |
1.000 |
Xã Liên Châu |
15 |
Xã Tam Hồng |
8 |
9.180 |
Xã Tam Hồng |
16 |
Xã Yên Đồng |
8 |
6.390 |
Xã Yên Đồng |
17 |
Xã Yên Phương |
3 |
1.360 |
Xã Yên Phương |
V |
Huyện Vĩnh Tường |
65 |
84.634 |
|
1 |
Xã An Tường |
2 |
1.580 |
Xã An Tường |
2 |
Xã Vân Xuân |
2 |
2.200 |
Xã Vân Xuân |
3 |
Xã Vĩnh Sơn |
3 |
32.000 |
Xã Vĩnh Sơn |
4 |
Xã Vũ Di |
4 |
2.000 |
Xã Vũ Di |
5 |
Xã Yên Bình |
4 |
2.368 |
Xã Yên Bình |
6 |
Xã Phú Thịnh |
5 |
1.550 |
Xã Phú Thịnh |
7 |
Xã Chấn Hưng |
2 |
1.883 |
Xã Chấn Hưng |
8 |
Xã Thượng Trưng |
4 |
7.500 |
Xã Thượng Trưng |
9 |
Xã Tân Cương |
3 |
1.800 |
Xã Tân Cương |
10 |
Xã Lũng Hòa |
4 |
1.600 |
Xã Lũng Hòa |
11 |
Xã Bình Dương |
8 |
2.867 |
Xã Bình Dương |
12 |
Xã Tam Phúc |
1 |
2.161 |
Xã Tam Phúc |
13 |
Thị trấn Tứ Trưng |
1 |
4.700 |
Thị trấn Tứ Trưng |
14 |
Xã Phú Đa |
2 |
1.769 |
Xã Phú Đa |
15 |
Xã Vĩnh Ninh |
3 |
720 |
Xã Vĩnh Ninh |
16 |
Xã Nghĩa Hưng |
6 |
980 |
Xã Nghĩa Hưng |
17 |
Xã Vĩnh Thịnh |
3 |
3.000 |
Xã Vĩnh Thịnh |
18 |
Xã Kim Xá |
2 |
1.800 |
Xã Kim Xá |
19 |
Xã Tân Tiến |
2 |
600 |
Xã Tân Tiến |
20 |
Xã Yên Lập |
2 |
10.000 |
Xã Yên Lập |
21 |
Xã Việt Xuân |
1 |
1.000 |
Xã Việt Xuân |
22 |
Xã Tuân Chính |
1 |
556 |
Xã Tuân Chính |
VI |
Huyện Bình Xuyên |
8 |
33.464 |
|
1 |
Xã Đạo Đức |
1 |
930 |
Xã Đạo Đức |
2 |
Xã Phú Xuân |
1 |
2.000 |
Xã Phú Xuân |
3 |
Xã Tân Phong |
1 |
1.217 |
Xã Tân Phong |
4 |
Xã Sơn Lôi |
1 |
700 |
Xã Sơn Lôi |
5 |
Xã Hương Sơn |
1 |
500 |
Xã Hương Sơn |
6 |
Xã Trung Mỹ |
1 |
10.000 |
Xã Trung Mỹ |
7 |
Thị trấn Gia Khánh |
1 |
10.000 |
Thị trấn Gia Khánh |
8 |
TT. Thanh Lãng |
1 |
8.117 |
TT. Thanh Lãng |
VII |
Huyện Tam Đảo |
5 |
4.200 |
|
1 |
Xã Yên Dương |
2 |
1.000 |
Xã Yên Dương |
2 |
Xã Bồ Lý |
1 |
500 |
Xã Bồ Lý |
3 |
Xã Tam Quan |
1 |
700 |
Xã Tam Quan |
4 |
Xã Minh Quang |
1 |
2.000 |
Xã Minh Quang |
VIII |
Thành phố Phúc Yên |
2 |
9.300 |
|
1 |
Phường Xuân Hòa |
1 |
8.500 |
06 phường và xã Tiền Châu |
2 |
Xã Nam Viêm |
1 |
800 |
Xã Nam Viêm |
IX |
Thành phố Vĩnh Yên |
2 |
34.000 |
|
1 |
Lô CN14 KCN Khai Quang |
|
20.000 |
Thành phố Vĩnh Yên và một số khu vực lân cận |
2 |
Lô CX5 KCN Khai Quang |
|
14.000 |
Thành phố Vĩnh Yên và một số khu vực lân cận |
|
Tổng |
230 |
283.656 |
|
3.3. Ô nhiễm làng nghề
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 77 làng nghề và làng có nghề, trong đó đã công nhận được 25 làng nghề đạt đủ tiêu chí theo quy định (19 làng nghề truyền thống và 06 làng nghề), trong đó nhiều làng nghề phát triển mạnh như Mộc Thanh Lãng (Bình Xuyên), Bích Chu (An Tường - huyện Vĩnh Tường), Minh Tân (Huyện Yên Lạc), rắn Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường)... Các làng nghề đã giải quyết việc làm cho gần 60 ngàn lao động, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn trong tỉnh[10].
Hầu hết các cơ sở làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ, xen kẽ với khu dân cư, kết cấu hạ tầng chưa được xây dựng đồng bộ, không đáp ứng yêu cầu thực tế về bảo vệ môi trường; chưa có địa phương nào xây dựng, phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề để triển khai thực hiện, chưa thành lập tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định.
Bảng 3: Danh sách các làng nghề Vĩnh Phúc đủ tiêu chí đã được công nhận
TT |
Tên làng nghề |
Địa chỉ |
Ngành nghề sản xuất |
I |
Huyện Bình Xuyên |
|
|
1 |
Làng gốm truyền thống Hương Canh |
Thôn Lò Cang - TT. Hương Canh |
Sản xuất gốm dân dụng, gốm mỹ thuật |
2 |
Làng mộc truyền thống Hợp Lễ |
TT. Thanh Lãng |
Chế biến gỗ |
3 |
Làng mộc truyền thống Yên Lan |
nt |
nt |
4 |
Làng mộc truyền thống Xuân Lãng |
nt |
nt |
II |
Huyện Sông Lô |
|
|
5 |
Làng đá truyền thống Hải Lựu |
Xã Hải Lựu |
Chế tác đá |
6 |
Làng nghề sơ chế mây và đan lát Thôn Mới |
Xã Cao Phong |
Sơ chế mây và đan lát |
7 |
Làng nghề nuôi rắn thôn Hùng Mạnh |
Xã Bạch Lưu |
Nuôi rắn |
III |
Huyện Lập Thạch |
|
|
8 |
Làng mây tre đa truyền thống Triệu Xá |
Xã Triệu Đề |
Đan lát truyền thống |
9 |
Làng nghề mây tre đan Xuân Lan |
Xã Văn Quán |
Chế biến mây và đan lát |
10 |
Làng nghề đan lát truyền thống thôn Nhật Tân |
Xã Văn Quán |
Đan lát truyền thống |
IV |
Huyện Vĩnh Tường |
|
|
11 |
Làng rắn truyền thống Vĩnh Sơn |
Xã Vĩnh Sơn |
Nuôi trồng và chế biến sản phẩm từ rắn |
12 |
Làng nghề cơ khí vận tải đường thủy Việt An |
Xã Việt Xuân |
Cơ khí và vận tải đường thủy |
13 |
Làng nghề rèn truyền thống Bàn Mạch |
Xã Lý Nhân |
Rèn, đúc dụng cụ cơ khí cầm tay |
14 |
Làng nghề mộc truyền thống Vân Giang |
Xã Lý Nhân |
Chế biến gỗ |
15 |
Làng nghề mộc truyền thống Văn Hà |
Xã Lý nhân |
nt |
16 |
Làng nghề mộc truyền thống Thủ Độ |
Xã An Tường |
nt |
17 |
Làng nghề mộc truyền thống Bích Chu |
Xã An Tường |
nt |
V |
Huyện Yên Lạc |
|
|
18 |
Làng nghề mộc truyền thống Vĩnh Đoài |
TT. Yên Lạc |
Chế biến gỗ |
19 |
Làng nghề mộc truyền thống Vĩnh Đông |
nt |
nt |
20 |
Làng nghề mộc truyền thống Vĩnh Trung |
nt |
nt |
21 |
Làng nghề mộc truyền thống Vĩnh Tiên |
nt |
nt |
22 |
Làng nghề mộc truyền thống Lũng Hạ |
Xã Yên Phương |
nt |
23 |
Làng chế biến bông vải sợi truyền thống thôn Gia |
Xã Yên Đồng |
Bông, vải sợi |
24 |
Làng nghề chế biến nhựa thông Đông Mẫu |
Xã Yên Đồng |
Chế biến nhựa |
25 |
Làng chế biến tơ nhựa Tảo Phú |
Xã Tam Hồng |
Nghiền nhựa thành tơ sợi |
Hầu hết các làng nghề trong tỉnh đều gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến đời sống xã hội như: các làng nghề mộc và chạm khắc đá gây ô nhiễm môi trường do tiếng ồn, bụi, hơi dung môi được hình thành trong quá trình gia công sản xuất và vận chuyển sản phẩm; làng nghề gốm, làng nghề chế biến bông vải sợi, làng nghề chế biến tơ nhựa, nhựa gây ô nhiễm do bụi, khí độc được hình thành trong quá trình sản xuất, hoàn thiện sản phẩm; làng nghề nuôi và chế biến rắn gây ô nhiễm môi trường do phế thải thải ra môi trường trong quá trình nuôi, chế biến rắn; làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm gây ô nhiễm môi trường do nước thải từ các công đoạn sản xuất và chăn nuôi và đặc biệt là các làng nghề rèn - cơ khí, làng nghề tái chế kim loại đây là các làng nghề gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng nhiều nhất. Môi trường đất nước bị ô nhiễm dầu mỡ và rỉ sắt, không khí ô nhiễm nặng nề do khí thải của các lò nấu tái chế kim loại, ngoài ra các khí độc từ các lò lung, lò rèn, các chất thải rắn như xỉ than…
3.4. Chất thải y tế
Vấn đề xử lý nước thải y tế trong những năm gần đây được tỉnh quan tâm và chỉ đạo xuyên suốt, các bệnh viện đều thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường, được tỉnh hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhằm đảm bảo nước thải trước khi xả thải vào nguồn tiếp nhận phải đạt quy chuẩn quy định. Mạng lưới y tế trên đại bàn bao gồm[11]:
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh được đầu tư xây dựng từ năm 1997, theo công năng cũ quy mô 300 giường bệnh, sau 2 lần nâng cấp đã đáp ứng được 50% diện tích sàn theo tiêu chuẩn của bệnh viện 750 GB.
- Quy mô giường bệnh tuyến huyện: Tổng số 1.120 GB, trong đó: 350 GB hạng II gồm Trung tâm Y tế các huyện: Vĩnh Tường 220 GB, Lập Thạch 130 GB; 770 giường bệnh hạng II, gồm Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, thị xã: Yên Lạc 150 GB, Tam Dương 150 GB, Bình Xuyên 120 GB, Sông Lô 100 GB, Tam Đảo 90 GB, Vĩnh Yên 90 GB, Phúc Yên 70 GB.
