ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2024/QĐ-UBND |
Hải Phòng, ngày 19 tháng 02 năm 2024 |
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ BÃI TẮM BIỂN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Du lịch ngày 19 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch;
Căn cứ Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch;
Theo đề nghị của Sở Du lịch tại các Tờ trình số 19/SDL-TTr ngày 16 tháng 11 năm 2023 và số 150/SDL-TTr ngày 05/02/2024;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý bãi tắm biển trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 03 năm 2024 và thay thế Quyết định số 26/2018/QĐ-UBND ngày 13 tháng 9 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Quy chế quản lý bãi tắm du lịch trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Giám đốc các Sở, ngành: Du lịch, Giao thông vận tải, Văn hóa và Thể thao, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Xây dựng, Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
QUẢN
LÝ BÃI TẮM BIỂN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
(Kèm theo Quyết định số 04/2024/QĐ-UBND ngày 19 tháng 02 năm 2024 của Ủy ban
nhân dân thành phố Hải Phòng)
Quy chế này quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, cơ quan quản lý và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng, khai thác bãi tắm biển trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
1. Các cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền liên quan.
2. Tổ chức, cá nhân được giao quản lý và khai thác bãi tắm biển.
3. Tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ tại bãi tắm biển.
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Bãi tắm biển (sau đây gọi tắt là bãi tắm) là khu vực được hình thành tự nhiên hoặc nhân tạo từ cát, sỏi, đá, đá cuội hoặc vật liệu khác, dễ tiếp cận an toàn với vùng nước biển và khu vực tắm, đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 4, 5, 6 của Quy chế này.
2. Bãi tắm biển công cộng là bãi tắm biển mà nhân dân và khách du lịch được tự do tiếp cận sử dụng với mục đích tắm biển, vui chơi giải trí phù hợp với quy định của pháp luật và Quy chế này.
3. Đơn vị khai thác bãi tắm là tổ chức, cá nhân đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao quản lý, kiểm soát và chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến hoạt động tại bãi tắm.
4. Khu vực hoạt động của bãi tắm là phần diện tích bề mặt, dưới nước và trên không đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
5. Phân khu hoạt động là việc sử dụng thiết bị kỹ thuật (phao tiêu, dây phao, cờ chỉ giới) để phân định ranh giới các khu vực có mục đích sử dụng khác nhau để đảm bảo cho người sử dụng bãi tắm an toàn và thoải mái trong một không gian giới hạn nhất định.
6. Hoạt động tại bãi tắm gồm hoạt động tắm, hoạt động cung cấp hoặc sử dụng dịch vụ được thực hiện trong phạm vi bãi tắm.
7. Hoạt động cung cấp dịch vụ tại bãi tắm là việc cung cấp các dịch vụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí và các dịch vụ khác liên quan, đáp ứng nhu cầu của người tắm biển được sử dụng trong phạm vi bãi tắm, theo quy định của pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền.
Điều 4. Điều kiện chung của bãi tắm
1. Khu vực trên cạn của bãi tắm phải có độ thoải đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách; độ sâu tính từ ngấn nước thủy triều cao nhất (trong 05 năm liên tục) không quá 1,5m (mét).
2. Đảm bảo chất lượng nước biển theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 10- MT:2023/BTNMT quy định cho Vùng biển ven bờ, tại các Bảng thuộc Mục 2.1. Chất lượng nước biển vùng ven bờ (QCVN 10-MT:2023/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển, ban hành theo Thông tư số 01/2023/TT-BTNMT ngày 13/3/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường).
3. Có hệ thống giao thông kết nối đến khu vực bãi tắm đảm bảo thuận lợi và an toàn. Có điểm trông giữ xe cho khách du lịch hoặc điểm neo đậu phương tiện thủy nội địa chờ khách du lịch nằm ngoài khu vực biển chỉ giới bãi tắm và tuân thủ quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa.
4. Có hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo yêu cầu phục vụ công tác cảnh báo, cứu nạn, cứu hộ. Đối với các bãi tắm xa bờ phải có hệ thống thông tin liên lạc.
5. Có hệ thống nước ngọt đảm bảo vệ sinh, đáp ứng nhu cầu tắm tráng và hoạt động kinh doanh dịch vụ hỗ trợ.
6. Có hệ thống thu gom nước thải riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa; có hệ thống thu gom, lưu trữ, phân loại rác thải tại nguồn; có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn (hệ thống xử lý nước thải đặt tại vị trí phù hợp với tổng mặt bằng chi tiết đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, xả nước thải vào vị trí đã được cấp phép theo quy định).
