ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 107/QĐ-UBND |
Khánh Hòa, ngày 09 tháng 01 năm 2018 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;
Căn cứ Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao;
Căn cứ Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14 ngày 10 năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
Căn cứ Công văn số 5183/BTNMT-TCMT ngày 02 ngày 10 năm 2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc triển khai, đôn đốc công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục vụ việc, sự cố môi trường;
Căn cứ Quyết định số 2732/QĐ-UBND ngày 15 tháng 9 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về việc ban hành Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 842/TTr-STNMT ngày 22 tháng 12 năm 2017 về việc ban hành Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2018-2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2018-2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHÒNG
NGỪA, ỨNG PHÓ SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN 2018-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 107/QĐ-UBND ngày 09 tháng 01 năm 2018 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)
I. Sự cần thiết, căn cứ pháp lý
1. Tính cấp thiết phải ban hành Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó môi trường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Trung, Khánh Hòa là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh. Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đã hình thành 01 khu kinh tế (Khu kinh tế Vân Phong) việc đầu tư cơ sở hạ tầng và triển khai các dự án đã được thực hiện trong những năm qua. Tính đến nay, Khu kinh tế Vân Phong đã thu hút được hơn 156 dự án đầu tư, 02 khu công nghiệp (Khu công nghiệp Suối Dầu, Khu công nghiệp Ninh Thủy), 03 cụm công nghiệp (Cụm công nghiệp Diên Phú, Cụm công nghiệp chăn nuôi Khatoco tại Ninh Ích, Cụm công nghiệp Đắc Lộc) đã đi vào hoạt động thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư với các ngành nghề chủ yếu như: Chế biến thủy sản, nông sản, may mặc, thức ăn gia súc, đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ, cơ khí, cơ khí chính xác, dụng cụ thể thao... Ngoài ra, còn có nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Trong những năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở tỉnh Khánh Hòa đạt hiệu quả cao đã tạo ra nguồn thu ngân sách lớn cho tỉnh, tạo nhiều công ăn việc làm, phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, mang lại cuộc sống sung túc hơn cho người dân. Song bên cạnh đó, nguy cơ ô nhiễm, các rủi ro, sự cố môi trường do các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ là rất lớn.
Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nói riêng đã xảy ra một số vụ việc, sự cố môi trường do rò rỉ, xả chất thải (điển hình là sự cố rò rỉ nước rỉ rác tại bãi rác Hòn Rọ, sự cố môi trường của Nhà máy đường Khánh Hòa,...) gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường giai đoạn 2018-2020 nhằm phòng ngừa, giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực do các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ra, nâng cao ý thức chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục vụ việc, sự cố môi trường do xả chất thải; đồng thời chủ động trong việc phối hợp phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường có nguy cơ xảy ra trên địa bàn tỉnh.
2. Các căn cứ pháp lý để lập Kế hoạch
- Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
- Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
- Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;
- Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
- Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
- Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao;
- Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14 ngày 10 năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
- Quyết định số 2732/QĐ-UBND ngày 15 tháng 9 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về việc ban hành Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020;
- Công văn số 5183/BTNMT-TCMT ngày 02 ngày 10 năm 2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc triển khai, đôn đốc công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục vụ việc, sự cố môi trường;
- Công văn số 9627/UBND-KT ngày 18 tháng 10 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về việc triển khai, đôn đốc công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục vụ việc, sự cố môi trường.
II. Mục đích, yêu cầu, phạm vi
1. Mục đích
- Đảm bảo sẵn sàng phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra sự cố môi trường để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại đối với môi trường và con người.
- Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
- Nêu cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
2. Yêu cầu
- Đảm bảo sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (Ủy ban nhân dân cấp huyện), Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (Ủy ban nhân dân cấp xã) và các tổ chức, cá nhân trong việc phòng ngừa, ứng phó với các sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh.
- Các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh chất thải phải bảo đảm sẵn sàng nguồn lực cho công tác phòng ngừa, ứng phó với các sự cố có thể xảy ra, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại khi có sự cố môi trường xảy ra.
