ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2024/QĐ-UBND |
Hải Phòng, ngày 01 tháng 02 năm 2024 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN QUẦN ĐẢO CÁT BÀ
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 06 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 235/TTr-SNN ngày 15 tháng 12 năm 2023.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2024.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Du lịch, Văn hóa và Thể thao, Xây dựng, Tài chính, Ngoại vụ, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải; Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Bà; Trưởng ban Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà và các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
QUY CHẾ
QUẢN LÝ KHU DỰ TRỮ
SINH QUYỂN QUẦN ĐẢO CÁT BÀ
(Kèm theo Quyết định số 03/2024/QĐ-UBND ngày 01/02/2024 của Ủy ban nhân dân
thành phố Hải Phòng)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định nguyên tắc quản lý; vị trí, diện tích và phân vùng quản lý; hệ thống tổ chức và cơ chế quản lý; quy định về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có liên quan nhằm mục đích thực hiện tốt chức năng quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà (sau đây gọi tắt là Khu DTSQ Cát Bà).
2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với các Sở, ban, ngành, tổ chức, cá nhân có hoạt động trong phạm vi Khu DTSQ Cát Bà.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Khu Dự trữ sinh quyển thế giới: Là hệ thống những vùng có các hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái ven biển hoặc những hệ sinh thái kết hợp những thành phần đó được quốc tế công nhận trong phạm vi Chương trình của UNESCO về Con người và Sinh quyển (MAB). Khu Dự trữ sinh quyển được quy hoạch nhằm thúc đẩy các giải pháp cân bằng giữa bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững. Do Chính phủ đệ trình, Khu Dự trữ sinh quyển được quốc tế công nhận và vẫn nằm trong chủ quyền quốc gia nơi nó tồn tại.
2. Vùng lõi: Gồm một hoặc nhiều khu bảo vệ nghiêm ngặt nhằm bảo tồn cảnh quan, hệ sinh thái, loài và nguồn gen.
3. Vùng đệm: Bao quanh hoặc tiếp giáp một hoặc nhiều vùng lõi, là nơi diễn ra các hoạt động phù hợp với các thực hành sinh thái lành mạnh nhằm hỗ trợ nghiên cứu khoa học, giám sát, đào tạo và giáo dục.
4. Vùng chuyển tiếp: Nơi cộng đồng thúc đẩy các hoạt động kinh tế và nhân văn bền vững về các mặt văn hóa - xã hội và sinh thái.
Điều 3. Vị trí, diện tích và phân vùng quản lý
1. Vị trí, diện tích
Khu DTSQ Cát Bà có tổng diện tích 26.418,9 ha (thuộc địa bàn 7 xã, thị trấn: Gia Luận, Hiền Hào, Phù Long, Việt Hải, Trân Châu, Xuân Đám, thị trấn Cát Bà và vùng biển giáp ranh địa giới hành chính huyện Cát Hải); bao gồm: 03 vùng lõi, 03 vùng đệm và 02 vùng chuyển tiếp. Tọa độ trung tâm của Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà là (X=2.300.891 m; Y=630.617 m).
2. Phân vùng quản lý
a) Vùng lõi: Tổng diện tích 6.278,6 ha. Trong đó:
Vùng lõi 1: Tây Bắc thuộc địa bàn xã Phù Long, diện tích 488,5 ha.
Vùng lõi 2: Đông Nam thuộc địa bàn 03 xã: Gia Luận, Trân Châu và Việt Hải, diện tích 5.629,7 ha.
Vùng lõi 3: Đông Nam thuộc thị trấn Cát Bà, diện tích 160,4 ha.
Vùng lõi là khu vực dành riêng cho bảo tồn đa dạng sinh học, giám sát diễn thế các hệ sinh thái; cho phép các hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục mà không ảnh hưởng tới tính đa dạng sinh học của khu vực. Nhiệm vụ chính của vùng lõi là bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên còn tương đối nguyên vẹn, bảo tồn các nguồn gen động, thực vật quý hiếm, các loài đặc hữu của khu dự trữ sinh quyển.
b) Vùng đệm: Tổng diện tích vùng đệm 8.797,1 ha. Trong đó:
Vùng đệm 1 (đệm bao quanh): Thuộc địa bàn 02 xã: Phù Long, Gia Luận, diện tích 1.902,4 ha.
