ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1186/QĐ-UBND |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 3 năm 2025 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HUY ĐỘNG TRẺ RA LỚP VÀ TUYỂN SINH VÀO CÁC LỚP ĐẦU CẤP NĂM HỌC 2025 - 2026
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 02 năm 2025;
Căn cứ Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 9 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học;
Căn cứ Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông;
Căn cứ Thông tư số 05/2023/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 02 năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên;
Căn cứ Thông tư số 07/2021/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 03 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông năng khiếu thể dục, thể thao;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 1392/TTr-SGDĐT ngày 25 tháng 3 năm 2025.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2025 - 2026.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng các sở - ngành Thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, các quận - huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
KẾ HOẠCH
HUY ĐỘNG TRẺ RA LỚP
VÀ TUYỂN SINH VÀO CÁC LỚP ĐẦU CẤP NĂM HỌC 2025 - 2026
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1186/QĐ-UBND ngày 28 tháng 3 năm 2025 của Chủ
tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)
A. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU
1. Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập cho con em nhân dân Thành phố, trong đó ưu tiên giải quyết chỗ học cho con em gia đình chính sách, gia đình nghèo, công nhân và trẻ em mồ côi. Thực hiện nghiêm túc công tác phổ cập giáo dục các cấp, bao gồm: phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học. Tăng cường tuyên truyền, định hướng, khuyến khích học sinh đăng ký nguyện vọng thi tuyển vào lớp 10 phù hợp với năng lực bản thân, ưu tiên chọn trường gần nơi ở hiện tại để đảm bảo thuận lợi trong quá trình học tập sau khi trúng tuyển và thực hiện chủ trương giảm áp lực giao thông của Thành phố.
2. Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền đảm bảo 100% trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường; tiếp tục duy trì mục tiêu 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tạo điều kiện tốt nhất để học sinh được rèn luyện và phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực theo đúng mục tiêu đề ra.
3. Triển khai công tác tuyển sinh các bậc học theo đúng quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), đảm bảo công bằng, minh bạch, đánh giá chính xác năng lực người học và phản ánh đúng chất lượng giảng dạy.
4. Tiếp tục duy trì loại hình trường thực hiện nội dung giáo dục chất lượng cao, tiên tiến, hội nhập khu vực và quốc tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của Thành phố.
5. Tiếp tục duy trì và mở rộng tuyển sinh cho các chương trình/lớp giảng dạy môn Toán và Khoa học bằng tiếng Anh theo chương trình tích hợp Anh và Việt Nam (Đề án 5695) và các chương trình được phê duyệt khác; đồng thời khuyến khích các cơ sở giáo dục đẩy mạnh phát triển các lớp tăng cường tiếng Anh, ngoại ngữ hai, nhằm mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng giao tiếp đa ngôn ngữ, đáp ứng hiệu quả các yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập quốc tế.
6. Sử dụng kết quả của Đề án 06, kết hợp hệ thống Bản đồ số dùng chung của Thành phố, nhằm xác định chính xác dữ liệu nơi ở hiện tại thực tế của học sinh thông qua mã định danh, giúp địa phương dự báo được số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện căn cứ tình hình trường lớp thực tế tại địa phương để xây dựng các khu vực tuyển sinh linh hoạt, không theo ranh giới hành chính phường, nhằm tạo điều kiện cho học sinh được học gần nơi ở hiện tại và đảm bảo các trường tuyển đủ chỉ tiêu theo kế hoạch phát triển giáo dục.
7. Đảm bảo 100% học sinh trong độ tuổi tuyển sinh ở các cấp học (đối tượng phổ cập) đều được khai báo thông tin đầy đủ tại địa chỉ https://csdl.hcm.edu.vn (gọi chung là hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục Thành phố). Công tác khai báo, rà soát thông tin học sinh phải thực hiện theo đúng hướng dẫn của Sở GDĐT.
8. Tiếp tục duy trì và phát triển hình thức đăng ký, nộp hồ sơ tuyển sinh trực tuyến vào các lớp đầu cấp; Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm phê duyệt kế hoạch tuyển sinh tại địa phương theo kế hoạch chung của Thành phố; các nội dung về khung thời gian, quy trình thực hiện và các vấn đề liên quan phải tuân thủ theo hướng dẫn của Sở GDĐT, đảm bảo thống nhất trên toàn Thành phố; nghiêm cấm các trường vận động, quyên góp và thu các khoản ngoài quy định trong quá trình tuyển sinh.
9. Thông tin nơi ở hiện tại của học sinh (bao gồm “mối quan hệ với chủ hộ” và thông tin liên quan) xác định qua ứng dụng định danh điện tử (VNEID) của cha, mẹ học sinh hoặc người giám hộ hợp pháp, phải khai báo trong khung thời gian rà soát dữ liệu theo văn bản của Sở GDĐT ban hành, đảm bảo hạn chế tối đa hồ sơ giấy. Trường hợp đặc biệt, thực hiện theo hướng dẫn của Sở GDĐT và quyết định Ban chỉ đạo Tuyển sinh đầu cấp của thành phố Thủ Đức và các quận, huyện (sau đây gọi tắt là Ban chỉ đạo Tuyển sinh đầu cấp), đồng thời phải khai báo trên hệ thống và lưu trữ đầy đủ minh chứng tại Phòng GDĐT.
B. PHƯƠNG THỨC HUY ĐỘNG TRẺ RA LỚP VÀ TUYỂN SINH
I. PHƯƠNG THỨC XÉT TUYỂN CHUNG
- Phòng GDĐT tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện xây dựng các khu vực tuyển sinh linh hoạt dựa trên ba yếu tố: phân bố trường lớp tại địa phương, số lượng trẻ em trong độ tuổi tuyển sinh và thông tin “nơi ở hiện tại” của học sinh từ cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành. Đồng thời kết hợp sử dụng hệ thống bản đồ số dùng chung của Thành phố để tính khoảng cách di chuyển của học sinh, không phân bổ học sinh theo ranh giới hành chính phường, nhằm tạo điều kiện cho học sinh được học gần nơi ở hiện tại và phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Đối với các trường nằm ở ranh giới giữa các địa phương, Ban chỉ đạo Tuyển sinh đầu cấp cần xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh được học gần nơi ở hiện tại.
- Công tác đăng ký tuyển sinh được thực hiện trực tuyến tại địa chỉ https://tuyensinhdaucap.hcm.edu.vn (gọi chung là trang tuyển sinh của Thành phố), thông qua mã định danh của học sinh và tuân thủ theo hướng dẫn của Sở GDĐT, thông tin sử dụng trong tuyển sinh đảm bảo trích xuất 100% từ hệ thống CSDL ngành giáo dục Thành phố. Đối với các đơn vị có nhu cầu kết nối dữ liệu theo các hình thức khác, cần đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về tính bảo mật và an toàn thông tin cho cả hai chiều truyền và nhận dữ liệu.
- Đối tượng tuyển sinh chia làm 02 dạng, trong đó:
+ Đối tượng 1: ưu tiên tuyển sinh cho các trường hợp:
* Đối với lớp 1: học sinh có “nơi ở hiện tại” thuộc địa bàn và trong độ tuổi quy định;
* Đối với lớp 6: học sinh có “nơi ở hiện tại” thuộc địa bàn, đã hoàn thành chương trình tiểu học và trong độ tuổi quy định.
+ Đối tượng 2: học sinh có nguyện vọng học tại khu vực không thuộc địa bàn cư trú thực tế.
* Đối với đối tượng 2, Ban Chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp thành phố Thủ Đức và các quận, huyện cần ban hành văn bản xác định rõ các đối tượng được ưu tiên xét tuyển, tạo cơ sở pháp lý cho việc phân loại. Trong đó, có thể xem xét ưu tiên xét tuyển theo thứ tự các trường hợp đặc thù của mỗi khu vực như:
(1) Học sinh đã hoàn thành chương trình mầm non hoặc tiểu học trên địa bàn.
(2) Học sinh có cha hoặc mẹ làm việc tại địa bàn (các khu công nghiệp, cơ quan, tổ chức đặt trên địa bàn).
(3) Học sinh có “nơi ở hiện tại” theo VNEID thuộc các khu vực ranh giới giữa các quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
(4) Học sinh chuyển tỉnh.
(5) Học sinh thuộc các trường hợp đặc thù của địa phương.
Mục tiêu ưu tiên này nhằm tạo thuận lợi cho phụ huynh trong việc đưa đón con em và bổ sung nguồn học sinh cho các địa phương có số lượng trẻ trong độ tuổi tuyển sinh thấp do đặc thù khu vực. Quy định ưu tiên phải được nêu rõ, chi tiết trong Kế hoạch tuyển sinh của từng địa phương, đảm bảo tính minh bạch, công khai. Các trường hợp không thuộc diện ưu tiên sẽ được xem xét sau cùng, dựa trên chỉ tiêu còn lại của các trường và quyết định của Ban Chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp của địa phương.
* Học sinh thuộc đối tượng 2 phải đảm bảo các điều kiện: đăng ký tuyển sinh trên hệ thống tuyển sinh của Thành phố, đáp ứng các tiêu chí trong Kế hoạch tuyển sinh của địa phương. Ban Chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp của địa phương có thể xét tuyển theo thứ tự các đối tượng và chế độ ưu tiên, đảm bảo tuân thủ Kế hoạch tuyển sinh của địa phương và khung thời gian do Sở GDĐT ban hành.
- Ban chỉ đạo Tuyển sinh đầu cấp thực hiện công tác phê duyệt kế hoạch tuyển sinh và phân bổ học sinh tại địa phương, trong đó phải tuân thủ theo quy định trong Kế hoạch tuyển sinh của Thành phố và các văn bản hướng dẫn của Sở GDĐT về quy trình tuyển sinh, thời gian đăng ký, phương thức tuyển sinh và các quy định khác có liên quan.