7. Chiều dài tối đa dành cho khu vực vui chơi giải trí dưới nước tại bãi tắm (nếu có) không quá 1/4 chiều dài bãi tắm; đối với bãi tắm có chiều dài dưới 100m không được tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí dưới nước.
8. Đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, cứu nạn, cứu hộ, thiết bị sơ cứu y tế và các phương tiện khác tuân thủ theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của khách du lịch.
Điều 5. Điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật
1. Có phương tiện (ca nô, xuồng, mô tô nước) cứu hộ đặt thường trực tại vị trí đảm bảo thuận lợi cho công tác cứu hộ, khoảng cách giữa các xuồng cứu hộ tối đa là 150m; Phương tiện (ca nô, xuồng, mô tô nước) cứu hộ đảm bảo các giấy tờ về phương tiện và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động theo quy định và thường trực đặt ở vị trí thuận lợi đáp ứng công tác cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố xảy ra. Trên mỗi phương tiện (ca nô, xuồng, mô tô nước) cứu hộ có trang bị tối thiểu 06 áo phao cứu sinh, 02 phao cứu sinh (mỗi phao cứu sinh có kèm dây ném có độ dài từ 20 - 25m để thực hiện được công tác cứu sinh) và có bộ đồ lặn kèm theo bình dưỡng khí.
2. Có các hệ thống phao tiêu, dây phao, cờ chỉ giới, biển báo hiệu vùng hành lang an toàn phù hợp với thủy triều thường xuyên của mực nước, màu sắc tương phản với màu nước, dễ quan sát, đảm bảo yêu cầu cảnh báo; có biển báo khu vực nguy hiểm sóng lớn gần bãi đá và núi, nước xoáy; có hệ thống phao nổi phân khu hoạt động giữa khu vực tắm biển và khu vực vui chơi giải trí dưới nước. Hệ thống phao nổi phải được bố trí thành hai hàng có màu sắc khác nhau, khoảng cách giữa hai hàng phao tối thiểu là 05m.
3. Có bảng nội quy kích thước tối thiểu 6m2 (có một chiều tối thiểu 2m), khoảng cách giữa các bảng nội quy là 200m, đặt ở vị trí dễ quan sát, quy định nội quy bãi tắm bằng hai thứ tiếng: Tiếng Việt, tiếng Anh, chữ rõ ràng, không tẩy xóa, đảm bảo mỹ quan.
4. Có bảng sơ đồ các khu vực chức năng đặt ở vị trí dễ quan sát tại bãi tắm; có hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn đến các điểm dịch vụ và hệ thống giao thông nội bộ.
5. Có chòi canh (hoặc ghế canh hoặc trạm quan sát), khoảng cách giữa các chòi canh (hoặc ghé canh hoặc trạm quan sát) là 100m; được lắp đặt phù hợp với không gian biển và đảm bảo độ cao bao quát toàn bộ bãi tắm.
6. Có hệ thống loa phát thanh, ống nhòm, loa cầm tay chất lượng tốt, giao cho lực lượng trực quan sát quản lý sử dụng. Hệ thống loa phát thanh, phát thường xuyên theo thời gian hoạt động của bãi tắm, cảnh báo an toàn và nội quy bãi tắm bằng 2 thứ tiếng: Tiếng Việt, tiếng Anh.
7. Có phòng trực cấp cứu hoặc khu vực riêng được trang bị đầy đủ phương tiện sơ cấp cứu, bố trí nhân viên có chuyên môn nghiệp vụ y tế phù hợp làm việc theo giờ mở cửa của bãi tắm.
8. Có điểm tắm tráng nước ngọt (nam, nữ riêng biệt), khoảng cách giữa các điểm tắm tráng tối đa là 150m; có bố trí mắc treo hoặc giá đựng quần áo, giỏ đựng rác được thu gom thường xuyên. Có tủ đựng đồ cho khách và có khóa riêng có dây đeo cho từng ngăn tủ.
9. Nhà vệ sinh công cộng tại bãi tắm đảm bảo sạch sẽ, được thông gió và đủ ánh sáng; được bố trí đủ, tương ứng với số lượng khách du lịch vào thời kỳ cao điểm.
10. Bố trí các thùng chứa rác trên bãi tắm khoảng cách tối đa 50m/thùng, có nắp đậy, đảm bảo sạch sẽ, thân thiện với môi trường; hằng ngày có lực lượng thu gom rác nổi trên mặt nước.
