ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2011/QĐ-UBND |
Tam Kỳ, ngày 03 tháng 3 năm 2011 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ VÀ BẢO TRÌ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26
tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ
Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ Quy định về quản lý
và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Thông tư số 10/2010/TT-BGTVT ngày 19 tháng 4 năm 2010 của Bộ Giao thông
vận tải Quy định về quản lý và bảo trì đường bộ;
Căn cứ Nghị quyết số 165/2010/NQ-HĐND ngày 08 tháng 7 năm 2010 của HĐND tỉnh
Quảng Nam về quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa
bàn tỉnh Quảng Nam;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 883/TTr-SGTVT
ngày 22 tháng 9 năm 2010,
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 56/2007/QĐ-UBND ngày 17/12/2007 của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quy định tổ chức quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUẢN
LÝ VÀ BẢO TRÌ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 06 /2011/QĐ-UBND ngày 03 tháng 3 năm 2011 của UBND
tỉnh Quảng Nam)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Quy định này quy định việc tổ chức quản lý, phân công trách nhiệm quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh Quảng Nam.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khi quản lý và khai thác đường bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam phải tuân theo các quy định này và các quy định pháp luật có liên quan.
Điều 2. Nguyên tắc quản lý và bảo trì kết cấu đường bộ
Hệ thống giao thông đường bộ trong tỉnh là một phần trong mạng lưới liên hoàn do Nhà nước thống nhất quản lý, không phân biệt nguồn vốn đầu tư xây dựng đường bộ.
Việc sử dụng, khai thác và xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường bộ phải đảm bảo giao thông thông suốt, trật tự an toàn và không được ảnh hưởng tới sự bền vững của công trình đường bộ.
Điều 3. Cơ quan quản lý đường bộ
Cơ quan quản lý đường bộ là đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Đơn vị trực tiếp quản lý và bảo trì đường bộ là các tổ chức kinh tế, xã hội được Cơ quan quản lý đường bộ giao nhiệm vụ hoặc hợp đồng để thực hiện các công việc cụ thể của hoạt động quản lý, bảo trì đường bộ.
QUẢN LÝ CƠ SỞ DỮ LIỆU ĐƯỜNG BỘ
Phân loại đường bộ để có sở sở tổ chức việc quản lý, bảo trì và lập quy hoạch, kế hoạch đầu tư cải tạo, nâng cấp.
1. Mạng lưới đường bộ trên địa bàn tỉnh gồm có đường quốc lộ, đường tỉnh (ĐT), đường huyện (ĐH), đường xã (ĐX), đường đô thị, đường chuyên dùng và đường dân sinh;
Việc phân loại đường quốc lộ, ĐT, ĐH, ĐX, đường đô thị và đường chuyên dùng theo quy định tại mục 1, Điều 39, Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Đường dân sinh là đường nội bộ trong các khu dân cư, thôn, làng, ấp, bản; đường kiệt, hẽm trong các khu đô thị; đường nối ra đồng ruộng, các khu vực sản xuất. Đường dân sinh cùng với loại đường xã được gọi chung là đường giao thông nông thôn (GTNT).
2. Thẩm quyền phân loại, điều chỉnh phân loại đường bộ theo mục 2, điều 39, Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Đối với hệ thống đường dân sinh, việc phân loại do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định.
Điều 5. Đặt tên hoặc số hiệu đường bộ
1. Đường tỉnh được đặt số hiệu theo quy định của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải, đảm bảo tính thống nhất trên toàn quốc. Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam các đường tỉnh được đặt số hiệu từ ĐT.603 đến ĐT.620, trong đó ĐT là ký hiệu của đường tỉnh, 603-620 là số hiệu đường.
Trường hợp số lượng đường tỉnh tăng lên theo sự phát triển sẽ bổ sung thêm các chỉ số phụ a, b, c ... sau các số hiệu trên.
2. Đường huyện được đặt số hiệu thống nhất trên toàn tỉnh gồm có chữ ĐHx.y; Trong đó ĐH là ký hiệu cho đường huyện, x là số thứ tự từ 1 đến 99, y là chữ cái viết tắt của tên huyện (ví dụ: ĐH9.ĐB là tuyến đường ĐH số 9 tại huyện Điện Bàn).
3. Đường xã được đặt tên theo địa danh hoặc tập quán bằng cách thêm chữ ĐX phía trước. (ví dụ: ĐX. QL1A - Đồng Nghệ);
4. Đường đô thị, đường chuyên dùng: Thực hiện đặt tên theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng hoặc đặt số hiệu theo điều 4, Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ.
