ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1073/QĐ-UBND |
Hà Tĩnh, ngày 20 tháng 04 năm 2017 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;
Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;
Căn cứ Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại; Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế;
Xét đề nghị của Sở Y tế tại Văn bản số 699/SYT-KHTC ngày 14/4/2017; Báo cáo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 1023/TTr-STNMT ngày 15/4/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn đến năm 2025.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành;
Chánh văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ngành Y tế, Tài nguyên môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
THU
GOM, VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI Y TẾ NGUY HẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH GIAI
ĐOẠN ĐẾN 2025
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 1073/QĐ-UBND ngày 20/4/2017 của UBND tỉnh
Hà Tĩnh)
Thực hiện Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại và Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế; Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh với các nội dung sau:
1. Mục đích:
- Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế nguy hại.
- Chất thải y tế nguy hại phát sinh từ các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh được thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý đạt tỷ lệ tối đa có thể.
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ cơ sở y tế trong công tác thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại.
2. Yêu cầu:
- Chất thải y tế nguy hại phải được thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển xử lý đảm bảo đúng theo các quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế nguy hại và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.
- Chất thải y tế nguy hại phải được thu gom, phân loại riêng theo quy định về quản lý chất thải y tế và phân loại riêng với chất thải y tế thông thường ngay tại nguồn phát sinh và tại thời điểm phát sinh.
- Giai đoạn đến năm 2025: 100% lượng chất thải rắn y tế nguy hại tại các cơ sở y tế được thu gom, vận chuyển và xử lý đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường.
1. Tổng quan về các cơ sở y tế, chất thải y tế và công tác quản lý, xử lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
1.1. Tổng quan về các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh
Tính đến hết năm 2016, số lượng các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh bao gồm: 19 bệnh viện công lập (01 bệnh viện đa khoa tỉnh, 05 bệnh viện chuyên khoa, 12 bệnh viện tuyến huyện và 01 bệnh viện đa khoa khu vực); 09 trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh; 02 chi cục; 13 cơ sở y tế dự phòng tuyến huyện (trong đó có 02 trung tâm y tế tuyến huyện); 01 phòng khám đa khoa khu vực; 262 trạm y tế xã, phường, thị trấn; 01 cơ sở đào tạo; 01 bệnh viện tư nhân; 181 phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân đóng trên địa bàn.
1.2. Hiện trạng phát sinh chất thải y tế nguy hại tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh
Tình hình phát sinh chất thải y tế nguy hại (CTYTNH) tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh như sau:
Hiện nay, tổng khối lượng chất thải y tế các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện là khoảng 4.260kg/ngày, trong đó lượng chất thải y tế nguy hại là 535kg/ngày. Các cơ sở y tế dự phòng tuyến tỉnh phát sinh 1,5-2kg/ngày; mỗi cơ sở y tế dự phòng huyện phát sinh 0,2-0,5 kg/ngày; phòng khám đa khoa Đức Lĩnh phát sinh 1,0-3,0 kg /ngày; mỗi phòng khám tư nhân và trạm y tế xã phát sinh 0,1-0,15kg/ngày. Tổng khối lượng CTYTNH phát sinh từ các nguồn thải trên địa bàn tỉnh khoảng 150 kg/ngày.
1.3. Hiện trạng công tác quản lý và năng lực xử lý chất thải y tế nguy hại tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh
1.3.1. Công tác thu gom, phân loại
Hầu hết các cơ sở y tế đã bố trí bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế để phục vụ công tác thu gom, phân loại, về cơ bản công tác thu gom, phân loại chất thải y tế, trong đó có chất thải y tế nguy hại đã đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc bố trí bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế theo quy định chưa đầy đủ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu quy định tại Thông tư 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT , một số cơ sở còn sử dụng thiết bị, dụng cụ lưu giữ chất thải y tế nguy hại không đúng theo quy định pháp luật.
Các trạm y tế đều bố trí các thiết bị thu gom chất thải y tế phát sinh, tuy nhiên hầu hết các thiết bị lưu chứa, bao bì đựng chất thải nguy hại chưa đúng quy định. Cán bộ thực hiện thu gom, phân loại hầu hết chưa được trang bị kiến thức đầy đủ.
1.3.2. Năng lực xử lý
a. Mô hình xử lý tại chỗ:
- Các đơn vị đã có công trình xử lý chất thải rắn y tế là lò đốt 2 buồng (15/19 bệnh viện), bao gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Bệnh viện Phổi; các bệnh viện đa khoa (BVĐK) tuyến huyện ở Hồng Lĩnh, Nghi Xuân, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê, Can Lộc, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh và BVĐKKV cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.
