ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1301/QĐ-UBND |
Quảng Ngãi, ngày 15 tháng 6 năm 2007 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 21/2001/QĐ-TTg ngày 22/02/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2001 - 2010;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 475/TTr-SYT ngày 25/5/2007 về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2006-2010 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi với nội dung chính như sau:
TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ DINH DƯỠNG GIAI ĐOẠN 2001 - 2005.
1. Thành tựu.
Quảng Ngãi là tỉnh thuộc vùng Trung Trung Bộ với diện tích 5.137,5 km2, được phân chia thành 14 huyện/thành phố; bao gồm 7 huyện đồng bằng với 114 xã, 6 huyện miền núi với 63 xã và 1 huyện đảo với 3 xã. Dân số trung bình năm 2005 là 1.285.728 người.
Triển khai thực hiện Quyết định số 21/2001/QĐ-TTg ngày 22/02/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2001-2010 trên địa bàn tỉnh từ năm 2001 đến năm 2005, tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được một số kết quả cơ bản như sau:
- Tỉ lệ trẻ em < 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi từ 39,8% năm 2000 còn 29,1% vào năm 2005.
- Tỉ lệ trẻ em < 5 tuổi bị suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi từ 44,9% năm 2000 còn 30,6% vào năm 2005.
- Tỉ lệ trẻ sơ sinh < 2.500 gram giảm còn dưới 8,5% vào năm 2005.
- Tỉ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm phòng đầy đủ 7 loại vắc xin trên 95%, tỉ lệ mắc và chết do các bệnh có vắc xin phòng ngừa ở trẻ em giảm trên 2 lần so với năm 2000.
- Tỉ lệ trẻ em từ 6 - 36 tháng tuổi được uống vitamin A (02 đợt/năm) là trên 95%; tỉ lệ bà mẹ sau sinh 01 tháng được uống vitamin A khoảng 70%.
- Về vệ sinh an toàn thực phẩm:
+ Số cơ sở được kiểm tra năm 2000 là 2.258 cơ sở, năm 2005 là 11.059 cơ sở tăng gấp 5 lần.
+ Số trường hợp ngộ độc thực phẩm năm 2000 là 209 người, năm 2005 là 142 người.
- Tỉ lệ hộ nghèo (theo chuẩn cũ) của cả tỉnh từ 63.496 hộ chiếm 23,76% năm 2001 giảm xuống còn 24.560 hộ chiếm 8,74% vào năm 2005. Tương ứng với tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ hộ có mức ăn vào bình quân đầu người thấp (< 1.800 Kcalo/người/ngày) cũng giảm xuống còn dưới 10% vào năm 2005.
- Tỉ lệ bướu cổ trẻ em từ 8 - 12 tuổi giảm từ hơn 10% năm 2000 xuống còn 2,6% vào năm 2005.
2. Tồn tại và thách thức:
- Nhận thức của các cấp lãnh đạo về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dinh dưỡng đối với sức khỏe của nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế; công tác chỉ đạo, điều hành chưa sâu sát, không thường xuyên; kinh phí của địa phương đầu tư cho các mục tiêu dinh dưỡng chưa được quan tâm đúng mức.
- Nhận thức của người dân về thực hành dinh dưỡng đúng còn hạn chế, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi; bên cạnh đó, do điều kiện phát triển kinh tế ở nông thôn, miền núi còn thấp dẫn đến bữa ăn hàng ngày của người dân không đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng hợp lý.
- Các chương trình, dự án liên quan đến dinh dưỡng của tỉnh còn phân tán và thiếu sự phối hợp hoạt động giữa các ngành hữu quan cũng như chính quyền địa phương các cấp.
- Mạng lưới cộng tác viên dinh dưỡng ở các huyện miền núi còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được các yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật.
- Tỷ lệ suy dưỡng trẻ em của tỉnh Quảng Ngãi còn khá cao so với mức trung bình của cả nước và chênh lệch nhiều giữa các vùng, miền; đặc biệt là ở các huyện miền núi tỷ lệ này còn rất cao.
- Một số bệnh mạn tính không lây có liên quan đến dinh dưỡng như: Béo phì, bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư… đã có chiều hướng gia tăng, nhất là ở khu vực thành phố, thị trấn.
MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU CỦA KẾ HOẠCH
1. Mục tiêu tổng quát:
Đảm bảo đến năm 2010, tình trạng dinh dưỡng của nhân dân tỉnh Quảng Ngãi được cải thiện rõ rệt, các gia đình trước hết là trẻ em và bà mẹ được nuôi dưỡng và chăm sóc hợp lý, bữa ăn của người dân ở tất cả các vùng đủ hơn về số lượng, cải thiện hơn về chất lượng, đảm bảo về an toàn vệ sinh. Hạn chế các vấn đề sức khỏe mới nảy sinh có liên quan tới dinh dưỡng.
2. Mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể:
Mục tiêu 1: Người dân được nâng cao về kiến thức và thực hành dinh dưỡng hợp lý.
Chỉ tiêu:
- Tỉ lệ bà mẹ có kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng cho trẻ ốm tăng từ 40% năm 2005 lên 60% vào năm 2010.
- Tỉ lệ bà mẹ cho con bú hoàn toàn 6 tháng đầu: Từ 20% năm 2005 lên 60% vào năm 2010.
- Tỉ lệ nữ thanh niên được huấn luyện về dinh dưỡng và kiến thức làm mẹ: 40% vào năm 2010.
Mục tiêu 2: Giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và bà mẹ.
Chỉ tiêu:
- Tỉ lệ suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi ở trẻ em dưới 5 tuổi tính chung cả tỉnh từ 29,1% năm 2005 xuống còn khoảng 20% vào năm 2010 (mỗi năm giảm khoảng 1,8%).
- Tỉ lệ suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi ở trẻ em dưới 5 tuổi tính chung cả tỉnh từ 30,6% năm 2005 xuống còn 23% vào năm 2010 (giảm mỗi năm 1,5%).
- Tỉ lệ trẻ sơ sinh cân nặng dưới 2.500 gam giảm còn 6% vào năm 2010.
- Tỉ lệ thiếu năng lượng trường diễn ở phụ nữ tuổi sinh đẻ tính chung toàn tỉnh giảm mỗi năm 1%.
- Tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thừa cân được duy trì ở mức dưới 3%.
Mục tiêu 3: Giải quyết về cơ bản tình trạng thiếu vitamin A, thiếu Iốt và giảm đáng kể tình trạng thiếu máu dinh dưỡng.
Chỉ tiêu:
- Tỉ lệ khô loét giác mạc hoạt tính do thiếu vitamin A ở trẻ dưới 5 tuổi ở mức thấp hơn ngưỡng có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng.
- Giảm tình trạng thiếu vitamin A thể tiền lâm sàng: Tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi có hàm lượng vitamin A huyết thanh thấp: dưới 5% vào 2010.
- Thanh toán cơ bản các rối loạn do thiếu Iốt.
- Giảm tỉ lệ thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ có thai ở tất cả các vùng có chương trình xuống 25% vào năm 2010.
Mục tiêu 4: Giảm tỉ lệ hộ gia đình có mức năng lượng ăn vào thấp.
Chỉ tiêu:
- Tỉ lệ hộ gia đình có mức năng lượng ăn vào bình quân đầu người dưới 1.800 Kcalo/người/ngày từ 10% năm 2005 giảm xuống dưới 8% vào năm 2010.
Mục tiêu 5: Cải thiện rõ rệt tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm
Chỉ tiêu:
- Giảm 35% (so với năm 1999) số vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt (có trên 30 người mắc/vụ) vào năm 2010.
- Giảm 30% số ca tử vong do ngộ độc thực phẩm (so với năm 1999) vào năm 2010.
- Giảm tỉ lệ ô nhiễm vi sinh vật thức ăn đường phố, thực phẩm chế biến sẵn.
1. Giáo dục và phổ cập kiến thức dinh dưỡng cho toàn dân.
1.1 Huấn luyện dinh dưỡng phổ cập
- Huấn luyện cho mạng lưới cán bộ làm công tác dinh dưỡng từ tỉnh đến cơ sở về kiến thức dinh dưỡng, lập kế hoạch, kỹ năng thực hành, truyền thông... nhằm giúp tuyến dưới biết cách xây dựng kế hoạch về dinh dưỡng và đủ khả năng triển khai.
