ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/2023/QĐ-UBND |
Điện Biên, ngày 23 tháng 6 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN LÝ AN TOÀN ĐẬP, HỒ CHỨA THỦY ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước;
Căn cứ Thông tư số 09/2019/TT-BCT ngày 08 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quyết định này quy định việc phân công, phân cấp trong công tác quản lý nhà nước về an toàn đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
2. Đối tượng áp dụng: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến công tác quản lý nhà nước về an toàn đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Điều 2. Nguyên tắc phân công, phân cấp
1. Đảm bảo phân định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong công tác quản lý nhà nước về an toàn đập, hồ chứa thủy điện.
2. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện để thống nhất quản lý, kịp thời xử lý các sự cố xảy ra, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện.
Điều 3. Phân công quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện
1. Sở Công Thương:
a) Tuyên truyền, phổ biến và nghiên cứu, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh.
b) Rà soát, tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành danh mục đập, hồ chứa thủy điện thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh.
c) Kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư đối với các công trình đập, hồ chứa thủy điện thuộc thẩm quyền theo quy định về phân công, phân cấp quản lý chất lượng công trình xây dựng.
d) Tiếp nhận kê khai đăng ký an toàn đập, hồ chứa thủy điện; tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu về thông số kỹ thuật, thông tin quản lý các đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Công Thương.
đ) Tiếp nhận hồ sơ, chủ trì phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt: Phương án ứng phó với thiên tai cho công trình, vùng hạ du; Phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện; Phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh.
e) Tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép đối với các hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh.
g) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phương án tích nước và giải pháp bảo đảm an toàn đối với đập, hồ chứa thủy điện (trừ đập, hồ chứa thủy điện quan trọng đặc biệt và đập, hồ chứa thủy điện được xây dựng trên địa bàn 02 tỉnh trở lên).
h) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh.
i) Chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, phê duyệt bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập thủy điện.
k) Thực hiện các trách nhiệm quản lý nhà nước khác về an toàn đập, hồ chứa thủy điện theo quy định của pháp luật.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc chủ đập, hồ chứa thủy điện thực hiện quan trắc, cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn; giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.
b) Tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương án cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ đập thủy điện đối với đập có phạm vi bảo vệ trên địa bàn từ 02 huyện trở lên thuộc tỉnh.
c) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định, phê duyệt phương án cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ đập thủy điện thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp huyện.
d) Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
3. Các sở, ban, ngành, cơ quan chuyên môn có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan, đơn vị khác có liên quan thực hiện các nhiệm vụ quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện được phân công, phân cấp tại Quyết định này.
4. Ủy ban nhân dân cấp huyện:
a) Phân công cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về thủy điện cấp huyện tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt: Phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập thủy điện trong quá trình thi công; Phương án ứng phó tình huống khẩn cấp thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp huyện (đối với đập, hồ chứa nước và vùng hạ du đập thủy điện trên địa bàn từ 02 xã trở lên thuộc một huyện).
b) Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong phạm vi địa giới hành chính theo quy định phân cấp. Quyết định biện pháp xử lý khẩn cấp trong trường hợp xảy ra sự cố đập thủy điện, hồ chứa nước và kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Công Thương.
c) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã và các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện.
d) Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn quản lý.
5. Ủy ban nhân dân cấp xã
a) Tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, phê duyệt: Phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập thủy điện trong quá trình thi công; Phương án ứng phó tình huống khẩn cấp thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp xã (đối với đập, hồ chứa nước và vùng hạ du đập thủy điện trên địa bàn 01 xã).
b) Tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện.
c) Phối hợp với chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện tổ chức cắm mốc và quản lý mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn.
d) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn quản lý.
Điều 4. Phân cấp quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt Phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện đối với đập, hồ chứa thủy điện được xây dựng trên địa bàn 01 huyện (trừ các đập, hồ chứa thủy điện theo quy định tại Khoản 6, Điều 23 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước).
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt Phương án cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ đập thủy điện đối với đập có phạm vi bảo vệ trên địa bàn 01 huyện.
Điều 5. Tổ chức thực hiện
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã theo chức năng, nhiệm vụ chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn có liên quan thực hiện các nhiệm vụ được phân công, phân cấp.
3. Sở Công Thương chủ trì đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này; tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình, kết quả triển khai thực hiện; kịp thời xem xét, tổng hợp các tình huống phát sinh, khó khăn vướng mắc (nếu có); chủ động nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết những nội dung phát sinh theo thẩm quyền quy định.
4. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời báo cáo, đề xuất với Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Điều 6. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 7 năm 2023.
2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.