ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1053/QĐ-UBND |
Sơn La, ngày 15 tháng 6 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH XÂY DỰNG, DUY TRÌ CƠ SỞ, VÙNG AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT NĂM 2024 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Thú y ngày 19/6/2015; Luật Chăn nuôi ngày 19/11/2018;
Căn cứ Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y;
Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 172/QĐ-TTg ngày 13/02/2019 về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia phòng chống bệnh Cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025”; số 972/QĐ-TTg ngày 07/7/2020 về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi giai đoạn 2020-2025”; số 1632/QĐ-TTg ngày 22/10/2020 về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia phòng chống bệnh Lở mồm long móng, giai đoạn 2021 - 2025”; số 1814/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia phòng chống bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò giai đoạn 2022-2030”; số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia phòng chống bệnh Dại giai đoạn 2022-2030”;
Căn cứ Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 272/TTr-SNN ngày 14/6/2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Kế hoạch xây dựng, duy trì cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật năm 2024 trên địa bàn tỉnh Sơn La (có Kế hoạch chi tiết kèm theo).
Điều 2. Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện Kế hoạch này đảm bảo tiến độ.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Kế hoạch và đầu tư; Giám đốc kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
KẾ HOẠCH
XÂY DỰNG, DUY TRÌ CƠ SỞ, VÙNG AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT NĂM
2024 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA
(Kèm theo Quyết định số 1053/QĐ-UBND, ngày 15/6/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh)
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Chủ động triển khai đồng bộ có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm (GSGC), giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận cơ sở chăn nuôi, phát hiện sớm, xử lý kịp thời, ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập, lây lan diện rộng trên địa bàn tỉnh, giảm số ổ dịch góp phần giảm thiệt hại kinh tế; hạn chế sự lây nhiễm dịch bệnh từ gia súc, gia cầm sang người, giảm số người chết do lây nhiễm dịch từ gia súc, gia cầm.
- Tổ chức triển khai đầy đủ, kịp thời các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT về công tác phòng, chống dịch bệnh, xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật.
- Bảo vệ đàn gia súc, gia cầm và ổn định phát triển sản xuất chăn nuôi của tỉnh. Tạo điều kiện để người chăn nuôi an tâm đầu tư phát triển chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, bảo vệ các cơ sở, vùng an toàn dịch bênh (ATDB) động vật, tạo ra vùng nguyên liệu cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, tăng thu nhập cho người chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Duy trì các cơ sở chăn nuôi đã được cấp Giấy chứng nhận ATDB
- Đối với bệnh Cúm gia cầm và Niu cát xơn: Duy trì 02 cơ sở ATDB tại xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn và xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu.
- Đối với bệnh Lở mồm long móng (LMLM) gia súc và Dịch tả lợn cổ điển: Duy trì 22 cơ sở (13 cơ sở chăn nuôi lợn ATDB tại các huyện Mai Sơn, Mường La, Yên Châu, Mộc Châu, Bắc Yên, Vân Hồ; 09 cơ sở chăn nuôi bò sữa tại huyện Mộc Châu).
(có danh sách các cơ sở chăn nuôi ATDB đã được công nhận trên địa bàn tỉnh kèm theo)
b) Xây dựng cơ sở, vùng ATDB được cấp có thẩm quyền đánh giá, công nhận trong năm 2024
- 01 vùng ATDB động vật đối với bệnh LMLM trâu, bò tại 01 đơn vị cấp xã thuộc huyện Mộc Châu, 01 vùng ATDB động vật đối với bệnh Dại động vật ở 01 phường thuộc thành phố Sơn La.
- 03 cơ sở, trang trại chăn nuôi tập trung được chứng nhận ATDB động vật đối với bệnh đăng ký ATDB.
c) Xây dựng kế hoạch đối với cơ sở, vùng ATDB để tiến tới được công nhận trong năm 2025
- 02 vùng ATDB cấp xã đối với bệnh LMLM trâu, bò trên địa bàn tỉnh.
- 02 vùng ATDB cấp xã đối với bệnh Dại động vật.
II. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Công tác chỉ đạo, điều hành
- Tổ chức triển khai đầy đủ, kịp thời các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật và quy định xây dựng cơ sở, vùng ATDB động vật.
- Triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung đã được UBND tỉnh phê duyệt về phòng chống bệnh Dại ở động vật và phòng chống dịch bệnh động vật năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo xây dựng, ban hành kế hoạch hoạt động cụ thể để thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và xây dựng cơ sở, vùng ATDB. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện công tác quản lý chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật; định kỳ hoặc đột xuất tổ chức họp đánh giá, chỉ ra tồn tại, đề xuất các giải pháp, tham mưu các chủ trương chỉ đạo kịp thời trong thời gian tới.