11. Có hòm thư góp ý, đặt ở vị trí dễ quan sát, chất liệu phù hợp với khí hậu địa phương. Công bố công khai trên bảng sơ đồ các khu vực chức năng, bảng nội quy, bảng niêm yết giá và những nơi dễ quan sát các số điện thoại của: đơn vị quản lý, khai thác bãi tắm, đường dây nóng của chính quyền địa phương cấp xã, cấp huyện, Đồn biên phòng nơi có bãi tắm, Thanh tra các ngành Du lịch, Văn hóa và Thể thao để tiếp nhận, hỗ trợ và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh liên quan.
12. Có lối lên xuống khu vực ưu tiên dành cho người khuyết tật.
13. Có khu vực dịch vụ cho thuê phao bơi, chất lượng phao đảm bảo tiêu chuẩn của cơ sở sản xuất, đã được cơ quan chuyên môn kiểm định đủ tiêu chuẩn chất lượng của phao bơi cá nhân.
14. Có khu vực treo biển dành riêng cho người hút thuốc lá.
Điều 6. Quy định đối với nhân lực làm việc tại bãi tắm
1. Đội ngũ nhân viên, lao động làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, cứu đuối nước, y tế, hướng dẫn viên, điều khiển phương tiện, trực trạm quan sát, bảo vệ phải được bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ và có chứng chỉ chuyên môn theo quy định của pháp luật đối với công việc đảm nhiệm; đảm bảo sức khỏe và được khám sức khỏe định kỳ do cơ sở khám, chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe theo quy định tại Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 06/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế; được bố trí trực đảm bảo quân số tại các vị trí trên bãi tắm và trong suốt thời gian hoạt động của bãi tắm theo quy định.
2. Có 01 nhân viên cứu nạn, cứu hộ trong khoảng cách 30m chiều dài bãi tắm.
3. Có hợp đồng lao động bằng văn bản với đơn vị khai thác bãi tắm.
4. Trang phục và đeo phù hiệu đúng quy định của đơn vị khai thác bãi tắm.
Phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại các khoản 1, 2, 4, 5, 6, 8 Điều 4; tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 1, 9, 10 Điều 5 và tại khoản 1 Điều 6 Quy chế này.
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BÃI TẮM, TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHI THAM GIA HOẠT ĐỘNG TẠI BÃI TẮM
Điều 8. Thời gian hoạt động tại các bãi tắm
1. Mùa hè (từ ngày 01 tháng 4 đến ngày 31 tháng 10): Thời gian hoạt động từ 5 giờ 30 phút đến 19 giờ 00 phút. Mùa đông (từ 01 tháng 11 đến ngày 31 tháng 3): Thời gian hoạt động từ 7 giờ 00 phút đến 18 giờ 00 phút.
2. Yêu cầu các bãi tắm trong thời gian hoạt động phải đảm bảo an toàn tuyệt đối và phải có lực lượng quản lý, theo dõi du khách sử dụng dịch vụ, đảm bảo kịp thời cứu nạn, cứu hộ, cứu đuối nước cho người tắm và sử dụng dịch vụ tại bãi tắm.
Điều 9. Quyền và trách nhiệm của đơn vị khai thác bãi tắm
1. Đơn vị khai thác bãi tắm được:
a) Nhà nước bảo hộ hoạt động kinh doanh du lịch hợp pháp tại khu vực bãi tắm.
b) Đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố công nhận là điểm du lịch theo quy định tại Điều 23, Điều 24 Luật Du lịch năm 2017.
c) Hưởng các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật.
2. Đơn vị khai thác bãi tắm có trách nhiệm:
a) Khảo sát, xây dựng biểu đồ hiện trạng bãi tắm chiều dài, chiều rộng, độ sâu mực nước, độ nước xoáy, độ sóng, thủy triều theo mùa.
b) Thành lập lực lượng cứu nạn, cứu hộ, quản lý an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm có chuyên môn nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ của từng vị trí công việc.
c) Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép theo quy định của pháp luật.
d) Ban hành nội quy bãi tắm; phương án quản lý, khai thác bãi tắm quy định rõ thông tin đơn vị được giao khai thác bãi tắm, lãnh đạo đơn vị, cán bộ phụ trách bãi tắm; hệ thống phản hồi khiếu nại, kiến nghị của người tắm, người sử dụng dịch vụ tại bãi tắm; phương án tổ chức quản lý các hoạt động dịch vụ tại bãi tắm; bảng sơ đồ lắp dựng tại khu vực bãi tắm thông tin về dịch vụ, vị trí các khu vực chức năng của bãi tắm; kế hoạch bảo trì cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, trang thiết bị bãi tắm, vệ sinh môi trường; kế hoạch ứng phó đối với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra tại bãi tắm.