Vùng đệm 2 (đệm trung tâm Việt Hải): Thuộc địa bàn xã Việt Hải, diện tích là 238,3 ha.
Vùng đệm 3 (đệm bao quanh): Thuộc địa bàn 06 xã, thị trấn: Phù Long, Gia Luận, Trân Châu, Hiền Hào, Việt Hải, thị trấn Cát Bà, diện tích 6.656,4 ha.
Vùng đệm là khu vực bao quanh các vùng lõi góp phần hạn chế các hoạt động của con người giúp cho việc bảo tồn đa dạng sinh học ở các vùng lõi. Các hoạt động phát triển kinh tế trên vùng đệm như: khai thác tài nguyên, phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu, giáo dục, đào tạo được triển khai nhằm nâng cao mức sống của người dân vùng đệm; đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo cho việc bảo tồn thành công vùng lõi. Nhiệm vụ chính của vùng đệm là phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, nghiên cứu cơ cấu phục vụ yêu cầu bảo tồn, tuyên truyền giáo dục kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái theo quy định.
c) Vùng chuyển tiếp: Tổng diện tích là 11.343,2 ha. Trong đó:
Vùng chuyển tiếp 1 (Bắc Gia Luận): Thuộc địa bàn 02 xã: Phù Long, Gia Luận, diện tích là 2.249,0 ha.
Vùng chuyển tiếp 2: Thuộc địa bàn 07 xã, thị trấn: Phù Long, Gia Luận, Trân Châu, Hiền Hào, Xuân Đám, Việt Hải, thị trấn Cát Bà và diện tích vùng biển giáp ranh địa giới hành chính huyện Cát Hải, diện tích là 9.094,2 ha.
Vùng chuyển tiếp là nơi tập trung đông cộng đồng dân cư địa phương, cần được khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững, tăng thu nhập cho người dân; các hệ thống sử dụng bền vững đất, nước; xây dựng các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng; chức năng hỗ trợ của các dự án giáo dục môi trường; nghiên cứu khảo sát, bảo vệ và phát triển rừng; các hoạt động sinh kế cộng đồng.
Điều 4. Chức năng, nhiệm vụ Khu Dự trữ sinh quyển
1. Chức năng
Phát huy tốt 03 chức năng của Khu DTSQ Cát Bà:
a) Chức năng bảo tồn: đóng góp vào việc bảo tồn đa dạng di truyền, loài, hệ sinh thái và cảnh quan;
b) Chức năng phát triển: thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững về sinh thái cũng như các giá trị văn hóa truyền thống;
c) Chức năng hỗ trợ: tạo điều kiện cho các hoạt động nghiên cứu, giám sát, giáo dục và trao đổi thông tin giữa các địa phương, trong nước và quốc tế về bảo tồn và phát triển bền vững.
2. Nhiệm vụ
a) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của cộng đồng.
Sự hiểu biết chung về khu vực, di sản thiên nhiên và di sản văn hóa được tuyên truyền và giáo dục dưới mọi hình thức khác nhau.
Cảnh báo về điều kiện môi trường, ô nhiễm, chất thải, chất lượng không khí, đất, nước
Xây dựng các mô hình quản lý sử dụng nguồn lợi hợp lý, nghiên cứu và ứng dụng nguồn năng lượng mới, quản lý và truyền tải thông tin đến vùng sâu, vùng xa.
Thực hiện tuyên truyền, phổ biến dưới nhiều hình thức để tuyên truyền về khái niệm, cấu trúc và chức năng Khu DTDQ Cát Bà.
b) Tổ chức nghiên cứu khoa học.
Chỉ đạo xây dựng các chương trình hoạt động nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực khoa học tự nhiên, xã hội và khoa học quản lý đối với Khu Dự trữ sinh quyển, đặc biệt nghiên cứu và làm rõ chức năng của từng vùng. Nghiên cứu về sự thay đổi, chuyển đổi sử dụng đất, tác động môi trường của các hoạt động kinh tế, du lịch, đề xuất các giải pháp... tạo điều kiện cho các nhà quản lý ra những quyết sách phù hợp với điều kiện và từng hoàn cảnh địa phương.
c) Xây dựng đội ngũ và trợ giúp kỹ thuật.