2. Tuyên truyền hội thảo hướng dẫn xây dựng cơ sở, vùng ATDB
- Thông qua các buổi họp tổ, bản, trên các phương tiện thông tin (loa, đài) tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của xây dựng cơ sở, vùng ATDB.
- Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh xây dựng chuyên mục, đưa tin, bài tuyên truyền phát trên sóng truyền thanh, truyền hình tỉnh.
- Nội dung tuyên truyền: Tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh trong cộng đồng dân cư; trọng tâm tuyên truyền trước mỗi đợt tiêm phòng (tháng 3 - 4 và tháng 9 -10 hàng năm) nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về sự nguy hiểm của dịch bệnh, hiệu quả của việc tiêm phòng vắc xin; để người dân chủ động chấp hành việc tiêm phòng và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Ở những vùng không được nhà nước hỗ trợ chủ nuôi phải chi trả tiền vắc xin và công tiêm phòng …
3. Duy trì điều kiện của cơ sở, vùng sau khi được cấp Giấy chứng nhận ATDB động vật
- Duy trì điều kiện đối với cơ sở, vùng ATDB theo quy định tại Điều 21 và Điều 34 của Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật (Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT).
- Đối với các cơ sở chăn nuôi đã được cấp giấy chứng nhận ATDB động vật được Cơ quan Thú y các cấp công nhận ATDB (còn hiệu lực), trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày 15/02/2023, cần phải bổ sung: Kế hoạch an toàn sinh học, kế hoạch giám sát dịch bệnh, kế hoạch ứng phó dịch bệnh theo quy định tại Điều 5, 6 và Điều 8 của Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT.
4. Xây dựng các cơ sở, vùng ATDB để được cấp Giấy chứng nhận
- Thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh động vật đáp ứng các quy định tương ứng của pháp luật về thú y, chăn nuôi hoặc thủy sản và hướng dẫn của Cơ quan Thú y.
- Có kế hoạch và tổ chức thực hiện an toàn sinh học, giám sát dịch bệnh, ứng phó dịch bệnh và quản lý thông tin, dữ liệu, hệ thống truy xuất nguồn gốc theo quy định tại Điều 5, 6, 8 và 12 của Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT.
- Không để xảy ra dịch bệnh động vật theo quy định tại Điều 11 của Thông tư số 24/2022/TT-BNTPTNT.
- Hoạt động thú y tại cơ sở, vùng bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh và thực hiện theo quy định tại các Điều 14, 15, 19, 20, 25, 27, 28 và Điều 29 Luật Thú y; quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
5. Đăng ký xây dựng và thẩm định chứng nhận cơ sở, vùng ATDB
- Chủ cơ sở đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh nộp hồ sơ đến Cơ quan Thú y, hồ sơ đăng ký theo quy định tại Điều 13 của Thông tư số 24/2022/TT- BNNPTNT.
- UBND cấp xã (đối với vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật cấp xã, phường, thị trấn); UBND cấp huyện (đối với vùng đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh cấp huyện) chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức lập hồ sơ đăng ký công nhận vùng an toàn dịch bệnh, hồ sơ đăng ký theo quy định tại Điều 26 của Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT.
- Tổ chức thẩm định và cấp Giấy chứng nhận cơ sở, vùng ATDB động vật thực hiện theo quy định tại Điều 3 của Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT.
6. Tiêm phòng, lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra, đánh giá, thẩm định cơ sở, vùng ATDB
a) Duy trì cơ sở ATDB
- Xây dựng và thực hiện kế hoạch an toàn sinh học, kế hoạch giám sát dịch bệnh và kế hoạch ứng phó với dịch đối với dịch bệnh đã được cấp Giấy chứng nhận ATDB theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản.
- Chủ cơ sở chăn nuôi tự chi trả toàn bộ các chi phí tiêm phòng lấy mẫu, xét nghiệm.
b) Xây dựng cơ sở, vùng ATDB
- Đối với các cơ sở ATDB
Chủ cơ sở đăng ký xây dựng cơ sở ATDB động vật thực hiện việc tiêm phòng vắc xin, lấy mẫu theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản.
- Đối với vùng ATDB:
Trên cơ sở kết quả tiêm phòng vắc xin theo kế hoạch phòng, chống bệnh động vật hàng năm và kết quả giám sát sau tiêm phòng làm cơ sở đánh giá và cấp giấy chứng nhận ATDB.
