ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2022/QĐ-UBND |
Điện Biên, ngày 04 tháng 4 năm 2022 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Nhà ở ngày 25 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Thông tư số 149/2020/TT-BCA ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Thông tư số 02/2021/TT-BXD ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Bộ Xây dựng về việc ban hành QCVN 06:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình;
Thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư;
Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2022.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
VỀ
AN TOÀN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY ĐỐI VỚI NHÀ Ở HỘ GIA ĐÌNH VÀ NHÀ Ở KẾT HỢP SẢN
XUẤT, KINH DOANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 08/2022/QĐ-UBND ngày 04 tháng 4 năm 2022 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Điện Biên)
Quy định này quy định trách nhiệm và nội dung nhằm bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
1. Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân trên địa bàn tỉnh Điện Biên có liên quan đến công tác phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
2. Quy định này không áp dụng đối với căn hộ trong chung cư; công trình dân dụng không phải nhà ở hộ gia đình; nhà ở đã chuyển đổi công năng không còn chức năng ở; các nhà, công trình, các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đã có quy định riêng về phòng cháy và chữa cháy.
1. Nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh là nhà ở hộ gia đình có sẵn (đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng), có cải tạo, sử dụng một phần nhà để làm nơi sản xuất, kinh doanh (cửa hàng buôn bán, dịch vụ văn phòng, nhà trọ, khách sạn, cơ sở sản xuất nhỏ và các dịch vụ khác) hoặc công trình phụ trợ phục vụ sản xuất, kinh doanh (kho tàng, thu mua phế liệu...)
2. Nhà hỗn hợp là nhà được thiết kế có công năng để ở và sản xuất, kinh doanh mà có phần diện tích sản xuất, kinh doanh chiếm từ 30% tổng diện tích sàn xây dựng của nhà (không bao gồm các diện tích sàn dùng cho hệ thống kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy và đỗ xe).
3. Chất dễ cháy, sự cháy âm ỉ
a) Chất dễ cháy là chất có thể bốc cháy, cháy âm ỉ hoặc cacbon hoá khi có tác động của nguồn gây cháy và có khả năng tiếp tục cháy kể cả khi không còn nguồn gây cháy;
b) Sự cháy âm ỉ là cháy không thành ngọn lửa của chất rắn hữu cơ, thường xảy ra khi không đủ ôxi và tạo khói.
4. Chất khó cháy là chất có thể bốc cháy, cháy âm ỉ hoặc cacbon hoá khi có tác động của nguồn gây cháy và không có khả năng tiếp tục cháy kể cả khi không còn nguồn gây cháy.
5. Chất không cháy là chất không bốc cháy, không cháy âm ỉ và không cacbon hoá khi có tác động của nguồn gây cháy.
6. LPG là từ viết tắt của Liquified Petrolium Gas: Khí dầu mỏ hoá lỏng (Gas).
7. Gian phòng sản xuất, kho chứa thuộc nhóm F5.1, F5.2 được quy định tại Bảng 6 QCVN 06:2021/BXD.
8. Hạng nguy hiểm cháy, nổ A, B của gian phòng được quy định tại Bảng C.1 Phụ lục C QCVN 06:2021/BXD.
1. Tuân thủ các quy định về điều kiện kinh doanh đối với từng ngành nghề sản xuất, kinh doanh tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
2. Bảo đảm thực hiện quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy theo hướng ổn định, phù hợp với quy hoạch từng ngành, lĩnh vực và phù hợp với quy hoạch xây dựng, phát triển của tỉnh.
3. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân ổn định trong hoạt động sản xuất, bảo đảm việc kinh doanh lâu dài và hạn chế đến mức thấp nhất việc gián đoạn sản xuất, kinh doanh của người dân.
Điều 5. Trách nhiệm của chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, cơ quan, tổ chức, cá nhân
1. Chủ hộ gia đình phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Phòng cháy và chữa cháy.
2. Chủ hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây:
a) Điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Ban hành nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
c) Có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nhà ở hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật, nội quy, quy định về phòng cháy và chữa cháy do chủ hộ gia đình ban hành; phân công người thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và duy trì các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy thuộc phạm vi quản lý.
4. Hộ gia đình được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật phòng cháy, chữa cháy và duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ.
