ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/QĐ-UBND |
Đà Nẵng, ngày 02 tháng 01 năm 2024 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ CÁC SỰ KIỆN ĐƯỢC TỔ CHỨC TẠI CÁC ĐỊA ĐIỂM CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng tại Công văn số 3731/SVHTT-QLVH ngày 15 tháng 11 năm 2023, và ý kiến các thành viên UBND thành phố.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp quản lý các sự kiện được tổ chức tại các địa điểm công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Thủ trưởng các sở, ngành: Văn hóa và Thể thao, Du lịch, Giao thông vận tải, Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội; Giám đốc Công an thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP QUẢN LÝ CÁC
SỰ KIỆN ĐƯỢC TỔ CHỨC TẠI CÁC ĐỊA ĐIỂM CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 03/QĐ-UBND ngày 02 tháng 01 năm 2024 của
UBND thành phố Đà Nẵng)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định các loại sự kiện được tổ chức; danh sách các địa điểm công cộng được tổ chức; quy trình tiếp nhận việc đăng kí tổ chức sự kiện và trình cấp có thẩm quyền chủ trương cho phép tổ chức sự kiện; trách nhiệm của đơn vị, cá nhân tổ chức sự kiện; trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong việc cho ý kiến về việc tổ chức sự kiện và công tác quản lý nhà nước trước, trong và sau khi kết thúc các sự kiện.
2. Quy chế này được áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương và tổ chức, cá nhân có liên quan đến tổ chức sự kiện tại các địa điểm công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
3. Đối với các sự kiện cụ thể do thành phố phê duyệt và ban hành kế hoạch tổ chức thì không áp dụng Quy chế này.
4. Đối với các sự kiện hoạt động hội chợ, triển lãm thương mại tại các địa điểm do Sở Công thương tham mưu tổ chức thì không áp dụng theo Quy chế này mà thực hiện theo Quyết định số 683/QĐ-UBND ngày 07/4/2023 của UBND thành phố về Quy chế phối hợp quản lý hoạt động hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Điều 2. Nguyên tắc quản lý, phối hợp
1. Các sự kiện tổ chức tại các địa điểm công cộng theo quy định Quy chế này được thực hiện khi đã có Văn bản đồng ý chủ trương chấp thuận cho phép tổ chức của Chủ tịch UBND thành phố trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao một cách công khai, minh bạch, bình đẳng, đúng quy định.
2. Trường hợp các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (sau đây gọi tắt là đơn vị tổ chức sự kiện) đăng kí tổ chức sự kiện tại cùng một thời gian, tại cùng một địa điểm công cộng thì thứ tự ưu tiên cho các sự kiện do các cơ quan, đơn vị Nhà nước, địa phương của thành phố tổ chức; các sự kiện có nội dung, chương trình có ý nghĩa; các sự kiện đăng kí trước và đơn vị tổ chức sự kiện có năng lực tổ chức, uy tín hơn.
3. Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động, phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước trong quá trình tham mưu chủ trương và tổ chức sự kiện; theo dõi, bảo trì, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng, môi trường, vệ sinh, y tế, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, điện lực...; kiểm tra và xử lý vi phạm; cử người có thẩm quyền và đủ năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu về nội dung công việc, phối hợp và chịu trách nhiệm về nội dung phối hợp mà mình thực hiện.
Điều 3. Quy định về sự kiện tổ chức tại các địa điểm công cộng
1. Sự kiện tổ chức tại các địa điểm công cộng là các hoạt động được tổ chức có thời hạn nhất định tại các địa điểm công cộng, với mục đích tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước theo quy định; quảng bá văn hóa, hình ảnh, con người Đà Nẵng; tạo sân chơi lễ hội, sự kiện sôi nổi, lành mạnh, thu hút nhiều người dân tham gia, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, vật chất của Nhân dân thành phố và du khách.
2. Quy mô sự kiện được tổ chức phải phù hợp với cơ sở hạ tầng tại các địa điểm công cộng và các quy định liên quan công tác tổ chức theo quy định hiện hành. Đơn vị tổ chức sự kiện không được bán vé, thu tiền vào cổng của người tham dự các sự kiện.
