ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2022/QĐ-UBND |
Bắc Kạn, ngày 26 tháng 01 năm 2022 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định phân công, phân cấp về bảo trì công trình và quy trình quản lý, khai thác, sử dụng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 02 năm 2022 và thay thế Quyết định số 52/2017/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành Quy định phân công, phân cấp về bảo trì công trình và quy trình quản lý, khai thác, sử dụng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP VỀ BẢO
TRÌ CÔNG TRÌNH VÀ QUY TRÌNH QUẢN LÝ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 06/2022/QĐ-UBND ngày
26/01/2022 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về phân cấp, phân công trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng trong việc bảo trì công trình và quy trình quản lý, khai thác, sử dụng công trình đối với công trình thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
2. Đối tượng áp dụng
Các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân đang quản lý, khai thác, sử dụng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Điều 2. Nguyên tắc phân công, phân cấp
Việc phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý, khai thác, sử dụng công trình xây dựng đảm bảo nguyên tắc thống nhất, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót đối tượng quản lý, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP VỀ BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
Điều 3. Đối với công trình dân dụng
1. Trách nhiệm bảo trì công trình nhà ở thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở của Trung ương và địa phương.
2. Công trình giáo dục
a) Các trường trung học phổ thông, trường trung học phổ thông chuyên, Trung tâm giáo dục thường xuyên, kỹ thuật hướng nghiệp trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện công tác bảo trì.
b) Các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và trường dạy nghề thuộc cấp tỉnh quản lý do các đơn vị được giao quản lý, sử dụng có trách nhiệm tổ chức bảo trì công trình.
c) Các trường từ ngành học mầm non đến trung học cơ sở; các trung tâm dạy nghề - giáo dục thường xuyên, bồi dưỡng chính trị thuộc cấp huyện quản lý do các đơn vị được giao quản lý, sử dụng có trách nhiệm tổ chức bảo trì công trình theo hình thức sửa chữa đột xuất; đối với sửa chữa định kỳ lập danh mục trình Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, tổ chức bảo trì.
3. Công trình y tế
a) Các cơ sở y tế, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thuộc ngân sách cấp tỉnh đầu tư do Sở Y tế tổng hợp, tổ chức bảo trì.
b) Các cơ sở y tế thuộc ngân sách cấp huyện đầu tư do Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, tổ chức bảo trì.
4. Công trình thể thao, công trình văn hóa, thương mại, dịch vụ
a) Công trình thể thao, công trình văn hóa thuộc ngân sách cấp tỉnh đầu tư do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp, tổ chức bảo trì.
b) Công trình thể thao, công trình văn hóa thuộc ngân sách cấp huyện, cấp xã đầu tư do Ủy ban nhân dân các cấp tương ứng tổng hợp, tổ chức bảo trì.
c) Công trình thương mại, dịch vụ: Tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng có trách nhiệm bảo trì công trình.
5. Công trình tôn giáo, tín ngưỡng: Tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng có trách nhiệm bảo trì công trình. Riêng đối với các công trình tôn giáo, tín ngưỡng đã được xếp hạng di tích thì khi thực hiện bảo trì cần được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền thuộc Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
6. Công trình trụ sở làm việc của các cơ quan quản lý hành chính, sự nghiệp cấp tỉnh (kể cả các đơn vị trực thuộc do ngành tỉnh quản lý), trụ sở làm việc của các cơ quan Đảng cấp tỉnh, huyện, thành phố (sau đây gọi là cấp huyện); trụ sở làm việc của các cơ quan quản lý hành chính cấp huyện (kể cả các đơn vị trực thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; các ban, ngành, đoàn thể và đơn vị sự nghiệp tương đương thuộc cấp huyện), trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn do các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng có trách nhiệm tổ chức bảo trì công trình.
7. Công trình có nhiều chủ sở hữu, chủ quản lý, sử dụng phần riêng của công trình có trách nhiệm bảo trì phần sử dụng riêng của mình và có trách nhiệm phối hợp với các chủ sở hữu, chủ quản lý, sử dụng khác bảo trì phần sử dụng chung công trình theo quy định.
Điều 4. Đối với công trình công nghiệp
Công trình sản xuất vật liệu, sản phẩm xây dựng; công trình luyện kim và cơ khí chế tạo; công trình khai thác mỏ và chế biến khoáng sản; công trình công nghiệp nhẹ; công trình dầu khí, công trình hóa chất, công trình năng lượng: Tổ chức, đơn vị được giao quản lý có trách nhiệm bảo trì công trình.
