ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1283/QĐ-UBND |
Bến Tre, ngày 09 tháng 06 năm 2021 |
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH Y TẾ BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025;
Căn cứ Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
Căn cứ Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 5316/QĐ-BYT ngày 22/12/2020 của Bộ Y tế về phê duyệt chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 1485/TTr-SYT ngày 18 tháng 5 năm 2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình chuyển đổi số Ngành Y tế Bến Tre giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (kèm theo Chương trình)
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH Y TẾ BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH
HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số: 1283/QĐ-UBND
ngày 09 tháng 6 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)
BỐI CẢNH CHUNG VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ Y TẾ
I. NGÀNH Y TẾ BẾN TRE CHỦ ĐỘNG THAM GIA VÀO CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ 4
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một xu thế lớn, hội tụ nhiều công nghệ trên nền tảng số hóa với sự phát triển đột phá của công nghệ Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn, điện toán đám mây và các công nghệ số khác để thực hiện siêu kết nối, tích hợp các hệ thống số hóa - vật lý - sinh học, giữa thế giới thực và không gian số tạo ra lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất mới, chuyển đổi toàn diện trên tất cả các mặt của cuộc sống, từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh đến cách thức tiêu dùng, giao tiếp xã hội, thậm chí thay đổi chính bản thân con người.
Trong những năm vừa qua, sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ thông tin (CNTT) và hiệu quả cao của việc ứng dụng nó trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hoạt động của hệ thống y tế đã phát huy hiệu quả, tác động tích cực đến mọi hoạt động của ngành y tế, trở thành nhu cầu thiết yếu, đồng thời là công cụ quan trọng để quản lý ngành, góp phần hết sức quan trọng vào thành tựu và sự phát triển của hệ thống y tế nước ta.
Trong giai đoạn tiếp theo, để tiếp tục tăng cường công tác ứng dụng và phát triển CNTT vào hoạt động chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân tỉnh nhà, đồng thời triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy Bến Tre về chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Ngành y tế cần xác định mục tiêu, phương hướng và các giải pháp khả thi làm cơ sở để ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, y tế thông minh hội nhập vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển đột phá của công nghệ Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn, điện toán đám mây và các công nghệ số khác để thực hiện siêu kết nối, tích hợp các hệ thống số hóa - vật lý - sinh học.
Bến Tre qua quá trình hơn 10 năm ứng dụng CNTT vào hoạt động của hệ thống quản lý y tế đã phát huy hiệu quả, tác động tích cực đến mọi hoạt động trong quản lý khám, chữa bệnh (KCB) tỉnh nhà, trở thành công tác mũi nhọn, đồng thời là lực đẩy cho các hoạt động, góp phần hết sức quan trọng vào thành tựu và sự phát triển của hệ thống y tế trong giai đoạn vừa qua.
Trong giai đoạn tiếp theo, để tiếp tục tăng cường công tác ứng dụng CNTT vào hoạt động, Ngành Y tế tỉnh Bến Tre cần tiếp tục xây dựng ứng dụng và phát triển CNTT y tế, từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng y tế, hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh, góp phần thực hiện tốt Chương trình sức khỏe Việt Nam; đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại các cơ sở KCB góp phần cải cách hành chính và giảm quá tải bệnh viện; sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử, hình thành các bệnh viện thông minh; trang bị và nâng cấp hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh PACS, hệ thống Hội chẩn từ xa Telehealth, triển khai hệ thống văn phòng điện tử, cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử về thủ tục hành chính, đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến mức 3,4, xây dựng nền quản trị y tế thông minh, hướng đến ngành y tế Bến Tre hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả, hội nhập cả nước và quốc tế.
II. TÁC ĐỘNG CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ TỚI NGÀNH Y TẾ
1. Khái niệm về chuyển đổi số y tế
Chuyển đổi số y tế là ứng dụng công nghệ thông tin một cách tổng thể và toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng tới các công nghệ số hiện đại dẫn đến sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động y tế trong chăm sóc sức khỏe.
2. Tác động của chuyển đổi số trong y tế
Việc xây dựng Chương trình Chuyển đổi số Ngành Y tế Bến Tre giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 là rất cần thiết để nhanh chóng ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông minh trong hoạt động của ngành theo hướng hiện đại, thông minh.
Quá trình chuyển đổi số sẽ tác động, dẫn đến thay đổi tích cực các hoạt động của ngành y tế theo ba nhóm nội dung chính:
- Thứ nhất, tác động đến cách thức lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành trong nội bộ của các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế, hướng đến cách thức lãnh đạo, quản lý công việc và ra quyết định chính xác, kịp thời, hiệu quả dựa trên nền tảng công nghệ số.
- Thứ hai, tác động trực tiếp đến việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế từ phương thức truyền thống sang phương thức dựa trên nền tảng công nghệ số, góp phần đẩy mạnh việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, kịp thời, mọi lúc, mọi nơi.
- Thứ ba, tác động tới cách thức làm việc, giao tiếp của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc và người lao động trong ngành y tế, chuyển đổi phương thức làm việc từ môi trường truyền thống sang môi trường số, hình thành “người thầy thuốc số”.
III. HIỆN TRẠNG CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH Y TẾ BẾN TRE
1. Về nhận thức, thể chế, môi trường pháp lý triển khai công nghệ thông tin
Bộ Y tế đã ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Y tế phiên bản 1.0 từ năm 2015; Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Y tế phiên bản 2.0 năm 2019 nhằm tăng cường khả năng kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ sử dụng lại thông tin, cơ sở hạ tầng thông tin đồng bộ; tăng cường chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, triển khai thành công và có hiệu quả nhiều dịch vụ công trực tuyến.
