BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 116/QĐ-BGTVT |
Hà Nội, ngày 17 tháng 02 năm 2023 |
VỀ VIỆC PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ LÃNH ĐẠO BỘ
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 56/2022/NĐ-CP ngày 24/8/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Quy chế làm việc của Bộ Giao thông vận tải ban hành kèm theo Quyết định số 751/QĐ-BGTVT ngày 23/4/2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nguyên tắc phân công và quan hệ công tác giữa Bộ trưởng và các Thứ trưởng
1. Bộ trưởng là người đứng đầu, lãnh đạo và chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ công tác của Bộ; chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về quản lý nhà nước lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT); thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, bảo đảm thống nhất quản lý công tác GTVT trong phạm vi cả nước; trực tiếp chỉ đạo, điều hành những vấn đề lớn, quan trọng, mang tính chiến lược trên tất cả các lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ.
2. Bộ trưởng phân công các Thứ trưởng giúp Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo, xử lý thường xuyên, toàn diện công việc trong các lĩnh vực, đơn vị và dự án được phân công quản lý, phụ trách (ngoại trừ những công việc do Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo); phân công các Thứ trưởng giúp Bộ trưởng một số nhiệm vụ cụ thể thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng.
3. Một lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên ngành của Bộ sẽ do Bộ trưởng hoặc 01 Thứ trưởng trực tiếp phụ trách. Riêng lĩnh vực đường bộ sẽ do 02 đồng chí phụ trách, trong đó một đồng chí chịu trách nhiệm chính, một đồng chí phối hợp thực hiện. Thứ trưởng được phân công phụ trách lĩnh vực quản lý nhà nước và trực tiếp chỉ đạo các nội dung công tác quy định tại điểm a các khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 3 Quyết định này, có trách nhiệm chỉ đạo toàn diện và chủ trì xử lý, giải quyết tất cả những nội dung công việc liên quan đến lĩnh vực được phân công phụ trách tại các đơn vị và trên phạm vi cả nước.
Riêng đối với các trường đại học, học viện, cao đẳng, báo, tạp chí, Viện nghiên cứu khoa học trực thuộc Bộ: Thứ trưởng được phân công theo dõi, chỉ đạo hoạt động của đơn vị nào có trách nhiệm chủ trì xử lý, giải quyết tất cả những nội dung công việc liên quan đến đơn vị được phân công phụ trách.
Đối với một số lĩnh vực công tác, Bộ trưởng chủ trì chỉ đạo hoặc giao 01 Thứ trưởng chỉ đạo, tổng hợp chung; các Thứ trưởng khác có nhiệm vụ phối hợp và xử lý những nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực được phân công trong phạm vi phụ trách của mình. Thứ trưởng được giao chủ trì chỉ đạo tổng hợp các mảng công tác tại điểm b các khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 3 Quyết định này có trách nhiệm chỉ đạo tổng hợp nội dung công tác của cả ngành GTVT.
Một số lĩnh vực công tác mang tính chất đặc thù Bộ trưởng phân công cho 01 Thứ trưởng trực tiếp chỉ đạo hoặc giúp Bộ trưởng theo dõi, chỉ đạo, bao gồm:
- Tuyển dụng, nâng ngạch, chuyển ngạch công chức, viên chức;
- Chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động;
- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động;
- Thi đua, khen thưởng;
- Truyền thông, thông tin báo chí.
4. Việc phân công quản lý, theo dõi các dự án thực hiện theo nguyên tắc: Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực, đơn vị nào sẽ quản lý, theo dõi các dự án trong lĩnh vực, đơn vị đó. Đối với các dự án thuộc lĩnh vực đường bộ, Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực đường bộ quản lý, theo dõi các dự án duy tu, bảo trì đường bộ và các dự án khác thuộc lĩnh vực đường bộ; riêng các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp đường bộ, Bộ trưởng sẽ có quyết định cụ thể để phân công các Thứ trưởng quản lý, theo dõi.