Tuy nhiên, hiện nay công trình xử lý CTRYT của BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đang bị hỏng, không còn hoạt động được nữa nên BVĐK tỉnh đã hợp đồng với Công ty TNHH MTV chế biến chất thải công nghiệp Hà Tĩnh xử lý rác thải y tế nguy hại từ ngày 01/4/2016.
- Các bệnh viện còn lại hợp đồng với đơn vị khác để xử lý gồm: Bệnh viện - Tâm thần và Bệnh viện Mắt (hợp đồng xử lý rác thải tại Bệnh viện Phổi); Bệnh viện Y học cổ truyền và Bệnh viện Phục hồi chức năng (hợp đồng xử lý rác thải y tế với các đơn vị được cấp phép xử lý chất/thải rắn y tế tại Nghệ An).
- Bệnh viện đa khoa thành phố Hà Tĩnh đang triển khai lắp đặt lò đốt rác thải y tế nên thời gian qua cũng đang hợp đồng với Công ty TNHH MTV chế biến chất thải công nghiệp Hà Tĩnh xử lý CTRYT của đơn vị.
- Tại các trạm y tế tuyến xã, có khoảng 50% trạm y tế trên địa bàn đã được đầu tư lò đốt rác, tuy nhiên các lò đốt rác này chưa đảm bảo các yêu cầu về xử lý chất thải y tế nguy hại theo quy định.
b. Phương thức, thiết bị vận chuyển chất thải y tế nguy hại từ các cơ sở chưa có lò đốt đến nơi xử lý:
- Đối với những cơ sở hợp đồng với đơn vị xử lý rác thì công ty nhận hợp đồng xử lý rác thực hiện;
- Đối với những cơ sở hợp đồng với các bệnh viện đã được đầu tư lò đốt do các đơn vị tự vận chuyển bằng các phương tiện cá nhân, đơn vị (đến nay chỉ có 03 bệnh viện gồm: BVĐK tỉnh, BVĐK Hồng Lĩnh và BVĐK Hương Sơn đã được đầu tư xe chuyên dụng để phục vụ vận chuyển CTYTNH cho cụm, các đơn vị còn lại chưa có xe chuyên dụng) hoặc thuê xe vận chuyển.
c. Mô hình xử lý theo cụm
Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện, vay vốn Ngân hàng Thế giới, hiện đang triển khai xây dựng và lắp đặt thiết bị xử lý chất thải rắn bằng công nghệ không đốt (hấp nhiệt ướt) tại 03 bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa thị xã Hồng Lĩnh và Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Sơn (đang trong giai đoạn vận hành chạy thử).
1.4. Đánh giá chung
Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế trong thời gian qua đã được chú trọng, các đơn vị thường xuyên được đào tạo về công tác quản lý chất thải y tế, ý thức của cán bộ y tế nói chung và của cán bộ trực tiếp vận hành xử lý rác thải y tế nói riêng đã cải thiện rõ nét thông qua hoạt động phân loại rác theo đúng quy định.
Tuy nhiên bên cạnh đó còn tồn tại nhiều khó khăn vướng mắc như: Lượng chất thải y tế nguy hại tăng lên nhanh chóng do tăng tỷ lệ sử dụng các dụng cụ, vật tư y tế tiêu hao dùng 1 lần; Tăng số lượng giường bệnh ở cơ sở điều trị từ tuyến huyện trở lên kèm theo việc tăng ứng dụng kỹ thuật cao trong tất các các khâu từ khám bệnh, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị; Các đơn vị chưa có biện pháp quản lý chất thải y tế hữu hiệu và an toàn; Một số đơn vị đã được đầu tư lò đốt song một số đã cũ, hư hỏng, sử dụng dầu để đốt gây ô nhiễm môi trường; Hệ thống thu gom và xử lý chất thải vốn được thiết kế theo số giường bệnh nhưng bên cạnh lượng chất thải phát sinh từ các hoạt động chuyên môn còn một lượng lớn rác thải pháp sinh từ các hoạt động thăm nuôi của người nhà bệnh nhân và các hoạt động dịch vụ khác trong bệnh viện. Vì vậy, hệ thống xử lý rác thải y tế của các bệnh viện luôn bị quá tải, chất lượng và hiệu quả xử lý rác thải cũng bị hạn chế rất nhiều.
2. Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn đến 2025
2.1. Kế hoạch thu gom, vận chuyển chất thải y tế nguy hại
2.1.1. Phương thức thu gom, phân loại, lưu giữ
2.1.1.1. Thu gom, phân loại
Các cơ sở y tế có trách nhiệm thu gom, phân loại chất thải y tế nguy hại theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT. Việc thu gom, vận chuyển chất thải lây nhiễm từ nơi phát sinh về khu lưu giữ trong khuôn viên cơ sở y tế phải thực hiện tối thiểu 01 lần/ngày. Riêng đối với các cơ sở y tế có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 05 kg/ngày, tần suất thu gom chất thải lây nhiễm sắc nhọn từ nơi phát sinh về khu lưu giữ tạm thời hoặc đưa đi xử lý, tiêu hủy tối thiểu là 01 (một) lần/tuần.
2.1.1.2. Lưu giữ
- Yêu cầu đối với khu vực lưu giữ chất thải y tế: Các cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại phải có khu vực lưu giữ chất thải y tế nguy hại đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định tại Mục I và Mục II, Phụ lục 02 ban hành kèm theo Kế hoạch này.
- Chất thải y tế nguy hại và chất thải y tế thông thường phải lưu giữ riêng biệt tại khu vực lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế.
- Chất thải lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm phải lưu giữ riêng trừ trường hợp các loại chất thải này áp dụng cùng một phương pháp xử lý.
- Thời gian lưu giữ chất thải lây nhiễm:
+ Đối với chất thải lây nhiễm phát sinh tại cơ sở y tế, thời gian lưu giữ chất thải lây nhiễm tại cơ sở y tế không quá 02 ngày trong điều kiện bình thường. Trường hợp lưu giữ chất thải lây nhiễm trong thiết bị bảo quản lạnh dưới 8°C, thời gian lưu giữ tối đa là 07 ngày. Đối với cơ sở y tế có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 05 kg/ngày, thời gian lưu giữ không quá 03 ngày trong điều kiện bình thường và phải được lưu giữ trong các bao bì được buộc kín hoặc thiết bị lưu chứa được đậy nắp kín.
+ Đối với chất thải lây nhiễm được vận chuyển từ cơ sở y tế khác về để xử lý theo mô hình cụm, phải ưu tiên xử lý trong ngày. Trường hợp chưa xử lý ngay trong ngày, phải lưu giữ ở nhiệt độ dưới 20°C và thời gian lưu giữ tối đa không quá 02 ngày.
- Yêu cầu về dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế nguy hại:
+ Có thành cứng, không bị bục vỡ, rò rỉ dịch thải trong quá trình lưu giữ chất thải và phải có nắp đậy kín và chống được sự xâm nhập của các loài động vật.
+ Có biểu tượng loại chất thải lưu giữ theo quy định tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Kế hoạch này.
+ Dụng cụ, thiết bị lưu chứa hóa chất thải phải được làm bằng vật liệu không có phản ứng với chất thải lưu chứa và có khả năng chống được sự ăn mòn nếu lưu chứa chất thải có tính ăn mòn. Trường hợp lưu chứa hóa chất thải - ở dạng lỏng phải có nắp đậy chống bay hơi và tràn đổ chất thải.
2.1.2. Phương thức vận chuyển
2.1.2.1. Đối với các cơ sở xử lý tại chỗ:
Thực hiện vận chuyển chất thải y tế nguy hại từ các khu vực phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải y tế của đơn vị để xử lý đảm bảo đúng quy định.
