ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/2024/QĐ-UBND |
Điện Biên, ngày 05 tháng 4 năm 2024 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ LỰA CHỌN SÁCH GIÁO KHOA TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Căn cứ Luật Tổ Chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông; Thông tư số 36/2021/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 12 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở; Thông tư số 12/2022/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 7 năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông; Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT ngày 03 tháng 8 năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 12 năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
2. Đối tượng áp dụng
Quyết định này áp dụng đối với trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục), các tổ chức và cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Điều 2. Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa
1. Tiêu chí 1: Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương
a) Nội dung sách giáo khoa đảm bảo tính kế thừa, phù hợp với đặc điểm kinh tế văn hóa, lịch sử, địa lý của địa phương và cộng đồng dân cư. Kênh hình minh họa phong phú, phù hợp với các vùng miền.
b) Nội dung sách giáo khoa có khả năng triển khai tốt với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện dạy học khác tại địa phương.
c) Hệ thống câu hỏi, bài tập trong sách giáo khoa được thiết kế linh hoạt, có thể áp dụng vào điều kiện thực tiễn của địa phương, giúp học sinh, học viên (sau đây gọi chung là học sinh) ôn tập, củng cố và phát triển năng lực, phẩm chất.
d) Cấu trúc sách giáo khoa có tính mở; các cơ sở giáo dục cập nhật, bổ sung thông tin, nội dung phù hợp dưới sự hướng dẫn của các cơ quan quản lí giáo dục tại địa phương.
2. Tiêu chí 2: Phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục
a) Nội dung sách giáo khoa thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của chương trình môn học hoặc hoạt động giáo dục; thể hiện đầy đủ yêu cầu về phẩm chất, năng lực chung và năng lực đặc thù của môn học hoặc hoạt động giáo dục theo quy định tại: Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông; Thông tư số 36/2021/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 12 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở; Thông tư số 12/2022/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 7 năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông; Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT ngày 03 tháng 8 năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
b) Các bài học trong sách giáo khoa có tính mở, các cơ sở giáo dục, các tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên linh hoạt bổ sung những nội dung và hoạt động đặc thù thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên khai thác, lựa chọn phương án, hình thức tổ chức các hoạt động dạy học tích cực phù hợp với năng lực nhận thức và tâm lí học sinh.
c) Các bài học trong sách giáo khoa giúp các tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên xây dựng kế hoạch và đánh giá chính xác kết quả giáo dục của học sinh, phù hợp với kế hoạch giáo dục của cơ sở giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
d) Cấu trúc bài học trong sách giáo khoa rõ ràng, cụ thể, dễ phân biệt các phần bằng logo, biểu tượng của phần mở đầu, kiến thức mới, luyện tập, vận dụng, củng cố, đánh giá; thể hiện rõ các mạch nội dung, giúp các cơ sở giáo dục thuận lợi xây dựng kế hoạch giáo dục và bố trí thời khóa biểu phù hợp.
đ) Nội dung các bài học trong sách giáo khoa phù hợp với trình độ của học sinh, năng lực của đội ngũ giáo viên, các cán bộ quản lý giáo dục tại địa phương; phù hợp với khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện dạy học khác tại cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu dạy học tích hợp, liên môn, gắn kết nội dung bài học với thực tiễn địa phương.
g) Nội dung các bài học trong sách giáo khoa thúc đẩy học sinh học tập tích cực, rèn luyện các kĩ năng, kích thích tư duy sáng tạo, độc lập; hệ thống các câu hỏi, bài tập được biên soạn với các mức độ khác nhau phù hợp với đặc điểm, trình độ đối tượng học sinh và hướng đến hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
h) Các hoạt động học tập trong sách giáo khoa có hướng dẫn, gợi ý để học sinh chuẩn bị và đánh giá kết quả. Có các hoạt động phân hóa học sinh theo năng lực, phẩm chất đảm bảo tính dân chủ trong tiếp cận các bài học, tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả các học sinh có thể phát triển và sáng tạo. Các nhiệm vụ học tập qua từng bài học hướng đến việc phát triển phẩm chất, năng lực, kỹ năng vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống.
e) Sách giáo khoa được trình bày hấp dẫn, cân đối, hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình, sử dụng ngữ liệu có tính phổ quát, đảm bảo tính thẩm mĩ, giáo dục, gần gũi với cuộc sống giúp học sinh dễ nhận biết, tạo được sự hứng thú cho học sinh; phù hợp với đặc trưng môn học và tâm lý lứa tuổi học sinh.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai Quyết định này đến các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý; căn cứ Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 12 năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa tại Quyết định này chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Điện Biên theo đúng quy định.
Điều 4. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 22 tháng 4 năm 2024 và thay thế Quyết định số 32/2020/QĐ-UBND ngày 14 tháng 2 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên Quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.