THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1162/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 08 tháng 08 năm 2017 |
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU HỖ TRỢ VỐN ĐỐI ỨNG ODA CHO CÁC ĐỊA PHƯƠNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28 tháng 8 năm 2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ về phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình mục tiêu Hỗ trợ vốn đối ứng ODA cho các địa phương, giai đoạn 2016 - 2020, bao gồm các nội dung chính sau:
1. Tên Chương trình và cơ quan quản lý Chương trình
a) Tên Chương trình: Chương trình mục tiêu Hỗ trợ vốn đối ứng ODA cho các địa phương, giai đoạn 2016 - 2020 (sau đây viết tắt là Chương trình).
b) Cơ quan quản lý Chương trình: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
a) Mục tiêu tổng quát
Triển khai thực hiện các dự án ODA do địa phương quản lý bảo đảm đúng tiến độ và hiệu quả; hỗ trợ vốn đối ứng các dự án ODA từ ngân sách trung ương cho những địa phương nghèo, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn trong giai đoạn 2016 - 2020; triển khai, thực hiện các nội dung dự án theo đúng Thỏa thuận được ký kết hoặc Hiệp định tài trợ, phù hợp với định hướng thu hút và sử dụng vốn ODA của Chính phủ; thực hiện hiệu quả việc sử dụng, quản lý nguồn vốn ODA giai đoạn 2016 - 2020.
b) Mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2020
- Hỗ trợ 48 địa phương khó khăn về ngân sách có thêm nguồn lực tăng cường giải ngân phần vốn nước ngoài (khoảng 54.000 tỷ đồng) của các nhà tài trợ quốc tế.
- Tiếp tục bổ sung khoảng 6.976 tỷ đồng vốn đối ứng để thực hiện hoàn thành 300 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2011 - 2015 sang giai đoạn 2016 - 2020 sớm đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.
- Thực hiện các dự án khởi công mới giai đoạn 2016 - 2020 thực sự quan trọng được ký kết hiệp định tài trợ; các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các dự án chuyển tiếp giai đoạn 2011 - 2015 sang giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 3.024 tỷ đồng vốn đối ứng.
3. Thời gian, phạm vi và đối tượng của Chương trình
a) Thời gian thực hiện Chương trình: Giai đoạn 2016 - 2020
b) Phạm vi Chương trình: Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có các dự án ODA và vốn vay ưu đãi được đưa vào trong cân đối ngân sách nhà nước, thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020.
c) Đối tượng của Chương trình
- Hỗ trợ vốn đối ứng cho các dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi được cân đối trong ngân sách nhà nước (theo hình thức cấp phát từ ngân sách trung ương) do địa phương trực tiếp làm chủ dự án, không bố trí vốn đối ứng cho dự án sử dụng hoàn toàn kinh phí sự nghiệp và dự án cho vay lại.
- Đối với các dự án có cơ cấu vốn hỗn hợp gồm cả vốn sự nghiệp và vốn đầu tư, chỉ hỗ trợ phần đầu tư phát triển.
4. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình là 10.000 tỷ đồng từ ngân sách trung ương (điều chỉnh tăng thêm khi có dự án ODA khởi công mới được ký kết và khi có nguồn phù hợp theo quy định).
5. Nguyên tắc phân bổ vốn đối ứng từ ngân sách trung ương của Chương trình
Thực hiện theo Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.
6. Các giải pháp chủ yếu thực hiện Chương trình
a) Xác định và dự kiến đủ vốn đối ứng ODA trong cả vòng đời dự án và bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 theo nguyên tắc ưu tiên bố trí đủ vốn đối ứng dự án theo cam kết. Xây dựng kế hoạch vốn đối ứng ODA hàng năm cho từng dự án theo nguyên tắc không vượt quá mức vốn trung hạn đã dự kiến, bố trí đủ, kịp thời theo tiến độ thực hiện dự án ODA, nhưng không vượt tỷ lệ được hỗ trợ theo quy định.
b) Bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA và vốn vay ưu đãi các nhà tài trợ nước ngoài theo hướng hoàn thành dứt điểm dự án theo thứ tự ưu tiên. Đồng thời, đánh giá chặt chẽ tính hiệu quả vốn đối ứng bố trí hỗ trợ cho 300 dự án chuyển tiếp từ 2011 - 2015, chấm dứt dự án không hiệu quả.
c) Cơ chế huy động và sử dụng vốn đối ứng ODA:
Nguồn vốn ngân sách trung ương bố trí thực hiện Chương trình chỉ đảm bảo một phần cho các dự án ODA do địa phương quản lý. Quá trình thực hiện, các địa phương phải chủ động cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện Chương trình, bảo đảm cơ cấu nguồn vốn của dự án đã được quyết định; sử dụng và quản lý nguồn vốn đúng mục đích, đúng quy định nhằm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm và giải ngân kịp thời nguồn vốn ODA cho từng dự án.
d) Tăng cường hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách:
Bộ kế hoạch và Đầu tư phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng các văn bản pháp luật hướng dẫn việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình; đặc biệt là quy định về quản lý và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình.
đ) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình tại địa phương.
e) Nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy điều hành Chương trình từ Trung ương đến địa phương; tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý Chương trình ở Trung ương và địa phương; cơ chế phối hợp vận động và sử dụng vốn ODA làm cơ sở xác định cơ chế tài chính, trách nhiệm quản lý, thực hiện các dự án ODA; xây dựng kế hoạch bố trí vốn đối ứng, trong đó phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp.
g) Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý dự án ODA tại địa phương. Định kỳ hàng năm tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng quản lý dự án sử dụng nguồn vốn ODA để phổ biến, cập nhật các quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, các thỏa thuận và điều kiện vay mới để nâng cao năng lực cán bộ địa phương.
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì:
- Tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.
- Phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các tổ chức, đối tượng liên quan thực hiện; cân đối, bố trí vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch trung hạn và hằng năm thực hiện Chương trình; thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn các dự án thuộc Chương trình.
- Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình;
- Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các chính sách, bảo đảm cho việc thực hiện các Mục tiêu đề ra của Chương trình.
- Bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA và vốn vay ưu đãi các nhà tài trợ nước ngoài theo hướng hoàn thành dứt điểm dự án theo thứ tự ưu tiên. Đồng thời, đánh giá hiệu quả vốn đối ứng bố trí hỗ trợ cho các dự án chuyển tiếp từ 2011 - 2015, chấm dứt dự án không hiệu quả.
b) Bộ Tài chính:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng các quy định liên quan đến quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ đối ứng ODA; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xây dựng các văn bản quy định liên quan về quản lý và sử dụng nguồn vốn của các dự án ODA, điều kiện sử dụng vốn và cơ chế tài chính của dự án.
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, giám sát, kết quả thực hiện Chương trình.
c) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xây dựng các văn bản quy định liên quan về quản lý và sử dụng nguồn vốn của các dự án ODA, điều kiện sử dụng vốn và cơ chế tài chính của dự án.
- Phối hợp với các bên liên quan trình Thủ tướng Chính phủ các văn kiện dự án ODA liên quan cũng như hướng dẫn về cơ chế quản lý tài chính dự án; phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất việc thực hiện các dự án ODA.
d) Các bộ, ngành khác và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
- Chủ trì tổ chức thực hiện Chương trình ở địa phương.
- Xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch trung hạn và hằng năm của bộ, ngành, địa phương; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan.
- Rà soát, đề xuất xây dựng và triển khai các dự án thuộc Chương trình.
- Xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của địa phương, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định.
- Quản lý, đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện các dự án thuộc Chương trình do địa phương quản lý; định kỳ báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến độ thực hiện Chương trình tại địa phương; tổ chức sơ kết và tổng kết Chương trình ở địa phương theo quy định.
- Chịu trách nhiệm phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng dự án, xác định rõ cơ chế tài chính, nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án thuộc Chương trình.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định, phê duyệt và bố trí vốn đối với các công trình, dự án, hoạt động của Chương trình thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./
|
THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.