3. Phạm vi
Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường này không áp dụng đối với sự cố hóa chất, sự cố tràn dầu và sự cố rò rỉ phóng xạ, hạt nhân (có kế hoạch riêng được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt).
1. Tóm tắt điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội
1.1. Điều kiện tự nhiên
Vị trí địa lý: Khánh Hòa là tỉnh ven biển có điểm cực Đông trên đất liền vươn ra biển xa nhất của đất nước, thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có phạm vi lãnh thổ từ 110041'53'' đến 120052'35'' vĩ độ Bắc và từ 108040' đến 109023'24" kinh độ Đông.
Về khí hậu: Theo tài liệu đặc điểm khí hậu, thủy văn tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh Khánh Hòa được phân thành 3 vùng khí hậu thuỷ văn chính như sau:
- Vùng I: Vùng khí hậu ven biển, bao gồm các đảo, bán đảo mà đại diện tiêu biểu về các đặc trưng khí hậu của vùng này là quần đảo Trường Sa.
- Vùng II: Khí hậu vùng đồng bằng và ven biển xen kẽ đồi, núi thấp, là vùng địa hình cao dưới 200 m, tương đối bằng phẳng, xen kẽ gò đồi và núi. Lớp phủ thực vật chủ yếu là lúa, cây công nghiệp ngắn ngày, rừng trồng và cây phân tán. Dọc theo phương vĩ tuyến, do vị trí địa lý và địa hình, các đặc trưng khí hậu thủy văn có khác biệt tương đối nên vùng này được chia ra thành 3 tiểu vùng khí hậu chính: (i) Tiểu vùng khí hậu Vạn Ninh - Ninh Hòa, (ii) Tiểu vùng khí hậu Diên Khánh - Nha Trang, (iii) Tiểu vùng khí hậu Cam Ranh.
- Vùng III: Khí hậu vùng núi, là vùng địa hình cao trên 200 m, độ dốc lớn, lớp phủ thực vật chủ yếu là rừng và đồi trọc. Do điều kiện phía Bắc và phía Nam có sự khác biệt, vùng này cũng được chia thành 02 tiểu vùng khí hậu chính: (i) Tiểu vùng vòng cung núi phía Bắc, là giới hạn phía Bắc của tỉnh, phân định bởi đường đỉnh của dãy núi Vọng Phu - Đèo Cả, là nơi phát sinh gió Tu Bông; (ii) Tiểu vùng vòng cung núi phía Tây Nam, có thể xem như là ranh giới giữa vùng có mùa mưa chính vào thời kỳ gió mùa mùa hè và mùa mưa chính vào thời kỳ đầu gió mùa mùa đông.
Chế độ thủy văn: Tỉnh Khánh Hòa có mạng lưới sông phân bố khá dày, mật độ 0,6 - 1 km/km2. Khánh Hòa có 3 hệ thống sông lớn là sông Cái Nha Trang, sông Cái Ninh Hòa, sông Tô Hạp và hàng chục sông suối nhỏ độc lập. Nhìn chung mạng lưới sông ngòi tương đối dày đặc nhưng phân bố không đều, vùng núi cao có mật độ lưới sông dày khoảng 1 km/km2, vùng thấp và đồng bằng ven biển có mật độ lưới sông mỏng hơn khoảng 0,6 km/km2. Do đặc điểm địa hình nên sông, suối ở đây thường ngắn, lòng sông hẹp và dốc với độ dốc trung bình khoảng 5‰ và thường cạn kiệt vào mùa khô.
