ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/2022/QĐ-UBND |
Bến Tre, ngày 04 tháng 4 năm 2022 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH MỨC ĐỘ KHÔI PHỤC LẠI TÌNH TRẠNG BAN ĐẦU CỦA ĐẤT TRƯỚC KHI VI PHẠM ĐỐI VỚI TỪNG LOẠI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;
Căn cứ Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 888/TTr-STNMT ngày 14 tháng 3 năm 2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với từng loại vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh Bến Tre quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15 và Điều 16 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, bao gồm: chuyển mục đích sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa không đúng quy định của pháp luật; lấn, chiếm đất; hủy hoại đất; gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính (gọi tắt là đối tượng vi phạm) trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh Bến Tre bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm theo quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15 và Điều 16 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP .
2. Cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo quy định.
Điều 3. Mức độ khôi phục, biện pháp khôi phục và cơ quan chuyên môn phối hợp xác định mức độ, biện pháp, kết quả khôi phục
1. Tình trạng ban đầu của đất là tình trạng của loại đất tồn tại trước thời điểm đối tượng vi phạm thực hiện hành vi vi phạm, loại đất được xác định dựa trên các căn cứ quy định tại Điều 11 Luật Đất đai năm 2013.
2. Mức độ khôi phục tại Quyết định này gồm 03 mức độ: Khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất, khôi phục lại tình trạng của đất để giữ mục đích sử dụng đất hoặc giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất như tại thời điểm phát hiện vi phạm.
3. Khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất bao gồm những biện pháp nhằm khôi phục lại tình trạng của loại đất đó trước khi bị tác động bởi hành vi vi phạm của đối tượng thực hiện hành vi vi phạm.
4. Khôi phục lại tình trạng của đất để giữ mục đích sử dụng đất bao gồm những biện pháp nhằm khôi phục lại tình trạng của loại đất, để phục hồi lại mục đích sử dụng của loại đất đó trước khi bị tác động.
Đất khi được khôi phục đạt yêu cầu phải có tính chất tương đồng với các thửa đất xung quanh có cùng mục đích sử dụng.
5. Các biện pháp khôi phục nêu tại Điều này bao gồm các tác động cơ học (tháo dỡ, di chuyển, san lấp, đào hạ thấp mặt bằng...), các tác động sinh hóa học (bổ sung phân, thuốc, hóa chất phù hợp, tăng cường độ ẩm...) và một số biện pháp khác phù hợp.
Các biện pháp phải thực hiện để khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất được nêu cụ thể trong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
6. Cơ quan chuyên môn tham gia xác định mức độ khôi phục, các biện pháp khôi phục là các cơ quan, đơn vị cùng cấp với cơ quan chủ trì kiểm tra, do cơ quan chủ trì kiểm tra mời.
7. Kết quả khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm được đại diện cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn có liên quan và địa phương nơi có đất tổ chức kiểm tra, xác nhận bằng biên bản. Trường hợp thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thì cơ quan trình ban hành Quyết định xử phạt là cơ quan chủ trì kiểm tra, xác nhận.
Điều 4. Mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất đối với hành vi chuyển mục đích sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 và Điều 12 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP
1. Đối với vị trí, loại đất đối tượng vi phạm tự ý chuyển mục đích mà phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, thì yêu cầu đối tượng vi phạm giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất như tại thời điểm phát hiện vi phạm.
2. Đối với vị trí, loại đất đối tượng vi phạm tự ý chuyển mục đích không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc không được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, thì buộc đối tượng vi phạm khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Điều 5. Mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất đối với hành vi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa không đúng quy định
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác, thì buộc đối tượng vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất để giữ mục đích sử dụng đất.
Điều 6. Mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất đối với hành vi lấn, chiếm đất quy định tại Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP
1. Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực đô thị và khu vực nông thôn thì buộc đối tượng vi phạm phải trả lại đất đã lấn, chiếm và khôi phục lại tình trạng của đất để giữ mục đích sử dụng đất.
2. Trường hợp lấn, chiếm đất nông nghiệp; đất phi nông nghiệp (trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP) thì buộc đối tượng vi phạm phải trả lại đất đã lấn, chiếm và khôi phục lại tình trạng ban đầu trước khi vi phạm.
Điều 7. Mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất đối với hành vi hủy hoại đất, hành vi gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác quy định tại Điều 15 và Điều 16 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP
1. Trường hợp làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất thì buộc đối tượng vi phạm phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
2. Trường hợp gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác thì buộc đối tượng vi phạm phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, cụ thể trong các trường hợp sau:
a) Đưa vật liệu xây dựng hoặc các vật khác lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình mà gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.
b) Đưa chất thải, chất độc hại lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình mà gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.
c) Đào bới, xây tường, làm hàng rào gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.
Điều 8. Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 4 năm 2022.
2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.