ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/2023/QĐ-UBND |
Vĩnh Phúc, ngày 12 tháng 5 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NHÀ VĂN HÓA - KHU THỂ THAO THÔN, TỔ DÂN PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 47/2019/QH14 ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18/6/2020;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21/6/2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Căn cứ Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 08/3/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn;
Theo đề nghị của Sở Tài chính tại Tờ trình số 150/TTr-STC ngày 30/3/2023 và Văn bản số 931/STC-QLGCS&TCDN ngày 05/5/2023; Báo cáo số 52/BC-STP ngày 20/3/2023 của Sở Tư pháp về kết quả thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý, sử dụng Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22 tháng 5 năm 2023.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng các đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
QUY CHẾ
QUẢN
LÝ, SỬ DỤNG NHÀ VĂN HÓA - KHU THỂ THAO THÔN, TỔ DÂN PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH
PHÚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 13/2023/QĐ-UBND ngày 12 tháng 5
năm 2023 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc)
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định việc quản lý, sử dụng Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn, tổ dân phố (sau đây gọi chung là Nhà văn hóa thôn) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
2. Đối tượng áp dụng
a) Bí thư Chi bộ, Trưởng các thôn, tổ dân phố, Trưởng Ban công tác mặt trận, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh, Bí thư Chi đoàn thanh niên, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ, Chi hội trưởng Hội Nông dân, Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi thôn, tổ dân phố.
b) Các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan.
Điều 2. Những quy định chung
1. Nhà văn hóa thôn là nơi tổ chức hội họp, sinh hoạt của tổ chức Đảng, chính quyền và tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể quần chúng; nơi tổ chức tập luyện, biểu diễn, giao lưu văn hóa, văn nghệ, hoạt động thể dục thể thao, đọc sách, báo; tổ chức triển lãm, truyền thanh, sinh hoạt câu lạc bộ và các hoạt động vui chơi giải trí của nhân dân.
2. Các phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện; UBND cấp xã; Bí thư chi bộ các thôn, tổ dân phố; các tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ, quản lý và khai thác sử dụng các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng trên địa bàn.
3. Việc tổ chức các hoạt động của Nhà văn hóa thôn phải đảm bảo đúng các chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước. Nội dung các hoạt động phải lành mạnh, xây dựng nếp sống mới phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của cộng đồng thôn, tổ dân phố; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giảm nghèo bền vững, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, địa phương.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Vị trí, chức năng
1. Vị trí
Nhà văn hóa thôn thuộc hệ thống thiết chế nhà văn hóa từ tỉnh xuống cơ sở, chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của UBND cấp xã và giao cho Ban Chủ nhiệm Nhà văn hóa thôn trực tiếp quản lý, chịu sự hướng dẫn của Phòng Văn hóa - Thông tin cấp huyện, Trung tâm Văn hóa Thể thao cấp huyện.
2. Chức năng
a) Là nơi để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức khoa học, kỹ thuật; giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa lành mạnh trên địa bàn thôn.
b) Nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
c) Nơi tổ chức hội họp, học tập cộng đồng và các sinh hoạt khác ở thôn.
Điều 4. Cơ cấu tổ chức
1. Ban Chủ nhiệm Nhà văn hóa thôn do Trưởng thôn, tổ dân phố tổ chức bầu chọn; được Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định phê duyệt thành lập. Thành viên là Trưởng hoặc phó thôn, tổ dân phố và đại diện Ban công tác mặt trận, Đoàn thanh niên, Chi hội phụ nữ, Cựu chiến binh thôn, tổ dân phố...
2. Ban Chủ nhiệm Nhà văn hóa thôn chịu trách nhiệm về hoạt động trước UBND cấp xã và trước pháp luật.
3. Ban Chủ nhiệm Nhà văn hóa thôn phân công nhiệm vụ cho các thành viên và hoạt động theo nguyên tắc kiêm nhiệm, tự quản, tự trang trải từ nguồn kinh phí xã hội hóa và hỗ trợ của ngân sách nhà nước.
4. Có đội ngũ cộng tác viên và người hoạt động nghiệp vụ.
Điều 5. Nhiệm vụ của Nhà văn hóa thôn
1. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, cổ động phục vụ các nhiệm vụ chính trị, sản xuất và đời sống của nhân dân ở thôn, tổ dân phố.
2. Tổ chức các hoạt động văn nghệ; thể dục, thể thao quần chúng; các cuộc giao lưu, liên hoan, hội diễn văn nghệ; giao hữu, thi đấu các môn thể thao; duy trì hoạt động các loại hình Câu lạc bộ, nhóm sở thích; phát hiện bồi dưỡng năng khiếu văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao và các hoạt động vui chơi, giải trí cho các tầng lớp nhân dân.
3. Tổ chức các chương trình, lớp học nâng cao dân trí, tiếp nhận thông tin và hoạt động dịch vụ phục vụ nhân dân trên địa bàn thôn, tổ dân phố.
4. Tổ chức các cuộc hội họp của thôn, tổ dân phố.
5. Thực hiện các nhiệm vụ khác được giao.
Điều 6. Nhiệm vụ của Ban Chủ nhiệm Nhà văn hóa thôn
1. Xây dựng nội quy hoạt động của Nhà văn hóa thôn, lấy ý kiến của nhân dân trong thôn, tổ dân phố và ban hành để làm căn cứ, cơ sở tổ chức hoạt động bảo đảm đúng mục đích, chức năng và hiệu quả. Nội quy hoạt động được gửi đến UBND cấp xã để theo dõi, kiểm tra việc thực hiện.