Chính phủ, Bộ Y tế, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo làm cơ sở cho chuyển đổi số y tế, như:
Quyết định số 5316/QĐ-BYT ngày 22/12/2020 của Bộ Y tế về phê duyệt chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Quyết định 6085/QĐ-BYT ngày 30/12/2019 về việc ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Y tế phiên bản 2.0 năm 2019 nhằm tăng cường khả năng kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ sử dụng lại thông tin, cơ sở hạ tầng thông tin đồng bộ; tăng cường chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, triển khai thành công và có hiệu quả nhiều dịch vụ công trực tuyến;
Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế ban hành Bộ tiêu chí ứng dụng Công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử;
Quyết định số 5349/QĐ-BYT ngày 12/11/2019 của Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử;
Quyết định 3532/QĐ-BYT ngày 12/08/2020 của Bộ Y tế quy định về xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn;
Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/ 9/ 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/ 4/ 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 /9 / 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư;
Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới
Quyết định số 4888/QĐ-BYT ngày 18 ngày 10 tháng 2019 của Bộ Y tế về việc phê duyệt đề án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019-2025
Quyết định số 5641/QĐ-BYT ngày 31/12/2015, của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Y tế Phiên bản 1.0; Cập kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 1.0 theo Quyết định số 7672/QĐ-BYT ngày 26/12/2018.
Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20 tháng 10 năm 2020 của Tỉnh Ủy Bến Tre về về chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030;
Quyết định số 2581/QĐ-UBND ngày 09 tháng 10 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về việc phê duyệt Đề án chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030;
Kế hoạch số 6640/KH-UBND ngày 11 thánh 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Kế hoạch số 7002/KH-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về việc Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2025;
Bộ Y tế đang tập trung thực hiện 3 chương trình y tế điện tử:
- Chương trình 1. Xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai thống kê y tế điện tử để từng bước hình thành Trung tâm dữ liệu quốc gia về y tế.
- Chương trình 2. Thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử và phần mềm quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn theo tiêu chuẩn.
- Chương trình 3. Xây dựng và vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến một cửa của Bộ Y tế kết nối một cửa quốc gia, một cửa ASEAN.
2. Về Hạ tầng, nền tảng kỹ thuật CNTT ngành Y tế Bến Tre
Hạ tầng tại Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị trực thuộc chỉ đạt từ mức 2 đến mức 3 theo Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế, cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT ở quy mô nhỏ.
Mạng Internet: 100% các máy tính tại Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị trực thuộc có sử dụng Internet dưới phương thức tự thuê bao dịch vụ của các công ty viễn thông trên địa bàn tỉnh.
Mạng nội bộ: 100% các máy tính tại Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị trực thuộc có mạng nội bộ và có kết nối mạng không dây.
3. Về triển khai Chính phủ điện tử
Sở Y tế đã triển khai hệ thống Quản lý văn bản điều hành của Bộ Y tế và VNPT-Ioffice đến 100% các cơ quan đơn vị trực thuộc đảm bảo tiến độ xử lý công việc nhanh, hiệu quả, giảm xử lý công việc bằng văn bản giấy.
100% thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Bộ Y tế được triển khai qua Cổng dịch vụ công Bộ Y tế.
4. Về ứng dụng CNTT trong ngành y tế
Trong thời gian qua, Ngành y tế đã đẩy mạnh và có bước phát triển đột phá trong ứng dụng CNTT, tiếp cận các công nghệ số như vạn vật y tế kết nối, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn... Một số kết quả ứng dụng CNTT y tế nổi bật như sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh:
- Nhóm tiêu chí Hệ thống thông tin bệnh viện (HIS): 100% các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thành phố, trạm y tế xã, phường, thị trấn đã triển khai phần mềm HIS. Trong đó, 152 cơ sở dùng phần mềm VNPT-HIS gồm 144 trạm y tế, 2 bệnh viện tuyến tỉnh, 2 phòng khám khu vực và 2 trung tâm y tế, 2 bệnh viện tự phát triển phần mềm HIS (BV Nguyễn Đình Chiểu thuê Công ty Links Toàn Cầu, BVĐKKV Ba Tri thuê Trường ĐH Cần Thơ viết phần mềm), các cơ sở y tế còn lại sử dụng phần mềm HIS của Công ty Dược Hậu Giang tài trợ miễn phí;
- Nhóm tiêu chí Bệnh án điện tử (EMR) hiện chưa có cơ sở y tế triển khai thực hiện
- Nhóm tiêu chí Hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (RIS-PACS): hiện chưa có cơ sở y tế triển khai thực hiện;
Thứ hai, Sở Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh đã triển khai thành công kết nối liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh với cơ quan Bảo hiểm xã hội. Đến nay 100% các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh thực hiện được kết nối dữ liệu KCB và thanh toán BHYT với cơ quan BHXH tỉnh qua hệ thống giám định điện tử, đảm bảo công khai minh bạch, người tham gia BHYT được bảo đảm quyền lợi hợp pháp khi đi KCB, đồng thời nâng cao cải cách thủ tục hành chính, quy trình KCB, giảm thời gian chờ khám bệnh và thanh toán BHYT, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT khi đi khám bệnh.