- Kết quả tuyển sinh được công bố trực tuyến trên trang tuyển sinh của Thành phố, công tác nộp hồ sơ được thực hiện theo hình thức trực tuyến và theo các văn bản hướng dẫn của Sở GDĐT.
- Các thông tin của học sinh trên hệ thống CSDL ngành Giáo dục Thành phố (bao gồm “nơi ở hiện tại” và các thông tin khác có ảnh hưởng đến công tác xét tuyển của địa phương) nếu cập nhật sau thời gian rà soát dữ liệu phải tuân thủ đầy đủ theo hướng dẫn của Sở GDĐT và phải hoàn tất trước ngày 01 tháng 5 năm 2025; tuyệt đối không thực hiện điều chỉnh thông tin sau thời hạn quy định.
Lưu ý: Hệ thống tuyển sinh của Thành phố chỉ hỗ trợ đăng ký theo địa bàn (thành phố Thủ Đức, quận, huyện) và phân loại theo đối tượng học sinh. Công tác phân bổ học sinh vào các trường trong địa bàn được thực hiện theo Kế hoạch tuyển sinh và quyết định của Ban chỉ đạo Tuyển sinh đầu cấp.
- Đối với các trường thuộc trường đại học, kế hoạch tuyển sinh đầu cấp do Hiệu trưởng trường đại học trực tiếp quản lý quyết định sau khi thống nhất với Phòng GDĐT nơi trường đặt trụ sở; danh sách học sinh trúng tuyển do Hiệu trưởng trường đại học trực tiếp quản lý phê duyệt.
II. HUY ĐỘNG TRẺ VÀO BẬC MẦM NON
- Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện vận động, tuyên truyền các hộ dân trên địa bàn với mục tiêu huy động 100% trẻ 05 tuổi vào trường mầm non theo Kế hoạch do Ban chỉ đạo Tuyển sinh đầu cấp quy định. Đồng thời, xây dựng kế hoạch đảm bảo chỗ học cho trẻ dưới 05 tuổi và tăng dần tỷ lệ huy động trẻ ở độ tuổi nhà trẻ đến trường.
- Các cơ sở giáo dục mầm non khi tiếp nhận trẻ cần đảm bảo đủ các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục mầm non; đảm bảo đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và trang thiết bị theo đúng quy định.
- Do đặc thù tuyển sinh của giáo dục mầm non, Ban chỉ đạo Tuyển sinh đầu cấp có trách nhiệm xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về quy trình tuyển sinh tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn, trong đó yêu cầu cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ phải đăng ký trực tuyến cho trẻ tại địa chỉ trang tuyển sinh của Thành phố bằng mã định danh được cấp, đồng thời hoàn thành đầy đủ bộ hồ sơ nhập học và nộp phiếu khảo sát đầu vào của trẻ.
- Căn cứ nhu cầu của cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ và nhu cầu của đơn vị, các cơ sở giáo dục mầm non có thể tổ chức cho trẻ làm quen với trường lớp trong thời gian hè.
III. TUYỂN SINH VÀO LỚP 1
- Phương thức tuyển sinh lớp 1 thực hiện theo hình thức xét tuyển, đáp ứng các quy định tại mục I phần B về phương thức tuyển sinh chung. Ban chỉ đạo Tuyển sinh đầu cấp chịu trách nhiệm ban hành kế hoạch tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, xác định đối tượng xét tuyển, ưu tiên trên địa bàn và các nội dung liên quan, đảm bảo tuân thủ kế hoạch tuyển sinh Thành phố, văn bản hướng dẫn và khung thời gian của Sở GDĐT.
- Không giải quyết các trường hợp học sinh học sớm tuổi và các trường hợp không có tên trên hệ thống CSDL ngành giáo dục Thành phố.
- Phấn đấu thực hiện mục tiêu sĩ số lớp theo Điều lệ trường tiểu học hiện hành.
- Thực hiện Quyết định số 762/QĐ-UBND ngày 08 tháng 3 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc phê duyệt đề án “Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng Tin học cho học sinh phổ thông Thành phố Hồ Chí Minh theo định hướng chuẩn quốc tế, giai đoạn 2021 - 2030”.
- Trường hợp các trường còn thiếu chỉ tiêu so với Kế hoạch tuyển sinh ban đầu, việc bổ sung phải được Ban chỉ đạo Tuyển sinh đầu cấp phê duyệt, đảm bảo tối đa quyền lợi học sinh và phù hợp với khả năng tiếp nhận, điều kiện cơ sở vật chất của đơn vị.
1. Tuyển sinh vào lớp 1 tăng cường ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung)
- Tổ chức dạy tăng cường tiếng Anh cho học sinh lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và lộ trình riêng của Thành phố.
- Đảm bảo tuyển sinh lớp 1 các lớp tăng cường tiếng Pháp, tiếng Trung ở các địa phương đang triển khai và thực hiện theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
- Đối với các loại hình lớp học tăng cường ngoại ngữ cấp Tiểu học, hàng năm, Hội đồng tuyển sinh có trách nhiệm xem xét đưa ra khỏi loại hình này các học sinh không theo kịp chương trình và tổ chức khảo sát tuyển bổ sung nhưng phải bảo đảm sĩ số không vượt quá quy định.
2. Tuyển sinh vào lớp 1 Chương trình Dạy và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp theo Quyết định số 5695/QĐ-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố
- Tổ chức thực hiện tại những trường đảm bảo điều kiện giảng dạy và học tập theo Kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện.
- Phòng GDĐT chỉ đạo các đơn vị rà soát, bổ sung trang thiết bị, vật tư, phòng học tại đơn vị nhằm đảm bảo đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và thực hành thí nghiệm cho các lớp thực hiện Chương trình Dạy và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp theo quy định của Sở GDĐT.
- Tổ chức dạy Chương trình tiếng Anh theo Đề án 5695 cho học sinh lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và lộ trình riêng của Thành phố[1].
- Sĩ số học sinh: không quá 35 học sinh/lớp.
3. Tuyển sinh vào lớp 1 Trường TH-THCS-THPT Nam Sài Gòn
Công tác tuyển sinh được thực hiện theo kế hoạch của nhà trường, trong đó đảm bảo thực hiện đăng ký trên trang tuyển sinh đầu cấp của Thành phố (địa chỉ: https://tuyensinhdaucap.hcm.edu.vn), tuân thủ đúng khung thời gian, quy định tại các văn bản hướng dẫn của Sở GDĐT, đảm bảo đồng bộ với công tác tuyển sinh của Thành phố.
IV. TUYỂN SINH VÀO LỚP 6
- Phương thức tuyển sinh lớp 6 thực hiện theo hình thức xét tuyển, trong đó tiêu chí xét tuyển được xây dựng như sau:
+ Trường THCS và THPT Trần Đại Nghĩa và một số trường THCS tại địa phương có thể thực hiện xét tuyển dựa trên kết hợp hai tiêu chí gồm kết quả rèn luyện, học tập các năm học ở cấp tiểu học và kết quả khảo sát đánh giá năng lực. Trong đó, các trường THCS tại địa phương phải đáp ứng đồng thời hai yêu cầu: có số lượng thí sinh đăng ký vượt chỉ tiêu tuyển sinh trong những năm gần đây và được Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện đề xuất với Sở GDĐT.
+ Các trường THCS còn lại thực hiện xét tuyển dựa trên kết quả rèn luyện, học tập ở cấp tiểu học và sử dụng dữ liệu từ bản đồ số phục vụ công tác phân bổ học sinh, trong đó khu vực tuyển sinh của các trường do Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện quyết định theo tình hình thực tế tại địa phương.
- Tùy tình hình thực tế về cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ giáo viên và dân cư của mỗi địa phương, trên cơ sở tham mưu của phòng GDĐT, Ban chỉ đạo Tuyển sinh đầu cấp thực hiện xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường theo yêu cầu nêu tại phần A Kế hoạch này.
- Phấn đấu thực hiện mục tiêu sĩ số lớp theo Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (gọi tắt là Điều lệ trường trung học) hiện hành.
- Trường hợp các trường còn thiếu chỉ tiêu so với Kế hoạch tuyển sinh ban đầu, việc bổ sung phải được Ban chỉ đạo Tuyển sinh đầu cấp phê duyệt, đảm bảo tối đa quyền lợi học sinh và phù hợp với khả năng tiếp nhận, điều kiện cơ sở vật chất của đơn vị.
1. Tuyển sinh vào lớp 6 tăng cường ngoại ngữ
Công tác tuyển sinh các lớp tăng cường ngoại ngữ phải đảm bảo thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở cấp trung học cơ sở và tăng cường chương trình hỗ trợ học sinh đạt chuẩn ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc khung tham chiếu ngôn ngữ chung Châu Âu (CEFR); trong đó:
a) Tiếng Anh:
- Tổ chức tại các trường theo thông báo trong kế hoạch tuyển sinh của địa phương.
- Đối tượng xét tuyển: căn cứ phụ lục I (đính kèm) về điều kiện tiếp nhận học sinh vào lớp 6 tăng cường ngoại ngữ tại thành phố Thủ Đức, các quận, huyện.
b) Tiếng Trung:
- Tổ chức tại các trường: THCS Trần Bội Cơ, THCS Mạch Kiếm Hùng (Quận 5); THCS Phạm Đình Hổ (Quận 6); THCS Hậu Giang (Quận 11).
- Đối tượng xét tuyển: theo kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh đầu cấp năm học 2025 - 2026 của Ủy ban nhân dân Quận 5, Quận 6, Quận 11.