- Huấn luyện và hướng dẫn dinh dưỡng hợp lý cho các đối tượng khác nhau (thanh niên, phụ nữ, bà mẹ, giáo viên, học sinh...) với tài liệu phổ thông phù hợp với từng vùng, miền, kiến thức tối thiểu về dinh dưỡng phù hợp cho từng đối tượng.
- Kết hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện và từng bước đưa nội dung giáo dục dinh dưỡng vào trường học.
- Tổ chức hoạt động tư vấn dinh dưỡng hợp lý thường xuyên tại cơ sở cho các đối tượng khác nhau, nhấn mạnh tới nội dung: Dinh dưỡng hợp lý; vệ sinh an toàn thực phẩm; dinh dưỡng bệnh lý; dinh dưỡng bà mẹ trẻ em; dinh dưỡng người cao tuổi...
1.2 Giáo dục truyền thông dinh dưỡng
- Giáo dục đại chúng: Xây dựng chuyên mục dinh dưỡng trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Phát thanh, truyền hình, loa lưu động, báo, panô áp phích từ tỉnh đến cơ sở hướng đến giáo dục toàn dân về lĩnh vực này; trong đó, cần chú trọng đến đối tượng là cán bộ lãnh đạo, hội viên các đoàn thể xã hội, giáo viên, học sinh để nâng cao hiệu quả tuyên truyền.
- Tổ chức các hoạt động để động viên toàn xã hội tham gia các hoạt động dinh dưỡng là rất cần thiết như: Ngày vi chất dinh dưỡng, Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển, ngày chăm sóc bà mẹ và phòng chống suy dinh dưỡng, tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ, câu lạc bộ các xã có tỉ lệ suy dinh dưỡng dưới 20%, tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, ngày toàn dân dùng muối Iốt...
- Giáo dục trực tiếp, đưa thông tin tới từng hộ gia đình: Do cán bộ ở cơ sở và cộng tác viên dinh dưỡng tiến hành dựa vào tài liệu hướng dẫn về nội dung và phương pháp được cấp.
- Hướng dẫn tổ chức bữa ăn gia đình hợp lý, tiết kiệm, gồm bốn nhóm thực phẩm cần thiết (Glucide, Protide, Lipide, Vitamine và khoáng chất). Chú ý các món ăn hợp khẩu vị, phối hợp nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn, dùng thêm các cây rau gia vị gây kích thích ăn ngon miệng.
- Hướng dẫn ăn uống hợp lý cho các đối tượng, lứa tuổi, người lao động trong các ngành nghề khác nhau. Quan tâm đến chế độ ăn uống của các đối tượng lao động, ăn uống ở khu vực tập thể, trường học.
- Thiết kế, cung cấp tài liệu và phương tiện truyền thông phù hợp với từng vùng miền, nhất là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
1.3 Đào tạo cán bộ và nghiên cứu khoa học
- Đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ tham gia chương trình dinh dưỡng với các hình thức thích hợp nhất. Trước mắt mở các lớp tập huấn ngắn ngày, bổ túc chuyên môn cho các cán bộ chuyên trách dinh dưỡng ở tỉnh, huyện, xã về kỹ năng lập kế hoạch, quản lý, triển khai, theo dõi, đánh giá các chương trình dinh dưỡng.
- Phối hợp với các cơ quan y tế của Trung ương tiến hành nghiên cứu về dinh dưỡng và thực phẩm phù hợp với tình hình của tỉnh.
2. Đảm bảo an ninh thực phẩm cấp hộ gia đình.
Đây là giải pháp cực kỳ quan trọng, trước hết là đối với vùng núi hay xảy ra khan hiếm thực phẩm trong mùa giáp hạt, vùng nghèo nông thôn.
Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ động phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch hướng dẫn, phổ cập kiến thức về kỹ thuật vườn - ao - chuồng (VAC) và tạo điều kiện cho các gia đình phát triển hệ sinh thái VAC để tạo nguồn thực phẩm tại chỗ. Vận động sản xuất và sử dụng các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao như đậu, lạc, mè, đậu nành... vào bữa ăn.