Điều 5. Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật
1. Công trình hạ tầng kỹ thuật trong đô thị, các khu, cụm công nghiệp, khu vực nông thôn và các khu vực khác: Đơn vị quản lý, sử dụng, khai thác, kinh doanh hạ tầng và chủ sở hữu công trình có trách nhiệm bảo trì.
2. Đối với một số công trình khác được quy định cụ thể như sau:
a) Công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư theo hình thức BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao), BTO (Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh) thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp dự án chịu trách nhiệm bảo trì công trình trong thời gian quản lý khai thác. Sau khi chuyển giao cho đơn vị quản lý khai thác thì đơn vị đó chịu trách nhiệm bảo trì.
Riêng công trình đầu tư theo hình thức BT (Xây dựng - Chuyển giao) thì trách nhiệm bảo trì thuộc về cơ quan quản lý, khai thác công trình.
b) Công trình viễn thông
- Công trình viễn thông thuộc ngân sách cấp tỉnh đầu tư do Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp, tổ chức bảo trì.
- Công trình viễn thông thuộc ngân sách cấp huyện đầu tư do Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, tổ chức bảo trì.
Điều 6. Đối với công trình giao thông
1. Đối với hệ thống đường tỉnh do Sở Giao thông vận tải tổ chức bảo trì.
2. Đối với công trình giao thông đô thị, hệ thống đường huyện, đường xã do Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thực hiện bảo trì.
3. Đối với đường thôn và đường dân sinh do Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện bảo trì.
4. Đối với công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao), BTO (Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh) thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp dự án chịu trách nhiệm bảo trì công trình trong thời gian khai thác kinh doanh quy định trong hợp đồng dự án. Sau khi chuyển giao cho đơn vị quản lý khai thác thì đơn vị đó chịu trách nhiệm bảo trì; các công trình đầu tư theo hình thức BT (Xây dựng - Chuyển giao), các công trình do tổ chức, cá nhân đầu tư thì trách nhiệm bảo trì thuộc về cơ quan quản lý, khai thác công trình.
5. Các công trình khác phục vụ giao thông vận tải như: Bến xe, cơ sở đăng kiểm phương tiện giao thông đường bộ; trạm thu phí; trạm dừng nghỉ… và kết cấu khác phục vụ giao thông vận tải. Đơn vị quản lý, khai thác, kinh doanh hạ tầng có trách nhiệm bảo trì.
Điều 7. Đối với công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn
1. Các công trình thủy lợi đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phân cấp quản lý, khai thác thì các đơn vị được giao quản lý khai thác thực hiện bảo trì công trình do đơn vị quản lý theo phân cấp.
2. Đối với công trình trạm, trại nghiên cứu và cải tạo giống cây, con; trạm kiểm dịch động vật, thực vật thuộc cấp tỉnh quản lý do các đơn vị được giao quản lý, sử dụng có trách nhiệm tổ chức bảo trì.
3. Đối với công trình trại giống cây, con thuộc cấp huyện quản lý do Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức bảo trì.
Điều 8. Đối với công trình quốc phòng, an ninh do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh tổ chức thực hiện bảo trì.
Điều 9. Đối với công trình của các cơ quan do Trung ương quản lý, đóng trên địa bàn tỉnh và các công trình khác không thuộc quy định từ Điều 3 đến Điều 8, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm bảo trì.
QUY TRÌNH QUẢN LÝ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG CÔNG TRÌNH
Điều 10. Tiếp nhận và quản lý hồ sơ quy trình bảo trì công trình
1. Chủ đầu tư tổ chức lập một bộ hồ sơ phục vụ quản lý, vận hành và bảo trì công trình hoặc hạng mục công trình (trường hợp đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng từng phần) theo quy định tại Phụ lục IX Nghị định 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, bàn giao cho chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình khi tổ chức bàn giao hạng mục công trình, công trình xây dựng. Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ này trong suốt quá trình khai thác, sử dụng.
2. Đơn vị được giao quản lý, khai thác, sử dụng công trình thực hiện bảo trì công trình xây dựng; điều chỉnh quy trình bảo trì xây dựng quản lý chất lượng công việc bảo trì công trình xây dựng; lập và quản lý hồ sơ bảo trì công trình xây dựng.