2. Tuyển sinh vào lớp 6 chương trình tiếng Pháp (Ngoại ngữ 1), tiếng Nhật (Ngoại ngữ 1)
a) Tiếng Pháp:
- Tổ chức tại các trường: THCS Trần Văn ơn (Quận 1); THCS Colette (Quận 3); THCS Hồng Bàng (Quận 5); THCS Chánh Hưng (Quận 8); THCS Ngô Sĩ Liên (quận Tân Bình).
- Đối tượng xét tuyển: học sinh lớp 5 đã hoàn thành chương trình cấp tiểu học và có điểm kiểm tra định kỳ cuối năm mỗi môn tiếng Việt và môn Toán đạt từ 8,0 điểm trở lên của năm học lớp 5 và có điểm trung bình của các môn tiếng Pháp và môn Toán bằng tiếng Pháp từ 6,0 điểm trở lên được chuyển thẳng vào các lớp 6 tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp. Học sinh đạt điểm trung bình của môn tiếng Pháp dưới 6,0 điểm có thể học theo chương trình tiếng nước ngoài hiện hành (học sinh phải thực hiện bài khảo sát năng lực ngoại ngữ và đạt chuẩn kiến thức đầu vào của chương trình lớp 6 hiện hành).
b) Tiếng Nhật:
- Tổ chức tại các trường: THCS Lê Quý Đôn (Quận 3); THCS Hai Bà Trưng (Quận 3); THCS Võ Trường Toản (Quận 1).
- Đối tượng xét tuyển: học sinh sau khi trúng tuyển vào lớp 6 tại các trường trên có thể đăng ký học theo nguyện vọng, nhưng phải đảm bảo phù hợp chỉ tiêu và sĩ số theo quy định của trường và kế hoạch tuyển sinh tại địa phương.
3. Tuyển sinh vào lớp 6 các trường có triển khai giảng dạy các môn Ngoại ngữ 2
- Tiếng Trung: tổ chức tại các trường gồm THCS Minh Đức (Quận 1); THCS Phạm Ngọc Thạch (quận Tân Bình).
- Tiếng Đức: tổ chức theo đề án tuyển sinh của các trường và đăng ký với Phòng GDĐT.
- Đối tượng xét tuyển: học sinh sau khi trúng tuyển vào lớp 6 tại các trường trên có thể đăng ký học theo nguyện vọng, nhưng phải đảm bảo phù hợp chỉ tiêu và sĩ số theo quy định của trường và kế hoạch tuyển sinh tại địa phương.
- Căn cứ kết quả rèn luyện, kết quả học tập của học sinh, hàng năm Hội đồng tuyển sinh nhà trường có trách nhiệm rà soát, đưa học sinh không theo kịp chương trình ra khỏi các lớp tăng cường ngoại ngữ và tổ chức khảo sát tuyển bổ sung, nhưng phải đảm bảo sĩ số lớp theo quy định.
- Điều kiện tổ chức các lớp ngoại ngữ 2 phải căn cứ trên nguồn lực giáo viên và nhu cầu học sinh tại các cơ sở giáo dục, đảm bảo tuân thủ quy định của Bộ GDĐT. Cơ sở giáo dục có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thực hiện toàn cấp THCS và trình Sở GDĐT phê duyệt từ năm lớp 6.
4. Tuyển sinh vào lớp 6 Chương trình Dạy và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp theo Đề án 5695
Điều kiện tổ chức Chương trình tiếng Anh tích hợp lớp 6 theo Đề án 5695 tại Thành phố đảm bảo các điều kiện sau:
- Địa phương đã tổ chức giảng dạy chương trình ở cấp tiểu học nhằm đảm bảo tính liên thông;
- Các trường được chọn phải đáp ứng các điều kiện giảng dạy và học tập theo Kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của Ủy ban nhân dân Thành phố và địa phương;
- Đảm bảo hàng năm thực hiện công tác rà soát, bổ sung đầy đủ trang thiết bị, vật tư, phòng học đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và thực hành thí nghiệm theo đúng quy định của Sở GDĐT;
- Sĩ số học sinh: không quá 35 học sinh/lớp;
- Điều kiện tiếp nhận học sinh phải đáp ứng một trong hai điều kiện sau:
+ Hoàn thành chương trình tiểu học theo Chương trình tiếng Anh theo Đề án 5695;
+ Hoàn thành chương trình tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo và có năng lực tiếng Anh đạt một trong các điều kiện tiếp nhận vào lớp 6 Chương trình tiếng Anh Đề án 5695 (theo hướng dẫn cụ thể của Sở Giáo dục và Đào tạo).
5. Tuyển sinh lớp 6 năng khiếu thể dục thể thao của Trường Phổ thông năng khiếu thể dục thể thao Nguyễn Thị Định, Trường Phổ thông năng khiếu thể dục thể thao Bình Chánh
- Tổ chức theo kế hoạch tuyển sinh của các trường gồm các bộ môn: bóng đá, bóng chuyền, điền kinh, cầu lông, bơi lội, đá cầu, Taekwondo, Vovinam.
- Đối tượng xét tuyển: Học sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục cấp Tiểu học trên phạm vi toàn quốc. Nhà trường đặc biệt khuyến khích và ưu tiên xét tuyển các học sinh đã đạt thành tích trong các giải thể dục thể thao các cấp (cấp huyện/quận, cấp tỉnh/thành phố) và Hội khỏe Phù Đổng.
- Các thông tin liên quan đến hồ sơ[2], cách thức đăng ký, thời gian xét tuyển thực hiện theo kế hoạch tuyển sinh của đơn vị.
6. Tuyển sinh vào lớp 6 Trường THCS và THPT Trần Đại Nghĩa
- Xét tuyển dựa trên kết hợp hai tiêu chí gồm kết quả rèn luyện, kết quả học tập các năm học ở cấp tiểu học và kết quả khảo sát đánh giá năng lực.
- Quy trình thực hiện, thời gian, điều kiện đăng ký và công tác tổ chức thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Sở GDĐT.
7. Tuyển sinh vào lớp 6 Trường TH - THCS - THPT Nam Sài Gòn
Công tác tuyển sinh được thực hiện theo kế hoạch của nhà trường, trong đó đảm bảo thực hiện đăng ký trên trang tuyển sinh đầu cấp của Thành phố (địa chỉ: https://tuyensinhdaucap.hcm.edu.vn), tuân thủ đúng khung thời gian, quy định tại các văn bản hướng dẫn của Sở GDĐT, đảm bảo đồng bộ với công tác tuyển sinh của toàn Thành phố.
V. TUYỂN SINH VÀO LỚP 10
1. Căn cứ pháp lý
Căn cứ các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Điều lệ trường trung học cơ sở (THCS), trường trung học phổ thông (THPT) và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 9 năm 2020; Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2024 (gọi tắt là Quy chế tuyển sinh); Thông tư số 31/2023/TT-BGDĐT ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy chế xét tốt nghiệp THCS; Quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên ban hành kèm theo Thông tư số 05/2023/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 02 năm 2023 (gọi tắt là Quy chế trường chuyên); Thông tư số 07/2021/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 03 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông năng khiếu thể dục, thể thao; Quy chế thi tốt nghiệp THPT được ban hành kèm theo Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 12 năm 2024 (gọi tắt là Quy chế thi); và các văn bản hướng dẫn của Sở GDĐT ban hành sau khi Kế hoạch tuyển sinh của Thành phố công bố.
2. Công tác tổ chức
Công tác tổ chức thi được thực hiện theo Quy chế tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, các văn bản hướng dẫn chi tiết của Sở GDĐT, đồng thời áp dụng phù hợp các quy định tương ứng trong Quy chế thi, đảm bảo an toàn, bảo mật trong suốt thời gian tổ chức thi, đồng thời vận dụng linh hoạt các quy định nhằm đảm bảo công bằng, khách quan và hiệu quả trong quá trình tổ chức kỳ thi.
3. Chỉ tiêu tuyển sinh
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố giao Sở GDĐT - Thường trực Ban chỉ đạo các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp Thành phố chịu trách nhiệm phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường THPT công lập và các loại hình trường khác, trong đó đảm bảo các điều kiện cụ thể:
- Tuân thủ quy định tại Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
- Phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của từng trường THPT nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018;
- Để đảm bảo tuyển đủ học sinh vào các lớp chuyên, lớp thuộc Đề án 5695 và các trường thường xuyên có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học cao do đặc thù khu vực, Sở Giáo dục và Đào tạo cân đối điều chỉnh tuyển sinh cao hơn chỉ tiêu ban đầu nhưng không vượt mức 20%, nhằm mục tiêu duy trì đủ số lượng học sinh theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
4. Phương thức tuyển sinh chung
- Phương thức đăng ký: học sinh đăng ký tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập và trường chuyên sẽ thực hiện hoàn toàn qua hình thức trực tuyến.
- Phương thức tuyển sinh được thực hiện theo 2 hình thức:
+ Thi tuyển: áp dụng cho các trường THPT trên địa bàn Thành phố, tổ chức theo hướng dẫn của Sở GDĐT, đảm bảo cân đối giữa số lượng thí sinh đăng ký và chỉ tiêu được giao cho từng đơn vị;
+ Xét tuyển: các trường tư thục, cơ sở giáo dục thường xuyên; THCS - THPT Thạnh An, huyện Cần Giờ (chỉ dành riêng cho học sinh đã tốt nghiệp THCS tại chính trường này trong năm học 2024 - 2025).
