/BỘ
TƯ PHÁP |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/2008/QĐ-BTP |
Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2008 |
BAN HÀNH QUY TẮC NGHỀ NGHIỆP TRỢ GIÚP PHÁP LÝ
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ
Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 07/2007/NĐ-CP
ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý;
Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8
năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Bộ Tư pháp;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |
NGHỀ NGHIỆP TRỢ GIÚP PHÁP LÝ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 09 /2008/QĐ-BTP ngày 08 tháng
12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)
Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý quy định các chuẩn mực về hành vi, ứng xử, cách thức tổ chức công việc, các yêu cầu nghiệp vụ và trách nhiệm cụ thể của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý khi thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý.
1. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm:
a) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm;
b) Văn phòng luật sư, Công ty luật, Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là tổ chức đoàn thể xã hội) có đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.
2. Người thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm:
a) Trợ giúp viên pháp lý;
b) Cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm;
c) Luật sư, Tư vấn viên pháp luật của các tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.
1. Nâng cao trách nhiệm của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm công bằng xã hội và bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
2. Ngăn ngừa, hạn chế việc lợi dụng hoạt động trợ giúp pháp lý để trục lợi hoặc làm ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục của dân tộc, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.
3. Làm căn cứ để xác định trách nhiệm pháp lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý khi có hành vi vi phạm; là tiêu chí để cơ quan, tổ chức và nhân dân giám sát việc thi hành pháp luật về trợ giúp pháp lý.
CÁC QUY TẮC NGHỀ NGHIỆP TRỢ GIÚP PHÁP LÝ
Điều 4. Giữ gìn và không ngừng nâng cao uy tín nghề nghiệp
1. Người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm:
a) Luôn giữ gìn và không ngừng nâng cao uy tín nghề nghiệp trợ giúp pháp lý; tận tâm, hết lòng yêu nghề, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ vì sự nghiệp trợ giúp pháp lý; luôn rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của người thực hiện trợ giúp pháp lý;
b) Không ngừng rèn luyện phẩm chất chính trị, bản lĩnh và trách nhiệm nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp để có đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao;
c) Không lợi dụng hoạt động trợ giúp pháp lý để mưu lợi cá nhân, gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm:
a) Xây dựng, duy trì và phát huy uy tín nghề nghiệp của tổ chức mình để xứng đáng là địa chỉ tin cậy cho người được trợ giúp pháp lý tiếp cận và sử dụng;
b) Thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng nghề nghiệp, rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho người thực hiện trợ giúp pháp lý thuộc tổ chức mình;
c) Xây dựng, phát triển đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý phù hợp với hình thức, lĩnh vực trợ giúp pháp lý để có đủ nguồn lực đáp ứng nhu cầu.
Điều 5. Trung thực, khách quan
1. Người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm:
a) Trung thực, tôn trọng sự thật khách quan trong quá trình thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý;
b) Thu thập đầy đủ, toàn diện các thông tin cần thiết về vụ việc trợ giúp pháp lý và các tài liệu khác có liên quan. Trong các trường hợp cần thiết phải tiến hành xác minh tính chính xác, khách quan của thông tin do người được trợ giúp pháp lý cung cấp;
c) Kịp thời báo cáo tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý về những vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý để áp dụng các biện pháp cần thiết.
2. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm:
a) Sử dụng các biện pháp cần thiết để kịp thời hỗ trợ người thực hiện trợ giúp pháp lý trong việc thu thập đầy đủ các thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý;
b) Không can thiệp trái pháp luật vào quá trình thực hiện vụ việc của người thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc có hành vi khác làm ảnh hưởng đến tính khách quan của vụ việc trợ giúp pháp lý.
Điều 6. Tuân thủ và tôn trọng pháp luật
1. Người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm:
a) Thực hiện vụ việc được phân công theo đúng quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý và các văn bản pháp luật khác có liên quan, bảo đảm nội dung trợ giúp pháp lý phải đúng và phù hợp với pháp luật;
b) Giải thích, hướng dẫn và cung cấp thông tin pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho người được trợ giúp pháp lý nắm rõ về tình trạng pháp lý của vụ việc và thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật;
c) Thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo quy định khi giải quyết vụ việc và chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý về tính đúng đắn của nội dung trợ giúp pháp lý do mình thực hiện;
d) Trong trường hợp phải từ chối hoặc không được tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải báo cáo kịp thời và có trách nhiệm bàn giao đầy đủ các tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý;
đ) Trong trường hợp thực hiện vụ việc mà phát hiện hành vi vi phạm pháp luật có thể gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân thì báo cáo kịp thời với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định.
2. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm:
a) Thụ lý và phân công người thực hiện trợ giúp pháp lý kịp thời, theo đúng quy định của pháp luật;
b) Sử dụng các biện pháp cần thiết và tạo điều kiện thuận lợi cho người được trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật;
c) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về trợ giúp pháp lý.
