ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1137/QĐ-UBND |
Hà Nội, ngày 20 tháng 3 năm 2020 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ CHẾ ĐỘ ĐẶC THÙ TRONG PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21/11/2007;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch;
Thông tư số 32/2012/TT-BTC ngày 29/02/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ, quản lý và sử dụng kinh phí đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế;
Căn cứ các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ: số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020; số 06/CT-TTg ngày 31/01/2020 về việc phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra;
Căn cứ Quyết định số 173/QĐ-TTg ngày 01/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút Corona gây ra;
Căn cứ Công văn số 828/BYT-KHTC ngày 21/02/2020 của Bộ Y tế về việc bổ sung chế độ đặc thù đối với người thực hiện cách ly y tế tại cơ sở y tế và tại cơ sở khác trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19;
Căn cứ Công văn số 2453/BTC-HQSN ngày 05/3/2020 của Bộ Tài chính về chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19;
Căn cứ Công văn số 1344-CV/TU ngày 30/01/2020 của Thành ủy Hà Nội về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona gây ra;
Căn cứ Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐND ngày 08/7/2019 của HĐND Thành phố về việc quy định một số nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố;
Căn cứ Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 31/01/2020 của UBND Thành phố về việc phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona;
Căn cứ Thông báo số 243/TB-UBND ngày 12/3/2020 của UBND Thành phố về kết luận của Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút Corona (Covid-19);
Căn cứ nội dung thống nhất của Thường trực HĐND Thành phố tại cuộc họp ngày 19/3/2020;
Xét đề nghị của Liên Sở: Y tế - Tài chính tại Tờ trình số 1091/TTrLS:YT-TC ngày 13/3/2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Quy định chế độ đặc thù trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 như sau:
1. Các chế độ đối với người bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế:
a) Về chế độ tiền ăn:
- Mức hỗ trợ tiền ăn: 100.000 đồng/ngày/người trong thời gian cách ly y tế.
- Đối tượng: Người Việt Nam và người nước ngoài bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại khu vực phong tỏa cách ly do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các cấp ra quyết định, tại các cơ sở y tế, tại các cơ sở cách ly tập trung.
- Cơ sở, địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện cách ly y tế có trách nhiệm cung cấp bữa ăn, lương thực phẩm thiết yếu cho người bị cách ly. Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế có yêu cầu bữa ăn riêng theo nhu cầu của mình nhưng phải phù hợp với điều kiện thực tế của cơ sở, địa phương thực hiện cách ly y tế, thì phải tự chi trả phần chi phí tăng thêm (nếu có).
b) Về các vật dụng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của những người bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế trong thời gian cách ly y tế:
- Các vật dụng tính theo 01 ngày cách ly, gồm: Nước uống đóng chai 500ml (04 chai); Khẩu trang (03 chiếc); Sữa tắm (01 gói); Dầu gội đầu (01 gói); Giấy vệ sinh (01 cuộn).
- Các vật dụng tính chung cho 01 đợt cách ly (trung bình 14 ngày): Khăn mặt (01 chiếc); Dung dịch rửa tay (01 chai 500ml); Dung dịch xúc miệng (01 chai 500ml); Bàn chải đánh răng (01 chiếc); Kem đánh răng (01 tuýp 110g); Giấy lau tay (02 bịch 100 tờ); Lược chải tóc (01 chiếc); Cốc nhựa đánh răng (01 chiếc); Xà phòng tắm sát khuẩn (01 bánh); Dép nhựa (01 đôi).
Sau khi Bộ Y tế ban hành vật dụng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của những người bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế trong thời gian cách ly y tế: thực hiện theo định mức của Bộ Y tế ban hành.
2. Các chế độ đối với người tham gia chống dịch:
a) Chế độ phụ cấp chống dịch:
- Mức phụ cấp chống dịch: 200.000 đồng/ngày/người. Nếu tham gia chống dịch vào ngày nghỉ hằng tuần thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,3 lần mức quy định trên. Nếu tham gia chống dịch vào ngày lễ, ngày Tết thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,8 lần mức quy định trên.
