ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2024/QĐ-UBND |
Quảng Nam, ngày 02 tháng 02 năm 2024 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ MIỄN NHIỆM, TỪ CHỨC ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC GIỮ CHỨC VỤ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ THUỘC CÁC SỞ, BAN, NGÀNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP THUỘC UBND TỈNH QUẢNG NAM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18/6/2020;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13/11/2008; Luật Viên chức ngày 11/11/2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25/11/2019;
Căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 07/12/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP; Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 3003/TTr-SNV ngày 31/12/2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về miễn nhiệm, từ chức đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc các Sở, Ban, ngành, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh Quảng Nam.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15/02/2024.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ
MIỄN NHIỆM, TỪ CHỨC ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC GIỮ CHỨC VỤ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ
THUỘC CÁC SỞ, BAN, NGÀNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP THUỘC UBND TỈNH QUẢNG NAM
(Kèm theo Quyết định số #sovb /2024/QĐ-UBND ngày #nbh /01/2024 của
UBND tỉnh Quảng Nam)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định về miễn nhiệm, từ chức đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc các Sở, Ban, ngành, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh Quảng Nam.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp trưởng, cấp phó trưởng phòng và tương đương thuộc Sở, Ban, ngành; cấp trưởng, cấp phó ban, chi cục thuộc Sở, Ban, ngành.
2. Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp trưởng, cấp phó trưởng phòng và tương đương thuộc ban, chi cục thuộc Sở, Ban, ngành.
3. Viên chức quản lý cấp trưởng, cấp phó và tương đương đơn vị sự nghiệp thuộc Sở, Ban, ngành, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh.
4. Viên chức quản lý cấp trưởng, cấp phó phòng và tương đương thuộc đơn vị sự nghiệp thuộc Sở, Ban, ngành, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh.
Điều 3. Nguyên tắc thực hiện
1. Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ và phải đảm bảo đối tượng, quy trình, thủ tục.
2. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
3. Các cấp ủy, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu nêu cao trách nhiệm trong việc miễn nhiệm, từ chức đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
4. Kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý khi có đủ căn cứ. Không thực hiện việc cho từ chức đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc trường hợp phải miễn nhiệm.
5. Trường hợp Trung ương, Tỉnh uỷ có quy định khác so với nội dung quy định tại Quy định này thì thực hiện theo các quy định của Trung ương, Tỉnh uỷ.
Điều 4. Giải thích từ ngữ
1. Miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ khi chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức.
2. Từ chức là việc công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
3. Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, làm giảm uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi đảng viên sinh hoạt, công tác.
4. Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, gây dư luận xấu, rất bức xúc trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, làm mất uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi đảng viên sinh hoạt, công tác.
5. Cấp có thẩm quyền là tổ chức hoặc cá nhân được phân cấp quản lý, phân công, ủy quyền bằng văn bản để thực hiện một hoặc một số chức năng, nhiệm vụ của tổ chức.
Điều 5. Trách nhiệm, thẩm quyền xem xét miễn nhiệm, từ chức
1. Các Sở, Ban, ngành, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh xem xét, thực hiện miễn nhiệm, từ chức đối với công chức, viên chức theo phân cấp khi có đủ căn cứ theo Quy định này; đề xuất, báo cáo Ban cán sự đảng UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) cho ý kiến thực hiện miễn nhiệm, từ chức đối với công chức, viên chức thuộc diện Ban cán sự đảng UBND tỉnh quản lý đang công tác tại cơ quan, đơn vị.
2. Các Sở, Ban, ngành, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý theo phân cấp quản lý.
Chương II
CĂN CỨ XEM XÉT MIỄN NHIỆM, TỪ CHỨC
Điều 6. Căn cứ xem xét miễn nhiệm
Việc xem xét miễn nhiệm đối với công chức, viên chức được căn cứ vào một trong các trường hợp sau:
1. Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà cấp có thẩm quyền xác định là năng lực hạn chế, uy tín giảm sút.
2. Bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo hai lần trở lên trong thời hạn bổ nhiệm.
3. Có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định.
4. Có 02 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.
5. Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác.
6. Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm.
7. Một số trường hợp khác theo quy định của Đảng và Nhà nước.
Điều 7. Căn cứ xem xét từ chức
Việc xem xét đối với công chức, viên chức xin từ chức được căn cứ vào một trong các trường hợp sau:
1. Do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.
2. Để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng.
3. Có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định.
4. Do không đủ sức khỏe hoặc vì các lý do chính đáng khác.
5. Theo yêu cầu nhiệm vụ.
Điều 8. Căn cứ xem xét việc miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu
Việc xem xét miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực; căn cứ vào một trong các trường hợp sau:
1. Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.