Điều 11. Trình tự thực hiện bảo trì công trình xây dựng
1. Lập và phê duyệt quy trình bảo trì công trình xây dựng
a) Nội dung chính của quy trình bảo trì công trình xây dựng theo quy định tại khoản 1, Điều 31 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng (sau đây gọi tắt là Nghị định số 06/2021/NĐ-CP).
b) Trách nhiệm lập và phê duyệt quy trình bảo trì công trình xây dựng thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 31 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP .
c) Điều chỉnh quy trình bảo trì công trình xây dựng thực hiện theo quy định tại khoản 6, Điều 31 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP .
d) Không bắt buộc phải lập quy trình bảo trì riêng cho từng công trình cấp III trở xuống, nhà ở riêng lẻ và công trình tạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng của các công trình này vẫn phải thực hiện bảo trì công trình xây dựng theo các quy định về bảo trì công trình xây dựng của Nghị định 06/2021/NĐ-CP .
đ) Trường hợp có tiêu chuẩn về bảo trì hoặc có quy trình bảo trì của công trình tương tự phù hợp thì chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có thể áp dụng tiêu chuẩn hoặc quy trình đó cho công trình mà không cần lập quy trình bảo trì riêng.
e) Đối với các công trình xây dựng đã đưa vào khai thác, sử dụng nhưng chưa có quy trình bảo trì thì chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình tổ chức lập và phê duyệt quy trình bảo trì công trình xây dựng, có thể tổ chức kiểm định chất lượng công trình xây dựng làm cơ sở để lập quy trình bảo trì công trình xây dựng nếu cần thiết. Trong quy trình bảo trì phải xác định rõ thời gian sử dụng còn lại của công trình, các bộ phận, hạng mục công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình.
2. Lập kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì công trình xây dựng
a) Chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình lập kế hoạch bảo trì công trình xây dựng hằng năm trên cơ sở quy trình bảo trì được phê duyệt và hiện trạng công trình.
Nội dung chính của kế hoạch bảo trì công trình xây dựng theo quy định tại khoản 2, Điều 32 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP .
b) Lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo trì
- Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 14/2021/TT-BXD ngày 8/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng và Thông tư số 65/2021/TT-BTC ngày 29/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công. Đối với nguồn vốn đầu tư công, thì thực hiện theo Luật Đầu tư công và theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình.
- Chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình tự tổ chức lập dự toán kinh phí bảo trì công trình nếu đủ điều kiện năng lực hoặc thuê tổ chức có đủ điều kiện năng lực thực hiện.
3. Thực hiện bảo trì và quản lý chất lượng công việc bảo trì
a) Chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình thường xuyên kiểm tra công trình, định kỳ và đột xuất nhằm phát hiện kịp thời các dấu hiệu xuống cấp, những hư hỏng của công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình làm cơ sở cho việc bảo dưỡng công trình.
b) Thực hiện việc sửa chữa công trình
- Sửa chữa định kỳ công trình bao gồm sửa chữa hư hỏng hoặc thay thế bộ phận công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình bị hư hỏng được thực hiện định kỳ theo quy định của quy trình bảo trì.
- Sửa chữa đột xuất công trình được thực hiện khi bộ phận công trình, công trình bị hư hỏng do chịu tác động đột xuất như gió, bão, lũ lụt, động đất, va đập, cháy và những tác động đột xuất khác hoặc khi bộ phận công trình, công trình có biểu hiện xuống cấp ảnh hưởng đến an toàn sử dụng, vận hành, khai thác công trình.
c) Kiểm định chất lượng công trình và quan trắc công trình phục vụ công tác bảo trì thực hiện theo quy định tại khoản 5, 6 Điều 33 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP .
d) Quản lý chất lượng công việc bảo trì công trình xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP .
4. Đánh giá an toàn chịu lực và an toàn vận hành công trình
a) Chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình tổ chức đánh giá định kỳ về an toàn chịu lực và an toàn vận hành công trình và gửi kết quả đánh giá đến Sở Xây dựng và sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành kiểm tra đối với công trình trên địa bàn tỉnh theo chuyên ngành quản lý.
b) Nội dung đánh giá bao gồm: Đánh giá về an toàn chịu lực và an toàn vận hành trong quá trình khai thác, sử dụng của công trình.
c) Chi phí thực hiện việc đánh giá an toàn công trình trong quá trình khai thác sử dụng bao gồm: Chi phí thực hiện khảo sát, lập hồ sơ hiện trạng công trình (nếu có); chi phí thực hiện đánh giá an toàn công trình; chi phí thuê tổ chức thẩm tra đề cương đánh giá an toàn công trình, chi phí thuê tổ chức tư vấn giám sát thực hiện công tác đánh giá an toàn công trình (nếu có); các chi phí khác có liên quan. Chi phí trên do chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình chi trả và được tính vào chi phí bảo trì công trình xây dựng.