Thứ ba, hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) hiện có 03 bệnh viện triển khai (trong đó BV Nguyễn Đình Chiểu tự trang bị trang thiết bị, BV ĐKKV Cù Lao Minh và BV ĐKKV Ba Tri được tập đoàn Viettel tài trợ bộ trang thiết bị vào đầu tháng 12/2020)
Thứ tư, Hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR): hiện tại Sở Y tế đã có toàn bộ dữ liệu dân cư Bến Tre do Bộ Y tế cung cấp bao gồm dữ liệu về người dân, hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế bao gồm thông tin về định danh cá nhân (họ tên, ngày sinh, giới tính, số CMTND/CCCD, số định danh, quốc tịch, tôn giáo), nơi khai sinh, địa chỉ cư trú, địa chỉ liên hệ, số điện thoại, mã hộ gia đình, quan hệ với chủ hộ, đã hoặc chưa tham gia bảo hiểm y tế, mã thẻ bảo hiểm, loại bảo hiểm, đồng thời đã được Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế hướng dẫn kết nối cổng Tiêm chủng quốc gia để trích xuất dữ liệu tạo lập Hồ sơ sức khỏe điện tử
Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại y tế cơ sở, xây dựng phần mềm quản lý trạm y tế xã thống nhất theo quyết định số 3532/QĐ-BYT ngày 12/08/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Sở Y tế đã phối hợp VNPT Bến Tre triển khai hệ thống VNPT-HIS tại Trạm Y tế xã, phường, thị trấn từ năm 2016, đồng thời đã hoàn thành tập huấn sử dụng một phần mềm quản lý VNPT-HMIS trong năm 2020.
Thứ sáu, tổ chức triển khai hệ thống Phần mềm thống kê y tế điện tử trên địa bàn toàn tỉnh từ tháng 01 năm 2021.
Thứ bảy, ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 như đã triển khai các phần mềm khai báo y tế tự nguyện (NCOVI), khai báo y tế bắt buộc cho người nhập cảnh (Vietnam Health Declaration), Bluezone, Bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19….
Thứ tám, 100% Bệnh viện tuyến tỉnh và Trung tâm Y tế huyện/thành phố có chức năng khám chữa bệnh đã thực hiện triển khai hóa đơn điện tử,
Thứ chín, 6/16 Bệnh viện tuyến tỉnh và Trung tâm Y tế huyện/thành phố đã triển khai thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt.
Thứ mười, ứng dụng CNTT trong lĩnh vực Dược: Sở Y tế đã triển khai hệ thống Liên thông Dược Quốc gia - Bộ Y tế từ năm 2019, đến ngày 30/12/2020, toàn tỉnh có 751/1.531 cơ sở dược thực hiện kết nối dữ liệu, đạt tỉ lệ 49.05%.
NỘI DUNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH Y TẾ BẾN TRE
Ứng dụng và phát triển CNTT, y tế thông minh trong y tế góp phần xây dựng Ngành Y tế Bến Tre hiện đại, chất lượng cao, công bằng, hiệu quả và hội nhập cả nước và quốc tế.
Hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao nhất ở mọi lúc, mọi nơi và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời.
Tầm nhìn của chuyển đổi số ngành y tế tới năm 2030 là việc ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành y tế, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.
1. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025
a) Về mục tiêu phát triển Chính phủ số trong y tế:
* Năm 2021 - 2022:
- 100% báo cáo thống kê trong lĩnh vực y tế phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Bộ Y tế được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia.
- Thành lập Trung tâm điều hành Y tế thông minh tại Sở Y tế nhằm tập trung, quản lý, điều hành và liên thông dữ liệu y tế tỉnh Bến Tre với dữ liệu y tế quốc gia của Bộ Y tế.
* Đến năm 2025:
- 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 theo quy định của Bộ Y tế, trong đó 80% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.
- 90% hồ sơ công việc tại Sở Y tế; 80% hồ sơ công việc của các đơn vị y tế tuyến tỉnh, huyện, thành phố được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
- 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê trong lĩnh vực y tế phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Bộ Y tế được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia.
- 80% các hệ thống thông tin y tế có yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu y tế; thông tin của người dân, doanh nghiệp được số hóa và lưu trữ tại cơ sở dữ liệu quốc gia y tế không phải cung cấp lại.
b) Phát triển xã hội số trong y tế:
- 100% cán bộ, nhân viên ngành y tế tham gia mạng kết nối y tế Việt Nam.
- Thanh toán điện tử không dùng tiền mặt: 100% cơ sở KCB tuyến tỉnh/huyện triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong năm 2021
- Hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth):
* Năm 2021:
+ 100% cơ sở KCB tuyến tỉnh/huyện triển khai Telehealth kết hợp Hệ thống LIS-RIS-PACS đạt mức cơ bản theo Thông tư số 54/2017/TT-BYT. Riêng Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu và Bệnh viện ĐKKV Ba Tri chủ động nâng cấp, triển khai hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo đáp ứng triển khai thực hiện Bệnh án điện tử.
+ Sở Y tế triển khai Telehealth đặt tại Sở Y tế, định kỳ tổ chức hội chẩn trực tuyến giữa các đơn vị trong và ngoài tỉnh, mời các chuyên gia đầu ngành tuyến trên cùng hội chẩn các ca bệnh nặng, bàn các phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh, cùng chia sẻ kinh nghiệm điều trị, chăm sóc người bệnh.
+ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Bến Tre) triển khai Telehealth đặt tại đơn vị, phục vụ nhu cầu hội họp trực tuyến, phòng chống COVID-19 và các vấn đề y tế khác.
* Năm 2022:
+ 40% cơ sở KCB tuyến tỉnh/huyện triển khai hệ thống Hội chẩn từ xa (Telehealth) và kết hợp Hệ thống LIS-RIS-PACS đạt mức nâng cao theo Thông tư số 54/2017/TT-BYT. ĐKKV Ba Tri tiếp tục nâng cấp, triển khai hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo đáp ứng triển khai thực hiện Bệnh án điện tử.