Đội ngũ chuyên gia, cán bộ cần được hoàn thiện trong kế hoạch quản lý Khu Dự trữ sinh quyển. Nhu cầu giải quyết những vấn đề thực tế quản lý và khả năng đáp ứng của các nhà nghiên cứu, chuyên gia.
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của khu vực và phát triển hài hòa với cảnh quan thiên nhiên khu DTSQ. Các dự án triển khai phải có báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động môi trường (ĐTM) theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Nguyên tắc quản lý
1. Việc quản lý Khu DTSQ Cát Bà cần tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước Quốc tế mà Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên
2. Áp dụng cách tiếp cận quản lý tổng hợp các hệ thống sinh thái xã hội, cảnh quan văn hóa với đa dạng các biện pháp can thiệp ở các cấp độ khác nhau nhằm phù hợp từng trường hợp và hoạt động cụ thể.
3. Điều phối hài hòa và đảm bảo sự tham gia đầy đủ, hiệu quả và công bằng của các bên liên quan bao gồm các tổ chức quốc tế, cơ quan trung ương, cơ quan chức năng thuộc thành phố Hải Phòng, cơ quan chính quyền trên địa bàn Khu Dự trữ sinh quyển, các cơ quan nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học, tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng địa phương và khu vực tư nhân.
Chương II
NỘI DUNG QUẢN LÝ KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN
Điều 6. Nội dung quản lý chính
1. Điều tra, đánh giá, lập kế hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên
a) Các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong phạm vi Khu DTSQ Cát Bà phải được điều tra, đánh giá về thành phần loài, nguồn gen, hệ sinh thái, trữ lượng, khả năng tái sinh, giá trị kinh tế theo kế hoạch năm hoặc định kỳ để làm căn cứ lập kế hoạch bảo tồn và phát triển bền vững ở từng vùng chức năng: Vùng Lõi, Vùng Đệm và Vùng Chuyển tiếp theo quy định của pháp luật.
b) Kế hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên phải gắn với sự cân bằng của các hệ sinh thái Khu DTSQ Cát Bà.
2. Nguyên tắc bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học trong phạm vi Khu DTSQ Cát Bà.
a) Việc bảo vệ đa dạng sinh học phải được thực hiện trên cơ sở bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng dân cư địa phương và các đối tượng có liên quan.
b) Thành lập các ngân hàng gen, cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học để bảo vệ và phát triển các nguồn gen bản địa quý hiếm. Giới hạn việc du nhập các giống loài không phải là bản địa nếu chưa được nghiên cứu và đánh giá một cách khoa học.
c) Xây dựng kế hoạch bảo vệ các loài động, thực vật quý, hiếm, đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng; Áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc săn bắt, khai thác kinh doanh, sử dụng các loài này đồng thời thực hiện các chương trình chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ theo chế độ đặc biệt phù hợp với từng loài.
3. Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo
Khuyến khích việc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được khai thác từ gió, mặt trời, địa nhiệt, nước, sinh khối trong phạm vi Khu DTSQ Cát Bà.
4. Bảo vệ môi trường
a) Việc quy hoạch, xây dựng, cải tạo và phát triển sản xuất và đời sống của nhân dân phải gắn với việc bảo vệ môi trường, có hệ thống thu gom tập trung các loại chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại.
b) Phải có khu vực lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phân loại tại nguồn, chất thải rắn cồng kềnh và các trang thiết bị thu gom, vận chuyển; có khả năng lưu giữ chất thải nguy hại sau khi chất thải rắn sinh hoạt được phân loại theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố.
c) Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân gây ô nhiễm môi trường nước dưới đất có trách nhiệm thực hiện các biện pháp quản lý, xử lý nước thải, chất thải rắn và biện pháp bảo vệ môi trường khác nhằm ngăn chặn việc phát tán chất ô nhiễm vào môi trường nước dưới đất theo quy định về quản lý, xử lý nước thải, chất thải rắn và quy định của pháp luật có liên quan.