1.2. Tình hình kinh tế - xã hội
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 09 tháng đầu năm 2017 theo giá so sánh 2010 ước được 34.620,78 tỷ đồng, tăng 7,45% so với cùng kỳ năm trước. GRDP phân theo ngành kinh tế tăng 7,63%: Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%; công nghiệp và xây dựng tăng 8,65%; dịch vụ tăng 8,18%; thuế sản phẩm từ trợ cấp sản phẩm tăng 6%. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường được quan tâm, thông tin truyền thông, văn hóa thể thao tiếp tục được chú trọng. Công tác đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đúng mức góp phần ổn định và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
2. Tổng quan về các yếu tố có nguy cơ gây ra sự cố môi trường
2.1. Sự cố môi trường do các yếu tố tự nhiên
Là các tai biến tự nhiên như: Bão, lũ, lụt, sạt lở đất, động đất, sóng thần, cháy rừng... Thiên tai là SCMT gây ra bởi quá trình tự nhiên, thường được coi là bất khả kháng, con người cần sống hòa hợp với chúng. Việc lựa chọn phương án phòng chống thiên tai tập trung vào lựa chọn cách sống và né tránh những ảnh hưởng không mong đợi.
Trong những năm trước đây, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ít xảy xuất hiện thiên tai có tính chất nghiêm trọng. Tuy nhiên, thời gian gần đây diễn biến của khí hậu có sự khác biệt, đặc biệt là trong khoảng năm 2015 trở lại đây xảy ra nhiều thiên tai ảnh hưởng đến đời sống của người dân như lũ lụt, bão... gây thiệt hại tài sản, tính mạng của nhân dân và nguy cơ gây ô nhiễm nước mặt, nước biển ven bờ... Hoặc hiện tượng tảo nở hoa xảy ra thường xuyên trên các vùng biển của tỉnh cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng cần xác định để thực hiện phòng ngừa, ứng phó.
2.2. Sự cố môi trường do tác nhân con người
Là những sự cố do hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và phát triển kinh tế - xã hội của con người như xả nước thải, khí thải, chất thải rắn gây ô nhiễm hoặc sự cố kỹ thuật như đổ tràn nguyên vật liệu, sản phẩm trên đường vận chuyển, trong quá trình sản xuất...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 11.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong nhiều lĩnh vực, chia ra các nhóm ngành lớn như: Chế biến đường; chế biến thủy sản; sản xuất rượu bia, nước giải khát; sản xuất công nghiệp (đóng tàu, sản xuất đồ gỗ, dệt nhuộm, giấy...); khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản; thu gom, xử lý chất thải (nước thải, chất thải rắn sinh hoạt, bùn thải, chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, chất thải y tế...); dịch vụ kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG); dịch vụ vận tải; dịch vụ du lịch; nuôi trồng thủy sản...
2.3. Đánh giá mức độ ảnh hưởng đến môi trường nếu xảy ra sự cố
2.3.1. Sự cố môi trường do yếu tố tự nhiên gây ra
Từ trước đến nay, Khánh Hòa là một trong những tỉnh ít bị ảnh hưởng nặng nề bởi các loại thiên tai như bão, lũ, lụt, động đất, sóng thần,... Tuy nhiên, trong những năm gần đây tình hình bão, lũ đã xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều và mức độ ảnh hưởng ngày càng khốc liệt, điển hình như đợt lũ lớn cuối năm 2016 và cơn bão số 12 lịch sử đổ bộ trực tiếp vào tháng 11 năm 2017.
Thiên tai xuất hiện dễ gây ra các thảm họa, sự cố về môi trường, phá vỡ nghiêm trọng hoạt động của một cộng đồng, gây ra những tổn thất về người, môi trường, vật chất trên diện rộng và vượt quá khả năng đối phó của cộng đồng, môi trường khó được khắc phục. Do đó, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh cần phải rà soát, điều chỉnh để có kế hoạch phòng ngừa, ứng phó với mọi sự cố môi trường có thể xảy ra khi có thiên tai ảnh hưởng.