5. Đối với các công việc liên quan đến nhiệm vụ của nhiều Thứ trưởng, việc xác định Thứ trưởng chủ trì được thực hiện theo thứ tự ưu tiên: (i) theo chuyên ngành hoặc đơn vị; (ii) chuyên môn hoặc địa phương. Trong khi thực thi nhiệm vụ, các Thứ trưởng chủ động phối hợp với nhau để giải quyết. Trường hợp các Thứ trưởng có ý kiến khác nhau, Thứ trưởng chủ trì giải quyết công việc báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định.
6. Trường hợp Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ hoặc các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì làm việc tại các địa phương, khu vực, Thứ trưởng được giao phụ trách khu vực, địa phương đó tham gia (trừ trường hợp Bộ trưởng có phân công khác). Đối với những nội dung làm việc có liên quan đến nhiều lĩnh vực, Thứ trưởng phụ trách khu vực sẽ chủ trì tổng hợp, Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực có liên quan phối hợp xử lý.
7. Ngoài các nhiệm vụ, lĩnh vực công tác cụ thể được phân công, các Thứ trưởng có trách nhiệm trao đổi, tìm hiểu, nắm bắt tình hình chung về các lĩnh vực khác của Bộ.
Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng có thể giao một Thứ trưởng giải quyết các công việc cụ thể ngoài lĩnh vực được phân công phụ trách.
8. Bộ trưởng và các Thứ trưởng duy trì các cuộc hội ý định kỳ, hội ý đột xuất để trao đổi thông tin và phối hợp xử lý công việc.
9. Khi vắng mặt và nếu cần thiết, Bộ trưởng ủy quyền một Thứ trưởng thay mặt Bộ trưởng lãnh đạo công tác của Bộ và giải quyết các công việc do Bộ trưởng trực tiếp phụ trách.
10. Trong trường hợp cần thiết hoặc khi Thứ trưởng phụ trách vắng mặt, Bộ trưởng trực tiếp hoặc phân công Thứ trưởng khác xử lý thay.
11. Tùy theo điều kiện thực tế, và yêu cầu công việc, Bộ trưởng sẽ xem xét, điều chỉnh việc phân công công tác giữa Bộ trưởng và các Thứ trưởng quy định tại Điều 3 Quyết định này. Khi có sự điều chỉnh việc phân công, các Thứ trưởng có trách nhiệm bàn giao nội dung công việc, hồ sơ, tài liệu liên quan cho nhau và báo cáo Bộ trưởng.
Điều 2. Trách nhiệm, quyền hạn của Thứ trưởng trong phạm vi nhiệm vụ được Bộ trưởng phân công
1. Trong phạm vi lĩnh vực được giao trực tiếp chỉ đạo, tổng hợp, Thứ trưởng chủ động chỉ đạo, xử lý công việc; sử dụng quyền hạn của Bộ trưởng và nhân danh Bộ trưởng để kiểm tra, đôn đốc, giải quyết công việc; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Đối với những nhiệm vụ do Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo, Thứ trưởng được phân công giúp Bộ trưởng xử lý báo cáo Bộ trưởng trước khi thực hiện.
2. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trong việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật quản lý ngành liên quan đến lĩnh vực được phân công; tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện.
3. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật thuộc lĩnh vực mình phụ trách; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
4. Thường xuyên theo dõi và xử lý các vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền được phân công và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa các Bộ, ngành, địa phương, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; chủ động phối hợp công tác với các cơ quan, tổ chức, các hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực được phân công.
Đề xuất với Bộ trưởng các chủ trương, chính sách, pháp luật, cơ chế, phương thức, giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ đối với các lĩnh vực công tác được phân công.