- Các cơ sở hành nghề y dược tư nhân: Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 336 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, gồm: 01 bệnh viện tư nhân, với số giường đăng ký 100 GB hạng III, đạt 0,9 GB tư nhân/vạn dân, thấp hơn so với cả nước (cả nước đạt 1,1 GB tư nhân/ vạn dân, mục tiêu là 1,5). Các cơ sở y tư nhân còn lại gồm các phòng khám đa khoa chiếm 6,45%; phòng khám chuyên khoa 23,7%; các phòng chẩn trị Y học cổ truyền 33,1%; các cơ sở dịch vụ y tế khác chiếm tỷ lệ 36,36%.
Các cơ sở y tế thuộc các bộ, ngành đóng trên địa bàn tỉnh: Trên địa bàn tỉnh có 3 bệnh viện thuộc các bộ, ngành quản lý:
- Bệnh viện 74 Trung ương trực thuộc Bộ Y tế, quy mô 450 giường bệnh, hạng I, trong đó có 30% (khoảng 135 GB) phục vụ nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Bệnh viện có 365 cán bộ, trong đó có 70 bác sỹ, 4 dược sỹ đại học.
- Bệnh viện Quân y 109 trực thuộc Cục Hậu cần - Quân khu 2, quy mô 250 giường bệnh, hạng II, trong đó có một khoa 70 GB điều trị phục vụ nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc; Bệnh viện có 300 cán bộ, trong đó có 60 bác sỹ, 3 dược sỹ đại học.
- Bệnh viện Đa khoa Giao thông vận tải, quy mô 120 giường bệnh, hạng II, trong đó có 30% (khoảng 40 GB) phục vụ nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Bệnh viện có 135 cán bộ, trong đó có 30 bác sỹ, 2 dược sỹ đại học.
Nguồn chất thải ô nhiễm được xác định do nước thải từ cơ sở y tế và nơi chứa chất thải rắn từ các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Nguồn nước thải từ cơ sở y tế gồm nước thải thông thường từ nhà vệ sinh, khu vực rửa dụng cụ, nhà ăn, nước thải từ phẫu thuật, điều trị, khám, chữa bệnh, xét nghiệm, giặt giũ, vệ sinh của người bệnh, nhân viên y tế… bên cạnh đó tuy chiếm một phần nhỏ nhưng nước thải từ hoạt động in chụp X- quang, các chất phóng xạ lỏng và bệnh phẩm là phần nước thải nguy hại chứa rất nhiều chất độc hại, nồng độ kháng sinh và các vi khuẩn gây bệnh cao. Nếu nước thải từ các cơ sở y tế không được xử lý triệt để sẽ gây ảnh hưởng rất xấu đến môi trường nước mặt và nước ngầm tại các khu vực đó. Nguồn từ chất thải rắn bao gồm rác thải sinh hoạt (vô cơ và hữu cơ) và rác thải bệnh viện (bông, băng gạt, kim tiêm,…) nếu không được xử lý đúng cách cũng sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường đất, nước và không khí tại khu vực đó.
3.5. Nguồn gây ô nhiễm là khu nuôi trồng, chế biến thủy sản
Vĩnh Phúc là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Những năm gần đây, phong trào nuôi thủy sản ở các địa phương đã và đang có bước phát triển mạnh cả về diện tích và sản lượng. Hiện toàn tỉnh có hơn 6.800 ha nuôi thủy sản, tập trung chủ yếu ở các huyện: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2019, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh đạt hơn 16.500 tấn, tăng gần 5% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng khai thác đạt hơn 1.500 tấn, giảm gần 2%; sản lượng nuôi trồng đạt hơn 15.000 tấn, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2018[12].
Tuy nhiên, hiện nay, nghề nuôi trồng thủy sản đang chuyển dần từ hình thức nuôi thả tự nhiên, quảng canh sang bán thâm canh, thâm canh, nuôi công nghiệp với quy mô lớn. Trong khi đó, nguồn nước đầu vào trong nuôi trồng thủy sản vẫn đang phải dùng chung với nguồn nước thủy nông đang ngày càng bị ô nhiễm do chất thải trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; nước thải, rác thải sinh hoạt từ các khu dân cư; tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp đã gây tác động tiêu cực đến môi trường nuôi trồng thủy sản, là nguồn phát sinh dịch bệnh, gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi. Thực tế, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tình trạng cá chết do môi trường nước bị ô nhiễm.
Trước thực trạng môi trường nuôi trồng thủy sản ngày càng bị ô nhiễm. Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống và các hộ nuôi trồng thủy sản tổ chức vệ sinh; khử trùng ao, hồ và xử lý môi trường nước bằng vôi, các chế phẩm sinh học đảm bảo yêu cầu, kỹ thuật. Nạo vét, thu gom đổ bùn đúng nơi quy định; sử dụng các thuốc, hóa chất và sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong danh mục được phép sử dụng. Hướng dẫn thu gom, tiêu hủy dụng cụ, bao bì đựng thức ăn, hóa chất,… hướng dẫn xử lý thủy sản bệnh, khử trùng, vệ sinh môi trường ao nuôi sau các đợt mưa bão nhằm làm sạch môi trường; phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT các huyện, thành, thị thả bổ sung giống thủy sản nhằm duy trì, tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học; thanh, kiểm tra việc sử dụng kích điện, thuốc độc, thuốc nổ để khai thác thủy sản; kiểm tra việc mua bán, lưu giữ các sinh vật ngoại lai trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các dự án cải tạo vũng trũng nuôi trồng thủy sản góp phần cải tạo môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, giao thông nội đồng thuận lợi hơn
Bên cạnh đó, nhận thức được công tác quan trắc môi trường ở những nơi nuôi trồng thủy sản trở thành nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết hơn để người nuôi có thể chủ động hơn trong chăm sóc và phòng chống dịch bệnh, hạn chế được những rủi ro trong quá trình sản xuất. Từ năm 2017, Chi cục Thủy sản bắt đầu triển khai kế hoạch quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản để có những biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả; thường xuyên lấy mẫu nước tại các ao nuôi trồng thủy sản để kiểm tra, phát hiện những bất thường, thay đổi về các yếu tố như: Độ PH, oxy hòa tan, nhiệt độ và độ trong để có những dự báo và khuyến cáo kịp thời cho bà con. Việc lấy mẫu quan trắc các thông số như: Nito - Amoni, Photsphat, COD, TSS (tổng chất rắn lơ lửng), thuốc BVTV nhóm Clo hữu cơ… được Chi cục Thủy sản thực hiện định kỳ 1 lần/tháng tại một số vùng nuôi thủy sản và khu ương cá giống tập trung. Các mẫu quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản sẽ được chi cục gửi đi để phân tích. Kết quả quan trắc sẽ được thông tin đến người dân thông qua cơ quan quản lý ở các địa phương. Trong trường hợp các thông số quan trắc vượt ngưỡng, Chi cục Thủy sản sẽ ban hành thêm văn bản hướng dẫn thực hiện các biện pháp cải tạo môi trường ao nuôi phù hợp, tránh phát sinh dịch bệnh, hạn chế xuống mức thấp nhất thiệt hại về kinh tế cho người nuôi. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, chi cục thủy sản đã lấy và gửi đi phân tích gần 30 mẫu nước tại nguồn nước cấp của một số khu vực nuôi thủy sản ở huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc và khu ương cá giống tập trung ở xã Yên Lập, huyện Vĩnh Tường.
Tuy nhiên, do kinh phí và nhân lực có hạn, trong khi đó diện tích nuôi trồng thủy sản ngày càng phát triển lên đến gần 7.000 ha. Vì thế, việc lấy mẫu phân tích gặp phải nhiều khó khăn do địa bàn rộng, chỉ thực hiện theo kế hoạch ở một vài điểm mà chưa có kế hoạch quan trắc thường xuyên, dài hạn.
WB[13] đánh giá ô nhiễm chất lượng nước có thể làm giảm 4,3% GDP mỗi năm, nếu Việt Nam không áp dụng các giải pháp để giải quyết triệt để vấn đề xử lý nước thải thì GDP của Việt Nam sẽ giảm 2,5% vào năm 2035, nếu giải quyết triệt để thì GDP sẽ tăng 2,3%.
4. Nguồn nước của tỉnh phụ thuộc vào nguồn nước liên tỉnh và phân bố không đều theo không gian và thời gian
Vĩnh Phúc có 4 con sông lớn ngoại tỉnh chảy qua, gồm: sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy và sông Cà Lồ. Cùng với nguồn nước được cấp bở các sông, suối và hộ nội tỉnh thì lượng nước hàng năm của các sông ngoại tỉnh là nguồn cấp chính đáp ứng phần lớn cho các nhu cầu về cấp nước dân cư, nông nghiệp, công nghiệp và các nhu cầu dịch vụ khác. Tuy nhiên, các sông này số lượng và chất lượng lại phụ thuộc vào phần diện tích của các tỉnh lân cận của cả phần lãnh thổ nước ngoài, vì vậy luôn tồn tại những rủi ro về chất lượng và thiếu nguồn. Ngoài ra, lượng nước trong 3-5 tháng mùa lũ chiếm tới 70-80%, trong khi đó 7-9 tháng mùa kiệt chỉ xấp xỉ 20-30% lượng nước cả năm cũng là khó khăn trong công tác khai thác và sử dụng nguồn nước đáp ứng nhu cầu cho các ngành.
5. Suy giảm nguồn nước, tác động của biến đổi khí hậu và rủi ro do nước gây ra
5.1. Suy giảm nguồn nước
Tình trạng hạ thấp mực nước sông gây khó khăn trong việc vận hành các trạm bơm tưới ven sông; mực nước các hồ chứa ở mức thấp rất khó khăn cho việc cung cấp cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp. Mực nước tại các sông từ năm 2000 trở đi, mực nước hạ thấp liên tục (Hạ hơn 5m trên sông Hồng tại trạm Sơn Tây và hơn 6m trên sông Lô tại trạm Vụ Quang trên sông Lô), tốc độ hạ nhanh khoảng từ năm 2010 trở lại đây.
Hình 2: Mực nước nhỏ nhất hàng năm trạm thủy văn Sơn Tây
Hình 3: Mực nước nhỏ nhất hàng năm trạm thủy văn Vụ Quang
5.2. Biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu ở tỉnh Vĩnh Phúc thông qua các yếu tố chính sau:
Tác động đến nhiệt độ:
Đến giữa thế kỷ nhiệt độ trung bình năm của kịch bản RCP8.5 có mức tăng phổ biến 2,3 ÷ 2,4oC. Đến cuối thế kỷ, nhiệt độ tăng phổ biến 3,9÷4,0oC, riêng Tam Đảo mức tăng nhiệt độ có thể lên đến 4,2oC (Bảng 4).