5. Phương thức tuyển sinh theo từng loại hình
5.1. Tuyển thẳng vào lớp 10 trung học phổ thông
- Đối tượng: học sinh đã tốt nghiệp THCS năm học 2024 - 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh trong độ tuổi quy định và thuộc một trong các đối tượng:
+ Học sinh là người dân tộc thiểu số rất ít người, được thực hiện theo khoản 1 Điều 2 Nghị định số 57/2017/NĐ-CP;
+ Học sinh là người khuyết tật;
+ Học sinh trung học cơ sở đạt giải cấp quốc gia do Bộ GDĐT tổ chức hoặc phối hợp với các Bộ và cơ quan ngang Bộ tổ chức trên quy mô toàn quốc đối với các cuộc thi, kì thi, hội thi (sau đây gọi chung là cuộc thi) về văn hóa, văn nghệ, thể thao; cuộc thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật;
+ Học sinh trung học cơ sở đạt giải trong các cuộc thi quốc tế do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định chọn cử.
- Học sinh trung học cơ sở đạt giải cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học do Bộ GDĐT tổ chức hoặc các học sinh đạt giải quốc tế các bộ môn thi tương ứng trong Chương trình Giáo dục phổ thông quốc gia được phép đăng ký nguyện vọng tuyển thẳng vào tất cả các trường THPT tại Thành phố Hồ Chí Minh (ngoại trừ trường chuyên).
- Học sinh thuộc các diện xét tuyển thẳng còn lại có thể đăng ký vào các trường THPT (trừ trường chuyên và một số trường hợp đặc thù theo hướng dẫn của Sở GDĐT), trong đó đảm bảo trường đăng ký phải đáp ứng các điều kiện: gần nơi ở hiện tại (căn cứ nơi ở hiện tại trong VNEID của cha, mẹ, người bảo hộ) hoặc gần nơi làm việc của cha, mẹ, người bảo hộ, phù hợp với năng lực, điều kiện học tập của học sinh; phù hợp với khả năng tiếp nhận của trường.
- Các thông tin về quy trình đăng ký, hồ sơ, minh chứng, thời gian thực hiện, phương thức xét tuyển thẳng và một số quy định liên quan được thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Sở GDĐT ban hành sau khi Kế hoạch tuyển sinh của Thành phố công bố.
- Căn cứ hồ sơ đăng ký của thí sinh, Hội đồng xét tuyển thẳng xem xét từng trường hợp cụ thể và phân bổ học sinh vào các trường THPT phù hợp trong cùng khu vực. Trường được phân bổ có thể nằm ngoài nguyện vọng đăng ký ban đầu của thí sinh, việc sắp xếp này nhằm đảm bảo 02 mục tiêu chính: tạo môi trường học tập tốt nhất cho học sinh, phù hợp với khả năng tiếp nhận của các trường THPT trên địa bàn.
5.2. Tuyển sinh lớp 10 các trường công lập
5.2.1. Đối tượng, phương thức và quy trình tuyển sinh
- Đối tượng: học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở năm học 2024 - 2025, tại Thành phố Hồ Chí Minh trong độ tuổi quy định đều được tham gia dự thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập.
- Phương thức tuyển sinh:
+ Xét tuyển: THCS - THPT Thạnh An huyện Cần Giờ (chỉ dành riêng cho học sinh đã tốt nghiệp THCS tại chính trường này trong năm học 2024 - 2025).
+ Thi tuyển: thực hiện cho các thí sinh tốt nghiệp THCS tại Thành phố Hồ Chí Minh và có nguyện vọng đăng ký vào học tại các trường THPT trên địa bàn Thành phố.
- Quy trình theo phương thức thi tuyển được thực hiện theo 2 giai đoạn:
+ Giai đoạn 1: học sinh đăng ký 3 nguyện vọng ưu tiên 1, 2, 3 để thi tuyển vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập.
+ Giai đoạn 2: tùy tình hình nộp hồ sơ thực tế tại các trường THPT và nhu cầu của các trường THPT, Sở GDĐT quyết định tuyển sinh bổ sung và có văn bản hướng dẫn thực hiện để đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh, trên cơ sở tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường còn thiếu nhiều chỉ tiêu.
- Lưu ý:
+ Học sinh lựa chọn đăng ký nguyện vọng gần nơi ở hiện tại, tránh trường hợp trúng tuyển nhưng không nộp hồ sơ.
+ Học sinh không được phép thay đổi nguyện vọng sau khi đã hết thời hạn điều chỉnh nguyện vọng theo quy định.
5.2.2. Chế độ ưu tiên, khuyến khích
- Đối tượng cộng điểm ưu tiên, khuyến khích thực hiện theo Điều 14 Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Các thông tin về quy trình đăng ký, hồ sơ, minh chứng, thời gian thực hiện, và một số quy định liên quan được thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Sở GDĐT.
- Điểm cộng thêm trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 được áp dụng như sau:
+ Học sinh được hưởng cùng lúc nhiều chế độ ưu tiên và khuyến khích thì được cộng tối đa không quá 3,5 (ba phẩy năm) điểm.
+ Chỉ áp dụng điểm cộng thêm cho đối tượng xét 3 nguyện vọng vào trường THPT công lập.
5.2.3. Môn thi, ngày thi, thời gian làm bài thi, điểm bài thi, hệ số điểm bài thi, điểm cộng thêm và điểm thi tuyển
- Số môn thi, bài thi: 03 bài thi tự luận gồm Toán, Ngữ văn (120 phút/môn), Ngoại ngữ (Ngoại ngữ 1 đang học tại trường) (90 phút).
- Ngày thi dự kiến: 06 và 07 tháng 6 năm 2025.
- Điểm bài thi là tổng điểm thành phần của từng câu hỏi trong đề thi, điểm bài thi được tính theo thang điểm 10, điểm lè đến 0,25.
- Hệ số điểm bài thi: môn Toán, môn Ngữ văn và Ngoại ngữ đều có hệ số 1.
- Điểm xét tuyển: là tổng điểm ba bài thi và điểm cộng thêm cho đối tượng ưu tiên, khuyến khích. Thí sinh trúng tuyển phải dự thi đủ ba bài thi và không có bài thi nào bị điểm 0 (không).
- Các thông tin hướng dẫn chi tiết liên quan đến cách thức, thời gian tổ chức, quy trình thực hiện và một số quy định liên quan được thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Sở GDĐT.
- Các trường chỉ được nhận các học sinh trúng tuyển vào lớp 10 theo đúng danh sách mà Sở GDĐT đã xét duyệt (nhận hồ sơ trực tuyến).
- Học sinh đăng ký 03 nguyện vọng sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1,2,3), trúng tuyển nguyện vọng nào phải học ở nguyện vọng đó và không được thay đổi nguyện vọng.
5.2.4. Quy định liên quan đề thi
- Nội dung đề thi trong phạm vi chương trình THCS do Bộ GDĐT ban hành, chủ yếu ở lớp 9, đảm bảo tính chính xác, rõ ràng, không sai sót, có tính phân hóa được năng lực, trình độ học sinh và phù hợp với thời gian quy định cho từng môn thi.
- Mỗi môn thi phải có đề thi chính thức và đề thi dự bị với mức độ tương đương về nội dung, thời gian làm bài, kèm theo đáp án và hướng dẫn chấm thi. Đề thi dự bị được tự động giải mật sau khi thí sinh hoàn thành xong bài thi.
- Đối với đề thi, đáp án, hướng dẫn chấm thi khi chưa được công bố, xem xét áp dụng quy trình bảo mật mức độ “Tối mật” theo quy định bảo vệ bí mật nhà nước của Thủ tướng Chính phủ.
5.2.5. Công tác ra đề, in sao, vận chuyển và bàn giao đề thi, bài thi
- Giám đốc Sở GDĐT ban hành Quyết định thành lập Hội đồng ra đề thi và Ban in sao đề thi, Ban Vận chuyển và bàn giao đề thi, bài thi.
- Công tác ra đề thi phải bảo đảm an toàn, bảo mật ở tất cả các khâu: ra đề, in sao đề thi, vận chuyển, bàn giao và bảo quản đề thi, bài thi; đề thi bảo đảm tính chính xác, khoa học và tính sư phạm. Hội đồng ra đề thi và Ban in sao đề thi làm việc tập trung theo nguyên tắc cách ly hoàn toàn đến khi kết thúc buổi thi cuối cùng của Kỳ thi.
- Các yêu cầu về đối tượng, quy định, chức năng của các thành viên được thực hiện theo quy chế tuyển sinh của Bộ GDĐT, các văn bản hướng dẫn của Sở GDĐT, đồng thời vận dụng theo các quy định tương ứng của Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành.
5.2.6. Công tác coi thi, chấm thi, phúc khảo
- Giám đốc Sở GDĐT căn cứ vào số lượng học sinh đăng ký dự thi, điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ để quyết định thành lập các Hội đồng coi thi/Điểm thi/ Hội đồng chấm thi đặt tại các trường THCS, THPT và các cơ sở giáo dục khác đáp ứng được yêu cầu tổ chức thi.
- Đồng thời, ra quyết định thành lập Hội đồng/Ban coi thi, Hội đồng chấm thi, phúc khảo và các ban thực hiện nhiệm vụ trong hội đồng, đảm bảo cơ cấu tổ chức, đối tượng, chức năng của các thành viên theo quy chế tuyển sinh của Bộ GDĐT, các văn bản hướng dẫn của Sở GDĐT, đồng thời vận dụng các quy định tương ứng của Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành.
5.3. Tuyển sinh vào lớp 10 chuyên
5.3.1. Đối tượng, điều kiện, phương thức tuyển sinh:
- Học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2024 - 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh trong độ tuổi quy định.
- Kết quả đánh giá rèn luyện và đánh giá học tập cả năm học của các lớp 6, 7, 8 từ Khá trở lên, riêng năm lớp 9 phải là Tốt.
- Phương thức tuyển sinh: thi tuyển.
