ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2006/QĐ-UBND |
Quảng Ngãi, ngày 13 tháng 01 năm 2006 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 50/2005/QĐ-TTg ngày 11/3/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi
Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Khóa XVII) tại Thông báo số 05-TB/TU ngày 11/01/2006;
Căn cứ Quyết định số 130/2005/QĐ-UBND ngày 18/11/2005 về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh và Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất trong quá trình đầu tư – phát triển Khu kinh tế Dung Quất;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động đẩy mạnh phát triển Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
Điều 2. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các Huyện, Thành phố, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KHU KINH TẾ DUNG QUẤT ĐẾN
NĂM 2010, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 03 /2006/QĐ-UBND
ngày 13 tháng 01 năm 2006 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)
TỔNG QUÁT VỀ HIỆN TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KHU KINH TẾ DUNG QUẤT
I. Khái quát hiện trạng của KKT Dung Quất đến năm 2005:
1. Về Qui hoạch:
Đến cuối năm 2005, đã hoàn thành Qui hoạch tổng thể phát triển Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Ngoài ra, đã hoàn thành Qui hoạch một số khu chức năng như sau:
+ Khu Công nghiệp phía Đông, Khu Công nghiệp phía Tây, Hệ thống cảng Dung Quất gắn với Khu Bảo thuế và các dịch vụ hậu cần cảng.
+ Qui hoạch chung và Qui hoạch chi tiết Khu đô thị - Thành phố và Khu dịch vụ du lịch Vạn Tường;
+ Qui hoạch tổng thể môi trường và Qui hoạch tổ chức bố trí dân cư trong Khu kinh tế Dung Quất.
+ Đang triển khai Qui hoạch chi tiết hệ thống đường sắt nối từ đường sắt quốc gia vào Cảng Dung Quất.
2. Về Kết cấu hạ tầng:
Tổng vốn đầu tư cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong khu kinh tế đến cuối năm khoảng 2.000 tỉ đồng (trong đó vốn ngân sách Nhà nước chiếm khoảng 30-35%).
- Hạ tầng kỹ thuật:
+ Đã hoàn thành cơ bản hệ thống hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1, bao gồm: Hệ thống giao thông trục chính có tổng chiều dài khoảng 91 km; các tuyến điện 220 KV, 110 KV, 22 KV, các trạm biến áp tương ứng và đường dây 500 KV Pleiku - Dung Quất – Đà Nẵng; Hệ thống thông tin liên lạc 512 số (giai đoạn 1), cột Anten 40 m, phủ sóng toàn bộ Khu kinh tế Dung Quất, đang xây dựng 03 trạm viễn thông và tổng đài điện tử HOST với 8.632 số từ nguồn vốn ODA; Nhà máy nước (giai đoạn 1), công suất 15.000 m3/ngày/đêm; Sân bay Chu lai đã đi vào hoạt động từ tháng 3.2005; Đang xây dựng đê chắn sóng phía Đông có chiều dài khoảng 1.600 m; Kè chắn cát phía Tây giai đoạn 1 có chiều dài khoảng 1.000 m;
+ Hoàn thành và đưa vào sử dụng Bến cảng số 1, cho phép đón tàu có tải trọng trên 20.000 tấn. Tiếp tục đầu tư 02 bến cảng tổng hợp hàng hoá container số 1 và số 2; đến năm 2006 ÷ 2007, đảm bảo cho tàu có trọng tải 30.000 tấn ra vào, đang chuẩn bị triển khai xây dựng cảng chuyên dùng cho các nhà máy công nghiệp nặng.
+ Hoàn thành cơ bản hạ tầng kỹ thuật phân khu công nghiệp Sài gòn-Dung Quất có diện tích 118 ha và tiếp tục mở rộng thêm về phía Nam 50 ha.
- Hạ tầng xã hội và môi trường:
+ Đã xây dựng hoàn thành các công trình như: Trường đào tạo nghề Dung Quất với qui mô 2.000 học sinh /năm; Trung tâm quan trắc, giám sát môi trường; Các khu tái định cư phía Đông và phía Tây (giai đoạn 1) với diện tích khoảng 57 ha, bảo đảm yêu cầu tái định cư cho trên 2.000 hộ gia đình. Các khu nghĩa địa Bình Đông, Bình Hoà, Bình Trị với diện tích 21 ha.