2.1.2.2. Đối với các cơ sở xử lý theo cụm:
Việc vận chuyển chất thải y tế nguy hại từ các cơ sở y tế trong cụm đến cơ sở xử lý cho cụm phải thực hiện bằng các hình thức sau:
a) Cơ sở y tế trong cụm thuê đơn vị bên ngoài có giấy phép xử lý chất thải nguy hại hoặc giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại để thực hiện vận chuyển chất thải của cơ sở y tế đến cơ sở xử lý cho cụm. Đối với chủ xử lý chất thải nguy hại, chủ hành nghề quản lý chất thải nguy hại tham gia vận chuyển chất thải y tế trong cụm nhưng nằm ngoài phạm vi của giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp thì phải báo cáo cơ quan cấp giấy phép trước khi thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 23 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ;
b) Cơ sở y tế trong cụm tự vận chuyển hoặc thuê đơn vị khác không thuộc đối tượng nêu trên (các đơn vị có giấy phép xử lý chất thải nguy hại hoặc giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại) để vận chuyển chất thải y tế nguy hại từ cơ sở y tế đến cơ sở xử lý cho cụm. Trong đó, các cơ sở y tế trong cụm hoặc đơn vị được thuê vận chuyển chất thải y tế nguy hại sử dụng xe thùng kín hoặc xe bảo ôn chuyên dụng để vận chuyển hoặc sử dụng các loại phương tiện vận chuyển khác để vận chuyển chất thải y tế nguy hại từ cơ sở của mình đến cơ sở xử lý cho cụm nhưng phải đáp ứng những yêu cầu sau:
- Đối với dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế nguy hại trên phương tiện vận chuyển:
+ Có thành, đáy, nắp kín, kết cấu cứng, chịu được va chạm, không bị rách vỡ bởi trọng lượng chất thải, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển;
+ Có biểu tượng về loại chất thải lưu chứa theo quy định tại Phụ lục 03 kèm theo Kế hoạch này với kích thước phù hợp, được in rõ ràng, dễ đọc, không bị mờ và phai màu trên thiết bị lưu chứa chất thải;
+ Được lắp cố định hoặc có thể tháo rời trên phương tiện vận chuyển và bảo đảm không bị rơi, đổ trong quá trình vận chuyển chất thải.
- Chất thải lây nhiễm trước khi vận chuyển phải được đóng gói trong các thùng, hộp hoặc túi kín, bảo đảm không bị bục, vỡ hoặc phát tán chất thải trên đường vận chuyển.
2.1.2.3. Đối với các cơ sở khác: Nếu tự vận chuyển phải sử dụng phương tiện đáp ứng các quy định tại Mục b, Phần 2.1.2.2 nêu trên.
2.1.3. Tần suất vận chuyển chất thải y tế nguy hại tới cụm xử lý phải phù hợp với tần suất thu gom và thời gian lưu giữ theo quy định.
2.2. Kế hoạch xử lý chất thải y tế nguy hại giai đoạn đến 2025
2.2.1. Giai đoạn đến 2025
2.2.1.1. Xử lý theo cụm cơ sở y tế (chỉ áp dụng đối với chất thải y tế nguy hại)
Công nghệ được áp dụng xử lý theo mô hình cụm là công nghệ không đốt (hấp ướt kết hợp với nghiền cắt) hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện vận hành chạy thử. CTYTNH sau khi được xử lý bằng công nghệ không đốt này sẽ trở thành chất y tế thải thông thường và được quản lý theo các quy định hiện hành về xử lý chất thải y tế thông thường.
- Cụm 1: Bệnh viện Đa khoa tỉnh:
+ Năng lực xử lý: Công suất tối đa 65kg/h*2 hệ thống = 130kg/giờ,
+ Phạm vi xử lý: Xử lý rác thải cho các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà.
- Cụm 2: Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Sơn:
+ Năng lực xử lý: Công suất tối đa 35kg/giờ.
+ Phạm vi xử lý: Xử lý rác thải cho các cơ sở y tế trên địa bàn huyện Hương Sơn và các huyện; Hương Khê, Vũ Quang.
- Cụm 3: Bệnh viện Đa khoa thị xã Hồng Lĩnh:
+ Năng lực xử lý: Công suất tối đa 35kg/giờ.
+ Phạm vi xử lý: Xử lý rác thải y tế cho các cơ sở y tế trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh và các huyện: Can Lộc, Đức Thọ, Lộc Hà, Nghi Xuân;
* Lộ trình thực hiện xử lý theo mô hình cụm:
- Ưu tiên việc xử lý chất thải y tế nguy hại cho các cơ sở y tế theo mô hình cụm bằng công nghệ không đốt, thân thiện môi trường thay vì sử dụng công nghệ đốt đã được đầu tư tại chỗ;
- Trường hợp lò đốt tại các cơ sở y tế trong cụm vẫn còn hoạt động hiệu quả thì đơn vị có thể tự xử lý CTNH cho đơn vị mình nhưng phải đảm bảo kết quả quan trắc định kỳ nằm trong giới hạn cho phép và đáp ứng các tiêu chuẩn khác liên quan theo quy định;
- Trường hợp lò đốt tại các cơ sở y tế không còn đáp ứng được theo yêu cầu thì bắt buộc phải xử lý theo cụm;
- Không thực hiện việc đầu tư mới, duy tu, bảo dưỡng sửa chữa các công trình xử lý chất thải y tế nguy hại tại chỗ bằng công nghệ đốt cho các cơ sở y tế trong cụm.