3. Loại hình sự kiện được tổ chức tại các địa điểm công cộng bao gồm:
a) Các chương trình, sự kiện chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa, xã hội, ngoại giao.
b) Các hoạt động chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm của thành phố và đất nước.
c) Các lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo.
d) Các hoạt động quảng bá sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp gắn với chương trình văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí.
đ) Các sự kiện cụ thể khác do Chủ tịch UBND thành phố cho phép tổ chức.
Điều 4. Danh sách địa điểm công cộng được tổ chức sự kiện
1. Địa điểm công cộng được sử dụng tạm thời để tổ chức sự kiện theo quy định tại Quy chế này là các khu vực công viên, lòng đường, vỉa hè, sàn cảnh quan, khu đất trống công cộng, bao gồm:
a) Khu vực Quảng trường 29/3 và phía trước Đài tưởng niệm của thành phố.
b) Công viên bờ Đông của cầu rồng (khu đất trống đường Lý Nam Đế - đường Trần Hưng Đạo).
c) Các khu vực tại các bãi biển du lịch Đà Nẵng và công viên Biển Đông.
d) Trên cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi.
đ) Các địa điểm dọc trục tổ chức lễ hội 2 bên bờ sông Hàn: Vỉa hè và Công viên APEC, đường Bạch Đằng (nối dài); các sàn cảnh quan và khuôn viên, vỉa hè đường Bạch Đằng, đường Như Nguyệt; các sàn cảnh quan và khuôn viên, vỉa hè tuyến đường Trần Hưng Đạo.
e) Các địa điểm công cộng khác do Chủ tịch UBND thành phố quyết định cho từng sự kiện cụ thể.
2. Chủ tịch UBND thành phố có Văn bản thống nhất chủ trương khi thay đổi hoặc bổ sung các địa điểm công cộng được tổ chức sự kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều này trên cơ sở đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao và các đơn vị liên quan.
Chương II
QUY ĐỊNH PHỐI HỢP QUẢN LÝ TỔ CHỨC SỰ KIỆN TẠI CÁC ĐỊA ĐIỂM CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
Điều 5. Quy trình đề nghị chủ trương tổ chức sự kiện tại các địa điểm công cộng
1. Đơn vị tổ chức sự kiện có văn bản đăng kí tổ chức sự kiện gửi đến Sở Văn hóa và Thể thao tối thiểu 21 ngày trước ngày dự kiến tổ chức sự kiện.
2. Sau khi tiếp nhận đăng kí, Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì tổ chức họp hoặc gửi văn bản lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan về chủ trương tổ chức sự kiện trong vòng 02 ngày làm việc.
3. Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan có ý kiến tại cuộc họp hoặc gửi văn bản phản hồi đến Sở Văn hóa và Thể thao trong vòng 03 ngày làm việc; chậm nhất không quá 05 ngày làm việc đối với vấn đề phức tạp, vướng mắc. Nếu quá thời hạn trên, cơ quan, đơn vị, địa phương được lấy ý kiến không có văn bản trả lời thì xem như đã đồng ý và chịu trách nhiệm xử lý nội dung công việc liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
4. Sau khi tiếp nhận ý kiến của các cơ quan, đơn vị, địa phương, Sở Văn hóa và Thể thao tổng hợp ý kiến, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý và tham mưu văn bản đề xuất Chủ tịch UBND thành phố về chủ trương tổ chức sự kiện trong vòng 03 ngày làm việc.
Đối với sự kiện đã có chủ trương của Chủ tịch UBND thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao có văn bản phản hồi ngay cho đơn vị tổ chức sự kiện thực hiện.
5. Sau khi nhận đề xuất, tham mưu của Sở Văn hóa và Thể thao, Chủ tịch UBND thành phố xem xét có Văn bản chủ trương thống nhất hoặc không thống nhất cho tổ chức sự kiện trong vòng 05 ngày làm việc.