+ Đang khẩn trương triển khai xây dựng và hoàn thành các công trình: Bệnh viện Dung Quất giai đoạn 1 qui mô 100 giường bệnh; Đài thu phát lại truyền hình với tháp Anten cao 80 m; Trung tâm văn hoá thể thao (giai đoạn 1) khoảng 2000 chỗ ngồi; đang triển khai xây dựng Lâm viên Vạn Tường 367 ha; Khu xử lý chất thải rắn giai đoạn 1 (10 ha); hệ thống thoát nước mưa và xử lý nước thải khu dân cư và chuyên gia thành phố Vạn Tường; Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp để cung cấp dịch vụ hỗ trợ giống và kỹ thuật cho các hộ dân thuộc diện tái định cư.
3. Công tác quản lý đất đai:
Đã cấp đất cho các dự án đầu tư với tổng diện tích trên 1.500 ha, di dời trên 1.300 hộ dân đến các khu tái định cư và di chuyển trên 20.000 ngôi mộ.
4. Về đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực:
Trường đào tạo nghề Dung Quất đã và đang đào tạo 5.000 học sinh, trong đó đã tốt nghiệp 2.500 học sinh, cung cấp nhân lực cho các nhà máy trong Khu kinh tế.
5. Về đầu tư của các doanh nghiệp vào trong Khu kinh tế:
+ Tổng số dự án đầu tư được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chấp thuận đầu tư cho trên 90 dự án, với tổng vốn đăng ký tương đương 4,5 tỉ USD.
+ Đến cuối năm 2005, có 25 doanh nghiệp đã hoàn thành và triển khai hoạt động kinh doanh. Giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 150 tỉ đồng (giá 1994); Kim ngạch xuất khẩu ước khoảng 15 triệu USD; Sản lượng hàng hoá thông qua cảng năm 2005 khoảng 800.000 tấn.
II. Định hướng phát triển KKT Dung Quất đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020:
1. Những chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2010:
Tổng vốn đăng ký đầu tư của các doanh nghiệp vào Khu kinh tế Dung Quất đạt 5,5 tỉ - 6 tỉ USD; trong đó vốn thực hiện đạt từ 60-70%.
Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 trên 30.000 tỉ đồng;
Giá trị xuất khẩu năm 2010 trên 120 triệu USD;
Thu ngân sách trong Khu kinh tế năm 2010: 2.000 tỉ đồng;
Số lao động sử dụng đến năm 2010: 15.000 – 20.000 người.
Hàng hoá thông qua cảng Dung Quất năm 2010: 18 triệu tấn.
2. Những mục tiêu phát triển cụ thể đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020:
2.1. Tập trung vào những ngành, lĩnh vực để tạo động lực cho sự phát triển của Khu kinh tế Dung Quất:
- Về Công nghiệp nặng:
+ Hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động Nhà máy lọc dầu số 1 vào năm 2009; đồng thời triển khai xây dựng một số nhà máy hoá dầu, hoá chất như: polypropylen, LAB, Carbon Black, lốp cao su Radial,...; hình thành Cụm liên hợp lọc - hoá dầu khoảng 600 ha;
+ Triển khai đầu tư một số Nhà máy có qui mô lớn gắn với cảng biển nước sâu Dung Quất như: Nhà máy đóng và sửa chữa tàu biển giai đoạn 2, có khả năng đóng tàu trọng tải đến 200.000 DWT và hình thành khu liên hợp công nghiệp tàu thuỷ (có qui mô khoảng 200-300 ha); Triển khai xây dựng Nhà máy luyện cán thép 5 triệu tấn/năm, nhà máy sản xuất xi măng, Nhà máy sản xuất-sửa chữa container, Nhà máy lắp ráp ô tô, hình thành Cụm công nghiệp thép khoảng 400 ha.
- Về Công nghiệp nhẹ:
+ Ưu tiên và thu hút mạnh các dự án đầu tư sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến và xuất khẩu; nhất là các Nhà máy chế biến gỗ, may mặc, giày da xuất khẩu, sản xuất mặt hàng nhựa, điện-điện tử công nghệ cao.
+ Đầu tư khai thác cảng nước sâu Dung Quất gắn với dịch vụ hậu cần cảng: hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác bến cảng tổng hợp số 1 và số 2, bảo đảm tiếp nhận tàu có trọng tải trên 30.000 DWT ; hình thành các tuyến Container nội địa và quốc tế. Mở rộng bến cảng số 1 và 10 bến cảng dầu khí phục vụ quá trình xây dựng và vận hành Nhà máy lọc dầu số 1 và các ngành xăng dầu, hóa chất. hình thành các cảng chuyên dùng, cảng trung chuyển Container quốc tế gắn với việc hình thành Khu bảo thuế.