Bảng 4: Mức biến đổi nhiệt độ trung bình năm (oC) tại các trạm khí tượng tỉnh Vĩnh Phúc so với thời kỳ cơ sở
Thời kỳ |
Trạm khí tượng |
Kịch bản RCP |
|||
RCP2.6 |
RCP4.5 |
RCP6.0 |
RCP8.5 |
||
Đầu thế kỷ 21 (2016 - 2035) |
Tam Đảo |
0,8 (0,4 ÷ 1,3) |
0,6 (0,2 ÷ 1,1) |
0,6 (0,3 ÷ 1,0) |
1,1 (0,6 ÷ 1,6) |
Vĩnh Yên |
0,8 (0,4 ÷ 1,2) |
0,7 (0,3 ÷ 1,1) |
0,6 (0,3 ÷ 0,9) |
1,1 (0,6 ÷ 1,7) |
|
Giữa thế kỷ 21 (2036 - 2045) |
Tam Đảo |
1,4 (0,9 ÷ 2,1) |
1,8 (1,1 ÷ 2,6) |
1,2 (0,8 ÷ 1,7) |
2,4 (1,6 ÷ 3,4) |
Vĩnh Yên |
1,4 (0,9 ÷ 2,0) |
1,7 (1,2 ÷ 2,5) |
1,3 (0,9 ÷ 1,7) |
2,3 (1,4 ÷ 3,4) |
|
Cuối thế kỷ 21 (2080 -2099) |
Tam Đảo |
1,6 (1,0 ÷ 2,4) |
2,3 (1,5 ÷ 3,2) |
2,5 (1,8 ÷ 3,2) |
4,2 (3,1 ÷ 5,6) |
Vĩnh Yên |
1,6 (1,0 ÷ 2,4) |
2,4(1,7 ÷ 3,5) |
2,5(1,9 ÷ 3,2) |
3,9 (2,9 ÷ 5,8) |
Vào đầu thế kỷ 21 nhiệt độ trung bình mùa đông của kịch bản RCP8.5 có mức tăng phổ biến 1,1 ÷ 1,2oC so với thời kỳ cơ sở. Vào giữa thế kỷ, nhiệt độ tăng xấp xỉ 2,1oC. Đến cuối thế kỷ, mức tăng nhiệt độ là 3,6oC (Bảng 5).
Bảng 5: Mức biến đổi nhiệt độ trung bình năm (oC) tại các trạm khí tượng tỉnh Vĩnh Phúc so với thời kỳ cơ sở
Thời kỳ |
Trạm khí tượng |
Kịch bản RCP |
|||
RCP2.6 |
RCP4.5 |
RCP6.0 |
RCP8.5 |
||
Đầu thế kỷ 21 (2016 - 2035) |
Tam Đảo |
0,8 (0,4 ÷ 1,3) |
0,6 (0,2 ÷ 1,1) |
0,6 (0,3 ÷ 1,0) |
1,1 (0,6 ÷ 1,6) |
Vĩnh Yên |
0,8 (0,4 ÷ 1,2) |
0,7 (0,3 ÷ 1,1) |
0,6 (0,3 ÷ 0,9) |
1,1 (0,6 ÷ 1,7) |
|
Giữa thế kỷ 21 (2036 - 2045) |
Tam Đảo |
1,4 (0,9 ÷ 2,1) |
1,8 (1,1 ÷ 2,6) |
1,2 (0,8 ÷ 1,7) |
2,4 (1,6 ÷ 3,4) |
Vĩnh Yên |
1,4 (0,9 ÷ 2,0) |
1,7 (1,2 ÷ 2,5) |
1,3 (0,9 ÷ 1,7) |
2,3 (1,4 ÷ 3,4) |
|
Cuối thế kỷ 21 (2080 -2099) |
Tam Đảo |
1,6 (1,0 ÷ 2,4) |
2,3 (1,5 ÷ 3,2) |
2,5 (1,8 ÷ 3,2) |
4,2 (3,1 ÷ 5,6) |
Vĩnh Yên |
1,6 (1,0 ÷ 2,4) |
2,4(1,7 ÷ 3,5) |
2,5(1,9 ÷ 3,2) |
3,9 (2,9 ÷ 5,8) |
Các thời kỳ đầu, giữa và cuối thế kỷ 21 nhiệt độ trung bình mùa xuân của kịch bản RCP8.5 mức tăng nhiệt độ phổ biến khoảng 1oC; 2,1 ÷ 2,2oC và 3,7 ÷ 3,9oC so với thời kỳ cơ sở. Tại trạm Tam Đảo có xu thế tăng nhanh hơn so với trạm Vĩnh Yên (Bảng 6).
Bảng 6: Mức biến đổi nhiệt độ trung bình mùa xuân (0C) tại các trạm khí tượng tỉnh Vĩnh Phúc so với thời kỳ cơ sở
Thời kỳ |
Trạm khí tượng |
Kịch bản RCP |
|||
RCP2.6 |
RCP4.5 |
RCP6.0 |
RCP8.5 |
||
Đầu thế kỷ 21 (2016 - 2035) |
Tam Đảo |
0,8 (0,2 ÷ 1,7) |
0,6 (0,0 ÷ 1,2) |
0,6 (0,1 ÷ 1,2) |
1,0 (0,5 ÷ 1,5) |
Vĩnh Yên |
0,9 (0,3 ÷ 1,7) |
0,6 (0,0 ÷ 1,2) |
0,6 (0,2 ÷ 1,1) |
1,0 (0,6 ÷ 1,6) |
|
Giữa thế kỷ 21 (2036 - 2045) |
Tam Đảo |
1,8 (1,0 ÷ 2,4) |
1,6 (0,9 ÷ 2,4) |
1,4 (0,7 ÷ 2,2) |
2,2 (1,1 ÷ 3,4) |
Vĩnh Yên |
1,7 (1,1 ÷ 2,4) |
1,5 (0,9 ÷ 2,2) |
1,4 (0,8 ÷ 2,2) |
2,1 (1,1 ÷ 3,4) |
|
Cuối thế kỷ 21 (2080 -2099) |
Tam Đảo |
1,9 (1,0 ÷ 2,7) |
2,3 (1,4 ÷ 3,4) |
2,6 (1,9 ÷ 3,3) |
3,9 (2,7 ÷ 5,3) |
Vĩnh Yên |
1,9 (1,2 ÷ 2,7) |
2,3 (1,3 ÷ 3,5) |
2,6 (1,9 ÷ 3,3) |
3,7 (2,6 ÷ 5,5) |
Vào đầu thế kỷ 21 nhiệt độ trung bình mùa hè của kịch bản RCP8.5 có thể tăng khoảng 2,5 ÷ 2,6oC. Đến cuối thế kỷ, mức tăng nhiệt độ là đáng kể, phổ biến trên 4,3oC, đặc biệt tại trạm Tam Đảo nhiệt độ có thể tăng lên đến 5oC (Bảng 7).
Bảng 7: Mức biến đổi nhiệt độ trung bình mùa hè (0C) tại các trạm khí tượng tỉnh Vĩnh Phúc so với thời kỳ cơ sở
Thời kỳ |
Trạm khí tượng |
Kịch bản RCP |
|||
RCP2.6 |
RCP4.5 |
RCP6.0 |
RCP8.5 |
||
Đầu thế kỷ 21 (2016 - 2035) |
Tam Đảo |
0,8 (0,5 - 1,2) |
0,7 (0,3 - 1,2) |
0,7 (0,4 - 1,0) |
1,1 (0,5 - 1,5) |
Vĩnh Yên |
0,8 (0,5 - 1,3) |
0,8 (0,4 - 1,3) |
0,7 (0,4 - 1,0) |
1,1 (0,5 - 1,6) |
|
Giữa thế kỷ 21 (2036 - 2045) |
Tam Đảo |
1,3 (0,8 ÷ 2,1) |
2,1 (1,3 ÷ 3,1) |
1,4 (0,9 ÷ 1,9) |
2,6 (1,9 ÷ 3,7) |
Vĩnh Yên |
1,3 (0,8 ÷ 2,0) |
2,0 (1,3 ÷ 3,0) |
1,4 (0,9 ÷ 1,9) |
2,5 (1,4 ÷ 3,7) |
|
Cuối thế kỷ 21 (2080 -2099) |
Tam Đảo |
1,4 (0,7 ÷ 2,3) |
2,9 (2,1 ÷ 3,9) |
2,6 (1,9 ÷ 3,4) |
5,0 (3,6 ÷ 6,5) |
Vĩnh Yên |
1,4 (0,8 ÷ 2,3) |
2,8 (1,9 ÷ 4,0) |
2,6 (1,9 ÷ 3,5) |
4,3 (3,0 ÷ 6,2) |
Vào đầu thế kỷ 21 nhiệt độ trung bình mùa thu của kịch bản RCP8.5 có xu thế tăng nhanh nhất trong các mùa, với mức tăng xấp xỉ 1,2oC so với thời kỳ cơ sở. Tuy nhiên, đến giữa và cuối thế kỷ 21, nhiệt độ tăng chậm hơn so với mùa hè. Vào cuối thế kỷ, mức tăng lớn nhất vào khoảng 4,5oC (Bảng 8).
Bảng 8: Mức biến đổi nhiệt độ trung bình mùa thu (0C) tại các trạm khí tượng tỉnh Vĩnh Phúc so với thời kỳ cơ sở
Thời kỳ |
Trạm khí tượng |
Kịch bản RCP |
|||
RCP2.6 |
RCP4.5 |
RCP6.0 |
RCP8.5 |
||
Đầu thế kỷ 21 (2016 -2035) |
Tam Đảo |
0,8 (0,4 ÷ 1,4) |
0,7 (0,1 ÷ 1,3) |
0,6 (0,3 ÷ 0,9) |
1,2 (0,4 ÷ 2,0) |
Vĩnh Yên |
0,8 (0,5 ÷ 1,2) |
0,8 (0,3 ÷ 1,2) |
0,6 (0,3 ÷ 0,9) |
1,2 (0,6 ÷ 2,1) |
|
Giữa thế kỷ 21 (2036 - 2045) |
Tam Đảo |
1,3 (0,8 ÷ 2,0) |
1,9 (1,2 ÷ 2,7) |
1,3 (0,8 ÷ 1,8) |
2,4 (1,6 ÷ 3,7) |
Vĩnh Yên |
1,2 (0,6 ÷ 1,8) |
1,9 (1,4 ÷ 2,8) |
1,3 (0,8 ÷ 1,7) |
2,4 (1,5 ÷ 3,9) |
|
Cuối thế kỷ 21 (2080 -2099) |
Tam Đảo |
1,4 (0,6 ÷ 2,3) |
2,3 (1,4 ÷ 3,4) |
2,5 (1,8 ÷ 3,3) |
4,5 (3,1 ÷ 6,2) |
Vĩnh Yên |
1,4(0,7 ÷ 2,1) |
2,5(1,7 ÷ 3,5) |
2,5(1,8 ÷ 3,3) |
4,3 (3,0 ÷ 6,0) |
Vào đầu thế kỷ 21 nhiệt độ tối cao trung bình năm ở kịch bản RCP8.5 tăng phổ biến 1,3 ÷ 1,4oC so với thời kỳ cơ sở. Mức tăng lớn nhất có thể lên tới 4,9oC vào cuối thế kỷ 21. Ở khu vực phía Bắc của tỉnh nhiệt độ tăng nhanh hơn so với khu vực phía Nam (Bảng 9).
