KIỂM
TOÁN NHÀ NƯỚC |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2007/QĐ-KTNN |
Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 2007 |
BAN HÀNH QUY CHẾ XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG “VÌ SỰ NGHIỆP KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC”
TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật kiểm toán nhà nước;
Căn cứ Luật thi đua, khen thưởng ngày 26/11/2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật thi đua, khen thưởng ngày 14/6/2005;
Căn cứ Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng;
Căn cứ Nghị quyết số 1053/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 10/11/2006 của Ủy ban Thường vụ
Quốc hội giải thích khoản 6 Điều 19 của Luật kiểm toán nhà nước;
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Kiểm toán Nhà nước và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm toán Nhà nước”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo, thay thế Quyết định số 388/QĐ-KTNN ngày 03 tháng 11 năm 2003 của Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc ban hành Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm toán Nhà nước”.
Điều 3. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của Kiểm toán Nhà nước, Chánh Văn phòng, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TỔNG
KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC |
XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG “VÌ SỰ NGHIỆP KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 06/2007/QĐ-KTNN ngày 22 tháng 10 năm 2007 của
Tổng Kiểm toán Nhà nước)
Quy chế này quy định về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc xét tặng Kỷ niệm chương; đối tượng và tiêu chuẩn xét tặng, thẩm quyền, quy trình, hồ sơ đề nghị và tổ chức trao tặng; xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm toán Nhà nước”.
Điều 2. Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm toán Nhà nước”
Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm toán Nhà nước” (sau đây gọi tắt là Kỷ niệm chương) là hình thức khen thưởng của Kiểm toán Nhà nước để ghi nhận công lao của các cá nhân đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Kiểm toán Nhà nước.
Điều 3. Nguyên tắc xét tặng Kỷ niệm chương
1. Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm toán Nhà nước” được xét tặng hàng năm nhân dịp Kỷ niệm Ngày truyền thống của Kiểm toán Nhà nước (ngày 11 tháng 7) và chỉ tặng một lần cho mỗi cá nhân, không có hình thức truy tặng.
2. Việc xét tặng Kỷ niệm chương phải được thực hiện đúng đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình được quy định tại Quy chế này, đảm bảo nguyên tắc chính xác, công bằng, công khai, dân chủ và kịp thời.
3. Việc xét tặng Kỷ niệm chương phải kết hợp chặt chẽ giữa động viên tinh thần với khuyến khích về lợi ích vật chất.
ĐỐI TƯỢNG VÀ TIÊU CHUẨN XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG
Điều 4. Đối tượng xét tặng Kỷ niệm chương
1. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã và đang công tác tại Kiểm toán Nhà nước.
2. Cá nhân ngoài cơ quan Kiểm toán Nhà nước có công lao đóng góp cho sự nghiệp Kiểm toán Nhà nước.
3. Cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài có công lao đóng góp cho sự nghiệp Kiểm toán Nhà nước.
Điều 5. Tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương
1. Cá nhân thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 4 của Quy chế này đạt một trong số các tiêu chuẩn sau đây:
a) Cá nhân là Anh hùng lao động, Chiến sĩ thi đua toàn quốc hoặc trong thời gian công tác tại Kiểm toán Nhà nước được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động;
b) Có thời gian công tác tại Kiểm toán Nhà nước đủ 15 năm trở lên (mười lăm năm), tính đến ngày 11/7 của năm đề nghị tặng, hoàn thành nhiệm vụ được giao;
c) Các cá nhân đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ thời gian công tác 15 năm nhưng đã có tối thiểu 10 năm công tác tại Kiểm toán Nhà nước và có đủ thành tích theo quy định được Tổng Kiểm toán Nhà nước xem xét tặng cho từng trường hợp cụ thể;
d) Cá nhân có công trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ góp phần thúc đẩy sự nghiệp Kiểm toán Nhà nước và được Hội đồng khoa học Kiểm toán Nhà nước công nhận.
2. Cá nhân thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 4 của Quy chế này có công đóng góp, ủng hộ (về mặt tinh thần hoặc ủng hộ vận động về mặt vật chất) trong việc đổi mới, xây dựng và phát triển sự nghiệp Kiểm toán Nhà nước.
3. Cá nhân thuộc đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 4 của Quy chế này có công lao giúp đỡ Kiểm toán Nhà nước trên các mặt: xây dựng, củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác giữa Kiểm toán Nhà nước Việt Nam với Kiểm toán Nhà nước của các nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế; vận động các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ có những đóng góp giúp đỡ về tinh thần, vật chất hoặc có những đóng góp lớn khác về tư vấn, đào tạo, trợ giúp về kỹ thuật, công nghệ thông tin…
Điều 6. Cách tính thời gian công tác tại Kiểm toán Nhà nước
1. Cá nhân thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 4 của Quy chế này:
a) Nếu đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp ngành; được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ thì ưu tiên quy đổi thời gian như sau:
- Mỗi năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp ngành được nhân hệ số 1,5;
- Mỗi năm được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ được nhân hệ số 2,0.
b) Trường hợp cá nhân được cử đi học và hoàn thành nhiệm vụ học tập hoặc thực hiện nghĩa vụ quân sự sau đó lại được điều động về công tác tại Kiểm toán Nhà nước thì thời gian đi làm nghĩa vụ quân sự, thời gian đi học được tính là thời gian công tác liên tục để xét tặng Kỷ niệm chương.