+ Trung tâm Y tế huyện/thành phố triển khai hệ thống Hội chẩn từ xa (Telehealth) theo cụm Trạm Y tế kết nối đường truyền với Trung tâm Y tế (Tối thiểu tại 01 trạm y tế có vị trí địa lý trung tâm giữa các xã, tiến tới đánh giá hiệu quả sử dụng và mở rộng mô hình trong những năm tiếp theo)
* Năm 2023: 60% cơ sở KCB tuyến tỉnh/huyện triển khai hệ thống Hội chẩn từ xa (Telehealth) và kết hợp Hệ thống LIS-RIS-PACS đạt mức nâng cao theo Thông tư số 54/2017/TT-BYT .
* Năm 2024: 80% cơ sở KCB tuyến tỉnh/huyện triển khai hệ thống Hội chẩn từ xa (Telehealth) và kết hợp Hệ thống LIS-RIS-PACS đạt mức nâng cao theo Thông tư số 54/2017/TT-BYT .
* Năm 2025: 100% cơ sở KCB tuyến tỉnh/huyện triển khai hệ thống Hội chẩn từ xa (Telehealth) và kết hợp Hệ thống LIS-RIS-PACS đạt mức nâng cao theo Thông tư số 54/2017/TT-BYT .
- Đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến và hệ thống tự động lấy số khám chữa bệnh:
* Năm 2021: chọn Trung tâm Y tế thành phố, Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện tâm thần triển khai;
* Năm 2022: 50% cơ sở KCB tuyến tỉnh/huyện triển khai;
* Năm 2023 và những năm tiếp theo: 100% cơ sở KCB tuyến tỉnh/huyện triển khai;
c) Chuyển đổi số trong phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân:
- 100% người dân được định danh y tế;
- 100% cán bộ y tế (Bác sĩ, dược sĩ, cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế) được định danh;
- Hồ sơ sức khỏe điện tử
* Năm 2021, 80% người dân có hộ khẩu trên địa bàn tỉnh được lập và quản lý Hồ sơ sức khỏe điện tử
* Năm 2022, 100% người dân có hộ khẩu trên địa bàn tỉnh được lập và quản lý Hồ sơ sức khỏe điện tử
* Từ năm 2023, tiếp tục duy trì 100% người dân có hộ khẩu trên địa bàn tỉnh được lập và quản lý Hồ sơ sức khỏe điện tử
- Triển khai phần mềm quản lý trạm y tế xã
* Năm 2021: 100% các xã triển khai phần mềm quản lý trạm y tế xã đầy đủ các chức năng theo quy định của Bộ Y tế.
d) Chuyển đổi số trong khám bệnh, chữa bệnh, quản lý dược:
- Cơ sở KCB tuyến tỉnh/huyện thực hiện chuyển đối số thành công, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán dịch vụ y tế điện tử không dùng tiền mặt theo quy định tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử:
* Năm 2021:
+ Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu hoàn thành triển khai thí điểm Bệnh án điện tử (EMR) tại Khoa tim mạch - Lão học , chính thức đưa vào sử dụng từ 01.01.2022 và nhân rộng tất cả các Khoa của bệnh viện trong những năm tiếp theo.
+ Bệnh viện ĐKKV Ba Tri nghiên cứu, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai Bệnh án điện tử (EMR), đưa vào sử dụng trong năm 2022
* Giai đoạn từ năm 2022 – 2023: 40 % cơ sở KCB tuyến tỉnh/huyện hoàn thành triển khai Bệnh án điện tử (EMR)
* Giai đoạn từ năm 2024 – 2025: 70 % cơ sở KCB tuyến tỉnh/huyện hoàn thành triển khai Bệnh án điện tử (EMR)
- Quản lý kết nối liên thông dữ liệu vào phần mềm quản lý Dược Quốc gia:
* Năm 2021: 100% các cơ sở buôn bán, kinh doanh Dược trên địa bàn tỉnh thực hiện kết nối liên thông dữ liệu vào phần mềm quản lý Dược Quốc gia
* Từ năm 2022: tiếp tục duy trì 100% các cơ sở buôn bán, kinh doanh Dược trên địa bàn tỉnh thực hiện kết nối liên thông dữ liệu vào phần mềm quản lý Dược Quốc gia.
Tiếp tục duy trì bền vững các mục tiêu đã đạt được đến năm 2025 và phấn đấu đạt các mục tiêu như sau:
a) Về mục tiêu phát triển Chính phủ số trong y tế:
- 100 % dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động;
- 100% hồ sơ công việc tại Sở Y tế; 90% hồ sơ công việc của các đơn vị y tế tuyến tỉnh, huyện, thành phố được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);
- 100% các hệ thống thông tin y tế có yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu y tế; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại cơ sở dữ liệu quốc gia y tế không phải cung cấp lại.
b) Duy trì phát triển xã hội số trong y tế theo các chỉ tiêu đã đạt được ở giai đoạn 2021-2025.
c) Duy trì các chỉ tiêu trong phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt được ở giai đoạn 2021-2025
d) Chuyển đổi số trong khám bệnh, chữa bệnh:
100% cơ sở KCB tuyến tỉnh/huyện thực hiện chuyển đối số thành công, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt theo quy định tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM
1. Phát triển nền tảng cho chuyển đổi số
1.1. Chuyển đổi nhận thức
a) Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý, các cơ sở y tế, doanh nghiệp, cộng đồng về vai trò và lợi ích của chuyển đổi số ngành y tế.
b) Chủ động xây dựng các chương trình truyền thông về triển khai y tế số trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, khám chữa bệnh, bao gồm: triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, bệnh án điện tử và các nội dung liên quan khác.
c) Tổ chức kết nối, tập hợp, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển CNTT y tế trên địa bàn tỉnh trong việc phát triển các sản phẩm ứng dụng, nền tảng y tế số “make in Việt Nam”.
d) Tổ chức các sự kiện về chuyển đổi số ngành y tế nhằm cung cấp thông tin cũng như thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, cộng đồng.
e) Biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong chuyển đổi số ngành y tế.