5. Đường dân sinh được đặt tên theo tên địa danh hoặc tập quán (ví dụ: Đường Hoà Thuận).
6. Thẩm quyền đặt tên hoặc số hiệu đường bộ theo mục 2, điều 40, Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Đối với hệ thống đường dân sinh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định.
Điều 6. Quản lý cơ sở dữ liệu đường bộ
Cơ quan quản lý đường bộ có trách nhiệm điều tra, khảo sát để xây dựng cơ sở dữ liệu về đường bộ trên địa bàn phục vụ cho công tác quản lý và đầu tư phát triển. Cơ sở dữ liệu đường bộ bao gồm: Danh mục và loại đường giao thông, chiều dài, kết cấu, năm xây dựng, tải trọng khai thác, chất lượng hiện tại và các nội dung khác, được lập và chỉnh lý hàng năm theo phụ lục 1 và 2.
Cơ quan quản lý đường bộ phải có hồ sơ quản lý riêng cho từng công trình gồm bản vẽ hoàn công; các biên bản kiểm tra, kiểm định công trình; hồ sơ về sửa chữa, nâng cấp ...
Định kỳ hàng năm cơ quan quản lý đường bộ có trách nhiệm tổng hợp, thống kê các thay đổi về cơ sở hạ tầng do mình quản lý báo cáo cơ quan quản lý cấp trên, mẫu báo cáo như phụ lục 3, 4.
Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm chỉ đạo các địa phương xây dựng, chỉnh lý cơ sở dữ liệu hàng năm và tổng hợp để quản lý dữ liệu chung cho toàn tỉnh.
QUẢN LÝ VÀ BẢO TRÌ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Điều 7. Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Việc quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm quản lý hành lang an toàn đường bộ; quản lý tải trọng phương tiện lưu hành; kiểm tra, đánh giá tình trạng kỹ thuật và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất.
1. Quản lý hành lang an toàn đường bộ
Đất dành cho đường bộ chỉ dành để xây dựng công trình đường bộ, sử dụng và khai thác để phục vụ cho mục đích an toàn giao thông vận tải đường bộ. Trong trường hợp cần thiết có thể cho phép xây dựng một số công trình thiết yếu như sau:
a) Công trình phục vụ yêu cầu bảo đảm an ninh, quốc phòng;
b) Công trình có yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật không thể bố trí ngoài phạm vi đất dành cho đường bộ;
c) Công trình phải bố trí trên cùng một mặt bằng với công trình đường bộ để bảo đảm tính đồng bộ và tiết kiệm.
Khi xây dựng các công trình trong phạm vi đất và không gian dành cho hành lang an toàn đường bộ phải bảo đảm khai thác an toàn công trình đường bộ và phải được cơ quan quản lý đường bộ đồng ý trong bước lập dự án đầu tư.
Trước khi thi công xây dựng, chủ đầu tư xây dựng các công trình trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ phải có giấy phép thi công của cơ quan quản lý nhà nước về đường bộ có thẩm quyền.
Hành lang an toàn đường bộ thực hiện theo quy định tại các điều từ 14 đến 21 của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ. Đối với đường dân sinh và các công trình, hạng mục khác trên đó hành lang an toàn được xác định theo hiện trạng sử dụng đất.
Trình tự, thủ tục cấp giấy phép thi công thực hiện theo các quy định và hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, Cục đường bộ Việt Nam; hướng dẫn thực hiện chi tiết tại phụ lục 5 kèm theo Quy định này.
2. Quản lý tải trọng phương tiện lưu hành
a) Không cho phép lưu thông các phương tiện có tổng tải trọng vượt tải trọng cho phép của cầu đường. Tải trọng cho phép lưu thông được xác định theo tải trọng thiết kế hoặc theo kết quả đánh giá, kiểm định chất lượng công trình và do cơ quan có thẩm quyền công bố.
b) Trường hợp cần thiết do vận chuyển những loại hàng hoá không thể tháo rời được, phương tiện có thể lưu thông vượt tải trọng cho phép của cầu, đường nhưng phải có giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước về đường bộ có thẩm quyền. Trong trường hợp cần thiết cơ quan có thẩm quyền có thể yêu cầu chủ phương tiện thực hiện những biện pháp gia cố để tăng tải trọng cầu đường trước khi lưu hành để đảm bảo an toàn công trình.
Quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ, lưu hành xe quá tải trong, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hoá trên phương tiện giao thông đường bộ thực hiện theo theo Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT ngày 11 tháng 02 năm 2010 của Bộ Giao thông vận tải.
c) Thẩm quyền công bố tải trọng cầu đường và cấp giấy phép lưu hành đặc biệt:
Đối với hệ thống đường tỉnh: Uỷ ban nhân dân tỉnh công bố tải trọng, Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm cấp giấy phép lưu hành đặc biệt cho xe quá khổ, quá tải cầu đường, giải quyết thủ tục cấp giấy phép vận chuyển siêu trường, siêu trọng.
Đối với hệ thống đường huyện, đường đô thị, đường xã và đường dân sinh trong các đô thị trên địa bàn: Uỷ ban nhân dân cấp huyện công bố tải trọng, cơ quan quản lý đường bộ cấp huyện cấp giấy phép cho xe quá khổ, quá tải cầu đường, giải quyết thủ tục cấp giấy phép vận chuyển siêu trường, siêu trọng.
Ủy ban nhân dân cấp xã công bố tải trọng đối với hệ thống đường dân sinh ở khu vực nông thôn và giải quyết các trường hợp lưu hành quá khổ, quá tải cầu đường.
3. Kiểm tra, đánh giá tình trạng kỹ thuật
Việc kiểm tra, đánh giá tình trạng kỹ thuật đường bộ phải được tổ chức định kỳ hàng tháng, hàng quý, năm, kiểm tra đột xuất sau mỗi đợt lụt, bảo hoặc tác động bất thường khác.
Theo dõi tình hình khai thác và các hư hại của công trình đường bộ, tình hình tai nạn, phân làn, phân luồng, tổ chức giao thông, điều chỉnh hệ thống báo hiệu đường bộ, trực đảm bảo giao thông, theo dõi tình hình thời tiết, ngập lụt, các sự cố công trình, xử lý và báo cáo theo quy định.
Điều 8. Bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm có bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất.
a) Bảo dưỡng thường xuyên: Là công tác được thực hiện hàng ngày hoặc theo định kỳ hàng tuần hàng tháng hoặc hàng quý nhằm theo dõi tình trạng đường bộ, đưa ra các giải pháp ngăn chặn hư hỏng, sửa chữa kịp thời những hư hỏng nhỏ ảnh hưởng đến chất lượng đường bộ, duy trì tình trạng làm việc bình thường của đường bộ để đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.
b) Sửa chữa định kỳ: Là công tác sửa chữa hư hỏng đường bộ theo thời hạn quy định, kết hợp khắc phục một số khuyết tật của đường bộ xuất hiện trong quá trình khai thác hoặc do thiên tai, bảo lụt làm hư hỏng.
c) Sửa chữa đột xuất: Là công việc sửa chữa công trình đường bộ chịu các tác động đột xuất như gió bão, lũ lụt, động đất, va đập, cháy hoặc những tác động đột xuất khác đã dẫn tới những hư hỏng, xuống cấp cần được sửa chữa kịp thời để đảm bảo giao thông liên tục.
Phân loại công việc bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất theo Thông tư số 10/2010/TT-BGTVT ngày 19 tháng 4 năm 2010 của Bộ Giao thông vận tải.
Tuỳ theo tính chất của công việc sửa chữa định kỳ, cơ quan quản lý đường bộ đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc áp dụng các nội dung của Quy định này vào công tác sửa chữa hoặc áp dụng theo các quy định về quản lý đầu tư xây dựng.
Điều 9. Trách nhiệm quản lý và bảo trì đường bộ.
1. Sở Giao thông vận tải là cơ quan quản lý hệ thống đường tỉnh.
2. Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan quản lý hệ thống đường huyện, đường đô thị và các tuyến đường khác theo phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện phân công nhiệm vụ quản lý các tuyến đường xã cho các cơ quan chuyên môn hoặc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.
4. Ủy ban nhân dân cấp xã là cơ quan quản lý hệ thống đường dân sinh.
5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có đường chuyên dùng tổ chức quản lý và bảo trì đường chuyên dùng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành đường bộ.
6. Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư xây dựng đường bộ theo hình thức hợp đồng xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT) tự tổ chức quản lý, bảo trì đường bộ trong giai đoạn khai thác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
NGUỒN VỐN VÀ QUY TRÌNH THỰC HIỆN QUẢN LÝ, BẢO TRÌ ĐƯỜNG BỘ
Điều 10. Nguồn vốn quản lý và bảo trì đường bộ
Nguồn vốn dành cho công tác quản lý và bảo trì đường bộ sử dụng từ nguồn chi thường xuyên cho sự nghiệp giao thông, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung, nguồn thu từ khai thác quỹ đất, nguồn thu phí, lệ phí liên quan đến đường bộ trên địa bàn tỉnh được để lại theo quy định của nhà nước và các nguồn thu khác (gọi chung là ngân sách); đối với loại đường giao thông nông thôn có thêm kinh phí do nhân dân đóng góp.
1. Ngân sách tỉnh
Bố trí cho quản lý và bảo trì các tuyến đường ĐT;
Hỗ trợ cho ngân sách cấp huyện để quản lý và bảo trì các tuyến ĐH: mức hỗ trợ 20% nhu cầu; hỗ trợ công tác sửa chữa có sử dụng vật liệu đối với các tuyến đường giao thông nông thôn: mức hỗ trợ 30% nhu cầu.
2. Ngân sách huyện
Bố trí cho quản lý và bảo trì các tuyến đường ĐH;
Hỗ trợ cho quản lý và bảo trì các tuyến giao thông nông thôn, mức hỗ trợ 30% nhu cầu cho công tác sửa chữa có sử dụng vật liệu.
3. Huy động đóng góp của nhân dân
Huy động đóng góp của nhân dân để bảo trì các tuyến giao thông nông thôn, hình thức huy động bằng công lao động để thực hiện các công việc đơn giản như phát cây, dẩy cỏ, vét rãnh thoát nước, khơi thông dòng chảy, đắp bù nền đường ...
Huy động các loại đóng góp khác để thực hiện công tác sửa chữa phức tạp, có sử dụng vật liệu: Tổ chức thực hiện theo Quy chế tài chính và quản lý xây dựng các công trình kiên cố hoá mặt đường giao thông nông thôn ban hành theo Quyết định số 29/2009/QĐ-UBND ngày 21 tháng 9 năm 2009 của UBND tỉnh; ngân sách tỉnh hỗ trợ 30% chi phí, ngân sách huyện hỗ trợ 30% chi phí, 40% còn lại huy động đóng góp của nhân dân bằng ngày công, vật liệu và bằng đóng góp khác.
4. Việc phân bổ ngân sách hàng năm để quản lý và bảo trì đường bộ thực hiện theo Luật Ngân sách.
Điều 11. Lập kế hoạch, phân bổ nguồn vốn ngân sách cho quản lý và bảo trì đường bộ
1. Xác định nhu cầu nguồn vốn quản lý và bảo trì đường bộ hàng năm.
UBND cấp xã lập nhu cầu vốn cho các công việc sửa chữa có sử dụng vật liệu báo cáo cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện;
Cơ quan chuyên môn cấp huyện lập nhu cầu vốn cho việc quản lý và bảo trì các tuyến đường được giao quản lý; tổng hợp nhu cầu vốn quản lý bảo trì đường bộ do UBND cấp xã lập, báo cáo Sở Giao thông vận tải.
Sở Giao thông vận tải lập nhu cầu vốn cho quản lý và bảo trì các tuyến ĐT, tổng hợp nhu cầu vốn bảo trì đường bộ hàng năm, phối hợp với các Sở Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, phân bổ nguồn vốn bảo trì các tuyến ĐT, hỗ trợ bảo trì các tuyến ĐH và giao thông nông thôn.
2. Phân bổ nguồn kinh phí ngân sách dành cho quản lý và bảo trì đường bộ.
a) Phân bổ dự toán chi ngân sách tỉnh.
Căn cứ vào nhu cầu vốn bảo trì đường bộ, Sở Tài Chính cân đối các nguồn vốn và lập dự toán chi ngân sách hàng năm, báo cáo UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh thông qua và phân bổ cho các địa phương, đơn vị.
- Nguồn vốn quản lý và bảo trì các tuyến ĐT: Phân bổ cho Sở Giao thông vận tải;
- Nguồn hỗ trợ bảo trì các tuyến đường ĐH và giao thông nông thôn phân bổ cho Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
b) Phân bổ dự toán chi ngân sách cấp huyện.