Điều 6. Phân công trách nhiệm quản lý hoạt động tổ chức sự kiện tại các địa điểm công cộng
1. Sở Văn hóa và Thể thao
a) Chủ trì, đầu mối tiếp nhận, thẩm định việc đăng kí tổ chức sự kiện tại các địa điểm công cộng theo Quy chế này; xem xét, đề xuất tổ chức sự kiện của đơn vị đăng kí; lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, địa phương; tổng hợp trình Chủ tịch UBND thành phố cho chủ trương; thông báo chủ trương cho đơn vị tổ chức sự kiện và quản lý theo chức năng; phối hợp theo dõi, hướng dẫn đơn vị tổ chức sự kiện trước, trong và sau khi kết thúc sự kiện, kịp thời nắm bắt thông tin phát sinh và báo cáo Chủ tịch UBND thành phố nếu vượt thẩm quyền xử lý.
b) Tổng hợp danh sách cán bộ làm đầu mối do các cơ quan, ngành, địa phương liên quan cử để phối hợp theo dõi, quản lý; chủ động sử dụng các kênh liên lạc trực tuyến để kịp thời trao đổi, xử lý công việc; trường hợp cần thiết, thành lập Tổ công tác liên ngành để hướng dẫn, kiểm tra thực địa, giám sát và xử lý vi phạm (nếu có) trong suốt quá trình đăng kí sự kiện cho đến khi sự kiện kết thúc.
c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện chức năng công tác quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và quảng cáo. Cấp phép hoạt động biểu diễn nghệ thuật và các hoạt động liên quan của sự kiện theo quy định (nếu có).
2. Sở Giao thông vận tải
a) Cho ý kiến về tổ chức sự kiện và các địa điểm công cộng theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Sở.
b) Chủ trì hoặc giao các đơn vị, địa phương hướng dẫn thủ tục bàn giao địa điểm công cộng thuộc quyền quản lý và thường xuyên kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông để tổ chức sự kiện theo đúng quy định của pháp luật.
3. Sở Xây dựng
a) Cho ý kiến về tổ chức sự kiện và các địa điểm công cộng theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Sở.
b) Chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý đảm bảo các điều kiện cần thiết về hạ tầng kỹ thuật (nếu có) trong thời gian diễn ra sự kiện tại các địa điểm công cộng.
c) Có ý kiến, hướng dẫn và thẩm định kết cấu thiết kế các công trình, hạng mục có quy mô lớn đảm bảo an toàn chung cho sự kiện theo quy định pháp luật (nếu có).
4. Sở Du lịch
a) Thực hiện công tác quản lý và tham gia ý kiến, thẩm định đối với các sự kiện, lễ hội liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Sở.
b) Chỉ đạo Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng tham gia ý kiến, phối hợp chặt chẽ và đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật trong quá trình triển khai sự kiện tại các địa điểm công cộng thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý.
c) Thông tin đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, lữ hành và các đơn vị liên quan để hỗ trợ triển khai, quảng bá các sự kiện, thu hút du khách.
5. Sở Công Thương
a) Thực hiện công tác quản lý và tham gia ý kiến, thẩm định đối với các sự kiện liên quan đến hoạt động hội chợ, triển lãm thương mại theo chức năng và nhiệm vụ được giao của Sở.
b) Thông báo với Sở Văn hóa và Thể thao về sử dụng các địa điểm công cộng nêu trong Quy chế này khi tổ chức các hội chợ, triển lãm thương mại theo theo Quyết định số 683/QĐ-UBND ngày 07/4/2023 của UBND thành phố, tránh đề xuất trùng lắp sử dụng địa điểm công cộng khi tổ chức các sự kiện.
6. Sở Ngoại vụ: Thực hiện công tác quản lý và tham gia ý kiến, thẩm định về nội dung liên quan đến công tác tổ chức các sự kiện trong lĩnh vực đối ngoại, ngoại giao văn hóa theo chức năng và nhiệm vụ được giao của Sở.
7. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chỉ đạo địa phương, đơn vị liên quan hướng dẫn, đảm bảo vệ sinh môi trường trên các tuyến đường, khu vực xung quanh địa điểm công cộng tổ chức các sự kiện.
8. Công an thành phố
a) Cho ý kiến, thẩm định nội dung về tổ chức sự kiện tại các địa điểm công cộng theo chức năng, nhiệm vụ của Công an thành phố; tham gia, phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động sự kiện trên địa bàn thành phố.
b) Chủ trì quản lý, thẩm định, kiểm tra, giám sát việc đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy đối với hoạt động sự kiện trên địa bàn thành phố. Căn cứ quy mô, tính chất, khả năng tiềm ẩn vấn đề phức tạp, Giám đốc Công an thành phố quyết định việc triển khai lực lượng tham gia hỗ trợ bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy. Chủ trì, phối hợp xử lý các hành vi vi phạm về an ninh trật tự trước, trong và sau khi tổ chức sự kiện.
9. UBND các quận, huyện
a) Cho ý kiến về tổ chức sự kiện và các địa điểm công cộng trên địa bàn theo thẩm quyền của địa phương.
b) Trực tiếp quản lý, xem xét, quyết định chủ trương tổ chức sự kiện tại các địa điểm công cộng ngoài các địa điểm công cộng quy định tại Khoản 1 Điều 4 Quy chế này thuộc thẩm quyền quyết định, quản lý của địa phương. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Chủ tịch UBND thành phố.
c) Chủ động phối hợp với Công an thành phố, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan trong quá trình bàn giao địa điểm công cộng; theo dõi, kiểm tra, xử lý các vấn đề phát sinh việc tổ chức sự kiện tại địa phương theo thẩm quyền.
Điều 7. Trách nhiệm của các đơn vị tổ chức sự kiện
1. Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý và sử dụng địa điểm công cộng tổ chức sự kiện và các quy định tại Quy chế này.
2. Có cam kết bằng văn bản tổ chức thực hiện sự kiện trước khi Chủ tịch UBND thành phố cho chủ trương, tránh hoãn, dừng tổ chức sự kiện sau khi có chủ trương tổ chức; không được ủy quyền cho đơn vị thứ 2 tổ chức sự kiện.
3. Chịu trách nhiệm xây dựng phương án và đảm bảo thực hiện an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại sự kiện; đảm bảo an toàn kết cấu, tải trọng các công trình, hạng mục có liên quan, không làm ảnh hưởng đến công tác vận hành các công trình hạ tầng kỹ thuật tại địa điểm công cộng, báo cáo và được cơ quan chức năng phê duyệt có ý kiến thống nhất trước khi tổ chức sự kiện; đảm bảo công tác vệ sinh môi trường; thu dọn các phương tiện, thiết bị và hoàn trả nguyên trạng mặt bằng sau khi tổ chức; chịu trách nhiệm bồi thường, chi trả toàn bộ chi phí cho việc sửa chữa, khôi phục nguyên trạng các hạng mục nêu trên nếu để xảy ra hư hỏng trong quá trình tổ chức; chủ động thông báo và làm việc với các cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương trong quá trình chuẩn bị, triển khai sự kiện.
4. Nộp các khoản phí sử dụng tạm thời địa điểm công cộng tổ chức sự kiện theo quy định hiện hành (nếu có).
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 8. Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan hướng dẫn, tuyên truyền tổ chức thực hiện Quy chế; làm đầu mối theo dõi, báo cáo tình hình thực hiện Quy chế và đề xuất UBND thành phố sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp với thực tiễn.
Điều 9. Hàng năm, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tại Quy chế này, các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ nội dung chi, mức chi theo chế độ hiện hành để lập dự toán kinh phí thực hiện (nếu có), gửi cơ quan tài chính cùng cấp tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo phân cấp đảm bảo theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Điều 10. Trong quá trình triển khai thực hiện Quy chế, nếu có vướng mắc, khó khăn và phát sinh, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh bằng văn bản về UBND thành phố (thông qua Sở Văn hóa và Thể thao) để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét, giải quyết./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.