5.3.2. Danh sách trường tuyển sinh, môn thi, ngày thi, thời gian làm bài thi, điểm bài thi, hệ số điểm bài thi, điểm xét tuyển, nguyên tắc thi tuyển và cách xét tuyển
- Các trường tuyển sinh chuyên bao gồm Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Trong đó, cả hai trường được phép tiếp nhận thí sinh đã tốt nghiệp THCS từ các tỉnh, thành phố khác, với điều kiện các thí sinh này đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định hiện hành của kỳ thi, công tác đăng ký được thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Sở GDĐT.
- Số môn thi, bài thi: 04 bài thi tự luận bao gồm 03 bài thi không chuyên gồm Toán, Ngữ văn (120 phút/môn), Ngoại ngữ (Ngoại ngữ 1 đang học tại trường) (90 phút) và 01 bài thi chuyên theo đúng môn đăng ký dự thi (150 phút).
- Ngày thi dự kiến: 06 và 07 tháng 6 năm 2025.
- Điểm bài thi là tổng điểm thành phần của từng câu hỏi trong đề thi, điểm bài thi được tính theo thang điểm 10, điểm lẻ đến 0,25.
- Hệ số điểm bài thi: điểm các bài thi không chuyên là hệ số 1 và điểm bài thi môn chuyên là hệ số 2.
- Điểm xét tuyển vào lớp chuyên là tổng: điểm Ngữ văn + điểm Ngoại ngữ + điểm Toán + (điểm môn chuyên x 2).
- Nguyên tắc xét tuyển: chỉ xét tuyển đối với thí sinh được tham gia thi tuyển, đã thi đủ các bài thi quy định, không vi phạm nội quy thi trong kỳ thi tuyển sinh và các bài thi đều đạt điểm lớn hơn 02 (hai).
- Cách xét tuyển: căn cứ quy định điểm xét tuyển vào lớp chuyên, xét từ cao xuống thấp để tuyển đủ chỉ tiêu được giao cho từng môn chuyên.
- Các thông tin hướng dẫn chi tiết liên quan đến cách thức, thời gian tổ chức, quy trình thực hiện và một số quy định liên quan được thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Sở GDĐT.
- Học sinh đăng ký có 02 nguyện vọng ưu tiên vào lớp chuyên, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1, 2), trúng tuyển nguyện vọng nào phải học ở nguyện vọng đó, không được thay đổi nguyện vọng.
- Tùy tình hình nộp hồ sơ thực tế tại các trường trung học phổ thông chuyên, Sở GDĐT xem xét, quyết định việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh bổ sung chuyên sau khi kết thúc năm học lớp 10.
Lưu ý: nếu không trúng tuyển hoặc không nộp hồ sơ vào các trường chuyên, học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2024 - 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn được tham gia xét tuyển vào lớp 10 theo 03 nguyện vọng vào trường THPT công lập.
5.3.3. Công tác ra đề, in sao, vận chuyển và bàn giao để thi, bài thi
- Thực hiện như thi tuyển vào lớp 10 THPT.
- Đối với đề thi môn chuyên, mỗi môn chuyên có 01 (một) đề thi riêng theo chương trình môn học cấp THCS, nội dung thi bảo đảm tuyển chọn được học sinh có năng khiếu về môn chuyên đó.
- Tùy tình hình nộp hồ sơ vào các lớp chuyên, Sở GDĐT quyết định tổ chức thi tuyển bổ sung sau thời điểm kết thúc năm học đó.
5.4. Tuyển sinh vào lớp 10 Chương trình Dạy và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp theo Đề án 5695
- Căn cứ thực tế, Sở GDĐT công bố công khai các trường THPT có dạy chương trình tiếng Anh theo Đề án 5695.
- Sĩ số các lớp theo chương trình tiếng Anh theo Đề án 5695 từ 25 đến 35 học sinh/lớp. Nếu số lượng học sinh trúng tuyển và nộp hồ sơ học chương trình tiếng Anh theo Đề án 5695 không đủ 25 học sinh thì sẽ không mở lớp tại trường đó. Các học sinh đã nộp hồ sơ vẫn sẽ được xem xét chuyển về học tại trường có mở lớp tiếng Anh theo Đề án 5695 còn chỉ tiêu hoặc vẫn xét tuyển lớp 10 theo 03 nguyện vọng hoặc chuyển đổi loại hình học tập phù hợp.
- Đối tượng tuyển: học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở năm học 2024 - 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh trong độ tuổi quy định và phải có đầy đủ các điều kiện của 1 trong 2 nhóm sau:
+ Nhóm 1: học sinh có tham gia học Chương trình tiếng Anh theo Đề án 5695 từ cấp trung học cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh:
* Học sinh có tham gia dự tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Thành phố Hồ Chí Minh.
* Học sinh được đăng ký 03 nguyện vọng để thi tuyển vào lớp 10 các trường THPT có giảng dạy chương trình tiếng Anh theo Đề án 5695.
* Căn cứ vào điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và điểm trung bình của Chương trình tiếng Anh tích hợp theo Đề án 5695, những học sinh này sẽ được ưu tiên bố trí vào những trường có dạy cùng chương trình.
* Cách tính điểm xét tuyển Chương trình tiếng Anh tích hợp như sau: điểm xét tuyển là tổng: điểm Ngữ văn + điểm Ngoại ngữ + điểm Toán + điểm trung bình của Chương trình tiếng Anh theo Đề án 5695 (theo thang điểm 10).
* Chỉ xét tuyển đối với thí sinh được tham gia thi tuyển, đã thi đủ các bài thi quy định, không vi phạm nội quy thi trong kỳ thi tuyển sinh và không có bài thi nào bị điểm 0 (không).
+ Nhóm 2: học sinh không tham gia học Chương trình tiếng Anh theo Đề án 5695 cấp trung học cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh:
* Kết quả rèn luyện, kết quả học tập cả năm học lớp 9 từ mức Khá trở lên.
* Học sinh có tham gia dự tuyển sinh lớp 10 THPT tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài 03 môn quy định Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, học sinh phải đăng ký và dự thi 01 bài thi môn Tiếng Anh tích hợp (theo Đề án 5695).
* Học sinh được đăng ký 03 nguyện vọng để thi tuyển vào lớp 10 các trường THPT có giảng dạy Chương trình tiếng Anh theo Đề án 5695.
* Cách tính điểm tuyển Chương trình tiếng Anh tích hợp như sau: điểm xét tuyển là tổng: điểm thi môn Ngữ văn + điểm thi môn Ngoại ngữ + điểm thi môn Toán + điểm thi môn Tiếng Anh tích hợp (theo Đề án 5695 và theo thang điểm 10).
* Chỉ xét tuyển đối với thí sinh được tham gia thi tuyển, đã thi đủ các bài thi quy định, không vi phạm nội quy thi trong kỳ thi tuyển sinh và không có bài thi nào bị điểm 0 (không).
- Tùy theo tình hình nộp hồ sơ thực tế, Sở GDĐT xem xét tuyển sinh bổ sung và ban hành văn bản hướng dẫn sau khi kết thúc đợt nộp hồ sơ hoặc tổ chức thi tuyển bổ sung sau khi kết thúc năm học lớp 10.
- Các thông tin hướng dẫn chi tiết liên quan đến cách thức, thời gian tổ chức, quy trình thực hiện và một số quy định liên quan được thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Sở GDĐT.
5.5. Tuyển sinh vào lớp 10 tăng cường ngoại ngữ
a) Tăng cường tiếng Anh
- Khuyến khích các trường THPT có điều kiện về giáo viên và cơ sở vật chất mở lớp 10 tăng cường tiếng Anh;
- Tuyển sinh từ học sinh đã trúng tuyển vào lớp 10 của trường và đáp ứng yêu cầu theo hướng dẫn cụ thể của Sở GDĐT.
b) Tăng cường tiếng Trung
- Các trường tổ chức: THPT Hùng Vương, THPT Trần Khai Nguyên, THPT Trần Quang Khải, THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa;
- Tuyển sinh từ học sinh đã trúng tuyển vào lớp 10 của trường với điểm số từng kỹ năng của toàn năm lớp 9 tăng cường tiếng Trung đạt từ 6,0 điểm trở lên hoặc có chứng chỉ HSK (Kỳ thi Hán ngữ trình độ quốc tế) cấp độ 3 trở lên.
5.6. Tuyển sinh vào lớp 10 trường có dạy tiếng Nhật (Ngoại ngữ 1)
- Trường THPT Lê Quý Đôn, Trường THPT Trưng Vương và Trường THPT Marie Curie tuyển sinh lớp 10 tiếng Nhật (Ngoại ngữ 1).
- Học sinh muốn tham gia chương trình tiếng Nhật (Ngoại ngữ 1) phải đáp ứng các điều kiện sau:
+ Đăng ký nguyện vọng lớp 10 vào trường có dạy tiếng Nhật (Ngoại ngữ 1) và đăng ký bài thi Ngoại ngữ của tuyển sinh lớp 10 là tiếng Nhật.
+ Trúng tuyển lớp 10 vào trường có dạy tiếng Nhật (Ngoại ngữ 1) đồng thời điểm bài thi môn tiếng Nhật phải từ 5,0 trở lên.
+ Các trường hợp thí sinh không trúng tuyển lớp 10 tiếng Nhật (Ngoại ngữ 1) vẫn được xét tuyển lớp 10 theo nguyện vọng đã đăng ký.
+ Sau khi kết thúc tuyển sinh, căn cứ tình hình thí sinh nộp hồ sơ thực tế tại các trường có giảng dạy và khả năng tiếp nhận của từng đơn vị, Sở GDĐT xem xét tuyển bổ sung đối với học sinh đã học tiếng Nhật theo lộ trình THCS và có điểm bài thi tiếng Nhật từ 5,0 điểm trở lên.
+ Sau khi được phân bổ, học sinh phải tuân thủ lộ trình học tập tại trường được chỉ định và không được chuyển sang các loại hình khác.