2. Cá nhân bị xử lý kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên nhưng chưa đến mức buộc thôi việc thì thời gian chấp hành quyết định kỷ luật không được tính để xét tặng Kỷ niệm chương.
Điều 7. Quyền lợi của người được tặng Kỷ niệm chương
Người được tặng Kỷ niệm chương được nhận Kỷ niệm chương, giấy chứng nhận, mức thưởng bằng tiền hoặc hiện vật kỷ niệm có giá trị tương đương theo quy định tại Nghị định 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ.
Điều 8. Những trường hợp không xét tặng Kỷ niệm chương
1. Người bị kỷ luật buộc thôi việc;
2. Người đang phải chấp hành quyết định kỷ luật;
3. Người đang bị khởi tố, truy tố trong vụ án hình sự hoặc đang bị xem xét xử lý kỷ luật;
4. Người đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích.
THẨM QUYỀN, QUY TRÌNH, HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ VÀ TỔ CHỨC TRAO TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG
Điều 9. Thẩm quyền xét, tặng Kỷ niệm chương
Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng làm nhiệm vụ tiếp nhận, xem xét, thẩm định hồ sơ, lập danh sách các cá nhân đủ tiêu chuẩn trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng xem xét đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định tặng thưởng Kỷ niệm chương.
Điều 10. Quy trình xét tặng Kỷ niệm chương
1. Đối với cá nhân thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 4 của Quy chế này: Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc kiểm tra đối chiếu với tiêu chuẩn, lập hồ sơ các cá nhân đủ tiêu chuẩn gửi về Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng.
2. Đối với các cá nhân thuộc đối tượng quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 4 của Quy chế này: Văn phòng Kiểm toán Nhà nước và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc có quan hệ trực tiếp lập hồ sơ các cá nhân được đề nghị gửi về Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng.
Điều 11. Hồ sơ xét tặng Kỷ niệm chương
1. Tờ trình của đơn vị đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương;
2. Danh sách cá nhân được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm toán Nhà nước”;
3. Bản kê khai tóm tắt thành tích và quá trình công tác của cá nhân, có xác nhận của thủ trưởng đơn vị trực thuộc.
Điều 12. Thời gian gửi hồ sơ đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương
1. Các đơn vị có cá nhân được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương gửi hồ sơ về Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng trước ngày 31 tháng 5 hàng năm.
2. Đối với các cá nhân thuộc đối tượng quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 4 của Quy chế này và các trường hợp đặc biệt khác được thực hiện khi có đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Điều 11 của Quy chế này.
Điều 13. Tổ chức trao tặng Kỷ niệm chương
1. Thủ trưởng các đơn vị đề nghị tặng Kỷ niệm chương có trách nhiệm tổ chức trao tặng cho các cá nhân được tặng Kỷ niệm chương của đơn vị mình.
2. Việc tổ chức trao tặng cho các đối tượng quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 4 Quy chế này được thực hiện theo chỉ đạo của Tổng Kiểm toán Nhà nước.
XỬ LÝ VI PHẠM VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Điều 14. Xử lý vi phạm về xét tặng Kỷ niệm chương
1. Cá nhân được tặng Kỷ niệm chương chịu trách nhiệm về tính trung thực trong kê khai báo cáo thành tích và quá trình công tác. Khi phát hiện có sự gian dối trong việc kê khai để được tặng Kỷ niệm chương thì bị hủy bỏ quyết định khen thưởng, thu hồi Kỷ niệm chương, giấy chứng nhận, tiền thưởng và hiện vật liên quan.
2. Thủ trưởng đơn vị hoặc cá nhân không trung thực trong việc kê khai, xác nhận báo cáo thành tích thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và của Kiểm toán Nhà nước.
Điều 15. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về xét tặng Kỷ niệm chương
1. Cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo về xét tặng Kỷ niệm chương theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
2. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về xét tặng Kỷ niệm chương được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Quy chế này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo, thay thế Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm toán Nhà nước” được ban hành kèm theo Quyết định số 388/QĐ-KTNN ngày 03/11/2003 của Tổng Kiểm toán Nhà nước.
1. Chánh Văn phòng Kiểm toán Nhà nước, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc phát sinh mới, các đơn vị cần phản ánh kịp thời về Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Kiểm toán Nhà nước để báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
|
TỔNG
KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.