d) Mọi tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi Khu DTSQ Cát Bà đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
5. Bảo vệ cảnh quan đối với các công trình xây dựng
Các công trình xây dựng trong phạm vi Khu DTSQ Cát Bà phải bảo đảm các điều kiện như sau:
a) Trong Vùng Lõi: không cho phép xây dựng các công trình, trừ những công trình phục vụ cho mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học và được cấp có thẩm quyền cho phép.
b) Trong Vùng Đệm: chỉ chấp nhận các công trình xây dựng có kết cấu và vật liệu thân thiện với môi trường; xây dựng hài hòa với cảnh quan tự nhiên, không làm vỡ cân bằng sinh thái và được các cấp có thẩm quyền cho phép.
c) Trong Vùng Chuyển tiếp: các công trình xây dựng phải phù hợp với quy hoạch xây dựng và quy hoạch của Khu DTSQ Cát Bà, các khu vực bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt quần đảo Cát Bà, xây dựng các công trình có tính thẩm mỹ cao, có mục đích bảo vệ và phát huy các giá trị của di tích, phù hợp cảnh quan thiên nhiên, giá trị đa dạng sinh học, hệ sinh thái, địa chất, địa mạo và được các cấp có thẩm quyền cho phép.
6. Hoạt động nghiên cứu khoa học
a) Trên cơ sở các quy định hiện hành về nghiên cứu khoa học trong Khu DTSQ Cát Bà, Ban quản lý có trách nhiệm lập kế hoạch nghiên cứu khoa học hằng năm, trình UBND thành phố và các bên có liên quan phê duyệt thực hiện.
b) Việc nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập, thu thập mẫu vật, nguồn gen, vận chuyển, lưu giữ, công bố mẫu vật, nguồn gen của các tổ chức, cá nhân các nhà khoa học trong và ngoài nước phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành, quy chế quản lý và sự hướng dẫn, giám sát của Ban quản lý Khu DTSQ, Vườn Quốc gia Cát Bà
7. Phát triển kinh tế - xã hội đối với cộng đồng dân cư
a) Dân cư sống trong Khu Dự trữ sinh quyển phải chấp hành nghiêm chỉnh Luật Lâm nghiệp, phải tuân theo các quy định trong bản Quy chế này, những quy định của Vườn Quốc gia Cát Bà và Ban quản lý Khu DTSQ Cát Bà.
b) Tổ chức các hoạt động du lịch trong Khu Dự trữ sinh quyển: Việc tổ chức các hoạt động du lịch, tham quan tại các phân khu Khu DTSQ Cát Bà cần phải phối hợp với chính quyền địa phương, Vườn Quốc gia Cát Bà, Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao và các tổ chức có liên quan để thực hiện những quy định.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
Điều 7. Trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Tham mưu, điều phối công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương và các tổ chức, cộng đồng, cá nhân trong và ngoài nước trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của của Ban quản lý Khu DTSQ Cát Bà.
b) Trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm và dài hạn của Ban quản lý Khu DTSQ Cát Bà và chỉ đạo tổ chức thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong quá trình tổ chức thực hiện Quy chế này.
b) Phối hợp với Khu DTSQ Cát Bà thực hiện và triển khai các quy định của Nhà nước đối với loại hình di sản thiên nhiên trong đó có Khu DTSQ Cát Bà.
c) Thu hút các dự án, chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học về đa dạng sinh học, môi trường, tài nguyên.
3. Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải
a) Tham mưu, xây dựng kế hoạch quản lý, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thông địa phương, tuyên truyền giáo dục bảo vệ tài nguyên thiên nhiên Ban quản lý Khu DTSQ Cát Bà đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện.
b) Chủ trì phối hợp với cơ quan chức năng xử lý các trường hợp xâm hại tài nguyên và di sản văn hóa thuộc Ban quản lý Khu DTSQ Cát Bà.
c) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện các chương trình dự án nâng cao điều kiện sống của cộng đồng dân cư trên đảo, hạn chế tối đa những hoạt động gây tác động ảnh hưởng không tốt tới môi trường sinh thái.
d) Tạo điều kiện cho các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học thực hiện các nghiên cứu trên địa bàn Khu DTSQ Cát Bà.
