ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1083/QĐ-UBND |
Nam Định, ngày 10 tháng 6 năm 2015 |
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt, quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;
Căn cứ Quyết định số 2341/QĐ-TTg ngày 02/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 1589/QĐ-UBND ngày 15/9/2014 của UBND tỉnh Nam Định phê duyệt đề cương, nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Mỹ Lộc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Báo cáo thẩm định số 312/BCTĐ-QHML ngày 27/4/2015 của Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Mỹ Lộc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Xét đề nghị tại Tờ trình số 117/TTr-SKHĐT ngày 13/5/2015 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Mỹ Lộc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Mỹ Lộc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch), với các nội dung chủ yếu sau:
1. Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện Mỹ Lộc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định và đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực đã được UBND tỉnh phê duyệt.
2. Phạm vi tính toán các chỉ tiêu, định hướng trong giai đoạn đến năm 2020 trên cơ sở địa giới hành chính hiện tại của huyện. Phát triển huyện Mỹ Lộc có không gian kinh tế kết nối với thành phố Nam Định, thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam). Mạng lưới thương mại, dịch vụ quy hoạch phát triển theo quốc lộ 21 và 21B, quốc lộ 10, quốc lộ 38B.
3. Xác định kinh tế huyện chú trọng phát triển công nghiệp, dịch vụ; ổn định và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Công nghiệp tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng như dệt may, sản phẩm ga gối,...; phát triển ngành nông nghiệp hàng hóa, cung cấp nông sản sạch cho thành phố Nam Định và các đô thị.
4. Phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, tạo công ăn việc làm và giảm nghèo. Chú trọng các biện pháp bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp, làng nghề, đô thị và vùng nông thôn.
5. Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố thế trận quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội và ổn định an ninh nông thôn.
1. Mục tiêu tổng quát
Khai thác lợi thế là huyện có vị trí địa lý tiếp giáp với thành phố Nam Định, có các tuyến quốc lộ lớn chạy qua và có các di sản thuộc quần thể khu di tích Quốc gia đặc biệt văn hóa Trần để phát triển kinh tế huyện Mỹ Lộc theo hướng công nghiệp và dịch vụ. Tận dụng lợi thế về thị trường tiêu thụ để phát triển kinh tế nông nghiệp cung cấp nông sản, thực phẩm sạch cho thành phố Nam Định, khu công nghiệp. Chú trọng công tác bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Về phát triển kinh tế
- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (theo giá 2010) bình quân thời kỳ 2015 - 2020 đạt 10-11%/năm, thời kỳ 2021-2030 tăng trưởng bình quân đạt 11-12%/năm.
- Đến năm 2020: Cơ cấu kinh tế các ngành công nghiệp và xây dựng - dịch vụ - nông lâm thủy sản tương ứng là 57% - 28% - 15%; giá trị sản xuất bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 110-130 triệu đồng.
- Đến năm 2030: Cơ cấu kinh tế các ngành công nghiệp và xây dựng - dịch vụ - nông lâm thủy sản tương ứng là 60% - 28,5% - 11,5%; giá trị sản xuất bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 340 triệu đồng.
2.2. Về phát triển xã hội và an ninh, quốc phòng
- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên bình quân 0,8%/năm; giảm tỷ suất sinh bình quân 0,15-0,2%o/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo khoảng 1%/năm.
- Tập trung xây dựng nông thôn mới, đến năm 2020 có 8/11 xã, thị trấn đạt tiêu chí nông thôn mới.
- Đẩy mạnh thực hiện công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đến năm 2020 tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn dưới 12%, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên 80% dân số.
- Đến năm 2020, về cơ bản thu gom và xử lý 100% rác thải sinh hoạt; 100% dân số trong huyện sử dụng nước sạch đến năm 2020, về cơ bản thu gom và xử lý 100% rác thải sinh hoạt; 100% dân số trong huyện sử dụng nước sạch.
- Củng cố và phát triển nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, ổn định vững chắc an ninh nông thôn và trật tự an toàn xã hội.
III. Định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực
1. Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Khuyến khích phát triển các ngành nghề hiện có dệt may, đệm ga, gối, sản phẩm nhựa, hàng thủ công mỹ nghệ,... theo hướng chú trọng đổi mới công nghệ và trang thiết bị, tổ chức và quản lý sản xuất. Phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá năm 2010) bình quân thời kỳ 2015-2020 đạt 12-13%/năm, thời kỳ 2021 - 2030 đạt 13%/năm.
Phát triển mở rộng sản xuất tại các xã có làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như sản xuất hàng may mặc, chăn ga gối đệm tại Mỹ Thắng; sản phẩm nhựa tại xã Mỹ Hưng; hàng thủ công mỹ nghệ tại Mỹ Trung, Mỹ Phúc, thị trấn Mỹ Lộc,... Nhân cấy nghề cho các xã chưa có nghề để tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp trong nông thôn.
Tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư khu công nghiệp Mỹ Trung xây dựng hạ tầng và vận động thu hút các nhà đầu tư để lấp đầy khu công nghiệp. Phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh đánh giá khả năng thu hút đầu tư, giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng khu công nghiệp Mỹ Thuận và xây dựng, hình thành cụm công nghiệp làng nghề Mỹ Thắng trước năm 2020.
2. Phát triển dịch vụ, du lịch, thương mại
Khai thác lợi thế là vùng phụ cận của thành phố Nam Định và có các di sản thuộc khu di tích Quốc gia đặc biệt văn hóa Trần (đền Bảo Lộc xã Mỹ Phúc, đình miếu Cao Đài tại xã Mỹ Thành, đình Sùng Văn tại xã Mỹ Thuận) để đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Phấn đấu tăng trưởng giá trị dịch vụ (theo giá 2010) bình quân đạt 11%/năm trong suốt thời kỳ quy hoạch.
Chú trọng cung cấp các dịch vụ phục vụ nhu cầu của thành phố Nam Định (du lịch, lao động có kỹ thuật,...). Quy hoạch xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ dọc theo tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý; cải tạo, nâng cấp một số chợ đầu mối trọng điểm đảm nhận chức năng là các trung tâm phân phối hàng hóa tổng hợp cho toàn huyện.
Tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để đầu tư xây dựng hạ tầng khu vực di tích lịch sử văn hóa Trần và kết nối với các điểm di tích lịch sử văn hóa, làng nghề trong tỉnh, trong vùng hình thành tour du lịch.
3. Phát triển nông nghiệp, thuỷ sản
Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện. Tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản (giá năm 2010) bình quân đạt 2-3%/năm trong suốt thời kỳ quy hoạch.
Xác định một số cây trồng chủ lực rau sạch, hoa cây cảnh để quy hoạch xây dựng thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mô hình “cánh đồng lớn” gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao để cung cấp nông sản sạch, an toàn thực phẩm cho thành phố Nam Định và các đô thị.
Phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại tập trung xa khu dân cư theo hướng tập trung vào các con nuôi chủ lực như lợn hướng nạc, gia cầm, trâu bò; khuyến khích liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với trang trại, gia trại từ cung cấp giống, thức ăn và thu mua, tiêu thụ sản phẩm gắn với áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Sử dụng linh hoạt một số diện tích trũng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Khuyến khích phát triển hình thức nuôi cá lồng trên sông Hồng tại xã Mỹ Tân.
4. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chủ yếu
4.1. Giao thông
Phối hợp tích cực trong thực hiện giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho Trung ương và tỉnh triển khai nâng cấp hoặc đầu tư mới công trình giao thông trọng điểm (quốc lộ 21, quốc lộ 10, cầu Tân Phong, tỉnh lộ 485B, tuyến tránh quốc lộ 38B, các tuyến đường trong quy hoạch mở rộng thành phố Nam Định).
Tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng và làm mới các tuyến đường huyện lộ (đường từ Quốc lộ 21A vào đền Trần Quang Khải đến xã Lộc Hòa, đường từ Quốc lộ 21A vào đình Sùng Văn xã Mỹ Thuận, đường cầu Viềng - Mỹ Trung, xây dựng mới đường 63B phía bên kia kênh Hữu Bị,...). Nâng cấp, mở rộng các tuyến đường xã, liên xã, đường thôn xóm, đường trục chính nội đồng; đến năm 2020 cơ bản cứng hóa đường giao thông nông thôn.
Trên địa bàn huyện có quốc lộ 21A và 21B, quốc lộ 10, quốc lộ 38B chạy qua, có sông Hồng chảy qua là những điều kiện thuận lợi phát triển vận tải đường bộ và đường thủy.
4.2. Cấp điện
Phát triển mạng lưới truyền tải, phân phối và cung cấp điện, đảm bảo đủ nhu cầu về điện sinh hoạt trong nhân dân và điện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Xây dựng, nâng cấp các trạm biến áp và đường dây truyền tải 110KV tại xã Mỹ Trung. Quy hoạch xây dựng hệ thống điện trung áp cáp ngầm khu trung tâm huyện theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia.
4.3. Thuỷ lợi và cấp nước
Cải tạo, nạo vét dòng chảy các tuyến kênh chính (sông Ninh Giang, T3, T5,...); xây mới, nâng cấp một số cống tưới tiêu đầu mối để phát huy năng lực thiết kế của các công trình thuỷ lợi hiện có. Tăng cường cứng hoá hệ thống kênh mương nội đồng đáp ứng yêu cầu tưới tiêu.
