BỘ
LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI Số: 07/2007/QĐ-BLĐTBXH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 23 tháng 3 năm 2007 |
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 139/2006/NĐ-CP
ngày 20/11/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều
của Luật Giáo dục và Bộ Luật Lao động về Dạy nghề;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP
ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định
nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 29/2003/NĐ-CP ngày 31/3/2003 của Chính phủ quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động-Thương binh và
Xã hội;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng
cục Dạy nghề,
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định sử dụng, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 1607/2002/QĐ-BLĐTBXH ngày 20/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành Quy định sử dụng, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các trung tâm dạy nghề, Hiệu trưởng các trường trung cấp nghề, Hiệu trưởng các trường cao đẳng nghề, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |
SỬ DỤNG, BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN DẠY NGHỀ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 23 thán 3 năm 2007
của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Văn bản này quy định việc sử dụng, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề giảng dạy trong các trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề công lập và tư thục.
2. Việc sử dụng, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề giảng dạy trong các cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo Quy định này, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
3. Việc sử dụng, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề giảng dạy trong các trung tâm dạy nghề dân lập được thành lập trước ngày 01 tháng 01 năm 2006 mà chưa chuyển đổi sang loại hình công lập hoặc tư thục thì vẫn thực hiện theo Quy định này.
4. Quy định này áp dụng đối với:
a) Giáo viên dạy nghề (kể cả giáo viên dạy nghề theo hợp đồng lao động);
b) Cán bộ quản lý (đạt tiêu chuẩn giáo viên) ở các trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề có tham gia giảng dạy.
Điều 2. Mục tiêu sử dụng, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề
1. Sử dụng giáo viên dạy nghề theo đúng trình độ chuyên môn, ngành nghề được đào tạo, đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của dạy nghề.
2. Thực hiện chuẩn hoá, nâng cao trình độ chuyên môn, sư phạm của đội ngũ giáo viên dạy nghề theo quy định của pháp luật và từng bước tiếp cận chuẩn nghề nghiệp giáo viên dạy nghề khu vực và thế giới.
Điều 3. Tiêu chuẩn, trình độ chuẩn của giáo viên dạy nghề
1. Giáo viên dạy nghề phải đạt những tiêu chuẩn được quy định tại khoản 2, Điều 70 Luật Giáo dục năm 2005.
Trình độ chuẩn của giáo viên dạy nghề được quy định như sau:
a) Giáo viên dạy lý thuyết trình độ sơ cấp nghề phải có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề trở lên; giáo viên dạy thực hành phải có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề trở lên hoặc là nghệ nhân, người có tay nghề cao;
b) Giáo viên dạy lý thuyết trình độ trung cấp nghề phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm kỹ thuật hoặc đại học chuyên ngành; giáo viên dạy thực hành phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc là nghệ nhân, người có tay nghề cao;
c) Giáo viên dạy lý thuyết trình độ cao đẳng nghề phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm kỹ thuật hoặc đại học chuyên ngành trở lên; giáo viên dạy thực hành phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc là nghệ nhân, người có tay nghề cao;
d) Trường hợp những giáo viên quy định tại các điểm a, b và c của khoản này, không có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm kỹ thuật hoặc đại học sư phạm kỹ thuật thì phải có chứng chỉ sư phạm dạy nghề.
Điều 4. Sử dụng giáo viên dạy nghề
1. Trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề (sau đây gọi chung là cơ sở dạy nghề) phải sử dụng giáo viên dạy nghề đủ tiêu chuẩn, đạt trình độ chuẩn theo quy định, phù hợp với ngành nghề được đào tạo hoặc đúng theo thỏa thuận trong hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động.
2. Trường hợp phải bố trí giáo viên giảng dạy các môn học, hướng dẫn thực hành nghề không đúng với ngành nghề được đào tạo thì giáo viên phải được bồi dưỡng, đạt chuẩn về chuyên môn trước khi bố trí giảng dạy, hướng dẫn.
3. Cơ sở dạy nghề không được bố trí giảng dạy vượt quá 1/2 số giờ tiêu chuẩn đối với giáo viên chuyên nghiệp, 1/3 số giờ tiêu chuẩn đối với giáo viên kiêm chức.
Điều 5. Sử dụng giáo viên dạy nghề chưa đạt chuẩn
Giáo viên dạy nghề đang giảng dạy mà chưa đạt trình độ chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại Điều 4 Quy định này, còn trong độ tuổi đào tạo theo quy định của Nhà nước phải được đào tạo, bồi dưỡng để đạt trình độ chuẩn; thời hạn để hoàn thành trình độ chuẩn tối đa là năm năm.
Điều 6. Các loại hình bồi dưỡng
1. Bồi dưỡng chuẩn hoá cho giáo viên chưa đạt trình độ chuẩn
2. Bồi dưỡng thường xuyên cho tất cả giáo viên
3. Bồi dưỡng nâng cao cho giáo viên đã đạt chuẩn, tuỳ theo yêu cầu của nghề nghiệp, nhiệm vụ được phân công hoặc chuẩn chức danh cao hơn.