- Đối tượng:
+ Người đi giám sát, điều tra, xác minh dịch;
+ Người trực tiếp tham gia khám, chẩn đoán, điều trị người mắc dịch bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
+ Cán bộ y tế phải tiếp xúc trực tiếp với người bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Người trực tiếp phục vụ, chăm sóc người bệnh, vận chuyển bệnh phẩm, quản lý tử thi người bệnh, lái xe, bộ phận thu viện phí, bảo vệ, bộ phận được làm nhiệm vụ thu vỏ chai, lọ, hóa chất; bộ phận khoa kiểm soát nhiễm khuẩn thực hiện: giặt đồ vải, quần áo bác sỹ, bệnh nhân; phòng Vật tư thiết bị y tế thực hiện vệ sinh trang thiết bị, máy móc, bơm tiêm điện; cán bộ Phòng công nghệ thông tin trực chống dịch;
+ Cán bộ y tế thực hiện giám sát dịch tễ, theo dõi y tế tại các cơ sở được giao nhiệm vụ cách ly y tế không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm cả cách ly tại nhà, tại nơi cư trú);
+ Người phục vụ người bị cách ly tại các cơ sở cách ly không phải là chuyên môn y tế (phục vụ, nấu ăn, bảo vệ, lái xe, tham gia đưa đón người nghi nhiễm về các khu cách ly,....);
+ Người phiên dịch; đội cấp cứu 115; kíp vận chuyển người bị cách ly;
+ Người thu gom vận chuyển rác thải y tế, xử lý môi trường tại khu vực cách ly y tế;
+ Người tiếp nhận, xét nghiệm mẫu bệnh phẩm, kiểm soát nhiễm khuẩn, tại các phòng xét nghiệm;
+ Người tham gia cưỡng chế cách ly y tế (công an, bộ đội, cán bộ chính quyền các cấp, các ban ngành,...) đối với các trường hợp thuộc diện phải áp dụng biện pháp cách ly y tế nhưng không tuân thủ yêu cầu cách ly y tế;
+ Cán bộ, người lao động (y tế, công an, quân đội, cán bộ các ban ngành, đoàn thể, dân quân tự vệ, dân phòng, lực lượng tự quản,....) tham gia thực hiện việc khoanh vùng, phong tỏa cách ly khu vực có dịch Covid-19 ở từng mức độ theo cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh do Ban Chỉ đạo chống dịch Covid-19 các cấp ra quyết định;
+ Cán bộ, người lao động thuộc các cơ sở y tế dự phòng tham gia chống dịch, gồm: khử khuẩn; xử lý môi trường, dược, vật tư y tế, truyền thông, bộ phận phân tích, tổng hợp số liệu;
+ Cán bộ, người lao động trực tiếp tham gia thực hiện mai táng và hỏa táng đối với người chết do mắc Covid-19.
b) Chế độ hỗ trợ tiền ăn cho người tham gia chống dịch:
- Mức hỗ trợ tiền ăn: 100.000 đồng/ngày/người.
- Đối tượng: người trực tiếp tham gia khám, chẩn đoán, điều trị người mắc dịch bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Cán bộ, người lao động tham gia thực hiện việc khoanh vùng, phong tỏa cách ly khu vực có dịch Covid-19 ở từng mức độ theo cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh do Ban Chỉ đạo chống dịch Covid-19 các cấp ra quyết định.
c) Chế độ phụ cấp thường trực chống dịch 24/24 giờ:
- Mức phụ cấp thường trực chống dịch 24/24 giờ vào ngày thường là 130.000 đồng/ngày/người, áp dụng cho tất cả các loại dịch; vào ngày nghỉ hằng tuần bằng 1,3 lần mức phụ cấp thường trực vào ngày thường; vào ngày lễ, ngày Tết bằng 1,8 lần mức phụ cấp thường trực vào ngày thường (áp dụng cho các cơ sở y tế được giao nhiệm vụ thường trực chống dịch 24/24).
- Đối tượng: Theo quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
d) Chế độ hỗ trợ tiền ăn cho người thường trực chống dịch 24/24 giờ:
Người lao động tham gia thường trực chống dịch 24/24 giờ được hỗ trợ tiền ăn là 100.000 đồng/người/ngày.
3. Chế độ đối với cộng tác viên tham gia chống dịch trong thời gian có dịch:
- Mức 130.000 đồng/ngày/người đối với cộng tác viên, tình nguyện viên trực tiếp hoặc phối hợp tham gia các hoạt động chống dịch Covid-19.
- Mức 80.000 đồng/ngày/người đối với cộng tác viên, tình nguyện viên trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân, phát tờ rơi hoặc tham gia diễn tập.
4. Nguồn kinh phí chi trả: từ nguồn ngân sách địa phương theo phân cấp. Trường hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã bố trí kinh phí, ngân sách Thành phố sẽ không thanh toán, tránh trùng lặp.
Điều 2. Về triển khai thực hiện
1. Đối với chế độ đã thanh toán sẽ được ngân sách bố trí theo thực tế đã phát sinh, tối đa không quá mức quy định tại Điều 1.
2. Trong thời gian từ nay đến khi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế có ý kiến chỉ đạo về chế độ đặc thù trong phòng chống dịch bệnh Covid-19: Thực hiện theo quy định tại Điều 1.
3. Sau khi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế có ý kiến chỉ đạo: Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế.
Điều 3. Trách nhiệm của các đơn vị
1. Sở Y tế, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Công an thành phố Hà Nội và các đơn vị có liên quan: Căn cứ chế độ đặc thù trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 được cấp có thẩm quyền phê duyệt, rà soát, tổng hợp nhu cầu kinh phí để thực hiện các chế độ, báo cáo UBND Thành phố xem xét, quyết định.
2. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã: Căn cứ chế độ đặc thù trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chủ động cân đối, bố trí ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ được giao trong công tác phòng chống dịch Covid-19 theo quy định.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở: Tài chính, Y tế; Lao động Thương binh và Xã hội; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hà Nội; Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Giám đốc Công an thành phố Hà Nội; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.