Đầu tư nâng công suất nhà máy nước sạch Mỹ Hà để cung cấp nước sạch cho các xã phía Bắc huyện (Mỹ Tiến, Mỹ Hà, Mỹ Thắng,...), các xã còn lại sử dụng nước sạch từ thành phố Nam Định; đến năm 2020 đảm bảo cung cấp nước sạch 100% cho dân số trong huyện.
4.4. Xử lý chất thải và vệ sinh môi trường
Phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm soát chặt chẽ nguồn nước xả thải từ khu công nghiệp Mỹ Trung, khu công nghiệp Mỹ Thuận đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn về nước thải công nghiệp của Việt Nam.
Thu gom, xử lý chất thải ở đô thị và vùng nông thôn theo hướng sử dụng lò đốt rác với công nghệ mới, giá thành hợp lý là chủ yếu. Chú trọng bảo đảm vệ sinh môi trường tại khu di tích lịch sử văn hóa Trần.
5. Phát triển các lĩnh vực xã hội
Nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực, duy trì mức sinh hợp lý để ổn định quy mô dân số. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm, tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo nghề và nơi sử dụng lao động.
Tiếp tục củng cố và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, xây dựng trường chuẩn quốc gia (đến năm 2020 có trên 60% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; 60% trường THCS và 100% trường THPT đạt chuẩn quốc gia).
Thực hiện các chương trình y tế quốc gia và vệ sinh phòng bệnh, khống chế và đẩy lùi các dịch bệnh. Tiếp tục nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị, chất lượng khám chữa bệnh của Bệnh viện đa khoa Mỹ Lộc. Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế trên 90%.
Nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2020 có 50-70% thôn, xóm đạt tiêu chuẩn làng văn hóa, 85% gia đình văn hóa, 90% thôn, xóm có nhà văn hóa.
6. Phát triển đô thị, nông thôn
a) Phát triển đô thị
Tập trung xây dựng khu đô thị tại thị trấn Mỹ Lộc có hạ tầng hiện đại đồng bộ, phù hợp với quy hoạch xây dựng thị trấn Mỹ Lộc và đảm bảo mở rộng được không gian phát triển trong giai đoạn sau. Nghiên cứu xây dựng khu đô thị Mỹ Thuận gắn với khu công nghiệp Mỹ Thuận. Phát triển các thị tứ Sét (xã Mỹ Hà), Viềng (xã Mỹ Phúc), Đặng (xã Mỹ Hưng).
b) Xây dựng nông thôn mới
Chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2015 có 3-4 xã đạt tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2010-2015; trong giai đoạn 2016- 2020 tập trung chỉ đạo 7 xã còn lại triển khai xây dựng nông thôn mới; phấn đấu đến năm 2020 có 8/11 xã, thị trấn đạt tiêu chí nông thôn mới.
7. Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, củng cố vững chắc khu vực phòng thủ huyện. Hoàn thành các nhiệm vụ quân sự địa phương hàng năm. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định an ninh nông thôn.
IV. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư:
(Phụ lục kèm theo)
V. Các giải pháp thực hiện quy hoạch
1. Các giải pháp huy động vốn đầu tư
Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tổng hợp danh mục một số công trình hạ tầng trọng điểm đầu tư trên địa bàn huyện (tỉnh lộ 485B; củng cố, nâng cấp, xử lý các điểm sạt lở trên tuyến đê sông Hồng; các dự án thủy lợi,...) vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 của tỉnh đầu tư bằng vốn ngân sách Trung ương. Đề xuất với UBND tỉnh cho phép lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư một số công trình hạ tầng trọng điểm đầu tư trong kế hoạch đầu tư công thuộc giai đoạn sau năm 2020. Triển khai xây dựng khu công nghiệp Mỹ Thuận và thu hút đầu tư vào khu công nghiệp Mỹ Trung.
Lựa chọn xây dựng khu đô thị tại thị trấn Mỹ Lộc ở vị trí thuận lợi, tạo nguồn thu từ đất để đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm của huyện, thực hiện xây dựng cụm công nghiệp Mỹ Thắng. Công bố quy hoạch và các chính sách ưu đãi để tạo điều kiện thu hút các cơ sở sản xuất trong huyện, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh triển khai các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn, đặc biệt là theo Quy hoạch phân khu hai bên tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý.
2. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực
Thực hiện hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chú trọng đào tạo nghề phục vụ các lĩnh vực sản xuất chủ yếu của huyện (cơ khí, dệt may, da giầy, thủ công mỹ nghệ,...) để cung cấp lao động cho khu công nghiệp Mỹ Trung, khu công nghiệp Mỹ Thuận, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn.
