ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2024/QĐ-UBND |
Quảng Bình, ngày 10 tháng 5 năm 2024 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, CHĂM SÓC CÔNG TRÌNH GHI CÔNG LIỆT SĨ, MỘ LIỆT SĨ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;
Căn cứ Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 136/TTr-SLĐTBXH ngày 20 tháng 3 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý, chăm sóc công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 5 năm 2024. Quyết định số 3609/QĐ-UBND ngày 12/12/2014 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc ban hành Quy chế quản lý, sử dụng các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
QUY CHẾ
QUẢN LÝ, CHĂM SÓC
CÔNG TRÌNH GHI CÔNG LIỆT SĨ, MỘ LIỆT SĨ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 08/2024/QĐ-UBND ngày 10 tháng 5 năm 2024
của UBND tỉnh Quảng Bình)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định việc quản lý, chăm sóc công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Những nội dung liên quan đến công tác quản lý, chăm sóc công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ chưa được quy định trong Quy chế này thì thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành.
2. Đối tượng áp dụng
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc quản lý và sử dụng các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Điều 2. Công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ
1. Công trình ghi công liệt sĩ là công trình lịch sử, văn hóa để tôn vinh, tri ân liệt sĩ và giáo dục truyền thống cách mạng; được xây dựng phù hợp với quy hoạch, phong tục, tập quán của từng địa phương, đảm bảo trang nghiêm, mỹ quan, bền vững.
Công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình thực hiện theo quy định tại Điều 41 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sau đây viết tắt là Nghị định số 131/2021/NĐ-CP).
2. Mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình thực hiện theo quy định tại Điều 42 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định số 131/2021/NĐ-CP .
Điều 3. Nguyên tắc quản lý
Công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình thực hiện theo quy định tại Điều 43 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Điều 151, Điều 152, Điều 153 và Điều 154 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP.
Chương II
QUY ĐỊNH QUẢN LÝ CÔNG TRÌNH GHI CÔNG LIỆT SĨ VÀ MỘ LIỆT SĨ
Điều 4. Phân cấp quản lý mộ liệt sĩ và công trình ghi công liệt sĩ
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý Nhà nước về công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và trực tiếp quản lý công trình Nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc (thuộc xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình).
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là UBND cấp huyện) quản lý công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn huyện (trừ nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc), trực tiếp quản lý công trình ghi công liệt sĩ thuộc cấp huyện. Riêng UBND thành phố Đồng Hới được giao thêm nhiệm vụ trực tiếp quản lý Đền thờ Bác Hồ và các Anh hùng liệt sĩ tỉnh Quảng Bình.
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện tham mưu UBND cấp huyện thực hiện công tác quản lý công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.
3. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (gọi chung là UBND cấp xã) trực tiếp quản lý công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn xã (trừ các công trình ghi công liệt sĩ thuộc cấp tỉnh và cấp huyện trực tiếp quản lý).
Công chức phụ trách lĩnh vực lao động, thương binh xã hội tham mưu UBND cấp xã thực hiện công tác quản lý công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
Điều 5. Nội dung quản lý công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ
1. Công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ phải được chăm sóc thường xuyên và sửa chữa, nâng cấp, tu bổ khi bị hư hỏng, xuống cấp
2. Cơ quan trực tiếp quản lý mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ
a) Xây dựng nội quy quản lý, thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ theo thẩm quyền được phân cấp quản lý và quy định của pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng.
b) Lập sơ đồ nghĩa trang liệt sĩ, vị trí mộ liệt sĩ, hồ sơ mộ liệt sĩ (bao gồm thông tin mộ, vị trí mộ, biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ và các giấy tờ có liên quan đến phần mộ); lập danh sách quản lý mộ trên địa bàn theo phân cấp quản lý (mộ trong nghĩa trang liệt sĩ theo mẫu số 84 và mộ an táng ngoài nghĩa trang liệt sĩ do gia đình quản lý theo mẫu số 85 phụ lục I Nghị định số 131/2021/NĐ-CP) để quản lý; kịp thời báo cáo cơ quan quản lý cấp trên theo quy định.
c) Quản lý, cập nhật sơ đồ nghĩa trang liệt sĩ, vị trí mộ, hồ sơ mộ liệt sĩ; cập nhật thông tin vào danh sách quản lý mộ và cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ khi có sự thay đổi về mộ liệt sĩ trong nghĩa trang liệt sĩ; đồng thời báo cáo cơ quan quản lý cấp trên theo quy định.