Hỗ trợ vốn cho hộ nghèo tạo công ăn việc làm tăng thu nhập.
Tăng cường các dịch vụ bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp tại chỗ như nâng cao chất lượng giống cây con, hạn chế sử dụng hóa chất, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, sinh học, phát triển công nghệ chế biến sau thu hoạch, bảo quản tại chỗ, quy mô nhỏ tại hộ gia đình, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Hướng dẫn phát triển các thực phẩm không là nguồn gây bệnh.
3. Phòng chống suy dinh dưỡng protein năng lượng cho trẻ em và bà mẹ.
- Phòng chống suy dinh dưỡng protein - năng lượng là một mục tiêu trong hệ thống các mục tiêu về sức khỏe và được Nhà nước hỗ trợ kinh phí. Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em phải được triển khai tại tất cả các vùng trong phạm vi toàn tỉnh, trong đó đặc biệt chú ý đến miền núi, vùng khó khăn.
- Thực hiện tiếp cận chăm sóc trẻ em tại hộ gia đình theo phương châm dự phòng. Giáo dục kiến thức dinh dưỡng cho nữ thanh niên sắp đến tuổi lấy chồng. Giáo dục các bà mẹ có con nhỏ biết cách chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ, ưu tiên chăm sóc trẻ em giai đoạn ngay từ khi sinh ra đến 2 tuổi, trong và sau khi trẻ bị ốm. Chiến lược chăm sóc bao gồm các nhân tố then chốt là: Cải thiện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ; bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; ăn bổ sung hợp lý; chế biến thực phẩm sẵn có tại địa phương, gia đình; thực hành vệ sinh; tăng thời gian chăm sóc trẻ cùng với việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người mẹ trước và trong khi có thai cũng như sau sinh đẻ; nâng cao kiến thức thực hành chăm sóc cho mọi thành viên trong gia đình... Tăng cường các hoạt động thực hành cách nuôi dưỡng trẻ; theo dõi tăng trưởng của trẻ em và theo dõi chăm sóc bà mẹ cần được triển khai thành thạo và có hiệu quả ở các xã.
- Tùy theo tình hình của từng vùng mà tập trung các hoạt động ưu tiên. Ở các vùng nơi mà thu nhập của người dân tương đối cao, chất lượng bữa ăn hàng ngày được đảm bảo thì tập trung hơn vào hoạt động chăm sóc trẻ, thực hành nuôi dưỡng và phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn. Ở các vùng còn khó khăn như miền núi nơi mà tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn cao thì tập trung hơn cho hoạt động phục hồi dinh dưỡng, hướng dẫn hộ gia đình có trẻ suy dinh dưỡng biết dựa vào khả năng của gia đình để phục hồi dinh dưỡng, phát triển “ô dinh dưỡng”, hệ sinh thái vườn-ao-chuồng (VAC) gia đình cung cấp thực phẩm tại chỗ; hướng dẫn, làm mẫu để các gia đình sau này tự thực hiện để nâng cao tính bền vững.
- Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ bằng cách nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, giải quyết tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, huấn luyện kỹ năng dinh dưỡng cho người mẹ, tìm giải pháp giảm gánh nặng cho lao động nữ, thực thi đầy đủ các chính sách bảo vệ bà mẹ, bảo vệ nguồn sữa mẹ, chế độ thai sản... nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình.
4. Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng.
- Phòng chống thiếu vitamin A: Về lâu dài cần giải quyết bằng biện pháp đa dạng hóa bữa ăn. Tiếp tục duy trì bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi và bà mẹ sau đẻ trong toàn tỉnh đạt tỉ lệ cao. Khuyến khích người dân nuôi trồng và ăn các thực phẩm giàu vitamin A từ VAC gia đình.