3. Giải pháp về ứng dụng khoa học - công nghệ
Khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất đổi mới máy móc, thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm ô nhiễm môi trường. Hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao để cung cấp nông sản sạch, an toàn thực phẩm cho thành phố Nam Định và các đô thị.
4. Giải pháp phối hợp và hợp tác
Huyện Mỹ Lộc phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành của tỉnh, thành phố Nam Định và các huyện thuộc tỉnh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tập trung vào các lĩnh vực sau:
- Quy hoạch, xây dựng hạ tầng mở rộng địa giới hành chính của thành phố Nam Định. Quản lý, khai thác và phát huy giá trị lịch sử văn hóa truyền thống của khu di tích văn hóa Trần.
- Chuyển giao các ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; xúc tiến, thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp, hỗ trợ làng nghề xây dựng thương hiệu sản phẩm và tìm kiếm thị trường.
- Đề xuất chủ trương đến tổ chức thực hiện các dự án đầu tư nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm của huyện.
- Hợp tác với các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh để tổ chức đào tạo nghề và giới thiệu việc làm đáp ứng lực lượng lao động cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn.
Điều 2. Tổ chức và giám sát thực hiện quy hoạch
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Mỹ Lộc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm, quy hoạch và kế hoạch khác có liên quan, lập các dự án đầu tư trên địa bàn huyện.
1. Giao UBND huyện Mỹ Lộc:
- Tổ chức công bố, phổ biến nội dung cơ bản của Quy hoạch đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân.
- Xây dựng chương trình hành động để cụ thể hóa các định hướng phát triển trong quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm. Phối hợp với các Sở, ban, ngành tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, tuyên truyền, quảng bá, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước và các thành phần kinh tế tham gia thực hiện phát triển kinh tế - xã hội theo Quy hoạch.
- Tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện các dự án đầu tư phát triển trên địa bàn huyện theo chức năng được phân công.
- Thường xuyên cập nhật, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định điều chỉnh bổ sung quy hoạch này kịp thời, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện và của tỉnh trong từng giai đoạn quy hoạch.
- Đến năm 2020, nghiên cứu lập quy hoạch điều chỉnh cho giai đoạn 2021-2030 phù hợp với quá trình thực hiện việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Nam Định.
2. Các Sở, ban, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
- Hướng dẫn UBND huyện Mỹ Lộc lập các quy hoạch khác và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, khuyến khích thu hút đầu tư theo mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
- Trong quá trình lập mới hoặc rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực có liên quan đến phạm vi hành chính huyện Mỹ Lộc cần phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Mỹ Lộc để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của Quy hoạch.
Điều 3. - Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
- Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Lộc và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ TRONG THỜI KỲ QUY HOẠCH
HUYỆN MỸ LỘC
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1083/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2015 của UBND
tỉnh Nam Định)
STT |
TÊN DỰ ÁN |
A |
CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ |
1 |
Nâng cấp tuyến đê sông Hồng; các cống đầu mối. |
2 |
Đường từ quốc lộ 21A vào đình Sùng Văn đến cầu Họ xã Mỹ Thuận. |
3 |
Đường từ quốc lộ 21A vào đình miếu Cao Đài đến xã Lộc Hòa. |
4 |
Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường huyện lộ: Đường 63B phía bên kia kênh Hữu Bị từ xã Mỹ Phúc đến giáp An Ninh; Đường Cầu Viềng - Mỹ Trung,... |
5 |
Hoàn thiện tuyến đường trục Trung tâm huyện (đoạn từ cầu Giáng đến cầu Lê). |
6 |
Đường từ cống La xã Mỹ Tiến đến cống 31 xã Mỹ Hà. |
7 |
Đường nối từ QL 485B với đường vào đền Trần Quang Khải xã Mỹ Thành. |
8 |
Hạ tầng cụm công nghiệp làng nghề Mỹ Thắng. |
9 |
Khu đô thị tại thị trấn Mỹ Lộc. |
B |
CÁC DỰ ÁN KÊU GỌI ĐẦU TƯ |
1 |
Hạ tầng khu công nghiệp Mỹ Trung, Mỹ Thuận (phối hợp với các ngành của tỉnh). |
2 |
Các trung tâm thương mại, dịch vụ 2 bên tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý. |
3 |
Xây dựng vùng nông sản hàng hóa ứng dụng công nghệ cao. |
4 |
Xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Mỹ Hà. |
5 |
Xây dựng chợ đầu mối Thị trấn Mỹ Lộc, xã Mỹ Thuận và xã Mỹ Tân. |
Ghi chú: Vị trí, quy mô, diện tích đất sử dụng và tổng mức đầu tư của các công trình, dự án nêu trên được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư phù hợp với nhu cầu và khả năng cân đối./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.