Điều 6. An toàn phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở hộ gia đình
Chủ hộ gia đình phải bảo đảm và duy trì điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở hộ gia đình như sau:
1. Lắp đặt, sử dụng hệ thống, thiết bị điện trong nhà
a) Hệ thống điện được lắp đặt bảo đảm đủ công suất tiêu thụ của các thiết bị điện; có thiết bị bảo vệ, đóng ngắt chung cho hệ thống, từng tầng, từng nhánh và thiết bị tiêu thụ điện có công suất tiêu thụ lớn. Khi lắp đặt thêm các thiết bị tiêu thụ phải tính toán công suất của hệ thống điện để tránh quá tải; không câu móc dây dẫn điện cấp cho thiết bị; vị trí lắp đặt, bố trí thiết bị phải bảo đảm yêu cầu về an toàn phòng cháy và chữa cháy;
b) Dây dẫn điện đặt trong nhà phải bảo đảm yêu cầu về an toàn phòng cháy và chữa cháy (đặt trong ống gen, máng cáp, tại vị trí tiếp giáp với thiết bị, vật dụng dễ cháy, nổ phải ngăn cách bằng vật liệu không cháy...). Không sử dụng nhiều thiết bị tiêu thụ điện trong cùng 01 ổ cắm; trước khi ra khỏi nhà hoặc khi đi ngủ phải kiểm tra, tắt nguồn điện đối với thiết bị tiêu thụ điện không sử dụng;
c) Thường xuyên tổ chức kiểm tra, sửa chữa, thay thế các thiết bị điện hư hỏng, không đảm bảo an toàn. Đường dây dẫn điện và các thiết bị điện hư hỏng phải được sửa chữa, khắc phục ngay hoặc ngắt nguồn điện dẫn đến các đến đường điện hoặc thiết bị không bảo đảm an toàn.
2. Sử dụng nguồn lửa trong nhà phải bảo đảm các yêu cầu về an toàn phòng cháy và chữa cháy
a) Bếp sử dụng khí Gas cần bố trí trên mặt sàn bằng phẳng, thông thoáng, cách xa thiết bị điện và lắp đặt thiết bị báo rò khí Gas tại khu vực sử dụng; thường xuyên kiểm tra tình trạng của van khóa, dây dẫn và đóng van bình Gas sau khi sử dụng; không sử dụng bình Gas, dây dẫn khí, bếp không rõ nguồn gốc, xuất xứ và các bình Gas mini đã qua sử dụng. Khi phát hiện có mùi đặc trưng của khí Gas phải khóa ngay van bình và báo cho đại lý cung cấp gần nhất; tránh làm phát sinh tia lửa; giữ nguyên hiện trạng của hệ thống điện (không bật, tắt các công tắc thiết bị tiêu thụ điện vào thời điểm đó), không dùng ngọn lửa trần (bật lửa, diêm, đèn dầu, hương, nến...), mở các cửa sổ và cửa chính để thoát khí Gas;
b) Bếp điện phải lắp đặt, sử dụng dây dẫn, thiết bị bảo vệ phù hợp với công suất của bếp và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng;
c) Bếp dầu phải bố trí trên mặt sàn bằng phẳng, không dùng xăng hoặc xăng pha dầu để đun bếp dầu; không rót thêm dầu vào bếp khi đang đun nấu, tắt bếp sau khi sử dụng;
d) Bếp củi cần bố trí trên mặt sàn bằng phẳng có vật dụng che chắn bằng vật liệu không cháy để hạn chế ngăn tàn lửa, ngọn lửa từ khu vực đun sang khu vực xung quanh; khoảng cách từ bếp củi đến vật liệu dễ cháy tối thiểu 0,7m;
đ) Nơi thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã
Vật liệu trang trí khu vực thờ cúng hạn chế làm bằng loại dễ cháy; có biện pháp ngăn ngọn lửa để chống cháy lan; khi đốt vàng mã, khi thắp hương cần có người trông coi.
3. Sắp xếp vật dụng, thiết bị, quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong nhà
a) Tài sản, vật tư, chất cháy phải được bố trí, sắp xếp gọn gàng, hạn chế để dưới gầm nhà sàn, không cản trở lối và đường thoát nạn; không để gần nguồn lửa, nguồn nhiệt, ổ cắm điện, aptomat, cầu dao điện, thiết bị tiêu thụ điện có sinh nhiệt;
b) Không bố trí, sử dụng các thiết bị có áp lực, dễ nổ (bình xịt diệt côn trùng, bình Gas mini...) gần vị trí sử dụng ngọn lửa trần để đun nấu, thiết bị điện có sinh nhiệt.
4. Trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy
Căn cứ theo điều kiện, quy mô của ngôi nhà, khuyến khích chủ hộ gia đình cần trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy, dụng cụ phá dỡ thông thường (búa, rìu, xà beng, kìm cộng lực...), đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn thoát nạn đặt ở nơi dễ thấy, dễ lấy và thuận tiện cho việc sử dụng để chữa cháy, mở cửa, thoát nạn an toàn khi xảy ra sự cố cháy, nổ. Đồng thời, có thể trang bị thêm hệ thống, thiết bị báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy bằng nước, mặt nạ phòng độc, thang dây, ống tụt cứu người.
5. Khi hàn cắt trong sửa chữa, cải tạo nhà phải thực hiện đúng quy trình, quy định; có người giám sát, có biện pháp che chắn không để vảy hàn tiếp xúc với các chất dễ cháy và trang bị các bình chữa cháy để xử lý khi xảy ra cháy, nổ.
6. Khuyến khích chủ hộ gia đình thực hiện điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở hộ gia đình như sau:
a) Bố trí mặt bằng công năng sử dụng
Gian phòng để ở cần bố trí tại tầng thấp, gần cầu thang, lối ra thoát nạn, ngăn cách với khu vực, gian phòng có bảo quản vật dụng, thiết bị dễ cháy, nổ và sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt;
Gian phòng, khu vực để ôtô, xe máy, máy phát điện dự phòng và phương tiện, thiết bị khác có sử dụng nhiên liệu là xăng, dầu phải được ngăn cách hoặc có khoảng cách đến lối ra thoát nạn của nhà và nơi đun nấu, nguồn điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt nhằm loại trừ nguyên nhân gây cháy, cháy lan, bảo đảm thoát nạn an toàn cho người từ các gian phòng khác, tầng phía trên của nhà;
Không bố trí gian phòng bảo quản, tích trữ xăng, dầu, hóa chất dễ cháy, nổ trong nhà. Trường hợp, các gian phòng, khu vực bố trí trong không gian kín phải duy trì thường xuyên giải pháp thông gió phù hợp với đặc điểm của nhà;
Nhà có tầng hầm, tầng bán hầm, cần có giải pháp ngăn cháy, ngăn khói lan lên tầng trên qua cầu thang bộ, giếng thang máy, trục kỹ thuật của nhà;
Biển hiệu, biển quảng cáo lắp đặt bên ngoài nhà phải bảo đảm yêu cầu về an toàn phòng cháy và chữa cháy, không cản trở lối ra thoát nạn và lối ra thứ 2 của ngôi nhà, qua ban công, lô gia và phải tuân thủ theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 17:2018/BXD về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời).
b) Bố trí lối và đường thoát nạn của nhà
Nhà có 01 lối ra thoát nạn, cần bố trí thêm 01 lối ra thứ 02 qua ban công, lô gia, cửa sổ có mặt ngoài thông thoáng, lối lên mái nhà hoặc bằng thang sắt, ống tụt, thang dây ngoài nhà để thoát nạn khi cần thiết. Trường hợp, lối thoát qua lồng sắt, lưới sắt phải có ô cửa đủ rộng để cho người di chuyển qua thuận lợi;
Trên đường, lối đi, cầu thang thoát nạn không sử dụng vật liệu dễ cháy để thi công, lắp đặt, trang trí nội thất; không bố trí, lắp đặt vật dụng, thiết bị nhô ra khỏi mặt tường có độ cao dưới 2m; không lắp đặt gương soi trên đường, lối đi, cầu thang bộ thoát nạn. Chiều rộng của lối đi, bản thang thoát nạn phải bảo đảm cho người di chuyển thuận lợi (chiều rộng tối thiểu là 0,7m);
Lối ra tại tầng 01 cần thoát trực tiếp ra ngoài, trường hợp thoát qua gian phòng khác, phải duy trì chiều rộng lối đi và khoảng cách an toàn đến các vật dụng, thiết bị dễ cháy, nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt (ôtô, xe máy...); không bảo quản vật dụng, thiết bị dễ cháy, nổ, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong gầm cầu thang, buồng thang bộ, trên hoặc liền kề với đường, lối thoát nạn. Cửa đi trên lối thoát nạn tại tầng 01 cần sử dụng cửa bản lề (cửa cánh), hạn chế sử dụng cửa cuốn, cửa trượt; trường hợp lắp đặt cửa cuốn, phải có bộ lưu điện và bộ tời bằng tay để mở khi mất điện hoặc động cơ bị hỏng.