5. Lập và quản lý hồ sơ bảo trì công trình xây dựng
a) Hồ sơ bảo trì công trình xây dựng bao gồm các tài liệu theo quy định tại khoản 8 Điều 34 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP .
b) Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ này trong suốt quá trình khai thác, sử dụng công trình.
Điều 12. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bảo trì công trình xây dựng
1. Sở Xây dựng
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Quyết định này.
b) Triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về công tác bảo trì công trình xây dựng trên địa bàn; kiểm tra việc thực hiện bảo trì công trình xây dựng, định kỳ hằng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình, kết quả thực hiện công tác bảo trì công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.
c) Hướng dẫn thực hiện bảo trì công trình dân dụng và đánh giá sự an toàn chịu lực và đánh giá sự an toàn trong quá trình khai thác, sử dụng đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu chức năng, dự án đầu tư xây dựng công trình công nghiệp nhẹ, công trình công nghiệp vật liệu xây dựng, dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ trong đô thị (trừ đường quốc lộ qua đô thị), dự án đầu tư xây dựng có công năng phục vụ hỗn hợp khác; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, khảo sát thực tế các công trình trong trường hợp cần thiết, để làm cơ sở xây dựng danh mục công trình cần thực hiện bảo trì hằng năm.
d) Phối hợp với các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành tổ chức xây dựng và công bố các định mức xây dựng phục vụ công tác bảo trì phù hợp với đặc thù của địa phương và gửi về Bộ Xây dựng để theo dõi, quản lý.
2. Sở Tài chính
a) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh nguồn kinh phí bố trí cho công tác bảo trì đối với các công trình thuộc sở hữu Nhà nước do tỉnh quản lý; trong đó, hằng năm thực hiện bố trí kinh phí bảo trì trong dự toán kinh phí của đơn vị quản lý, sử dụng công trình.
b) Hướng dẫn Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện bố trí kinh phí cho công tác bảo trì của cấp huyện.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh danh mục công trình và nguồn vốn bố trí cho công tác bảo trì đối với các công trình thuộc sở hữu Nhà nước do tỉnh quản lý, trên cơ sở xem xét đề nghị của các đơn vị liên quan trực tiếp quản lý, sử dụng công trình hoặc cơ quan chủ quản của các đơn vị này.
4. Các cơ quan có liên quan bao gồm:
a) Sở Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện bảo trì và đánh giá sự an toàn trong quá trình khai thác, sử dụng đối với công trình giao thông, trừ công trình giao thông theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều này.
b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện bảo trì và đánh giá sự an toàn trong quá trình khai thác, sử dụng đối với công trình thủy lợi, đê điều và các công trình nông nghiệp chuyên ngành khác.
c) Sở Công Thương hướng dẫn thực hiện bảo trì và đánh giá sự an toàn trong quá trình khai thác, sử dụng đối với công trình công nghiệp, trừ công trình công nghiệp tại điểm c, khoản 1 Điều này.
d) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh hướng dẫn thực hiện bảo trì đối với công trình thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
đ) Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thực hiện bảo trì đối với công trình thông tin, truyền thông.
e) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thực hiện bảo trì đối với công trình di tích lịch sử văn hóa.
f) Ban Quản lý các khu công nghiệp hướng dẫn thực hiện bảo trì đối với công trình xây dựng trong khu công nghiệp.
5. Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm bố trí vốn để thực hiện bảo trì công trình thuộc sở hữu Nhà nước do huyện quản lý theo phân cấp; Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm bố trí vốn ngân sách hoặc huy động vốn hợp pháp, vốn Nhà nước và Nhân dân cùng làm để thực hiện bảo trì công trình thuộc sở hữu Nhà nước do xã quản lý theo phân cấp.
1. Chủ đầu tư; chủ sở hữu; người quản lý, sử dụng công trình xây dựng và Thủ trưởng cơ quan chủ quản công trình có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về bảo trì công trình xây dựng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự cố hay xuống cấp của công trình do không thực hiện bảo trì.
2. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước có trách nhiệm phổ biến Quy định này đến các chủ đầu tư, chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng công trình biết để thực hiện.
3. Những nội dung liên quan về bảo trì công trình xây dựng không quy định tại Quy định này thì được thực hiện theo Nghị định số 06/2021/NĐ-CP và các quy định pháp luật khác liên quan hiện hành.
4. Trong quá trình triển khai thực hiện Quy định này, trường hợp có khó khăn, vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan gửi ý kiến về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo với Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.