5. Thứ trưởng không xử lý các vấn đề không được Bộ trưởng phân công và các vấn đề không thuộc thẩm quyền của Thứ trưởng.
6. Thứ trưởng phải kịp thời báo cáo và xin ý kiến Bộ trưởng trước khi quyết định những vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm; những vấn đề lớn có ý kiến khác nhau giữa Bộ GTVT với các Bộ, ngành, địa phương; những vấn đề do Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ hoặc các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp chỉ đạo; những vấn đề mới phát sinh chưa có trong quy định.
7. Hàng năm, báo cáo Bộ trưởng và tập thể Lãnh đạo Bộ tình hình các cơ quan, đơn vị được phân công quản lý, đánh giá, nhận xét và kiến nghị các vấn đề cần giải quyết.
8. Tham gia các Ban chỉ đạo nhà nước, tổ chức phối hợp liên ngành liên quan đến các lĩnh vực phụ trách hoặc được Bộ trưởng phân công (cụ thể tại phụ lục kèm theo).
Điều 3. Phân công công tác cụ thể
1. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng
a) Lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện các mặt công tác của Bộ theo quy định của pháp luật và được Chính phủ cụ thể hóa tại Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT.
b) Trực tiếp chỉ đạo:
- Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, cơ chế đột phá, kế hoạch phát triển chung của ngành GTVT;
- Công tác tổ chức, cán bộ; kế hoạch - đầu tư; hợp tác quốc tế; thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; an toàn giao thông; thi đua, khen thưởng, kỷ luật.
- Công tác cải cách hành chính; Chính phủ điện tử.
c) Chỉ đạo hoạt động của các cơ quan, đơn vị: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ.
d) Kiêm các chức danh nêu tại Phụ lục kèm theo Quyết định này.
2. Thứ trưởng Lê Đình Thọ
a) Trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực công tác:
- Quản lý nhà nước chung về GTVT đường bộ;
- Chỉ đạo thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực đường bộ trên địa bàn các tỉnh, thành phố từ Huế trở ra khu vực phía Bắc và các dự án đầu tư khác do Bộ trưởng phân công.
b) Chủ trì chỉ đạo tổng hợp chung các công tác:
- Phụ trách chung về công tác đăng kiểm, kiểm tra chất lượng và an toàn kỹ thuật phương tiện, thiết bị GTVT; xuất, nhập khẩu phương tiện, thiết bị GTVT; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phương tiện, thiết bị GTVT; các Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực trực tiếp chỉ đạo theo lĩnh vực được phân công phụ trách.
- Thể chế, chính sách chung về vận tải; kết nối các phương thức vận tải;
- Công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn;
- Giao thông tiếp cận;
- Phát triển dịch vụ logistics trong ngành GTVT;
- Theo dõi, tổng hợp và đánh giá chung về Dự án xây dựng công trình đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và dự án đường Hồ Chí Minh;
- Phụ trách, theo dõi GTVT các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng1, thành phố Hà Nội và các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc2;
- Là đầu mối trong quan hệ, hợp tác với Lào.
c) Giúp Bộ trưởng các công tác: An toàn giao thông và xử lý ùn tắc giao thông toàn ngành.
d) Giúp Bộ trưởng theo dõi và chỉ đạo hoạt động của các cơ quan, đơn vị: Vụ Vận tải, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Ban Quản lý dự án Đường Hồ Chí Minh, Ban Quản lý dự án 6.
đ) Theo dõi, quản lý nhà nước đối với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hội Cơ khí GTVT Việt Nam, Hội An toàn giao thông, Quỹ Phương Nam, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam.