Đối với bệnh LMLM trâu, bò lấy 122 mẫu (61 mẫu/vùng x 2 lần) để giám sát bảo hộ sau tiêm phòng bệnh để đánh giá chứng nhận vùng ATDB đối với bệnh LMLM, trong trường hợp kết quả giám sát sau tiêm phòng không đạt yêu cầu phải thực hiện việc tiêm phòng lại và tổ chức lấy 122 mẫu (61 mẫu/vùng x 2 lần) để đánh giá đáp ứng miễn dịch theo quy định (Thực hiện lấy mẫu giám sát 2 lần/12 tháng, mỗi lần cách nhau ít nhất 3 tháng đối với vùng lần đầu đăng ký công nhận).
Đối với bệnh Dại động vật: Lấy 122 mẫu (61 mẫu/vùng x 2 lần) để giám sát bảo hộ sau tiêm phòng bệnh Dại động vật làm cơ sở phục vụ cho công tác xây dựng vùng ATDB động vật cấp xã.
7. Lập kế hoạch đối với cơ sở, vùng xây dựng ATDB để tiến tới được chứng nhận vào năm 2025
Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã xây dựng, triển khai kế hoạch và chuẩn bị hồ sơ, thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận vùng ATDB để được chứng nhận vào năm 2025 gồm: vùng ATDB đối với bệnh LMLM trâu, bò; vùng ATDB đối với bệnh Dại động vật.
8. Cập nhật cơ sở dữ liệu về chăn nuôi, dịch bệnh, sản xuất chăn nuôi để thực hiện quản lý đàn vật nuôi
- Thống kê, khảo sát tình hình chăn nuôi GSGC, tình hình dịch bệnh và thực trạng hoạt động phòng chống dịch bệnh ở địa phương trên địa bàn toàn tỉnh (bao gồm cả cơ sở, vùng xây dựng ATDB và vùng đệm).
- Cập nhật cơ sở dữ liệu về: danh sách trang trại chăn nuôi (số liệu tổng đàn, số hộ chăn nuôi, quy mô, hình thức); cơ sở giết mổ (thông tin giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, loại động vật giết mổ, công suất, chủ hàng tham gia giết mổ); số liệu về dịch bệnh (loại vật nuôi, thời gian bắt đầu, ngày tiêu hủy cuối cùng, số hộ/cơ sở có dịch, số con mắc bệnh, số con chết, số con tiêu hủy, tổng đàn nguy cơ, kinh phí hỗ trợ).
- Thông tin về cơ sở, vùng ATDB trên địa bàn tỉnh trên cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT https://sonongnghiep.sonla.gov.vn/ và tích hợp vào hệ thống báo cáo dịch bệnh trực tuyến Vahis.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí cấp tỉnh
- Hỗ trợ kinh phí tổ chức triển khai lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm mẫu và các chi phí khác liên quan đến xây dựng cơ sở, vùng ATDB. Tổng kinh phí dự kiến 210.000.000 đồng gồm chi phí xét nghiệm mẫu 103.822.000 đồng, công lấy mẫu 5.856.000 đồng, vật tư lấy mẫu 11.270.000 đồng, chi tuyên truyền 30.000.000 đồng, chi chỉ đạo triển khai 59.052.000 đồng.
(chi tiết kinh phí có Phụ lục kèm theo)
- Kinh phí cấp tỉnh được bố trí trong kinh phí phòng chống dịch bệnh của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
2. Kinh phí cấp huyện, xã
UBND huyện sử dụng nguồn kinh phí của ngân sách cấp huyện để chi trả cho việc thực hiện công tác xây dựng và duy trì vùng ATDB trên địa bàn theo qui định, bao gồm: Quản lý đàn vật nuôi, kê khai chăn nuôi; tuyên truyền, tập huấn, tổ chức bắt chó thả rông; kiểm tra, quản lý giết mổ, buôn bán động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn và các chi phí khác liên quan.
3. Kinh phí người chăn nuôi
Đối với những vùng không được ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền vắc xin và tiền công tiêm phòng thì người dân có chăn nuôi gia súc phải tự chi trả.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và PTNT
- Chủ trì phối hợp cùng UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch.
- Trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc tiến trình thực hiện kế hoạch;
- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản:
+ Tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
+ Tổ chức thẩm định, kiểm tra, đánh giá và cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Khoản 2, Điều 3 của Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT.
+ Thực hiện hướng dẫn, chỉ đạo của Cục Thú y, Chi cục Thú y vùng I trong quá trình kiểm tra, đánh giá và cấp, cấp lại Giấy chứng nhận trên địa bàn tỉnh.
+ Công bố công khai danh sách cơ sở, vùng ATDB động vật trên cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT, của Chi cục hoặc trụ sở của đơn vị.
+ Tổ chức quản lý và xây dựng kế hoạch đánh giá định kỳ các cơ sở, vùng đã được công nhận ATDB. Tổ chức kiểm tra, đánh giá đột xuất theo thẩm quyền khi phát hiện cơ sở, vùng ATDB có nguy cơ phát sinh, làm lây lan dịch bệnh.