2.3.2. Sự cố môi trường do con người gây ra
Các sự cố môi trường do con người gây ra tùy theo sự cố mà có thể gây ảnh hưởng, ô nhiễm, suy thoái môi trường trên diện rộng hoặc chỉ trong một khu vực nhất định. Thường chỉ xảy ra ở mức độ đơn lẻ, tác động cục bộ đối với một hoặc nhiều thành phần môi trường nhất định, diện tích tác động nhỏ, có khả năng gây nguy hại cho người sống hoặc làm việc trong khu vực. Sự cố môi trường loại này chủ yếu xảy ra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, vận tải… Đến nay, trên địa bàn tỉnh có các cơ sở sản xuất quy mô lớn nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp có nguy cơ gây ra sự cố môi trường, tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành, nghề như sau:
- Cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản (72 cơ sở);
- Cơ sở chế biến thủy sản (42 cơ sở);
- Cơ sở chế biến nông sản, sản xuất đường (6 cơ sở);
- Cơ sở đóng, sửa chữa tàu thủy (4 cơ sở);
- Sản xuất vật liệu xây dựng, gia công cơ khí, sản xuất nhôm (5 cơ sở);
- Cơ sở dệt may, sản xuất giấy (7 cơ sở);
- Cơ sở sản xuất bia, nước giải khát, nước uống đóng chai (9 cơ sở).
3. Đánh giá thực trạng công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường
3.1. Kết quả đạt được
Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, các quy định của pháp luật có liên quan, trong những năm qua Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa luôn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Tỉnh Khánh Hòa đã không chấp thuận các dự án đầu tư có nguy cơ tác động đến môi trường, hướng nền kinh tế phát triển xanh, bền vững, công tác bảo tồn đa dạng sinh học được chú trọng. Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng và thiết lập được mạng lưới quan trắc môi trường phủ rộng khắp trên địa bàn tỉnh, tổ chức quan trắc các yếu tố, thành phần môi trường thường xuyên, liên tục làm cơ sở quản lý công tác bảo vệ môi trường; đã thiết lập đường dây nóng cảnh báo sớm về thiên tai, lũ lụt, sự cố môi trường... Xây dựng và ban hành các quy chế, kế hoạch ứng phó thiên tai, sự cố hóa chất, sự cố tràn dầu...
Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện hoàn thiện hồ sơ môi trường; đầu tư công trình xử lý chất thải; thực hiện quan trắc môi trường. Một số cơ sở đã xây dựng phương án phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường, chuẩn bị trang thiết bị, hạ tầng ứng phó sự cố môi trường (hồ chứa dự phòng, trang thiết bị phục vụ ứng phó...). Hầu hết các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trước khi đi vào vận hành chính thức đều lập hồ sơ môi trường cũng như đầu tư các công trình bảo vệ môi trường.
3.2. Tồn tại, khó khăn
Đến nay, vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đặc biệt là cơ sở thuộc đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường sau khi được phê duyệt, đi vào vận hành nhưng chưa xây dựng phương án bảo vệ môi trường, kế hoạch ứng phó sự cố môi trường, xây dựng năng lực, công trình ứng phó với sự cố ô nhiễm môi trường. Ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của một số chủ đầu tư các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa cao; cố tình chây ì trong việc đầu tư khắc phục ô nhiễm môi trường hoặc chủ quan trong công tác điều hành dẫn đến xảy ra sự cố làm ảnh hưởng đến môi trường. Một số cơ sở không hoàn thiện hồ sơ pháp lý về môi trường, giấy phép xả thải, chuyển giao chất thải. Năng lực quan trắc, giám sát chất lượng môi trường đang còn thiếu (cả về con người và trang thiết bị) chưa đáp ứng với yêu cầu công tác bảo vệ môi trường nhất là công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường biển. Hệ thống trạm quan trắc tự động liên tục trên địa bàn tỉnh chưa có điều kiện, nguồn lực để đầu tư nên chưa đáp ứng yêu cầu của công tác giám sát chất lượng môi trường của các cơ quan quản lý.
IV. Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường
1. Phòng ngừa sự cố môi trường
1.1. Phòng ngừa sự cố môi trường do yếu tố tự nhiên
Căn cứ vào đặc điểm điều kiện địa lý, tự nhiên, địa hình của từng khu vực, các đơn vị xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do thiên tai gồm: Phòng ngừa lũ lụt, phòng ngừa sạt lở, quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản phù hợp; khuyến khích sản xuất sạch hơn, giảm thiểu chất thải.