Căn cứ vào nhu cầu vốn bảo trì đường bộ trên địa bàn, cơ quan chuyên môn cấp huyện huyện cân đối các nguồn vốn kết hợp với nguồn hỗ trợ của ngân sách tỉnh để lập dự toán chi ngân sách, báo cáo UBND cấp huyện trình HĐND cùng cấp thông qua, phân bổ cho các địa phương, đơn vị.
Điều 12. Quy trình thực hiện công tác quản lý và bảo trì các tuyến đường ĐT, ĐH.
Các tuyến đường ĐT, ĐH sử dụng 100% nguồn vốn ngân sách để quản lý và bảo trì, tổ chức thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước, được quy định tại các văn bản sau:
Nghị định số 168/2003/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2003 quy định về nguồn tài chính và quản lý, sử dụng nguồn tài chính cho quản lý, bảo trì đường bộ;
Quyết định số 256/2006/QĐ-TTg ngày 9 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích;
Thông tư liên tịch số 10/2008/TTLT/BTC-BGTVT ngày 30 tháng 01 năm 2008 của liên Bộ Tài Chính - Giao thông vận tải hướng dẫn chế độ quản lý, thanh toán, quyết toán kinh phí sự nghiệp kinh tế quản lý, bảo trì đường bộ;
Thông tư số 30/2010/TT-BTC ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Bộ Tài Chính hướng dẫn quản lý tài chính đối với nhiệm vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực đường bộ, đường thuỷ nội địa;
Các định mức do Nhà nước công bố, các văn bản khác liên quan.
Điều 13. Quy trình thực hiện công tác quản lý và bảo trì các tuyến giao thông nông thôn.
1. Công tác bảo trì đơn giản, không sử dụng vật liệu.
Căn cứ vào số lượng và chiều dài đường đang quản lý, UBND cấp xã lập phương án giao khoán trách nhiệm quản lý và bảo trì các tuyến đường cho các cụm dân cư (thôn, tổ). Phương án khoán phải được lập cụ thể căn cứ vào điều kiện đường sá, phân chia theo số lao động, số nhân khẩu của các cụm dân cư và công khai cho cộng đồng tham gia ý kiến.
Sau khi nhận khoán, các cụm dân cư triển khai thực hiện các công việc theo hướng dẫn, UBND cấp xã kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.
Sau khoảng 3 - 5 năm hoặc tuỳ theo điều kiện thực tế tại địa phương, UBND cấp xã điều chỉnh phương án khoán cho phù hợp với các biến động về nhân khẩu và điều kiện đường sá.
Hằng năm, UBND cấp xã phát động 02 đợt ra quân bảo trì đường bộ:
- Đợt 1: Vào tháng 1, tháng 2 để sửa chữa các tuyến đường sau mùa mưa lũ, phục vụ đi lại trong dịp tết Nguyên đán, làm cho nông thôn sạch, đẹp, giao thông thông suốt, an toàn.
- Đợt 2: Vào tháng 7, tháng 8 trước khi mùa mưa lũ diễn ra, đợt này để khắc phục các hư hỏng, tránh bị phá hủy lan rộng trong mùa mưa.
2. Công tác bảo trì có sử dụng vật liệu.
Là công việc phức tạp có sự hỗ trợ kinh phí của ngân sách cấp tỉnh (30%) và cấp huyện (30%), phần còn lại huy động đóng góp của cộng đồng.
Căn cứ số nguồn kinh phí được được hỗ trợ và nhu cầu sửa chữa đường, cầu, cống, UBND cấp xã triển khai thực hiện tương tự như chương trình kiên cố hoá mặt đường giao thông nông thôn.
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ VÀ BẢO TRÌ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Điều 14. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải
1. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thực hiện quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
2. Chỉ đạo, tổ chức bồi dưỡng cán bộ tham gia vào công tác quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong phạm vi toàn tỉnh;
3. Tổ chức quản lý và bảo trì hệ thống đường tỉnh; hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức quản lý, bảo trì đường bộ thuộc địa phương quản lý;
4. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
5. Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và thực hiện các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
6. Xây dựng kế hoạch, tổ chức, kiểm tra thực hiện công tác phòng, chống, kịp thời khôi phục giao thông khi bị thiên tai, địch họa;
7. Tổng hợp nhu cầu nguồn vốn, theo dõi quá trình triển khai thực hiện công tác quản lý và bảo trì đường bộ trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các Sở Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh xây dựng dự toán chi ngân sách tỉnh cho quản lý, bảo trì đường bộ và phòng chống, khắc phục hậu quả do thiên tai, địch hoạ gây ra đối với hệ thống đường bộ;
8. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại và tố cáo liên quan đến việc quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Trách nhiệm của Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp huyện cân đối các nguồn vốn, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, phân bổ dự toán chi cho quản lý và bảo trì các tuyến ĐT, hỗ trợ cho quản lý, bảo trì các tuyến ĐH và giao thông nông thôn;
Hướng dẫn công tác quản lý tài chính, tạm ứng, thanh toán, quyết toán nguồn vốn quản lý và bảo trì đường bộ.