Bảng 9: Mức biến đổi nhiệt độ tối cao trung bình năm (oC) tại các trạm khí tượng tỉnh Vĩnh Phúc so với thời kỳ cơ sở
Thời kỳ |
Trạm khí tượng |
Kịch bản phát thải |
|||
RCP2.6 |
RCP4.5 |
RCP6.0 |
RCP8.5 |
||
Đầu thế kỷ 21 (2016 - 2035) |
Tam Đảo |
0,8 (0,4 ÷ 1,2) |
0,6 (-0,1 ÷ 1,2) |
0,7 (0,4 ÷ 0,9) |
1,4 (0,7 ÷ 2.0) |
Vĩnh Yên |
0,8 (0,5 ÷ 1,2) |
0,6 (0,0 ÷ 1,2) |
0,7 (0,4 ÷ 0,9) |
1,3 (0,7 ÷ 2.0) |
|
Giữa thế kỷ 21 (2036 - 2045) |
Tam Đảo |
1,6 (1,1 ÷ 2,1) |
2,1 (1,4 ÷ 3.0) |
1,3 (0,9 ÷ 1,8) |
2,7 (1.8 ÷ 4,0) |
Vĩnh Yên |
1,6 (1,1 ÷ 2,1) |
2,1 (1,3 ÷ 3.0) |
1,3 (0,9 ÷ 1,8) |
2,7 (0,7 ÷ 3.9) |
|
Cuối thế kỷ 21 (2080 -2099) |
Tam Đảo |
1,7 (1,0 ÷ 2,5) |
2,9 (1,9 ÷ 4.0) |
2,7 (2,1 ÷ 3,4) |
4,9 (3,6 ÷ 6,6) |
Vĩnh Yên |
1,7 (1,0 ÷ 2,5) |
2,9 (1,9 ÷ 3,9) |
2,7 (2,1 ÷ 3,4) |
4,9 (3,5 ÷ 6,6) |
Vào đầu thế kỷ 21 nhiệt độ tối thấp trung bình năm ở kịch bản RCP8.5 tăng lên khoảng 1 ÷ 1,1oC so với thời kỳ cơ sở. Vào giữa thế kỷ, nhiệt độ có thể tăng khoảng 2,3 ÷ 2,5oC. Đến cuối thế kỷ, mức tăng nhiệt độ là đáng kể, phổ biến trên 4 ÷ 4,2oC, càng về phía Tây nhiệt độ tăng càng nhanh (Bảng 10).
Bảng 10: Mức biến đổi nhiệt độ tối thấp trung bình năm (oC) tại các trạm khí tượng tỉnh Vĩnh Phúc so với thời kỳ cơ sở
Thời kỳ |
Trạm khí tượng |
Kịch bản RCP |
|||
RCP2.6 |
RCP4.5 |
RCP6.0 |
RCP8.5 |
||
Đầu thế kỷ 21 (2016 - 2035) |
Tam Đảo |
0,7 (0,4 ÷ 1,2) |
0,8 (0,4÷ 1,3) |
0,6 (0,3÷ 0,8) |
1,0 (0,7 ÷ 1,5) |
Vĩnh Yên |
0,7 (0,4 ÷ 1,2) |
0,8 (0,4÷ 1,3) |
0,6 (0,3÷ 0,8) |
1,1 (0,7 ÷ 1,6) |
|
Giữa thế kỷ 21 (2036 - 2045) |
Tam Đảo |
1,4 (0,9 ÷ 1,9) |
1,7 (1,1 ÷ 2,6) |
1,2 (0,8 ÷ 1,7) |
2,3 (1,5 ÷ 3,5) |
Vĩnh Yên |
1,4 (0,9 ÷ 1,9) |
1,8 (1,2 ÷ 2,6) |
1,2 (0,8 ÷ 1,7) |
2,4 (1,6 ÷ 3.6) |
|
Cuối thế kỷ 21 (2080 -2099) |
Tam Đảo |
1,4 (0,9 ÷ 2,3) |
2,3 (1,5 ÷ 3,2) |
2,3 (1,7 ÷ 3,2) |
4,0 (3,0 ÷ 5,4) |
Vĩnh Yên |
1,4 (0,9 ÷ 2,3) |
2,4 (1,9 ÷ 3,3) |
2,3 (1,7 ÷ 3,2) |
4,1 (3,1 ÷ 5,5) |
Tác động đến lượng mưa:
Lượng mưa năm theo cả 4 kịch bản RCP đều cho thấy trong các thời kỳ đầu, giữa và cuối thế kỷ 21 lượng mưa năm ở Vĩnh Phúc có xu thế tăng lên so với thời kỳ cơ sở trên phạm vi toàn tỉnh; tuy nhiên mức biến đổi có sự khác biệt khá rõ giữa các kịch bản. Nhìn chung theo kịch bản RCP2.6 và 6.0, mức tăng lượng mưa năm ở các thời kỳ trong thế kỷ 21 đều phổ biến dưới 10%, theo kịch bản RCP4.5 và RCP8.5 mức tăng phổ biến trên 10% (Bảng 11).
Bảng 11: Mức biến đổi lượng mưa năm (%) tại các trạm khí tượng tỉnh Vĩnh Phúc so với thời kỳ cơ sở
Thời kỳ |
Trạm khí tượng |
Kịch bản RCP |
|||
RCP2.6 |
RCP4.5 |
RCP6.0 |
RCP8.5 |
||
Đầu thế kỷ 21 (2016 - 2035) |
Tam Đảo |
3,2 (-2,6 ÷ 8,6) |
14,2 (5,0 ÷23,9) |
1,1 (-5,9 ÷ 8,4) |
11,1 (5,9 ÷ 16,7) |
Vĩnh Yên |
2,9 (-3,1 ÷ 8,4) |
15,1 (5,6 ÷25,0) |
1,0 (-5,9 ÷ 9,0) |
10,5 (4,1 ÷ 17,1) |
|
Giữa thế kỷ 21 (2036 - 2045) |
Tam Đảo |
8,2 (3,6÷13,4) |
17,7 (9,7÷26,4) |
5,8 (1,2÷11,4) |
23,3 (12,7÷33,8) |
Vĩnh Yên |
8,1 (4,3 ÷ 12,8) |
18,4 (11,1 ÷ 26,7) |
6,4 (0,3 ÷ 13,2) |
21,7 (12,3 ÷ 31,2) |
|
Cuối thế kỷ 21 (2080 -2099) |
Tam Đảo |
8,2 (-1 ÷ 15,4) |
22,2 (12,6 ÷ 33,4) |
11,0 (3,0 ÷ 18,5) |
30,9 (18,2 ÷ 42,7) |
Vĩnh Yên |
7,7 (-1,1 ÷ 14,7) |
22,5 (12,4 ÷ 34,4) |
10,6 (2,6 ÷ 18,1) |
30,7 (18,6 ÷ 41,8) |
Lượng mưa mùa đông ở Vĩnh Phúc ở kịch bản RCP8.5 có xu thế tăng nhẹ vào đầu và giữa thế kỷ, với mức tăng khoảng 1 ÷ 6%. Đến cuối thế kỷ, xu thế và phân bố không gian của mức biến đổi mưa mùa đông là tương tự hai thời kỳ trước; tuy nhiên mức tăng là lớn hơn đáng kể, phổ biến 11 ÷ 25% (Bảng 12).
Bảng 12: Mức biến đổi lượng mưa mùa đông (%) tại các trạm khí tượng tỉnh Vĩnh Phúc so với thời kỳ cơ sở
Thời kỳ |
Trạm khí tượng |
Kịch bản RCP |
|||
RCP2.6 |
RCP4.5 |
RCP6.0 |
RCP8.5 |
||
Đầu thế kỷ 21 (2016 - 2035) |
Tam Đảo |
11,1 (-1,0 ÷ 21,6) |
8,9 (-2,9 ÷ 21,4) |
6,5 -5,2 ÷ 18,2) |
1,2 (-10,7 ÷ 14,3) |
Vĩnh Yên |
10,7 (-3,5 ÷ 22,8) |
14,3 (2,0 ÷ 28,0) |
5,8 (÷6,3 ÷ 16,6) |
6,4 ( -6,7 ÷ 20,9) |
|
Giữa thế kỷ 21 (2036 - 2045) |
Tam Đảo |
15,2 (1,1 ÷ 27,5) |
3,9 (-5,3 ÷ 12,3) |
7,0 (-1,7 ÷ 18,1) |
1,0 (-12,9 ÷ 16,4) |
Vĩnh Yên |
15,3 (1,1 ÷ 27,2) |
6,8 (-3,5 ÷ 16,5) |
7,7 (-3,5 ÷ 20,7) |
3,5 (-11,4 ÷ 19,6) |
|
Cuối thế kỷ 21 (2080 -2099) |
Tam Đảo |
22,7 (9,7 ÷ 36,0) |
-7,2 (-17,8 ÷ 4,7) |
16,2 (-1,8 ÷ 30,5) |
11,2 (-2,6 ÷ 26,2) |
Vĩnh Yên |
21,5 (6,9 ÷ 36,9) |
-1,2 (-11,5 ÷ 9,9) |
16,8 (-2,5 ÷32,3) |
24,4 (10,2 ÷ 39,5) |
Vào đầu thế kỷ 21 lượng mưa mùa xuân trong ở kịch bản RCP8.5 có xu thế biến đổi giảm khoảng 8 ÷ 9%. Đến giữa thế kỷ, lượng mưa có xu thế tăng, phổ biến 6 ÷ 7%. Cuối thế kỷ, mức tăng lượng mưa phổ biến từ 10÷ 15% (Bảng 13).