Xây dựng hệ thống thông tin, cảnh báo thiên tai, tổ chức lực lượng tại chỗ kịp thời nhanh chóng triển khai thực hiện ứng phó sự cố...
1.2. Phòng ngừa sự cố môi trường do con người
Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phương tiện vận tải có nguy cơ gây ra sự cố môi trường phải thực hiện như sau:
- Hoàn thiện hồ sơ pháp lý về môi trường (phải được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án bảo vệ môi trường đơn giản, kế hoạch bảo vệ môi trường...).
- Lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường riêng hoặc lồng ghép vào phương án bảo vệ môi trường. Đối với chủ cơ sở kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh doanh dịch vụ tập trung có ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường phải lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường riêng.
- Gửi kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cho chính quyền địa phương nơi thực hiện dự án và cơ quan quản lý khu công nghiệp, cụm công nghiệp (đối với cơ sở nằm trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp).
- Phải bảo đảm đầy đủ nguồn nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố phù hợp với điều kiện cụ thể của cơ sở mình và tiến hành bảo dưỡng định kỳ, bổ sung và thay thế các thiết bị, phương tiện, cơ sở hạ tầng để đảm bảo khả năng sử dụng tốt trong mọi tình huống.
- Cần tổ chức đào tạo, tập huấn về các nội dung trong kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường tới cán bộ, người lao động trong cơ sở và tổ chức diễn tập theo kế hoạch ít nhất 01 lần/năm.
- Công khai thông tin về rủi ro gây sự cố trong quá trình hoạt động tới cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương và các cơ sở sản xuất khác trong khu vực để phối hợp trong quá trình phòng ngừa và ứng phó sự cố.
- Thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng biện pháp an toàn theo quy định của pháp luật.
- Có biện pháp loại trừ nguyên nhân gây ra sự cố môi trường khi phát hiện có dấu hiệu sự cố môi trường.
- Thông báo kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cho chính quyền địa phương nơi thực hiện dự án và cơ quan quản lý khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng (đối với cơ sở nằm trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp).
2. Ứng phó sự cố môi trường
2.1. Trách nhiệm ứng phó sự cố môi trường
- Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; tổ chức cứu người, tài sản và kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường nơi xảy ra sự cố.
- Sự cố môi trường xảy ra ở cơ sở, địa phương nào thì người đứng đầu cơ sở, địa phương đó có trách nhiệm huy động khẩn cấp nhân lực, vật lực và phương tiện để kịp thời ứng phó sự cố.
- Sự cố môi trường xảy ra trong phạm vi nhiều cơ sở, địa phương thì người đứng đầu cơ sở, địa phương nơi có sự cố có trách nhiệm phối hợp ứng phó.
- Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó sự cố của cơ sở, địa phương thì người đứng đầu phải khẩn cấp báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp để kịp thời huy động các cơ sở, địa phương khác tham gia ứng phó sự cố môi trường; cơ sở, địa phương được yêu cầu huy động phải thực hiện biện pháp ứng phó sự cố môi trường trong phạm vi khả năng của mình.
- Cơ quan quản lý môi trường các cấp khi tiếp nhận và xác nhận thông tin về sự cố môi trường, cử đoàn công tác xuống ngay hiện trường, làm công tác tham mưu, tư vấn về chuyên môn để giảm thiểu các thiệt hại về môi trường do sự cố gây ra (nếu cơ sở ở xa thì có thể nắm bắt thông tin và tham mưu, tư vấn qua điện thoại với người chỉ huy trực tiếp tại cơ sở nơi xảy ra sự cố).
- Trong mọi trường hợp sự cố thì người chỉ huy cao nhất là người chịu trách nhiệm trong mọi hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và xử lý sự cố tại hiện trường và điều động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị của các đơn vị, cá nhân hiện có trên địa bàn tham gia ứng cứu.
- Các tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó sự cố cần phải hiểu rõ vai trò, chức năng, quyền hạn và trách nhiệm tương ứng được quy định trong Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường; chấp thuận sự điều động của tổ chức ứng phó cấp trên hoặc tổ chức ứng phó khác được ủy quyền theo quy định để đảm bảo hiệu quả của hoạt động phòng ngừa, ứng phó sự cố.