2.2.1.2. Xử lý tại chỗ
a. Đối với các cơ sở y tế không thuộc danh mục các cơ sở y tế xử lý theo mô hình cụm nêu tại mục 2.2.1 và đã được đầu tư công trình xử lý chất thải y tế nguy hại đảm bảo theo quy định thì tự xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh từ hoạt động của đơn vị. Trong trường hợp công trình xử lý chất thải y tế nguy hại của các cơ sở không đảm bảo khả năng xử lý thì hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý CTYTNH để xử lý.
Các trạm y tế trên địa bàn huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên và thị xã Kỳ Anh đã được đầu tư lò đốt thì có thể tự xử lý nhưng phải đáp ứng yêu cầu phân loại và quy trình xử lý theo các quy định hiện hành (khuyến khích các trạm y tế hợp đồng với bệnh viện huyện, đơn vị có chức năng xử lý CTYTNH để xử lý).
b. Đối với các cơ sở y tế còn lại (không thuộc các cơ sở xử lý theo mô hình cụm nêu tại mục 2.2.1 và chưa được đầu tư công trình xử lý chất thải đảm bảo theo quy định):
- Xử lý chất thải y tế nguy hại: Được áp dụng các phương pháp xử lý và tiêu hủy chất thải y tế nguy hại theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và của Bộ Y tế. Các cơ sở y tế công lập và các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh không thuộc danh mục các cơ sở xử lý theo mô hình cụm, tiến hành ký hợp đồng với doanh nghiệp đủ điều kiện xử lý CTYTNH (hiện nay trên địa bàn huyện Kỳ Anh có Công ty TNHH MTV chế biến chất thải công nghiệp Hà Tĩnh đã được cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại).
2.2.2. Giai đoạn sau 2025
Áp dụng mô hình xử lý tập trung cho toàn bộ các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
3. Tổng hợp Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn đến 2025
Chi tiết tại Phụ lục 01 kèm theo.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
- Kinh phí sự nghiệp môi trường phân bổ cho Sở Y tế hoặc các nguồn hỗ trợ khác (nếu có).
- Nguồn kinh phí thu từ các cơ sở y tế xử lý theo mô hình cụm.
- Kinh phí thường xuyên của các đơn vị.
- Nguồn xã hội hóa.
1. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch;
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện việc thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT , hướng dẫn chi tiết việc sử dụng các phương tiện vận chuyển thích hợp để tự vận chuyển chất thải y tế nguy hại từ cơ sở phát sinh đến cơ sở xử lý cho cụm và các nội dung khác trong Kế hoạch.
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải y tế đặc biệt là chất thải y tế nguy hại theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT , Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT .
- Kịp thời thông tin, đề xuất và phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng, điều chỉnh Kế hoạch theo đúng quy định hiện hành trong trường hợp nội dung kế hoạch không phù hợp với điều kiện thực tế hoặc không phù hợp với những nội dung điều chỉnh của các văn bản pháp luật.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan hướng dẫn xây dựng đơn giá xử lý chất thải y tế đối với các cơ sở y tế xử lý theo cụm.
- Nghiên cứu, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, bố trí kinh phí đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải y tế cho các cơ sở y tế chưa được đầu tư.
- Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác quản lý chất thải y tế trên địa bàn theo mẫu quy định tại Phụ lục số 06 (B) ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT và gửi về Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế trước ngày 31 tháng 3 của năm tiếp theo.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan có liên quan chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện.
- Chủ trì hướng dẫn các phương pháp xử lý và tiêu hủy chất thải y tế nguy hại và các biện pháp xử lý nước thải y tế phù hợp theo quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường cho các cơ sở y tế không thuộc danh mục các cơ sở y tế xử lý theo mô hình cụm nêu trong Kế hoạch này;
- Phối hợp với Sở Y tế tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện việc thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT , hướng dẫn chi tiết việc sử dụng các phương tiện vận chuyển thích hợp để tự vận chuyển chất thải y tế nguy hại từ cơ sở đến cơ sở xử lý cho cụm và các nội dung khác theo quy định;
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải y tế đặc biệt là chất thải y tế nguy hại theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT , Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan xây dựng, điều chỉnh Kế hoạch theo đúng quy định hiện hành trong trường hợp nội dung kế hoạch không phù hợp với điều kiện thực tế hoặc không phù hợp với những nội dung điều chỉnh của các văn bản pháp luật.
- Tổ chức thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), Đề án bảo vệ môi trường chi tiết, Kế hoạch bảo vệ môi trường đối với các cơ sở y tế theo quy định.