Điều 7. An toàn phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh
1. Cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, cá nhân phải bảo đảm và duy trì điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với phần nhà để ở theo các nội dung tại Điều 6 của Quy định này.
2. Lối và đường thoát nạn
a) Lối ra thoát nạn tại tầng 01 của khu vực để ở phải ngăn cách với lối ra thoát nạn của khu vực sản xuất, kinh doanh bằng kết cấu ngăn cháy;
b) Tại thời điểm cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng ngôi nhà, đường, lối thoát nạn của khu vực, gian phòng, tầng sản xuất, kinh doanh phải đáp ứng quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phòng cháy và chữa cháy. Trong nhà ở nhiều tầng có sử dụng chung cầu thang bộ thoát nạn thì gian phòng sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy tại từng tầng nhà phải được ngăn cháy lan, ngăn khói với cầu thang bộ bằng kết cấu ngăn cháy, cửa ngăn cháy;
c) Dây chuyền công nghệ bố trí trong khu vực sản xuất, bảo quản, sắp xếp vật tư hàng hóa, mặt bằng kinh doanh trong gian phòng sản xuất, kinh doanh, kho chứa phải được duy trì về chiều rộng của đường thoát nạn và khoảng cách từ vị trí xa nhất đến cửa thoát nạn của gian phòng;
d) Cửa đi trên lối thoát nạn phải sử dụng cửa bản lề (cửa có cánh). Trường hợp chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng cửa cuốn, cửa trượt... phải thường xuyên mở cửa trong thời gian có người làm việc. Cửa cuốn phải có bộ lưu điện và bộ tời bằng tay để mở khi mất điện hoặc động cơ bị hỏng;
đ) Chiều rộng thông thủy của lối ra thoát nạn tối thiểu 0,8m, chiều cao thông thủy tối thiểu 1,9m.
3. Giải pháp ngăn cháy lan, ngăn khói
a) Gian phòng sản xuất, kho chứa thuộc nhóm nhà F5.1, F5.2 bố trí không quá 01 tầng hầm; không bố trí gian phòng sử dụng hoặc lưu giữ các chất khí, chất lỏng cháy, vật liệu dễ bắt cháy, gian phòng để ở trong tầng hầm; không bố trí gian phòng có hạng nguy hiểm cháy, nổ A, B trong ngôi nhà;
b) Gian phòng sản xuất, kinh doanh phải được ngăn cháy lan, ngăn khói với khu vực để ở của hộ gia đình, cầu thang bộ chung của các tầng và lối ra thoát nạn tại tầng 01 của ngôi nhà;
c) Gian phòng sản xuất, kinh doanh, có bố trí gian phòng tồn chứa hàng hóa, vật liệu dễ cháy hoặc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt có tính chất nguy hiểm cháy, nổ khác phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh phải được ngăn cách với khu vực sản xuất, kinh doanh bằng kết cấu ngăn cháy;
d) Biển hiệu, biển quảng cáo lắp đặt bên ngoài nhà phải bảo đảm yêu cầu về an toàn phòng cháy và chữa cháy, không cản trở lối ra thoát nạn và lối ra thứ 02 của ngôi nhà, qua ban công, lô gia và phải tuân thủ theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 17:2018/BXD về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời).