Bảng 13: Mức biến đổi lượng mưa mùa xuân (%) tại các trạm khí tượng tỉnh Vĩnh Phúc so với thời kỳ cơ sở
Thời kỳ |
Trạm khí tượng |
Kịch bản RCP |
|||
RCP2.6 |
RCP4.5 |
RCP6.0 |
RCP8.5 |
||
Đầu thế kỷ 21 (2016 - 2035) |
Tam Đảo |
-4,3 (-15,7 ÷ 5,8) |
-5,4 (-10,7 ÷ - 0,2) |
-6,9 (-14,7 ÷ 0,9) |
-8,1 (-15,8 ÷ - 0,8) |
Vĩnh Yên |
-3,9 (-15,4 ÷ 5,4) |
-7,5 (-12,5 ÷ - 2,7) |
-7,1 (-15,1 ÷ 0,5) |
-8,3 (-15,6 ÷- 1,1) |
|
Giữa thế kỷ 21 (2036 - 2045) |
Tam Đảo |
-4,5 (-11,3 ÷ 3,3) |
9,9 (0,1 ÷ 18,9) |
-2,7 (-16,7 ÷ 9,0) |
7,5(2,0÷13,2) |
Vĩnh Yên |
-3,4 (-11,3 ÷ 4,6) |
9,9 ( -0,2 ÷ 19,9) |
-2,1 (- 17,0÷10,1) |
6,5 (-0,3÷13,4) |
|
Cuối thế kỷ 21 (2080 -2099) |
Tam Đảo |
2,3 (-11,2 ÷ 14,0) |
12,5 (7,1÷18,2) |
-3,1 (- 12,1÷4,9) |
10,1 (- 1,8÷21,8) |
Vĩnh Yên |
2,5 (- 10,8÷14,6) |
10,8 (6,5÷15,4) |
-3,2 (- 12,6÷5,8) |
15,2 (0,5÷29,4) |
Ở kịch bản RCP8.5, lượng mưa mùa hè có xu thế tăng lên trên phạm vi toàn tỉnh, đồng thời càng về cuối thế kỷ, lượng mưa tăng càng nhanh. Cụ thể, vào đầu thế kỷ mức tăng lượng mưa phổ biến 16 ÷ 19%; đến giữa thế kỷ tăng 26 ÷ 31%; 28 ÷ 32% (Bảng 14).
Bảng 14: Mức biến đổi lượng mưa mùa hè (%) tại các trạm khí tượng tỉnh Vĩnh Phúc so với thời kỳ cơ sở
Thời kỳ |
Trạm khí tượng |
Kịch bản RCP |
|||
RCP2.6 |
RCP4.5 |
RCP6.0 |
RCP8.5 |
||
Đầu thế kỷ 21 (2016 - 2035) |
Tam Đảo |
1,6 (-5,7 ÷ 7,5) |
18,4 (9,3 ÷ 27,5) |
-0,1 (-9,2 ÷ 9,5) |
18,5 (11,7 ÷ 25,2) |
Vĩnh Yên |
1,4 (-6,1 ÷ 7,4) |
17,6 (8,4 ÷ 26,3) |
-0,1 (-9,5 ÷ 9,8) |
15,9 (8,0 ÷ 23,3) |
|
Giữa thế kỷ 21 (2036 - 2045) |
Tam Đảo |
6,7 (-0,7 ÷13,4) |
23,6 (14,0 ÷32,7) |
5,8 (- 1,6÷13,3) |
30,7 (21,3÷41,3) |
Vĩnh Yên |
6,6 (-0,5 ÷ 12,7) |
21,9 (14,3÷28,7) |
6,0 (- 2,8÷15,5) |
26,4 (19,6÷34,0) |
|
Cuối thế kỷ 21 |
Tam Đảo |
5,0 (- 5,2÷13,5) |
21,3 (10,4÷33,6) |
10,1 (- 0,1÷19,8) |
31,9 (27,8 ÷ 36,0) |
(2080 -2099) |
Vĩnh Yên |
4,7 (- 5,1÷13,8) |
19,9 (9,6÷31,6) |
9,4 (- 0,8÷18,6) |
28,0 (22,8 ÷ 33,5) |
Ở kịch bản RCP8.5, đầu thế kỷ 21, lượng mưa mùa thu có xu thế tăng, phổ biến 13 ÷ 15%. Vào giữa thế kỷ, mức tăng lượng khoảng từ 26 ÷ 30%. Đến cuối thế kỷ, lượng mưa có xu thế tăng nhanh, phổ biến từ 50÷ 60%. Tại trạm Vĩnh Yên lượng mưa có xu thế tăng nhanh hơn so với trạm Tam Đảo (Bảng 15).
Bảng 15: Mức biến đổi lượng mưa mùa thu (%) tại các trạm khí tượng tỉnh Vĩnh Phúc so với thời kỳ cơ sở
Thời kỳ |
Trạm khí tượng |
Kịch bản RCP |
|||
RCP2.6 |
RCP4.5 |
RCP6.0 |
RCP8.5 |
||
Đầu thế kỷ 21 (2016 - 2035) |
Tam Đảo |
10,5 (-6,2 ÷ 29,5) |
22,8 (1,6 ÷ 45,6) |
5,8 (-11,4 ÷25,3) |
13,2 (-1,8 ÷ 28,1) |
Vĩnh Yên |
11,2 (-6,0 ÷ 31,4) |
31,8 (7,3 ÷ 58,8) |
7,2 ( -9,8 ÷ 26,9) |
16,1 (-4,1 ÷ 36,3) |
|
Giữa thế kỷ 21 (2036 - 2045) |
Tam Đảo |
17,4 (- 1,0÷31,0) |
14,5 ( - 2,6÷33,6) |
3,4 (- 12,5÷17,4) |
26,0 (- 1,5÷51,8) |
Vĩnh Yên |
18,5 (- 0,1÷31,3) |
21,1 (- 0,1÷44,4) |
5,3 (- 10,2÷18,8) |
30,1 (1,8÷57,2) |
|
Cuối thế kỷ 21 (2080 - 2099) |
Tam Đảo |
16,2 (- 1÷29,8) |
39,6 (15,2÷66,6) |
17,7 (3,4÷32,4) |
53,4 (3÷ 98,7) |
Vĩnh Yên |
15,9 (0÷30,1) |
47,8 (17,7÷81,2) |
18,9 (4,3÷35,2) |
58,1(1,7÷109,1) |
Tác động đến lũ ngập:
Tỉnh Vĩnh Phúc có điều kiện địa hình tương đối phức tạp, hướng dốc từ Tây Bắc xuống Đông Nam, phần lớn diện tích phía Bắc là vùng núi, đồi (huyện Tam Dương, Tam Đảo, Bình Xuyên) cao độ phổ biến từ 300m đến 700m phía Nam và Đông Nam là vùng đất thấp, trũng, cao độ phổ biến từ +10,0m đến +12,0m (huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên, Vĩnh Yên) và các vùng trũng có cao độ +5,0 ~ 8,0m.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh chia làm 03 vùng tiêu, gồm có 300 km kênh tiêu trục chính và khoảng 400 km kênh tiêu nhánh, 40 cống tiêu qua đê, hàng trăm cống tiêu nội đồng, 06 trạm bơm tiêu nội đồng để giải quyết tiêu cục bộ.
- Vùng 1: Vùng Sông Lô, Phó Đáy, diện tích lưu vực 483,08 km2, hướng tiêu thoát chủ yếu là tiêu tự chảy ra sông Lô, Phó Đáy.
- Vùng 2: Vùng bãi Yên Lạc, Vĩnh Tường (nằm ngoài đê sông Hồng) diện tích lưu vực 39,74 Km2 tiêu tự chảy ra sông Hồng.
- Vùng 3: Vùng lưu vực sông Phan - Cà Lồ: Có lưu vực lớn nhất, toàn bộ lượng nước mưa trên diện tích 715,8 km2 chiếm gần hai phần ba diện tích tự nhiên trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Theo tự nhiên, đây là dòng thu gom tiêu thoát trải dài qua 7 huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh, Lưu vực này được chia làm hai tiểu lưu vực gồm:
+ Lưu vực sông Phan có diện tích 395 km2 chảy dọc qua 4 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh;
+ Lưu vực sông Cà Lồ có diện tích 320,8 km2 chảy dọc qua 3 huyện, thị xã, chủ yếu bắt nguồn từ sườn Tây của dãy Tam Đảo, phía thượng lưu có các hồ điều tiết như Xạ Hương, Làng Hà, Bản Long, Lập Đinh, Thanh Lanh, Đại Lải và các sông Cầu Bòn, sông Tranh, sông Bá Hanh, sông Đồng Đò và sông Cà Lồ và Cà Lồ cụt.
Do địa hình toàn bộ lưu vực là vùng trũng kết hợp năng lực tiêu thoát yếu do chưa có trạm bơm động lực tiêu thoát ra sông Hồng và sông Phó Đáy. Các trạm bơm như Cao Đại, Đầm Cả, Tam Báo, Thường Lệ chỉ giải quyết tiêu cục bộ, dồn nước vào các vị trí khác, nên tình hình úng ngập xảy ra thường xuyên, nhất là hiện nay tốc độ công nghiệp hóa nhanh, các khu công nghiệp mới được hình thành đã làm giảm diện tích hồ chứa và vùng tiêu tự nhiên nên vấn đề ngập úng trong mùa mưa lại càng trở nên gay gắt hơn.
Hiện nay khoảng 80% lưu vực tiêu của tỉnh được tiêu thoát qua hệ thống sông Phan - Cà Lồ. Khi khu vực đầu nguồn sông Cầu có mưa, mực nước lên cao nước sẽ dồn ngược về Vĩnh Phúc, khi đó toàn bộ lượng nước trên lưu vực Sông Phan - Cà Lồ sẽ bị ứ đọng, gây úng ngập cho phần lớn diện tích canh tác, hệ thống hạ tầng, giao thông và vùng trũng, thấp.
Vì vậy, vấn đề gây ngập úng tập trung chủ yếu ở các vùng trũng của các huyện Bình Xuyên, Yên Lạc, Vĩnh Tường, thành phố Vĩnh Yên và thành phố Phúc Yên.
Chiều dài lưu vực sông Phan và sông Cà Lồ thoát nước trên địa bàn tỉnh là 86,2km nhưng không có hướng tiêu thoát ra bên ngoài (chỉ thu nước và tiêu nước từ các hồ chứa). Chiều dài sông từ điểm xa nhất của sông Phan-Cà Lồ đến cửa Phúc Lập Phương có khoảng cách là 140 km (nếu vận tốc dòng chảy bình quân 1m/s thì từ điểm xa nhất đến cửa ra sông Cầu mất gần 2 ngày). Toàn bộ nước trong vùng đang được đổ dồn về lưu vực sông Phan và sông Cà Lồ để tiêu tự chảy ra cổng Phúc Lập Phương của Sông Cầu.
Dưới tác động của BĐKH, lũ cũng gây ngập lụt hệ thống giao thông. Theo đánh giá đối với kịch bản RCP8.5, tỷ lệ % ngập đối với giao thông được phân thành 3 cấp: cấp 1 < 0,5m; cấp 2 từ 0,5-1,0m; cấp 3 > 1,0m.
Hình 4: Phân vùng tiêu thoát nước tỉnh Vĩnh Phúc
Đến thời kỳ 2020, ở Tp Vĩnh Yên, Huyện Lập Thạch, có tỷ lệ chiều dài của loại đường QL2, đường Mê Linh ngập hoàn toàn đối với cấp ngập 3. Một số loại đường như 601, 602 bị ngập rất ít.
Đến thời kỳ 2030, ở huyện Bình Xuyên, huyện Yên Lạc huyện Vĩnh Tường, có tỷ lệ chiều dài của đường 302, 303, 304 không ngập ở cấp 1, 2 nhưng có khả năng ngập đối với cấp ngập 3. Các đường 306, 307 chiều dài ngập rất nhỏ ở huyện Lập Thạch. Đường sắt đi qua TP Phúc Yên cũng có khả năng ngập khi ở cấp ngập 3.