- Tổng hợp, báo cáo định kỳ về kết quả quản lý chất thải nguy hại (bao gồm cả chất thải y tế) theo quy định tại Khoản 4, Điều 11 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT .
3. Sở Tài chính
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường, phân bổ cho Sở Y tế hỗ trợ các cơ sở y tế trong công tác xử lý chất thải y tế nguy hại.
- Phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn xây dựng đơn giá xử lý chất thải y tế đối với các cơ sở y tế xử lý theo cụm.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn kinh phí, đề xuất phương án để đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải y tế nguy hại cho các cơ sở y tế chưa được đầu tư theo thứ tự ưu tiên.
5. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo các cơ quan Báo, Đài địa phương, Cổng thông tin điện tử tỉnh tổ chức tuyên truyền nội dung của Kế hoạch rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
6. Công an tỉnh
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm trong việc thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, kịp thời thông tin cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế để thực hiện tốt công tác quản lý về chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh.
7. Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh
Tổ chức thông tin, tuyên truyền các nội dung của Kế hoạch trên các phương tiện thông tin đại chúng.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Y tế thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất thải y tế nguy hại tại các cơ sở y tế trên địa bàn và việc thực hiện vận chuyển chất thải y tế nguy hại từ các cơ sở y tế về cụm xử lý.
Phối hợp với các sở, ban ngành cấp tỉnh thanh kiểm tra công tác bảo vệ môi trường và việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải y tế, đặc biệt là chất thải y tế nguy hại.
9. Trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh
- Thực hiện quản lý chất thải y tế theo đúng quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT , Thông tư liên tịch số 58/TTLT-BYT-BTNMT và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
- Phân công 01 Lãnh đạo phụ trách về công tác quản lý chất thải y tế và 01 khoa, phòng hoặc cán bộ chuyên trách về công tác quản lý chất thải y tế của cơ sở.
- Lập và ghi đầy đủ thông tin vào số giao nhận chất thải y tế nguy hại theo quy định tại Phụ lục 04 ban hành kèm theo Kế hoạch này (trừ trường hợp cơ sở y tế tự thực hiện xử lý chất thải y tế), sử dụng sổ giao nhận chất thải y tế nguy hại thay thế cho chứng từ chất thải y tế nguy hại khi chuyển giao.
- Bố trí đủ kinh phí, nhân lực hoặc ký hợp đồng với đơn vị bên ngoài để thực hiện việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế.
- Thống nhất đơn giá xử lý chất thải y tế nguy hại trong cụm xử lý với cơ sở xử lý cho cụm theo hướng dẫn của Sở Y tế, Sở Tài chính.
- Tổ chức truyền thông, phổ biến pháp luật về quản lý chất thải y tế cho tất cả cán bộ, viên chức, hợp đồng và các đối tượng liên quan. Hằng năm, tổ chức đào tạo về quản lý chất thải y tế cho công chức, viên chức, người lao động của đơn vị và các đối tượng có liên quan.
- Báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế của cơ sở theo mẫu quy định tai Phụ lục 05 ban hành kèm theo Kế hoạch này về Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 01 của năm tiếp theo.
- Các cơ sở y tế chưa có công trình xử lý chất thải y tế đã ký hợp đồng xử lý chất thải y tế với các cơ sở đã được đầu tư trước ngày thời điểm Kế hoạch này ban hành thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hiệu của hợp đồng.
10. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại cho các cụm xử lý
Ngoài việc thực hiện các quy định tại Mục 9, phần IV của Kế hoạch này, người đứng đầu cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại cho các cụm xử lý phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
- Thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại theo nội dung trong Kế hoạch này;
- Bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật về khu lưu giữ và thiết bị lưu giữ, thời gian lưu giữ, xử lý chất thải y tế nguy hại tiếp nhận từ các cơ sở y tế trong cụm hoặc các yêu cầu kỹ thuật về phương tiện vận chuyển và thiết bị lưu chứa chất thải trên phương tiện vận chuyển theo quy định khi thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải y tế từ các cơ sở y tế trong cụm xử lý.
- Chịu trách nhiệm quản lý đối với chất thải y tế nguy hại sau khi được xử lý, tự bỏ kinh phí (bao gồm kinh phí của các đơn vị khác trong cụm hợp đồng để xử lý theo mô hình cụm) hợp đồng với đơn vị có đủ điều kiện, năng lực xử lý theo các quy định hiện hành.
Yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung Kế hoạch, kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương án giải quyết gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.