+ Đầu tư Khu bảo thuế và khu dịch vụ hậu cầu gắn với cảng Dung Quất (diện tích khoảng 250-300 ha) và Khu bảo thuế gắn với sân bay Chu Lai (diện tích khỏang 200 ha).
- Về khu đô thị và du lịch:
+ Từng bước hình thành Khu đô thị Vạn Tường và Đô thị Dốc Sỏi: Tập trung phát triển khu dân cư và chuyên gia (178 ha) và Khu trung tâm phía Bắc đô thị Vạn Tường (180 ha). Xúc tiến việc lựa chọn và thuê tư vấn nước ngoài tham gia điều chỉnh quy hoạch chi tiết và tư vấn quản lý kiến trúc đô thị Van Tường; Tiến hành điều chỉnh quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng, hình thành đô thị Dốc Sỏi (khoảng 50 ha).
+ Hoàn thành đầu tư và khai thác đất Khu du lịch Thiên Đàng (152 ha); đầu tư phát triển một bước khu du lịch sinh thái biển Vạn Tường (khoảng 250 ha/tổng diện tích 438 ha).
+ Khuyến khích thu hút đầu tư và từng bước phát triển các dịch vụ tài chính, ngân hàng, thương mại, viễn thông, dịch vụ cảng… bảo đảm phục vụ cho đầu tư phát triển toàn bộ Khu Kinh tế Dung Quất.
2.2- Tiếp tục hoàn thiện và đầu tư phát triển toàn bộ hệ thống hạ tầng và dịch vụ tiện ích:
- Hoàn thành việc đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật như: kè chắn cát và Đê chắn sóng cảng Dung Quất; Đường ven biển thành phố Vạn Tường (kết nối tuyến ven biển Dung Quất-Sa Huỳnh của tỉnh Quảng Ngãi); Các tuyến giao thông trục chính đô thị Vạn Tường, đặc biệt là tuyến đường giao thông Bình Long-Nhà máy lọc dầu Dung Quất-Ngã ba cảng Dung Quất để phục vụ việc thi công xây dựng và chuẩn bị đi vào vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất; Triển khai đầu tư tuyến trục cao tốc Trì Bình-Cảng Dung Quất và tuyến đường sắt đến cảng Dung Quất; Hệ thống cầu cảng cá và kè sông Trà Bồng; Hệ thống thoát nước và Khu công nghiệp Phía Tây; Đường Dung Quất-Sân bay Chu Lai-cảng Kỳ Hà.
- Hạ tầng xã hội và môi trường: tập trung hoàn thành Trung tâm văn hóa-thể thao, trường phổ thông quốc tế, công viên văn hóa vạn Tường, Trung tâm phòng cháy chữa cháy, các khu tái định cư (giai đoạn 2), Trung tâm kỹ thuật nông lâm nghiệp, khu xử lý chất thải rắn, hệ thống thoát nước mưa và xử lý nước thải trung tâm phía Bắc Vạn Tường, Lâm viên vạn Tường.
Tổng vốn đầu tư hạ tầng giai đoạn 2006-2010 khoảng trên 6.000 tỷ đồng (gấp 3 lần từ năm 1996-2005).
2.3- Tập trung phát triển và đáp ứng nguồn nhân lực:
Tiếp tục xây dựng trường đào tạo nghề Dung Quất và chuyển thành trường Cao đẳng dạy nghề với nhiệm vụ đào tạo đội ngũ công nhân có tay nghề cao, có trình độ quốc tế; đồng thời mở rộng hợp tác đào tạo các nguồn nhân lực khác: Đại học quản trị điều hành doanh nghiệp và tài chính-kế toán doanh nghiệp; cao đẳng lọc-hóa dầu; giám đốc doanh nghiệp; thư ký giám đốc; và quản trị văn phòng; ngoại ngữ, tin học, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ, dịch vụ,… Mục tiêu đào tạo theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực nhưng chất lượng là hàng đầu (chất lượng giáo viên, chất lượng thiết bị và thực hành) đáp ứng nguồn nhân lực cho nhu cầu phát triển bền vững của Khu Kinh tế Dung Quất. Từng bước hướng đào tạo cho yêu cầu xuất khẩu lao động. Đến năm 2010, đào tạo thêm khoảng trên một vạn lao động kỹ thuật có chất lượng, đảm bảo yêu cầu cho các dự án đầu tư vào Khu Kinh tế Dung Quất
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KHU KINH TẾ DUNG QUẤT
I. Chương trình phát triển Công nghiệp phụ trợ:
1. Phát triển các Khu công nghiệp vệ tinh:
- Mục tiêu: Phát triển các Khu công nghiệp Tịnh Phong, Quảng Phú, Phổ Phong trở thành những khu công nghiệp vệ tinh, cung cấp nguyên vật liệu, các sản phẩm là đầu vào cho sản xuất của các nhà máy trong Khu kinh tế cũng như nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt của dân cư, lao động và chuyên gia trong Khu kinh tế.