Thời kỳ 2050, các đường 307, 308, 309 ở huyện Lập Thạch, TP Phúc Yên, huyện Vĩnh Tường bị ngập ở cấp 1, 2. Tỷ lệ % loại đường sắt đi qua thành phố Vĩnh Yên, TP Phúc Yên có khả năng bị ngập ở cấp ngập 3 rất lớn (từ 54%-100%).
Thời kỳ 2100, các đường 2C, 301, 302, 310 ở TP Vĩnh Yên, Huyện Lập Thạch có tỷ lệ ngập rất lớn (từ 15%-58%).
IV. NGUYÊN NHÂN
1. Bất cập trong thể chế, giao thoa giữa chính sách và tổ chức thực hiện trong thực tế
1.1. Về phân công trách nhiệm quản lý giữa Bộ, Ban, ngành
Công tác xây dựng thể chế mặc dù đã cơ bản hoàn thiện, từng bước đáp ứng được yêu cầu quản lý. Tuy nhiên, một số chính sách liên quan đến đảm bảo an ninh tài nguyên nước, đảm bảo nguồn nước ăn uống và sinh hoạt; liên quan đến bảo đảm cảnh quan và lưu thông dòng chảy của dòng sông, ao hồ còn thiếu và chưa cụ thể,… Bên cạnh đó, việc tổ chức triển khai, đưa các chính sách vào cuộc sống còn chậm và thiếu đồng bộ gữa trung ương và địa phương và giữa các địa phương, một số chính sách đã được ban hành nhiều năm, nhưng chưa được triển khai thực hiện có hiệu quả. Đồng thời có sự giao thoa giữa chính sách và thực thi giữa quy định và triển khai trong thực tế còn không thống nhất.
Việc tăng cường năng lực tổ chức thực thi pháp luật tuy đã được quan tâm nhưng vẫn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ; Việc bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng nước nhiều vùng chưa có quy hoạch, kế hoạch hợp lý. Tài nguyên nước chưa được quan tâm đúng mức trong việc xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phát triển của các ngành; việc triển khai các hoạt động điều phối, giám sát, quản lý tổng hợp chưa đi vào thống nhất.
Các vấn đề mang tính liên ngành, liên tỉnh, địa phương như: quy hoạch, phát triển, bảo vệ nguồn sinh thủy; bảo vệ nguồn nước trong quá trình thực hiện các dự án thủy điện, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản,… chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chưa làm rõ được đối tượng quản lý về nguồn nước và công trình thủy lợi giữa lĩnh vực tài nguyên nước và thủy lợi.
Mặc dù đã có sự phân công trách nhiệm giữa các ngành về quản lý tài nguyên nước, song trên thực tế còn chồng chéo về nhiệm vụ và bất cập trong phối hợp giữa các cơ quan. Cơ chế phối hợp (cả trong xây dựng chính sách và triển khai thực hiện) giữa các Sở/ngành đối với các hoạt động có liên quan đến bảo vệ môi trường. tài nguyên nước trên lưu vực sông còn chưa đồng bộ và còn giao thoa, chồng lấn, nhất là giữa lĩnh vực tài nguyên nước, thủy lợi, đặc biệt là việc thực thi trong thực tiễn gây lúng túng trong thời gian qua, cụ thể:
- Điều tra cơ bản: Theo quy định tại Luật Tài nguyên nước và Luật Thủy lợi thì nội dung: Thu thập thông tin, quan trắc, giám sát về số lượng, chất lượng nước, hạn hán, thiếu nước,... trong lĩnh vực thủy lợi có sự chồng lấn với nội dung về điều tra cơ bản trong lĩnh vực tài nguyên nước;
- Quản lý hoạt động khai thác, sử dụng nước: theo Luật Tài nguyên nước và Nghị định 201/2013/NĐ-CP thì việc khai thác nước tại nguồn nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép. Theo Điều 30 Luật Thủy lợi thì việc khai thác nước trong công trình thủy lợi sẽ thực hiện theo hình thức hợp đồng với tổ chức, cá nhân vận hành công trình thủy lợi. Thực tế, hầu hết các công trình thủy lợi có hoạt động khai thác nước thuộc trường hợp phải có giấy phép nhưng mới chỉ có một số ít công trình thủy lợi có giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước;
- Quản lý hồ chứa: Luật Tài nguyên nước quy định đối với các dự án xây dựng hồ chứa trên sông, suối phải có các hạng mục công trình để bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu. Tuy nhiên, đối với các công trình hồ chứa thủy lợi, Luật Thủy lợi không yêu cầu phải có hạng mục này và cũng không dẫn chiếu áp dụng pháp luật khác;
- Sự thống nhất, đồng bộ trong quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng, bảo vệ và hạn chế tác hại do nước gây ra giữa các đối tượng khai thác, sử dụng nước, giữa cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ quản lý nước, giữa các ngành có khai thác, sử dụng nước còn hạn chế (thiếu thông tin, dữ liệu; chưa có tiếng nói chung, chưa cân bằng lợi ích);
- Về hành lang bảo vệ nguồn nước: phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đối với công trình hồ chứa thủy lợi trong lĩnh vực tài nguyên nước (quy định tại Điều 31 Luật Tài nguyên nước và được cụ thể hóa trong Nghị định số 43/2015/NĐ-CP) có những giao thoa với phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi (bao gồm công trình và vùng phụ cận) trong lĩnh vực thủy lợi (quy định tại Điều 40 Luật thủy lợi và Nghị định hướng dẫn thi hành luật);
- Còn có sự giao thoa trong công tác điều hòa, phân bổ nguồn nước nước trong mùa kiệt giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường (khoản 3 Điều 54, điểm b khoản 2 Điều 70 và Điều 72 Luật Tài nguyên nước) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (điểm c Điều 56 Luật Thủy lợi).
1.2. Về hệ thống chính sách, quy định pháp luật
Khung pháp lý về tài nguyên nước đã được xây dựng và từng bước hoàn thiện qua các giai đoạn để đáp ứng các yêu cầu trong công tác quản lý tài nguyên nước. Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã quy định các chính sách cơ bản để đạt được cách tiếp cận tổng hợp tài nguyên nước và hướng tới khai thác, sử dụng, phát triển bền vững tài nguyên nước. Bên cạnh đó, quản lý nguồn nước và bảo vệ môi trường nước lưu vực sông còn được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật khác như: Luật Quy hoạch, Luật Thủy sản, Luật Đầu tư, Luật Phí và lệ phí, Luật Đất đai, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Đê điều.
Mặc dù hệ thống các chính sách, quy định pháp luật được phát triển và hoàn thiện qua thời gian đã góp phần quan trọng đem lại những thành tựu nhất định trong công tác quản lý, bảo vệ nguồn nước, tuy nhiên thực tế cũng cho thấy có những chính sách, quy định có tính hiệu lực, hiệu quả chưa cao, hoặc còn thiếu tính thống nhất, dẫn đến những hạn chế, bất cập:
- Trong khai thác, sử dụng nước:
+ Các quy định, hướng dẫn về hiệu suất, định mức sử dụng nước; tái sử dụng nước;… trong các lĩnh vực, ngành sử dụng nước còn chưa đầy đủ, dẫn đến hiệu suất sử dụng nước thấp, tỷ lệ tái sử dụng nước thải chưa cao.
+ Các cơ chế tài chính, công cụ kiểm soát, giám sát chưa hiệu quả; chưa thực sự đảm bảo giá trị kinh tế của sản phẩm nước; chưa khuyến khích một cách tích cực nhất các thành phần kinh tế phát triển tài nguyên nước, làm các dịch vụ về nước.
+ Các chế tài xử phạt trong khai thác, sử dụng nguồn nước còn thấp.
- Trong công tác quản lý, vận hành các hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ:
Trong thời gian qua, nhất là những năm xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, mặc dù gặp khó khăn về nguồn nước, nhưng có thể thấy rằng các hồ chứa, đập dâng, trạm bơm,… do các Công ty Khai thác công trình thủy lợi quản lý, vận hành đều được các Công ty này vận hành tốt, đảm bảo sử dụng hợp lý nguồn nước cấp từ các hồ chứa, cấp đủ nước cho nông nghiệp, sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Mặc dù vào đầu mùa cạn, phần lớn các hồ đều tích đủ nước, nhưng do vận hành chưa hợp lý dẫn đến nhiều hồ chứa, đập dâng không còn đủ nguồn nước cấp an toàn cho tưới và cho các mục đích khác trong thời gian còn lại của mùa cạn. Việc quản lý vận hành nhiều hồ chứa, đập dâng còn theo kinh nghiệm và nhiều hồ không có quy trình, các cán bộ vận hành đều không có chuyên môn, không được đào tạo bài bản và chủ yếu vận hành bằng cảm tính, không có tính toán, cân đối nguồn nước, do đó hiệu quả của việc vận hành hồ để đảm bảo tưới hợp lý, tiết kiệm không cao.
Kế hoạch khai thác, sử dụng nước của các ngành còn chưa thực sự chủ động và còn bất cập; Hạ tầng kết cấu thủy lợi thiếu đồng bộ, nhiều công trình đã xuống cấp chưa được nâng cấp cải tạo (như Đập Liễn Sơn, Trạm bơm Đại Định, Bạch Hạc cũ và hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng); nhiều hồ, đập nhỏ có nguy cơ mất an toàn chưa được quan tâm đầu tư nâng cấp.
Trước những tồn tại, bất cập, áp lực và thách thức hiện nay đối với môi trường, tài nguyên nước, hệ thống chính sách, quy định pháp luật phải được rà soát, bổ sung và sửa đổi để hướng tới một hệ thống phát triển bền vững, thích ứng và an toàn.
2. Điều tra cơ bản chưa đồng bộ, đầy đủ; thiếu cơ sở dữ liệu; mức độ kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu và chuyển đổi số hạn chế
Chưa thực hiện được việc kiểm kê tài nguyên nước; chưa thực hiện được công tác thống kê, kiểm kê khai thác sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu tài nguyên nước. Hệ thống dữ liệu tài nguyên nước hiện có chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, dẫn đến công tác dự báo sớm tình hình hạn hán, thiếu nước, ô nhiễm còn khó khăn.
Mạng lưới trạm quan trắc, giám sát tài nguyên nước còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu đánh giá số lượng, chất lượng và dự báo diễn biến tài nguyên nước, chưa đảm bảo chủ động trong việc kiểm soát nguồn nước ở nhiều khu vực. Công nghệ, thiết bị, kỹ thuật điều tra, đánh giá tài nguyên nước còn lạc hậu.
Cơ sở dữ liệu, thông tin, số liệu điều tra, đánh giá, quan trắc tài nguyên nước còn phân tán và chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý tài nguyên nước, nhất là phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, công tác dự báo; chế độ báo cáo, cung cấp dữ liệu, thông tin về tài nguyên nước, về khai khác, sử dụng nước của các ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân chưa được coi trọng.