3. Thứ trưởng Lê Anh Tuấn
a) Trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực công tác:
- Quản lý nhà nước về GTVT hàng không;
- Công tác Y tế Giao thông vận tải;
- Chỉ đạo thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực hàng không và các dự án đầu tư khác do Bộ trưởng phân công.
b) Chủ trì chỉ đạo tổng hợp chung các công tác:
- Công tác quốc phòng và an ninh ngành GTVT;
- Bảo vệ môi trường; chính sách đất đai đối với GTVT;
- Phụ trách, theo dõi GTVT các tỉnh khu vực Đông Nam bộ3, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Nguyên4.
c) Giúp Bộ trưởng các công tác:
- Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo;
- Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
d) Giúp Bộ trưởng theo dõi và chỉ đạo hoạt động của các cơ quan, đơn vị: Văn phòng Đảng - Đoàn thể, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Y tế Giao thông vận tải, Học viện Hàng không Việt Nam, Ban Quản lý dự án 85, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.
đ) Theo dõi, quản lý nhà nước đối với Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không, Hội Khoa học và công nghệ hàng không Việt Nam, Hội Môi trường GTVT Việt Nam.
4. Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm
a) Trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực công tác:
- Phối hợp với Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ đạo thực hiện quản lý nhà nước về GTVT đường bộ;
- Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
- Chỉ đạo thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực đường bộ trên địa bàn các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở vào khu vực phía Nam và các dự án đầu tư khác do Bộ trưởng phân công;
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
b) Chủ trì chỉ đạo tổng hợp chung các công tác:
- Chỉ đạo chung về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng;
- Phụ trách chung công tác giáo dục, đào tạo của các trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ.
- Tài chính - kế toán; kiểm toán; dự toán và quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước;
- Cơ chế, chính sách chung về giao thông địa phương, giao thông nông thôn - miền núi;
- Cơ chế, chính sách chung về các dự án PPP; chỉ đạo xây dựng cơ chế đột phá huy động nguồn vốn và triển khai thực hiện các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông;
- Theo dõi, tổng hợp và đánh giá chung về Dự án xây dựng công trình đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
- Theo dõi và chỉ đạo chung việc triển khai thực hiện quy hoạch đường ven biển;
- Phụ trách chung xây dựng các định mức trong xây dựng cơ bản;
- Là đầu mối trong quan hệ, hợp tác với Campuchia;
- Phụ trách, theo dõi GTVT các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long5.
c) Giúp Bộ trưởng các công tác:
- Quản lý về đấu thầu; giám sát, đánh giá đầu tư;
- Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và đề án; phổ biến, giáo dục pháp luật; giám định tư pháp; an toàn, vệ sinh lao động; phòng, chống cháy nổ ;
- Công tác giải quyết chất vấn của đại biểu Quốc hội và kiến nghị của cử tri.
d) Giúp Bộ trưởng theo dõi và chỉ đạo hoạt động của các cơ quan, đơn vị: Vụ Tài chính, Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Ban Quản lý dự án 7, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận; Cục Đường bộ Việt Nam, các trường đại học, học viện, cao đẳng trực thuộc Bộ (trừ Đại học Hàng hải Việt Nam và Học viện Hàng không Việt Nam).
5. Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang
a) Trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực công tác:
- Quản lý nhà nước về GTVT đường thủy nội địa;
- Quản lý nhà nước về GTVT hàng hải.
- Chỉ đạo thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa.
b) Chủ trì chỉ đạo tổng hợp chung các công tác:
- Tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; các nội dung liên quan đến giải quyết sau cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và các vấn đề khác liên quan đến quản lý doanh nghiệp; chuyển đơn vị sự nghiệp sang công ty cổ phần;
- Kinh tế tập thể và hợp tác xã ngành GTVT; hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh;
c) Giúp Bộ trưởng các công tác:
- Xây dựng kế hoạch biên chế hằng năm;
- Công tác tuyển dụng, nâng ngạch, chuyển ngạch công chức, viên chức;
- Chính sách xã hội; chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; chính sách, chế độ thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, thanh niên xung phong;
- Quan hệ và phối hợp công tác với Công đoàn GTVT Việt Nam; chăm lo đời sống cán bộ, công nhân viên chức và người lao động.
d) Giúp Bộ trưởng theo dõi và chỉ đạo hoạt động của cơ quan, đơn vị: Vụ Quản lý doanh nghiệp, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Ban Quản lý các dự án đường thủy, Ban Quản lý dự án hàng hải, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Bộ làm đại diện chủ sở hữu và quản lý phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Xây dựng đường thủy - CTCP.