+ Bảo mật và lưu giữ hồ sơ liên quan đến đăng ký, kiểm tra, đánh giá, thẩm định và công nhận cơ sở, vùng ATDB động vật.
+ Hướng dẫn, kiểm tra cơ sở, vùng ATDB theo thẩm quyền, bao gồm cả lấy mẫu giám sát dịch bệnh động vật tại các cơ sở, vùng do Chi cục cấp Giấy chứng nhận.
+ Tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về lấy mẫu, bảo quản mẫu cho các cơ sở, vùng có nhu cầu.
+ Báo cáo Cục Thú y, Chi cục Thú y vùng I những trường hợp vượt thẩm quyền xử lý hoặc chưa có quy định; danh sách cơ sở, vùng ATDB được cấp, cấp lại Giấy chứng nhận; danh sách cơ sở, vùng ATDB động vật có Giấy chứng nhận hết hiệu lực tại tỉnh; thông tin, số liệu về cơ sở, vùng ATDB.
+ Báo cáo kết quả thực hiện công tác duy trì, xây dựng cơ sở, vùng ATDB động vật trên địa bàn tỉnh về Sở Nông nghiệp và PTNT định kỳ 06 tháng, hằng năm (chậm nhất vào ngày 20 của tháng cuối kỳ báo cáo) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT theo quy định.
2. Sở Tài chính
Hàng năm, căn cứ nguồn kinh phí chi thường xuyên đã được UBND tỉnh phê duyệt, Sở Tài chính thực hiện thông báo kinh phí cho đơn vị theo đúng quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
3. Sở Thông tin và Truyền thông
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo Báo Sơn La, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thông tin tuyên truyền về tình hình và công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, khai báo dịch bệnh gia súc gia cầm; quyền lợi và ý nghĩa của việc xây dựng cơ sở, vùng ATDB động vật đến các tổ chức, cá nhân có liên quan và mọi người dân được biết.
4. Sở Y tế
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở phối hợp với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản trong phòng chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người (bệnh Cúm gia cầm, bệnh Dại động vật, …) để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
5. UBND các huyện, thành phố
- Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng cơ sở, vùng ATDB theo các nội dung kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt và theo hướng dẫn chuyên môn của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản; bố trí nguồn kinh phí để tổ chức xây dựng, duy trì vùng ATDB trên địa bàn.
- Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức triển khai các tiêu chí để xây dựng và duy trì các vùng ATDB động vật theo kế hoạch, nhằm đảm bảo đúng tiến độ, thời gian đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận, duy trì vùng ATDB theo mục tiêu kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.
- Báo cáo kết quả thực hiện, cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu vùng ATDB và công tác duy trì, xây dựng vùng ATDB động vật trên địa bàn về Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản) định kỳ 06 tháng, hằng năm (chậm nhất vào ngày 20 của tháng cuối kỳ báo cáo) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn:
+ Xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực triển khai các nội dung về xây dựng, duy trì vùng ATDB theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt và bố trí nguồn lực để thực hiện.
+ Tuyên truyền cho người dân biết về công tác phòng chống dịch bệnh; quyền lợi và ý nghĩa của việc xây dựng vùng ATDB.
+ Thực hiện các biện pháp nhằm đạt được các tiêu chí để cấp có thẩm quyền công nhận và duy trì vùng ATDB trên địa bàn quản lý theo hướng dẫn chuyên môn của Cơ quan Thú y.
+ Tổ chức quản lý tốt các hoạt động liên quan đến xây dựng, duy trì vùng ATDB trên địa bàn quản lý: Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật hàng năm, thực hiện tốt công tác quản lý vật nuôi, không để xảy ra dịch bệnh động vật, bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh động vật, tỷ lệ động vật bảo hộ sau tiêm phòng có đáp ứng miễn dịch đối với bệnh đăng ký công nhận an toàn phải đạt từ 70% trở lên, dự phòng các nguồn lực ứng phó dịch bệnh.
5. Chủ (đại diện) cơ sở xây dựng an toàn dịch bệnh
- Tổ chức thực hiện các nội dung duy trì cơ sở ATDB; các quy định an toàn sinh học, giám sát dịch bệnh, ứng phó dịch bệnh tại cơ sở ATDB.
- Thực hiện duy trì điều kiện đối với bệnh đã được cấp Giấy chứng nhận ATDB theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, bao gồm cả việc thực hiện lấy đủ số lượng mẫu với tần suất tối thiểu 01 (một) năm/lần.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thực hiện việc kiểm tra, giám sát tại cơ sở ATDB.
- Cung cấp, báo cáo đầy đủ thông tin, dữ liệu về cơ sở ATDB về Sở Nông nghiệp và PTNT ( qua Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản).
Yêu cầu các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.