Chưa điều tra, đánh giá sức chịu tải và phân vùng chất lượng nước và Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt trên các lưu vực sông. Trên cơ sở đó, chủ động tổ chức việc điều hòa, phân bổ nguồn nước, các biện pháp ứng phó cụ thể cho từng mức độ ô nhiễm, …
3. Nguồn lực đầu tư cho phát triển ngành nước còn hạn chế
Đầu tư kinh phí cho các hoạt động điều tra cơ bản, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước, các hoạt động bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống suy thoái, cạn kiệt tài nguyên nước chưa tương xứng với nhiệm vụ và yêu cầu để phục vụ công tác quản lý.
Đầu tư và tài chính ngành nước đang thiếu hụt so với nhu cầu, thiếu cơ chế thu hút nguồn tài chính từ khối tư nhân; các công cụ kinh tế áp dụng trong cấp nước, xả nước thải, khai thác, sử dụng nước, chính sách thủy lợi phí còn thiếu, chưa phát huy tác dụng khuyến khích và điều tiết việc khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, bền vững cũng như phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm nước hiệu quả.
Nhân lực, kinh nghiệm cán bộ và cơ sở vật chất của lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động các nguồn lực của xã hội tham gia bảo vệ và phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.
Đối các cụm công nghiệp, năng lực quản lý, tài chính của các chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp còn rất hạn chế, chưa thực sự trú trọng đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp nói chung, các công trình thu gom, xử lý nước thải nói riêng.
4. Ý thức về chấp hành pháp luật hạn chế
Nhận thức về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả của các cấp, các ngành và tổ chức, cộng đồng còn thấp dẫn tới việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước còn lãng phí và chưa đạt hiệu quả cả về mặt kinh tế và bảo vệ tài nguyên. Một số chính quyền địa phương chưa chú trọng đúng mức công tác tổ chức tập huấn và tuyên truyền cho tổ chức, cá nhân và nhân dân việc tuân thủ pháp luật về tài nguyên nước.
Công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật về tài nguyên nước chưa được thường xuyên. Chưa có tổ chức thanh tra chuyên ngành về tài nguyên nước, lực lượng cán bộ đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ, chuyên môn còn hạn chế nên công tác thanh tra, kiểm tra chưa được sâu sát và hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Tài nguyên nước, các đơn vị quản lý vận hành các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa thủy lợi còn thực hiện chưa nghiêm túc các yêu cầu như:
- Chưa tổ chức tốt công tác tính toán và dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa cũng như việc quan trắc, giám sát lưu lượng khai thác, sử dụng của các công trình. Chưa có phương án về bố trí thiết bị để vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước;
- Chưa lắp đặt được hệ thống quan trắc, giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước tự động theo quy định tại Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT ngày 07/11/2017 đối với các hồ chứa thuộc đối tượng phải thực hiện quan trắc, giám sát theo quy định;
- Chưa lập hành lang bảo vệ nguồn nước các hồ chứa theo quy định của Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 đối với các hồ chứa thuộc đối tượng phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước;
- Chưa lập hồ xin cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Phần thứ III
QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP ĐỀ ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG LƯU VỰC SÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO
1. Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông tỉnh Vĩnh Phúc có tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững đối với 07 huyện và 02 thành phố; là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, thường xuyên, đòi hỏi phải tập trung các nguồn lực đầu tư với những quyết tâm cao của chính quyền và nhân dân địa phương.
2. Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông phải được giải quyết tổng thể, thống nhất trên toàn tỉnh với sự kết hợp hài hòa theo địa giới hành chính của 9 huyện, thành phố; đi đôi với việc gìn giữ chất lượng, trữ lượng nguồn nước và bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững.
3. Lấy phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và ngăn chặn suy thoái môi trường là chính; kết hợp xử lý, khắc phục từng bước các điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên toàn tỉnh, đặc biệt là những nguồn nước được sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt.
4. Ưu tiên thực hiện Đề án sông trong sự lồng ghép với ứng phó với Biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, gắn kết giữa các huyện thành phố trên lưu vực.
5. Đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường quản lý nhà nước và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, triển khai giải pháp truyền thống thích hợp để xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái; phát huy nội lực kết hợp với mở rộng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế để bảo vệ tốt môi trường và phòng chống suy thoái nguồn nước.
6. Các cơ sở sản xuất trên lưu vực xây dựng mới buộc phải áp dụng công nghệ sạch, ít gây ô nhiễm và thân thiện với môi trường. Đối với chất thải của các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, khu chế xuất phải được xử lý, bảo đảm đạt tiêu chuẩn môi trường mới được xả, thải ra ra môi trường.
II. ĐỐI TƯỢNG PHẠM VI
1. Đối tượng: các đối tượng liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng; xả thải, bảo vệ nguồn nước; phòng, chống tác hại do nước gây ra.
2. Phạm vi: lưu vực sông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
III. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Chủ động phòng ngừa ô nhiễm nguồn nước, phòng chống thảm họa thiên tai liên quan đến nước, bảo tồn hệ sinh thái, đảm bảo quốc phòng và an ninh với chi phí hợp lý thông qua việc thực hiện đổi mới thể chế, chính sách có tính chất then chốt. Đồng thời thực hiện các biện pháp công trình, phi công trình nhằm chủ động bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, ứng phó với các sự cố cạn kiệt, suy thoái nguồn nước, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nước từ nước ngoài, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, quản trị ngành nước, môi trường trên cơ sở chuyển đổi số.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025
a) Nâng cao hiệu quả quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên nền tảng quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông, kết hợp với kết quả điều tra cơ bản, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và giám sát tài nguyên nước theo thời gian thực;
b) Giảm sự phụ thuộc nguồn nước từ các nguồn nước liên tỉnh và tối ưu hóa lợi ích do nguồn nước này mang lại; tập trung phát triển nguồn nước, điều tiết nước, nâng cao hiệu quả sử dụng nước; cải thiện, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm, ứng phó với biến đổi khí hậu;
c) Tiếp tục đổi mới thể chế, chính sách theo hướng xã hội hóa ngành nước, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư, xây dựng các dự án trong việc phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt; xác định giá nước cho các mục đích sử dụng theo hướng tính đúng, tính đủ; quản lý hoạt động dịch vụ cấp nước; tích hợp các quy định về quản lý nước trong một quyết định/quy định về nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước;
d) Phấn đấu đạt một số chỉ tiêu về môi trường, an ninh tài nguyên nước như sau:
- Hoàn thành 100% cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối ở các đô thị, khu dân cư tập trung; Hoàn thành 100% cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với hồ tự nhiên, hồ nhân tạo có dung tích từ 1 triệu m3 và 50% đối với các sông suối nội tỉnh có khu dân cư.
- Kiểm soát 100% các hoạt động khai thác, sử dụng nước công trình quy mô lớn;
- 100% các đoạn sông nội tỉnh tỉnh chảy qua các khu dân cư tập trung, khu công nghiệp được công bố khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải;
- 100% lưu vực sông lớn, quan trọng có hệ thống quan trắc, giám sát;
- Tỷ lệ cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung vận hành đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường đạt 60%.
- Tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường đạt 100%;
- Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định: >30 % đối với đô thị loại II trở lên; 10% đối với đô thị còn lại.
- Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt quy chuẩn môi trường ở khu vực đô thị đạt 97% và khu vực nông thôn đạt 80%;
- Hoàn thành hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lụt, hạn hán và các tác hại khác do nước gây ra đối với các sông nội tỉnh;
- Hoàn thành xây dựng phân vùng và lập bản đồ phân vùng nguy cơ ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất dưới tác động của BĐKH trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và đề xuất các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường
3. Mục tiêu đến năm 2030 và những năm tiếp theo
a) Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách bảo vệ môi trường, tài nguyên nước; quản trị ngành nước trên nền tảng công nghệ số theo quy định pháp luật;
b) Về cơ bản chủ động được nguồn nước, dự báo, điều tiết nước, phòng ngừa lũ lụt, hạn hán, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu;
c) Hoàn thiện, vận hành ổn định, có hiệu quả hệ thống theo dõi, đánh giá môi trường, tài nguyên nước;
d) Phấn đấu đạt một số chỉ tiêu về môi trường, an ninh tài nguyên nước như sau:
- Hoàn thành 100% cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với hồ tự nhiên, hồ nhân tạo còn lại năm trong danh mục và 100% đối với các sông suối liên tỉnh có khu dân cư.
- Tỷ lệ cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung vận hành đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường đạt 100%;
- Tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường đạt 100%;
- Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định: >50 % đối với đô thị loại II trở lên; 20 % đối với đô thị còn lại.
- Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt quy chuẩn môi trường ở khu vực đô thị đạt 100% và khu vực nông thôn đạt 90%;
IV. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2025
1.1. Ban hành Quy chuẩn địa phương
- Tăng cường hoàn thiện, đổi mới cơ chế, chính sách, cơ chế tài chính về môi trường, tài nguyên nước nước theo hướng quản trị thông minh; thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển ngành nước và điều chỉnh nhu cầu sử dụng nước theo hiệu quả sử dụng nước;
- Rà soát, sửa đổi bổ sung thể chế, chính sách theo hướng: tích hợp các quy định về quản lý nước, môi trường trong một quy định pháp luật về nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý; quản lý hoạt động dịch vụ cấp nước; đồng thời tách bạch quản lý tổng hợp thống nhất về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước (công trình thủy lợi, cấp nước đô thị, nông thôn, cấp nước công nghiệp dịch vụ, giao thông thủy...);
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn về cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, định mức sử dụng nước, khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải;
- Đổi mới cơ chế tài chính:
+ Tăng cường sử dụng các công cụ kinh tế trong việc ngăn ngừa, xử lý ô nhiễm nguồn nước; khai thác, sử dụng tài nguyên nước; xã hội hóa việc cung ứng các dịch vụ nước;
+ Rà soát, bổ sung hoàn chỉnh chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng, thuế, phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo hướng tính đúng, tính đủ giá trị của tài nguyên nước;
+ Thu hút, huy động các nguồn lực tài chính từ mọi thành phần trong xã hội; khuyến khích các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), các tổ chức tham gia vào việc cung cấp tài chính cho các chương trình, nhiệm vụ, dự án nhằm đảm bảo bảo vệ môi trường và phát triển bền vững tài nguyên nước;
+ Ưu tiên vốn ODA cho các dự án bảo vệ môi trường, phát triển tài nguyên nước phục vụ phòng, chống giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
1.2. Cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối, kênh, rạch, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo:
- Triển khai cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với các đoạn sông, suối, kênh, rạch chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung, khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề hoặc được quy hoạch xây dựng đô thị, khu dân cư tập trung, khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề; hồ tự nhiên, hồ nhân tạo ở các đô thị, khu dân cư tập trung.
- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát, bảo vệ môi trường.
- Xây dựng và vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu, giám sát môi trường tài nguyên nước nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, hỗ trợ ra quyết định kịp thời trong quản lý môi trường, tài nguyên nước.