Điều 16. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Tài Chính tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định phân bổ dự toán ngân sách cho quản lý và bảo trì đường bộ;
Khi thẩm định các dự án quy hoạch phải bảo đảm dự án tuân thủ quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Điều 17. Trách nhiệm của Sở Xây dựng
Chỉ đạo, hướng dẫn lập và quản lý quy hoạch xây dựng theo thẩm quyền; hướng dẫn quản lý xây dựng ngoài hành lang an toàn đường bộ; phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn lập và thực hiện quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đô thị.
Điều 18. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Tổ chức thực hiện công tác quản lý và bảo trì đường bộ trên địa bàn; xây dựng, trình HĐND cùng cấp thông qua dự toán chi ngân sách cho quản lý và bảo trì đường bộ;
2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nhân dân các quy định về phạm vi đất dành cho đường bộ, các quy định về phạm vi đất dành cho an toàn các công trình đường bộ trên địa bàn;
3. Quản lý, sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật; xử lý kịp thời các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ;
4. Phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ và các lực lượng liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình đường bộ. Huy động mọi lực lượng, vật tư, thiết bị để bảo vệ công trình, kịp thời khôi phục giao thông khi có sự cố hư hỏng, ách tắc xảy ra;
5. Cấp, thu hồi giấy phép thi công trên đường bộ theo phân cấp;
6. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật;
7. Xử phạt các vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn theo thẩm quyền quy định tại điều 48, Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ.
Điều 19. Trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn cấp huyện
Là cơ quan quản lý đường bộ đối với các tuyến đường được giao quản lý; xây dựng nhu cầu nguồn vốn dành cho quản lý và bảo trì các tuyến đường ĐH và giao thông nông thôn trên địa bàn huyện; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý và bảo trì các tuyến đường giao thông nông thôn.
Tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện cân đối, phân bổ dự toán chi ngân sách cấp huyện cho quản lý và bảo trì các tuyến đường ĐH và giao thông nông thôn;
Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý tài chính của UBND cấp xã, thẩm tra quyết toán các nguồn vốn ngân sách.
Điều 20. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Tổ chức quản lý, bảo trì hệ thống đường dân sinh trên địa bàn và các loại đường khác theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Xây dựng nhu cầu nguồn vốn dành cho quản lý, bảo trì các tuyến đường bộ trên địa bàn được giao quản lý;
2. Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nhân dân các quy định về phạm vi đất dành cho đường bộ, bảo vệ hành lang đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn;
3. Phối hợp với đơn vị trực tiếp quản lý công trình đường bộ và các lực lượng liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình đường bộ, bảo vệ các cột mốc lộ giới;
4. Quản lý việc sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ;
5. Huy động mọi lực lượng, vật tư, thiết bị để bảo vệ công trình, kịp thời khôi phục giao thông khi bị có sự cố hư hỏng xảy ra;
6. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn cấp xã quản lý theo quy định của pháp luật;
7. Kiểm tra, xử phạt các vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn theo thẩm quyền quy định tại điều 48, Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ; trường hợp vượt thẩm quyền xử phạt, Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản vi phạm, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.
Điều 21. Trách nhiệm của các Chủ đầu tư, các tổ chức liên quan
Khi lập quy hoạch xây dựng mới, cải tạo nâng cấp công trình hoặc tổ chức các hoạt động có ảnh hưởng đến an toàn các công trình đường bộ phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý.
Điều 22. Khen thưởng và xử phạt
1. Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phát hiện, tố giác và ngăn chặn hành vi xâm phạm, phá hoại công trình đường bộ, hành vi lấn, chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ, được khen thưởng theo quy định của Nhà nước.
2. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, các ngành, địa phương, đơn vị và cá nhân có liên quan phản ánh về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Quy định cho phù hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.