+ Trường hợp học sinh có nhu cầu chuyển trường hoặc thoát lộ trình chỉ được thực hiện sau khi kết thúc năm học lớp 10, theo hướng dẫn cụ thể của Sở GDĐT và đảm bảo không ảnh hưởng đến công tác tổ chức lớp học tại các trường có dạy tiếng Nhật.
5.7. Tuyển sinh vào lớp 10 tiếng Pháp
a. Tuyển sinh vào lớp 10 chương trình tiếng Pháp song ngữ:
- Sau khi được công nhận tốt nghiệp THCS, học sinh các lớp THCS trong khuôn khổ Chương trình tiếng Pháp song ngữ phải qua kỳ thi tốt nghiệp THCS và tuyển sinh vào lớp 10 trong khuôn khổ Chương trình tiếng Pháp song ngữ theo quy định của Bộ GDĐT.
- Sau khi có kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và thi tốt nghiệp THCS trong khuôn khổ Chương trình tiếng Pháp song ngữ, những học sinh này sẽ được ưu tiên bố trí vào một trong hai trường theo thứ tự điểm tuyển: Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Trường THPT Marie Curie.
- Cách thức tính điểm: điểm tuyển = điểm trung bình cộng tuyển sinh lớp 10 + điểm trung bình cộng của các bài thi môn tiếng Pháp và bài thi môn Toán bằng tiếng Pháp trong kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở trong khuôn khổ Chương trình tiếng Pháp song ngữ.
- Nếu không trúng tuyển hoặc không nộp hồ sơ vào lớp 10 chương trình tiếng Pháp song ngữ, học sinh vẫn được tham gia dự tuyển vào lớp 10 THPT khác theo 3 nguyện vọng vào trường THPT công lập đã đăng ký thi tuyển.
b. Tuyển sinh vào lớp 10 tăng cường tiếng Pháp:
- Trường THPT Marie Curie thực hiện tuyển sinh vào lớp 10 tăng cường tiếng Pháp.
- Việc tuyển sinh vào các lớp 10 tăng cường tiếng Pháp được thực hiện trong số học sinh đã trúng tuyển vào lớp 10 của trường và theo quy định của Bộ GDĐT.
- Việc tuyển sinh vào các lớp 10 tiếng Pháp (Ngoại ngữ 1) đã học xong chương trình tiếng Pháp song ngữ cấp trung học cơ sở và có điểm thi tuyển sinh môn tiếng Pháp từ 5,0 điểm trở lên.
c. Lưu ý về đăng ký tuyển sinh lớp 10 cho học sinh học tiếng Pháp từ năm học 2025 - 2026 một số nội dung cụ thể sau:
- Quyết định lộ trình học tập: Học sinh lớp 9 đang học tiếng Pháp tại các trường THCS cần xác định rõ việc tiếp tục học tiếng Pháp hoặc chuyển sang ngoại ngữ khác trong quá trình đăng ký thi tuyển sinh lớp 10.
- Điều kiện để tiếp tục lộ trình tiếng Pháp: phải đạt tối thiểu 5,0 điểm bài thi tiếng Pháp trong cả hai kỳ thi - kỳ thi xét tốt nghiệp THCS môn tiếng Pháp và kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 môn tiếng Pháp.
- Phân bổ trường học: Học sinh đáp ứng điều kiện điểm số sẽ được Sở GDĐT xem xét bố trí vào trường có giảng dạy tiếng Pháp.
- Tuân thủ lộ trình học tập: Sau khi được phân bổ, học sinh phải tuân thủ lộ trình học tập tại trường được chỉ định và không được chuyển sang các loại hình khác.
- Trường hợp học sinh có nhu cầu chuyển trường hoặc thoát lộ trình chỉ được thực hiện sau khi kết thúc năm học lớp 10, theo hướng dẫn cụ thể của Sở GDĐT và đảm bảo không ảnh hưởng đến công tác tổ chức lớp học tại các trường có dạy tiếng Pháp.
5.8. Tuyển sinh vào lớp 10 các trường có triển khai giảng dạy Ngoại ngữ 2 gồm Tiếng Đức và Tiếng Pháp
Thực hiện theo đề án tuyển sinh đã đăng ký với Sở GDĐT, tuyển chọn từ học sinh đã trúng tuyển vào lớp 10 của trường và đạt chuẩn kiến thức đầu vào của chương trình lớp 10 hiện hành.
5.9. Tuyển sinh vào lớp 10 năng khiếu thể dục thể thao của các Trường Phổ thông năng khiếu thể dục thể thao Nguyễn Thị Định, Trường Phổ thông Năng khiếu thể dục thể thao Bình Chánh, Trường Trung học phổ thông Năng khiếu Thể dục thể thao
- Gồm các bộ môn: điền kinh, bơi lội, Futsal, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, đá cầu và cầu mây, vovinam, taekwondo, bi sắt.
- Các thông tin liên quan đến hồ sơ, cách thức đăng ký, thời gian xét tuyển thực hiện theo kế hoạch tuyển sinh của đơn vị.
- Đối tượng xét tuyển: Học sinh tốt nghiệp THCS trên phạm vi toàn quốc; đặc biệt khuyến khích và ưu tiên xét tuyển các học sinh đã đạt thành tích trong các giải thể dục thể thao các cấp (cấp huyện/quận, cấp tỉnh/thành phố) và Hội khỏe Phù Đổng.
- Ưu tiên xét tuyển đối với học sinh năng khiếu thể dục thể thao đã tốt nghiệp THCS tại Trường phổ thông năng khiếu thể dục, thể thao Nguyễn Thị Định và Trường phổ thông năng khiếu thể dục, thể thao Bình Chánh.
- Điều kiện xét tuyển:
+ Tốt nghiệp trung học cơ sở và có đủ điều kiện tuyển sinh vào lớp 10.
+ Đạt giải thể dục thể thao cấp huyện, cấp Thành phố, Hội khỏe Phù Đổng.
+ Xếp loại đánh giá rèn luyện lớp 9 từ Khá trở lên; xếp loại đánh giá học lực lớp 9 từ Đạt trở lên.
+ Được Hội đồng tuyển sinh năng khiếu thể dục thể thao kiểm tra tố chất thể lực, năng khiếu và được Sở GDĐT phê duyệt.
- Nếu không trúng tuyển vào lớp 10 năng khiếu thể dục thể thao, học sinh vẫn được tham gia dự tuyển vào lớp 10 THPT khác theo 03 nguyện vọng đã đăng ký thi tuyển.
5.10. Tuyển sinh vào lớp 10 Trường Trung học phổ thông Nam Sài Gòn
Các thông tin hướng dẫn chi tiết liên quan đến cách thức, thời gian tổ chức, quy trình thực hiện và một số quy định liên quan được thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Sở GDĐT.
5.11. Tuyển sinh vào lớp 10 Trường Trung học phổ thông Quốc tế Việt Úc
Nộp hồ sơ xét tuyển tại trường từ tháng 5 đến tháng 9 năm 2025 (theo hướng dẫn của trường).
5.12. Tuyển sinh vào trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên
- Học sinh đã tốt nghiệp THCS có thể đăng ký xét tuyển vào học tại các trường cao đẳng, trung cấp có tuyển học sinh tốt nghiệp THCS, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn Thành phố có tuyển học sinh tốt nghiệp THCS.
- Căn cứ xét tuyển:
+ Điểm tốt nghiệp THCS;
+ Điểm tổng kết các môn học 4 năm THCS;
+ Điểm tổng kết các môn học năm cuối cấp THCS.
- Nộp hồ sơ xét tuyển trực tiếp tại trường hoặc trung tâm theo các đợt tuyển sinh trong năm do trường, trung tâm quy định.
VI. TUYỂN SINH VÀO CÁC TRƯỜNG TƯ THỤC
- Các trường tư thục thực hiện công tác tuyển sinh theo Kế hoạch chủ động của từng trường, không tuyển sinh vượt chỉ tiêu được giao hàng năm và hồ sơ tuyển sinh phù hợp với các quy định.
- Từ năm học 2025 - 2026, việc đăng ký tuyển sinh của các trường tư thục sẽ được triển khai như sau:
1. Đối với tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông
- Thực hiện trên hệ thống quản lý thi của Sở GDĐT và do phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục chịu trách nhiệm hướng dẫn, cấp tài khoản.
- Thời gian tuyển sinh: theo văn bản hướng dẫn của Sở GDĐT.
2. Đối với tuyển sinh khối mầm non, lớp 1, lớp 6
- Tất cả các học sinh trong độ tuổi đều phải được khai báo đầy đủ thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu về tuyển sinh của ngành Giáo dục Thành phố và xác thực đầy đủ với dữ liệu dân cư quốc gia. Đảm bảo các thông tin như mã định danh, nơi thường trú theo mã định danh và một số thông tin cá nhân khác trên cơ sở dữ liệu về tuyển sinh phải thống nhất với dữ liệu dân cư quốc gia.
- Hướng dẫn cha mẹ học sinh thực hiện đăng ký trên trang tuyển sinh của Thành phố do Sở GDĐT quy định, sử dụng mã định danh đã được khai báo trên cơ sở dữ liệu về tuyển sinh để xác nhận hồ sơ.
- Trường hợp thông tin của cơ sở dữ liệu về tuyển sinh và dữ liệu dân cư quốc gia chưa thống nhất, Ban chỉ đạo Tuyển sinh đầu cấp chịu trách nhiệm hướng dẫn, rà soát, điều chỉnh chính xác trước khi trẻ đăng ký tuyển sinh.
- Thời gian tuyển sinh được thực hiện theo đúng khung thời gian chung quy định trong các văn bản hướng dẫn của Sở GDĐT, đồng thời tuân thủ lịch trình chi tiết được cụ thể hóa trong Kế hoạch tuyển sinh đầu cấp do thành phố Thủ Đức, quận, huyện ban hành cho từng cấp học, nhưng phải đảm bảo phù hợp với định hướng chung của Sở.