1. Nội dung bồi dưỡng chuẩn hoá
a) Kiến thức, kỹ năng chuyên môn;
b) Nghiệp vụ sư phạm;
c) Ngoại ngữ;
d) Tin học;
đ) Những nội dung khác mà tiêu chuẩn chức danh quy định;
2. Nội dung bồi dưỡng thường xuyên
a) Quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, các quy định về dạy nghề;
b) Kiến thức chuyên môn, những tiến bộ khoa học, công nghệ mới thuộc chuyên môn giảng dạy;
c) Kỹ năng nghề (bao gồm cả việc sử dụng những thiết bị sản xuất hiện đại, công nghệ sản xuất tiên tiến của nghề);
d) Phương pháp giảng dạy, phương pháp xây dựng chương trình và sử dụng phương tiện dạy học mới;
đ) Ngoại ngữ;
e) Tin học.
3. Nội dung bồi dưỡng nâng cao gồm:
a) Những vấn đề do yêu cầu công việc và nghề nghiệp;
b) Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, năng lực thực hành;
c) Các tiêu chuẩn quy định của chức danh cao hơn.
Điều 8. Phương thức tổ chức các hoạt động bồi dưỡng
1. Bồi dưỡng thường xuyên được tiến hành theo kế hoạch bồi dưỡng định kỳ hàng năm của Bộ, ngành, địa phương và các cơ sở dạy nghề với các phương thức tổ chức sau:
a) Tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm;
b) Bồi dưỡng chuyên đề;
c) Tham quan, nghiên cứu, khảo sát thực tế;
d) Hội thảo khoa học.
2. Bồi dưỡng chuẩn hoá và nâng cao trình độ được tiến hành với các phương thức tổ chức sau:
a) Tập trung hoặc tại chức;
b) Thực tập nâng cao tay nghề.
Điều 9. Cơ sở tổ chức bồi dưỡng
1. Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề do các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng sư phạm kỹ thuật thực hiện.
2. Bồi dưỡng chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ mới do các trường đại học, cao đẳng; các viện nghiên cứu về kỹ thuật, công nghệ; doanh nghiệp có giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng.
3. Bồi dưỡng kỹ năng nghề cho giáo viên dạy nghề do các trường đại học sư phạm kỹ thuật, cao đẳng sư phạm kỹ thuật; trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng.
4. Bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học cho giáo viên dạy nghề tổ chức tại các cơ sở có tư cách pháp nhân, có điều kiện đảm bảo chất lượng và thuận lợi cho tổ chức thực hiện.
Điều 10. Chính sách đối với giáo viên dạy nghề trong bồi dưỡng
1. Giáo viên dạy nghề ở các cơ sở dạy nghề công lập được cử đi học nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ được hưởng lương và các chế độ khác (nếu có) theo quy định của pháp luật; giáo viên hợp đồng được cử đi bồi dưỡng được hưởng quyền lợi mà hai bên đã thoả thuận trong hợp đồng.
2. Giáo viên dạy nghề ở các cơ sở dạy nghề khác khi tham gia các lớp bồi dưỡng được hưởng các quyền lợi (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Kinh phí cho hoạt động bồi dưỡng
1. Đối với các cơ sở dạy nghề công lập: Kinh phí cho hoạt động bồi dưỡng được chi từ ngân sách nhà nước và từ nguồn thu tại đơn vị. Các nguồn kinh phí khác (nếu có) được chi theo quy định.
2. Đối với các cơ sở dạy nghề khác: Kinh phí cho hoạt động bồi dưỡng từ nguồn thu của cơ sở dạy nghề và được tính vào chi phí đào tạo.
Điều 12. Trách nhiệm của Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Lập kế hoạch sử dụng, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề cho từng giai đoạn; tham gia huy động các nguồn lực bồi dưỡng giáo viên dạy nghề.
2. Theo dõi, kiểm tra, thanh tra việc tổ chức thực hiện quy định sử dụng, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề và xử lý các cơ sở dạy nghề vi phạm Quy định này.
Điều 13. Trách nhiệm của cơ quan quản lý dạy nghề của các bộ, ngành, địa phương
1. Hướng dẫn các cơ sở dạy nghề thuộc phạm vi quản lý thực hiện Quy định này.
2. Lập kế hoạch, dự trù kinh phí đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện kế hoạch sử dụng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đối với các cơ sở dạy nghề thuộc phạm vi quản lý; báo cáo tình hình thực hiện công tác sử dụng, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề về Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.
Điều 14. Trách nhiệm của các cơ sở dạy nghề
1. Các cơ sở dạy nghề căn cứ vào yêu cầu xây dựng và phát triển, trình độ hiện có của đội ngũ giáo viên, chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cho từng giai đoạn, từng năm học. Đảm bảo thực hiện giáo viên được luân phiên bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo chu kỳ năm năm một lần; bồi dưỡng công nghệ mới hai năm một lần; bồi dưỡng nâng cao theo yêu cầu nhiệm vụ. Tổ chức thực hiện các kế hoạch bồi dưỡng giáo viên, báo cáo tình hình thực hiện lên cơ quan chủ quản và Tổng cục Dạy nghề.
2. Mở lớp, hoặc kết hợp với các cơ sở dạy nghề khác để mở lớp bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao cho giáo viên; cử giáo viên theo học các lớp bồi dưỡng do các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thực hiện.
3. Sử dụng hợp lý đội ngũ giáo viên dạy nghề, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ để giáo viên dạy nghề tham gia học tập, bồi dưỡng theo quy định.
4. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả bồi dưỡng của giáo viên; có cơ chế khuyến khích các hoạt động tự bồi dưỡng của giáo viên./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.