đ) Theo dõi, quản lý nhà nước đối với Hội Vận tải thủy nội địa, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, Hiệp Hội Chủ tàu Việt Nam, Hiệp hội Đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam, Hội Khoa học kỹ thuật công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Hội Người đi biển Việt Nam, Hội Cảng - Đường thủy - Thềm lục địa Việt Nam, Hiệp hội Hoa tiêu Hàng hải Việt Nam.
6. Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy
a) Trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực công tác:
- Quản lý nhà nước về GTVT đường sắt;
- Hoạt động của cơ quan Bộ;
- Truyền thông, thông tin báo chí; Khoa học, công nghệ;
- Chỉ đạo thực hiện xây dựng các dự án thuộc lĩnh vực đường sắt và các dự án đầu tư khác do Bộ trưởng phân công.
b) Chủ trì chỉ đạo tổng hợp chung các công tác:
- Tiêu chuẩn, quy chuẩn trong xây dựng cơ bản;
- Cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế hải quan một cửa quốc gia;
- Cải cách hành chính;
- Công nghệ thông tin;
- Công tác thông tin, báo chí và xuất bản;
- Là đầu mối trong quan hệ với JICA, ADB, WB, EDCF, KOICA;
- Là đầu mối trong quan hệ hợp tác với ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các đối tác khác.
c) Giúp Bộ trưởng các công tác:
- Hợp tác quốc tế;
- Kế hoạch vốn đầu tư phát triển;
- Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển GTVT hàng năm và dài hạn;
- Công tác dân vận và quy chế dân chủ ở cơ sở;
- Thi đua, khen thưởng, kỷ luật;
- Theo dõi chung về các dự án ODA.
d) Phụ trách, theo dõi GTVT khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
đ) Giúp Bộ trưởng theo dõi và chỉ đạo hoạt động của các cơ quan, đơn vị: Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Đường sắt Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, Viện chiến lược và phát triển GTVT, Trung tâm Công nghệ thông tin, Báo Giao thông, Tạp chí GTVT, Nhà xuất bản giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án 2, Ban Quản lý dự án đường sắt, Ban Quản lý dự án Thăng Long.
đ) Theo dõi, quản lý nhà nước đối với Hội Khoa học và Kỹ thuật cầu đường Việt Nam, Hội Kỹ thuật và Vận tải đường sắt Việt Nam, Hội Trượt đất GTVT Việt Nam.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1211/QĐ- BGTVT ngày 22/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc phân công nhiệm vụ Lãnh đạo Bộ.
1. Vụ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu Bộ trưởng ban hành Quyết định phân công Thứ trưởng quản lý, theo dõi dự án theo nguyên tắc nêu tại khoản 4 Điều 1 Quyết định này và thường xuyên rà soát, cập nhật danh mục các dự án để điều chỉnh cho phù hợp.