đ) Lắp đặt biển chỉ dẫn, biển tên bãi tắm, biển báo “bãi tắm biển công cộng” đối với bãi tắm công cộng tại khu vực dẫn đến đường vào bãi tắm và tại nơi dễ quan sát thuộc khu vực bãi tắm.
e) Đảm bảo việc giữ gìn và bảo vệ tài nguyên du lịch theo quy định của pháp luật.
g) Nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật và chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền về các lĩnh vực hoạt động của đơn vị trong việc quản lý, khai thác bãi tắm.
h) Đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất thiết bị kỹ thuật, con người phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ luôn trong trạng thái sẵn sàng, hoạt động tốt, phù hợp với thủy triều và tình hình thời tiết.
i) Đối với các bãi tắm nằm trong khu vực đã thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển thành phố Hải Phòng phải thực hiện nghiêm các quy định tại Điều 24, 25 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Điều 41 Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
k) Bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển theo quy định của pháp luật
l) Niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với các hàng hóa và dịch vụ tại bãi tắm.
m) Có các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân và khách du lịch tại bãi tắm. Trường hợp xảy ra vụ việc do đơn vị khai thác bãi tắm không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách thì đơn vị khai thác bãi tắm phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị hại theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định.
n) Thực hiện báo cáo hoạt động khai thác, quản lý bãi tắm khi có yêu cầu của Sở Du lịch, Ủy ban nhân dân quận, huyện nơi có bãi tắm; đối với bãi tắm đã được công nhận là điểm du lịch, thực hiện chế độ báo cáo theo Thông tư 18/2021/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chế độ báo cáo thống kê trong hoạt động du lịch.
o) Đảm bảo chất lượng an toàn theo quy định đối với các vật dụng, thiết bị, dụng cụ (áo phao, phao bơi) cho du khách thuê để tắm biển.
p) Không tổ chức các hoạt động kinh doanh mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoặc không đúng với các nội dung đã được cho phép.
q) Không để các đơn vị được phép kinh doanh dịch vụ vui chơi dưới nước điều khiển các phương tiện ca nô kéo dù, ca nô lướt ván, mô tô nước, thuyền buồm thể thao và các phương tiện vui chơi giải trí khác với tốc độ cao vào khu vực dành riêng cho người tắm biển hoặc gần hệ thống phao tiêu giới hạn vùng hoạt động khác.
r) Không lấn chiếm bãi biển, biển chỉ giới khu vực bãi biển; bố trí ô, dù, ghế tại khu vực dành riêng cho người tắm biển.
s) Không chăn nuôi, thả rông súc vật hoặc để khách thả rông súc vật trong khu vực bãi tắm.
t) Không thực hiện hoặc để các tổ chức, cá nhân thực hiện những hành vi quy định tại: Khoản 1 Điều 8 Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo 2015; khoản 1, khoản 4 Điều 9 Luật Du lịch 2017; khoản 4 Điều 7 Luật Thủy sản năm 2017; khoản 1, khoản 2 Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các hành vi khác mà pháp luật cấm trong phạm vi quản lý của đơn vị. Nếu phát hiện hành vi vi phạm, đơn vị phải thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động và sử dụng dịch vụ tại bãi tắm
1. Các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động và sử dụng dịch vụ tại bãi tắm được:
a) Tự do vào bãi tắm công cộng; sử dụng dịch vụ du lịch do tổ chức, cá nhân kinh doanh bãi tắm cung cấp.
b) Đối xử bình đẳng; bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản khi sử dụng dịch vụ tại bãi tắm; tôn trọng danh dự, nhân phẩm; cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp khẩn cấp.
c) Kiến nghị với đơn vị khai thác bãi tắm và cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề không đúng quy định liên quan đến hoạt động tại bãi tắm.
d) Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
2. Các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động và sử dụng dịch vụ tại bãi tắm phải thực hiện:
a) Tuân thủ pháp luật Việt Nam; ứng xử văn minh, tôn trọng phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa địa phương; bảo vệ và giữ gìn tài nguyên du lịch, môi trường du lịch; không gây phương hại đến hình ảnh quốc gia, truyền thống văn hóa dân tộc của Việt Nam.
b) Nội quy, quy định của bãi tắm.
c) Thanh toán tiền khi sử dụng các hàng hóa, dịch vụ có niêm yết giá tại bãi tắm.
d) Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự khi gây thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân hoạt động tại bãi tắm.