- Đơn vị phụ trách: Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh.
2. Phát triển các Cụm công nghiệp, làng nghề và các dịch vụ khác:
- Mục tiêu: Phát triển các Cụm công nghiệp, làng nghề tại các Huyện, Thành phố nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phục vụ Khu kinh tế.
- Đơn vị phụ trách: Sở Công nghiệp và UBND các Huyện, Thành phố.
II. Chương trình ứng dụng khoa học, công nghệ mới, xây dựng Khu công nghệ cao:
1. Ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới:
- Mục tiêu: triển khai ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp trong Khu kinh tế.
- Đơn vị phụ trách: Sở Khoa học và Công nghệ.
2. Xây dựng Khu công nghệ cao:
- Mục tiêu: thành lập Khu Công nghệ cao trong Khu kinh tế Dung Quất nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ cao, hoạt động sản xuất có sử dụng công nghệ cao.
- Đơn vị phụ trách: Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất (Chủ đầu tư) và Sở Khoa học và công nghệ.
III. Chương trình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp:
1. Xây dựng Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp:
- Mục tiêu: Hình thành và phát triển Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật Nông lâm nghiệp trong Khu kinh tế Dung Quất nhằm hỗ trợ sản xuất Nông-Lâm nghiệp cho dân cư trong Khu kinh tế, nhất là cư dân tại các khu tái định cư.
- Đơn vị phụ trách: Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất (Chủ đầu tư) và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Xây dựng vành đai thực phẩm an toàn:
- Mục tiêu: Xây dựng vùng sản xuất tập trung, chuyên canh cây trồng, vật nuôi đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cung ứng cho nhu cầu trong Khu kinh tế.
- Đơn vị phụ trách: Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố.
3. Phát triển Thủy sản:
- Mục tiêu: Xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản chất lượng cao và khu chế biến các sản phẩm từ thủy sản phục vụ Khu kinh tế Dung Quất;
- Đơn vị phụ trách: Sở Thủy sản.
IV. Chương trình phát triển Dịch vụ, Du lịch và các Dịch vụ khác:
1. Phát triển Dịch vụ Thương mại:
- Mục tiêu: Phục vụ nhu cầu hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, nhất là các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản tươi sống trong khu kinh tế.
- Đơn vị phụ trách: Sở Thương mại-Du lịch.
2. Phát triển Du lịch:
- Mục tiêu: Phát triển các khu du lịch, điểm du lịch và dịch vụ du lịch trong tổng thể hệ thống du lịch của tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, lưu trú, du lịch đa dạng của nhân dân, lao động và chuyên gia làm việc tại Khu kinh tế.
- Đơn vị phụ trách:
+ Đối với các Khu du lịch và dịch vụ Du lịch trong phạm vi Khu kinh tế Dung Quất: Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất;
+ Đối với các khu du lịch và dịch vụ du lịch ngoài phạm vi Khu kinh tế Dung Quất: Sở Thương mại-Du lịch.
3. Phát triển các Dịch vụ khác:
- Dịch vụ Thông tin, liên lạc:
+ Mục tiêu: xây dựng Kết cấu hạ tầng cho hệ thống thông tin, đáp ứng nhu cầu về bưu chính, viễn thông của Khu kinh tế.
+ Đơn vị phụ trách: Sở Bưu chính viễn thông kết hợp với Bưu điện tỉnh.
- Dịch vụ Tài chính, ngân hàng:
+ Mục tiêu: cung cấp các dịch vụ tài chính ngay tại Khu kinh tế, đáp ứng nhu cầu về các dịch vụ tài chính của các Nhà đầu tư, chuyên gia và nhân dân trong Khu kinh tế.
+ Đơn vị phụ trách: Sở Tài chính, các Ngân hàng.
