THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1255/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 21 tháng 08 năm 2017 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp tại văn bản số 24/TTr-BTP ngày 05 tháng 6 năm 2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo (sau đây viết tắt là Đề án) với những nội dung sau:
I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Quan điểm
Việc xây dựng Đề án dựa trên các quan điểm chỉ đạo sau đây:
a) Thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản nhằm giải quyết thực tiễn tất yếu đang tồn tại và sẽ diễn ra;
b) Góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Việt Nam; hạn chế, ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả các rủi ro, lạm dụng liên quan; cụ thể hóa các chế định về quyền tài sản trong Bộ luật dân sự năm 2015 trong lĩnh vực tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo;
c) Nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo để nhận diện, xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý liên quan theo nguyên tắc đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, minh bạch, ổn định và có thể dự báo trước của hệ thống pháp luật, phù hợp thông lệ quốc tế.
2. Mục tiêu
Việc xây dựng và thực hiện Đề án phải hướng đến các mục tiêu sau đây:
a) Nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, chính xác bản chất của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo theo kinh nghiệm nước ngoài và thực tiễn Việt Nam; mối quan hệ với tài sản thực, tiền thực; vai trò của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo và tác động của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo tới pháp luật;
b) Rà soát, đánh giá thực trạng khung pháp lý về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo của Việt Nam; kinh nghiệm điều chỉnh của nước ngoài và tác động tới hệ thống pháp luật liên quan của Việt Nam nhằm nhận diện và xác định thái độ của cơ quan nhà nước đối với các vấn đề pháp lý liên quan; đề xuất các nhiệm vụ, công việc cụ thể và những định hướng để xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo nhằm đảm bảo tương ứng với các rủi ro liên quan để kiểm soát, giảm thiểu các rủi ro này nhưng không được ảnh hưởng đến sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, đảm bảo tính linh hoạt để phù hợp với sự thay đổi trong sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, thương mại điện tử;
c) Phân công trách nhiệm, lộ trình thực hiện cho các Bộ, ngành liên quan để xử lý các vấn đề liên quan đặt ra.
1. Rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế liên quan
a) Hoạt động:
- Rà soát toàn diện hệ thống pháp luật Việt Nam, bao gồm: (i) Bộ luật dân sự năm 2015; (ii) Luật đầu tư năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung năm 2016); (iii) Luật công nghệ thông tin năm 2006, Luật giao dịch điện tử năm 2005; (iv) Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 (được sửa đổi bổ sung năm 2013); (v) Luật thuế giá trị gia tăng năm 2013 (được sửa đổi, bổ sung năm 2016); Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2007 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2014); Luật thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2014); Luật quản lý thuế năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2014, 2016); (vi) Luật phòng, chống rửa tiền năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật, Pháp lệnh này về các vấn đề liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.
- Khảo sát, tập hợp các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn đối với các vấn đề liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.
- Nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế tại một số nước (Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản...) về pháp luật và thực tiễn liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.
- Tổ chức các hội thảo, tọa đàm với các chuyên gia trong nước, quốc tế về tài sản ảo, tiền ảo để nhận diện, làm rõ vai trò của tài sản ảo, tiền ảo và đề xuất hướng hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong các lĩnh vực này.
b) Kết quả đầu ra: Báo cáo rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và quốc tế; nhận diện, đề xuất các định hướng hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ.
c) Thời gian hoàn thành: tháng 8 năm 2018.
d) Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp.
đ) Cơ quan phối hợp: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các Bộ, ngành khác có liên quan.
2. Rà soát, nghiên cứu và đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử
a) Hoạt động: Rà soát, nghiên cứu và đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử.
b) Kết quả đầu ra: Báo cáo rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử trình Thủ tướng Chính phủ.
c) Thời gian hoàn thành: tháng 8 năm 2018.
d) Cơ quan chủ trì: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
đ) Cơ quan phối hợp: Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Tòa án nhân dân tối cao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các Bộ, ngành khác có liên quan.
3. Lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo
a) Hoạt động: nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo.
b) Kết quả đầu ra: Hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
c) Thời gian hoàn thành: tháng 12 năm 2018.
d) Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp.
đ) Cơ quan phối hợp: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các bộ, ngành khác có liên quan.
4. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo
a) Hoạt động: Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo.
b) Kết quả đầu ra: Hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về thuế liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
c) Thời gian hoàn thành: tháng 6 năm 2019.
d) Cơ quan chủ trì: Bộ Tài chính.
đ) Cơ quan phối hợp: Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các bộ, ngành khác có liên quan.
5. Nghiên cứu, đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo
a) Nghiên cứu, đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hình sự liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo
- Hoạt động: Nghiên cứu, đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hình sự về gian lận, rửa tiền, tài trợ khủng bố và các tội phạm khác liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.
- Kết quả đầu ra: Báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hình sự về gian lận, rửa tiền, tài trợ khủng bố và các tội phạm khác liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.
- Thời gian hoàn thành: tháng 9 năm 2019.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Công an.
- Cơ quan phối hợp: Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các bộ, ngành khác có liên quan.
b) Nghiên cứu, đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hành chính liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo
- Hoạt động: Nghiên cứu, đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hành chính liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.
- Kết quả đầu ra: Báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hành chính liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.
- Thời gian hoàn thành: tháng 9 năm 2019.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp.
- Cơ quan phối hợp: Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các bộ, ngành khác có liên quan.
6. Nghiên cứu, lập đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh nhằm hoàn thiện khung pháp lý quản lý, xử lý tài sản ảo, tiền ảo
a) Hoạt động: nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng luật (các luật) sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.
b) Kết quả đầu ra: Hồ sơ đề nghị xây dựng luật (các luật) sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
c) Thời gian hoàn thành: tháng 12 năm 2020.
d) Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp.
đ) Cơ quan phối hợp: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các bộ, ngành khác có liên quan.
1. Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công an thực hiện các nhiệm vụ được giao chủ trì trong Đề án này theo đúng thời gian quy định và bảo đảm chất lượng.
2. Bộ Tư pháp có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi và báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện Đề án; đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung Đề án (nếu cần thiết); tổ chức tổng kết việc thực hiện Đề án.
3. Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm cho các Bộ, cơ quan liên quan kết hợp với các nguồn huy động khác (nếu có).
a) Hàng năm, các Bộ, cơ quan liên quan có trách nhiệm lập dự toán kinh phí cho các hoạt động được giao theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
b) Bộ Tài chính có trách nhiệm bố trí kinh phí thực hiện Đề án trong dự toán chi ngân sách của các Bộ, cơ quan chủ trì các hoạt động để thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.