- Phòng chống thiếu máu dinh dưỡng: Mở rộng bổ sung sắt/acid folic theo hướng dự phòng cho phụ nữ 15 - 35 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú. Hướng dẫn và giáo dục cộng đồng chủ động tiếp cận các nguồn viên sắt/acid folic khác nhau trên thị trường. Chú trọng tới các giải pháp tăng cường sắt vào thực phẩm và giải pháp đa dạng hóa bữa ăn. Tổ chức tẩy giun định kỳ cho học sinh tiểu học. Ở các vùng nhiễm giun móc cao cần tổ chức hoạt động tẩy giun định kỳ kết hợp với vệ sinh môi trường.
- Phòng chống thiếu Iốt: Đã có chương trình mục tiêu riêng. Cần duy trì triển khai mục tiêu nầy với các giải pháp: Vận động toàn dân sử dụng muối Iốt song song với tăng cường kiểm tra, giám sát từ khâu sản xuất, phân phối và sử dụng muối Iốt.
5. Phòng chống các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng.
- Tổ chức đánh giá và theo dõi tình hình và xu hướng của các bệnh mãn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng (Béo phì, Tim mạch, Cao huyết áp, Tiểu đường và một số bệnh ung thư...) để có kế hoạch phòng chống kịp thời.
- Thực hiện mười lời khuyên dinh dưỡng hợp lý, phòng chống các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng.
- Củng cố mạng lưới ăn điều trị ở các bệnh viện. Đảm bảo các đối tượng bệnh lý khác nhau được phục vụ chế độ ăn thích hợp.
- Giám sát béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi.
6. Hoạt động dinh dưỡng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân
Thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng, tăng cường hiệu quả của chương trình lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh (IMCI) tại cộng đồng, đặc biệt là tiêu chảy, viêm phổi. Phòng chống các bệnh nhiễm ký sinh trùng đường ruột. Khuyến khích nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, cho ăn bổ sung hợp lý. Chú ý chăm sóc trẻ em đặc biệt khó khăn. Chăm sóc sức khỏe sinh sản phối hợp với chăm sóc và giáo dục dinh dưỡng. Giáo dục sức khỏe phối hợp với giáo dục lối sống lành mạnh như giảm rượu - bia, thuốc lá và tập thể dục, thể thao.
7. Đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Xây dựng phòng xét nghiệm về an toàn thực phẩm tại Trung tâm Y tế dự phòng đạt tiêu chuẩn Labo cấp I để kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Kiểm soát chất lượng và vệ sinh thực phẩm xuất khẩu, thức ăn đường phố. Hướng dẫn các cơ sở sản xuất, chế biến, cung ứng thực phẩm áp dụng HACCP (Hazard Analysis Critical Control Point: Phân tích các mối nguy hại và điểm kiểm soát trọng yếu ) và GMP ( Good Manufacturing Practices: Thực hành sản xuất tốt).
- Thực hiện sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn, giữ gìn môi trường và nguồn nước sạch. Phối hợp với ngành nông nghiệp kiểm soát việc kinh doanh, phân phối và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra vệ sinh thú y và các loại thực phẩm bán ra trên thị trường.
- Giáo dục người tiêu dùng kiến thức cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường đào tạo cán bộ kiểm nghiệm và thanh tra chất lượng, vệ sinh thực phẩm.
- Tăng cường sự hợp tác liên ngành trong kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường trong công tác kiểm tra, giám sát ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và quản lý thông tin về ngộ độc thực phẩm. Hoạt động dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm cần được triển khai đi đôi với nhau một cách đồng bộ.
8. Theo dõi, đánh giá, giám sát dinh dưỡng.
Xây dựng hệ thống giám sát dinh dưỡng của tỉnh hợp lý và hiệu quả, theo dõi các hoạt động và đánh giá tình trạng dinh dưỡng, ngành Y tế phối hợp với Cục Thống kê xây dựng ngân hàng số liệu về dinh dưỡng. Hàng năm tuyến tỉnh phải tiến hành điều tra để có số liệu cụ thể về tình trạng dinh dưỡng của tỉnh. Phải chú trọng thu thập số liệu liên quan đến dinh dưỡng ở các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa và các yếu tố liên quan để đề xuất các giải pháp can thiệp phù hợp và kịp thời.
CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHO DINH DƯỠNG
1. Đưa các chỉ tiêu về dinh dưỡng (nêu tại Phần II) vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các chỉ tiêu dinh dưỡng thể hiện kết quả và những thành tựu toàn diện của phát triển kinh tế xã hội trong từng giai đoạn. Đây là chỉ tiêu phấn đấu của cấp ủy Đảng và chính quyền ở các cấp. Ở tỉnh đã đưa các chỉ tiêu dinh dưỡng vào Nghị quyết của Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân. Để thực hiện chiến lược đạt kết quả yêu cầu các cấp ủy, chính quyền huyện, xã đưa chỉ tiêu giảm suy dinh dưỡng và chỉ tiêu thanh toán tình trạng thiếu ăn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của địa phương. Chính quyền các cấp cần chủ động xây dựng kế hoạch và giải pháp phù hợp để phấn đấu thực hiện đạt kết quả.
2. Hoàn thiện các chính sách hỗ trợ cho chăm sóc dinh dưỡng.
- Các địa phương áp dụng đúng các quy định và hỗ trợ về chế độ nghỉ đẻ, thai sản cho bà mẹ, bảo vệ nguồn sữa mẹ đặc biệt đối với phụ nữ nông thôn. Tạo điều kiện để các bà mẹ có đủ thời gian chăm sóc con.
- Tiếp tục bổ sung, thực hiện các chính sách về phụ nữ, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, chính sách chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho người nghèo, các chính sách về phúc lợi xã hội.
- Các cấp chính quyền chỉ đạo thực hiện đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Hỗ trợ kinh phí cho mạng lưới cán bộ và cộng tác viên triển khai hoạt động dinh dưỡng ở cơ sở.
3. Xã hội hóa công tác dinh dưỡng
Xã hội hóa công tác dinh dưỡng là một giải pháp chiến lược mang tính liên ngành cao với sự tham gia của nhiều lực lượng xã hội. UBND các cấp phải phân công trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, đồng thời mỗi ngành phải quan tâm tới mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của mình. Chính quyền các cấp cần có kế hoạch hỗ trợ một cách hệ thống và huy động mọi lực lượng xã hội tham gia. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục để cho mỗi gia đình, mỗi người dân hiểu và hưởng ứng một cách chủ động.
CÁC CHƯƠNG TRÌNH, LĨNH VỰC KHÁC CÓ LIÊN QUAN CHẶT CHẼ ĐẾN DINH DƯỠNG.
1. Đảm bảo an ninh lương thực
Cần có chính sách và giải pháp đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, sản lượng, hạ giá thành. Chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng, đáp ứng nhu cầu thực phẩm phù hợp với từng vùng sinh thái. Có chính sách đầu tư cho chế biến, chống thất thoát, bảo quản tốt nông sản sau thu hoạch, vận động sản xuất thực phẩm an toàn.
2. Thực hiện chính sách việc làm, giảm nghèo và các chính sách bảo trợ xã hội:
Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho người lao động có việc làm và việc làm ngày càng có hiệu quả; tạo điều kiện cho người nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, tăng khả năng tiếp cận với thực phẩm và các dịch vụ xã hội. Đồng thời thực hiện kịp thời việc cứu trợ xã hội và các chính sách bảo trợ xã hội khác sẽ thiết thực góp phần quan trọng đối với cải thiện dinh dưỡng. Lồng ghép mục tiêu dinh dưỡng với chương trình mục tiêu giảm nghèo của từng địa phương trong tỉnh.
3. Cải thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ thiết yếu cho công tác chăm sóc bà mẹ, trẻ em.
- Cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường: Đây là những nội dung thiết yếu có liên quan đến chăm sóc dinh dưỡng. Mở rộng diện dân số được tiếp cận với nước sạch, giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường ở các khu vực trọng tâm.
- Hệ thống nhà trẻ: Khôi phục và nâng cao chất lượng hệ thống nhà trẻ mẫu giáo ở khu vực nông thôn, có sự hỗ trợ của nhà nước và đóng góp của nhân dân.
- Nâng cấp các trạm y tế ở các xã khó khăn: Là yếu tố đảm bảo sự lồng ghép có hiệu quả giữa chăm sóc sức khỏe ban đầu và chăm sóc dinh dưỡng ở địa phương.