Đối với hài cốt liệt sĩ mới tiếp nhận: trong danh sách quản lý phải ghi rõ thông tin đơn vị quy tập hài cốt liệt sĩ hoặc người di chuyển hài cốt liệt sĩ và địa phương nơi quy tập hài cốt liệt sĩ hoặc nơi an táng hài cốt trước khi di chuyển; thời điểm tiếp nhận và các thông tin khác liên quan đến liệt sĩ;
Đối với hài cốt liệt sĩ đã di chuyển đi: trong danh sách quản lý phải ghi rõ thông tin người di chuyển hài cốt liệt sĩ và địa phương nơi an táng hài cốt sau khi di chuyển, thời điểm di chuyển và các thông tin khác liên quan đến liệt sĩ;
d) Tổ chức tiếp nhận, an táng hài cốt liệt sĩ do các cơ quan, đơn vị quy tập bàn giao, hài cốt liệt sĩ từ nghĩa trang liệt sĩ khác chuyển đến; thực hiện thủ tục di chuyển hài cốt liệt sĩ đang an táng tại nghĩa trang liệt sĩ theo nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ hoặc người thờ cúng liệt sĩ; đính chính thông tin trên bia mộ liệt sĩ theo đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng.
e) Quản lý, bảo vệ, chăm sóc mộ liệt sĩ, cây cảnh, hệ thống điện, nước và các hạng mục khác của nghĩa trang liệt sĩ bảo đảm xanh, sạch đẹp và trang nghiêm;
f) Phục vụ lễ viếng nghĩa trang liệt sĩ; Tổ chức đón tiếp, hướng dẫn thân nhân, gia đình liệt sĩ, các tổ chức và Nhân dân đến thăm viếng, dâng hương mộ liệt sĩ;
g) Lập kế hoạch và dự toán kinh phí xây dựng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. Huy động các nguồn lực hợp pháp để xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa mộ liệt sĩ và các hạng mục của nghĩa trang liệt sĩ.
3. Cơ quan trực tiếp quản lý Đền thờ liệt sĩ, Đài tưởng niệm liệt sĩ, Nhà bia ghi tên liệt sĩ
a) Xây dựng nội quy quản lý, thăm viếng theo thẩm quyền được phân cấp và quy định của pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng.
b) Quản lý, bảo vệ, chăm sóc các hạng mục của công trình theo đúng quy định, đảm bảo luôn sạch đẹp và trang nghiêm.
c) Phục vụ chu đáo lễ viếng, tưởng niệm; Đón tiếp, hướng dẫn thân nhân liệt sĩ, các tổ chức, cá nhân và Nhân dân đến thăm viếng, tưởng niệm theo quy định.
d) Xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, tôn tạo Đền thờ liệt sĩ, Đài tưởng niệm liệt sĩ, Nhà bia ghi tên liệt sĩ báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. Huy động các nguồn lực hợp pháp để xây dựng, cải tạo, nâng cấp các hạng mục công trình ghi công liệt sĩ.
4. Hình thức quản lý bảo vệ, chăm sóc thường xuyên công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ.
Căn cứ quy mô, tính chất của công trình ghi công liệt sĩ, đơn vị trực tiếp quản lý bố trí hoặc thuê người làm, hoặc giao nhiệm vụ cho tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý bảo vệ, chăm sóc thường xuyên công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ theo quy định của pháp luật ưu đãi người có công và các văn bản hướng dẫn khác liên quan.
Điều 6. Kinh phí thực hiện
Kinh phí thực hiện được cân đối, bố trí từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và nguồn vốn huy động hợp pháp khác để xây dựng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, quản lý các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Luật đầu tư công, Luật NSNN, phân cấp quản lý ngân sách hiện hành
Khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí để xây dựng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, quản lý công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ VÀ CÁC ĐƠN VỊ, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN LIÊN QUAN
Điều 7. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh.
2. Triển khai, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương;
3. Tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức giữ gìn, bảo quản các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh;
4. Lập kế hoạch kinh phí và tổng hợp hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ hàng năm, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.
5. Thẩm định, kiểm tra đề xuất UBND tỉnh phân bổ kinh phí do Trung ương hỗ trợ và nguồn kinh phí hợp pháp theo quy định hiện hành; thống nhất với Sở Tài chính trình UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ ngân sách địa phương đối ứng thực hiện nhiệm vụ chi xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, quản lý công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ theo quy định của pháp luật.