Điều 7. Bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý
1. Người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm:
a) Tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, đặt lợi ích của người được trợ giúp pháp lý làm mục đích hoạt động của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý;
b) Sử dụng các biện pháp hợp pháp, kiến thức xã hội, hiểu biết pháp luật và kinh nghiệm nghề nghiệp để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý;
c) Bảo đảm thời gian, tiến độ thực hiện vụ việc; chủ động thực hiện vụ việc hoặc phối hợp với đồng nghiệp thực hiện vụ việc khi cần thiết;
d) Bảo đảm vụ việc do mình thực hiện đạt chất lượng theo quy định về tiêu chuẩn chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý;
đ) Trong trường hợp phải từ chối hoặc không được tiếp tục thực hiện vụ việc, nếu phát hiện có mâu thuẫn về quyền lợi hoặc có lý do khách quan thì phải thông báo cho người được trợ giúp pháp lý và phải báo cáo kịp thời cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để phân công người khác thực hiện.
2. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm:
a) Phân công người thực hiện trợ giúp pháp lý có đủ năng lực, trình độ phù hợp với tính chất của vụ việc để thực hiện trợ giúp pháp lý. Trong trường hợp phải thay thế người thực hiện trợ giúp pháp lý thì phải bảo đảm người thay thế có đủ khả năng đáp ứng các yêu cầu của vụ việc và người được trợ giúp pháp lý chấp nhận;
b) Trong trường hợp phải chuyển vụ việc cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác thì phải thông báo ngay cho người được trợ giúp pháp lý và chỉ chuyển khi có khả năng bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.
Điều 8. Bảo đảm bí mật thông tin về vụ việc trợ giúp pháp lý
1. Người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm:
a) Giữ bí mật đối với các thông tin về vụ việc trợ giúp pháp lý mà mình biết được từ quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý;
b) Không sử dụng các thông tin có được để trục lợi hoặc cung cấp cho người khác để gây bất lợi cho người được trợ giúp pháp lý;
c) Thông tin, bí mật về vụ việc trợ giúp pháp lý chỉ được tiết lộ khi được sự đồng ý bằng văn bản của người được trợ giúp pháp lý hoặc trong những trường hợp pháp luật quy định.
2. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm:
a) Sử dụng các biện pháp hợp pháp trong quá trình thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý và lưu trữ hồ sơ, tài liệu để giữ bí mật thông tin về vụ việc trợ giúp pháp lý;
b) Kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp để lộ bí mật thông tin theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Tác phong, thái độ và hành vi ứng xử đúng mực
1. Người thực hiện trợ giúp pháp lý phải có tác phong, thái độ và hành vi ứng xử như sau:
a) Lịch sự, thân thiện, cảm thông, thận trọng, lắng nghe, chia sẻ, luôn tôn trọng ý kiến của người được trợ giúp pháp lý và những người khác có liên quan trong quá trình thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý;
b) Sử dụng ngôn từ dễ hiểu, đơn giản, ngắn gọn phù hợp với đặc điểm tâm lý, độ tuổi, phong tục dân tộc của người được trợ giúp pháp lý. Ngôn ngữ giao tiếp phải rõ ràng, mạch lạc, không nói tiếng lóng, hách dịch hoặc có các hành vi coi thường đối với người được trợ giúp pháp lý;
c) Khi làm việc với người được trợ giúp pháp lý và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải bảo đảm tính minh bạch, công khai, rõ ràng để họ có thể kiểm tra, giám sát việc thực hiện trợ giúp pháp lý.
2. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm xây dựng môi trường làm việc thuận lợi để người thực hiện trợ giúp pháp lý có điều kiện bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ, rèn luyện tác phong, thái độ và hành vi ứng xử phù hợp; kịp thời uốn nắn tác phong, thái độ, hành vi ứng xử lệch lạc của người thực hiện trợ giúp pháp lý.
Điều 10. Không phân biệt đối xử
Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý không được thành kiến, thiên vị hoặc có bất kỳ biểu hiện, hành vi phân biệt đối xử với người được trợ giúp pháp lý vì bất kỳ lý do về dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, trình độ học vấn, địa vị xã hội, giới tính, độ tuổi, thể chất hoặc vụ việc trợ giúp pháp lý.
Điều 11. Tôn trọng, hợp tác và giúp đỡ đồng nghiệp
1. Người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm:
a) Trung thực, chân thành, đoàn kết, nêu cao tinh thần hợp tác chia sẻ kinh nghiệm, sẵn sàng giúp đỡ, phối hợp khi thực thi nhiệm vụ được giao; có ý thức tự phê bình và phê bình để nâng cao chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý;
b) Tôn trọng và bảo vệ danh dự của đồng nghiệp như bảo vệ danh dự của cá nhân mình.
2. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm tạo môi trường làm việc công khai, dân chủ, đoàn kết, tạo thuận lợi để người thực hiện trợ giúp pháp lý có điều kiện hỗ trợ, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau trong phối hợp giải quyết vụ việc và nâng cao năng lực nghề nghiệp.