- Các đơn vị tuyệt đối không sử dụng trang đăng ký riêng hoặc nguồn dữ liệu ngoài cơ sở dữ liệu về tuyển sinh của ngành Giáo dục Thành phố đã quy định. Sở GDĐT không giải quyết các trường hợp học sinh chưa đăng ký trên trang tuyển sinh của Thành phố.
3. Quy định về cách thức báo cáo
- Báo cáo Danh sách tuyển sinh khối Mầm non, lớp 1, lớp 6 cho Phòng GDĐT và Danh sách tuyển sinh lớp 10 cho Sở GDĐT (Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục) trước ngày 30 tháng 8 năm 2025.
- Sở GDĐT triển khai tiêu chí sử dụng kết quả công tác đánh giá ngoài đối với các trường tư thục để làm căn cứ giao chỉ tiêu cho nhà trường từ năm học 2025 - 2026 nhằm từng bước đạt mục tiêu đảm bảo triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
VII. TUYỂN SINH VÀO CÁC TRƯỜNG THỰC HIỆN NỘI DUNG GIÁO DỤC CHẤT LƯỢNG CAO, TIÊN TIẾN, HỘI NHẬP KHU VỰC VÀ QUỐC TẾ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Các cơ sở giáo dục đảm bảo triển khai nghiêm túc, đầy đủ Bộ tiêu chuẩn đã được ban hành và tuân thủ chặt chẽ các văn bản hướng dẫn của Sở GDĐT,
- Việc tuyển sinh thực hiện như sau:
+ Đối với cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở: thực hiện theo Kế hoạch tuyển sinh của Ban chỉ đạo Tuyển sinh đầu cấp và theo hướng dẫn của Sở GDĐT, được quy định rõ trong kế hoạch tuyển sinh của địa phương;
+ Đối với cấp THPT: thực hiện theo hướng dẫn của Sở GDĐT.
- Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo Phòng GDĐT phối hợp chặt chẽ với các phòng ban liên quan để hỗ trợ toàn diện cho các đơn vị đã và đang thực hiện nội dung giáo dục chất lượng cao, tiên tiến, hội nhập khu vực và quốc tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nhằm mục tiêu duy trì hoạt động ổn định, bền vững, đảm bảo hiệu quả các vấn đề liên quan đến cơ chế tài chính, phát triển đội ngũ nhân sự, chương trình giảng dạy và các điều kiện hoạt động thiết yếu khác.
C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố thành lập Ban chỉ đạo tuyển sinh cấp Thành phố; thành lập Ban Chỉ đạo công tác tuyển sinh đầu cấp của Sở GDĐT để chỉ đạo và kiểm tra công tác tuyển sinh của thành phố Thủ Đức, quận, huyện; tổ chức tuyển sinh vào các trường THPT chuyên, chương trình tiếng Anh theo Đề án 5695, tăng cường ngoại ngữ, v...v...; thành lập Hội đồng tuyển sinh ở các trường THPT để thực hiện công tác tuyển sinh.
- Quy định cụ thể việc tổ chức ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi. Tổ chức lựa chọn môn thi hoặc bài thi thứ ba theo quy định của Bộ GDĐT.
- Rà soát lại các chức năng của hệ thống đăng ký tuyển sinh, cơ sở dữ liệu về tuyển sinh ngành Giáo dục Thành phố; đảm bảo dữ liệu học sinh phải được xác thực với dữ liệu dân cư quốc gia trước khi mở đăng ký chính thức, đảm bảo việc đăng ký luôn được diễn ra liên tục, hạn chế tối đa tình trạng quá tải.
- Xây dựng kết nối giữa trang tuyển sinh của Thành phố và hệ thống quản lý, phân bổ học sinh của thành phố Thủ Đức và các quận, huyện luôn được thông suốt, an toàn, đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về bảo mật.
- Duy trì và phát triển Cổng thông tin tuyển sinh lớp 10 và công tác tổ chức thi của Thành phố Hồ Chí Minh (địa chỉ: https://ts10.hcm.edu.vn); bảo đảm công khai, minh bạch thông tin của các trường trung học phổ thông đến người dân; chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch phát triển và cập nhật thông tin chính xác trên hệ thống. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng hệ thống dữ liệu tuyển sinh theo hướng thuận tiện cho phụ huynh, học sinh và bảo đảm tính bảo mật; phát triển tính năng kết nối giữa kết quả trúng tuyển lớp 10 với học bạ điện tử của học sinh.
- Xây dựng và triển khai kế hoạch rà soát dữ liệu học sinh trong độ tuổi tuyển sinh; chỉ đạo các Phòng GDĐT thành phố Thủ Đức, quận, huyện xây dựng kế hoạch rà soát, đối chiếu dữ liệu tuyển sinh tại địa phương; bảo đảm triển khai, hướng dẫn đầy đủ đến các đơn vị, phụ huynh trong suốt giai đoạn rà soát. Hạn chế tối đa việc điều chỉnh thông tin tuyển sinh sau khi kết thúc thời gian rà soát dữ liệu theo hướng dẫn của Sở GDĐT.
- Triển khai Kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, phổ biến đến Trưởng phòng GDĐT thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, hiệu trưởng các trường THPT, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, giám đốc các trung tâm giáo dục thường xuyên, giám đốc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, hiệu trưởng trường trung cấp, hiệu trưởng các trường tư thục có tuyển sinh để triển khai kế hoạch thực hiện.
- Chỉ đạo các trường THPT xây dựng kế hoạch tuyển sinh; giới thiệu và tạo điều kiện để cha mẹ học sinh, học sinh tìm hiểu về trường trước khi đăng ký nguyện vọng tuyển sinh; công khai các quy định, các môn học tự chọn, đồng thời hướng dẫn cho cha mẹ học sinh đăng ký nhập học bằng hình thức trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của đơn vị.
- Tổ chức các kỳ thi, khảo sát tuyển sinh đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả, an toàn, công bằng, phê duyệt danh sách trúng tuyển lớp 10 đúng quy định.
- Sau khi kết thúc quá trình tuyển sinh lớp 10, căn cứ vào số lượng thí sinh đã nộp hồ sơ nhập học thực tế, Sở GDĐT báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố về việc điều chỉnh chỉ tiêu mới cho các trường chuyên, trường có các lớp thuộc Đề án 5695 và các trường THPT có số thí sinh trúng tuyển vượt chỉ tiêu ban đầu.
- Sở GDĐT có trách nhiệm theo dõi và báo cáo kịp thời cho Ban chỉ đạo Tuyển sinh cấp Thành phố về các trường hợp địa phương thực hiện sai quy trình, không đúng thời gian theo kế hoạch và văn bản hướng dẫn trong suốt quá trình tổ chức. Sau khi kết thúc tuyển sinh, Sở GDĐT thống kê các trường hợp điều chỉnh thông tin trong giai đoạn tuyển sinh, báo cáo Ban chỉ đạo Tuyển sinh cấp Thành phố và thông tin đến Ban chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp để xác định nguyên nhân và trách nhiệm của các bên liên quan, đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra tại thành phố Thủ Đức và các quận, huyện nhằm rút kinh nghiệm, điều chỉnh quy trình, đảm bảo tính thống nhất và tạo thuận lợi cho phụ huynh trong công tác tuyển sinh những năm tiếp theo.
2. Công an Thành phố
- Đảm bảo tính chính xác về dữ liệu dân cư quốc gia để phục vụ công tác tuyển sinh đầu cấp.
- Hỗ trợ việc kết nối và xác thực với dữ liệu dân cư quốc gia.
- Chỉ đạo Công an tại địa phương:
+ Phối hợp với Ban Chỉ đạo Tuyển sinh đầu cấp rà soát dữ liệu về tuyển sinh đầy đủ, chính xác, kịp thời, đúng thời gian theo hướng dẫn của Sở GDĐT.
+ Ưu tiên hỗ trợ, phối hợp trong việc xác thực các trường hợp dữ liệu tuyển sinh còn sai sót so với dữ liệu dân cư quốc gia. Đặc biệt đối với các trường hợp cần xác minh mã định danh hoặc nơi ở hiện tại theo mã định danh để phục vụ công tác phân bổ học sinh về đúng khu vực theo Kế hoạch tuyển sinh đã quy định.
+ Phối hợp đồng bộ, hiệu quả với sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện và các đơn vị trực thuộc để thiết lập hệ thống tổ chức chặt chẽ, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình diễn ra các kỳ thi, khảo sát; tạo môi trường thi cử công bằng, minh bạch và đúng quy chế, hướng tới mục tiêu đánh giá chính xác năng lực học sinh theo định hướng phát triển giáo dục của Thành phố.
3. Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện
- Thành lập Ban chỉ đạo Tuyển sinh đầu cấp và chỉ đạo thành lập Hội đồng tuyển sinh của các trường để thực hiện công tác tuyển sinh theo đúng kế hoạch của Thành phố và các văn bản hướng dẫn của Sở GDĐT, đảm bảo thống nhất sử dụng thông tin “nơi ở hiện tại” trong phần mềm định danh điện tử của Bộ Công an (VNEID) làm cơ sở xây dựng khu vực tuyển sinh và phân bổ học sinh.
- Căn cứ Kế hoạch tuyển sinh của Thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện phê duyệt kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2025 - 2026 tại địa phương (kế hoạch tuyển sinh đầu cấp); bảo đảm tuân thủ các mục tiêu chung của Thành phố, các văn bản hướng dẫn và khung thời gian triển khai của Sở GDĐT.