- Quản lý, giám sát việc khai thác cát, sỏi nhằm bảo vệ lòng bờ, bãi sông, đảm bảo không gian thoát lũ trên các dòng sông, phòng chống sụt lún, sạt lở bờ sông;
1.3. Phòng chống suy thoái nguồn nước
Cải thiện, phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm, bảo vệ nguồn nước, các hệ sinh thái ngập nước quan trọng, đảm bảo an ninh nước cho môi trường:
- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt;
- Kiểm soát, giám sát chặt chẽ các chất thải ra môi trường, đặc biệt là nước thải xả vào nguồn nước phải đạt quy chuẩn chất lượng nước phù hợp với chức năng của nguồn nước; hạn chế và tiến tới việc cấm sử dụng các loại hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước; quản lý chặt chẽ khai thác nước dưới đất;
- Tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc, giám sát môi trường, tài nguyên nước, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước;
- Cải thiện, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm;
- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát, bảo vệ môi trường, phát triển, điều hòa phân bổ tài nguyên nước đảm bảo chủ động nguồn nước cấp cho các mục đích sinh hoạt và sản xuất
1.3. Phòng chống thiên tai, tác hại do nước gây ra và ứng phó với Biến đổi khí hậu.
Nâng cao năng lực ứng phó tác động biến đổi khí hậu và các rủi ro khác liên quan đến nước
- Xây dựng và duy trì hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lụt, hạn hán và các tác hại khác do nước gây ra; nâng cấp, bổ sung các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, tài nguyên nước;
- Xây dựng và thực hiện các giải pháp tổng thể để tăng cường khả năng ứng phó tác động biến đổi khí hậu và các rủi ro khác liên quan đến nước;
- Lồng ghép biến đổi khí hậu trong các Chương trình, dự án bảo vệ môi trường, phát triển tài nguyên nước.
1.4. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh tài nguyên nước
Xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông có nội dung và hình thức tuyên truyền thích hợp cho từng nhóm đối tượng trong xã hội. Phát huy vai trò các phương tiện thông tin đại chúng trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về các chủ trương, chính sách và pháp luật về an ninh tài nguyên nước; duy trì nội dung giáo dục ý thức bảo vệ tài nguyên nước trong hệ thống giáo dục quốc dân.
2. Nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2030 và những năm tiếp theo
2.1. Xây dựng hành lang ven sông
Nạo vét, kiên cố hóa sông Phan, sông Cà Lồ đoạn chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung, khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề hoặc được quy hoạch xây dựng đô thị, khu dân cư tập trung, khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề góp phần cải tạo môi trường, cảnh quan.
2.2. Thu gom xử lý nước thải khu dân cư
- Đầu tư, nâng cấp, nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý nước thải và thoát nước
- Tăng cường tỷ lệ đấu nối nước thải từ hộ gia đình, cơ sở sản xuất đến hệ thống thu gom và xử lý nước thải;
- Đầu tư, nâng cấp, nâng cao năng lực của hệ thống tiêu thoát nước đô thị đảm bảo giải quyết cơ bản tình trạng ngập úng tại các đô thị;
- Quản lý, giám sát chặt chẽ các hoạt động xả nước thải từ các khu công nghiệp, khu chế xuất và làng nghề, thúc đẩy các hoạt động đầu tư, nâng cấp, nâng cao năng lực hệ thống thu gom và xử lý nước thải tại các khu vực này đạt quy chuẩn môi trường.
2.3. Tăng cường đầu tư, nâng cấp, nâng cao hiệu quả sử dụng nước
Chủ động nguồn nước cho các ngành, lĩnh vực: sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng, giao thông và các ngành sử dụng nước khác. Đối với cấp nước sinh hoạt đô thị và nông thôn:
+ Rà soát, điều chỉnh, đầu tư, đồng bộ kết cấu hạ tầng cấp nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống cấp nước, tạo kết nối liên thông giữa cấp nước sinh hoạt nông thôn và đô thị đảm bảo cấp đủ nước sạch cho sinh hoạt;
+ Tăng cường đầu tư công trình khai thác từ các nguồn nước ổn định để thay thế các nguồn nước cấp cho sinh hoạt có nguy cơ suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; công trình, hạng mục công trình để cấp nước dự phòng trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước.
2.4. Phòng chống thiên tai, tác hại do nước gây ra và ứng phó với Biến đổi khí hậu.
Nâng cao năng lực ứng phó tác động biến đổi khí hậu và các rủi ro khác liên quan đến nước
- Ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng hỗ trợ phòng, chống thiên tai kết hợp phục hồi không gian cho sông, bảo tồn cảnh quan, môi trường tự nhiên;
- Xây dựng, củng cố, nâng cấp hệ thống phòng, chống lũ quét, sạt lở đất theo tần suất thiết kế, hệ thống đê sông đáp ứng được yêu cầu chống chịu mưa, lũ lớn, dài ngày kết hợp với các giải pháp khác chủ động ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai bất lợi;
- Rà soát bố trí lại dân cư tránh nơi xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở bờ.
Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực thể chế và tổ chức quản lý để đáp ứng yêu cầu quản lý nguồn nước trong thời kỳ mới. Hoàn thiện các giải pháp chính sách, các công cụ quản lý, công cụ kinh tế để chủ động bảo vệ môi trường, điều hoà, phân bổ nguồn nước hiệu quả theo các kịch bản đảm bảo số lượng, chất lượng nước đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước;
Tiếp tục thực hiện các nội dung, nhiệm vụ trong giai đoạn 2025 đồng bộ, trên phạm vi toàn tỉnh và tùy thuộc vào diễn biến nguồn nước, tình hình thực tế và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, thực hiện các giải pháp kịp thời, hợp lý để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu đặt ra.
V. KHÁI TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Khái toán kinh phí thực hiện Đề án như sau:
Dự kiến kinh phí thực hiện Đề án khoảng: 19.121,8 tỷ đồng.
(Tổng các nhiệm vụ trong Phụ lục các nhiệm vụ, chương trình ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2022-2030).
2. Phân kỳ đầu tư:
- Giai đoạn đến năm 2025: 18.822,3 tỷ đồng.
- Giai đoạn 2026-2030: 296 tỷ đồng.
- Hàng năm: 3,5 tỷ đồng.
3. Phân theo nguồn:
a) Nguồn ngân sách nhà nước: 18.793,4 tỷ đồng, trong đó:
- Nguồn sự nghiệp môi trường khoảng: 1.380,90 tỷ đồng.
- Sự nghiệp kinh tế: 57,5 tỷ đồng.
- Nguồn đầu tư công: 17.355 tỷ đồng.
b) Nguồn vốn vay WB, ADB: 328,4 tỷ đồng.
Phần thứ IV
ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA ĐỀ ÁN
I. TÁC ĐỘNG VỀ KINH TẾ
Việc triển khai, thực hiện Đề án có tính khả thi cao và thực sự cần thiết trong bối cảnh hiện nay, trong đó, một số kết quả dự kiến mang lại, như sau:
- Hoàn thiện thể chế quản lý tài nguyên nước; kinh tế hóa tài nguyên nước, xã hội hóa ngành nước và tăng cường chuyển đổi số;
- Đảm bảo an ninh tài nguyên nước để cấp nước an toàn cho người dân, các ngành kinh tế, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường;
- Chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai liên quan đến nước.
II. TÁC ĐỘNG VỀ XÃ HỘI
Đề án được triển khai trên phạm vi toàn quốc, có tham gia của các Sở, ngành có liên quan và các địa phương nên có tính hiệu quả, thống nhất trong việc đảm bảo an ninh tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường của các địa phương.
Kết quả Đề án là tài liệu đáng tin cậy cho các nhà quản lý, cơ quan chức năng tham khảo đưa ra các quyết định, chính sách về tài nguyên nước trên các lưu vực góp phần phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
III. TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG
Đề án thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, Chương trình, dự án để bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì vậy, kết quả thực hiện Đề án sẽ có tác động tích cực đến tài nguyên nước, môi trường tự nhiên.
IV. TÍNH BỀN VỮNG CỦA ĐỀ ÁN
Đề án đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp phải thực hiện trong giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và những năm tiếp theo để bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh tài nguyên nước và phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Do đó, nội dung thực hiện tiếp theo sẽ được thực hiện trong quá trình lâu dài, các nhiệm vụ sẽ còn tiếp tục bổ sung, cập nhật. Do đó, Đề án có tính bền vững cao.
V. KHẢ NĂNG RỦI RO
a) Khả năng rủi ro thường gặp khi thực hiện
Một số yếu tố có thể làm ảnh hưởng đến tiến độ thời gian thực hiện của đề án như:
- Trường hợp Đề án triển khai kéo dài thời gian sẽ dẫn đến những rủi ro nhất định do sự biến động về kinh tế - xã hội.
- Sự biến động tiền lương, trượt giá và những thay đổi mới của cơ chế,.. sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với tiến độ thực hiện Đề án.
- Chủ trương và chính sách xã hội của các địa phương thay đổi cũng sẽ là rào cản trong việc thực hiện Đề án.
b) Hướng giải quyết
- Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tài chính đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định hỗ trợ kinh phí đầy đủ;
- Thường xuyên kiểm tra đôn đốc, chỉ đạo hướng dẫn các Sở, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện từng công đoạn, bảo đảm đúng quy định.
Phần thứ V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. TRÁCH NHIỆM CỦA SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
1. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án theo chức năng, nhiệm vụ quản lý được giao.
2. Đôn đốc các Sở, ngành, địa phương để triển khai thực hiện Đề án đảm bảo đúng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và các chương trình, dự án ưu tiên tại Phụ lục kèm theo Quyết định này.
3. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan xây dựng và vận hành hệ thống theo dõi, đánh giá mức độ đảm bảo vệ an toàn môi trường, an ninh tài nguyên nước, định kỳ đánh giá.
4. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan định kỳ hằng năm, 05 năm sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án; trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định điều chỉnh mục tiêu, nội dung Đề án trong trường hợp cần thiết.
II. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ, NGÀNH KHÁC CÓ LIÊN QUAN
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở, ngành liên quan cân đối kinh phí thực hiện Đề án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án.
2. Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án theo chức năng, nhiệm vụ quản lý được giao. Định kỳ hằng năm, 05 năm, thực hiện sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án và báo cáo kết quả về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
III. TRÁCH NHIỆM CỦA UBND CÁC HUYỆN, THÀNH PHỐ
1. Chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án thuộc phạm vi quản lý.
2. Tổ chức thực hiện đảm bảo phát triển bền vững môi trường, an ninh tài nguyên nước và lồng ghép trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
3. Trình Hội đồng nhân dân tỉnh bố trí ngân sách địa phương theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước và huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện Đề án đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả;
4. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, ngành khác trong quá trình thực hiện Đề án. Đồng thời, chủ động phát hiện những vấn đề mới phát sinh làm suy giảm môi trường, mất an ninh tài nguyên nước ở địa phương để có giải pháp giải quyết;
5. Định kỳ hằng năm, 05 năm sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án, báo cáo kết quả về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.