2. Người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tùy tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho miễn nhiệm hoặc từ chức.
3. Cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.
Chương III
QUY TRÌNH XEM XÉT MIỄN NHIỆM, TỪ CHỨC VÀ BỐ TRÍ CÔNG TÁC ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC SAU KHI MIỄN NHIỆM, TỪ CHỨC
Điều 9. Quy trình xem xét miễn nhiệm, từ chức
1. Khi có đủ căn cứ miễn nhiệm, từ chức, chậm nhất trong 10 ngày làm việc thì người đứng đầu hoặc cấp phó người đứng đầu trong trường hợp khuyết người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng công chức, viên chức hoặc cơ quan tham mưu về công tác cán bộ có trách nhiệm trao đổi với công chức, viên chức và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
2. Trong 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận văn bản đề nghị và đầy đủ hồ sơ xem xét miễn nhiệm, từ chức của công chức, viên chức theo quy định, cấp có thẩm quyền phải xem xét, thảo luận, biểu quyết bằng phiếu kín, quyết định việc miễn nhiệm, cho từ chức; trường hợp cần thiết vì lý do khách quan thì có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày làm việc. Việc quyết định miễn nhiệm, cho từ chức đối với công chức, viên chức phải được trên 50% tổng số thành viên được triệu tập đồng ý; trường hợp đạt tỷ lệ 50% thì do người đứng đầu quyết định.
3. Căn cứ quyết định của cấp có thẩm quyền, các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện quy trình, thủ tục theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệ, quy chế hoạt động của từng tổ chức.
4. Khi đơn từ chức chưa được cơ quan có thẩm quyền đồng ý thì công chức, viên chức có đơn từ chức vẫn phải tiếp tục thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Điều 10. Hồ sơ miễn nhiệm, từ chức
1. Tờ trình của cơ quan tham mưu về công tác cán bộ.
2. Quyết định, kết luận, thông báo, ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, biên bản hội nghị, đơn của công chức, viên chức xin từ chức, báo cáo đề nghị của cơ quan, đơn vị sử dụng công chức, viên chức và các tài liệu có liên quan.
Điều 11. Việc bố trí công tác đối với công chức, viên chức sau khi từ chức
1. Công chức, viên chức sau khi từ chức tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ thôi việc thì cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.
2. Công chức, viên chức sau khi từ chức nếu có nguyện vọng tiếp tục công tác thì cấp có thẩm quyền có thể căn cứ vào năng lực, đạo đức, kinh nghiệm, thời gian công tác còn lại để xem xét, bố trí công tác phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
3. Công chức, viên chức đã từ chức và bố trí công tác khác, nếu được cấp có thẩm quyền đánh giá tốt, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và khắc phục được những yếu kém, sai phạm, khuyết điểm thì có thể được xem xét để quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định.
Điều 12. Việc bố trí công tác đối với công chức, viên chức sau khi miễn nhiệm
1. Công chức, viên chức sau khi miễn nhiệm tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ thôi việc thì cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định. Trường hợp công chức, viên chức bị miễn nhiệm do xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ trong hai năm liên tiếp thì cấp có thẩm quyền cho thôi việc theo quy định.
2. Công chức, viên chức sau khi miễn nhiệm nếu có nguyện vọng tiếp tục công tác thì cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí như sau:
a) Trường hợp còn dưới 05 năm công tác bố trí làm công tác chuyên môn (không làm công tác lãnh đạo, quản lý), được giữ nguyên ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức đã được bổ nhiệm.
b) Trường hợp còn từ 05 năm công tác trở lên thì tùy tình hình thực tế tại các cơ quan, đơn vị, cấp có thẩm quyền sẽ xem xét, bố trí công tác khác theo hướng giảm một cấp so với chức vụ miễn nhiệm. Sau 24 tháng ở vị trí công tác mới, nếu khắc phục tốt những sai phạm, khuyết điểm, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, cấp có thẩm quyền sẽ xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lại chức danh đã đảm nhiệm hoặc tương đương.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
1. Sở Nội vụ chủ trì hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc triển khai thực hiện Quy định này; đồng thời, tham mưu UBND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh thực hiện các nội dung liên quan theo thẩm quyền.
2. Các Sở, Ban, ngành, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện Quy định này, hướng dẫn cho các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện đúng quy định.
3. Trong quá trình thực hiện, trường hợp có khó khăn, vướng mắc phát sinh, các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh bằng văn bản về Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.