- Dịch vụ Giao thông-vận tải:
+ Mục tiêu: phát triển dịch vụ vận tải, hình thành các bến xe, điểm đón trả khách, đáp ứng nhu cầu vận tải của Khu kinh tế.
+ Đơn vị phụ trách: Sở Giao thông vận tải.
- Dịch vụ Xuất - Nhập cảnh:
+ Mục tiêu: đáp ứng nhu cầu về các thủ tục Xuất-Nhập cảnh, cư trú cho Nhà đầu tư, Chuyên gia, lao động đến đầu tư và làm việc tại Khu kinh tế ngay tại Khu kinh tế Dung Quất.
+ Đơn vị phụ trách: Công an tỉnh và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh.
- Dịch vụ trong lĩnh vực Hải quan:
+ Mục tiêu: Phát triển các loại hình dịch vụ khai thuê hải quan nhằm giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tin học trong các khâu thủ tục hải quan, tiến tới áp dụng khai hải quan điện tử, khai báo từ xa.
+ Đơn vị phụ trách: Cục Hải quan.
V. Chương trình phát triển đô thị:
- Mục tiêu: Tập trung quản lý quy hoạch đô thị, huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng các khu dân cư, khu chuyên gia, tạo điều kiện và thúc đẩy sự hình thành hệ thống dịch vụ chất lượng cao nhằm đẩy nhanh sự phát triển Thành phố Vạn Tường và đô thị Dốc Sỏi.
- Đơn vị phụ trách: Sở Xây dựng và Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất.
- Đơn vị phối hợp: Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính.
VI. Chương trình quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường:
- Mục tiêu: Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất, tài nguyên và môi trường và các hoạt động khoáng sản trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất; bảo vệ môi trường trong Khu kinh tế Dung Quất nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của Khu kinh tế.
- Đơn vị phụ trách: Sở Tài nguyên và Môi trường và Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất.
- Đơn vị phối hợp: Thanh tra tỉnh, UBND huyện Bình Sơn.
VII. Chương trình đào tạo, nguồn lực:
1. Xây dựng Cơ chế, chính sách về nguồn nhân lực:
- Mục tiêu: xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ công tác đào tạo nhân lực cho Khu kinh tế Dung Quất.
- Đơn vị phụ trách: Sở Nội vụ và Sở Giáo dục đào tạo.
2. Đào tạo công nhân, nguồn nhân lực khác:
- Mục tiêu: đào tạo công nhân, nhân lực quản lý, chuyên gia đáp ứng nhu cầu lao động của các nhà máy trong Khu kinh tế Dung Quất.
- Đơn vị phụ trách: Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và Sở Nội vụ.
VIII. Chương trình Xúc tiến đầu tư:
- Mục tiêu: Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư nhằm tăng khả năng thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào Khu kinh tế.
- Đơn vị phụ trách: Trung tâm xúc tiến đầu tư, Thương mại và Đối ngại tỉnh và Trung tâm xúc tiến đầu tư Khu kinh tế Dung Quất.
Các đơn vị phối hợp là Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư.
IX. Chương trình quảng bá, tuyên truyền:
- Mục tiêu: Tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về khu Kinh tế Dung Quất, các di tích, danh thắng của tỉnh; Xây dựng các thiết chế văn hoá tại Khu kinh tế.
- Đơn vị phụ trách: Sở Văn hoá Thông tin và Đài phát thanh truyền hình.
X. Chương trình Đền bù, tái định cư:
- Mục tiêu: Tạo điều kiện chuyển giao nhanh mặt bằng cho các dự án đầu tư, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình hình thành Khu kinh tế Dung Quất; tập trung đầu tư xây dựng các khu tái định cư có đầy đủ hạ tầng thiết yếu, làm tốt công tác hậu tái định cư, nhất là ổn định cuộc sống và giải quyết việc làm cho người dân thuộc diện đền bù - giải toả trong Khu kinh tế.
- Đơn vị phụ trách: Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, Ban đền bù, tái định cư giải phóng mặt bằng tỉnh, UBND huyện Bình Sơn, Ban Đền bù huyện Bình Sơn.
XI. Chương trình đảm bảo An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, An ninh quốc phòng:
- Mục tiêu: đảm bảo tình hình an ninh chính trị, quốc phòng, trật tự an toàn trong Khu kinh tế Dung Quất.
- Đơn vị phụ trách:
+ Công tác An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội: Công an tỉnh.