1.2. Kiến tạo thể chế
Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế về các cơ chế tài chính, cơ chế thuê dịch vụ cho các dịch vụ y tế số, định mức chi trả cho các dịch vụ công nghệ thông tin trong các cơ sở khám, chữa bệnh, tính giá dịch vụ công nghệ thông tin trong giá dịch vụ y tế.
1.3. Phát triển hạ tầng số y tế
Ứng dụng các công nghệ hiện đại trong việc triển khai hạ tầng số ngành y tế. Nâng cấp, chuyển đổi hạ tầng kỹ thuật trên nền tảng điện toán đám mây, công nghệ máy chủ hội tụ, siêu hội tụ, các công nghệ mạng dây dẫn, không dây hiện đại. Các nhiệm vụ phát triển hạ tầng số y tế bao gồm:
a) Phát triển, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật tại Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị trực thuộc đáp ứng sự tăng trưởng về thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu y tế.
b) Phát triển, nâng cấp hạ tầng tại trung tâm điều hành y tế thông minh tại Sở Y tế và các cơ sở khám bệnh chữa bệnh.
c) Phát triển, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
d) Căn cứ vào nhu cầu và thực tiễn, các cơ sở y tế chuyên sâu (tim mạch, hô hấp, xương khớp, ung thư, sản nhi...) lập các dự án đầu tư xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn của chuyên ngành làm nền tảng ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo.
1.4. Phát triển dữ liệu số y tế
a) Phát triển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu danh mục dùng chung cho toàn ngành y tế.
b) Phát triển, hoàn thiện, cho phép sử dụng chung các cơ sở dữ liệu dùng chung trong ngành y tế bao gồm cơ sở dữ liệu khám chữa bệnh (bệnh án điện tử, hình ảnh y khoa, thông tin xét nghiệm), cơ sở dữ liệu nhân lực y tế, cơ sở dữ liệu các cơ sở y tế trên toàn quốc.
c) Phát triển các cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực chuyên ngành y tế.
d) Phát triển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, ứng dụng các công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) trong việc xây dựng, lưu trữ dữ liệu y tế. Ứng dụng các công nghệ phân tích (Analytics) để phân tích số liệu về hoạt động y tế kịp thời, chính xác, giúp dự báo về diễn biến tình trạng sức khỏe, bệnh tật trong cộng đồng, từ đó có các chính sách quản lý y tế phù hợp.
1.5. Áp dụng nền tảng số trong y tế theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế bao gồm:
a) Nền tảng tích hợp dữ liệu y tế quốc gia, kết nối, chia sẻ giữa các cơ sở dữ liệu y tế quốc gia, các hệ thống y tế chuyên ngành, thống kê y tế;
b) Nền tảng tích hợp dữ liệu y tế cơ sở;
c) Nền tảng dịch vụ đăng ký khám, chữa bệnh và thanh toán điện tử không dùng tiền mặt;
d) Nền tảng hệ thống thông tin quản lý bệnh viện;
đ) Nền tảng tư vấn khám, chữa bệnh từ xa;
e) Nền tảng siêu ứng dụng di động (superapp) trong việc cung cấp các dịch vụ y tế, hướng tới mạng xã hội dịch vụ y tế;
f) Nền tảng dữ liệu mở y tế, thu thập dữ liệu y tế từ nhiều nguồn, như: người dân, doanh nghiệp, mạng xã hội, các thiết bị cảm biến (IoMT – Internet of Medical Things) liên quan đến thông tin y tế và thông tin sức khỏe người dân, kết hợp với dữ liệu chia sẻ từ các cơ sở dữ liệu y tế, hướng tới hình thành hệ sinh thái dữ liệu mở trong y tế và mạng thông tin y tế quốc gia.
1.6. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng
a) T riển khai các hệ thống kỹ thuật bảo đảm an toàn thông tin phục vụ phát triển Chính phủ điện tử theo hướng dẫn của Bộ Y tế
b) Triển khai đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho hệ thống thông tin của đơn vị theo đúng cấp độ an toàn thông tin của hệ thống thông tin.
c) Triển khai hệ thống xác thực chữ ký số cho bệnh án điện tử tại các bệnh viện;
1.7. Hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số
a) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thăm quan, học tập học hỏi kinh nghiêm, công nghệ, mô hình triển khai chuyển đổi số ngành y tế tại các quốc gia trên thế giới. Tổ chức các hội thảo, các diễn đàn quốc tế về trao đổi, chia sẻ về chuyển đổi số ngành y tế.
b) Khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp và các đơn vị nghiên cứu khoa học trong nước nghiên cứu, xây dựng, triển khai các ứng dụng thông minh trong y tế.
1.8. Phát triển nguồn nhân lực
a) Tham dự các lớp tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác chuyển đổi số y tế do Bộ Y tế tổ chức.
b) Triển khai các chương trình đào tạo về chuyển đối số y tế cho các đơn vị trực thuộc Sở Y tế.
c) Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức và người lao động của ngành y tế về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số y tế. Thúc đẩy việc đào tạo CNTT y tế trong các cơ sở đào tạo nhân lực y tế.
d) Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, bồi dưỡng cán bộ làm công tác CNTT ngành Y tế Bến Tre
2. Phát triển Chính phủ số trong ngành y tế
Phát triển, nâng cấp các hệ thống thông tin y tế trên các nền tảng số mới nhất về truyền thông xã hội, cung cấp thông tin và dịch vụ hành chính công một cách đơn giản, thuận tiện trên di động, phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR) để thực hiện chuyển đổi số toàn diện các mặt công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước và cung cấp trải nghiệm tốt nhất, thân thiện nhất cho người dùng, cụ thể như:
a) Triển khai, hoàn thiện các ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành điện tử, hạn chế việc sử dụng văn bản giấy, ứng dụng phát triển giao dịch điện tử, xác thực điện tử, văn phòng điện tử tại Bộ Y tế, Sở Y tế và các đơn vị trong ngành y tế.
b) Vận hành, sử dụng hiệu quả Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử về thủ tục hành chính của Bộ Y tế.