- Ban chỉ đạo Tuyển sinh đầu cấp chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường, xã, cán bộ phổ cập, cán bộ khu phố thực hiện thống kê và tổng hợp danh sách trẻ 6 tuổi cư trú trên địa bàn, phối hợp công an địa phương xác minh tính chính xác về thông tin nơi ở hiện tại thực tế theo danh sách đã tổng hợp, không yêu cầu phụ huynh học sinh nộp các giấy tờ xác minh.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường, xã, cán bộ pho cập, cán bộ khu phố thực hiện kiểm tra, xác minh các trường hợp điều chỉnh thông tin sau thời gian kết thúc rà soát dữ liệu theo hướng dẫn của Sở GDĐT. Việc điều chỉnh phải đảm bảo có lý do chính đáng, khách quan và đầy đủ hồ sơ minh chứng, tránh tình trạng thay đổi hàng loạt. Chỉ đạo triển khai công tác phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban nhân dân phường, xã và các cơ sở giáo dục có tuyển sinh trên địa bàn, nhằm đa dạng hóa, tối ưu hóa các hình thức hỗ trợ người dân thông qua nhiều phương thức như tư vấn trực tiếp, hỗ trợ trực tuyến, phát hành tài liệu hướng dẫn, và phổ biến thông tin qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường, xã cấp giấy chứng nhận khuyết tật đúng với mức độ và dạng khuyết tật của học sinh để làm căn cứ thực hiện chế độ ưu tiên trong tuyển sinh. Việc đánh giá cần tuân thủ nguyên tắc vừa đảm bảo quyền lợi cho học sinh, vừa đảm bảo tính chính xác, công bằng, minh bạch, đồng thời phải lưu trữ đầy đủ hồ sơ minh chứng phục vụ công tác kiểm tra về sau.
- Căn cứ Điều 2 Quyết định số 32/QĐ-BCĐ ngày 20 tháng 01 năm 2025 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 Thành phố, trong đó Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện cần xây dựng kế hoạch phát triển mô hình tuyển sinh đầu cấp trực tuyến trên phạm vi toàn Thành phố, đảm bảo trang bị đầy đủ cơ sở vật chất cho phòng GDĐT và các trường để duy trì và phát triển hệ thống, đáp ứng yêu cầu về tính năng và bảo mật trong suốt quá trình tuyển sinh theo đúng hướng dẫn của Sở GDĐT.
- Chỉ đạo phòng GDĐT và các đơn vị tham gia tuyển sinh trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ sau:
a) Đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo
+ Xây dựng và trình Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện Quyết định thành lập Ban chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp và Kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2025 - 2026 tại địa phương;
+ Hướng dẫn các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý thực hiện công tác tuyển sinh;
+ Thành lập Hội đồng tuyển sinh của các trường để thực hiện công tác tuyển sinh theo đúng kế hoạch của Thành phố, các văn bản hướng dẫn của Sở GDĐT và kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của địa phương; phê duyệt kết quả tuyển sinh thuộc phạm vi quản lý;
+ Chủ động tuyên truyền, hướng dẫn cha mẹ học sinh thực hiện công tác đăng ký và nộp hồ sơ trực tuyến trên trang tuyển sinh của Thành phố tại địa chỉ https://tuyensinhdaucap.hcm.edu.vn. Tuyệt đối không tạo các cổng đăng ký khác hoặc hướng dẫn thực hiện quy trình đăng ký khác theo hướng dẫn của Sở GDĐT.
+ Chỉ đạo và kiểm tra các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc công tác rà soát dữ liệu theo văn bản hướng dẫn của Sở GDĐT, hướng dẫn phụ huynh học sinh rà soát thông tin dựa trên thông tin hồ sơ học sinh đã lưu trữ trên cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, không yêu cầu phụ huynh khai báo lại toàn bộ thông tin; đảm bảo tất cả học sinh trong độ tuổi tuyển sinh đều có thông tin chính xác trên hệ thống CSDL ngành giáo dục. Đối với các trường hợp thông tin “nơi ở hiện tại” không thống nhất với VNEID, phòng GDĐT tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố Thù Đức, quận, huyện chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường, xã, cán bộ phổ cập, cán bộ khu phố và công an địa phương tiến hành rà soát, đảm bảo tính chính xác trước khi cập nhật vào hệ thống.
+ Phòng GDĐT nơi học sinh hoàn thành chương trình mầm non, tiểu học chịu trách nhiệm bổ sung, kiểm tra và điều chỉnh thông tin cho học sinh thay đổi thông tin “nơi ở hiện tại” sau thời gian rà soát dữ liệu theo hướng dẫn của Sở GDĐT (bao gồm học sinh chuyển tỉnh). Việc điều chỉnh phải có lý do chính đáng, khách quan, hồ sơ minh chứng hợp lệ (lưu tại phòng GDĐT), được Ban chỉ đạo Tuyển sinh đầu cấp phê duyệt và cập nhật trực tuyến trên hệ thống của Sở GDĐT.
+ Hướng dẫn các trường tư thục trên địa bàn thực hiện công tác tuyển sinh theo đúng quy định. Phòng GDĐT chịu trách nhiệm kiểm tra, đảm bảo tuyển sinh tại các trường tư thục đều phải được đăng ký trên hệ thống tuyển sinh của Thành phố.
+ Phối hợp chặt chẽ với Sở GDĐT trong suốt thời gian tuyển sinh, đảm bảo thực hiện đúng theo các yêu cầu trong Kế hoạch tuyển sinh của Thành phố và văn bản hướng dẫn của Sở GDĐT.
+ Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện triển khai duy trì và phát triển mô hình tuyển sinh đầu cấp của Sở GDĐT, nhằm đảm bảo tính hiệu quả và đồng bộ trong công tác tuyển sinh trên toàn địa bàn. Đảm bảo 100% học sinh được đăng ký đúng thời hạn tại trang tuyển sinh của Thành phố và có thông tin đầy đủ trong hệ thống cơ sở dữ liệu tuyển sinh của Thành phố. Nghiêm cấm việc yêu cầu học sinh nộp hồ sơ giấy trong quá trình đăng ký và xác nhận.
+ Công tác phân bổ học sinh vào các trường phải phù hợp với nhân sự và cơ sở vật chất hiện có của đơn vị nhằm đảm bảo quyền lợi học sinh, hỗ trợ đơn vị thực hiện hiệu quả chương trình GDPT 2018 cùng kế hoạch giáo dục đã được phê duyệt.
+ Tăng cường sử dụng bản đồ số dùng chung trong công tác phân bổ học sinh vào các trường trên địa bàn. Tùy tình hình thực tế, các đơn vị ưu tiên phân bổ học sinh được học trường gần nhà, phù hợp với điều kiện di chuyển.
+ Khuyến khích các đơn vị tạo điều kiện, hướng dẫn học sinh tham gia các kỳ thi, khảo sát năng lực ngoại ngữ và tin học quốc tế để có cơ sở đánh giá chất lượng đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng các mục tiêu đề ra của ngành GDĐT Thành phố.
b) Đối với các đơn vị mầm non, tiểu học, trung học cơ sở có tham gia tuyển sinh
+ Xây dựng và công khai kế hoạch tuyển sinh của nhà trường, tổ chức thực hiện tuyển sinh theo quy định;
+ Tuyển sinh học sinh khuyết tật có nhu cầu học theo quy định;
+ Thực hiện nghiêm công tác hướng dẫn cha mẹ học sinh tìm hiểu thông tin về chương trình, loại hình học tập của từng đơn vị để lựa chọn nguyện vọng phù hợp. Đồng thời công khai đầy đủ phương án tuyển sinh trên Cổng thông tin điện tử, bao gồm quy trình đăng ký, trách nhiệm của từng thành viên trong Hội đồng tuyển sinh, số điện thoại đường dây nóng và các thông tin cần thiết khác liên quan đến công tác tuyển sinh.
+ Tại mỗi đơn vị phải bố trí khu vực và đội ngũ hỗ trợ công tác tuyển sinh trực trong suốt giai đoạn tuyển sinh theo giờ hành chính. Bố trí thiết bị, dụng cụ và đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nắm rõ quy trình tuyển sinh nhằm hướng dẫn hỗ trợ các trường hợp khó khăn hoặc chưa có kinh nghiệm trong việc tiếp cận công nghệ.
+ Rà soát lại toàn bộ hệ thống tuyển sinh tại đơn vị, phát triển và bổ sung các tính năng còn thiếu sót, xây dựng kết nối với trang tuyển sinh của Thành phố trong thời gian quy định. Đảm bảo dữ liệu thí sinh phải được tải về từ trang tuyển sinh của Thành phố. Tuyệt đối không tự tạo nguồn dữ liệu tuyển sinh riêng.
+ Có kế hoạch khen thưởng, hỗ trợ cho các cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong suốt quá trình thực hiện công tác tuyển sinh, áp dụng các giải pháp chuyển đổi số trong việc đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ cho cha mẹ học sinh.
+ Đảm bảo tất cả học sinh đang học và thuộc đối tượng tuyển sinh trong năm 2025 - 2026 đều được khai báo thông tin đầy đủ chính xác trên hệ thống CSDL của ngành Giáo dục Thành phố.
* Lưu ý: sau khi kết thúc khung thời gian huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, những vấn đề phát sinh còn tồn đọng sau thời gian trên các đơn vị chính quyền địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với Sở GDĐT để xử lý các công tác tiếp theo./.
[1] Theo các Quyết định số 2769/QĐ-UBND và Quyết định số 5695/QĐ-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc phê duyệt Đề án “Dạy và học các môn Toán, Khoa học và Tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” tại các trường công lập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
[2] Hồ sơ xét tuyển không yêu cầu Giấy Chứng nhận hoàn thành chương trình tiểu học; nội dung này sẽ được bổ sung khi thực hiện hồ sơ đăng ký nhập học.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.