- Lực lượng ứng phó sự cố môi trường ban đầu bao gồm Ban Chỉ huy, công an, phòng cháy chữa cháy, y tế, đội ứng phó chuyên trách (nếu có), quân đội, lực lượng ứng phó của cơ sở có trách nhiệm phòng ngừa, ứng phó và khắc phục, theo quy định trong kế hoạch ứng phó sự cố các cấp.
Việc ứng phó sự cố môi trường đặc biệt nghiêm trọng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.
Nhân lực, vật tư, phương tiện sử dụng để ứng phó sự cố môi trường được bồi hoàn và thanh toán chi phí theo quy định của pháp luật.
3. Xây dựng năng lực ứng phó
3.1. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ
Chủ đầu tư các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc diện phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường phải đầu tư xây dựng hạ tầng, mua sắm thiết bị phương tiện phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất, kinh doanh của đơn vị để đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường và ứng phó với các sự cố có thể xảy ra trong quá trình hoạt động. Trong đó cần quan tâm đến ứng phó với những tác động nguy hại đối với sức khỏe của con người (trong và ngoài) cơ sở.
3.2. Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh
Ủy ban nhân dân tỉnh giao các cơ quan chuyên môn xây dựng năng lực ứng phó sự cố môi trường và hệ thống thiết bị cảnh báo: Nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo, hoàn thiện mạng lưới quan trắc; tăng cường năng lực cho đội ngũ quan trắc viên; đội ngũ quản lý, trang thiết bị quan trắc hiện trường; tăng cường kiểm tra, giám sát hiện trường, cơ sở, phương tiện.
Ủy ban nhân dân tỉnh cho vay vốn ưu đãi từ Quỹ bảo vệ môi trường để doanh nghiệp mua sắm thiết bị, phương tiện phục vụ ứng phó sự cố môi trường; đồng thời, khuyến khích xã hội hóa đầu tư công trình bảo vệ môi trường, tham gia dịch vụ công ích để thực hiện ứng phó sự cố môi trường, khắc phục, hạn chế ô nhiễm.
Ngoài các quy định tại Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Kế hoạch số 4279/KH-UBND ngày 23 tháng 5 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa triển khai thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện một số nội dung cụ thể sau đây trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.
1. Trách nhiệm của các sở ngành, địa phương
1.1. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Là cơ quan đầu mối giúp Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn, giám sát việc triển khai Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn toàn tỉnh.
- Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường.
- Tổ chức điều tra, quản lý các nguồn thải, đánh giá mức độ ô nhiễm và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải để quản lý, giám sát theo quy định.
- Tổ chức quan trắc đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường khi có sự cố xảy ra trên địa bàn tỉnh.
- Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây sự cố môi trường, không xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật.
1.2. Sở Y tế
- Lập, phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường đối với ngành y tế trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở thực hiện.
- Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực y tế có nguy cơ xảy ra sự cố phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó với các sự cố môi trường.
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân không lập Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo lĩnh vực ngành quản lý.
1.3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Lập Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với lĩnh vực quản lý, đặc biệt lưu ý đối với sự cố môi trường do vận chuyển, sử dụng các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất thủy sản, cháy rừng...
- Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cơ sở trong lĩnh vực quản lý xây dựng kế hoạch phù hợp để đảm bảo an toàn, vệ sinh, môi trường.
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực quản lý không lập Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.
1.4. Sở Công thương
- Lập Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường (trừ sự cố hóa chất đã có kế hoạch riêng) do cháy nổ, khai thác chế biến khoáng sản, truyền tải điện, kinh doanh khí hóa lỏng,...
- Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cơ sở trong lĩnh vực quản lý xây dựng kế hoạch phù hợp để đảm bảo an toàn, vệ sinh, môi trường.
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân không lập kế hoạch theo lĩnh vực ngành.
1.5. Sở Giao thông vận tải
- Lập Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong lĩnh vực ngành quản lý, đặc biệt lưu ý đối với lĩnh vực vận tải hàng hóa nguy hiểm...
- Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực ngành quản lý thực hiện xây dựng kế hoạch phù hợp để đảm bảo an toàn, vệ sinh, môi trường.
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan thanh tra, kiểm tra để xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân không lập Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo lĩnh vực ngành quản lý.
1.6. Sở Xây dựng
- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các công trình xây dựng cao tầng, công trình ngầm, trên sông, trên biển và cơ sở xử lý chất thải phải lập Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân không lập Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố.
1.7. Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong
- Hướng dẫn, tuyên truyền các tổ chức, cá nhân trong khu kinh tế xây dựng và triển khai kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định.
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân không xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường.
1.8. Cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy
Tăng cường kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để hạn chế sự cố cháy nổ gây ra sự cố môi trường ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản nhân dân.
1.9. Sở Thông tin và Truyền thông
- Hướng dẫn cơ quan báo chí của tỉnh, Cổng thông tin điện tử, Đài Truyền thanh - Truyền hình tuyên truyền, phổ biến các quy định về đăng ký sản xuất kinh doanh, thuộc đối tượng phải lập kế hoạch, nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong nhân dân.
- Tăng cường công tác quản lý đối với sự cố môi trường có thể xảy ra đối với công trình thuộc trách nhiệm quản lý.
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.
1.10. Công an tỉnh
- Chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát Phòng chống về tội phạm môi trường đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây xảy ra sự cố môi trường.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, vận tải có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường nhưng không lập Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.
1.11. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Tuyên truyền, phổ biến Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
- Lập, phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn địa phương để làm căn cứ chỉ đạo thực hiện.
- Chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân không xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn.
- Phối hợp các cơ quan có liên quan rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch các khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, công trình công ích có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường trên địa bàn.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã lập, phê duyệt thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn địa phương.
2. Nguồn lực phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường
2.1. Kinh phí
Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí ngân sách nhà nước để triển khai Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh, đảm bảo sẵn sàng phòng ngừa và ứng phó các sự cố do tự nhiên và con người gây ra; đồng thời kêu gọi các hình thức xã hội hóa để tăng cường nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường và phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; khuyến khích các tổ chức, cá nhân triển khai sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường, hướng tới phát triển bền vững để hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố môi trường.
2.2. Nhân lực
- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, vận tải có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường phải bố trí nhân lực sẵn sàng phòng ngừa, ứng phó sự cố trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
- Các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, bộ phận tham mưu bố trí nguồn nhân lực để phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó với các sự cố có nguy cơ xảy ra trên địa bàn.
3. Chế độ thông tin và báo cáo
3.1. Chế độ thông tin:
Khi xảy ra sự cố môi trường, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phương tiện vận tải phải ngừng ngay mọi hoạt động gây ô nhiễm môi trường, thực hiện các biện pháp để hạn chế mức độ thiệt hại và báo cáo cho chính quyền địa phương (nơi xảy ra sự cố) để kịp thời hỗ trợ ứng phó; đồng thời báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có thẩm quyền để hướng dẫn ứng phó, khắc phục và giải quyết các vấn đề phát sinh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
3.2. Chế độ báo cáo:
- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ báo cáo lồng ghép việc thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường vào báo cáo giám sát môi trường định kỳ hàng quý, năm hoặc đột xuất (nếu có).
- Các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo lồng ghép việc thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong lĩnh vực quản lý và địa phương vào báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm theo Thông tư số 19/2016/TT-BTNMT ngày 24 tháng 8 năm 2016.
- Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp việc thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường hàng năm trên địa bàn tỉnh, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường, lồng ghép vào báo cáo công tác bảo vệ môi trường hàng năm theo Thông tư số 19/2016/TT-BTNMT ngày 24 tháng 8 năm 2016.
4. Tổ chức thực hiện
Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh. Định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tổ chức thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố trong lĩnh vực ngành quản lý và trên địa bàn địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh; trong quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn, vướng mắc báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, giải quyết (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường)./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.