3. Phát triển kinh tế số trong ngành y tế
Phát triển kinh tế số trong y tế với trọng tâm là thúc đẩy các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế, các cơ sở khám chữa bệnh trong ngành y tế tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản trị cũng như cung cấp dịch vụ y tế, tăng cường trải nghiệm, nâng cao tiện ích cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ y tế, cụ thể:
a) Thúc đẩy và có chính sách khuyến khích các Tổ chức tài chính, Quỹ đầu tư, các nhà tài trợ cá nhân đầu tư vào lĩnh vực y tế số tại địa phương.
b) Các Doanh nghiệp Dược, Thực phẩm, Trang thiết bị, các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế tăng cường triển khai ứng dụng các công nghệ số trong sản xuất, quản trị doanh nghiệp, quản trị khách hàng, cung cấp các dịch vụ trực tuyến cho khách hàng. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu và sản xuất Dược phẩm, Mỹ phẩm.
c) Các bệnh viện công lập, bệnh viện tư nhân đẩy mạnh tiến trình tiến tới bệnh viện thông minh, đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân (kể cả khi ra viện) trên nền tảng số.
d) Các Công ty công nghệ trong lĩnh vực y tế số tăng cường nghiên cứu, phát triển các nền tảng chuyển đối số trong y tế; tạo ra các dịch vụ số hiệu quả trong ngành y tế “Make in VietNam”. Tăng cường nghiên cứu các công nghệ số phục vụ y tế như dữ liệu lớn, di động, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây. Hằng năm, Sở Y tế tổ chức triển khai thử nghiệm, đánh giá các dịch vụ số hiệu quả theo đề xuất từ các công ty, doanh nghiệp về y tế số.
4. Phát triển xã hội số trong ngành y tế
a) Triển khai mạng kết nối y tế Việt Nam để kết nối các thầy thuốc, cán bộ y tế trên toàn tỉnh.
b) Khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các siêu ứng dụng di động (superapp) trong lĩnh vực y tế, hình thành các nhóm cộng đồng sử dụng các dịch vụ y tế trên siêu ứng dụng di động.
5. Một số lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trong ngành y tế
5.1 Chuyển đổi số trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh, góp phần thực hiện thành công chương trình sức khỏe Việt Nam
a) Triển khai sáng kiến “Mỗi người dân có một bác sĩ riêng” của Bộ Y tế với mục tiêu mỗi người dân có một hồ sơ số về sức khỏe cá nhân, trên cơ sở đó được bác sĩ tư vấn, chăm sóc cho từng người dân như là bác sĩ riêng: xây dựng và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân, bảo đảm mỗi một người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử và thông tin sức khỏe của người dân được cập nhật kịp thời vào hồ sơ. Phát triển cổng sức khỏe người dân, cho phép người dân có thể quản lý, tra cứu thông tin sức khỏe của mình. Phát triển các ứng dụng nhắn tin thông báo về thông tin sức khỏe cho người dân trên hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử.
b) Tiếp tục triển khai hệ thống tiêm chủng, bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm…
c) Triển khai ứng dụng giám sát các dịch bệnh thông qua việc thu thập các dữ liệu thu thập từ tất cả các nguồn bao gồm người dân, doanh nghiệp, cơ sở y tế, mạng xã hội, các chương trình điều tra và dự báo ổ dịch thông qua các công nghệ phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo.
d) Triển khai các ứng dụng cung cấp tri thức phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân bao gồm cung cấp tri thức về phòng chống COVID-19, các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, thông tin dinh dưỡng và khai báo sức khỏe cá nhân; các thông tin về cơ sở y tế, bác sĩ, dịch vụ y tế trên môi trường di động, giúp người dân có thể tra cứu thông tin y tế dễ dàng, hiệu quả, kịp thời, mọi lúc, mọi nơi, kết nối với hệ tri thức Việt số hóa.
đ) Triển khai các ứng dụng thông minh cho phép cung cấp các dịch vụ theo dõi, trợ giúp, chăm sóc sức khỏe người dân từ xa, kết nối trực tuyến giữa người bệnh, các thiết bị theo dõi sức khỏe và cán bộ y tế.
e) Triển khai các hệ chuyên gia trong lĩnh vực y tế cho phép người dân có thể tự kiểm tra chẩn đoán bệnh ban đầu của mình thông qua việc nhập các triệu chứng ban đầu của bệnh nhân vào hệ chuyên gia, hình thành các trợ lý ảo chăm sóc cho người dân. Triển khai tích hợp các ứng dụng có thể tự theo dõi, phát hiện ra tình trạng sức khỏe của người dân với các thiết bị gắn trên người (bao gồm thiết bị di động).
f) Triển khai phần mềm quản lý trạm y tế xã, đảm bảo đáp ứng được tất cả các nghiệp vụ của trạm y tế xã, đáp ứng các quy định tại Quyết định số 3532/QĐ-BYT ngày 12/08/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn.
g) Triển khai hệ thống quản lý và Cổng thông tin về ngộ độc thực phẩm, phản ánh các thông tin mất an toàn vệ sinh thực phẩm, cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm cho người dân qua các ứng dụng nhắn tin di động, kết nối với thông tin kiểm nghiệm thực phẩm.
h) Triển khai thu thập thông tin môi trường qua thiết bị cảm biến trong lĩnh vực môi trường y tế.