đ) Không thực hiện các hành vi quy định tại: Khoản 4 Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017; khoản 5 Điều 5 Luật Phòng, chống ma túy 2021 và các hành vi khác mà pháp luật cấm. Nếu phát hiện hành vi vi phạm phải thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
Điều 11. Trách nhiệm của Sở Du lịch
1. Là cơ quan thường trực, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế. Kịp thời tổng hợp những đề xuất bất cập, không còn phù hợp của các cơ quan, Sở, ngành, địa phương để báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét sửa đổi, bổ sung trong quá trình thực hiện Quy chế.
2. Xây dựng định hướng, tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố chính sách về quy hoạch, quản lý, sử dụng và bảo vệ bãi tắm.
3. Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức các chương trình tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ du lịch cho đơn vị khai thác bãi tắm.
4. Thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực du lịch tại các bãi tắm theo quy định.
Điều 12. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải
1. Hướng dẫn, kiểm tra các tiêu chuẩn về: an toàn kỹ thuật của các phương tiện (ca nô, xuồng, mô tô nước) cứu hộ theo phân cấp của Bộ Giao thông vận tải; chuyên môn, nghiệp vụ của người điều khiển phương tiện và công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa có liên quan đến bãi tắm.
2. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện nơi có bãi tắm tổ chức phân luồng và xác định vị trí điểm neo đậu cho các tàu thuyền xa khu vực hành lang an toàn bãi tắm.
Điều 13. Trách nhiệm của Sở Văn hóa và Thể thao
Hướng dẫn; cấp giấy phép, chứng chỉ, chứng nhận và tổ chức kiểm tra các điều kiện theo quy định đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ trong lĩnh vực văn hóa, hoạt động kinh doanh dịch vụ thể thao dưới nước tại bãi tắm.
Điều 14. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
Hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị khai thác bãi tắm thực hiện các quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường.
Điều 15. Trách nhiệm của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố
1. Chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên biển; bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, cứu nạn, cứu hộ trong khu vực biên giới biển theo quy định của pháp luật.
2. Phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa đối với các phương tiện cứu hộ; tham gia cứu hộ, cứu nạn, giải quyết các sự cố xảy ra trên địa bàn quản lý.
Phối hợp với Sở Du lịch và Ủy ban nhân dân các quận, huyện nơi có bãi tắm trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các bãi tắm trên địa bàn thành phố theo chức năng, nhiệm vụ của ngành.
Điều 17. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân quận, huyện nơi có bãi tắm
1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các bãi tắm trên địa bàn; giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị khai thác bãi tắm; giám sát đơn vị khai thác bãi tắm tổ chức các hoạt động tại bãi tắm; công bố danh sách các bãi tắm trên địa bàn. Có trách nhiệm giám sát và xử lý kịp thời các bãi tắm không trong danh sách công bố hoạt động.
2. Thanh tra, kiểm tra, quản lý toàn diện tình hình hoạt động của các bãi tắm, xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật tại các bãi tắm trên phạm vi địa bàn quận, huyện.
3. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Quy chế quản lý bãi tắm trên địa bàn thành phố Hải Phòng cho các đơn vị được giao khai thác bãi tắm; tuyên truyền, giáo dục cộng đồng địa phương tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động tại bãi tắm.
4. Phối hợp với Sở Du lịch, các ngành chức năng tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố về cơ chế, chính sách, quy hoạch, quản lý, sử dụng và bảo vệ bãi tắm.
5. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Du lịch, các cơ quan, đơn vị có liên quan phân luồng và xác định vị trí điểm neo đậu cho các phương tiện thủy nội địa xung quanh các khu vực bãi tắm đảm bảo an toàn cho nhân dân, khách du lịch tắm biển.
6. Đôn đốc đơn vị khai thác bãi tắm báo cáo hoạt động khai thác, quản lý bãi tắm quy định tại khoản m, điểm 2, Điều 9 của Quy chế này.
Điều 18. Sở Du lịch (Cơ quan thường trực) chủ trì đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế này. Các cơ quan, Sở, ngành, địa phương liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ theo chuyên ngành, địa bàn quản lý, trách nhiệm quy định tại Chương IV báo cáo việc quản lý nhà nước đối với các bãi tắm theo yêu cầu đột xuất./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.