4. Sắp xếp vật dụng, thiết bị, quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong nhà
a) Sắp xếp, bảo quản vật tư, hàng hóa theo từng loại, có cùng tính chất, cùng đặc điểm; việc sắp xếp, để trên bục kệ, giá đỡ phải vững chắc, gọn gàng, ngăn nắp, không cản trở lối đi, lối thoát nạn của gian phòng, ngôi nhà. Vật tư, hàng hóa, hóa chất dễ cháy hoặc dễ bắt cháy phải bố trí trong các khu vực, gian phòng riêng, không để lẫn với các vật tư hàng hóa khác và đảm bảo yêu cầu ngăn cháy lan. Không tập kết, bố trí vật tư hàng hóa trên các tuyến đường gây cản trở giao thông và có thể làm ảnh hưởng đến việc triển khai lực lượng, phương tiện, thiết bị chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ lưu thông;
b) Vật tư, hàng hóa dễ cháy phải bố trí cách các thiết bị điện có khả năng sinh nhiệt như bóng đèn, ổ cắm, cầu dao, khu vực phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt;
c) Không bố trí nơi đun nấu, thờ cúng trong khu vực sản xuất, kinh doanh, bảo quản vật tư, hàng hóa cháy được. Khi điều kiện sản xuất, kinh doanh có sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt phải bố trí cách các vật tư, hàng hóa dễ cháy, phương tiện, dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng, chất khí dễ cháy (ôtô, xe máy...); khi dự trữ xăng, dầu, khí gas, hóa chất dễ cháy, nổ phục vụ sản xuất, phải bố trí khu vực bảo quản bên ngoài nhà bảo đảm yêu cầu thông thoáng, tránh xa nguồn lửa, nguồn nhiệt, tránh ánh nắng trực tiếp và không để gần lối ra thoát nạn của nhà.
5. Hệ thống, thiết bị điện tại khu vực sản xuất, kinh doanh
a) Hệ thống điện phải được lắp đặt riêng biệt cho khu vực sản xuất, kinh doanh và khu vực để ở của nhà và bảo đảm đủ công suất tiêu thụ của các thiết bị điện, có thiết bị bảo vệ, đóng ngắt chung cho hệ thống, từng tầng, từng nhánh và thiết bị tiêu thụ điện có công suất tiêu thụ lớn. Khi lắp đặt thêm thiết bị, máy móc cần tính toán công suất của hệ thống điện để tránh quá tải và không câu móc dây dẫn điện cấp cho thiết bị trên; vị trí lắp đặt phải bảo đảm yêu cầu về an toàn phòng cháy, chữa cháy;
b) Tại khu vực bảo quản, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư, hàng hóa, hóa chất dễ cháy phải sử dụng loại thiết bị điện là loại an toàn chống cháy, nổ; thiết bị tiêu thụ điện lắp đặt trong kho phải được khống chế chung bằng thiết bị đóng ngắt tự động và đặt bên ngoài kho;
c) Thiết bị tiêu thụ điện có phát sinh nguồn nhiệt mà không có chụp bảo vệ thì không được bố trí gần hoặc phía trên vật tư, hàng hóa cháy được (khoảng cách tối thiểu 0,5m).
6. Trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy
Đối với khu vực sản xuất, kinh doanh phải trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy; đèn chiếu sáng sự cố và đèn chỉ dẫn thoát nạn; hệ thống thông gió, chống tụ khói (nếu có) bảo đảm theo quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành.
7. Ngoài việc áp dụng quy định của Điều này, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh còn phải tuân theo các quy định có liên quan của quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hiện hành khác.
Điều 8. Điều khoản chuyển tiếp
1. Đối với nhà ở có sẵn đã chuyển đổi công năng vừa ở vừa sản xuất, kinh doanh trước thời điểm Quy định này có hiệu lực, khuyến khích chủ hộ gia đình, hộ kinh doanh thực hiện theo nội dung quy định tại Điều 7 của Quy định này.
2. Đối với các nhà ở có sẵn chuyển đổi công năng vừa ở vừa sản xuất, kinh doanh sau thời điểm Quy định này có hiệu lực phải bảo đảm các yêu cầu tại Điều 7 của Quy định này trước khi đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 52 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, thẩm định điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy trong quá trình cấp phép xây dựng đối với nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh theo Quy định này và các quy định pháp luật khác có liên quan. Trong phạm vi trách nhiệm quản lý của mình chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến Quy định này đến các hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ chức, cá nhân có liên quan; kiểm tra việc thực hiện Quy định này của Ủy ban nhân dân cấp xã. Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo quy định.
2. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 52 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở được quy định tại Phụ lục IV Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; hướng dẫn, kiểm tra các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy trong quá trình chủ đầu tư (người được cấp phép xây dựng) xây dựng nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; tuyên truyền, phổ biến Quy định này đến các hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ chức, cá nhân có liên quan và kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện trong phạm vi trách nhiệm quản lý; thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo quy định.
Điều 10. Trách nhiệm của Công an tỉnh
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy định này; thực hiện công tác thống kê, tổng hợp báo cáo; kịp thời tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện theo thẩm quyền./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.