1. Khi tham gia tố tụng, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về tố tụng, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan tiến hành tố tụng; phối hợp chặt chẽ với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ việc góp phần bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
2. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm tạo lập, duy trì và phát triển mối quan hệ phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, tạo điều kiện để hoạt động tham gia tố tụng của người thực hiện trợ giúp pháp lý thực sự có chất lượng và đúng quy định của pháp luật.
Điều 13. Cộng tác, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thông tin đại chúng
1. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm cộng tác, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thông tin đại chúng để thông tin về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện để các cơ quan này hỗ trợ việc thông tin, giải quyết kịp thời và đúng pháp luật các vụ việc trợ giúp pháp lý.
2. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý chỉ được cung cấp thông tin, tài liệu về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cho các cơ quan thông tin đại chúng khi có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền và sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Cộng tác, hỗ trợ chính quyền cơ sở
1. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm cộng tác, hỗ trợ chính quyền cơ sở trong việc giải quyết các vướng mắc pháp luật của nhân dân; tạo diễn đàn đối thoại công khai giữa chính quyền với nhân dân để thực hiện trợ giúp pháp lý, khắc phục các bất cập trong hoạt động công vụ, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội ở địa phương.
2. Trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương, người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm cung cấp cho chính quyền địa phương những vấn đề phát hiện về lỗi của cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ; chủ động đề xuất các phương án giải quyết vụ việc liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền cơ sở.
3. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm xây dựng kế hoạch làm việc tại cơ sở bảo đảm thuận lợi và không gây phiền hà cho cơ sở; kịp thời kiến nghị chính quyền cấp trên về những sai phạm trong thi hành pháp luật.
Điều 15. Phối hợp, cộng tác với các cơ quan, tổ chức, cá nhân
1. Khi thực hiện trợ giúp pháp lý và trong quan hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải tôn trọng, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, nội quy, quy chế làm việc của các cơ quan, tổ chức đó; sẵn sàng cộng tác, phối hợp giải quyết công việc trên cơ sở tôn trọng quyền và nghĩa vụ do pháp luật quy định. Trong trường hợp phát hiện sai sót, vướng mắc, bất cập phải kịp thời phản ánh, đề xuất với tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định.
2. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm sử dụng các biện pháp hợp pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện trợ giúp pháp lý trong phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện kịp thời và có chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.
CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM THỰC HIỆN
Điều 16. Những việc không được làm
1. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý không được thực hiện những hành vi bị cấm quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Trợ giúp pháp lý và không được làm những việc sau đây:
a) Móc nối, lôi kéo, xúi giục những người ở các cơ quan, tổ chức có liên quan làm trái quy định của pháp luật có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý;
b) Cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ mà biết rõ là không xác thực làm ảnh hưởng đến thời gian, chất lượng giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý;
c) Có hành vi trái pháp luật làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc kéo dài thời gian, gây cản trở cho việc giải quyết vụ việc.
2. Ngoài các việc không được làm quy định tại khoản 1 Điều này, người thực hiện trợ giúp pháp lý còn không được làm những việc sau đây:
a) Sách nhiễu, chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà cho người được trợ giúp pháp lý; hứa hẹn trước về kết quả giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý hoặc thực hiện các hành vi tác động đến lòng tin của người được trợ giúp pháp lý làm ảnh hưởng đến yêu cầu và chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý;
b) Thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho hai người được trợ giúp pháp lý trở lên có quyền lợi đối lập nhau trong cùng một vụ việc;
c) Có hành vi xúc phạm, hạ thấp danh dự, uy tín của đồng nghiệp hoặc gây áp lực, đe doạ hoặc sử dụng thủ đoạn đối với đồng nghiệp làm ảnh hưởng đến chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý;
d) Cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý của đồng nghiệp; lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động trái pháp luật đến người thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý hoặc kéo dài thời gian thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý;
đ) Làm lộ thông tin bí mật vụ việc của đồng nghiệp;
e) Tránh né việc khó, đùn đẩy công việc thuộc trách nhiệm giải quyết của mình cho đồng nghiệp gây ảnh hưởng đến chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.
3. Ngoài các việc không được làm quy định tại khoản 1 và 2 Điều này, Trợ giúp viên pháp lý không được làm các việc theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Điều 17. Trách nhiệm tuân thủ quy tắc
Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm tuân thủ quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý. Trong trường hợp người thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có hành vi vi phạm nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 18. Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy tắc
1. Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý trong phạm vi chức năng nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc bồi dưỡng, hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi việc tuân thủ quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý trong phạm vi toàn quốc.
2. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn, quản lý và chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; tổ chức chủ quản của tổ chức tư vấn pháp luật, tổ chức hành nghề luật sư và các đơn vị trực thuộc trong việc đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý và giám sát thực hiện quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý.
3. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy tắc nghề nghiệp của Trợ giúp viên pháp lý, Cộng tác viên thuộc quyền quản lý của mình; tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật có trách nhiệm giám sát việc thực hiện quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý đối với người thực hiện trợ giúp pháp lý làm việc tại tổ chức mình khi thực hiện trợ giúp pháp lý.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.