5.2. Chuyển đối số trong bệnh viện
a) Triển khai hệ thống phần mềm HIS, LIS, RIS/PACS, EMR tuân thủ các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế bảo đảm khả năng kết nối liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ liệu, đồng thời bảo đảm khả năng kết nối liên thông với tất cả các trang thiết bị hiện có trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (máy xét nghiệm, máy chẩn đoán hình ảnh, các màn hình tương tác, các thiết bị cầm tay cá nhân, …) trên mạng nhằm nâng cao khả năng tự động hóa.
- Đồng bộ mã số định danh Y tế (ID): Sử dụng mã số BHXH của người dân để xây dựng ID y tế và triển khai thực hiện trên toàn quốc;
- Xây dựng “bệnh viện thông minh”: Các cơ sở khám, chữa bệnh căn cứ Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế về việc ban hành bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám, chữa bệnh để xây dựng lộ trình đáp ứng “bệnh viện thông minh” (Mức 6 của Thông tư 54).
b) Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình quy định tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử, tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt.
c) Triển khai tư vấn khám chữa bệnh từ xa theo các yêu cầu tại Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 và đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
d) Triển khai hệ thống quản lý đơn thuốc điện tử quốc gia tại tất cả cả cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân trên cả nước.
đ) Triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám chữa bệnh từ Bộ Y tế, ưu tiên một số lĩnh vực sau:
- Kết nối các thiết bị liên quan đến chăm sóc sức khỏe theo nguyên lý vạn vật y tế kết nối (Internet of Medical Things - IoMT) làm nền tảng xây dựng các hệ thống chuyên gia hỗ trợ ra quyết định lâm sàng;
- Phát triển hệ thống hỗ trợ ra quyết định lâm sàng kết hợp chặt chẽ và thực hiện tức thời (real-time) cùng với hồ sơ sức khỏe điện tử;
- Hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh; Hỗ trợ phẫu thuật;
- Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các chuyên ngành sâu như chẩn đoán hình ảnh, tim mạch, hô hấp, xương khớp, ung thư, sản nhi ….
- Các cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng hệ thống dữ liệu lớn với các thuật toán phân tích nhanh hỗ trợ ra quyết định lâm sàng dựa trên trí tuệ nhân tạo;
- Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y dược cổ truyền.
Tổng kinh phí dự kiến (Phụ lục đính kèm): 60.000.000.000 (Sáu mươi tỉ đồng)
Nguồn kinh phí:
+ Ngân sách nhà nước
+ Kinh phí tự cân đối các đơn vị sự nghiệp y tế.
+ Kinh phí từ các dự án, nhiệm vụ thực hiện theo hình thức giao nhiệm vụ, hình thức đặt hàng tùy theo từng nhiệm vụ cụ thể.
+ Kinh phí từ nguồn xã hội hóa và các nguồn kinh phí hợp pháp khác
1. Sở Y tế
Chủ trì, phối hợp với Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế và các sở, ban ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số Ngành Y tế giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Ngành Y tế, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện các nội dung Chương trình Chuyển đổi số Ngành Y tế
Xây dựng kế hoạch chi tiết và dự toán ngân sách thực hiện các mục tiêu Chương trình Chuyển đổi số Ngành Y tế trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt
Tổng hợp kết quả thực hiện của các đơn vị, hàng năm báo cáo UBND tỉnh
Tuyên truyền về lợi ích việc Chuyển đổi số Ngành Y để người dân cùng chung tay phối hợp thực hiện.
2. Sở Thông tin và Truyền thông
Phối hợp, hướng dẫn Sở Y tế các vấn đề chuyên môn có liên quan trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch Chuyển đổi số Ngành Y tế.
Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn Báo Đồng Khởi , Đài Phát thanh truyền hình Bến Tre, Cổng Thông tin điện tử tỉnh và Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh, Trung tâm Văn hóa huyện, thành phố tuyên truyền về lợi ích, ý nghĩa của Kế hoạch chuyển đổi số Ngành Y tế để vận động người dân tham gia thực hiện.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp Sở Tài chính cân đối, bố trí, lồng ghép các nguồn vốn, các chương trình, dự án và trong khả năng cân đối ngân sách tham mưu trình UBND tỉnh bố trí kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch Chuyển đổi số Ngành Y tế
4. Sở Tài chính
Phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu trình cấp có thẩm quyền xem xét, cân đối, bố trí kinh phí thực hiện các nội dung theo Kế hoạch, Đề án đã được phê duyệt.
Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện Kế hoạch Chuyển đổi số Ngành Y tế theo quy định.
5. Bảo hiểm xã hội tỉnh
Trên cơ sở dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh cung cấp thông tin mã thẻ bảo hiểm y tế để tạo lập mã định danh y tế (ID) cập nhật các thông tin cơ bản về hành chính vào hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân cho toàn bộ người dân trên toàn tỉnh.
Phối hợp các đơn vị thực hiện việc kết nối hệ thống giám định BHYT tại các cơ sở y tế, tích hợp vào hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử đảm bảo an toàn, hiệu quả.
6. Sở Nội vụ
Chủ trì, tham mưu UBND tỉnh bố trí chỉ tiêu biên chế hành chính và số người làm việc để tuyển dụng, bố trí cán bộ làm CNTT tại các cơ sở y tế.
7. Đơn vị cung cấp, triển khai phần mềm
Phối hợp với Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội tỉnh xây dựng và sử dụng hệ thống quản lý mã định danh y tế theo mã bảo hiểm y tế.