6. Bố trí quản trang để quản lý, bảo vệ, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ do đơn vị quản lý.
Điều 8. Trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị liên quan
1. Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh: Chủ trì phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức chăm sóc công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ; tổ chức thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch của UBND tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh về nguồn vốn xây dựng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh đối với các nhiệm vụ thuộc nhiệm vụ chi đầu tư phát triển cấp tỉnh khi cân đối được nguồn trên cơ sở lồng ghép với các chương trình, dự án và các nguồn hợp pháp khác theo quy định về phân cấp của Luật Ngân sách Nhà nước và quy định của Luật Đầu tư công.
3. Sở Tài chính: Hằng năm, căn cứ khả năng cân đối của ngân sách tỉnh, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí xây dựng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành, quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn liên quan.
4. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giáo dục và Đào tạo và các sở, ngành, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định trong Quy chế này chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND huyện, thị xã, thành phố trong việc quản lý mộ liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ.
5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thành viên, hội viên của tổ chức mình và các thế hệ trẻ chung tay chăm sóc, quản lý các công trình ghi công liệt sĩ, đảm bảo xanh, sạch, bền đẹp và trang nghiêm.
Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố
1. Triển khai và tổ chức thực hiện Quy chế này trên địa bàn huyện; thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện quy chế này ở địa phương;
2. Tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức giữ gìn, bảo quản các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ tại địa phương;
3. Tiếp nhận, tổ chức lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ do các đơn vị tìm kiếm, quy tập trong nước theo quy định; Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND cấp xã thực hiện các nội dung quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 153 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP và hướng dẫn tại Quy chế này.
4. Xây dựng nội quy, quy định về quản lý, chăm sóc, thăm viếng, di chuyển hài cốt liệt sĩ và các phần việc khác liên quan đối với các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ thuộc đơn vị quản lý theo quy định của Nhà nước và pháp luật ưu đãi người có công. Bố trí quản trang để quản lý, bảo vệ, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn theo quy định;
5. Lập kế hoạch kinh phí và hồ sơ xây dựng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, quản lý công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ thuộc cấp huyện quản lý gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp báo cáo cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, quyết định;
6. Bố trí ngân sách địa phương và huy động nguồn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn xây dựng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, quản lý các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn;
Điều 10. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn
1. Tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này tại địa phương, đồng thời ban hành nội quy quản lý, sử dụng công trình ghi công liệt sỹ ở địa phương.
2. Tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức giữ gìn, bảo quản, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ tại địa phương.
3. Thực hiện công tác quản lý, thăm viếng, an táng, di chuyển hài cốt liệt sĩ và các phần việc khác liên quan đối với công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ thuộc trách nhiệm quản lý theo quy định của Nhà nước và pháp luật ưu đãi người có công.
4. Lập kế hoạch, dự toán xây dựng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, quản lý các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ thuộc phạm vi quản lý, báo cáo cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định.
5. Vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp xây dựng, nâng cấp, tu bổ công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn;
6. Bố trí người làm công tác quản trang để quản lý, bảo vệ, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ do đơn vị quản lý.
Điều 11. Trách nhiệm của bộ phận quản lý nghĩa trang liệt sĩ, quản trang
1. Bộ phận quản lý nghĩa trang liệt sĩ, quản trang có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, chăm sóc công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ và các hạng mục của công trình đảm bảo luôn sạch đẹp và trang nghiêm.
2. Đón tiếp, hướng dẫn các tổ chức và Nhân dân đến dâng hương, tưởng niệm, thăm viếng mộ liệt sĩ, di chuyển hài cốt liệt sĩ theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công và nội quy, quy định của địa phương.
3. Kịp thời cập nhật và báo cáo cơ quan quản lý về những biến động, thay đổi trong các hạng mục của công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ theo quy định hiện hành.
Điều 12. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khác
1. Chấp hành nội quy, quy định của đơn vị quản lý công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ; Có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ và sự hướng dẫn của tổ chức, cá nhân được giao quản lý công trình ghi công liệt sĩ.
2. Không tự ý lắp đặt, cải tạo, di dời hoặc làm thay đổi hiện trạng, thiết kế, kết cấu, mỹ quan các phần mộ liệt sĩ và các hạng mục của công trình ghi công liệt sĩ; không tự ý làm thay đổi thông tin trên bia mộ liệt sĩ.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Điều khoản thi hành
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã phường thị trấn triển khai thực hiện Quy chế này.
2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật viện dẫn tại Quy chế này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo hướng dẫn của các văn bản đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.
3. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc, yêu cầu các cá nhân, cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh kịp thời bằng văn bản về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn hoặc tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.