+ Công tác lãnh hải, an ninh vùng biển: Bộ Đội Biên phòng tỉnh.
+ Công tác An ninh quốc phòng: Bộ chỉ huy quân sự tỉnh.
XII. Chương trình thực hiện Qui chế phối hợp giữa UBND tỉnh và Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất:
Trên cơ sở nội dung Qui chế phối hợp giữa UBND tỉnh và Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất trong quá trình đầu tư phát triển Khu kinh tế Dung Quất đã được ban hành, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, các Sở, Ban, Ngành, các địa phương thuộc tỉnh có liên quan trao đổi, thống nhất những nội dung, phương thức phối hợp cụ thể, phù hợp với các Ban chuyên môn của Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất để triển khai thực hiện, thường xuyên báo cáo UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.
1. Thống nhất quan điểm, nhận thức về vai trò của Khu kinh tế Dung Quất đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ngãi trong toàn bộ các cơ quan, đơn vị có liên quan từ tỉnh đến các xã, đặc biệt là trong các cơ quan, đơn vị thường xuyên có các hoạt động liên quan đến hoạt động đầu tư phát triển Khu kinh tế Dung Quất.
Các cơ quan, đơn vị của tỉnh cần phải phát động, tổ chức các hoạt động thiết thực, các phong trào thi đua cụ thể, phù hợp, nhằm xây dựng tác phong, thái độ làm việc theo tinh thần “Phát triển Khu kinh tế Dung Quất để phát triển Kinh tế-Xã hội tỉnh Quảng Ngãi”.
Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh có liên quan trực tiếp đến các hoạt động đầu tư phát triển Khu kinh tế Dung Quất cần chú trọng, xem việc xử lý hoặc phối hợp xử lý các vấn đề của Khu kinh tế Dung Quất thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ được UBND tỉnh giao cho cơ quan, đơn vị mình (được nêu rõ trong Qui chế phối hợp giữa UBND tỉnh và Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất) là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, được ưu tiên giải quyết của cơ quan, đơn vị; đồng thời chỉ đạo các bộ phận chuyên môn của cơ quan, đơn vị mình quán triệt, thực hiện nghiêm túc tinh thần này.
2. Tiếp tục triển khai nghiêm túc, có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, tập trung vào việc thực hiện tốt cơ chế “Một cửa” tại các cơ quan, đơn vị trong quan hệ với tổ chức và công dân đồng bộ trong tất cả các cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Các cơ quan, đơn vị cần nghiên cứu, xây dựng và thực hiện sớm cơ chế “một cửa” đối với các công việc hiện nay chưa được thực hiện theo cơ chế này.
Xây dựng tác phong làm việc nghiêm túc, cải thiện lề lối làm việc, nâng cao văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức trong khi thi hành công vụ.
3. Mỗi Sở ngành, địa phương liên quan cần cử 01 cán bộ lãnh đạo trực tiếp và 01 chuyên viên chuyên quản theo dõi, phối hợp và xử lý công việc có liên quan đến Khu kinh tế Dung Quất.
4. UBND các huyện, thành phố (nhất là UBND huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh) phải nhận thức rõ vai trò trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành chức năng của tỉnh và Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất trong quá trình đầu tư – phát triển Khu kinh tế Dung Quất.
5. Có kế hoạch tổ chức phối hợp xử lý công việc chặt chẽ, khoa học, kịp thời và có hiệu quả giữa các đơn vị của tỉnh với các Ban của Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất trong quá trình đầu tư phát triển Khu kinh tế Dung Quất.
6. Tranh thủ sự hỗ trợ tối đa của Chính phủ và các cơ quan chức năng Trung ương trong quá trình phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất để xử lý các vấn đề có liên quan đến quá trình đầu tư phát triển Khu kinh tế Dung Quất.
7. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ được phân công trong Chương trình hành động này, các đơn vị thuộc tỉnh nghiên cứu, xây dựng Chương trình, dự án, kế hoạch hành động cụ thể của đơn vị mình, báo cáo UBND tỉnh xem xét, thông qua để làm cơ sở tổ chức thực hiện.
Các chương trình, kế hoạch có nhu cầu kinh phí, các đơn vị dự trù kinh phí cần thiết cho các hoạt động có liên quan đến Khu kinh tế Dung Quất, lồng ghép trong các kế họach hàng năm, báo cáo UBND tỉnh thông qua Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư để trình UBND tỉnh quyết định./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.