Hoàn thiện phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử; chịu trách nhiệm trong việc thiết kế, cài đặt phần mềm trên cơ sở phần mềm kỹ thuật chất lượng, dễ sử dụng, đảm bảo đầy đủ thông tin theo Quyết định số 831/QĐ-BYT ngày 11/3/2017 của Bộ Y tế, về việc ban hành mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân.
Phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn, quản lý, sử dụng phần mềm cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đường truyền ổn định, chất lượng tốt, đảm bảo các quy định về an toàn thông tin; phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh kết nối thông tin hành chính với thông tin khám chữa bệnh BHYT đưa vào hệ thống tập trung của phần mềm hồ sơ sức khỏe.
Phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị cung cấp phần mềm y tế khác trên địa bàn để liên thông, kết nối giữa các phần mềm với phần mềm hồ sơ quản lý sức khỏe người dân, thành lập nhóm hỗ trợ triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử trong toàn tỉnh.
Hỗ trợ trích xuất dữ liệu và kết nối liên thông dữ liệu giữa các phần mềm thông tin y tế với hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử
Theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện và hiệu quả triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử trên toàn tỉnh.
Cử cán bộ tham gia điều tra, lập danh sách người dân cần quản lý hồ sơ sức khỏe; tham gia nhập thông tin vào hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe. Phối hợp với Sở Y tế báo cáo kết quả triển khai kế hoạch về UBND tỉnh và Bộ Y tế.
8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế thực hiện các vấn đề có liên quan trong việc triển khai Kế hoạch Chuyển đổi số Ngành Y tế.
9. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chỉ đạo các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức khám và lập hồ sơ sức khỏe cho cán bộ và học sinh trên địa bàn.
10. UBND các huyện, thành phố
Ưu tiên bố trí, cân đối kinh phí đầu tư cho lĩnh vực y tế trên địa bàn trong nguồn vốn ngân sách do UBND cấp huyện, thành phố quản lý.
Phối hợp với Sở Y tế, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức điều tra, phân loại đối tượng đề khám và lập hồ sơ sức khỏe và nhân cho toàn bộ người dân trên địa bàn; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên hệ thống phát thanh xã, phường, thị trấn về lợi ích, ý nghĩa của việc khám và lập hồ sơ sức khỏe của người dân để người dân trên địa bàn hiểu và tham gia khám để lập hồ sơ sức khỏe và tham gia BHYT toàn dân.
11. Các phòng tham mưu, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở Y tế
Căn cứ vào chương trình chuyển đối số của Sở Y tế, triển khai thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số tại đơn vị, chủ động xây dựng chương trình chuyển đối số của đơn vị phù hợp nội dung trong chương trình này.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Y tế để được hướng dẫn, giải quyết; trường hợp vượt thẩm quyền Sở Y tế tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.
TỔNG HỢP KINH PHÍ DỰ KIẾN
CHƯƠNG TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH Y TẾ BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2021-2025, TẦM NHÌN ĐẾN
NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 1283/QĐ-UBND ngày 09 tháng 6 năm
2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)
Đơn vị tính: triệu đồng
STT |
Nội dung |
Năm 2021 |
Năm 2022 |
Năm 2023 |
Năm 2024 |
Năm 2025 |
Giai đoạn 2021 - 2025 |
Nguồn kinh phí |
1 |
Nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật CNTT Ngành Y tế |
15.000,00 |
3.500,00 |
3.500,00 |
3.500,00 |
2.548,39 |
28.048,39 |
Từ nguồn ngân sách nhà nước |
2 |
Chi phí thuê hệ thống Khám chữa bệnh từ xa Telehealth |
3.694,68 |
|
|
|
|
3.694,68 |
Từ nguồn ngân sách nhà nước |
3 |
Chi phí trang bị thiết bị phục vụ khám chữa bệnh từ xa |
3.944,63 |
|
|
|
|
3.944,63 |
Từ nguồn ngân sách nhà nước |
4 |
Chi phí thuê hệ thống Chẩn đoán hình ảnh PACS |
4.857,60 |
|
|
|
|
4.857,60 |
Từ nguồn ngân sách nhà nước |
5 |
Chi phí thuê hệ thống Bệnh án điện tử ERM |
7.207,20 |
|
|
|
|
7.207,2 |
Từ nguồn ngân sách nhà nước |
6 |
Triển khai phần mềm HMIS Hồ sơ sức khỏe toàn dân |
0 |
2.991,00 |
2.991,00 |
2.991,00 |
2.991,00 |
11.964,0 |
Từ nguồn ngân sách nhà nước |
7 |
Chi phí đào tạo, tập huấn chuyển giao |
43,50 |
|
|
|
|
43,50 |
Từ nguồn ngân sách nhà nước |
8 |
Chi phí tổ chức đoàn công tác kiểm tra |
48,00 |
48,00 |
48,00 |
48,00 |
48,00 |
240,00 |
Từ nguồn ngân sách nhà nước |
|
Tổng: |
34.795,61 |
6.539,00 |
6.539,00 |
6.539,00 |
5.587,39 |
60.000,00 |
|
|
|
Ba mươi bốn tỷ bảy trăm chín mươi lăm triệu sáu trăm mười ba ngàn đồng chẵn. |
Sáu tỷ năm trăm ba mươi chín triệu đồng chẵn. |
Sáu tỷ năm trăm ba mươi chín triệu đồng chẵn. |
Sáu tỷ năm trăm ba mươi chín triệu đồng chẵn. |
Năm tỷ năm trăm tám mươi bảy triệu ba trăm chín mươi ngàn đồng chẵn. |
Sáu mươi tỷ đồng chẵn. |
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.