Điều 2. Hàng năm, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí một khoản kinh phí (gồm kinh phí của các Chương trình Y tế Quốc gia do Bộ Y tế cấp và kinh phí hỗ trợ của địa phương) để bảo đảm cho các hoạt động của Chiến lược đúng mục đích và đạt kết quả cao, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
1. Sở Y tế:
- Phối hợp với Sở Nội vụ và các Sở, ngành liên quan đề xuất việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể liên quan xây dựng Kế hoạch hoạt động cụ thể theo từng năm, đảm bảo việc thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh đạt kết quả.
2. Sở Kế hoạch - Đầu tư: Đưa Kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh, kể cả các dự án đầu tư hỗ trợ quốc tế; đồng thời phối hợp với các ngành có liên quan theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện.
3. Sở Tài chính: Cân đối bảo đảm nguồn tài chính cho các hoạt động thuộc Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh; đồng thời phối hợp với các ngành có liên quan theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Xây dựng kế hoạch và giải pháp của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đảm bảo an ninh lương thực ở quy mô của tỉnh và hộ gia đình. Phát triển hệ sinh thái VAC gia đình, giám sát dự báo về mất an ninh lương thực của tỉnh. Đẩy mạnh chương trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường đặc biệt là ở nông thôn, miền núi. Chỉ đạo sản xuất thực phẩm an toàn, có quy định và kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại trong nông nghiệp.
5. Sở Giáo dục - Đào tạo:
- Phối hợp với Sở Y tế đưa nội dung chương trình giáo dục dinh dưỡng vào các cấp học, ngành học theo chương trình lồng ghép ở các môn học có liên quan hoặc tổ chức ngoại khóa.
- Củng cố, phát triển các trường bán trú (đặc biệt là khu vực nông thôn) nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non và thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các bếp ăn tập thể ở các trường học.
6- Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh:
- Phối hợp với Sở Y tế và các ngành liên quan triển khai các hoạt động truyền thông, vận động và giám sát việc thực hiện các mục tiêu về dinh dưỡng nói chung và dinh dưỡng cho trẻ em nói riêng trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo Ủy Ban Dân số, Gia đình và Trẻ em các huyện, thành phố phối hợp với Trung tâm Y tế, Phòng Y tế các huyện, thành phố tổ chức triển khai các hoạt động nhằm thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2006-2010 trên địa bàn huyện, thành phố.
7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo, chính sách việc làm, chính sách bảo trợ xã hội; chú trọng hỗ trợ người nghèo, vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa và hỗ trợ khẩn cấp.
8. Sở Thương mại - Du lịch: Tổ chức quản lý lưu thông, phân phối và xuất nhập khẩu lương thực, thực phẩm trên cơ sở tính toán có lợi nhất nhằm đảm bảo an ninh lương thực của tỉnh, đảm bảo dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng.
9. Sở Văn hóa - Thông tin: Phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thường xuyên tổ chức các hoạt động thông tin, truyền thông một cách phong phú, sinh động hấp dẫn để truyền bá kiến thức về dinh dưỡng hợp lý, vệ sinh an toàn thực phẩm; nuôi trồng, sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn….
10. Sở Khoa học và Công nghệ: Hỗ trợ các khảo sát, nghiên cứu về dinh dưỡng; vệ sinh an toàn thực phẩm; giống cây trồng vật nuôi, sản xuất thực phẩm an toàn…
11. UBND các huyện, thành phố: Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng cấp huyện, xây dựng và tổ chức triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi địa phương.
12. Đề nghị UBMTTQVN tỉnh và các tổ chức thành viên phối hợp với các Sở Y tế triển khai thực hiện Quyết định này.
13. Cơ chế phối hợp
- Trên cơ sở mục tiêu và chiến lược chung của tỉnh, các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể xã hội và UBND các huyện, thành phố căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình để xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể.
- Định kỳ 6 tháng một lần, các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể xã hội và UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo với UBND tỉnh và Bộ Y tế về tiến độ và kết quả thực hiện.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa - Thông tin, Khoa học và Công nghệ, Thương mại - Du lịch, Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các Sở, ngành, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: |
KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.