4. Sở Du lịch
a) Tham mưu, quản lý quy hoạch, định hướng sản phẩm du lịch, phát triển du lịch sinh thái và cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái. Phối hợp với Vườn Quốc gia Cát Bà và UBND huyện Cát Hải quản lý, phát triển du lịch sinh thái trên nguyên tắc phát triển du lịch bền vững.
b) Phát triển thương hiệu Nhãn hiệu chứng nhận Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà.
c) Phối hợp với Ban quản lý Khu DTSQ trong việc kiểm tra, giám sát việc dán nhãn hiệu Khu DTSQ Cát Bà.
5. Vườn Quốc gia Cát Bà
a) Tổ chức triển khai các nhiệm vụ bảo tồn và phát triển bền vững Vườn Quốc gia Cát Bà (đặc biệt là vùng lõi và vùng đệm của Khu DTSQ Cát Bà) theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
b) Chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc Vườn phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quảng bá, giới thiệu Khu DTSQ Cát Bà; phối hợp tổ chức các hội thảo, hội nghị liên quan đến hoạt động của Ban quản lý Khu DTSQ Cát Bà tại Vườn.
c) Tạo điều kiện cho các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học thực hiện các nghiên cứu trên địa bàn Vườn Quốc gia Cát Bà.
6. Sở Xây dựng
Tham mưu việc cập nhật về vị trí, phạm vi ranh giới và một số nội dung liên quan của Khu dự trữ sinh quyển trong các đồ án quy hoạch xây dựng liên quan do các cơ quan có thẩm quyền lập và phê duyệt.
7. Sở Văn hóa và Thể thao
a) Tham mưu trong công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh của Khu DTSQ quần đảo Cát Bà.
b) Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước nhằm bảo vệ và phát huy giá trị quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải theo quy định của Luật Di sản văn hóa đối với Khu dự trữ sinh quyển.
8. Sở Tài chính
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, tổng hợp dự toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt; tổng hợp quyết toán theo quy định.
b) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huy động, tiếp nhận các nguồn lực trong nước và quốc tế để thực hiện các chương trình, dự án, các hoạt động nhằm bảo tồn và phát triển bền vững Khu DTSQ Cát Bà theo các quy định của pháp luật.
9. Sở Ngoại vụ
a) Tham mưu, thực hiện công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh, giá trị nổi bật của Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà theo các kênh đối ngoại.
b) Thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế; xúc tiến, vận động các đối tác, tổ chức nước ngoài triển khai các chương trình, dự án, nhằm bảo tồn và phát triển Khu Dự trữ sinh quyển.
c) Phối hợp hướng dẫn, tạo điều kiện cho các cơ quan nghiên cứu quốc tế, các nhà khoa học nước ngoài thực hiện nghiên cứu và các hoạt động giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, hội nghị, hội thảo, tập huấn tại Khu DTSQ Cát Bà theo quy định hiện hành.
10. Sở Khoa học và Công nghệ
a) Đẩy mạnh thực hiện Chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế thành phố Hải Phòng, lĩnh vực: sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Đề án khung bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen thành phố Hải Phòng, góp phần bảo tồn và phát triển sinh thái biển bền vững;
b) Hỗ trợ tổ chức, cá nhân tìm kiếm công nghệ, nhập khẩu công nghệ, khai thác sáng chế, giải mã và làm chủ công nghệ phục vụ bảo tồn, phục hồi và phát triển các hệ sinh thái và cảnh quan Khu DTSQ;
c) Đẩy mạnh thực hiện Chương trình hợp tác trong nước và quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thành phố Hải Phòng, trong đó chú trọng các hoạt động liên kết, hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ phục vụ bảo tồn và phát triển bền vững Khu DTSQ”.
11. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp cùng Sở Ngoại vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thôn huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế để thực hiện các chương trình, dự án, các hoạt động nhằm bảo tồn và phát triển bền vững Khu DTSQ theo các quy định của pháp luật./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.