2. Các đồng chí Thứ trưởng, Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và Giám đốc các Sở GTVT chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
BỘ TRƯỞNG |
CÁC CHỨC DANH KIÊM NHIỆM CỦA BỘ TRƯỞNG VÀ CÁC THỨ TRƯỞNG
(Ban hành theo Quyết định số 116/QĐ-BGTVT ngày 17/02/2023 của Bộ trưởng Bộ
Giao thông vận tải)
1. Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Bộ GTVT;
2. Chủ tịch Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ GTVT;
3. Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Bộ GTVT;
4. Trưởng Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin và an toàn thông tin mạng Bộ GTVT;
5. Trưởng Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy;
6. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy của Chính phủ;
7. Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia;
8. Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia;
9. Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT;
10. Phó Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020-2025;
11. Ủy viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng;
12. Ủy viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt;
13. Ủy viên Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu;
14. Ủy viên Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố Quốc gia;
15. Ủy viên Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
1. Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn;
2. Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Lào;
3. Ủy viên thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia;
4. Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển vận tải công cộng;
5. Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn Bộ GTVT;
6. Ủy viên Ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế hải quan một cửa Quốc gia;
7. Trưởng Nhóm Công tác tạo thuận lợi cho vận tải qua biên giới trong khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) và ASEAN;
8. Nhóm trưởng công tác về dự án kết nối mạng giao thông tại khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam;
9. Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai;
10. Ủy viên Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch;
11. Ủy viên Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;
12. Ủy viên Ban Chỉ đạo điều hành giá;
13. Ủy viên Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam;
14. Ủy viên Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam;
15. Ủy viên Ban Chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm.
16. Ủy viên Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy;
17. Ủy viên Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu.
18. Ủy viên Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.
1. Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia;
2. Trưởng Ban Chỉ đạo phối hợp công tác phòng, chống tham nhũng Bộ GTVT;
3. Ủy viên Ban Chỉ đạo quốc gia về y tế biển, đảo;
4. Ủy viên Ban Chỉ đạo công tác phòng không nhân dân Trung ương;
5. Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về khu vực phòng thủ;
6. Ủy viên Ủy ban Vũ trụ Việt Nam;
7. Ủy viên Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai;
8. Ủy viên Ban điều phối triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050;
9. Ủy viên Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước;
10. Ủy viên Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP);
11. Ủy viên Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI;
12. Trưởng ban Phòng, chống AIDS và các tệ nạn xã hội.
13. Ủy viên Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030.
14. Ủy viên Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.
1. Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ GTVT;
2. Ủy viên Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương;
3. Ủy viên Ban Chỉ đạo điều phối các vùng kinh tế trọng điểm;
4. Ủy viên Ủy ban sông Mê Công của Việt Nam;
5. Ủy viên Ban Chỉ đạo công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn;
6. Ủy viên Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.
7. Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa;
8. Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025;
9. Ủy viên Ban Chỉ đạo tổ chức Seagames; Para Seagames;
10. Ủy viên Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
V. THỨ TRƯỞNG NGUYỄN XUÂN SANG
1. Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng, nâng ngạch, chuyển ngạch công chức Bộ GTVT;
2. Tổng Thư ký Ban Thư ký Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) Việt Nam;
3. Trưởng ban Dân số - Kế hoạch hoá gia đình;
4. Trưởng Ban Vì tiến bộ phụ nữ Bộ Giao thông vận tải.
5. Trưởng Nhóm - Đồng Chủ tịch Hội đồng điều hành Nhóm tạo điều kiện thuận lợi giao thông thủy;
6. Trưởng Tiểu ban chỉ đạo tái cơ cấu về sản xuất, kinh doanh, tài chính Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy;
7. Ủy viên Ban Chỉ đạo nhà nước về Biển Đông - Hải đảo;
8. Ủy viên Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy;
9. Ủy viên Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động.
10. Thành viên Ban Chỉ đạo Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động Trung ương.
VI. THỨ TRƯỞNG NGUYỄN DANH HUY
1. Trưởng Ban Chỉ đạo về phát triển bền vững ngành GTVT;
2. Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ;
3. Ủy viên Ban Chỉ đạo Chương trình đổi mới công nghệ Quốc gia;
4. Ủy viên Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin;
5. Ủy viên Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi;
6. Ủy viên Ủy ban Điều phối chung Việt Nam - Nhật Bản về 3 dự án hạ tầng quy mô lớn;
7. Ủy viên Ban Chỉ đạo Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
8. Ủy viên Ban chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 (Ban Chỉ đạo 896).
9. Ủy viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
1 Gồm các tỉnh, thành phố: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình.
2 Gồm các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Quảng Ninh.
3 Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh.
4 Bao gồm các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.
5 Bao gồm các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.