2. Lập kế hoạch, chương trình hoạt động hàng năm trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phê duyệt. Đối với hoạt động đột xuất không có trong chương trình hàng năm thì phải báo cáo xin ý kiến Ủy ban nhân dân cấp xã trước 03 ngày.
3. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 5 Quy chế này.
4. Triển khai, phổ biến, vận động toàn dân tích cực tham gia các hoạt động phong trào như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, xây dựng nông thôn mới; đô thị văn minh, xây dựng gia đình văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
5. Quản lý và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và nguồn kinh phí của Nhà văn hóa thôn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa của cộng đồng đảm bảo công khai, dân chủ, đúng quy định của pháp luật và các quy định của địa phương.
6. Vận động cộng đồng tham gia sinh hoạt, bảo quản, đóng góp công sức, kinh phí để mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị của Nhà văn hóa thôn.
7. Ban Chủ nhiệm Nhà văn hóa thôn có trách nhiệm xây dựng, niêm yết nội quy hoạt động tại Nhà văn hóa thôn; thống kê, báo cáo công khai minh bạch các khoản thu, chi tài chính theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan quản lý cấp trên về hoạt động của Nhà văn hóa thôn theo định kỳ 06 tháng, 01 năm.
8. Lập hệ thống sổ sách, kiểm kê, theo dõi tình hình hoạt động và cơ sở vật chất, trang thiết bị của Nhà văn hóa thôn.
9. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân cấp xã giao.
Điều 7. Quyền hạn của Ban Chủ nhiệm Nhà văn hóa thôn
Ban Chủ nhiệm Nhà văn hóa thôn hoạt động theo nguyên tắc kiêm nhiệm, tự quản, tự trang trải từ nguồn kinh phí xã hội hóa và hỗ trợ của ngân sách, quản lý, sử dụng các nguồn lực huy động đảm bảo công khai dân chủ theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, cụ thể:
1. Được huy động, nhận tài trợ theo phương thức tự nguyện từ các tổ chức, cá nhân, tập thể để phục vụ cho các hoạt động Nhà văn hóa thôn.
2. Được sử dụng các nguồn thu để đầu tư cơ sở vật chất theo kế hoạch đầu tư, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của Nhà văn hóa thôn đã được Ủy ban nhân dân cấp xã phê duyệt.
3. Được tổ chức các hoạt động theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị của Nhà văn hóa thôn
1. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của Nhà văn hóa thôn phải được trang bị tối thiểu phục vụ hoạt động, gồm: Bàn, ghế, phông màn, cờ (cờ Đảng, cờ Tổ quốc), khẩu hiệu, ảnh hoặc tượng Bác Hồ, micro, tăng âm, loa đài, ti vi, thiết bị điện thắp sáng, nước sinh hoạt để phục vụ cho hoạt động của Nhà văn hóa thôn.
2. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà văn hóa thôn phải được quản lý, khai thác, sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả.
3. Nội quy quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị Nhà văn hóa thôn do Ban Chủ nhiệm Nhà văn hóa thôn ban hành.
Điều 9. Kinh phí hoạt động, nội dung sử dụng kinh phí của Nhà văn hóa thôn
1. Kinh phí hoạt động
a) Ngân sách nhà nước hỗ trợ;
b) Nhân dân tự nguyện đóng góp;
c) Các khoản thu khác (nếu có).
2. Nội dung sử dụng kinh phí
a) Chi phục vụ công tác hoạt động của Nhà văn hóa thôn;
b) Chi cho việc đầu tư, quản lý, sửa chữa các trang thiết bị phục vụ tại Nhà văn hóa thôn;
c) Các chi phí khác phải đảm bảo theo đúng chế độ tài chính hiện hành trên nguyên tắc: Có kế hoạch kinh phí được duyệt theo từng năm.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Định kỳ thống kê, rà soát số lượng, hiệu quả hoạt động khai thác hệ thống thiết chế Nhà văn hóa thôn, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
b) Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý cho đội ngũ cán bộ phụ trách việc quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng thiết chế nhà văn hóa.
c) Phối hợp với các ngành, địa phương liên quan hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp xã, các Nhà văn hóa thôn thực hiện Quy chế này.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện
Chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao thực hiện công tác quản lý hành chính, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý toàn diện hoạt động của Nhà văn hóa thôn trên địa bàn.
3. Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy chế này. Báo cáo kết quả hoạt động với Ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
4. Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện
Hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cộng tác viên cho Nhà văn hóa thôn trên địa bàn.
5. Ủy ban nhân dân cấp xã
Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các thôn trên địa bàn triển khai thực hiện nội dung Quy chế và các văn bản pháp luật có liên quan.
Định kỳ hàng năm tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Quy chế này, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện.
6. Trưởng thôn, tổ dân phố
Hàng năm, chỉ đạo Ban Chủ nhiệm Nhà văn hóa thôn xây dựng chương trình hoạt động trình Ủy ban nhân dân cấp xã phê duyệt.
Phối hợp với các tổ chức, cá nhân tại thôn, tổ dân phố tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung của Quy chế này.
Điều 11. Điều khoản thi hành
Quy chế này được phổ biến đến các thôn, tổ dân phố và toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Sở Tài chính và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung Quy chế cho phù hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.